PHẦN I
1.
Một buổi chiều năm Bính Tý, sau cái chết
của cụ Phan Chu Trinh mười một năm, có người khách lạ sang sông. Lúc bấy giờ
mặt trời đang khuất dần sau đỉnh Nghĩa Lĩnh, hắt lên nền mây dát bạc những tia nắng
hình dải quạt. Cảnh vật vừa mơ hồ vừa lấp lánh tạo bởi vô vàn con sóng trên mặt
sông làm khách dãn dần vẻ tư lự, mệt mỏi đường xa. Anh sửa lại chiếc khăn đóng
đội đầu, kéo tà áo dài cho ngay ngắn. Cử chỉ ấy cho thấy anh không có vẻ gì của
người đang vội vã hay nóng ruột. Thằng bé đi theo chạc mười bốn, mười lăm tuổi,
tóc cắt ngắn, chỉ để ba cái chỏm. Một trước thóp thở, hai cái hai bên phía trên
thái dương. Đôi bồ nó mang theo không giống các loại bồ người vùng này hay
dùng. Đôi bồ nhỏ sơn bằng sơn ta đen bóng. Chiếc đòn gánh bằng gỗ nom hình cánh
cung cũng đen bóng gần như vậy.
Khách gập cái ô
lục soạn, đưa tay chỉ về phía cây gạo còng
giáp bờ sông bảo thằng tiểu đồng:
- Chưa có đò, ta
vào quán đó nghỉ chút.
Thằng bé nhanh
nhảu:
- Cậu để con
gọi?
Người khách lạ gạt đi:
- Thôi hãy còn
sớm, ta cũng không muốn sang đó sớm quá. Cứ nghỉ thong thả, khi nào đò sang hãy
đi.
Có lẽ mới qua
đây lần đầu, thằng bé có vẻ háo hức trước phong cảnh của vùng này. Nhà nó ở mãi
trên Bắc Giang trùng điệp núi đồi, đâu có bằng phẳng, quang đãng, rộng mênh
mang như ở đây. Phía sau lưng nó dãy Tam Đảo một màu tím ngát, xa xa phía trước
mặt là dãy Ba Vì mây trắng bồng bềnh. Cậu chủ bảo với nó vùng này là nơi “Tàng
long, tụ thủy”, nới gặp gỡ của mấy con sông. Nó nghe thì biết vậy, chứ tàng long
tụ thủy là nghĩa thế nào nó chưa biết.
Nó mới theo chần
cậu tú được nửa năm nay. Sau ngày bố nó bị sở liêm phóng bắt ngoài Hà Nội vì
tội liên quan đến “bình dân, dân chủ” gì đấy. Mẹ nó gửi nhờ cậu chủ vừa nuôi
vừa dạy nó sau này trở nên người. Giờ nghe cậu ấy nói, chỉ biết vậy, toàn những
tên núi tên sông nó mới nghe lần đầu, nó thắc mắc lắm, nhưng lại không dám hỏi.
Trẻ con thóc
mách nhiều, là trẻ con hư, mẹ nó nói thế.
Quán bà lão bán
hàng nước ngay sát gốc cây. Lưng bà còn còng hơn cả cây gạo làm nơi mở quán của
bà.
Quán lợp rạ còn
mới, áng chừng vừa mới thay lại mái sau vụ gặt vừa rồi. Hàng quán chẳng có gì
nhiều. Mấy cái bát sành úp trên chiếc chõng tre để bày hàng. Một lọ kẹo bột. mấy
cái bánh tẻ, bánh chưng be bé. Dễ thường khi đói, một người có thể ăn hết chừng
ấy thứ bày lên. Chồng bánh đa chưa quạt treo lơ lửng ngay phía trên. Hồi đó
chưa có túi Politilen như bây giờ, nên bánh không nướng trước vì sợ ỉu. Khi nào có người
hỏi mua bà lão mới nhóm chậu than để quạt.
Thấy khách bà
lão cười móm mém:
- Ông dùng gì ạ?
- Dạ không dám,
con còn ít tuổi, xin cụ đừng gọi thế, không phải ạ!
- Vậy cậu với
cháu đây cần gì? Mở hàng cho bà lão lấy may. Thời buổi khó khăn, buôn bán khó
lắm cậu ạ!
Bà lão hay
chuyện. Bù cho cái lưng còng của bà, đôi mắt vẫn còn tinh, tai chưa bị nghễnh
ngãng. Được cái tính ưa sạch sẽ. Chỉ nhìn qua mấy thứ bày biện khéo léo trên
mặt chõng bán hàng, biết bà là người cẩn thận.
Bà bảo: “mấy
tháng trước tôi chưa bị đau lưng như hồi này. Cứ hai ba ngày là tôi lại may
được cái yếm đũi, các bà các cô con nhà khá giả thích yếm của tôi lắm! Người
tận bên Lủ, bên sông Chanh cũng sang tận đây để đặt. Cái yếm dễ mà khó. Người
không biết cắt vừa tốn vải, lại dúm dó nom chẳng ra làm sao..”
- Ý chết để để
tôi rót cho cậu bát nước. Nước vối hay chè xanh?
- Cụ cho con
nước vối.
- Thứ này uống
lành, lại mát, nghe bảo còn là vị thuốc nữa đấy!
- Con biết.
Người mắc trĩ uống thứ này rất tốt. Hơn cả thuốc đấy cậu ạ. Ở bên xóm Liều có
ông cai Kèn. Thuốc chữa bao nhiêu năm không khỏi. Sau tôi bày cho cứ nụ vối sao
khô, tán thành bột bôi vào chỗ trĩ lòi ra, rồi thì nước lá vối uống kèm. Chỉ độ
ba tháng thì khỏi..
Thằng bé đi theo
người khách bụm miệng cười. Khách mắng nó:
- Hư nào, với
người già như vậy là không được, vô lễ!
Thằng bé khịt
mũi, lấy lại vẻ mặt nghiêm trang. Ông Khách bảo:
- Mày muốn mua gì
bảo bà bán cho?
Bà lão vui vẻ:
- Có chuối, lạc
luộc, kẹo bột..cháu lấy thứ nào?
Nó không nói gì,
vẻ e dè. Khách bảo:
- Bà cho cháu ba
xu kẹo.
- Kẹo trẻ con
đứa nào cũng thích. Ba xu thì hơi nhiều, ăn hết không kẻo để lâu chảy nước cháu
ạ - Bà lão hàng nước nói. Đúng là bà lão thật thà, bán hàng người ta ai chả
muốn bán được nhiều? Có ai sợ người mua dùng không hết đâu?
Người khách chờ
cho bà lão lấy kẹo bày ra đĩa nung bằng đất xong, lại hỏi:
- Con từng qua
đây vài lần, chưa từng nghe ai nói có nơi nào gọi là xóm Liều cả? Vì sao lại có
tên như thế hả cụ?
- Chuyện lâu
rồi, nhiều người giờ không biết cũng phải.. Bà cụ chợt hạ giọng, quay sang một
bên lấy vạt áo đũi lau khóe mắt
Khách đồ chừng
câu chuyện này có gì đó liên quan đến bà lão. Không dưng bà xúc động đột ngột
như thế?
Bà lặng đi một
lúc. Khách cũng không hỏi thêm. Ông ta trầm ngâm nhìn ra lối bờ sông. Nơi có
bãi thầu dầu cao hơn đầu người, lá rộng bằng bàn tay xòe, thân và cành tim tím,
mọc ra gần tới mép nước. Thứ cây này trồng để ép dầu, người Nhật dùng chạy máy,
đang được trồng nhiều ở vùng này. Tiếp đến là những nương dâu xanh rờn. Thấp
thoáng bóng người đội nón lá rộng ẩn hiện trong ánh nắng chiều. Khung cảnh đẹp
đến nỗi bất giác khách thở dài..
Bất chợt bà lão
kể:
- Vùng này là
ngã ba sông, đồng non bãi nổi, nhiều chỗ ngập nước thành ra đi lại không thuận
lắm. Vào các năm sau năm cụ Đề Thám bị hại, tiếp đến sự biến Yên Bái không
thành. Nghĩa quân ở các nơi ấy có một số tản về đây ẩn mình. Những người này
gan góc lắm. Dân trang Khả Lãm ngày xưa vốn lành hiền, rút rát, ít chữ nghĩa,
chỉ biết lo làm, lo ăn.. Chỉ từ khi các ông ấy về dạy chữ, dạy võ nghệ, một số
mới bạo dạn hơn trước. Cũng kể từ đấy quan quân triều đình, kể tây tà cũng
không dám lộng hành như trước. Muốn qua lại vùng này phải qua sông, qua đò, bãi
sậy, lau lách nhiều nên chúng e ngại, không dám nghênh ngang như ở nơi khác.
Từng có nhiều vụ đánh đắm thuyền, phục kích trong bãi sậy giết không ít quan
quân. Cái tên xóm liều có từ cái tích này.. Nhưng mấy năm nay tạm tạm yên. Cậu
đừng lo..mình là người lương thiện chắc không xảy ra chuyện gì.. Những năm
trước, cữ này tôi đã dọn hàng về rồi. Khách cũng chẳng ai qua sông vào khoảng
này đâu.
Lại hỏi:
- Cụ có phải
người gốc gác vùng này không ạ?
- Già vừa mới
nói. Ông nhà này trước ngày làm bếp cho cụ Đề. Sau theo ông Nắm một thời gian.
Còn tôi người Nhã Nam ,
theo chồng chạy giặc về đây.
- Con cái của cụ
có đông không ạ?
- Có một cô con
gái. Nó đầy tuổi thì ông nhà tôi bị người ta báo quan bắt, đày đi Lao Bảo một
thời gian, ốm bệnh mất rồi..
Bà lại lấy bàn
tay răn deo nâng vạt áo lau khóe mắt.
Khách thấy không
nên hỏi thêm nữa. Nỗi bi thương không phải là chỗ người ta nên đụng vào.
Bà cụ sắp lại
mấy cái bát, mặc dù nó vẫn ngay ngắn, chưa ai đụng tới. Một hồi. Lại chính bà
lão kể:
- Nó mới lấy
chồng bên kia sông mấy năm nay. Vợ chồng nó cứ bảo về đấy nó nuôi, không nên ở
đây một mình. Vừa không yên trí, ngộ nhỡ ốm đau.. Nhưng tôi chưa muốn phiền.
Một mình ở đây cũng có cái thoải mái, tuổi già thích thế, ngại va chạm nhờ vả
kể cả con cái mình.. Nó cho đứa con đầu của nó ra ở đây với tôi. Nhà nó hôm nay
có việc, nó về mai sớm mới sang.. Già hỏi khí không phải, cậu sang sông là đi
qua đây hay có việc gì?
- Con sang ông
lý Chẩn cất thuốc của ông ấy. Sống tạm bằng nghề này cụ ạ. Đi chữa dạo, ai cần
thì giúp. Thuốc hết lại về đây cất thêm.
- À ra thế. Hẳn
nào tôi nom cậu cứ ngờ ngợ, quen quen. Già lẩm cẩm thế đấy.Chuyện đời nào đời
nào thì nhớ, ngay giờ lại hay quên. À mà nãy già lỡ lời, cậu có sang bên ấy gặp
ai cũng đừng kể lại chuyện “Xóm Liều” vừa rồi. Kẻ ác khẩu gọi thế, chứ có ai
liều với ai? Có liều thân liều mình là với giặc dã, cướp trộm thôi. Cũng là bất
đắc mới phải làm như vậy. Thời buổi hư loạn này, lành hiền quá dân tình cũng
không sống nổi, phải không cậu? Biết thì biết thế, nhưng nói chuyện này trước
mặt người ta là không nên, cậu nhỉ?
- Vâng!
Khách đáp ngắn
như vậy, nhưng trong lòng anh xốn xang, áy náy bao điều. Cái nơi anh đến còn có
câu loan truyền cả nước: “Chơi với Xốm, không ốm cũng què” nói về cái “xóm
Liều” bà cụ vừa kể. Nghe còn e ngại hơn nhiều. Nhưng mà miệng lưỡi thế gian,
yêu ghét nhiều khi vì nhiều lẽ, nhiều
khi chưa công bằng, chưa minh xác. Dù sao có chút thận trọng vẫn hơn, anh nghĩ
vậy. Cũng là lúc chiếc thuyền nan từ bờ bên hữu đang từ từ tiến vào bờ. Hai
thày trò từ biệt bà lão xuống đò. Trên dải cát bờ sông từng đàn bồ nông vừa hạ
cánh xuống gần mép nước. Nước sông màu
hồng đục, có lẽ vừa có mưa lớn ở thượng nguồn. Núi Nghĩa Lĩnh trong chiều đứng
uy nghi. Từ nơi đó đang từng đàn cò trắng bay về. Sắc trắng bộ lông của chúng
chốc chốc lại hòa lẫn trong mây.
( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét