Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 11 tháng 5, 2013

Một cách nhìn khác:




Vài ý nghĩ sau khi đọc “Dị hương” của Sương Nguyệt Minh

Đặng Văn Sinh

(Tập truyện ngắn được Giải thưởng Hội Nhà văn năm 2010)

VCV giới thiệu bài anh Đặng Văn Sinh như một cách nhìn về Dị hương của Sương Nguyệt Minh,
Các bạn có thể đọc thêm:


Đúng như nhà văn Trần mạnh Hảo đã phát hiện, Giải thưởng của Hội Nhà văn trao cho Sương Nguyệt Minh năm 2010 chủ yếu tập trung vào “Dị hương”, còn những truyện khác đều thuộc loại làng nhàng, giống như hằng hà sa truyện và đã được các nhà xuất bản cũng như mấy trăm tờ báo (kể cả báo văn chương) lề phải theo định hướng XHCN liên tục “xuất xưởng” trong nhiều năm qua. Đó là những truyện ngắn câu khách nặng mùi…tình dục nhưng thiếu tư tưởng được xào xáo sống sượng, sau đó thông qua công nghệ “lăng xê” của các nhà phê bình “cò mồi”(liệu có kèm theo điều kiện?), không ít cây bút lạ hoắc kiếm được tấm vé vào cửa HNV.

Với quy trình sản xuất truyện ngắn như vậy (xin tạm để tiểu thuyết sang một bên, tác giả không dám lạm bàn, vì chỉ cần qua lời nhận xét của nhà văn Nguyễn Bắc Sơn trong đợt trao Giải thưởng cuộc thi năm 2010, thì sẽ biết được tiểu thuyết VN đang đứng ở trình độ nào), tất yếu dẫn đến hệ lụy là hàng loạt tác phẩm na ná giống nhau cứ như là chúng được đúc ra từ một khuôn. Đây là quan hệ nhân quả mang tính quy luật không thể đảo ngược và sẽ còn kéo dài nhiều thập niên nữa theo kiểu “không tiền khoáng hậu”, mặc cho bác Chủ tịch đương nhiệm, người có thâm niên chăn dắt đám văn nhân gần như suốt đời, đã phải hạ bút “điền vào chỗ trống” trong “Báo cáo…” của 4 nhiệm kỳ Đại hội liên tục là “chưa có tác phẩm ngang tầm thời đại”. Ấy vậy, nhưng nếu xét về mặt số lượng, thì  đội ngũ các “nhà”, từ cổ chí kim chưa bao giờ lại hùng hậu như bây giờ. Đấy mới chỉ là nói đến các “nhà” chính danh. Còn một đội ngũ “phó danh” cũng hùng hậu không kém, tính sơ sơ cũng phải hàng vạn của 64 tỉnh thành, (tất cả đều tọa hưởng vào tiền thuế của dân) mà phẩm chất tự tin (hay là thói kiêu ngạo nghệ sĩ dỏm) thì …”dưới vòm trời này, đếch thằng nào bằng ông!”

Trong bối cảnh trên, vớ được “Dị hương”, Hội đồng Giải thưởng tưởng như vớ được vàng ròng. Ai ngờ, đó lại là vàng giả, thậm chí vàng nhái, vàng đểu. Bởi “Dị hương” thực chất chỉ là một đoản thiên nặng mùi tình dục câu khách rẻ tiền, đánh lừa độc giả vốn đã quá ngán ngẩm với thứ văn chương “quốc doanh” được dán nhãn “định hướng”, “đổi mới” giả cầy. Đọc “Dị hương”, người bàng quan nhất với nền văn học “ lề phải” cũng lập tức liên tưởng ngay đến “Kiếm sắc” của Nguyễn Huy Thiệp mà so sánh cái tầm của hai cây bút cùng những vấn đề mà người viết đặt ra. “Kiếm sắc” là truyện ngắn mang tầm tư tưởng lớn. Tư tưởng ấy xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, thậm chí còn dự phóng được cả tương lai, là thứ mà cho đến bây giờ, nghĩa là hơn hai mươi năm sau khi tác phẩm ra đời, chúng ta mới ngộ ra được phần nào. “Kiếm sắc” trước hết là liều thuốc giải thiêng thần tượng (chưa nói đến thủ pháp tinh diệu lấy quá khứ giải thích hiện tại), sau nữa là minh định những giá trị lịch sử mà bấy lâu nay người ta vẫn ngộ nhận, “trả lại cho Ceasar những gì của Ceasar”. Dưới ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp, nhân vật Gia Long hiện lên như một bậc anh hùng cái thế, nhưng lại rất “Người”với những biểu hiện cụ thể qua những chi tiết đắt giá như đánh rơi kiếm khi nhìn thấy người đẹp Ngô Thị Vinh Hoa, nóng lòng muốn trả thù Nguyễn Huệ nhưng cũng biết nghe lời Đặng Phú Lân nhẫn nhịn đợi thời cơ. Tuy nhiên, cái cao cả hơn hết ở bậc vĩ nhân này là biết được mình đang mang gánh nặng lịch sử trên vai, biết tầm quan trọng của việc mở mang bờ cõi cùng với sự nghiệp quyết tâm tiêu diệt nhà Tây Sơn, thống nhất lãnh thổ.
Gia Long trong “Kiếm sắc” là nhà độc tài nhưng không hề là bạo chúa. Ông là hậu duệ đảm lược làm vẻ vang cho mười ba dòng Chúa Nguyễn vốn có nguy cơ tuyệt diệt bởi bàn tay tàn ác của Quang Trung Nguyễn Huệ. Viết về Gia Long, Nguyễn Huy Thiệp không bôi nhọ chính sử mà chỉ phản biện ngụy sử, một loại sử chép lấy được bất chấp hiện thực khách quan của những  kẻ nắm sức mạnh trong tay, thao túng ngọn bút…

Với “Dị hương” thì khác. Từ cốt truyện đến ngôn ngữ diễn đạt cũng như các chi tiết, tình tiết đều “nhái” một cách trắng trợn “Kiếm sắc”. Có điều, Sương Nguyệt Minh chỉ mô phỏng được phần xác của “Kiếm sắc”, tức là  cái vỏ của câu chuyện, còn phần hồn của nó tuyệt nhiên không hề mảy may có một phân lượng nào. Nói cách khác, “Dị hương” không có tư tưởng mà đơn giản chỉ là chuyện tình dục nhầy nhụa của lũ trai gái mất dạy thời hiện đại được gán cho Nguyễn Ánh, biến ông thành kẻ cuồng dâm, hạ thấp phẩm giá của bậc anh hùng, phỉ báng công chúa Lê Ngọc Bình không chỉ của dòng họ Nguyễn Phúc và họ Lê mà của cả dân tộc Việt.

Cách xử lý bố cục của Nguyễn Huy Thiệp khá bài bản. Cả hai nhân vật Ngô Thị Vinh Hoa và Đặng Phú Lân đều hư cấu nhưng động thái hư cấu ấy lại nằm trong mạch tư duy nghệ thuật thống nhất, phục vụ triệt để cho ý đồ tư tưởng tác phẩm. Đó là khẳng định vai trò quan trọng  của Gia Long đối với lịch sử cận đại Việt Nam. Đặng Phú Lân là kẻ sĩ Bắc Hà, đồng thời là viên văn thần cơ mưu, thuộc hàng tâm phúc của Nguyễn Ánh, cho dù sau này bị Ánh bức tử bằng chính thanh gươm báu của mình. Hãy nghe Lân nói với Gia Long: "Thế là chúa công vẫn quen dùng người thường, ở bậc cao nhân còn gì còn chuyện vô đạo, hữu đạo ? Tâm ở sự thành, đâu phải ở lòng ? Chúng không chịu hiểu là lỗi ở chúng”. Ngô Thị Vinh Hoa là vưu vật của Tạo hóa có vẻ như được thác sinh xuống cõi trần để sánh đôi với người anh hùng Gia Long. Ngón  đàn tuyệt diệu và những ca từ Ngô Thị Vinh Hoa hát làm Gia Long say nàng mê mệt chứng tỏ nhà vua là bậc trượng phu, có linh giác của phẩm chất đế vương, khác hẳn một Gia Lọng hiếu sát, bệnh hoạn của Sương Nguyệt Minh.

Ngoài giá trị tư tưởng, “Kiếm sắc” còn có lối viết nửa hư nửa thực. Ngòi bút Nguyễn Huy Thiệp lúc ấy tựa hồ như có giác quan thứ sáu “định hướng” làm cho thiên truyện của ông bồng bềnh giữa cõi ma quỷ và cõi người khiến độc giả phán đoán mỗi “nhà” một kiểu, chẳng ai giống ai, thật là một chiêu thức tuyệt luân.

Ngược lại, “Dị hương” là truyện ngắn “bẹt”, chẳng những trăm phần trăm vắng bóng tư tưởng mà còn cố tình bóp méo lịch sử, biến Gia Long thành một bạo chúa, hôn quân, nhân cách vô liêm sỉ. Công chúa Lê Ngọc Bình, trong Phả hệ còn chép, bà đã có với Gia long bốn người con, hai hoàng tử và hai công chúa. Tuy từng là hoàng hậu của Quang Toản nhưng Ngọc Bình vẫn được Gia Long phong làm Đức Phi và yêu chiều như một ái thê, vậy mà Sương Nguyệt Minh dám xuyên tạc bằng cái đoạn  Nhà vua làm tình vô cùng bạo liệt đến mức nàng công chúa út vua Lê Hiển Tông đột tử ngay dưới bụng Nguyễn Ánh. Hỡi những hậu duệ của Đức Gia Long, các vị nghĩ gì về hành động bôi nhọ này?. Cũng xin nói thêm, chi tiết Lê Ngọc Bình có mùi hương của Sương Nguyệt Minh đâu phải sáng tạo, thực chất là “mượn tạm” từ nhân vật Hương phi trong kịch truyền hình “Hoàn Châu cách cách” của mấy anh Ba Tầu. Trong khi đó, nếu đọc thêm “Phẩm tiết” ta sẽ thấy chi tiết mùi thơm tiết ra từ… của Vinh Hoa (nhân vật xuất hiện trong cả hai truyện ngắn) tuy có vẻ hơi tục nhưng lại  là độc nhất vô nhị, hoàn toàn mang phong cách Made in Nguyen Huy Thiep!

So với Đặng Phú Lân, cũng là nhân vật hư cấu, thì Trần Huy Sán chỉ là gã lưu manh, chuyên dắt gái cho đám đại gia cũng lưu manh không kém của thế kỷ hai mươi mốt. Để tên cò mồi này bên cạnh Đức Gia Long, một lần nữa người đọc lại thấy Sương Nguyệt Minh chịu ảnh hưởng rất nặng nề của loại kịch truyền hình dài tập nhảm nhí của các đồng chí “nước lạ” nhằm  bôi bác tiền nhân, biến chính sử thành trò đùa rẻ tiền mua vui cho đám dân đen ở tầm “văn hóa lùn”. Nhân vật Hòa Thân bên cạnh vua Càn Long xem ra có khác gì Trần Huy Sán?

Ngôn ngữ “Kiếm sắc” là thứ ngôn ngữ lạnh như ánh kiếm báu gia truyền lóe lên khi chém đầu Đặng Phú Lân. Đó là loại ngôn ngữ rất kiệm lời, ý tại ngôn ngoại, cho dù đấy là văn chứ không phải là thơ. Có thể nói, trong mỗi câu văn “Kiếm sắc” đều hàm chứa một tư tưởng nào đó, thậm chí đọc đi đọc lại rồi mới hiểu tác giả định nói gì. Trái lại, “Dị hương” cũng bắt chước câu văn ngắn, dùng dấu chấm đột ngột, nhưng người đọc vẫn nhận ra toàn truyện là những câu văn hụt hơi, rời rạc như một thứ xác ướp không hồn. Chẳng những thế, vốn từ vựng và cách viết câu của “Dị hương” dường như còn thiếu một trình độ cơ bản, nói nôm na là tác giả “chưa sạch nước cản”. Xin dẫn chứng: “Không còn là mỹ nhân thanh mai trúc mã. Thành ngữ “thanh mai trúc mã” là dùng để chỉ đôi trai tài gái sắc rất xứng đáng với nhau ( vẻ đẹp cây mai – vẻ đẹp của cây trúc). Ở đây tác giả chỉ dùng riêng cho Lê Ngọc Bình, chứng tỏ người viết không hiểu gì về cách so sánh này nhưng lại viết liều, dụng ý khoe chữ. “Trần Huy Sán phán rằng”. Lại một câu văn không ổn, bởi  chỉ có các bậc đế vương hoặc kẻ bề trên mới được “phán”, còn Trần Huy Xán là bề tôi đang đứng trước vua mà lại “phán” thì rõ ràng Sương Nguyệt Minh rất mù mờ về chữ “lễ”cũng như tôn ti trật tự trong triều đình phong kiến ngày xưa. Đó là chưa kể những đơn vị đo lường thế kỷ mười tám, mười chín là tấc, thước, trượng (thốn, xích, trượng, ) phải được đặt đúng vào văn cảnh chứ không thể dùng tùy tiện, đại loại như :” đường kính vài mét”. Xin thưa, thời ấy, hệ thống tiêu chuẩn đo lường phương Tây chưa được du nhập vào nước ta.

Đành rằng văn học là có sự kế thừa nhưng tuyệt nhiên người đọc chân chính không chấp nhận loại văn chương nhái ở tầm thấp như “Dị hương”. Thật không hiểu, “con mắt xanh” của các “nhà” trong Hội đồng văn xuôi cất ở đâu mà đề cử một tập truyện nặng mùi sex như thế vào Giải thưởng văn chương cao quý của nền văn học Việt “đậm đà bản sắc” và “ đỉnh cao thời đại”năm 2010?./.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: