Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 8 tháng 5, 2013

Tim hieu van hoc:


Lưu Hồng Sơn dịch từ nguyên tác Trung văn

TÀN TUYẾT
(1953~)

Lời giới thiệu của người dịch:
 
      Tàn Tuyết tên thật là Đặng Tiểu Hoa. Người Lỗi Dương, tỉnh Hồ Nam, sinh ngày 30/5/1953 ở Trường Sa. Cùng thời với các nhà văn Mã Nguyên, Cách Phi, Mạc Ngôn, Tô Đồng, Dư Hoa... Cha Tàn Tuyết từng chủ nhiệm tờ Tân Hồ Nam, mẹ cô cũng từng làm báo và cả hai người đều là đảng viên Trung Cộng lâu năm. Năm 1957, khi Tàn Tuyết mới 4 tuổi, cha mẹ cô bị quy vào “hữu phái” phản đảng. Cha bị đưa đi lao động cải tạo, gia đình cô rơi vào cảnh cùng túng.
      Năm 1966, cuộc Cách Mạng Văn Hoá bắt đầu khi cô 13 tuổi, mang thân phận “con gái của phái hữu”, nên mặc dù chưa tốt nghiệp tiểu học, Tàn Tuyết cũng phải bỏ ngang bởi không chịu nổi sự khinh thị của mọi người. Cũng từ đó, cô trở nên trầm lặng, ít nói, tìm niềm an ủi trong các tác phẩm kinh điển trong nước, phương Tây, và bắt đầu viết nhật kí. Ngoài môi trường sách vở thì bà nội của Tàn Tuyết cũng là người góp phần quan trọng vào việc hình thành phong cách nghệ thuật đặc biệt của cô sau này. Bà thường kể cho Tàn Tuyết những gì do chính bà viết và những câu chuyện rực rỡ màu sắc kì lạ.
      Năm 17 tuổi, cô vào công xưởng học nghề tiện. Tám năm sau, Tàn Tuyết lập gia đình, hai người ra ở riêng, tự học may vá và trở thành thợ may nổi tiếng ở Trường Sa. Lúc rảnh rỗi, cô vẫn tập sáng tác tiểu thuyết, thơ ca. Năm 1983, Tàn Tuyết hoàn thành tác phẩm đầu tay “Chợ Hoàng Nê”, nhưng khi ấy, cô chưa dám công bố. Rồi hai năm sau, lần đầu tiên cô đăng truyện ngắn “Bọt xà phòng trên nước bẩn” trên tờ Tân Sáng Tác và Tàn Tuyết chính thức bước vào làng văn với truyện ngắn “Căn nhà nhỏ trên núi” năm 1985. Sau đó, hàng loạt tác phẩm của cô được đăng trên các tờ: Nhân dân văn học, Phù dung, Văn học nguyệt san, Trung Quốc... Và dần trở thành một tiểu thuyết gia hàng đầu trong “Tiên phong phái” của văn học Trung Quốc đương đại.
      Tàn Tuyết không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, mà ngay từ cuối những năm 80, cái tên Tàn Tuyết đầy ấn tượng đã rất quen thuộc với nhiều nước trên thế giới, như: Đài Loan (1987), Mỹ (1989), Nhật (1991), Ý (1991), Đức (1996), Pháp (2000), Anh... Theo thống kê, cô là nhà văn nữ của Trung Quốc được dịch ở nước ngoài nhiều nhất.
      Cùng với hàng trăm tiểu thuyết (cả đoản thiên và trung thiên), Tàn Tuyết còn dành nhiều thời gian cho việc bình giải tác phẩm của các văn hào như: Lỗ Tấn, Franz Kafka, Dante, Borges, Goethe, Shakespeare... Và có lẽ, người có ảnh hưởng sâu sắc nhất, gần gũi nhất với cô là Kafka. Có người nói, muốn hiểu Tàn Tuyết, trước hết phải hiểu những nhà văn ấy, đặc biệt là Kafka.
      Hầu hết tác phẩm của Tàn Tuyết là cuộc thâm nhập, khám phá tự ngã, thế giới tâm linh, thế giới của những xung đột nội tâm, sự cô đơn, sự sợ hãi, dục vọng... trong cõi tiềm thức, vô thức của con người. Tức là những yếu tố cơ bản nhất trong sáng tác của Tàn Tuyết và cũng là những cái, mà theo cô, văn học truyền thống Trung Quốc còn khuyết thiếu. Tuy vậy, thế giới huyễn tưởng trong tác phẩm Tàn Tuyết không hề thoát ly khỏi thế giới hiện thực bên ngoài, mà nó lại tràn đầy hơi thở của cuộc sống. Trong tác phẩm của Tàn Tuyết không có anh hùng, thánh nhân; cũng không có kẻ “đại gian, đại ác”, mà thường là những con người cô đơn, bé nhỏ, bất hạnh. Thậm chí, cô còn nói, tác phẩm của mình là “hiện thực chủ nghĩa”. Có điều, sự sáng tạo, kết cấu, hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm Tàn Tuyết không theo những quy tắc, khuôn mẫu thông thường, mà luôn luôn nỗ lực vượt lên để tạo ra sự đột biến nghệ thuật, làm cho những trường cảnh thường nhật trở nên kì lạ, hoang liêu, phi lí song lại có vẻ đẹp rực rỡ kì lạ, lay động tâm phách con người.
      Về góc độ ngôn từ, các tác phẩm của Tàn Tuyết có vẻ như bình-giản, rất cô đọng nhưng chúng lại có những kết cấu hết sức kì lạ, như những giấc mơ, ảo ảnh và trùng trùng điệp điệp các tầng nghĩa. Như Nam Hoa kinh, như Cỏ dại, như Lâu đài, như Thần khúc... Mỗi tác phẩm của Tàn Tuyết như một “công án” Thiền, một “mê hồn trận”, một “bát trận đồ”, mà người đọc rất khó “ngộ”, không tìm thấy “cửa sinh”, không tìm thấy lối ra nếu cứ lần theo sợi dây tư duy thông thường. Và do vậy, cũng dễ đi đến kết luận rằng tác giả của chúng là kẻ “nằm mơ giữa ban ngày”, “tâm lý bị biến thái”...; còn những tác phẩm của tác giả này là “thế giới ma huyễn”. Dưới đây, mời các bạn thử bước vào: “Thế ngoại đào nguyên”, một “ma trận” của Tàn Tuyết.

______________________________

ĐÀO NGUYÊN NGOÀI CÕI THẾ

Câu chuyện Đào nguyên trong truyền thuyết xa xưa lưu truyền khắp làng. Nhưng trong làng, ai cũng mù mờ, thậm chí là mù tịt về nó. Trong chuyện này, chỉ có ông Tư Tề là người có uy tín nhất. Ông Tư Tề giờ đã hơn 90 tuổi, thân thể già nua co rút lại chỉ còn chừng hơn mét, nhưng ông lại để bộ râu dài cả thước và trắng như tuyết. Khi ông Tư Tề đặt cái ghế có lưng tựa bằng tre vào giữa sân phơi lúa, ngồi vào đó và châm tẩu thuốc lên là bọn trẻ con lại chạy đến vây quanh ông, có mấy đứa ngịch ngợm còn kéo cả râu của ông. Cứ như lời kể của ông Tư Tề thì bọn trẻ con thấy cái thế giới ấy cũng chẳng có gì hay ho, lại có vẻ nặng nề buồn chán nữa là khác. Chẳng qua đó cũng chỉ là một xã hội nhỏ, ở đó, đàn ông cày ruộng, đàn bà dệt vải, họ sống hoà bình, không có chiến tranh và loạn lạc mà thôi. Thứ mà bọn trẻ thích là cái đu bay thần kì cơ. Nghe nói cái đu bay ấy được treo dưới một cành tùng rất to ở tít trên đỉnh núi. Không biết ai có thể trèo lên đến tận ấy để treo nó lên, nhưng chắc phải là một người thợ khéo lắm. Sợi dây dùng để treo đu bay được bện bằng những sợi gai, mà loại gai ấy bây giờ không còn ai thấy nữa. Sợi dây được xâu qua những vòng sắt rắn chắc vừa to vừa sáng, tấm ván đặt chân được làm bằng gỗ đàn xanh rất đẹp. Khi đu có thể bay lên đến giữa trời và lúc đó nó sẽ phát ra những tiếng rít khiến trời rung đất chuyển. Người dưới chân núi nghe không thể chịu nổi, nếu đang làm đồng phải vứt nông cụ phục xuống đất bịt tai lại, còn những người đang ở trong nhà thì vội vàng đóng chặt hết cửa rả lại. Ai cũng cho rằng, thứ âm thanh đó thật “kinh khủng”. Cuối cùng, có hai đứa bé bướng bỉnh trèo lên cái đu bay ấy. Có người thấy bọn chúng đu bay lên lưng trời một lúc rất lâu, rồi biến mất luôn. Sau đó, người ta phát hiện sợi dây đu bay đã bị cắt đứt bằng một lưỡi dao bén. Chiêu Sơn là dãy núi lớn trải dài qua mấy huyện, người mất tích trong ấy kể chẳng có gì là lạ. Nhưng có một cách giải thích rất kì quái, người ta nói sợi dây đu bay ấy không phải do hai đứa trẻ cắt đứt, mà là do “ý trời”. Đã là ý trời thì phải tìm thấy thi thể của hai đứa bé ấy chứ, đằng này, cả làng đã sục xạo suốt hai ngày mà vẫn chẳng thấy tăm hơi gì. Những kẻ nghĩ như vậy cứ khăng khăng nói, biết đâu bọn trẻ bỗng phát “kì tích” trên không. Nhưng mà kì tích đó là thế nào nhỉ? Bọn chúng mọc cánh bay lên mây chăng? Hay là bọn chúng đã được đại bàng rước đi rồi? Vì bị mọi người chế giễu nên những kẻ ấy mới không tiếp tục suy diễn nữa.
— “Nếu các cháu chia nhau vào núi tìm cho kỹ, có khi còn thấy vết tích của chiếc đu bay ấy đấy!”. Tề Tứ Tiết lim dim, nói.
Có một thằng bé mười lăm tuổi, thân thể gầy gò, tính tình trầm lặng, không nhập bọn với mấy đứa trẻ kia. Nó ngụ trong một cái miếu cạnh gốc cây, sống bằng nghề làm thuê. Xế chiều mỗi ngày, khi ông Tư Tề ngồi trên sân phơi lúa kể chuyện Đào nguyên, nó đều đến lắng nghe. Mỗi khi bọn trẻ kia kêu lên “A! A!” kinh ngạc vì câu chuyện mà ông Tư Tề kể, thì nó chỉ nhếch mép cười nhạt, ánh mắt loé ra những tia sáng như mắt mèo đêm.
— “Thức ăn ấy à! Trồng cái gì ăn cái đó, nuôi thứ gì ăn thứ đó. Khoai lang, bắp, đậu, thậm chí có cả lúa gạo, heo, dê, gà, vịt nhan nhản. Lại còn cả một trường học được dựng trên mỏm đá, phía dưới là hang sâu”.
— “Có cả trường học! Có cả trường học!” Bọn trẻ cùng hô vang.
— “Trong trường học, cái gì cũng có, trừ đu bay. Loại đu bay này đã bị cấm rồi”. Ông Tư Tề vừa nói vừa mở to mắt, nham hiểm nhìn bọn chúng.
— “Ông Tư Tề gạt người! Gạt người!". Bọn trẻ la ó, nhao nhao chạy đến giật râu ông già.
Ông Tư Tề vừa tránh, vừa đưa hai tay che chở cho bộ râu trắng của mình. Ông chưa kịp ngồi yên, bọn chúng lại hất ông ngã xuống đất, chổng cả vó lên trời. Có hai đứa còn ngồi lên người ông.
Sau một trận huyên náo, đầu tóc ông già đã bê bết đất cát, bọn trẻ mới dần dần tản đi. Ông Tư Tề đặt lại cái ghế dựa, giận dữ phun ra một bãi nước bọt, rồi lại ngồi xuống châm thuốc. Lúc này ông mới bắt đầu quan sát thằng bé ngồi đối diện. Nó tên Đài, cũng đang nhìn ông. Bốn mắt gặp nhau. Không khí có vẻ căng thẳng.
Ông Tư Tề đợi Đài đến nói với ông điều gì đó, hoặc đưa ra những chất vấn nghi ngờ cũng được. Nhưng cái tên Đài lang thang kia lại chẳng khi nào đến gần ông hơn, mà nó cũng không bỏ đi, cứ như muốn đánh nhau với ông Tư Tề vậy. Nó khiến ông phát chán lên. Ông Tư Tề nhớ rằng, bốn năm trước, Đài mới lưu lạc đến đây, ban đầu có cả hai cha con, trong một đêm mưa bão, hai cha con lướt thướt náu trong miếu. Rồi có lẽ bị trúng lạnh nên cha nó mắc bệnh chết. Từ đó, Đài nương náu trong miếu, ban ngày đi làm việc vặt cho người ta, rồi ăn uống luôn ở nhà chủ, tối về ngủ trong miếu.
Ông Tư Tề muốn ngồi ở sân phơi lúa đến khuya mới trở về. Ông ngu gà ngủ gật nghe muỗi kêu vo ve, trong đầu hiện ra vô số những cái đầu ngựa, những con ngựa ngẩng đầu lên trời hí lên những tiếng kinh người. Ông Tư Tề giật mình tỉnh lại, hoang mang nhìn tứ phía, nhưng giữa đồng không mông quạnh chẳng có ai ngoài một người: Đài. Bữa nay, có gì đó hơi khác. Khi ông Tư Tề tỉnh mộng, ông còn thấy một bóng đen lạ. Người đó chạy đến chỗ Đài ngồi, hai người chụm lại thì thầm với nhau gì đó. Đôi mắt già nua của ông Tư Tề trong đêm như bị một màn sương che phủ, đương nhiên ông không thể nhìn rõ. Ông không tiện đứng lên quan sát vị khách không mời mà đến kia và ngồi im chờ đợi. Ông đoán, đã đến lúc rồi đây.
Quả nhiên, sau khi người ấy biến vào bên con đường nhỏ. Đài tiến về phía ông Tư Tề.
— “Mới rồi là anh Bảy đến thúc giục cháu. Bây giờ ông kể “nguyên uỷ” cho cháu biết đi!”— Đài nói.
Ông Tư Tề há miệng nhưng không nói ra tiếng. Ông cảm thấy, những bí mật giấu tận đáy lòng trong tám mươi năm trước bị ông nghiền nát, bây giờ đang từ từ sống lại và đến lúc phải bộc lộ trước mặt thằng bé này. Ông nhìn hình bóng mông lung mơ hồ của Đài, trong lòng vừa khen ngợi, lại vừa có chút bực bội. Hình như Đài không để ý gì đến trò bịp bợm che mắt bịt tai người ta của ông, đi thẳng luôn vào vấn đề, mà nó cũng thật kiên nhẫn. Trước mặt Đài, ông Tư Tề trầm ngâm rồi trôi vào kí ức lúc nào không hay. Ông nhớ lại bao nhiêu năm qua, ông đã truyền bá những câu chuyện về Đào nguyên ở làng này như thế nào. Đến bây giờ, cả nam lẫn nữ, già lẫn trẻ ở đây đều hết lòng tin tưởng và thuộc nằm lòng cả một số chi tiết nhỏ về cái xã hội ấy ra sao. Vậy nói rõ “nguyên uỷ” là nói làm sao? Ông Tư Tề nghĩ, “nguyên uỷ” là chuyện đã qua không thể nhớ lại. Nó không từ trong lời kể của ông nội ông, cũng không phải do cha của ông kể lại. Nó hình thành từ sự từng trải của chính bản thân ông, vì không muốn nhớ lại nên trong cuộc đời đằng đẵng bao nhiêu chuyện, nó đã bị lãng quên rồi, bây giờ có muốn, cũng không thể nhớ nổi. Nhưng ông không cam tâm, ông làm dịu sự bất mãn trong lòng bằng cách ra sức truyền bá những câu chuyện vụn vặt, tào lao. Trước đây không lâu, ông còn nghe một đứa cháu của ông nói với người ta rằng “Nhất định là Đào nguyên vẫn tồn tại, ông thử nghĩ xem, dãy núi này lớn như vậy, trong đó giấu cái gì mà không được. Nếu những gì chúng ta không thấy, mà lại nói rằng nó không tồn tại thì có quá tự phụ không?”. Lúc đứa cháu nói câu này, ông Tư Tề đứng bên cạnh, bất giác đỏ mặt.
— “Cháu biết rồi, chuyện đó rất khó nói, ông nhất định là rất khó nói. Nhưng cháu quyết tâm làm một cuộc điều tra. Ông có cảm thấy bất ngờ không?” – Thằng bé nói với vẻ đắc ý.
— “Có gì mà bất ngờ! Tục ngữ có câu “Nhìn đứa trẻ ba tuổi có thể biết được cả cuộc đời của nó”. Từ ngày cháu đến làng này, ta đã chờ cháu quyết tâm rồi. Thời gian trôi nhanh quá, tiếng mưa bão ngày ấy bây giờ vẫn còn văng vẳng bên tai ta. Hai năm nay ta vẫn không rõ, cuối cùng là mình đang mộng hay đang tỉnh. Nếu cháu lại vẫn không hành động thì ta không đợi đến ngày đó đâu!”
Giả như có ai nghe được cuộc đối thoại này, chắc cũng không người nào hiểu họ đang lảm nhảm cái gì. Nhưng một già, một trẻ kia thì lại quá rõ nhau rồi. Tuy nhiên họ hiểu nhau thế nào thì thật khó nói, bởi đây là lần đầu tiên họ nói chuyện với nhau. Ông Tư Tề ngồi đó, lần đầu tiên ông thấy cuộc đời của mình thật sự sắp kết thúc. Một đôi chân trai trẻ đã chiếm chỗ và thay ông đi tiếp. Xem ra không có chuyện gì có thể dễ dàng mà quên được. Hôm qua, giữa đường đi đến nhà xí vẫn còn nghe những âm thanh đó rất lâu. Thoạt đầu, ông ngỡ là ảo giác của mình. Nhưng ngay đó, ông thấy thầy Viễn Phố , một ông già 70 tuổi, cũng dừng lại hướng sang phía nhà xí chăm chú lắng nghe. Thầy Viễn Phố cũng là người rất thích nói chuyện Đào nguyên. Ông Tư Tề chạy đến chỗ thầy Viễn Phố, hỏi ông ta có nghe thấy gì không. Ông này đang hoang mang, chìa ra bộ mặt cáu kỉnh kì quái và nói rằng, ông ta đang hít thở không khí trong lành từ núi thổi ra. Ông Tư Tề không hiểu ông ta muốn che giấu điều gì. Những người trong làng không làm cho ông cảm thấy được an ủi phần nào. Ông muốn quên chuyện đáng xấu hổ này đi nhưng ngày đêm không yên với nó. Đó cũng là nguyên nhân mà xế chiều mỗi ngày ông đều kể cho bọn trẻ nghe những câu chuyện xa xưa. Sau đó, khi đang ở trong nhà xí, ông vẫn nghe tiếng lào xào trên những cành tùng, không hiểu những âm thanh ấy có ý nghĩa gì.
Đêm ấy, khi Đài về miếu, anh Bảy đã đợi nó được một lúc. Trên đất có ba mẩu thuốc, cửa đã bị anh ta đạp hư vì nóng ruột chờ đợi.
— “Tốt nhất là không nên mang cái gì để dễ rút lui. Mày thử nghĩ, nếu cứ chần chừ, ông ta đi mất thì việc thành được sao? Bao nhiêu người đã kiên quyết làm tới nơi mà còn…”
Anh ta cứ lải nhải mãi. Đài đóng cửa đứng im bên trong cho anh ta đứng bên ngoài. Sau, anh Bảy đến cửa sổ ngó nghiêng một hồi, không thấy động tĩnh gì, anh ta mới lặng lẽ trở về.
Đài nằm trên cái giường được ghép bằng những mảnh ván cửa bị phá lúc nãy, khắp người như có lửa đốt bắt đầu hành hạ nó một cách đáng sợ. Có lẽ phải đi làm một việc, một việc khó nói và rất có thể nó phải mất mạng vì việc đó, việc này lại có liên quan đến ông Tư Tề. Cũng bởi ông Tư Tề thận trọng nên nó chưa có căn cứ hành động. Lúc cha sắp chết, rõ ràng có chuyện muốn phó thác cho Đài. Ông ôm cứng lấy nó, mắt trợn to, chắc là vì muốn nói nhưng nói không được. Ông chết đi sống lại mấy lần, cố sức lắc lắc hai vai Đài, nhưng vẫn không thốt nên lời. Cuối cùng, ông ú ớ mấy tiếng rồi bi phẫn nhắm mắt. Qua năm, Đài đã hiểu rõ về truyền thuyết Đào nguyên. Ít lâu sau, nó dần dần biết rõ vì sao cha phải mang nó từ quê hương xa xôi trèo đèo lội suối đến nơi đây. Lúc đó nó cảm thấy tương lai mình không có gì sáng sủa cho lắm, cho nên quyết đem hết tâm sức ra để xây dựng sự nghiệp ở nơi này. Từ đó nó chú ý học hỏi những điều xung quanh. Khi ấy, đôi mắt trợn to đỏ như máu của cha trân trối khẩn thiết nhìn bắt nó phải suy nghĩ đau cả đầu. Nhưng Đài nghĩ không ra vì chẳng còn manh mối. Đài nắm chặt tay, đập lên tấm ván mấy cái, bất giác hét to một tiếng như cha nó. Ngọn đèn dầu trên cửa sổ nhảy nhót mấy cái rồi tắt ngấm, ánh trăng chiếu lờ mờ. Có một cái bóng từ từ tiến đến trước cửa sổ, trông như một đứa bé. Đài có cảm giác cái bóng ấy đang nhìn mình.
— “Là anh Bảy hả? Anh về đi! Ở đây không có chuyện của anh”. – Đài cố ý nói như vậy cho đỡ sợ.
— “Ông là Tư Tề đây! Mau mở cửa cho ta đi!”
Ông Tư Tề phải nhón gót mới có thể ngồi lên giường. Trong bóng tối, Đài cảm thấy ông ta hơi dị dạng, trông như một con khỉ già, chỉ có cái mùi thuốc trên người ông ta là nhắc nhở cho nó sự tôn nghiêm. Ông vươn những ngón tay khẳng khiu, lạnh lẽo nắm chặt cổ tay Đài. Đài hắt hơi liền mấy cái, toàn thân ớn lạnh.
— “Cháu vẫn chưa hiểu”. – Đài nói.
— “Cháu sẽ hiểu ngay đây, chỉ cần cháu giúp ta một tay, ta sẽ nhớ lại ngay”. – Ông Tư Tề vặn vẹo thân thể, xương xẩu trong người lão kêu lốp rốp.
— “Cháu đặt chân ta lên giường cho ngay đi, ta không tự cử động được nữa rồi!”
Đài ngồi xổm, ôm hai cái cẳng như hai que tăm đặt lên giường. Nó lại có cảm giác, ông già này chẳng khác gì một con khỉ.
Ông Tư Tề dựa vào cái gối trấu của Đài, nặng nề thở hổn hển, duỗi thẳng hai chân. Rồi, ông vẫn nắm chặt lấy tay Đài, rồi lúc khoan lúc nhặt kể cho Đài nghe. Khắp nơi đều là âm thanh đó. Giữa sân phơi lúa, đầu ông quay tứ phía. Dù phía hang hốc, ao chuôm, những ngôi nhà trong làng, hay giữa đồng lúa, giờ đây đều nghe thấy thứ âm thanh đó. Cuối cùng, ông đã rõ, nhất quyết đêm nay nhớ lại chuyện đã quên, để có thể truyền đạt cho Đài. Khi đó, ông và nó, cả hai người đều sẽ nhẹ nhàng thoải mái. Còn bây giờ, ông phải nhờ Đài bóp chân cho ông, bởi chỉ như vậy, ông mới tin chắc rằng mình đang tỉnh.
Khi xoa bóp cho ông, Đài đụng đâu cũng thấy những xương là xương, hai cái chân của ông chẳng có tẹo thịt nào. Ông già run lên, luôn miệng kêu “Dễ chịu quá! Dễ chịu quá!”
— “Chuyện cái đu bay là do ông bịa ra phải không? Nếu ông là đứa bé đã ngã ấy, thì tại sao trên người ông không có thương tích gì? Mà ông cũng chẳng bay lên trời, ngày nào cũng có mặt trong làng”.
— “À, à, à! Ta đang nhớ đây! Ta nhớ… Ta nhớ… Cháu không nghi ngờ gì cái thế giới Đào nguyên chứ?”
— “Sao cơ !? Chẳng phải là cha cháu vì nó mà mang cháu đến nơi này hay sao? Cháu còn nhớ một đêm ở trên đường, giữa đồng hoang, có ba con sói đuổi sau lưng hai cha con cháu. Cha con cháu đều nghĩ là chết chắc rồi… Ơ này, ông không thích nghe chuyện này à?”
Dưới ánh trăng, Đài thấy bộ râu của ông Tư Tề trắng như tuyết. Ông đặt một tay lên bộ râu, mắt từ từ nhắm lại. Đài đang phấn khởi, ráng đấm bóp cho ông, từng động tác đều rất nhịp nhàng. Đột nhiên, chân ông cứng đờ ra và lạnh dần. Đài ngừng tay, hai giọt nước mắt đọng trên khoé mắt.
Việc ông Tư Tiết chết trong buồng của Đài khiến người làng xôn xao bàn tán. Ngày đưa tang, Đài không đi, nó sang làng bên làm thuê. Ai cũng giận dữ và cho Đài là đứa vô lương tâm, hạng lang thang, thật uổng công ông Tư Tề đã tin tưởng nó.
Từ đó, trong làng, Đài lủi thủi một thân một mình, chẳng ai thèm để ý đến nó. Bọn trẻ con thấy bóng nó là chạy xa. Chúng còn nói, trên người Đài có “quỉ khí”, nhiễm vào người là thoát không nổi. Đây dĩ nhiên là do người lớn nói như vậy với chúng.
Sau một thời gian, làng lại đưa ra một người khác có sự hiểu biết nhất về Đào nguyên. Đây là một bà già 75 tuổi, có thâm niên sống cùng một chỗ với heo. Bà được gọi là bà Mao. Và mỗi xế chiều, bà lại đến ngồi ở sân phơi, chỗ của ông Tư Tề trước kia, bọn trẻ lại chạy đến vây quanh để nghe bà kể chuyện. Bọn chúng không thấy được sự thay đổi diễn ra trong làng.
— “Đúng là Đào nguyên nằm trong dãy núi lớn này. Hãy nhìn ngọn núi kia xem, nó thật là to lớn, to đến nỗi không ai có thể nói là to bằng nào”.— Bà Mao gõ tẩu thuốc, nói.— “Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là không phải là cái đu bay, mà là một cái cối xay bằng đá”.
— “Một cái cối xay bằng đá à!” Bọn trẻ, đứa nào đứa nấy tròn xoe mắt.
— “Cũng có hai đứa bé cả ngày chạy quanh cái cối đá ấy, ngắm nghía nó. Về sau mất tích. Cái cối đá thì to như thế, người ta nghi rằng bọn chúng đã bị nghiền vụn rồi lẫn vào trong lương thực và bị người ta nuốt cả vào bụng rồi”.
Bọn trẻ con lặng thinh. Đám khói mà bà Mao nhả ra trở thành một mê hồn trận.
Đài đứng xa cười nhạt. Nó nghĩ bụng, bà Mao và ông Tư Tề đúng là mỗi người một vẻ. Những lời mê hoặc giả trá ấy khiến bọn trẻ bướng bỉnh không dám đụng đến một sợi lông chân bà. Đài ngạc nhiên là, tại sao trước đây mình không phát hiện được rằng, trong làng này lại có một bà già ghê gớm như vậy. Sau cái chết của ông Tư Tề, Đài thấy con đường phía trước của mình ngày càng mờ mịt. Nó thường thức thâu đêm, ngồi trên giường trầm tư mặc tưởng rất lâu. Nó nghĩ, sao 80 năm trước, ông Tư Tề không biến mất mà vẫn ở trong làng này. Đầu đuôi sự việc, cuối cùng là như thế nào đây? Nó càng nghĩ càng thấy sự di truyền thật đáng sợ, nhất là loại di truyền như kiểu giữa ông Tư Tề và nó. Bây giờ, Đài chăm chú nhìn bà Mao, cái bà già 75 tuổi ấy, trong lòng bất giác hơi run sợ, nghĩ, chẳng lẽ bà ta nhìn thấy tận mắt sao?
Bà Mao đang nhìn Đài. Bà ngồi yên chờ Đài đến. Đài chần chừ chậm chạp tiến lại gần. Lần đầu tiên nó thấy một bà già có mái tóc trắng rậm như vậy. Nộ khí khiến cho mặt bà sưng lên, trông như sư tử.
— “Thằng bé kia! Oán hận không hay ho gì đâu. Hãy cúi đầu nghe theo số mệnh đi!”— Bà vừa nói, vừa phì phèo với khói thuốc.
— “Nhưng phải cho cháu biết chút manh mối chứ, sao lại cháu tối rối như trong bụng trống thế này… Hay là cha cháu và mấy người có hẹn với nhau từ trước?”
— “Mi nhớ đến đâu rồi?”.— Bà nghiêm mặt, gõ gõ tẩu thuốc. — “Chớ có nghĩ lung tung. Hạng như cha mi, ai hẹn hò gì? Nói chơi, mi không thích, chứ ông ta như con chó bị đuổi cùng đường mới lao vào làng này”.
Nghe bà già nói, trước mắt Đài hiện ra hình dáng tàn tạ của cha, muốn xua đi cũng không được.
Đài cúi đầu trở về. Nó nghĩ, mùa thu đã đến, đêm bắt đầu trở nên mát mẻ. Nhưng bà Mao ngày nào cũng vẫn ngồi giữa sân phơi lúa đến thâu đêm. Bà ta đợi cái gì xuất hiện thế nhỉ? Buổi sáng, nó đi qua làng bên, ngang qua sân phơi, thấy bà già ngủ gà ngủ gật trên ghế, cái tẩu thuốc lăn dưới đất. Đài lạnh suốt xương sống khi nghĩ đến cái loại tín niệm ở làng này, sao nó lại thâm căn cố đế đến thế. Đến chỗ quẹo, vào miếu, nó nghe anh Bảy kêu réo phía sau liên hồi. Nhưng nó không quay lại. Nó biết anh Bảy thúc giục nó, nhưng nó vẫn chưa quyết tâm. Bữa trước, nó đã vào núi xem một lượt, lúc đó anh Bảy chỉ một cửa hang sâu, bảo nó chui vào. Nó nghĩ ngợi mãi vẫn chưa chịu chui xuống khiến anh ta tức giận chửi: “Đồ hèn”. Vào nhà, chợt Đài loé lên ý nghĩ, sao không ở lại? Ở lại làng này, không phải là có thể hiểu hơn chuyện mà mình vẫn hoài nghi hay sao? Khắp làng, ai cũng bàn quanh mỗi một chuyện. Biết đào đâu ra nơi thứ hai như vậy? Nó mở cửa sổ, nghe tiếng anh Bảy đang réo gọi ngoài đồng. Âm thanh đó, lúc cao lúc thấp, thật không có gì dai dẳng và gàn bướng hơn. Khi ấy, nó đã hiểu di chúc của cha.
Đêm đó, trăng sáng như một mâm bạc lớn. Thoạt đầu là tiếng gõ cửa của bà Mao, rồi trên cửa sổ xuất hiện mấy cái bóng lắc lư. Đài vội chạy ra khỏi buồng, thấy ngoài miếu, trong bóng đêm, cả làng đều kéo đến, năm ba người một nhóm. Họ đang bàn tán oang oang, thấy nó ra, ai nấy im bặt. Bên cạnh miếu, tiếng kêu của anh Bảy nghe rõ mồn một.
Đài chần chừ một lát, cuối cùng theo anh Bảy rẽ vào con đường nhỏ. Tiếng bàn tán dậy lên phía sau, cứ như đang đuổi theo. Nhưng, nó thử quay đầu lại thì thấy họ vẫn đứng im, bất động.
Hai chân Đài bắt đầu run lên, răng lợi khua lách cách. Anh Bảy chạy phía trước, được một quãng lại dừng lại chờ nó và an ủi nó rằng, Đào nguyên không phải là nơi đưa người ta vào tử lộ, rằng nó sẽ đường hoàng quay về nếu biết thuận theo mọi người. Cũng như tình trạng của ông Tư Tề, sự việc xảy ra đêm đó hoàn toàn biến mất trong kí ức của Đài. Anh Bảy vào núi không quay lại, nghe nói đã đi mất rồi. Năm tháng trôi qua, Đài cũng trở thành một ông già. Đài không thích kể chuyện, ông chỉ ngồi thừ ra giữa sân phơi, đem chuyện Đào nguyên giấu vào đáy lòng. Bọn trẻ con chơi đùa bên cạnh sân phơi, không đứa nào đến gần ông. Ông nhẹ vỗ đầu gối, trong lòng tự hiểu mình cũng đã trở thành kẻ quyền uy của câu chuyện ấy.


-----------
 


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: