( ảnh không liên quan đến bài viết, chỉ để nhớ Nick V.)
Cái chuyện Tây tấn công không còn là tin đồn nữa. Từ làng tôi đã
có thể nghe thấy tiếng moọc chê, súng cối ì ùm dưới mạn Vĩnh Yên, phía dãy núi Tam
Đảo. Bên xứ Đoài nhìn từ đây đã thấy những cột khói đen bốc cao lên cuồn cuộn.
Máy bay bà già đã có lần bay sát sạt qua, xả đạn mười hai li xuống đất, dọc hai
bên bờ sông. Nơi ấy có những đoàn thuyền tản cư đang chuẩn bị chèo chống, đẩy mãi
lên mạn ngược.
Cả vùng nhộn nhạo, bàn tính người đi kẻ ở?
Chính phủ kháng chiến dán
yết thị, rải truyền đơn kêu gọi toàn dân “tiêu thổ kháng chiến”, “toàn diện
kháng chiến”. Rồi thì kêu gọi “Tuần lễ vàng” lấy tiền mua vũ khí cho bộ đội.
Mẹ tôi thôi cả công việc chợ búa. Hàng ngày gánh đôi quang thúng đi
vận động các làng mở “hũ gạo kháng chiến”.
Dân quân du kích học tập kinh nghiệm làng chiến đấu “Vật lại” bên
Sơn tây, hô hào dân chúng dựng làng kháng chiến. Bên ngoài bìa làng, tre xoan
được ngả xuống làm hàng rào. Bên trong đào hào làm phòng tuyến chờ đánh địch.
Chiến tranh đôi khi là một kiểu hội hè, vừa lẫm liệt vừa bi
thương.
Cả đến sập gụ, tủ chè cũng mang ra làm chiến lũy. Ngoài tự do độc
lập ra, bây giờ chả còn có gì đáng được coi trọng, quý giá nữa vào lúc này.
Những nhà ngói năm gian, bảy gian phút chốc biến thành kè, thành
cọc, thành chiến hào. Công sức, của nả gom góp bao năm trời phút chốc tan han
hoang. Người giàu có cũng như kẻ nghèo nàn, lúc này ngang bằng nhau về mọi mặt.
Ông tôi bỏ cái ý định cuối năm ấy về làng Bún bên xứ Đoài thăm
quê cũ. Làng xóm loạn động thế này còn thăm thú gì được nữa?
Điều làm ông nội tôi mất ăn mất ngủ mấy ngày nay không hẳn vì cuộc
sống gia đình tôi. Người lo nhất là sự tồn tại của ngôi đình. Ông tôi phải vất
vả lắm mới thuyết phục được đám thanh niên hăng hái, nhiệt tình kháng chiến
đừng động đến ngôi đình.
Nơi ấy không chỉ là nơi thiêng liêng của cả làng, cả vùng mà còn
là sự tôn nghiêm, linh nghiệm của cả quốc gia dân tộc.
Một ngôi đình từng tồn tại hàng trăm, thậm chí hàng ngàn năm đâu
phải chỗ được phép tự ý đụng tới, dù với danh nghĩa nào?
May thay giữa lúc các bô lão trong làng còn
đang dàn xếp với đám du kích quân trẻ người non dạ thì ông Tú Ất xuất hiện.
Ông ủng hộ ý kiến của bậc già cả trong làng, đồng ý là tạm thời
chưa đụng đến ngôi đình. Ông phó ban Việt Minh xã còn chưa đồng tình. Ông ta
bảo:
- Nếu Tây nó đến, nó lấy ngôi đình này làm chỗ đóng quân, chúng
tôi không chịu trách nhiệm đâu đấy!
Ông Tú Ất gật đầu:
- Được rồi, đồng chí cần làm giấy, tôi chịu trách nhiệm, ký cho.
Việc này trên chưa cho ý kiến chỉ đạo, nhưng tôi thấy nên thận trọng, không thể
tùy tiện!
Ông phó ban giở xà cột lấy ra một tờ giấy, rồi rút cây Pắc ke túi
áo ngực ra định viết. Chợt phát hiện bút khô mực từ bao giờ, ngượng ngịu nói
chữa:
- Đồng chí là cấp trên, đồng chí nói chúng tôi phải chấp hành.
Nhưng tôi cứ thấy áy náy không yên..
- Kháng chiến còn bận bao nhiêu việc. Nếu không thật cần thiết
không nên phá dỡ lung tung. Kể cả nhà dân cũng vậy. Kháng chiến còn trường kỳ
gian khổ, có phải ngày một ngày hai đâu? Phá hết rồi ăn ở chỗ nào?
Ông lúc này rất vội, đã định quay đi, cảm thấy không an tâm, quay
lại mời tất cả các vị già cả, ông phó ban và đám dân quân vào trong đình.
Đám trẻ con chúng tôi thấy vậy, cũng tò mò vào theo. Thầy giáo
Ất, ông cán bộ cấp tỉnh lúc đấy nói một bài rất dài. Tôi không nhớ được nguyên
văn.
Đại ý thế này:
“ Nhà nước Đại Việt xưa vốn là một quốc gia hùng mạnh gồm cả trăm
tộc người, có kinh đô phía nam sông Dương Tử, kéo dài từ ngọn núi Phật Sơn (
Sau này trong ca dao của ta mới có câu: “công cha như núi Thái Sơn”. Núi Thái Sơn chính là núi Phật sơn này đấy các
đồng chí ạ, chỉ là cách gọi khác mà thôi ). Nhưng do quốc gia láng giềng của
người Hoa Hạ lúc đó bành trướng, xâm lấn mới chuyển dần về phương nam. Văn Lang
là nhà nước sau cùng của quốc gia đó còn sót lại, phần tinh hoa trường tồn của
Đại Việt khi xưa. Chúng ta là con cháu vua Hùng lẽ nào lại xâm phạm tôn miếu tổ
tiên? Giặc chưa hại mà ta đã phá rồi, làm sao ăn nói với mai sau?..”
Ông còn nói dài thêm một khúc nữa. Khúc này không hiểu vì sao tôi
không nhớ được? Nhưng những lời trên tôi còn ghi nhớ đến tận bây giờ.
Tranh thủ bài diễn văn ngắn, ông giáo Ất vội vã xuống thuyền về
phía bên Việt Trì. Bên đó địch và ta đang giằng co với nhau từng tấc đất. Có
người sang báo “an ninh ta vừa phát hiện ra một nhóm lô bê gián điệp địch cài
vào nội bộ ta”, đang đợi ông về cho ý kiến chỉ đạo xử lý, ông không thể nán lại
lâu.
Tôi kể câu truyện trên, để thấy ngôi đình làng tôi có giá trị và
quan trọng như thế nào. Nếu nó bình thường như ngàn vạn ngôi đình khác, trong
tình thế nước sôi lửa bỏng lúc bấy giờ, hẳn ông Tú Ất không để tâm và mất thì
giờ đến như thế..
Đối với tôi, khi ấy chưa có cụm từ “thần tượng” như bọn trẻ sau
này khi chúng tôn trọng và yêu mến một ai đó. Nhưng ông Tú Ất là người tôi vô
cùng ngưỡng mộ. Ông từng cõng tôi những buổi chiều đi dọc bờ đê xem người ta
thả diều. Vừa đi ông vừa kể cho tôi nghe những câu chuyện lạ lùng mà người làng
tôi, kể cả cha mẹ, ông bà tôi chưa bao giờ thấy hay kể được. Ông phác họa vào
ký ức non nớt của tôi về một thế giới của ngày mai. Trong thế giới ấy, người
với người là bạn bè, không phân biệt giàu nghèo, đẳng cấp. Mọi người đều coi
nhau như anh em ruột thịt. Một xã hội mọi con người đều tự giác, giàu lòng
thương yêu nhau. Không có người bóc lột người. Người ta làm theo năng lực và
hưởng theo nhu cầu, không có đố kị, bon chen, không âm mưu và tội ác. Thế giới
ấy không dung nạp bất công, thậm chí không cần đến tòa án, công an hay quân
đội. Không có trại giam, không có chính phủ, không người cầm quyền, đè đầu cưỡi
cổ người khác. Mọi người đều bình đẳng như nhau, ai cũng có hạnh phúc. Đó là
thế giới kể cả những người già nhất trong làng tôi cũng chưa ai thấy và nghe
nói bao giờ. Không hiểu sao những người từng trải, khôn ngoan nhất thời bấy giờ
cũng tin là sẽ có như thế thật, nói gì một đứa trẻ chưa đến mười tuổi như tôi?
Tôi càng kính trọng ông hơn sau lần ông lội ra giữa dòng sông để
cứu tôi và anh cu Tý. Bố mẹ tôi bảo ông là người cha thứ hai của tôi vì không
có ông hôm đó tôi và càng cu Tý có thể đã bị hà bá lấy đi rồi.
Tôi càng khâm phục hơn những buổi tối đứng xem ông dạy võ cho các
chú của tôi. Các chú tôi bấy giờ đã cứng tuổi, xương cốt không còn dẻo, lại hết
thời hăng hái nên rất sợ đau. Ông Tú bảo: “ Quốc dân toàn các kẻ ươn hèn thì
mong gì có tự do, độc lập được? Đau cũng phải tập. Có thế, nó mới rắn rỏi con
người.Tập võ không phải chỉ để đánh nhau, căn bản là luyện rèn ý thức và nhân
cách”. Kết quả là các chú tôi hết sợ đau, ham tập lắm. Bị đau thì lấy gio nóng,
cơm nóng chườm, quyết không bỏ cuộc.
Sau này cả hai người chú của tôi được ông giới thiệu vào đội
“công an xung phong”. Chuyên đi trừ gian diệt ác. Một lần theo ông phục kích
chém chết thằng quan hai Pháp trên bến Trung Hà, bị địch bao vây, bắt sống được
cả hai người. Chúng đưa về giam dưới Hỏa Lò hơn một tháng rồi đưa lên bến Trung
Hà chặt đầu bêu chỗ bến đò. Ông nội tôi phải thuê người nửa đêm mang xác về nhà
mai táng. Đợt ấy ông tôi ốm. Tháng sau cụ qua đời.
Hai đứa con chết trong một ngày, thật quá sức chịu đựng của người cha già đã ngoài bảy mươi như ông
nội tôi.
Nhưng đấy là câu chuyện của hơn một năm sau..
Còn bây giờ, theo ý của cụ thủ từ và các bậc cao niên lo việc
đình của làng, các chú đang đào hầm để chôn giấu bài vị, sắc phong và bát nhang
cùng các pho tượng trong đình. Đề phòng bất chợt lúc nào Tây tấn công vào làng
có thể chúng sẽ phá phách, những thứ bảo bối này của làng không thể để mất,
hoặc để chúng xâm hại.
Hầm đào trong vườn nhà tôi. Cả những cánh cửa đình bằng gỗ lim chắc
và nặng cũng được chôn giấu. Ông tôi bảo cửa bằng gỗ tốt, chả kém sắt nguội, có
chôn hàng trăm năm cũng không sợ mục!
Cái năm “lở giời” ấy, ông nội tôi thôi không còn làm bá hộ, bố
tôi bỏ chân lý trưởng, theo Việt Minh. Lúc đó chưa ai phân biệt nông dân và địa
chủ.
Ngay cả cụm từ ‘ Địa chủ kháng chiến” cũng chưa ai nhắc đến. Mặc
dầu vậy, ông và bố tôi vẫn rất e ngại khi người ta kêu cái danh xưng cũ của mình.
Ông tôi bảo với mọi người: “ Cứ gọi tôi là ông hay là bác tùy các anh các chị,
đừng Bá nọ bá kia, phiền lắm” Hình như ông linh cảm có điều về sau không hay.
Công bằng mà nói, thời nào cũng vậy. Cuộc nổi dậy nào cũng phải
dựa vào kẻ hào phú, có điền sản mới có
lương nuôi tướng, nuôi binh. Dựa vào mấy anh không có tấc đất cắm dùi, không có
nổi bát gạo nấu cháo thì làm được cái gì?
Chỉ khi có người khởi sướng, thành công rồi họ mới kéo nhau theo.
Lúc mới nhen nhóm họ còn phải lo kiếm miếng ăn, lo cái bụng, manh quần tấm áo
là nỗi dằn vặt hàng ngày.
Chữ nghĩa chả có, biết hay dở là cái gì, mà chính mới chả phi nọ,
phi kia?
Nhà tôi bắt đầu phải lo chuyện tản cư. Nhưng đi đâu, bằng cách
nào, ông nội và bố tôi chưa quyết. nấn ná mãi, đến khi người làng đi vãn rồi
ông tôi mới gọi bố tôi bảo:
- Anh chị đưa bọn trẻ tản cư ngay đi. Nhà mình có người ở trên
Tuyên, nơi ấy đang là vùng tự do chưa có giặc dã. Mình lại có nghề sẵn, ở đâu
cũng không sợ đói. Ở đâu cũng phải lấy nhân nghĩa làm đầu. Người có đức chả có
sức mà ăn, không phải lo. Một vài năm yên hàn rồi lại về.
Bố tôi hỏi:
- Thế nhà cửa bỏ cho ai?
Chả nhẽ để ông bà già ở lại, chúng con không đành lòng!
Ông tôi xua tay, vuốt bộ râu cước, một lúc mới nói:
- Cốt là lo cho vợ chồng anh và đám trẻ. Chúng tôi già rồi, sống
chết lúc nào không cần bàn. Với lại dù giặc dữ đến đâu chúng cũng không làm gì
người già cả. Tôi và mẹ anh ở lại còn phải hương khói cho tổ tiên, ông bà. Đi
cả không được. Với lại hai thằng em anh vẫn thấp thoáng qua lại, có chuyện gì
đã có chúng nó, anh không phải lo!
Bố tôi vốn lành hiền, ít nói. Xưa nay công việc trong nhà chủ
trọng vẫn theo ông nội tôi cắt đặt, không dám cãi lời. Bố tôi chỉ rơm rớm nước
mắt, ngồi lặng người, không dám hỏi thêm.
Bố tôi không biết rằng đấy là lần cuối cùng bố tôi được nghe lời
ông tôi căn dặn. Hai năm sau bố mẹ tôi quay trở lại, làm ăn trong vùng địch hậu
là quê tôi, ông bà tôi và hai chú tôi đã ra đi mãi mãi, không bao giờ gặp lại..
( Còn nữa..)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét