Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 2 tháng 8, 2017

Bị truy nã quốc tế, Trịnh Xuân Thanh làm thế nào đầu thú ở VN?




Lương Kết
(Dân Việt) Theo thông báo của Bộ Công an, bị can Trịnh Xuân Thanh, người bị truy nã quốc tế đã đến trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an), đầu thú hôm 31.7 vừa qua. Dư luận rất thắc mắc đặt câu hỏi: Bị can này làm cách nào để đầu thú tại Việt Nam?

Có thể thấy vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh đang ở giai đoạn điều tra, những thông tin chi tiết đang cần phải được giữ bí mật nên Bộ Công an chưa tiết lộ nhiều. Chính vì thế toàn bộ bản thông báo về việc Trịnh Xuân Thanh ra đầu thú chỉ vỏn vẹn hơn 100 chữ. Quãng thời gian không rõ tung tích trong gần một năm của Trịnh Xuân Thanh có thể sẽ được giữ kín đến giai đoạn kết thúc vụ án.

Dư luận đang khá nhiều thắc mắc quanh việc: Nếu một người đang lẩn trốn ở nước ngoài, bị truy nã quốc tế, muốn đầu thú thì làm thế nào? Bởi thực tế người bị truy nã quốc tế, khi quay về nước chỉ cần đặt chân tới sân bay là bị lực lượng chức năng phát hiện bắt ngay (tất nhiên là trừ khi anh ta về nước theo đường tiểu ngạch, không qua an ninh cửa khẩu).

Theo các chuyên gia pháp luật, việc một người bị truy nã quốc tế, đang lẩn trốn ở nước ngoài muốn ra đầu thú không có gì quá khó, hay phải qua nhiều thủ tục rườm rà.

Trung tướng Trần Đình Nhã, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh khóa XIII của Quốc hội cho rằng: Người bị truy nã, đang lẩn trốn ở nước ngoài nếu muốn ra đầu thú, họ có thể đến Đại sứ quán, Tổng lãnh sự quán của Việt Nam ở nước sở tại để liên hệ. Sau đó, cơ quan đại diện ngoại giao sẽ liên hệ với các cơ quan chức năng trong nước để đưa người bị truy nã đó về đầu thú.

Trường hợp nước sở tại đó và Việt Nam có ký hiệp định hỗ trợ tư pháp, dẫn độ thì người bị truy nã có thể đến cơ quan cảnh sát của nước sở tại để đầu thú. Sau đó họ sẽ dẫn độ về giao cho phía cơ quan chức năng Việt Nam.

Theo Trung tướng Nhã, trường hợp Việt Nam không có cơ quan ngoại giao ở quốc gia mà người bị truy nã đang trốn, người đó có thể tìm đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở quốc gia gần nhất để liên hệ. Bởi thông thường cơ quan ngoại giao đó sẽ phụ trách một số quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xung quanh khi chúng ta không đặt cơ quan ngoại giao.

Còn luật sư Trần Thu Nam (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cũng cho rằng, với người bị truy nã đang lẩn trốn ở nước ngoài, khi muốn ra đầu thú thì tìm đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước đó là cách thông thường nhất.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XVI (tháng 11.2016), trả lời báo chí bên hành lang, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an từng nói, cơ quan chức trách sẽ truy đến cùng để bắt Trịnh Xuân Thanh. Và riêng với trường hợp này, không giới hạn thời gian.

Tướng Vương cũng nói: Báo chí nên cùng lên tiếng vận động, kêu gọi Trịnh Xuân Thanh trở về nước, đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Và đấy cũng thể hiện bản lĩnh của một con người, dám làm dám chịu. Ông cũng nhấn mạnh truyền thống văn hóa của người Việt Nam “đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”…

Trong cuộc họp báo cuối năm 2016, của Bộ Công an, Thiếu tướng Phạm Văn Các – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát cho biết, qua kiểm tra các đường chính ngạch chưa rõ Trịnh Xuân Thanh bỏ trốn qua đường nào.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: