Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 5, 2013

Đăng đủ một truyện ngắn:


NGÔI NHÀ BÊN CỬA RỪNG.
                    
                                       Truyện ngắn của Hồng Giang
   
       Chồng cao to, trắng trẻo, đần đơ, đầu óc như để mãi tận thế giới nào xa lắc. Công việc trước mắt cứ như thể làm để làm. Có chút gì đó chủ quan, lơ đãng. Nhưng khi có ai hỏi việc gì lại hết sức nhanh, nhạy. Tôi yêu cầu lắp thêm chiếc bóng đèn cho đủ sáng, chả hỏi lại, làm ngay. Cô vợ đanh đanh người, da ngăm ngăm, môi mỏng, láu táu, giọng lé xé. Dáng cô ta quen quen, gặp ở đâu rồi? Chịu. Không nhớ ra!
Đêm trước có trận mưa to, phông bạt ướt sũng xếp lại từng đống. Hai vợ chồng nhà này đang gỡ ra từng cái đem phơi. Cô vợ cằn nhằn, tự thanh minh với chính mình: “Thời tiết bây giờ thật khó hiểu, khó chịu. Ti vi thì báo rằng không có mưa, đâm chủ quan. Biết thế, tháo ngay từ hôm trước đã không rách việc thế này..” Chồng bảo: “Ướt thì phơi có sao? Trời không mưa, hạn kéo dài thì còn chết ấy.. ấy chứ..” Vợ nói: “Mình có cấy hái, trồng trọt gì mà mong mưa?” “ Rõ là đầu óc đàn bà, chỉ ích kỉ.. Dân làng mất mùa, lại không đói lây cả mình ấy à?”  “ Ồi dào..” Cô vợ lặng im, không nói nữa, đưa mắt nhìn về phía tôi, có ý nhắc chồng. Thằng chồng cười nhen nhen, ngượng ngịu rút bao thuốc ra mời. Cảm ơn, mình không hút.
Tôi nhờ anh ta cắm lại chiếc amli, mở đầu đĩa. Văn hóa đồng rừng, cứ là tiền trao cháo múc. Người ta xem chán xem chê rồi mới chịu trả tiền. Bất luận thế nào cũng chê ỏng chê eo một vài thứ, để tỏ ra vẻ mình hiểu biết, đừng có khinh người miền núi nha, thế giới này phẳng mẹ nó tự bao giờ rồi ấy nha..Bực bội. Cáu. Chỉ muốn nói vài câu cho bớt khùng! Dưng mà làm cái công việc này là làm dâu trăm họ. Bấy lâu tôi còn chịu đựơc, chịu thêm một lần có làm sao?
Được cái vừa mưa xong, mát trời, phần “trả bài” của tôi hôm nay có vẻ thuận lợi.
Chưa rõ nếp tẻ, đẹp xấu thế nào, chủ nhà ban nãy đã bảo:
- Cứ để đấy đã. Làm vài choóc, xem sau.
Nhưng công việc vẫn là công việc. Lừng xừng rượu rồi, lóng ngóng, dễ hỏng. Xem gần xong, nhà chủ không thấy nói gì.. Cô dâu đã về nhà chồng, đương nhiên không thể có ý kiến gì vào lúc này. Tôi đã thở phào nhẹ nhõm.( Làm nghề nào có nỗi khổ của nghề đó. Dài cổ ra xóa xóa, ghép ghép, biên tập, nâng cao, hiệu ứng hiệu iếc, không khổ bằng cái lúc ngồi đần mặt ra thế này để  nghe lời phán quyết của “thượng đế” ). May mà sự này không xảy ra. Một là video không đến nỗi nào. Hai là “thượng đế” cũng là chỗ quen.. Tưởng vậy đã xong. Đột ngột cô ả phông bạt hỏi:
- Anh làm thế này lấy bao nhiêu tiền một đĩa?
Tôi ngẩn người, sao lại tính đĩa như đĩa ở quán thịt chó, hay lòng lợn tiết canh?
- Ừ thì tôi tính theo đám..
- Cụ thể?
- Ngoài tỉnh người ta tính một, hai triệu một đám. Còn đây nhà quê lấy chút đỉnh xăng xe, công chả đáng bao nhiêu cô ạ!
- Giời đất, lấy thế bằng cả năm cày bừa của nhà quê chúng em à? Hôm trước cái nhà ông gì làm trên suối Triển lấy có hai trăm. Sao ở đây lấy đắt thế?
Lạy giời đất. Hai trăm thì làm cách nào? Có đi thuê nếu mình quay sẵn, ít ra cũng trả công thợ dựng phim hơn hai trăm rồi! Tôi chưa biết nói sao, may mà chủ nhà đỡ lời:
- Chú thông cảm, thím ấy không biết, thật thà hỏi vậy. Tiền tôi trả cơ mà.
Tôi như trút được gánh nặng: “ A, đây là em thím ạ? Không sao, không biết hỏi có gì là sai? Trông cô quen quen, cái ve bên mi mắt trái ..có phải người vùng này?”
- Em là con gái ông Phúng, có lần anh đến nhà em, chắc anh không nhớ?
Ra là vậy. Ông Phúng. Cái  tên nghe ma chay, phúng điếu là tên của ông có căn nhà rất lạ lùng gần cửa rừng, tôi nhớ ra rồi. Đó là một căn nhà kì dị, độc nhất tôi chưa từng gặp ở đâu..
2.
Hồi đó mưa nhiều. Những cơn mưa rừng không ngớt. Suối dâng ngập các tảng đá đầu ông sư hai bên bờ. Từng đám cây đổ ngả nghiêng, bám đen vắt là vắt. Ngoe nguẩy, ngoe nguẩy. Cua đá màu thâm nâu bò ra từng đàn. Có con chim không hiểu vì sao gẫy cánh, mắc kẹt trên ngọn cây. Rắn trắng, rắn xanh chạy lũ trườn loạn xạ ven bờ nước.. Chúng tôi có việc ở sâu trong rừng, vì mưa to quá phải ra đây tìm chỗ trú mưa. Nhưng cái chính vẫn là tìm một chỗ để nấu cơm ăn. Không thể nhịn. Mẻ không ăn cũng chết cơ mà?
Dọc theo suối, mãi rồi cũng gặp một ngôi nhà. Nhà thực sự chứ không phải chòi hay lán thường gặp ven rừng, nơi người ta ở tạm mùa làm nương. Có khi chỉ là trú chân buổi trưa, trú mưa nắng vì ngại về nhà quá xa.
Nhà dựng cột ngoãm, không có vết cưa đục, làm hoàn toàn bằng dao, chả có dấu vết công nghệ nào. Lại thấp bé, dựng chắn ngay giữa tim đường. Trần đời tôi chưa từng thấy nhà kiểu như thế bao giờ. Người ta cứ hay quen mồm kêu “nhà cửa”, “cửa nhà” vì thông thường đã là nhà phải có cửa, to nhỏ mặc lòng. Nhưng ngôi nhà này tuyệt nhiên không có cửa. Bạn sẽ hỏi vậy ra vào bằng cách nào? Đơn giản, cứ theo đường đi chạy dọc giữa lòng nhà qua hai đầu hồi để trống. Gọi là cửa cũng phải, gọi là đường đi cũng phải vì chính nó là lòng đường. Một con đường mòn xuyên qua rừng sâu, dọc theo suối, không mấy khi có người qua lại. Đó là ngôi nhà tận cùng của miền hoang sơ, thưa dấu vết con người. Ai đó có việc qua đây cứ tự nhiên vào, rồi ra dọc theo hành trình không cần xin phép chủ nhân.

Ông này đen, dong dỏng cao, tóc tai lờm xờm vì lâu không có khái niệm chải đầu, lược là vật xa xỉ không tìm thấy ở đây. Ở cùng ông còn có một phụ nữ cứng tuổi, với mấy đứa trẻ bẩn, lếch thếch, nhọ nhem. Bà ta tóc tai gọn hơn một chút, nhưng chắc chắn cũng không chải lược bao giờ. Bà ta nói giọng khê khê vùng biển. Hỏi quê, bảo Hai Hậu, Hải Dương.. gì đó, lâu ngày tôi không còn nhớ. Còn ông người Trùng Khánh, Cao bằng. Một người vùng biên viễn, đèo cao hút gió, một người miền thùy dương làm sao lại cùng nhau ở đây?
Kể: Loạn biên giới, người đàn ông tên Phúng chết mất vợ con, một mình về đây. Ông đau buồn đến nỗi không muốn nhìn thấy bất kì ai, định sống một mình ở thẳm Hon này cho đến cuối đời. Nhìn thấy cảnh sống gia đình người ta lòng ông lại tái tê, nhức buốt , chịu không nổi. Chỉ có muỗi và chim rừng là niềm an ủi cuối cùng của ông. Coi như đó là cách sám hối tạ tội cùng với vợ con vì sự thiếu chu đáo và quá chủ quan của mình. Dân làng xôn xao sẽ xảy ra chiến sự, ông một mực: “Không thể có chuyện đó, nếu có cứ chặt đầu tôi đi” Ông không tin là sẽ xảy ra chiến sự. Dân làng nhao nhác tản cư bằng nhiều cách, nhiều ngả. Ông vẫn ung dung như không có chuyện gì.. Không ai chặt đầu ông cả.. Hối hận, căm giận, tủi hổ lương tâm mình. Ông sống như bây giờ..
Một buổi sáng ông Phúng bắt gặp người đàn bà bị cảm lạnh, ngất bên bờ suối. Ông đưa người đó về, đánh cảm, thành vợ ông bây giờ. Cuộc hôn phối ngẫu nhiên tồn tại cho đến lúc họ gặp chúng tôi.
Lúc đó tôi chưa dám hỏi bà là ai, từ đâu đến? hoàn cảnh thế nào? Biết được quê quán, tên tuổi là mãi sau này, khi chúng tôi đã là chỗ thân quen.
Tôi biết bạn sẽ tò mò: Tôi là ai, làm gì chốn rừng xanh, núi đỏ heo hút, xa xôi ấy? Thưa bạn: Đó không phải là ý định của tôi muốn kể trong câu chuyện này. Nó là liên chuyện khác, sẽ kể nếu như tôi còn hứng thú. Bằng không, bạn cứ quên nó đi như bao chuyện nhảm nhí, phù phiếm, ngụy tạo người ta dựng lên đầy dẫy thế giới này..
3.
Ngôi nhà đó ông làm một mình, chỉ với một con dao quắm. Thứ dao có mũi cong như một dấu hỏi, chỉ có thể chặt ngang bổ dọc chứ không khoét, đục được như các dạng dao khác. Khái niệm “kèo” ở ngôi nhà này tuyệt nhiên không có.
Lúc đầu, ngay cả ý nghĩ dựng nhà cũng không hề có với ông. Định tìm một cái hang, hang đất hang đá, kiểu gì cũng được. Miễn là có chỗ chui ra chui vào. Nhưng quanh vùng không có cái hang nào như thế ngoại trừ những cái hang bí ẩn, bé tẹo của lũ chồn cáo, nhím, cầy đà, gì gì đó. Những cái hang như vậy không dành cho con người.
Cuối cùng ông dừng lại chính chỗ này, dựng căn nhà kì quặc này bên cửa rừng. Ông bắt đầu treo những quần áo cũ của vợ con còn sót lại lên liếp nứa che dọc hai bên lối đi. Tự nhiên có cảm giác yên ổn được vài hôm. Mùi của người thân nhắc ông nhớ về cuộc sống, ra khỏi cơn mộng du.
Hai tháng như thế trôi qua cho đến ngày ông gặp người đàn bà lạ gục ngã gần ngôi nhà của mình.
Hình như ông trời còn muốn cho ông gặp một cơ hội nữa, chứ thực lòng lúc đó ông không đợi bất cứ điều gì.
Ngoài cái vẻ nhợt nhạt, tiều tụy người ấy chẳng có gì. Bộ quần áo TNXP màu nước dưa bạc đã vá vài chỗ, cái kẹp tóc ba lá han gỉ, đôi tông Lào đứt quai phải nối bằng dây thép, tất cả chỉ có thế. “Vô sản” trăm phần trăm như khái niệm chung thời bấy giờ.
Ông không hỏi người từ đâu đến, thân phận thế nào? Ông đã trải qua nhiều gian khó cuộc đời, mối liên cảm giống như một sợi dây ngầm nối thông cảm tự nhiên, thấy không cần, không nên gợi lại nỗi đau người khác.
Ông lấy bộ quần áo cũ của mình cho cô ấy mặc sau khi đánh cảm xong. Cô thở đều đều, ngủ một giấc dài cho đến sáng hôm sau. Có lẽ chút mật ong rừng đã có hiệu nhiệm. Ông cuống quýt ra phía sau nhà lấy mấy cái bắp non, dùng dao quắm nạo ra, nấu cháo cho cô ăn.
Cô gái tỉnh dần, gượng ngồi dậy. Nước mắt cô ứa ra hai gò má có nhiều vết xây xước do lá cây, do vấp ngã quyệt vào:
- Đây là đâu? Ông là ai?
Ông bảo cô còn yếu, đừng hỏi nhiều. Cứ nghỉ đi, khi nào khỏe muốn về đâu sẽ đưa cô về. Cô lắc đầu:
- Đáng lẽ ông cứ để em chết.. Còn về, em biết về đâu bây giờ?
Tối hôm ấy ông được cô kể về cuộc đời của cô. Một cuộc đời “rất dài và rất xa”, rất buồn..
Có thể “cô chàng phông bạt” tôi kể phần trên được sinh ra từ đêm hôm ấy, hoặc đại loại như đêm hôm ấy về sau..
3.
Số phận là tên bạn phản thùng khốn kiếp nhất, hay là con thú đói rình mồi. Nó không dễ gì buông tha nạn nhân của nó..
Ngôi nhà bên cửa rừng cũng là nơi chứng kiến, chịu đựng những dị biệt, éo le rất ít khi xảy ra nơi những căn nhà khác.
Khả năng của nó chỉ có thể chứa đựng được hai đến ba con người là cùng. Chiều ngang chưa đầy ba mét, dài cũng chỉ nhỉnh hơn một chút. Dung lượng ấy.. hai hay ba đã là quá tải.
Vậy mà có lúc nó phải chứa gần chục con người. Tôi chịu không thể hình dung ra cách người ta ăn nằm, ở, làm vài việc gì đấy.. như thế nào trong không gian chật hẹp, ảm đạm, ám khói đến thế này?
Ngay hôm mưa gió chúng tôi vào đụng mưa, nấu nhờ bữa cơm đã phải bớt hai trong số ba đứa chúng tôi đội nón đứng ngoài mái hiên. Chỉ dựa được mảnh lưng áp vào vách nứa cho đỡ lạnh. Nếu không có mấy mảnh nón mê ai đó vất trên đường đi, hẳn cả hai ướt còn hơn chuột lội nước.
Bạn muốn biết vì sao quân số đột ngột tăng?  Câu chuyện thật giản dị và cũng thật khó hiểu:
Cách chừng hơn năm sau bữa ông Phúng  ( Cái tên ma chạy, hiếu đễ ra làm sao đâu!) gặp người đàn bà bên dòng nước, ngôi nhà này chứng kiến thêm một chuyện. Có một người đàn ông đầu trọc lốc, vùng này chưa ai gặp bao giờ dẫn theo người đàn bà trẻ đẹp nói là vợ, đi tìm người chị gái thất lạc. Người này ôm lấy vợ ông Phúng rồi khóc rống lên:
- Ối chị ơi, chị đi đâu từ đấy đến nay? Em ra trại người ta bảo mẹ chết rồi. Chị ra quân về làng lấy chồng huyện bên. Em sang đến nơi,cái lão chồng chị ấy còn vác thuổng đuổi đánh em.. Thế là làm sao hở chị?
- Lão ấy bảo chị không biết đẻ, lôi con khác về nhà. Chị không đồng ý thế là lão ấy kiếm cớ đuổi chị ra khỏi nhà..
- Thế chính quyền, làng xóm đâu? Chị chịu ra tay không à?
- Làm gì được lão? Lão lấy mình có đăng ký đăng queo gì đâu? Vợ lão đẻ toàn gái, lấy thêm mình, danh nghĩa vẫn là người ăn kẻ ở.. Mà thôi phải tập quên đi những điều khốn nạn mới đủ sức sống được em ạ.
Lão Phúng nói:
- Đúng đấy..quên con mẹ nó đi. Nhớ làm gì cho nặng đầu!
Hai vợ chồng kẻ mới đến không thấy nói chuyện ra đi. Ngôi nhà bên cửa rừng đủ chân tứ trụ triều đình.. Ba năm, thêm năm đứa trẻ ra đời từ vốn tự có của hai cặp vợ chồng này. Nói ngôi nhà này có lúc chứa chấp, chịu đựng gần chục con người là nhẽ ấy..
4.
 Ngày chúng tôi hoàn công công trình nơi rừng sâu, núi đỏ, có ghé qua chào lão Phúng để về xuôi. Cảnh tượng hoang tàn, bi thương đến không ngờ bày ra trước mắt tôi.
Hai bên đầu hồi cách chừng mươi mét có hai ngôi mộ mới, còn chưa xanh cỏ. Lão phúng ngồi ôm bụng phều phào nói: “ Nhà tôi và cậu ấy đi rồi cậu ạ!” Tôi nghe mà chột dạ, không thể tin! Hỏi các cháu đâu lão bảo: “ Hai đứa đi lấy măng bị lũ cuốn, hai đứa người ta nhận làm con nuôi ở ngoài làng Cháy, cách mươi cây. Giờ chỉ còn con bé này..” Lão chỉ tôi đứa bé có cái ve nhỏ mi mắt trái..( Giống hệt cái ve cô chủ phông bạt đầu câu chuyện này tôi đã kể )
Vợ ông em cậu đang lúi húi cào cào cuốc cuốc gì đó trên đồi cao. Bóng chị ta dài ngoằng, vắt qua khe suối, tới mãi đám cây đùm đũm gai sắc như vuốt mèo.
Ra đến đường cái quan còn được nghe nhiều câu chuyện hư hư thực thực về cái nhà ông Phúng này. Đồn rằng em cậu chết, ông ta có tình ý gì với em mợ. Bà vợ uất quá treo cổ tự vẫn. Mấy đứa con thương mẹ, hận bố bỏ nhà tìm nơi khác nương tựa. Bây giờ ông ấy sống như vợ chồng với cô em mợ..
Liệu có hẳn là vậy không?
 Tự nhiên thấy ghê sợ lời đồn thổi vu vơ, ác ý của con người. Không phải trước những cảnh đời không may mắn, ai cũng có lòng trắc ẩn, một chút lòng nhân, một chút hỉ xả, tha nhân.. Không thiếu kẻ xoay lưng, diễu nhại, tội tình người khác!

Chuyện buồn quá. Buồn đến nỗi tôi không dám tìm hiểu thêm, mặc dù sau đó có vài lần qua lại..

5. Không ngờ lại có ngày gặp được cô “phông bạt” hôm nay.
Thấy hiển hiện ngôi nhà bên cửa rừng, đêm đêm lập lòe ánh lửa. Có những đêm đom đóm nhiều như sao trên trời sa xuống thành một vệt dài bên khe suối. Tiếng bìm bịp hay tiếng con gì đó khắc khoải kêu..Ngôi nhà bé nhỏ sực nức tiếng cười, mùi đàn bà, mùi bắp non, lúa mới..
Nhưng mà thôi, chẳng nên nhắc lại, hỏi em thêm làm gì?
 Em bảo em con ông Phúng.. chỉ cần nhớ vài kỉ niệm vui về ngôi nhà bên cửa rừng. Chuyện khác quên đi như bao chuyện trong đời.
Tôi cũng mừng cho em!

                        Thác bản Lan 4/2013


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: