Cuối cùng, thì anh là người yếu đuối. Mấy anh em chia tay nhau ở quán cà phê ven hồ Xuân Hương (Đà Lạt), ai cũng nấn ná chưa muốn lên xe ngay. Có phải sương hồ bảng lảng, hay những con đường vồng vềnh xuống lên níu bước chân, hay không muốn để anh đứng lại một mình khi chúng tôi quay về Hà Nội? Vương Tùng Cương bắt tay chúng tôi, rồi quay phắt đi, dường muốn chia tay dứt khoát, hay không muốn bạn bè nhìn ra nét hoang liêu ẩn hiện trên khuôn mặt mình? Ấy rồi, chính anh quay lại, nhìn theo xe chúng tôi. Nhìn mãi. Buồn trĩu…
Vậy là đã gần mười năm, Vương Tùng Cương gắn bó với mảnh đất mà hàng năm, chi chít hoa dã quỳ nở chói chang, vàng rực, hoang hoải các triền đồi. Quê gốc ở Hưng Yên. Nhưng phụ thân anh theo thời cuộc, lên sinh sống và kết duyên với người phụ nữ làng Mật Ninh, Sen Hồ (Bắc Giang). Tiếng là sinh ra và lớn lên ở đất Mật Ninh, coi đây là quê gốc, là nơi chôn nhau cắt rốn của mình, nhưng trong con mắt người già ở cái làng cổ này, vẫn coi bố con anh là kẻ ngụ cư. Bố mẹ anh tích cóp làm ăn, mua được mảnh đất, dựng ngôi nhà ngói năm gian đường bệ, không thua kém người dân gốc, để con cái không bị mặc cảm người ngụ cư. Ấy rồi lớn lên, mấy anh em nhà anh lại không ở Mật Ninh, mà cùng bìu ríu đi thoát ly, chỉ để lại ông anh trưởng ở nhà hương khói bố mẹ tổ tiên. Dù rời làng Mật Ninh từ thời trẻ, nhưng Vương Tùng Cương vẫn luôn tâm niệm làng Mật Ninh là quê gốc của mình. Cái tâm lý này rất khó giải thích, nếu không phải là người quê Kinh Bắc.
Học hết phổ thông, vào trường đại học. Vương Tùng Cương học khoa báo chí xuất bản. Đất nước những năm bom đạn liên miên, rồi khoác ba lô theo bạn bè ra trận, Vương Tùng Cương từng có ba năm trong quân ngũ. Xuất ngũ, anh về công tác tại Ty văn hóa Hà Bắc.
Độ ấy, anh có gia đình khá điền viên. Chị Khánh vợ anh, vốn là cô diễn viên chèo, chuyển nghề, làm cán bộ cấp phát vật tư của Ty văn hóa. Mấy thứ vật tư nhì nhằng: giấy thếp, giấy đánh máy, ít hộp thuốc vẽ, bột màu, ít vải bạt làm pa-nô áp phích, dăm chục mét dây điện, mấy cái bóng đèn điện màu xanh đỏ để dành cho việc trang trí đường phố ngày lễ tết…ấy mà cũng bao anh cán bộ quèn, mấy văn nghệ sỹ còm của tỉnh phải nhờ vả, cậy cục. Đấy là thời bao cấp, cái gì cũng thiếu. Khi mọi người còn ở tập thể, vách liếp, vách cót, thì gia đình anh đã mua đất, xây nhà đổ hiên tây ở mặt ngõ nhỏ gần phố Nhà thờ. Ông Lê Hồng Dương bấy giờ là trưởng Ty văn hóa, người có tầm nhìn xa trông rộng, phân công Vương Tùng Cương xuống làng Đông Hồ, bên kia sông Đuống, mở đợt phát động các nghệ nhân làng tranh in tranh điệp xuất khẩu sang Nhật. Chiến dịch xuất khẩu mấy vạn bức tranh điệp ở làng Hồ độ ấy, ngoài việc thu về khoản ngoại tệ đáng kể cho thôn xóm, nó còn có ý nghĩa lớn trong công tác quảng bá văn hóa truyền thống của vùng Kinh Bắc ra quốc tế. Độ ấy, Vương Tùng Cương từng ăn ở rầm rề hàng tháng trời ở làng tranh, góp phần đánh thức, thổi một làn gió mới cho công việc in tranh điệp vốn yên ả, thanh bình. Người Đông Hồ khấm khá lên sau đợt làm tranh xuất khẩu, ai cũng bảo nhờ công lao của ông Dương và anh Cương.
Lại nói về công việc thủ kho, cấp vật tư liêm khiết của chị Khánh, cũng giúp gỡ khó cho bao văn nghệ sỹ nghèo trong tỉnh độ ấy. Chả là, chị cấp thạch cao cho mấy anh họa sỹ đổ tượng thạch cao. Mấy anh họa sỹ dè xẻn, bớt chút thạch cao đổ tượng, đem sang tổ sản xuất phấn viết, đổi mấy cút rượu. Hoặc mấy anh làm thơ viết văn phòng văn nghệ, xin cấp giấy viết đư dư để còn chép văn, chép thơ gửi đi in ở các báo kiếm dăm ba đồng nhuận bút. Mấy chị diễn viên đoàn chèo, xin cấp son phấn hóa trang biểu diễn, có thêm son phấn mông má đi diện với người yêu. Còn mấy anh họa sỹ đi vẽ pa-nô áp phích thì khỏi rồi. Hễ một chiến dịch tuyên truyền kỷ niệm này nọ, thể nào cũng xè xẻo bớt được ít vải bạt, ít đây điện hay cái bóng đèn điện màu xanh đỏ để đẩy ra ngoài, kiếm bữa lòng lợn tiết canh. Mỗi lần chị Khánh cấp phát vật tư, Cương lại góp vào một câu, cho anh em dư dả chút ít, vì anh em khốn khổ, thiếu thốn quá.
Thời bao cấp, nghĩ lại, vất vả mà vui. Đến khi kinh tế khá hơn chút, anh đã tháo vát đổi được nhà từ trong ngõ ra ngoài phố nhỏ. Đời sống vẫn thiếu thốn, vẫn ăn dè hạt tiện, để nuôi hai con ăn học. Thấy con mình có năng khiếu nghệ thuât, anh chị thuê thày kèm cháu gái học hát, cháu trai học đàn ghi-ta. Có lẽ đấy là thời vui tươi nhất của gia đình Vương Tùng Cương. Một tối, tôi và chú em lên thăm và có ngủ lại nhà anh. Sáng dậy, thấy chân chú em và chân tôi máu chảy nhoe nhoét. Thì ra, đêm, chuột tấn công, mà chúng tôi không biết. Vương Tùng Cương bảo rằng bếp núc hết nhẵn mỳ sợi và khoai lang, còn bơ gạo đậy kín, chuột đói quá thì xục xạo xơi chân người là phải. Lại xơi chân người lạ, chứ chân người nhà, chuột bén hơi rồi, không lỡ gậm. Chuyện nghe cười ứa nước mắt, nhưng đấy là sự thực.
Tới khi hai con anh được về học ở Nhạc viện Hà Nội, niềm vui lớn vậy, mà chẳng kéo dài được bao. Cháu Khương, con trai đầu, học xuất sắc, từ hệ sơ cấp, lên hệ trung cấp, bộ môn ghi-ta. Cháu Vân, con gái, học khoa thanh nhạc. Đúng lúc cháu Khương đủ điểm đi học nhạc viện nước ngoài, thì tai nạn thảm khốc ập đến. Cái tai nạn kinh hoàng, như định mệnh.. Mà đúng là định mệnh. Ngày cháu về chào bố mẹ để chuẩn bị đi học xa, cháu có đến thăm người bạn. Ngồi trong nhà bạn, chiếc ô tô mất phanh từ ngoài phố đâm thẳng vào nhà. Đấy là buổi chiều nắng gắt. Nghe tin dữ, tôi và chú em phóng xe máy từ Hà Nội lên Bắc Giang dự đám tang. Đám tang kinh hoàng, đầy hoa trắng. Những vạt áo học trò trong trắng dằng dặc tiễn cháu Khương. Chúng tôi ôm vai anh, không dám nói một lời nào. Sau cái chết tức tưởi của con trai, Vương Tùng Cương kéo gia đình về Hà Nội. Anh quyết định gấp gáp, dứt khoát, không một lăn tăn. Cho dù ngôi nhà mặt phố vừa tu sửa khang trang. Cho dù cái nơi công tác đang đà thuận tiện cho quyền vị và tiền bạc. Anh nói, mọi thứ không còn ý nghĩa nữa. Anh chuyển di vội vã như chạy trốn. Vì không đủ sức ở lại mảnh đất đầy hình ảnh kỷ niệm của người con trai mình.
Anh xin về Hội nhà văn Việt Nam. Anh bảo rằng, bỏ hết chức tước to nhỏ, cách ly tiền bạc, về để được giúp việc, được hầu hạ, hoặc bét nhất là gác cổng cho các nhà văn, nhà thơ. Anh coi trọng sự thiêng liêng và cao cả đúng nghĩa của cái nghề, cái nghiệp chữ nghĩa. Và anh trở thành người của ngôi nhà số 9 phố Nguyễn Đình Chiểu. Ngày ngày, anh đi vào đi ra qua cái ngưỡng cửa ấy. Anh thấm thía bao nỗi buồn vui, bao sự sang trọng và nhận ra có cả cái thấp hèn ở cái chốn này. Anh hoang mang. Có phải thời buổi đổi khác, thế giới của chữ nghĩa thánh thần cũng có phần đổi khác chăng? Anh trở thành một con người khác. Nói năng lung tung, văng mạng, như mất hẳn con người công chức trầm tĩnh thưở nào.
Ngày còn ở Bắc Giang, coi trọng và đam mê viết lách, anh đã in một phần tập thơ. Rồi việc hành chính sự vụ, rồi đời sống công chức tỉnh lẻ, rồi lo cơm áo gạo tiền, rồi cả chính anh thấy mình không đủ tài đi với con chữ, nên đã bỏ viết lách. Nhưng anh luôn thèm đọc các áng văn thơ bất hủ của nhân loại, của các đấng bậc văn tài nước mình. Anh tôn thờ và như không muốn, không dám bước tiếp vào thánh đường cao sang bất tận ấy. Thì cuộc đánh đổi môi trường sống mới, những con chữ lại như kéo anh, dựng anh, nhủ anh, vỗ về anh. Phải sống. Phải tồn tại. Những câu thơ lại chập chờn trở về với anh khi nào không hay. “Hoa như phẩm đổ phía sau chùa”. Câu thơ chơi vơi, ám ảnh, vận vào đời anh khi nào không hay. Bao vui buồn. Bao hy vọng và thất vọng. Bao khuôn mặt gần xa khả kính. Rồi bao sự tầm thường chính ở cái khuôn mặt ấy, khi ở gần, khi giải mã ra, làm con người tinh thần Vương Tùng Cương càng hoang mang, càng dữ dằn, đa chiều, phức tạp. Hình tượng nhà văn cha đẻ của Tám Bính và Năm Sài Gòn càng ám ảnh. Có phải vì tuổi thơ, những ngày tản cư, gia đình trú ngụ ở Yên thế, anh được cắp sách đi học cùng người con trai của nhà văn này, được điếu đóm nhà văn khả kính này không, mà hình tượng nhà văn của người cùng khổ luôn tôn thờ, rực sáng trong tâm thức anh? Cái bộ áo quần màu nâu đẫm mồ hôi, cái xe đạp thiếu nhi Liên Xô lũn cũn, cái cách nâng chén rượu hạt mít và cười khà khi cặp mắt ứa ra hai dòng lệ “Toàn cái mặt không chơi được, ông về ấp Cầu Đen của ông đây!” Cái khí khái, cái cốt cách của nhà văn mà anh tâm phục, khẩu phục cứ ám ảnh, cho dù anh chả là ai, chả là gì, chả thể nào theo được. Nhưng anh cứ tâm niệm cái lối sống ấy, mà nghênh ngang, mà sinh sự bất cần.
Chỉ những người thật thân, thật gần, thật thể tất, mới hiểu anh. Số phận lại giáng những đòn chí mạng lên đầu anh. Chị Khánh, người vợ tao khang một thời lại bỏ anh ra đi, về nằm ở nghĩa trang quê Mật Ninh. Chị bị ung thư. Anh từng bế chị, cõng chị đi qua bao bệnh viện, để chữa bệnh cho chị. Nhưng chữa sao được mệnh trời. Anh thêm điên dại. Bất cần. Nói năng càng văng mạng. Anh như con thú tật nguyền.
Rồi anh có con với một người con gái. Trời cho anh. Chị cũng là nhà thơ. Đứa con gái có khuôn mặt tươi rói. Cháu thông minh và đáng yêu. Nhưng lại như định mệnh. Anh phải hứng chịu bao đắng cay với tình cảnh éo le này. Anh rất yêu con, nhất là đứa con bé bỏng trong cảnh ngộ éo le. Nhưng anh không được đến chăm sóc nó. Tình yêu và thù hận. Không phải trong sách vở, mà là thực tế anh phải đối đầu. Anh phải cách ly nó, thăm thẳm xa nó, trong nỗi thẳm đau đầy thương nhớ.
Một thời, anh gặp người phụ nữ khác, mê vẽ, mê thơ. Họ muốn bỏ phố phường, lên sống ở vùng núi rừng Yên Thế. Họ đã mua mảnh đất ven bờ suối um tùm cây dại gần cát cứ của cụ Đề Thám. Cùng số phận xiêu vẹo, bởi những cú trời giáng, họ mơ tưởng xây căn nhà nhà nhỏ xinh cheo leo bên sườn núi. Họ thuê người vần những tảng đá lớn từ trên sườn núi về xếp quanh vườn. Chi họa sỹ và mê thơ, mơ ước trồng thật nhiều hoa hồng, hoa cúc, hoa lan, hoa mộc, hoa ngâu ven bờ suối. Trồng khắp vườn, trồng quanh các tảng đá lớn nhỏ. Vương Tùng Cương thì mơ tưởng thuê thợ khắc đá, khắc những câu thơ tuyệt tác của các bậc tiền nhân, của bè bạn văn tài lên các tảng đá quanh vườn. Cái khu vườn, cái trang trại, cái công viên hoa-đá-thơ ấy sẽ sống cùng rừng xanh, giữa tiếng suối reo, tiếng chim hót bốn mùa. Chị và anh mơ tưởng thế. Vì thế, có dạo, gặp nhà thơ nào, anh cũng hỏi có viết được câu thơ nào xuất sắc để khắc trên đá không? Bạn bè đọc thử anh nghe, anh bảo chưa được. Anh cần những câu thơ hay hơn nữa. Sự yêu cầu với thơ ca, thời nào chẳng gay gắt. Xem ra, anh càng gay gắt với mọi người hơn. Phải viết những câu thơ để đời. Nhưng viết được câu thơ để đời, đâu có dễ. Đâu cứ phải cố là viết được. Có bạn bè cự lại, rằng ông có viết được câu thơ để đời chưa, mà sẵng chúng tôi? Lúc ấy, Vương Tùng Cương mới sững người. Tôi không viết được, không có tài viết được, thì mới yêu cầu các ông!
Lại buồn thay, số phận lại nện xuống đầu anh, ngườì con gái yêu anh, vì anh, mê vẽ, mơ làm vườn hoa-đá-thơ bên suối, lại bỏ anh ra đi, vì bạo bệnh. Trước đó, anh đã bìu ríu chị vào Nam ra Bắc tìm thầy tìm thuốc. Trong cuộc chạy trốn số phận, họ đã dừng chân bên hồ Tuyền Lâm, Đà Lạt. Họ dựng túp lều gỗ ven hồ. Họ đã mua ngôi nhà xinh xẻo sơn màu trắng ở chân dốc con phố nhỏ, muốn lấy không gian và khí hậu mát lành nơi đây xoa dịu nỗi đau bệnh tật của chị. Chị vừa chữa bệnh, vừa vẽ. Vương Tùng Cương vừa sắc thuốc, vừa nhẩm đọc những câu thơ cổ kim để động viên chị. Họ đã thực sự vì nhau. Nhưng số phận không cho họ được ở bên nhau nữa. Ngày hấp hối, chị có tâm nguyện, khi hỏa táng, đem một phần tro cốt bé bỏng của mình về chôn cất ở mảnh đất cố hương Thái Nguyên, một phần rải xuống hồ Tuyền Lâm.
Phải rất lâu, sau đám tang nặng nề của chị, tôi mới có dịp trở lại Đà Lạt. Thắp nén hương tưởng nhớ chị, rồi chúng tôi ra hồ Tuyền Lâm. Vương Tùng Cương không nói không rằng, buồn bã chỉ tay xuống hồ. Tôi cảm nhận tất cả. Chao ôi, kiếp người đến là ngắn ngủi và hư vô. Vậy là một phần xương thịt chị nằm lại ở đáy hồ sâu thẳm này ư? Ngày Vương Tùng Cương ra Bắc, mấy anh em chúng tôi đưa anh về thăm quê chị. Vùng đồi núi Thái Nguyên chi chít cỏ dại, hoa dại, ru một phần tro cốt chị. Tôi nhìn vội nét mặt Vương Tùng Cương khi ấy. Khuôn mặt đanh sắt lại. Nỗi đau không cất thành lời. Trong làn khói hương mỏng tang nơi nghĩa địa, tôi hình dung chị đang thở dốc vẽ nốt bức tranh màu vàng chói của hoa dã quỳ cuối mùa. Cái màu vàng day dưa, gắt gỏng, như dao cứa lòng. Tôi mơ hồ nhận ra chị gượng cười hạnh phúc khi Vương Tùng Cương ngâm nga một câu thơ cổ để động viên chị vẽ “Hoa như phẩm đổ phía sau chùa !”
Thực ra chị làm thơ trước khi gặp Vương Tùng Cương. Chị viết thơ khi còn ở trường Tổng hợp văn. Thơ là điểm tựa chới với cho đời chị. Tập thơ đầu tay của chị, người bạn vong niên của tôi, nhà thơ, giáo sư tiến sĩ Mã Giang Lân đã viết lời giới thiệu. Tập thơ cuối của chị, có phần nhuận sắc của Vương Tùng Cương. Thì ra, dù thơ có lúc anh ghét bỏ, có lúc anh bất lực với nó, nhưng trong thẳm sâu, thơ đem hạnh phúc cho anh. Nếu không có thơ, chắc gì chị đã yêu, đã vì anh như thế. Tôi tin Vương Tùng Cương biết thế, mặc đôi lúc anh khùng khùng, điên điên nói năng như kẻ bất cần.
Cuộc đời riêng của Vương Tùng Cương lại như rơi vào ngõ cụt. Đà Lạt bốn mùa hoa, nhưng như chỉ riêng màu vàng áy, đắng đót và day dưa của hoa dã quỳ dành cho anh, hợp với tâm khảm anh. Ngày trước, có người nói Đà Lạt, xứ buồn tới mức muốn nổi loạn. Mấy bận vào thăm, tôi thấy anh chỉ chơi loanh quanh với mấy anh em viết lách ngoài Bắc vào. Đã lang bạt nhiều nơi, đành chọn nơi đây làm chỗ dừng chân. Hình như nỗi đau riêng tư quá lớn, anh không viết được, mà quay ra đọc sách. Vương Tùng Cương bảo rằng, những năm tháng ở đấy, đọc mới thấm thía. Thấm thía hơn rất nhiều những năm trước đã đọc. Có lúc tôi toan kích anh. Rằng có viết được thơ hay? Như thưở nào anh hay kích chúng tôi. Nhưng tôi lại không nỡ nói. Thơ ca, có gì bí hiểm như trời cho!
Ấy rồi một dịp, cách đây ba, bốn năm, Vương Tùng Cương ở Đà Lạt ra Hà Nội. Đúng sáng Hà Nội mưa như trút nước ngập đường ngập phố, anh gọi tôi đến gấp. Chiều ý anh, tôi khoác áo mưa phóng xe máy đến gặp. Đến nơi, anh liền đuổi tôi về. Anh cằn nhằn, rằng ăn vận lếch thếch nom như thằng xe ôm, thì đi cho hỏng việc à. Nhưng rồi anh lại gọi giật tôi quay lại, nhờ đưa anh đi mua chút chè thuốc, rượu, bánh kẹo. Rồi anh nhảy tắc-xi đi tiếp. Trời ạ, thì ra anh đến trình diện nhà người bạn gái mới. Lúc lên xe tắc-xi mưa càng xối xả. Cái gạt nước trên kính xe tắc-xi gạt liên tục, cũng không cản nổi dòng nước mưa. Hình như anh thốt lên điều gì đó. Tôi không nghe rõ, mà tự giải, như là câu “Đời mưa gió”, trùng tên cuốn tiểu thuyết của hai nhà văn Khái Hưng và Nhất Linh viết, thời Tự lực văn đoàn. Vương Tùng Cương như tự biết, đời mình lại dấn vào giông gió.
Bây giờ, người con gái mà anh đến dạm ngõ ngày mưa trút nước ở Hà Nội năm ấy, đã ở cùng anh trong Đà Lạt. Tôi không có ý kể chuyện riêng của anh, mà chỉ muốn dẫn rằng, Thơ vẫn luôn cứu anh. Thì ra, có nguyên do tuy mơ hồ, nhưng lại là cần thiết để người con gái gắn bó được với anh. Bởi chị biết anh là người làm thơ. Chả biết có đúng không, hay tôi suy luận thế. Thơ ca, với người này người nọ, dù chẳng ham thích hay hiểu biết mấy, nhưng họ như thể tất hiểu rằng, những người làm thơ, tính khí có thất thường mấy, thì cơ bản, họ vẫn là người tử tế. Vương Tùng Cương vẫn thi thoảng từ Đà Lạt gọi điện như quát tôi, có viết được cái gì ra hồn không? Cố viết cho ra hồn. Lại sa sả mắng mỏ rằng sống thế mà sống được à? Anh làm như cả trái đất này, chỉ riêng Đà Lạt, nơi anh ở, mới là nơi đáng sống. Biết tính anh, tôi chả buồn cãi vã làm gì. Ấy rồi tháng trước, anh điện thoại thúc tôi cuống cuồng đến một nhà xuất bản xin giấy phép cho anh in tập thơ. Tên sách gì mà mềm oặt. Nào “Miền sương gió” rồi thì “Lặng lẽ phố sương”.Tôi toan cự lại để trêu tức anh. Viết ra sao? viết có ra hồn không? Nhưng tôi không lỡ nói. Vì tôi biết, thơ ca như trời cho, có phải lúc nào cũng đuổi bắt được. Tôi chợt nhớ cái dáng anh quay mặt ngoắt đi ở bên hồ Xuân Hương buổi nào, để dấu đi sự yếu mềm. Và tôi hiểu thêm sự xung đột trong mỗi kiếp người. /.
Tháng 11-2016
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét