BBC - Tướng Ngô Xuân Lịch trong chuyến công du đầu tiên tới Hoa Kỳ với cương vụ Bộ trưởng Quốc phòng, 7-10/8/2017, được trông đợi sẽ có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Chuyến đi diễn ra trong bối cảnh Việt Nam không giành được nhiều ủng hộ về vấn đề Biển Đông tại hội nghị các ngoại trưởng ASEAN diễn ra tại Philippines, còn quan hệ giữa Hà Nội và Bắc Kinh đang căng thẳng liên quan tới hoạt động thăm dò dầu khí ở ngoài khơi Việt Nam.
Từ Hoa Kỳ, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hôm 6/8 nói với BBC rằng chuyến đi của Tướng Lịch là điều "Việt Nam đã mong muốn từ lâu", tuy nhiên thời điểm diễn ra lại không mấy thuận lợi cho Hà Nội.
"Chính sách ngoại giao của Tổng thống Donald Trump đối với Á châu, đặc biệt là với Việt Nam chưa có gì rõ nét," Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng nói, trong lúc quan hệ quốc phòng đã chuyển từ "ngày càng tiến triển mạnh" dưới thời ông Obama sang thái độ "ngập ngừng, không có gì rõ rệt" kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.
Chủ đề Biển Đông
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam, từ Học viện Quân sự Úc đưa ra một số phỏng đoán về nội dung thảo luận giữa hai đại diện quốc phòng của Việt Nam và Hoa Kỳ.
"Cuộc họp này sẽ nối tiếp cuộc họp giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Donald Trump hồi tháng Năm," ông Thayer nói với BBC hôm 4/8.
"Họ sẽ thảo luận về Biển Đông và làm thế nào Hoa Kỳ có thể làm trung gian cân bằng cho sự hung hăng của Trung Quốc vào thời điểm này."
Đánh giá về mối quan hệ với Trung Quốc, Giáo sư Thayer cho rằng Hoa Kỳ sẽ chỉ tham gia một cách chừng mực, trong bối cảnh Washington đang rất cần sự hỗ trợ của Bắc Kinh trong việc kiềm chế Bắc Hàn.
"Hoa Kỳ đang bận rộn chuyện Bắc Hàn và đang cần Trung Quốc kiểm soát Bắc Hàn, họ không thể đồng thời chống lại Trung Quốc ở Biển Đông."
"Hoa Kỳ sẽ chỉ hỗ trợ Việt Nam bằng cách bán cho Việt Nam các loại vũ khí và công nghệ hàng hải."
Hoa Kỳ trên thực tế "không có gì nhiều để mất cho Hoa Kỳ trong cuộc chơi [Biển Đông] này cả," giáo sư Thayer giải thích thêm.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng hiện khó có thể nói liệu Hoa Kỳ sẽ nhiệt tình hỗ trợ Việt Nam trong vấn đề này hay không.
"Quan trọng nhất là ông Lịch sẽ thăm dò tính khả tín trong các cam kết của Mỹ: Mỹ có can dự [vào chuyện Biển Đông] hay không, và nếu có, thì can dự tới mức độ nào, Việt Nam với Mỹ có thể thỏa thuận như thế nào để Việt Nam có thể tăng khả năng quốc phòng của mình để chống lại những bất trắc có thể xảy ra."
"Đây là thế rất khó của ông Lịch, và đây sẽ là chuyến đi có tính thăm dò nhiều hơn," Giáo sư Hùng bình luận. "Ông Lịch sang để thảo luận với những nhà lãnh đạo quân sự của Mỹ, để xem quan hệ quốc phòng đó có thể đi đến đâu."
Tuy nhiên, Wendell Minnick, cây viết chuyên về Á châu của Shephardmedia, tạp chí chuyên về phân tích chiến lược quân sự quốc phòng có cái nhìn khác.
"Những người mà tôi đã trao đổi ở Ngũ Giác đài đều rất thích Việt Nam. Việt Nam có một vị trí rất chiến lược và tôi tin Mỹ luôn muốn phát triển quan hệ đối tác, đặc biệt về mảng quân sự với Việt Nam," ông nói với BBC hôm 4/8.
"Điều Việt Nam cần làm bây giờ là phải chứng tỏ mình là một lợi thế cần thiết đáng tin cậy của Hoa Kỳ tại khu vực."
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch theo kế hoạch chính thức có chuyến thăm Hoa Kỳ trong thời gian 7-10/8/2017.
Thông tấn xã Việt Nam nói mục đích chuyến đi nhằm "góp phần tăng cường mối quan hệ hữu nghị, tin cậy giữa nhân dân và quân đội hai nước; tích cực chủ động triển khai các nội dung hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng".
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét