Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Doc Sach ( T.KH )



Tàn Tuyết bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Đó cũng là năm tôi được sinh ra tại một căn nhà nhỏ trên núi.
Những bạn bè của tôi, những người luôn tự cho là mình biết nhiều, lại không ai biết đến Tàn Tuyết. Tôi cũng mới biết đến nhà văn này cách đây gần một tháng. Một cô giáo cũ đem cho tôi cuốn Đào nguyên ngoài cõi thế và bảo với tôi là trong tập truyện này có một số truyện giống hệt như một số tác phẩm của tôi. Và cô giáo của tôi đã không tin là tôi đã không đọc Tàn Tuyết trước khi tôi viết. “Căn nhà nhỏ trên núi” là một truyện ngắn của Tàn Tuyết khiến tôi choáng váng. Đôi với tôi đó là một truyện ngắn lịch duyệt. Tác phẩm này đòi hỏi chúng ta phải biết tưởng tượng và bội ước với những nguyên tắc, những quan niệm về truyện ngắn trước đây.
Tôi sợ cái không khí huyễn ma trong truyện ngắn này. Thực ra trong một xã hội nguyền rủa sự sáng tạo thì có lẽ một phương thức để nhà văn có thể tồn tại và viết là biến cái sự thật trần trụi đau đớn thành những điều hoang tưởng, kỳ quái, thành những hình tượng mờ ảo không dễ nhìn thấy, khiến cho các nhà kiểm duyệt không thể tìm ra manh mối, khiến họ nghĩ rằng cái quái quỷ này chắc không có tí tẹo âm mưu nào cả. Sự khôn khéo này thực chất mà nói vẫn là một trong những lựa chọn để biến những câu chuyện đau thương về nỗi tủi nhục của thân phận thành những tác phẩm lấp lánh các mã nghệ thuật. Tất nhiên trong một chừng mực nào đó thì đây coi như là một sự thoả hiệp. Thoả hiệp để tồn tại và viết. Thoả hiệp khi cứ mãi bấu víu vào những ám dụ.
Không khí huyễn ma trong tác phẩm của Tàn Tuyết, bằng một cách khéo léo nào đó, lan rộng ra, lan rộng ra trong trí tưởng tượng của chúng ta khi chúng ta đọc hết một tác phẩm. Một nhà văn có lương tri sống trong một xã hội hèn mạt thì không thể tách mình ra khỏi chính trị. Không một tác phẩm nào của Tàn Tuyết lại không có thâm ý về chính trị. Cái mà chúng ta không thể nắm bắt được trong tác phẩm của nhà văn này cũng chính là cái lâu đài không thực trong một xã hội đại đồng mà người ta đang mơ ước trong cơn đói khát.
Đọc Tàn Tuyết để chúng ta thấy được thế nào là sự bất an, sự cuồng loạn. Đọc Tàn Tuyết để thấy được sự chịu đựng vĩ đại của tất cả chúng ta.
Tôi nghĩ rằng những nhà văn trẻ Việt Nam cần phải đọc Tàn Tuyết. Tàn Tuyết không thể vĩ đại nếu sống ở một đất nước bình an. Cái may mắn của Tàn Tuyết chính là được sống trong xã hội Trung Quốc, một xã hội tương đồng với xã hội mà nhà văn Việt đang lưu trú. Đọc Tàn Tuyết để thấy được cái cách mà nhà văn này trình ra những quái trạng man rợ trong văn hoá Trung Hoa mà không làm mất đi những thiên hướng nghệ thuật trong một tác phẩm. Một số nhà văn trẻ Việt ngày nay cũng đang rất niềm nở trong việc mô phỏng những nỗi đau đớn của tộc loại nhưng có lẽ không thể đi xa hơn được, không chạm vào được sự lịch duyệt của nghệ thuật bởi họ quá thật thà trong ngôn ngữ, trong hình tượng, và quá mức ngoan ngoãn trong cấu trúc.
Đừng thoả mãn với Lỗ Tấn, đừng hoan hỉ quá mức với Nhật ký người điên. Tàn Tuyết đã đi xa hơn nhiều.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: