Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Chúng ta đang “tự sát tập thể”?



LÃNG QUÂN 



























LĐO - Nếu Chính phủ cam kết những kẻ nhẫn tâm như làm mỡ thối, mắm tôm bẩn sẽ bị xử lý hình sự và bị cấm sản xuất kinh doanh vĩnh viễn nếu tái phạm mới mong tình hình được cải thiện.

Tôi nghĩ là bà con mình có “rợn người”, có “kinh hoàng”, có “hãi hùng” khi xem những hình ảnh mà các nhà báo công phu ghi được, tố cáo các “lò” sản xuất thực phẩm siêu bẩn rồi tàn nhẫn “ngụy trang” bằng các nhãn mác bắt mặt sạch sẽ để lừa người tiêu dùng.

Tuy nhiên, đọc báo xong, xem Facebook xong, hơn 90 triệu dân mình vẫn lẩm bẩm kiểu, “hy vọng thứ kinh tởm đó nó chừa mồm mình và mồm gia đình mình ra”. Nếu đúng thế, thì tôi muốn nói rằng, ta cần phải làm thêm một hành động gì nữa, bớt ích kỷ đi, bớt “sống chết mặc bay” đi.

Phải làm gì?

Thử hỏi, vì sao các nhà báo bỏ cả năm ra hóa trang và điều tra rồi tố cáo các vụ trên? Việc xâm nhập ổ mắm tôm bẩn có phải là trách nhiệm Nhà nước và nhân dân giao cho nhà báo không?

Trước hết, đó là nhiệm vụ của cơ quan quản lý. Nào ông y tế vẫn cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ông công an. Ông quản lý thị trường. Ông xã phường, huyện quận, tỉnh thành. Các ông bà ấy ở đâu? Thử hỏi họ có biết không và nếu biết có bắt được không?

Xin đọc lại cả trăm bài báo viết về làng mỡ thối, bóng bì thối ở Bình Lương (tỉnh Hưng Yên), lần nào vào, chúng tôi cũng thấy nó y nguyên tình trạng này như thế suốt 10 năm qua. Họ còn tiết lộ cách “chạy”, cách “lễ tết” để yên phận làm ăn, họ còn chửi các nhà báo đang nỗ lực điều tra.

Hoặc như, trung tuần tháng 8.2017 vừa xảy ra hai vụ: Bắt xưởng “ép tóp mỡ, thắng mỡ heo” ở hẻm số 69, đường Lê Công Phép, phường An Lạc, quận Tân Bình (TPHCM) do ông Nguyễn Thanh Hoài làm chủ; kiểm tra đột xuất cơ sở sản xuất mắm tôm Phương Nhung ở xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Cả hai vụ đó, và rất nhiều vụ khác, toàn là nhà báo điều tra công phu rồi chạy vạy báo cáo và xin cơ quan hữu trách lập đoàn kiểm tra “bất ngờ ập vào”.

PV Lao Động đã phải hai lần vào Thanh Hóa báo cáo và chờ đợi để có được một đợt ra quân đầy hoài nghi. Và rồi, cả báo Lao Động và một tờ báo lớn khác đồng loạt tố cáo “thông tin đoàn kiểm tra bị rò rỉ”, với ghi âm ghi hình chính người trong cuộc tiết lộ “được báo trước” ra sao.

Nhà báo, trong quá trình điều tra, thậm chí còn có tài liệu về việc “báo tin trước” thế nào, đưa phong bì ra sao, chúng tôi cũng tận mắt chứng kiến cảnh “mời cơm” bằng tiền của chủ đơn vị bị thanh kiểm tra.

Một câu hỏi nữa đặt ra ở đây là: Tài liệu nhà báo điều tra được, có video, có ghi âm, có lời thốt lên đầy kinh khủng của chính những người “nằm trong chăn” ở ổ vi phạm. Nó thừa đủ cơ sở để “chỉ việc bắt giữ” các đối tượng. Nhưng nhà báo không có quyền “bắt giữ”, “xử lý”, “tiêu hủy” những cái vô thiên vô pháp đã và đang đi vào miệng người kia. Đến lúc “bày mâm” sẵn cho người ta đến xử lý, thì người ta lại có dấu hiệu báo tin trước cho kẻ vi phạm. Chung quy, chắc cũng vì cái hội chứng "sấp mặt vì tiền" mà ai ai cũng đã biết.

Không lẽ chúng ta cứ mãi với vòng luẩn quẩn này?

Địa phương dĩ nhiên là muốn đậy lại, nhất là khi giấy phép, thuế má, chứng nhận đủ tất tật các điều kiện hoạt động, định kỳ kiểm tra/“bôi trơn" (nếu có)... đều là do địa phương “múa tay trong bị”. Để người ta vừa đá bóng vừa thổi còi, hoặc buông lỏng để ai đó há miệng mắc quai, thì rò rỉ thông tin “kiểm tra đột xuất” là dĩ nhiên.

Đã đến lúc, người tiêu dùng cần biết dùng quyền tẩy chay để tự bảo vệ mình, cần biết kiến nghị xác đáng để Nhà nước xử lý thẳng tay các ổ nhóm kiểu mỡ thối, mắm tôm kinh hoàng - một khi có tài liệu thuyết phục. Đừng nằm chờ “đoàn liên ngành” ra quân rồi hiện trường được dọn sạch.

Cũng cần có cơ chế loại bỏ những con sâu “ăn hai mang” báo tin cho kẻ vi phạm tẩu tán tang vật kia ra khỏi đội ngũ. Hơn thế, cần xử lý hình sự và tìm cách chấm dứt vĩnh viễn nguy cơ tái diễn chiêu trò tống thực phẩm thối vào miệng đồng loại.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: