Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 28 tháng 5, 2013

Trích đăng TT của chủ nhà:


**
Bác Tỏm toét mắt, làm cho nhà tôi từ hồi tôi chưa là cái trứng kia.
Không ai biết gốc gác, cội nguồn của bác ý như thế nào?
Một năm vỡ đê, ông nội tôi dẫn quan phủ đi kinh lý, bắt gặp mẹ bác ấy bế một đứa bé, ngồi co ro ở đầu làng. Cái váy bà ấy mặc quai cồng xắn lên cả hai bên, vá phải đến hàng trăm miếng. Đầu bà không vấn khăn, tóc như đám rơm mục che gần kín khuôn mặt. Thấy quan quân rầm rộ, bà hãi, lẩn tránh sau một bụi chuối. Ông nội tôi thoáng thấy e là có kẻ gian bảo một anh tuần đinh đi theo xem xem là ai, có động thái gì? Anh tuần: “ Bẩm cụ, mẹ con ăn mày”. Ông nội tôi bảo: “ Thày đưa mụ ấy về cho bát gạo, đừng để quan trên nhìn thấy. Vùng ta làm gì có người đói rách, ăn mày, ăn xin?”
Người này cui cúi, vâng dạ rồi đi.
( Thế mới biết, với cấp trên, kẻ dưới thường “làm láo báo cáo hay” như một lẽ dĩ nhiên có từ đời kiếp nào rồi. Chả đợi đến thời suy thoái đạo đức sau này mới xuất hiện ).
Hết ngày, quan phủ về thành Hạc Trì, ông tôi mới trở về nhà.
Dân tình đói khát, mặt ông nội tôi khó đăm đăm. Bữa tối hôm đó Người chỉ ăn qua loa vài miếng, không uống rượu. Nằm chưa giãn lưng, đã lại có tiếng chó xủa rộ ngoài đầu xóm. Có tiếng quát tháo, thịnh nộ, tiếng kêu xin thảm thiết. Ông tôi sai người nhà ra xem chuyện gì? Một lúc người nhà về báo có kẻ hỗn láo lẻn vào ăn trộm cỗ đình. Đấy là phần cỗ định mời quan phủ nhưng ngài vội về không kịp thụ hưởng. Cụ bá là ông nội tôi lại vội về, đám chức dịch chưa dám đụng tới, còn cất tạm chỗ tam quan.
Kẻ trộm không là ai khác, chính là mụ già hồi sáng ông tôi bắt gặp. Nghe xong câu chuyện ông tôi bảo:
- Anh tuần, ra đưa về đây tôi xem.
Bà nội tôi bảo:
- Chỉ là con ăn mày, có gì phải xem. Cứ đuổi đi là được. Có đưa lên huyện, lên phủ người ta cũng thả ra thôi. Đói ăn vụng, chưa phải tội ngồi tù..
- Tối tăm thế này đuổi người ta đi đâu/ Không khéo tuần phiên lỡ tay đánh chết hay ngã xuống ao lại mang tiếng, tội cả làng.
Bà tôi cho là phải, không nói gì.
Mấy người tuần phiên đưa bà ta về, quần áo còn tả tơi hơn lúc sáng. Ông nội tôi bảo đưa xuống cái buồng trống chỗ nhà ngang cho mẹ con bà ta ở đấy. Buồng này trước là buồng tằm, nhưng nhà tôi từ lâu không nuôi tằm nữa. Căn buồng không được sáng sủa vì không có cửa sổ, nhưng khá sạch sẽ.
Lúc mới đến bà ăn mày cứ quỳ xuống cúi lạy, van xin rối rít. Ông tôi phẩy tay:
- Thôi, không cần như thế. Nhà chị có còn đói nữa không?
- Lạy cụ, con chót xâm phạm cỗ ngoài đình. Bây giờ thì không ăn được nữa. Chỉ xin cụ rộng lòng tha cho làm phúc, con đội ơn..
- Thôi mang con vào kia đi nghỉ đi, mai tính..
Đêm hôm ấy người trong nhà cứ đoán già đoán non, không biết ngày mai ông nội tôi sẽ cho xử lý bà ăn mày táo tợn ấy như thế nào?
Bố tôi là lý trưởng, bổng lộc của nhà nước chỉ có tính tượng trưng, hơn người làng ngồi cái chiếu tiên chỉ, ngồi cỗ trên.
Thực ra cũng vẫn phải làm lấy mà ăn, chả thể sống nhờ lương như thời sau này.

Khi từ thành cổ Sơn Tây, thường vẫn gọi xứ Đoài, bà nội tôi mang theo nghề bún bánh sang đây. Bánh hòn, bánh tẻ Phú Nhi ngon có tiếng, thành thương hiệu về sau này. Nghề làm bún bánh truyền đến đời mẹ tôi đã phát đạt lắm. Chức bá hộ của ông tôi cũng nhờ từ đấy mà ra, khác với bố tôi có được học hành chút đỉnh làm lý trưởng.
Hôm nào cũng vậy, cứ từ ba bốn giờ sáng người nhà đã dậy xay, vắt bột làm bánh, sáng rạng ra, tỏ mặt người là vừa mang ra chợ, hoặc bỏ mối cho người ở xa đến cất. Trong nhà không mấy khi hết việc. Việc này nối việc kia, đầu năm chí tháng không lúc nào dứt.
Chính sự ăn làm, cần kiệm, căn cơ trở nên khá giả lại là nguyên nhân của tai họa ít lâu sau xảy đến gia đình tôi.

Lại nói, bà ăn mày đêm đó không biết có ngủ không, nhưng sáng sớm đã dậy. Đứa con của bà ta là bác Tỏm bây giờ vẫn đặt trên giường. Đúng là trẻ con nhà nghèo dễ ngủ như khoai, như củ, chỗ nào cũng được.
Không ai sai, bà ta cứ xen vào quét dọn, xách nước, châm củi. Thấy vậy mẹ tôi dừng tay, vào nhà lần một hồi, mang ra cho bà ấy bộ váy áo cũ của mình. Tuy là cũ nhưng váy áo chưa rách chỗ nào. Bà ta mừng lắm, miệng mếu mếu chả ra khóc hay là cười.
Mẹ tôi bảo:
- Ra cầu nước rửa qua đi rồi mặc bộ này vào. Ăn mặc như nhà chị, làm hàng ai dám mua?

Hóa ra bà này nhanh nhẹn,đảm đương. Khó tính như bà nội tôi cũng có cảm tình. Bà tôi bảo: “ Nếu không muốn đi đâu nữa, ở đây, chị tính thế nào?” Bà này mừng, ứa nước mắt. Từ đấy nhà tôi có thêm hai thành viên mới.
Bác cu Tỏm lúc bấy giờ còn chưa có họ, ông tôi ra nhà “hội đồng” làm giấy khai sinh cho bác ấy mang họ Nguyễn nhà chúng tôi. Năm bác Tỏm mười bảy tuổi, ông tôi đứng ra lo vợ cho. Hai vợ chồng ăn khỏe, đẻ tài, lại lười nữa nên không muốn ở chung với nhà tôi. Ông tôi cho miếng đất đầu làng, định bảo làm cái quán bán bánh, nhưng chả được lâu. Sáu bảy đứa con như tằm ăm rỗi, bánh quà nào cho lại? Quán tan. Bác Tỏm đi bổ củi thuê trong vùng. Mấy đứa con mỗi đứa một cửa. Anh cu Tý về nhà tôi theo “quy án” linh tinh xòe ấy của bố mẹ đẻ ra minh.
Sự “hội nhập” của bà ăn mày vào gia đình tôi chỉ đơn giản thế. Không có lý do, mục đích, tôn chỉ hay sự áp đặt nào của ai, rườm rà như người ta nói thời sau này. Chỉ là đói đầu gối phải bò và “ăn mày là ai? Ăn mày là ta..” và khi có người ra tay cứu giúp kẻ ăn mày.
Chẳng ai ngờ đó lại là nguồn gốc của sự bi thương mấy chục năm sau này khi gia đình tôi vướng phải..
Nhưng đó là việc lâu lâu nữa mới xảy ra.
Còn bây giờ tôi và anh Tý đang ngồi trên bờ đê, dưới bóng cây đa già phải đến hàng trăm tuổi. Tự nhiên anh ấy nảy ra ý định muốn ra phía bìa sông. Chỗ ấy có cái thuyền nan không chèo, không lái. Dầm bơi có lẽ chủ thuyền mang về nhà. Thuyền chỉ buộc bằng sợi dây thừng đã ải, có lẽ là do mùa này nước chảy rất lặng nên người ta chủ quan.
Anh Tý cõng tôi lên thuyền, đặt tôi ngồi xuống cái sạp giữa thuyền rồi lấy con sào đẩy thuyền ra. Lúc bấy giờ tôi thích lắm. Thậm chí còn reo lên nữa kia. Tôi có biết đâu cả hai đang đứng trước một tai họa, một nguy hiểm chết người nếu không may thuyền bị lật. Thuyền ra xa một quãng, từ từ trôi ra phía tim sông. Bấy giờ anh cu Tý mới hốt hoảng kêu la toáng lên.. Tay anh cầm cái sào cuống quýt bơi, nhưng càng bơi thuyền càng xoay, càng ra xa.
Trên bờ đã có người phát hiện ra tai họa này, kêu làng nước vọng vào trong xóm. Một đoàn người cứ thế chạy dọc theo trên bờ mà không biết làm cách nào vì không ai biết bơi. Nguy cơ thuyền trôi về ngã ba sông, chỗ ấy có nhiều vật xoáy là rất có thể..
Thấy mọi người hoảng hốt, đầu óc non nớt và bản năng sinh tồn của tôi chợt hiểu. Tôi khóc chẳng ra hơi nữa, nước mắt mũi rãi đầm đìa. Rồi tôi ngất đi trong cơn hoảng loạn.
Khi tôi tỉnh dậy, mới biết là thuyền được một người cứu lôi vào bờ. Ông giáo Tú phải dừng buổi học, bơi gần ra giữa dòng mới túm được mũi thuyền
Đấy là tai nạn sông nước đầu tiên xảy ra trong đời tôi. Mà lại là con sông quê hương tôi, con sông tuổi ấu thơ tôi, không thể quên cho dù bao nhiêu năm tháng trôi qua.. Nếu không có ông Tú Ất, chắc chắn chả có câu chuyện để kể lúc bây giờ!


( Còn nữa..)




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: