Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2013

Trich TT của Moa:


5.
Đó là năm sau này người ta gọi là năm “lở giời”. ( ý nói rút gọn của câu “long trời lở đất”). Sau cái trận đói kinh hoàng. Quạ đậu đen trên ngọn cây gạo. Sau đợt vỡ đê, trâu bò, gà lợn và cả người nữa chết rất nhiều. Đặc biệt đến nỗi những cây gạo xung quanh đình làng tôi tháng ba năm ấy không ra hoa.
Mãi đến sang thu, cả làng như có trận động đất ghê gớm.
Phía núi Nghĩa Lĩnh đêm đêm lóe sáng bởi vô vàn vì sao xa. Các cụ trong làng bảo là điềm sắp xảy ra chiến tranh. Ban ngày phía Ba Vì, Tam Đảo kết mây thành như bức tường bao bọc lấy vùng trung du quê hương tôi. Lời đồn thổi về điềm này, chuyện nọ thật chẳng biết đâu mà lần.
Người ở đâu về rất đông, treo cờ đỏ khắp đường làng lối xóm. Trên ngọn các cây gạo cũng đỏ rực màu cờ. Y như thể hoa gạo bấy giờ mới nở.
Bao nhiêu năm chả thấy ai nói gì, hoặc chỉ thầm thì to nhỏ. Bây giờ mọi điều “bí mật chết người” mới được nói ra.
Làng xóm có rất nhiều bất ngờ. Ông hàng xóm lành hiền xưa nay không ai nghĩ ống ấy là Việt Minh?
Chị đi khâu trần áo bông thuê té ra lại là cán bộ cách mạng hoạt động bí mật tự bao giờ?
Bấy giờ cả làng tôi mới biết hóa ra ông Tú Ất về làng dạy học năm xưa, thực ra là về gây cơ sở. Nhà tôi được nhìn nhận là cơ cở cách mạng thời bóng tối.
Ông Tú Ất chỉ về qua nhà tôi có một lần. Thấy bảo bây giờ ông là cán bộ to, quan trọng lắm của vùng này.
Sau lần ấy hai người chú của tôi được ông nội tôi đồng ý cho theo ông Tú vì có chút chữ nghĩa. Cuộc cách mạng bao giờ và bất kỳ ở đâu, cũng cần những người có chữ. “Cách mạng không cần, và chả để làm gì những anh cù lần, đần đì, dốt nát và ngu ngốc”. Bấy giờ bố tôi bảo thế, nhưng ông vẫn ở nhà không đi cùng với các chú tôi.
Có lẽ vì bố bố tôi là con cả, đông con, bố mẹ giờ đã già, không thể đi. Hoặc ông được giao một việc gì đó, phải ở lại làng.
 Nhà tôi đã thôi nghề làm bánh bún vì thiếu nhân công. Với lại đang là thời trọng cái ăn sống người hơn là tìm món ăn ngon. Đặc hột, chắc dạ là cái người ta cần hơn là bún bánh.

Bố con bác Tỏm giờ hăng hái theo việt Minh, chả thiết gì vài đồng tiền hay đấu gạo kiếm được hàng ngày. Mấy người con lớn của bác ấy ra ngoài thành, xung vào vệ quốc.
Anh cu Tý vào đội dân quân xã, được cử làm tổ trưởng.
Hình như họp hành là công việc chính của làng lúc bấy giờ. Hết hội thanh niên lại đến hội phụ nữ. Đến cả đội của trẻ con.. Đêm nào ngoài đình đèn đuốc cũng sáng rực cho đến sáng.
Tôi mới lớn, vẫn chưa hiểu hết chuyện gì đang xảy ra?
Chỉ có ông tôi là có vẻ trầm ngâm, không hiểu đang buồn hay đang vui? Vui vì chuyện đổi đời nhờ cuộc cách mạng? Hay buồn vì cuộc sống khó khăn, miếng ăn sống người trở nên khó khăn, khó kiếm, nhà lại nhiều miệng ăn?
Mẹ tôi vẫn dọn hàng ra chợ, nhưng hàng hóa lèo tèo chả có nhiều như trước. Đặc biệt vải vóc và thuốc men trở thành mặt hàng khan hiếm dành để cho kháng chiến trường kỳ.
Người ta đồn quân Pháp đang tìm cách tấn công trở lại. Trên đê đã loáng thoáng những tốp đầu tiên quân Tưởng kéo về, nói là để giải giáp quân Nhật. Thực ra người Nhật đã rút về Hà Nội từ đã lâu.
Người làng tôi gọi đám quân này là bọn “Tàu phù”, có thể do cái hình dạng phù thũng bề ngoài của họ.  Người nào người nấy nom như người ngã nước, da bủng beo, vàng khè. Quần áo tóc tai ớn phát khiếp vì hôi hám. Những người này ốm đói khá lâu, nhân công việc “giải giáp” mà sang ta để hồi phục sức khỏe sau trận đại dịch, đói chết người của Trung Hoa Dân Quốc.
Thực ra đối với đám người này, dân làng thực sự chưa hiểu ra làm sao? Họ là bạn hay là thù?
Một tốp kéo về đóng ngay đình làng tôi. Bố tôi có chân trong ủy ban  lâm thời, dù không muốn, hàng ngày vẫn phải tiếp xúc với họ. Chính đây là cái cớ để sau này những người đồng chí của ông buộc cho bố tôi cái tội “hoạt động cho quốc dân đảng”.
May mà họ đóng ở đình làng tôi không lâu. Nếu lâu chút nữa trong làng sẽ chẳng còn chút gì để nuôi sống người.
Đám này “thùng bất chi thình”, ăn bao nhiêu cơm gạo vẫn kêu hãy còn đói, chưa bảo là no. Hình như họ đói kém từ kiếp nào, bây giờ sang đây ăn giả bữa vậy!
Ít lâu sau, có tin Pháp đánh chiếm trở lại. Làng tôi là nơi các cơ quan ngoài tỉnh “tản cư” về. Không khí như chùng xuống, bức bối thật khó hiểu.
Chữ “tản cư” bấy giờ là lần đầu tôi được nghe người ta nói. Trước đấy chỉ nghe “chạy loạn”, hay “chạy giặc” chứ chưa nghe ai nói “tản cư” bao giờ.
Các cơ quan bên Hạc Trì kéo về đình làng tôi rất đông. Dân làng bảo có thể bên Hạc Trì sẽ bị máy bay ném bom, mặc dù chưa ai thấy hình dáng cái may bay nó ra sao cả.
Ông Tú Ất bây giờ làm ở ty công an. Là chỗ quen cũ, ông không ở ngoài đình, mà cùng hai ông nữa dọn vào ở trong nhà tôi.
Tình hình khá căng thẳng. Các đoàn thể chuẩn bị ráo riết, họp hành liên miên. Các lớp bổ túc văn hóa vẫn được duy trì. Chỉ riêng có lớp học của bọn trẻ chúng tôi là nghỉ vì không có thầy. Ông giáo gày gò tôi từng kể, thấy nói là cùng gia đình tản cư mãi lên miền ngược.
        Ngôi trường lợp lá gồi, trát đất vắt từ bấy bỏ hoang. Sau này bị đốt cháy trong một trận càn. Nó chỉ còn tồn tại trong ký ức của số ít người. Ngày hòa bình lập lại, trường được xây chỗ khác, không dựng chỗ ấy nữa.
Nhưng với tôi nó vẫn mãi mãi còn ở đó,  tọa lạc trên bờ đê, nơi bến sông của cuộc đời mình.



( Còn nữa..)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: