Truyện ngắn của HG
Buồn buồn, mình
đi qua nhà hắn. Ngày ba mươi tháng tư vắng lặng như tờ, khác hẳn mọi năm, loa
đài rộn rã. Có chuyện lạ gì chăng?
Mấy chục năm như
thế này, vào giờ này, thường nhà gã rất đông. Mấy ông CCB mỗi ông góp chút gạo
chút tiền. Rồi khánh tiết, biểu ngữ, biểu tượng, khẩu hiệu giăng lên. Đứng
nghiêm. Chào cờ. Hát. Tiến quân ca, quốc ca. Rồi các cựu sĩ đọc bài truyền
thống thuộc nằm lòng. ( thực tình mỗi năm cũng được bổ sung một đoạn ngăn ngắn
nào đó mới nhớ thêm được bổ sung vào bản cũ ) nội dung chính vẫn như bản in, không
sai một chữ. Nhưng tất cả đều vui vẻ, chả ai lấy làm chán vì phải nghe cái bài
diễn văn cũ mòn, đọc đi đọc lại mãi mãi này. Đương nhiên không thể bỏ qua phần
hoạt động công tác hội, phần đóng góp, thu chi của mỗi năm..
Cuối cùng là
đoàn kết nhất trí, rượu túy lúy tưng bừng. Hẹn gặp lại ngày này năm sau. Chuyện
chả có gì mới, nhưng ít ra nó cũng làm thay đổi cuộc sống vốn không thuận lợi,
vui vẻ gì của chừng ấy con người. Ngoại trừ một vài anh may mắn cởi áo lính
được ngồi ngay vào ghế có chỗ “cơ cấu”,
hay hoạt động khôn khéo bên “Kinh tế thị trường ” có cái đuôi vừa quen vừa dài
vừa vô lí..
Những lúc đó như
quên hết giàu nghèo, sang hèn, đồng cảm, đồng tình như nhau.. Chỉ khi về đến
nhà rồi, tỉnh rượu rồi mới ngậm ngùi nghiệm ra rằng: Cũng là con người, là
thằng lính, cũng vào sinh ra tử như nhau, chưa chắc thành tích, công trạng “nó”
đã hơn mình. Thế mà nó thế, mình thế!
Ngoài mặt vẫn
phải vui, vẫn khoe với vợ với con rằng gặp người này, người kia. Các ông ấy
phát quan, phát tài, làm ăn xu hướng lắm.. Dẫu rằng cái “phát” ấy chả liên quan
mẹ gì đến mình. Nhưng mà chiến hữu với nhau, không mừng cho chúng nó thì mừng
cho ai?
Nhà hắn tiện đường,
lại là khu trung tâm. Chọn chỗ ấy để giao lưu, kỉ niệm kỉ niếc là chuyện dễ
hiểu.
Nhưng năm nay
nơi kỉ niệm chuyển chỗ. Nơi này bận mở hội chơi chim. Một cái hội mới coong vừa
ra lò, hắn trăn trở, tâm huyết mấy năm nay. Vận động mãi, lên lên xuống xuống
chán trò mới mở ra được..
Mình bảo:
- Hội hè gì mà
im ắng thế này? Ít ra cũng phải có loa đài, cờ giong trống mở như người ta vẫn
làm chứ, có phải hội kín đâu mà âm thầm lặng lẽ thế?
Thằng bỏ mẹ
cười:
- Vậy là bác
chưa rõ về tính đặc thù của hội em rồi..
Lại là cái “đặc
thù” dớ dẩn mà người ta thường hay viện dẫn ra! Có gì mà “đặc thù” với chả đặc
bạn? Toàn nhiễu nhương, bịp bợm cả. Hội chim là hội chim, hội cá, hội chó cảnh
hay hội thơ, hội thẩn cũng đều thế cả thôi, có quái gì mà đặc thù?
Thực tình lâu
nay mình chán ngấy các loại hội này rồi, chả mấy quan tâm. Có đặc thù đặc sắc
hay đặc đếch gì cũng vậy. Có dỗi hơi đâu mà bận tâm? Nhưng thằng chủ tịch cái
hội chim này hình như không hiểu, hoặc không quan tâm đến thái độ của mình. Hắn
đang sung sướng về cái hội hắn vừa nặn được ra để tỏ vẻ với đời.
Nhìn vẻ mặt ngẩn
ngơ của mình thằng ý bảo:
- Hội của các
bác khác hẳn với hội của bọn em nên bác không hiểu. Chơi chim là nghề chơi lắm
công phu, không phải ai cũng chơi, cũng tham gia được. Nhưng tuyệt đối tránh sự
ồn ào. Trống mõ rầm beng, âm thanh ồn ĩ không phù hợp với cách chơi của bọn em.
Chim nó sợ, rụt hết tinh thần vào, chim không chọi nữa thì nhà em chỉ có nước
ăn cám vì hội vỡ, lấy đâu kinh phí kinh phiếc đổ vào mồm?
Mình bảo:
- Anh chịu các
chú, thời buổi suy thoái toàn diện này, còn mở ra được cái hội lông bông này ra
được không phải chuyện đùa!
Thằng ý cáu:
- Sao bác lại
bảo hội của em là “hội lông bông”? Bác nói với em thế, nể tình bấy lâu mình là
chỗ tâm “dao”, em bỏ qua. Bác mà nói với thằng khác trong hội em chúng nó không
bỏ qua đâu!
- Chúng đánh anh
à?
- Chả ai đánh,
nhưng anh khốn khó là cái chắc. Thời buổi này có thằng ngu nào mà ra mặt sinh
sự với anh? Chúng chỉ đòn gió là anh cũng đủ chết vì mệt mỏi rồi.
Mình đâm hoảng.
Chả nhẽ chuyện này có thật vậy sao? Có thật xã hội đen xâm nhập đời sống chả
thiếu “mặt trận” nào?
Nhưng có lẽ cu em này nói đúng. Chả phải đâu xa, mới gần đây mình vừa bị một thằng “cùng hội cùng
thuyền” chơi cho một nhát, đánh thẳng vào niêu cơm nhà mình. Thằng ấy thậm cao
tay, nó nhân danh học thuật, nhân danh lý thuyết cơ bản, sơ khai, sơ sài, khái
niệm chân lí, nhân danh những cái mả mẹ gì gì..người ta vẫn dùng mòn nhẵn đi rồi. Thực ra chỉ là do óc nhỏ mọn, lòng hẹp hòi và tính đố kị của hắn. Mình
biết mà chả làm gì được vì là số ít. Nhóm lợi ích của hắn lại quá đông. Quyền
lợi là thứ keo gắn kết không thể nào lay chuyển nổi bọn chúng. Dù anh có thành
thực, tâm huyết đến đâu chúng cũng không dại gì ủng hộ anh để cháy thành vạ
lây. Cái tâm địa cao đẹp ngàn đời nay của dân mình là vậy.. Thực là cao tay.
Chỉ có giời cao đất dày biết và thời gian mới nhận biết cái trò ma cô này của
hắn.
Mình bỏ đi chơi
vu vơ thế này một phần là do cú đánh ngầm này. Phàm là những anh có bệnh “sĩ”
như mình, chỉ một chiêu này cũng đau âm ỉ khá lâu. Không hẳn vì niêu cơm vơi
mất một góc, mà còn vì “Danh dự, tự hào”, tự ái, tự trọng bỏ mẹ gì gì nữa.
Nghĩ lại trong
cái rủi có cái may. Biết đâu nhờ thế mình tỉnh táo hơn, nhận chân giá trị cuộc
sống hơn, làm cái đáng làm hơn?..
Đang nghĩ liên
thiên như thế thằng bỏ mẹ kia bảo:
- Bác không bận
mời bác quá bộ vào thăm quan hội mở hôm nay của bọn em. Có gì góp ý cho chúng
em. Hội mới thành lập, kinh nghiệm còn nghèo, còn non lắm.. Trưa nay bác ở lại uống
với bọn em chén rượu.. Trong hội em nói để bác biết, chả phải toàn bọn sìu sìu
cả đâu. Đại gia, quan chức cũng có vài người. Có khi mấy ông này bác quen..
Không hẳn vì
cuộc rượu hắn mời. Mấy cái “nhân” hắn vừa nói, gợi cho mình chút tò mò. Biết
đâu thêm chuyện hay, thêm ý đồ “sáng tạo” trong lúc chán nản không nghĩ ra
được, không muốn viết bất cứ chuyện gì?
Còn góp ý ư? Đây
là trò đùa kinh khủng nhất! Đừng có góp ý mà làm gì, chỉ họa vào thân. Nếu
không cũng mất lòng mất bề, mình không dại.
Làm người ai chả
muốn được khen vợ mình đẹp, con mình ngoan? Chê nó sứt môi lồi rốn, nước chả có
nước mà uống, ở đấy mà góp ý!
Chuyện nhỏ đã
vậy, huống chi những việc tày đình?
( Còn nữa )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét