Khách từng qua
nhiều bến sông, nhưng chưa thấy ở đâu có loại thuyền nan lớn như bến bến sông
này. Bề dài của thuyền dễ đến mười hai thước, ngang bốn thước năm phân. Cạp
thuyền kép to bằng bắp chân lực điền, nước sơn ta đã cũ, có chỗ bắt đầu bắt
rêu, nhưng nom khá chắc chắn. Lái đò nét mặt gân guốc, bắp chân bắp tay nổi
từng búi, đôi mắt hơi sếch dưới đôi lông mày rậm, đôi bàn chân chân bàn cuốc,
hai ngón cái choãi theo lối Giao Chỉ. Dáng vẻ ông ta có phần dữ tợn, nhưng
giọng nói ôn tồn, có cái cười dễ gây thiện cảm. Sau này khách được biết ông ta
từng có chân trong hội kín, từng bị phát vãng sáu năm mới được về.
Cùng chuyến đò
cuối cùng hôm ấy còn có hai cô gái trẻ, chít khăn mỏ quạ để răng trắng, không
nhuộm đen như hầu hết các bà các cô trong vùng. Hai cô đi hái dâu về chăn tằm
nên về muộn. Tằm là giống vật kén ăn. Lúc nắng gắt, lá dâu hay bị héo, nên phải
chờ muộn muộn một chút để dâu được tươi. Xuống thuyền một lúc hai cô ghé tai
nhau rì rầm gì đấy, mắt đảo nhanh về phía người cùng chuyến với mình. Khách
quay lại, hai cô vội quay đi mặt đỏ bừng. Anh ta định cất lời làm quen, nghĩ
thế nào lại thôi. Cái thời của anh đang sống vẫn còn chú trọng câu thành ngữ “Nam nữ thụ thụ
bất tương thân”. Có khi ngồi cạnh nhau chả dám hỏi han trò truyện. Với lại lúc
này tâm trí anh còn đang bận việc khác. Là việc gì thì ngay thằng bé đi cùng
cũng chưa được cho biết. Bây giờ nó đang ngồi giữa lòng thuyền, hai cái bồ đặt
hai bên, nhưng đôi mắt vẻ nghịch ngợm đang dõi về phía bờ sông bên kia.
Đang thì ngô non,
phía bờ sông bên ấy xanh rượi một màu. Giữa màu xanh miên man ấy nổi lên phía nền
trời màu lam màu hoa gạo cuối mùa đỏ rực, tán cây che khuất một góc phần nhô
lên của mái đình. Ngôi đình có thời Lê Hy Tông, dân làng lập nên để tưởng nhớ
một lần vua Hùng Vương cùng con gái của Ngài dừng chân bên bến sông này. Tự
nhiên khách thấy lòng mình thanh thản. Anh cùng thằng bé theo con dốc đi về
phía ngôi làng có hình lá sen, mà cuống lá là con đường trải từ đấy tới đây,
sát mé sông này.
Tối hôm đó, ở
nhà lý Chẩn có khách. Không ai khác là người qua sông lúc hồi chiều. Chiếc đèn
ba dây treo ở gian giữa ngôi nhà gỗ năm gian. Chỉ có hai người ngồi trên chiếc
sập gụ.
Thằng bé đi theo
ngồi phía ngoài cánh cửa bức bàn. Nó làm ra vẻ như chăm chú để ý đám trẻ con
trong nhà nhảy lò cò ngoài sân gạch. Nhưng thực ra nó vẫn nghe loáng thoáng chủ
khách chuyện tới gần khuya.
Cậu chủ của nó
đang phàn nàn chuyện gì đó. Không phải tâm sự riêng. Hình như về lời của ai đó
lâu lâu rồi. Cuối cùng nghe lý Chẩn bảo:
- Cụ Phan nói
đúng. Nhưng thời bây giờ không mấy người nghe ra. Thậm chí người ta còn không
bằng lòng, còn tự ái khi cụ nói đến “mười điều bi ai của dân Việt”. Nhưng mà
thôi, chuyện ấy khi nào có thời giờ ta lại nói. Cái “lý” ở đời bao giờ cũng cần
phải thiết thực. Tôi nhắn thầy sang đây là muốn cậy nhờ thầy một việc. Dù gì
cũng không thể để bọn trẻ ở đây thất học. Thầy làm thuốc chỉ cứu được một số
người, thày dạy chữ chắc chắn là cứu được nhiều người hơn. Không thiếu gì căn
bệnh từ dốt mà sinh ra..
- Quan bác để em
thư thư ít thời gian đã. Cũng cần phải có trường ốc, sách vở mới mở lớp, không
làm ngay được.
- Việc ấy thày
không lo. Các cụ tiên chỉ, hào mục của làng đã bàn chín cả rồi. Cốt nhất là
thày đồng tình và giúp cho.
Chợt có tiếng ồn
ào ngoài ngõ, đèn đuốc sáng trưng. Lý Chẩn đi ra ngoài một lúc lâu mới trở vào
nói:
- Có thuyền cướp
dưới Giang Hạ. Tuần phiên vừa tóm cổ đưa về đình làng. Tôi bảo anh em cứ trói
lại đấy, canh giữ cẩn thận, mai sẽ hay. Ở đây an ninh lâu lâu xảy ra một vụ.
Cũng từ túng quẫn, đói kém, dốt nát mà ra. Nhưng thày đừng lo. Từ ngày tôi lên
làm lý trưởng, tôi có cách của tôi.. Trước đây loạn lắm. Người có chức sắc mà
thông đồng với tặc khấu, thời nào không loạn?
Tú Ất, trầm ngâm
không nói gì. Có lẽ anh nhớ ra lời bà lão kể về xóm Liều hồi chiều ở bến sông.
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét