Về truyện ngắn và cực ngắn
|
(Hoàng Ngọc-Tuấn dịch)
Lời người dịch:
Dưới đây là một số đoạn trích từ hai tiểu luận "Algunos aspectos del cuento" (Vài phương diện của truyện ngắn), và "Del cuento breve y sus alrededores" (Về truyện cực ngắn và những dạng tương cận) của Julio Cotázar (1914-1984) nhà văn Á Căn Đình, một trong những tên tuổi hàng đầu của văn chương thế kỷ 20, là tác giả của nhiều cuốn tiểu thuyết -- nổi bật nhất là Rayuela (Nhảy cò cò, 1963), một tác phẩm hết sức độc đáo về nhiều phương diện -- và nhiều truyện ngắn (và cực ngắn) rất lạ thường. Thật thú vị, Julio Cortázar gọi những truyện cực ngắn là "những truyện chạy đua với đồng hồ" (los cuentos contra el reloj).
-------------------------------------------------------------------------------------------
Vài phương diện của truyện ngắn
[...]
Trong nỗ lực nắm bắt tính cách độc đáo của truyện ngắn, người ta thường so sánh nó với tiểu thuyết, một thể loại phổ thông hơn rất nhiều và có rất nhiều quy tắc đã được đặt ra cho nó. Chẳng hạn, chúng ta thấy rằng tiểu thuyết mở rộng câu chuyện từ trang này sang trang khác, và do đó kéo dài thời gian cần có để đọc nó, và nó chỉ dừng lại khi đề tài đã được khai triển đúng mức; truyện ngắn, ngược lại, khởi sự với ý niệm về một giới hạn, và trước hết là một giới hạn vật chất (límite físico), chính vì vậy mà ở Pháp, khi một truyện ngắn kéo dài hơn hai mươi trang, nó được gọi là "nouvelle" (truyện vừa), một thể loại gát chân này lên truyện ngắn và chân kia lên tiểu thuyết.
Trong ý nghĩa này, chúng ta có thể dùng phim truyện và nhiếp ảnh như một phương tiện loại suy để so sánh tiểu thuyết và truyện ngắn. Phim truyện, trên nguyên tắc, là thể loại "bỏ ngỏ" (“orden abierto”) [không bị giới hạn về độ dài], giống như tiểu thuyết, trong khi một bức nhiếp ảnh có giá trị phải tiên liệu được cái giới hạn bị quy định bởi tầm thu ảnh hẹp của ống kính và tác dụng mỹ học mà nhiếp ảnh gia có thể tạo nên trong chính cái giới hạn này. Tôi không biết bạn đã từng nghe một nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp nói về nghệ thuật của mình hay chưa; tôi cứ ngạc nhiên mãi khi nghe những điều ấy giống hệt như những điều mà một người viết truyện ngắn có thể nói. Những bức nhiếp ảnh tuyệt hảo cỡ tác phẩm của Cartier-Bresson hay Brassai đã định nghĩa nghệ thuật nhiếp ảnh như một nghịch lý rành rành: nó cắt ra một mảnh nhỏ của hiện thực, đặt mảnh ấy vào trong những giới hạn nào đó, nhưng nhờ vậy tác phẩm sẽ bung ra như một cú nổ làm mở toang một hiện thực rộng lớn hơn rất nhiều, như một nhãn giới đầy sức mạnh làm thăng hoa phần hồn của cái nhìn qua ống kính. Trong khi phim truyện, cũng như tiểu thuyết, để nắm bắt cái hiện thực rộng hơn và đa phương hơn, cần phải phát triển sự tích lũy những tiểu tiết (chứ không gạt bỏ chúng đi, dĩ nhiên) như một tổng hợp đa phức nhằm dẫn đến điểm cao trào của tác phẩm, thì một bức nhiếp ảnh hay một truyện ngắn xuất sắc lại có lối tiếp cận khác hẳn: người chụp ảnh hay người viết truyện ngắn phải chọn lựa và đặt giới hạn cho một hình ảnh hay sự kiện để biến nó thành một dạng "khai nhãn" (apertura), một quá trình lên men nâng trí tuệ và cảm xúc vượt qua cái giai thoại thị ảnh hay văn chương (la anécdota visual o literaria) mà tác phẩm nhiếp ảnh hay truyện ngắn chứa đựng.
Một nhà văn Á Căn Đình rất mê xem đánh quyền Anh có lần bảo tôi rằng trong trận võ đài xảy ra giữa cái văn bản hấp dẫn và độc giả của nó, tiểu thuyết thắng nhờ đánh kéo dài để lấy điểm kỹ thuật, còn truyện ngắn thì phải thắng nhờ cú đo ván. Đúng vậy, tiểu thuyết từng bước làm tăng tác động đối với độc giả, trong khi một truyện ngắn hay thì phải gọn sắc, thấu cáy, và không khoan thứ ngay từ câu đầu tiên. Nói thế cũng chưa phải là thật đúng, vì người viết truyện ngắn giỏi là một võ sĩ quyền Anh rất khôn ngoan, và những cú đấm đầu tiên của y cũng có lúc dường như chẳng ăn nhằm gì, nhưng kỳ thực đó là lúc y đang nhứ cho thế thủ chắc nịch của đối phương phải lạng quạng và sơ hở.
Hãy thử lấy bất cứ truyện ngắn thật hay nào đó mà bạn thích, và thử phân tích trang đầu tiên của nó. Tôi hẳn rất ngạc nhiên nếu bạn tìm thấy bất cứ những yếu tố vu vơ nào chỉ được bày ra lấy có. Người viết truyện ngắn biết rằng y không thể làm việc bằng sự tích lũy, rằng thời gian không phải là lợi điểm của y; y chỉ có thể vận động trong chiều sâu, theo đường thẳng đứng, bất kể từ dưới lên hay từ trên xuống trong cái không gian chữ nghĩa. Và điều này, nghe như một ẩn dụ, kỳ thực lại diễn tả đúng cốt lõi của phương pháp viết. Thời gian và không gian của truyện ngắn phải ở trong tình thế như bị mắc lời nguyền, bị nén dưới sức nặng của tinh thần và sức nặng của hình thức để đạt đến sự "khai nhãn" mà tôi đã nói. Chúng ta chỉ cần đặt câu hỏi tại sao một truyện ngắn nào đó dở tệ. Chẳng phải cái đề tài làm nó dở tệ, bởi trong văn chương chẳng có đề tài hay hay dở, mà chỉ có cách xử lý hay hay dở đối với một đề tài. Một truyện dở tệ cũng không phải vì những nhân vật trong truyện chẳng có gì thú vị, bởi ngay cả một hòn đá cũng trở thành thú vị nếu nó được một cây bút như Henry James hay Franz Kafka lưu ý đến. Một truyện dở tệ là khi nó thiếu cái sức căng thẳng cần có ngay từ những chữ đầu tiên hay những hình ảnh đầu tiên.
[...]
Mỗi truyện ngắn hảo hạng giống như một hạt cây trong đó có thân đại thụ đang ngủ yên. Thân đại thụ ấy sẽ lớn lên trong chúng ta, bóng mát của nó sẽ phủ rợp ký ức của chúng ta.
[...]
Nguyên tác: ""Algunos aspectos del cuento", trong tập san Casa de las Américas, No.15 (1962) và No.16 (1963).
-------------------------------------------------------------------------------------------
|
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét