Thanh niên ngày nay… chán thật
Tôi xin kể về bài giảng của cô giáo tôi. Một lần, kết thúc khoá bài giảng tâm lý học, cô giáo đọc cho tôi một đoạn văn rất lý thú. Tôi đã chép nguyên văn theo trí nhớ và xin hầu chuyện bạn đọc:
Trong một cuộc hội thảo về thanh niên tại Poóc – Mut, bác sĩ R.Gipsơn đã đọc 4 đoạn trích dẫn như sau:
Đoạn thứ nhất: “Tầng lớp thanh niên chỉ biết ăn chơi và rất mất dạy. Chúng thường chế giễu người trên và không biết kính trọng những người cao tuổi. Thế hệ con cái chúng ta rất dễ trở thành những người bạo ngược. Thanh niên bây giờ không còn biết đứng dậy chào khi có khách vào nhà và luôn luôn chống đối lại bố mẹ. Tóm lại thanh niên ngày nay hoàn toàn hư hỏng!”.
Đoạn thứ hai: “Tôi mất hẳn niềm tin tưởng với tương lai đất nước khi thấy hiện nay tuổi trẻ đang nắm quyền lãnh đạo. Thanh niên thời đại này quá quắt đến nỗi khó mà tin được họ sẽ đem lại điều gì tốt đẹp cho tương lai”.
Đoạn thứ ba: “Thế giới ngày nay đang trải qua một cơn nguy hiểm. Lớp trẻ không còn biết vâng lời bố mẹ nữa. Có thể đoán rằng chẳng bao lâu nữa sẽ đến ngày tận thế!”.
Đoạn thứ tư: “Tầng lớp thanh niên ngày nay đã mục nát đến tận xương tuỷ. Họ rất lười biếng và xảo trá, khác hẳn với lớp trẻ chúng ta thời xưa. Như vậy thì còn hy vọng gì họ giữ vững được nền văn hoá truyền thống của cha ông nữa!”.
Bác sĩ R.Gipsơn đọc xong, cả hội trường vang tiếng vỗ tay tán thưởng.
Nhưng… chờ khi mọi người đã hoàn toàn im lặng, ông mới cho biết niên đại của các đoạn trích dẫn trên:
* Đoạn 1 vào thời Xôxcrat (470–399 Tr.CN, tức cách đây khoảng 2400 năm).
* Đoạn 2 trích trong một tài liệu vào năm 720 Tr.CN, tức cách ta vào khoảng 2600 năm.
* Đoạn 3 trích trong tìa liệu ngành giáo dục Ai Cập vào khoảng 2000 năm Trc.CN, tức cách ta 4000 năm.
* Đoạn thứ 4 được khắc trên một bình hoa thời thượng cổ ở Babilon, cách đây hơn 4000 năm.
A ha, lớp người này tỏ ra vững vàng và chê lớp người sau. Nhưng không ngờ trước đó họ cũng đã từng bị chê, từng bị lo lắng và bất tín nhiệm. Vậy mà xã hội vẫn tiếp tục phát triển, vẫn tiếp tục văn minh… và ngày càng giỏi giang hơn. Nghịch lý thay!
Thật là thú vị! Xã hội loài người không ngừng vận động và phát triển, vì thế tâm lý người cũng biến đổi cùng với biến đổi của lịch sử. Và tâm lý học đã chỉ rõ rằng không thể so sánh tâm lý lịch đại được. Vậy thì vấn đề đặt ra là tại sao người ta lại cứ ưa so sánh và lắm lúc có kết cục rất hài hước như trường hợp bác sĩ Gipsơn đã trích dẫn ở trên
Bình luận về hiện tượng này, giáo sư tâm lý Phạm Hoàng Gia đưa ra những ý kiến như sau: Hoá ra thời địa nào cũng có những cha mẹ “bất mãn” với thế hệ con cái của mình. Quy luật tâm lý này dựa trên một cơ chế khá phức tạp mà những thành phần chủ yếu là sự tự khẳng định nhân cách, tính cải biên của trí nhớ và sự sai biệt về biểu giá trị định hướng của mỗi thời đại, mỗi lứa tuổi, cho nên muốn giáo dục thế hệ trẻ thì phải đến với họ bằng sự cầu thị khách quan, bao dung và thông cảm, tránh chủ quan, chỉ tin vào ấn tượng của mình và áp đặt theo định kiến có sẵn. Điều đó chỉ làm tăng sự xa cách thế hệ mà thôi.
/** Đoàn Công Lê Huy **/
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét