Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 18 tháng 5, 2013

CÔNG BẰNG TRONG VẬT CHẤT, GIÁO DỤC VÀ DANH VỌNG



CÔNG BẰNG TRONG VẬT CHẤT, GIÁO DỤC VÀ DANH VỌNG

Nguyễn Hoàng Đức

Không có cân bằng, tất cả thế giới sẽ sụp đổ. Triết gia Socrate ví, một con thuyền nếu lệch mạn thì sẽ úp đổ, suy rộng ra mọi thứ ở đời đều vậy, một con chim bị chặt một bên cánh không thể bay lên, một chiếc máy bay giống như chiếc diều cánh không cân sẽ bổ nhào. Triết gia Hegel cũng nói nếu chiếc cột không được dựng thẳng để tạo cân bằng với các vì kèo thì tòa nhà sẽ đổ.

Cân bằng là nguyên lý tồn tại của vũ trụ, nhưng cũng là đạo đức cao quí nhất của con người. Triết gia Platon và Aristote nhận thức: Văn học là cao đẹp nhất vì nó diễn tả được khát vọng bên trong sự cao đẹp của tâm hồn là công bằng. Chúa Jesus khi nhập thể làm người đã tuyên xưng “Ta đến để làm chứng cho sự thật”.Làm chứng nghĩa là gì? Nghĩa là đúng sai rõ ràng để kiến tạo sự công bằng. Trước khi thở hơi cuối cùng, Chúa Jesus cũng bảo: “Thầy để lại bình an cho anh em”. Bình an là gì? Bình an là cái tự thân trong đó phải chứa công bằng. Người Việt nói “Cha nói oan, quan nói hiếp, chồng có nghiệp nói thừa”, có nghĩa là từ quan hệ trong nhà ra đến xã hội, người ta nếu không thực hiện công bằng với nhau thì tất cả mọi tình cảm đều đổ vỡ.

Chúng ta bàn đến công bằng, tức là bàn đến vấn đề cốt lõi nhất của lịch sử loài người. Có thể nói, tất cả các cuộc chiến tranh, bạo loạn, tương tàn, thịt nát xương tan từ xưa đến nay đều là do mất công bằng. các cuộc chiến tranh giữa chủ và tớ, giải phóng nô lệ, rồi giải phóng phụ nữ, giải phóng đất đai bị chiếm… đều do bị đối xử bất công.

Triết gia Aristote bàn, có ba loại công bằng chính:

1- Công bằng về vật chất

2- Công bằng về giáo dục

3- Công bằng về danh vọng

- Về vật chất, như người Việt nói “ghen vợ ghen chồng không nồng bằng ghen ăn”. Cái ăn, cái mặc, cái ở, cái đi lại hay tất cả những gì thuộc vật chất đóng vai là tiện nghi cho thân xác, nếu không được đối xử công bằng, thì sẽ dẫn đến giành giật đâm chém. Vì thế các chuyên gia rất chú trọng đến tỉ lệ chênh lệch giầu nghèo ở các quốc gia. Tỉ lệ này quá cao sẽ dẫn đến bất ổn, biến loạn về chính trị. Bài học đó ở các nước châu Phi mới đây là minh chứng rất rõ ràng, một mình tổng thống Gaddafi còn nhiều tỉ đô la hơn cả nước cộng lại.

- Ở đời thường, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, người lớn bắt nạt trẻ em, người trẻ bắt nạt người già, đàn ông bắt nạt đàn bà, nhưng còn một thứ bắt nạt khác đó là: người khôn bắt nạt kẻ dại. Nếu người ta không bình đẳng về giầu nghèo thì sẽ có cảnh người giầu ăn hiếp người nghèo, nhưng nếu người ta không bình đẳng về giáo dục thì sẽ diễn ra: người khôn lấn lướt người dại. Vì thế sau bình đẳng về vật chất con người phải được bình đẳng về giáo dục.

- Nhưng Aristote cho rằng: bình đẳng về danh vọng mới là thứ khó nhất. Danh vọng là gì? Người dốt đâu có yên phận, mà khi thuộc dạng con ông cháu cha, hay con cháu các cụ cả, hoặc có mấy chữ “Ệ” ( hậu duệ, quan hệ, tiền tệ ) họ lại leo lên lãnh đạo cả người khôn ngoan hơn mình. Rồi tác phẩm dở lại lĩnh giải cao… Đó là những bất bình đẳng về danh vọng, nó chênh lệch hơn bất bình đẳng về vật chất và giáo dục cả vạn lần.

Danh vọng là gì? Ta cứ tạm gọi là “vua biết mặt, chúa biết tên”. Cao Cầu chỉ có tài lêu lổng đá cầu hầu vua mà leo lên cả chức tể tướng nước Tầu. Tại sao? Vì vua chỉ quan tâm đến thú vui đá cầu nên mới biết mặt Cao Cầu và cho y lên làm tể tướng. Còn những người tài giỏi nổi tiếng khác thì sao? Vua không quan tâm đến lĩnh vực đó làm sao nhìn ra họ. Nước ta rất nhiều người chỉ có thể làm thơ nhì nhằng mấy bài đóng lại thành một cuốn sách không có gáy, nhưng lại rất nổi tiếng lại còn thăng quan tiến chức vù vù. Tại sao? Vì họ sẵn báo chí văn nghệ của nhà nước đấy, cứ thế mà phơi sản phẩm để vua biết mặt chúa biết tên, hay dở gì thì cũng chỉ có sản phẩm của họ được trưng bày, được xếp hàng, và được trao giải thưởng. Còn người khác ấy à, không được bày bán thì có hay mấy cũng xếp xó. Khi Việt Nam vào WTO, một số báo cáo của quốc tế và trong nước phát hiện rằng: một kỹ sư trong quốc doanh được ưu tiên gấp bảy lần một kỹ sư bên ngoài. Có nghĩa là xếp trong mậu dịch được ưu tiên gấp 700% người hành nghề tự do. Nhưng chỉ có 700 % thôi sao? Vụ ụ nổi chỉ là sắt phế liệu người ta đã báo giá hơn cả nghìn lần, cũng như những mét vuông đất nông nhiệp sau khi nhảy nhót trong giấy tờ dự án cũng chênh giá cả nghìn lần, như vậy thì không thể có ưu tiên bảy lần, mà hàng trăm lần. Trời ơi, ở đời như người Việt nói “thua thầy một vạn không bằng thua bạn một ly”. Chỉ một ly ở đời đã phân ra nhà quán quân và á hậu, vậy thì mấy anh nhà thơ, nhà văn mậu dịch được ưu tiên hơn người khác đến cả trăm lần, thử hỏi tài cán lệch nhau bao nhiêu?

Ưu tiên thế nào ư? Mới đây, người ta nhắc lại, cô gái phát thanh viên kia, bị tóm quả tang 2 lần ăn trộm ở nước ngoài, vậy mà khi về cô vẫn được giữ nguyên việc làm, và được bình an vô sự. Còn văn thơ quốc doanh. Thơ lèo tèo của mình và cánh hẩu thì cho “phơi” liền lên báo, còn người khác thì xếp xó làm hàng tồn kho đã. Muốn in thành tập ư? Của “chúng tôi” đóng dấu in liền xếp hàng đầu vào lĩnh giải, thành viên trong ban giám khảo cũng tham gia dự thi, vừa đá bóng vừa thổi còi, thử xem giải sẽ về tay ai? Của người khác ấy à, cứ ngồi vòng ngoài mà ngóng cổ, hãy kiên nhẫn mà đọc ca dao “để lâu cứt trâu hóa bùn”. Nhân nói chuyện về cứt, chúng tôi cũng xin nói thẳng tưng luôn, thơ của chúng tôi dẫu là cứt nhưng có dấu mậu dịch vẫn ẵm giải nhất, còn của mọi người là ngọc thì cũng vẫn xếp kho mốc meo.

Cũng bàn luôn về chuyện ăn cắp, không chỉ có bên truyền hình ăn cắp không sao, mà ngay tại đây, chúng tôi với vụ ăn cắp HQT còn được xí xóa và gửi đi đọ giải Nobel. Còn PĐ kia, thuổng nguyên xi một cái tên “chứng minh thư” của thiên tài thế giới vẫn ẵm giải như thường. Các ông kêu đi, định “ném đá” à, thử xem dân đen làm gì được cán bộ văn nghệ có quyền to chức lớn?

Cái đẹp nhất của cuộc đời là tinh thần công bằng như người Việt bảo “Được lòng ta xót xa lòng người”. Thì cái xấu xa nhất là bất công. Bất công có lẽ chỉ thua giết người, ăn cướp. Nhưng nếu để bất công lây lan thì chuyện giết người, ăn cướp cũng sẽ đến liền, và đã hiển hiện rồi, bất công đó đã dẫn đến việc đạo văn trắng trợn mà vẫn được giải. Người Việt nói “đi đêm lắm có ngày gặp ma”, việc giải thưởng bung bét vừa qua, cả người trong Hội Nhà Văn và người bên ngoài đều phản ứng tẩy chay. Chứng tỏ “cái kim trong bọc mãi cũng bị lòi ra”, sự bất công không thể tồn tại vững chãi trên đường sữa mãi được.

Chống lại bất công là sự nghiệp cao đẹp nhất và gian nan nhất của lịch sử làm người. Chúng ta hãy dấn bước để lọai trừ sự bất công, trước hết là hãy vạch mặt những kẻ đòi ăn mãi tem phiếu bất công, dù sao thì nhà nước cũng đã loại bỏ chế độ tem phiếu rồi, sau đó hãy công tâm xếp họ vào đúng vị trí bé mọn kéo bè cậy cánh của họ. Số đông là sức mạnh cơ bắp, đừng sợ vì có một phương ngôn: “Mình tôi với chân lý là đa số”. Việt Nam chủ yếu là các nhà thơ nông dân nghiệp dư co cụm muốn í ới mua vui và mua danh. Đám đông là sức mạnh của cơ bắp. Nhưng trên thế giới loài người vẫn nói “Trí tuệ là sức mạnh”. Đặc biệt trong thời cấp bằng sáng chế phát minh cho sáng tạo, một bằng phát minh cho một hãng điện tử chẳng hạn còn thu lại nhiều tiền hơn cả một dân tộc làm nghề cơ bắp. Cái đẹp nhất của văn chương là lẽ công bằng. Đó cũng là sức mạnh cao nhất của văn chương. Chỉ những người yếu mới đòi sáng tạo bằng co cụm ưu tiên cơ bắp. Tôi tin rằng khi nào có báo chí tư nhân, người ta được đăng những bài lựa chọn nào hay nhất, thì mấy anh mậu dịch sẽ phơi ra chỉ có một chút tài năng nhỏ như mấy mẩu tem phiếu giành cho cá ôi, thịt thối, nước mắm thiu.

Công bằng thật xứng đáng là đề tài để chúng ta bàn sâu và nhiều hơn nữa, mong được chia sẻ và trao đổi với mọi người. Chúng ta hãy tích cực tham gia để cho chiếc mặt nạ bất công phải rụng xuống. Xin cám ơn!


NHĐ 16/05/2013


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: