Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Am cu


Người rừng

images
Tối qua xem ti vi thấy Nick* đi lại trên chiếc bàn lớn thốt nhiên mình nhớ tới ông già thời mình sống ở thung lũng Chớp Ri. Ông bị bom cắt cụt hai chân gần sát bẹn, may mỗi chân còn một mẩu chừng bốn phân nên vẫn đi lại được. Ông đi lại hệt như Nick, khác Nick là ông còn nguyên đôi tay. Quanh năm ông trèo đèo lội đi lại trong rừng nhờ đôi tay giúp sức. Không chỉ có tài đi lại, tài săn bắt của ông thuộc hàng số một thung lũng Chớp Ri.  Ông không có nhà, sống trong hang đá, kiếm ăn nhờ săn bắt hái lượm, dân Chớp ri gọi ông là Người rừng.
Hồi đó mình kính phục ông quá trời luôn, coi ông như ông nội, gắn bó không rời với ông suốt thời gian mình ở Chớp Ri. Chuyện thế này.
Mình lên thung lũng Chớp Ri năm mười hai tuổi, học lớp năm với con Sử con Lý, thằng Toàn thằng Côi. Chúng nó đẻ ra ở đây, thuộc đường rừng nằm lòng, có thể nhắm mắt đi mà không sợ lạc. Mình đeo theo chúng nó, kết thành một nhóm năm đứa gọi là nhóm Gà rừng. Ngày nào cũng giống ngày nào, đi học về lùa vội bát cơm là kéo nhau vào rừng đi ăn nấm, ăn hạt dẻ, ăn củ mài, ăn mật ong…. (Quê mình vào rừng hái lượm gọi là đi ăn).
 Săn bắn là món mình thích nhất. Hồi này chẳng nghe ai nói về bảo vệ thú rừng, từ con nít tới người lớn coi việc săn bắt thú rừng là chuyện bình thường, giống như ra đồng mò cua bắt ốc vậy. Con nít không có súng thì làm bẫy bắt những con thú nho nhỏ như chồn, nhím, thỏ, khỉ.v.v. Đứa nào cũng có vài chục cái bẫy rải khắp nơi. Hầu như ngày nào cũng bắt được một con gì đấy, không chồn thì nhím, còn gà rừng một ngày kiếm được vài ba con là chuyện thường.
 Không gì thích bằng đi thăm bẫy, hồi hộp khi gần tới bẫy, thấy đám lá  trước mặt rung bần bật là biết bẫy đã sập, sướng rêm. Đôi khi tới gần bẫy vẫn thấy im lìm hơi bị thất vọng, tới nơi mới biết bẫy đã sập, con thú nhỏ quẫy đạp mệt quá đang năm thoi thóp thở, mừng ơi là mừng!
Một chiều mình cùng nhóm Gà rừng đi thăm bẫy, chưa thăm được cái bẫy nào thì thằng Côi phát hiện ra một rừng ổi, quả chín vàng cả rừng. Những cây ổi to như cây cổ thụ chi chít quả, ổi chín rụng đầy các gốc ổi, vương vãi khắp nơi. Thuở bé đến giờ mình mới rừng ổi thế này.
Năm đứa đua nhau trèo cây vặt quả chín. Con Sử con Lý trèo cây còn giỏi hơn tụi con trai, bò ra đầu ngọn các nhánh cây, hái được những quả ổi cực ngon. Bỗng nhành cây con Sử đang đứng kêu răng rắc, con Sử nhảy đại xuống đất. Chân vừa chạm đất con Sử bỗng rú lên một tiếng thất thanh, phút chốc nó bị treo ngược lên lủng lẳng bởi một cần bẫy heo rừng. Đây là sự lạ, người ta bẫy heo rừng ở các lối đi, chưa thấy ai đặt bẫy ở các gốc cây. Có lẽ ai đó phát hiện heo rừng hay vào đây ăn ổi chín mới đặt bẫy thế này.
Con Sử bị treo ngược lên cao, dây bẫy heo rừng là loại dây thép bó rất bền rất sắc. Heo rừng mắc phải, dây cứa vào thịt, càng giẫy càng bị cứa đau, đành phải nằm im chờ chết. Con Sử bị dây thép cứa vào chân nó kêu khóc ầm ĩ. Muốn cứu con Sử phải chặt cần bẫy hoặc chặt dây,  cả nhóm lại không ai mang theo dao rựa. Ba thằng con trai ra sức vít cong cái  cần bẫy nhưng không được, sức tụi mình làm sao vít được cần bẫy heo rừng.
 Dây đã cứa sâu vào bắp chân con Sử, một vòng mỡ trắng vòng quanh, máu chảy ròng ròng. Để con Sử đỡ đau, mình và thằng Toàn thằng Côi cho con Lý đứng trên vai để nó ôm con Sử đùn ngược lên, dây chùng lại không xiết chặt chân con Sử. Con Sử hết bị dây cứa vào chân, nó cũng thôi khóc. Tụi mình cũng chỉ biết giúp con Sử đỡ đau, không ai nghĩ được kế gì giúp con Sử thoát khỏi cái bẫy, cả nhóm túm tụm bên con Sử chẳng biết làm thế nào.
Bỗng một ông già lùn tịt, tóc râu bạc trắng vác cây rựa nhúc nhắc đi vào. Ông không có chân, vừa đi vừa xoay như đang đi bằng mông vậy, hết xoay bên này lại xoay bên kia thế mà ông đi cực nhanh, như đang lướt trên cỏ vậy. Tới gần cần bẫy ông quát to một tiếng, nói đỡ lấy con nhỏ! Dứt lời ông vung rựa chặt liền một nhát, cần bẫy gãy đôi, con Sử rơi xuống. Dây bẫy được tháo ra mới thấy nó cứa vào bắp chân con Sử thật sâu, máu chảy ngập cả ống chân. Ông già rút trong túi một nắm sợi vàng vàng, rắc quanh vết cứa của con Sử. Sau này mình mới biết đấy là lông cây cu liền cầm máu rất tốt.  Máu cầm ngay tức khắc, tụi mình vực con Sử cõng nó về, ngoảnh lại không thấy ông già đâu nữa.
Không biết ông là ai, từ đâu tới? Trên đường cõng con Sử về trạm xá, cả nhóm cãi nhau ỏm tỏi. Gần tới trạm xá thằng Toàn chợt đứng khựng lại mặt mày nghiêm trọng, nói tau nhớ ra rồi, bọ tau nói đó là Người rừng. Tụi mình nói thiệt không thiệt không. Thằng Toàn nói thiệt, Người rừng không chân tóc râu bạc trắng. Ông ở trong hang Dơi đó. Tụi mình nói thiệt không thiệt không. Thằng Toàn nói tổ bọ đứa mô nói láo!
 Nói vậy nhưng chúng nó cũng quên, riêng mình là nhớ. Mình nì nèo thằng Toàn đòi nó đưa đến hang Dơi. Chiều tối hôm sau thằng Toàn đưa mình đến hang Dơi. Hàng này rất nhiều dơi, có đến hàng chục vạn con, hình như dơi toàn thế giới tụ tập về đây cả. Tụi mình đến vào khi trời chập choạng tối, dơi bay ra cửa hang từng đám đen đặc, y như từng đám mây đen vùn vụt bay ra. Bầu trời đen đặc dơi, trời chiều bỗng tối sầm. Kinh.
Mình bám theo thằng Toàn vào hang, nói răng Người rừng lại ở một mình ở đây. Thằng Toàn nói hỏi ngu, có rứa mới người rừng.  Đến lưng chừng hang thằng Toàn dặn mình, nói mi ngấp mồm nghe chưa, đừng để ông biết. Mình ngạc nhiên, nói ủa tao tưởng mình đến nói chuyện với ông. Thằng Toàn nhăn mặt quát khẽ, nói đom! Người ta là người rừng, nói chi mà nói. Chợt có tiếng cười vang lên ở phía sau. Tiếng cười được dội vang bởi hang đá nghe rờn rợn. Hai đứa quay ngoắt lại, Người rừng đã đứng sau lưng từ lúc nào. Ông đứng cười rung râu rồi âu yếm nhìn tụi mình, nói đến thăm ông phải không. Hai đứa rụt rè dạ, ông dang tay hai tay vỗ lưng hai đứa, nói vô đây vô đây.
Ông đi trước, tụi mình bám theo sau ông. Ông đi thật nhanh, cứ xoay xoay vậy mà đi rất nhanh. Gặp chỗ phải bước xuống thấp ông nhảy một nhảy, cái nhảy thật gọn y như có ai đó bế ông đặt xuống vậy. Gặp chỗ phải bước lên cao ông dùng tay bám vào gờ đá tự nhấc bổng mình lên  nhẹ nhàng như không. Mình phục quá đi mất.
Nơi ông ở là một hốc đá rộng chừng chục mét vuông, trước hang là một tảng đá thật lớn, phẳng lì. Ông cất đồ trong hốc, ăn ngủ trên tảng đá. Mình phát hiện mọt cái khe hẹp nước sâu hoắm chảy vòng vèo dưới các tảng đá. Người rừng nói ông ra rừng bằng lối đó, đó là lối tắt rất gần, từ đây ra rừng chỉ mấy trăm mét. Mình hỏi Người rừng, nói ra bằng cách chi, bơi hả ông. Ông ừ và nhảy bùm xuống suối lặn một hơi thật lâu mới nổi lên. Người rừng bơi ngửa, hai tay khoát nước đưa ông trôi theo dòng nước ra tới cửa rừng.
Tụi mình lội suối bám theo Người rừng, cùng ông vào rừng. Bây giờ mới biết ông chuyên đặt bẫy săn heo rừng, có đến mấy chục bẫy. Người rừng  chỉ ăn hoa quả, cơm thịt cá là cái gì đó thật kinh tởm đối với ông, chả hiểu ông bắt heo rừng để làm gì. Theo Người rừng tới năm cái bẫy không có gì, tới bẫy thứ sáu một con heo tạ sập bẫy. Mình đang đoán xem Người rừng bắt trói thế nào, mang vác ra sao con heo to thế kia thì ông lôi trong túi ra một bọc nilon, một con bồ câu ở trong bọc. Ông thả con bồ câu, nó bay vút lên, thoáng chốc biến mất trong cánh rừng sẫm tối.
Mình hỏi Người rừng, nói con bồ câu bay đi mô. Người rừng ngồi ( ngồi cũng như đứng) thong thả châm thuốc hút, nói bồ câu về làng báo người ra bắt heo về. Rồi ông khoát tay, nói ông cháu mình đi thôi, mau thăm bẫy khác, tối rồi. Tụi mình đi theo Người rừng, nói ngày mô ông cũng bắt được heo cả à, ông ừ. Mình nói một tháng ông bắt được mấy con. Ông nói chừng ba bốn chục con.  Mình nói ông ghét ăn thịt, bắt heo làm chi lắm. Ông nói để bán lấy tiền. Mình nói ông ở một mình, tuyền ăn hoa quả uống nước suối, cần tiền làm chi. Ông cười ha ha ha vỗ vỗ lưng mình, nói thằng ni khá, sau này làm công an được.
Từ đó ông cháu thân thiết. Ngày nào mình cũng bám theo ông quên mất nhóm Gà rừng, chúng nó chửi um mình cũng mặc kệ. Chơi với Người rừng thích hơn, khi cùng ông vào rừng thăm bẫy hái hoa quả, khi vào hang Dơi ngồi nghe ông hát.. rất thích. Ông có cây đàn cò, lúc nào buồn ông lại kéo đàn và hát Chinh phụ ngâm, đến giờ mình hảy còn nhớ đôi câu. Ông hát, da mặt giật giật tóc râu rung rung, nước mắt giọt giọt chảy vòng vèo trên má. Nước có chảy mà phiền chẳng rửa,/ Cỏ có thơm mà dạ chẳng khuây./Nhủ rồi nhủ lại cầm tay,/ Bước đi một bước dây dây lại dừng. Mình hỏi ông nhớ ai. Ông mỉm cười, nói nhớ đàn bà. Mình nói ông không có vợ à. Ông cười khì, nói có thì ông nhớ đàn bà mần chi.
Mình đinh ninh ông không vợ con gì, người như ông ai mà dám lấy, nên ráng gần gũi ông nhiều hơn cho ông đỡ buồn. Mình nhớ buổi chiều ngày chủ nhật hôm đó ông ngồi câu cá với mình ( ông câu cá giúp mình chứ ông không ăn cá), tự nhiên ông nói mi thương ông thiệt à. Mình nói dạ thiệt. Ông mỉm cười như mếu không nói gì. Mình nói ông nội con chết khi con chưa đẻ, con không có ông nội, thấy ông ở một mình con thương. Ông ôm chặt lấy mình, nói đừng thương ông, ông không đáng thương  mô, thiệt đo. Mình hỏi vì sao, ông lại mỉm cười như mếu không nói gì.
Chẳng dè đó là buổi chiều cuối cùng mình ngồi với ông. Sáng hôm vừa tới lớp thằng Toàn  báo ngay, nói Người rừng chết rồi. Mình giật mình hỏi răng chết. Thằng Toàn nói rắn cắn. Bị rắn cắn ngoài rừng Người rừng lết về hang Dơi, cố leo lên nằm trên tảng đá mới chịu chết. Mình vứt xắc bỏ lớp chạy về hang Dơi, thằng Toàn cũng chạy theo. Đám tang từ trong hang đi ra, rất đông người đưa tiễn.
 Mình ngạc nhiên thấy rất nhiều người đeo tang liền kéo áo thằng Toàn, nói răng nhiều người đeo tang. Nó nhăn răng cười, nói thằng ni ngu lâu cực kì. Nó hỉ mũi, quyệt bừa nước mũi vào áo, vừa quyệt vừa kể, nói người rừng ngủ với 19 người đàn bà khắp thung lũng, sinh được ba sáu đứa con. Mình trợn mắt lên, nói thiệt a. Thằng Toàn nói tổ bọ đứa mô nói láo.  Nó lại hỉ mũi,  lại quyệt nước mũi vào áo, nói mi không biết thì thôi, toàn đàn bà ế chồng, họ đua nhau mò vô hang Dơi xin ông đứa con. Mình trợn mắt há mồm không biết nói sao.
Mình  ngước nhìn đám tang, đoàn người đi sau quan tài đến năm sáu chục người, trai gái trẻ già đủ cả, tất cả đều mang khăn trắng.Bây giờ mình mới hiểu Người rừg kiếm tiền để làm gì, sau lưng ông là cả một gia đình lớn!
  Người rừng sung sướng nhất trần gian, thế mà mình không biết.
NQL
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: