M. Hà
VNN - Vụ thâu tóm Sacombank đã hạ màn, cục diện đã thay đổi. Ai sướng khổ hơn ai đã rõ. Thua đau đớn trong cuộc chiến cách đây 5 năm nhưng giờ đây Đặng Văn Thành thấy tỷ USD, trong khi người thắng Trầm Bê vướng vòng lao lý.
Cái kết sau 5 năm
Vụ thâu tóm lịch sử trên thị trường tài chính ngân hàng Việt Nam đã khép lại. Ông Đặng Văn Thành đã ra đi khỏi ngân hàng con đẻ Sacombank và quay về với nơi ông từng khởi nghiệp.
Đại gia Trầm Bê thì toại nguyện vì đã hợp nhất thành công 2 ngân hàng, trở thành đế chế lớn thứ 5 trong lĩnh vực này. Song, không giữ được thành quả, ông Trầm Bê đã từ bỏ tất cả tài sản ở ngân hàng nhưng trách nhiệm thì không dễ rũ bỏ.
Đoạn cuối Trầm Bê - Đặng Văn Thành: Ai khổ hơn ai dường như đã rất rõ ràng từ thời điểm đó. Bởi chỉ một thời gian ngắn sau khi hợp nhất thành công SouthernBank và Sacombank, cục diện đã thay đổi vào phút chót.
Ông Trầm Bê là chủ tịch HĐQT Sacombank (sau sáp nhập), người từng được xem là kẻ thắng cuộc, đã bất ngờ cam kết ủy quyền không hủy ngang, vô thời hạn cho NHNN thực hiện các quyền cổ đông theo quy định pháp luật đối với toàn bộ số cổ phần của ông và các bên liên quan ở Phương Nam (SouthernBank), Sacombank và NH sau sáp nhập. NHNN sẽ cử người tham gia điều hành, quản trị”.
Thâu tóm thành công nhưng ông Trầm Bê đã không còn quyền trong ngân hàng sau sáp nhập, thậm chí có thể phải chịu các trách nhiệm khác trong quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập.
Trước đó, ông Đặng Văn Thành có lẽ đã trải qua một quãng thời gian khó khăn trong nhất cuộc đời. Liên tiếp những tin đồn về cha con ông Đặng Văn Thành từ làm ăn khó khăn, bị mất ghế, thậm chí bị bắt.
Có một khoảng thời gian, sau khi đánh mất Sacombank vào tay Trầm Bê, ông Đặng Văn Thành đã “mất bóng” trên thị trường. Trong khi vợ con lo làm ăn thúc đẩy mảng mía đường, ông Đặng Văn Thành về trồng chè, nuôi bò và dạy học, nói chuyện với sinh viên.
Từng là một ông trùm trong lĩnh vực ngân hàng, gây dựng lên một Sacombank thuộc top đầu nhưng rồi ông Thành bị bật bãi. Ông không xuất hiện trên các phương tiện đại chúng, không nắm giữ các vị trí lãnh đạo ở các doanh nghiệp. Và trong cơn biến động này, ông Đặng Văn Thành dường như nhẹ nhàng hơn cả.
Ông Thành thấy tỷ USD, Trầm Bê xộ khám
Buộc phải rời Sacombank, chỉ khoảng 1-2 năm sau, giới đầu tư chứng khoán lại bắt đầu thấy lại những hoạt động kinh doanh mạnh mẽ của ông Đặng Văn Thành, sôi động như những ngày trước đây.
Không chỉ tìm đến những ngành kinh doanh đầy sức hấp dẫn như nuôi bò Kobe trên Lâm Đồng, trồng chè và làm du lịch, ông Thành còn trở lại với mảng mía đường của Tập đoàn Thành Thành Công.
Trong một thời gian dài, con gái ông Thành - "công chúa mía đường" Đặng Huỳnh Ức My - liên tục mua gom cổ phiếu của hàng loạt doanh nghiệp mía đường. TTC Group cũng liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu. Nhà ông Thành nắm giữ cổ phần chi phối ở một loạt các doanh nghiệp mía đường lớn và đã sáp nhập thành công một số doanh nghiệp vào với nhau.
Trước đó, ông Đặng Văn Thành đã thực hiện quá trình sáp nhập các công ty mía đường trong hệ thống Thành Thành Công từ nhiều năm. Đường Ninh Hòa đã được sáp nhập vào Đường Biên Hòa và Mía đường Nhiệt điện Gia Lai sáp nhập vào TTC Tây Ninh.
Trong tháng 7 vừa qua, 2 doanh nghiệp mía đường nhà ông Đặng Văn Thành (SBT và BHS) đã công bố sáp nhập thành 1 doanh nghiệp có quy mô gần tỷ USD. Sau cú sáp nhập, doanh nghiệp mới, chiếm khoảng 30% thị phần Việt Nam.
Bên cạnh đó, Thành Thành Công cũng rất mạnh về du lịch và nông nghiệp. Tập đoàn này sở hữu hệ thống khách sạn 2 đến 4 sao, khu du lịch, resort trải dài từ Nha Trang, Phan Thiết, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đà Lạt như khách sạn Ngọc Lan, khách sạn Michelia, khu du lịch Thung lũng Tình Yêu, Đồi Mộng Mơ, khu du lịch Hòn Rơm 2, Pegasus resort,...
Không những thế, ông Đăng Văn Thành còn thấy vận lớn với dòng tiền ngàn tỷ đổ về, vào các doanh nghiệp của gia đình trong lĩnh vực bất động sản và cả mía đường. LienVietPostBank thông qua khoản đầu tư trị giá 500 tỷ đồng vào Công ty Cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín - Sacomreal (SCR), nơi mà vợ và con cũng như Tập đoàn TTC nhà ông Thành nắm giữ cổ phần chi phối và bà Huỳnh Bích Ngọc (đang là phó chủ tịch thường trực).
Hai doanh nghiệp khác mía đường nhà ông Thành cũng đã có kế hoạch phát hành cả ngàn tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ.
Trên thực tế, vì lưu luyến với đứa con tinh thần của mình mà có thời điểm, ông Thành muốn quay trở lại với Sacombank, khi ông Trầm Bê thất thế. Tuy nhiên, sau đó ông đã từ bỏ ý định và thâu tóm mảng mía đường của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức), củng cố thêm vị trí số 1 trong lĩnh vực mía đường.
Trong khi ông Đặng Văn Thành thấy tỷ USD thì ông Trâm Bê rơi lại vào tình trạng dính líu đến đại án khi ông và dàn lãnh đạo liên quan đã bị bắt giữ do có liên quan đến vụ án xảy ra tại Ngân hàng TMCP Xây Dựng.
5 năm sau cuộc chiến tranh quyền, Sacombank chưa bao giờ hết nóng và câu chuyện của 2 đại gia với 2 lối rẽ, hai kết cục khác nhau vẫn còn là một câu chuyện dài đầy dư vị.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét