TỪ CÁI KIẾN ĐẾN MỘT VÔ BIÊN ĐỜI
TỪ CÁI KIẾN ĐẾN MỘT VÔ BIÊN ĐỜI
(Nhân nghe khúc nhạc Nghêu ngao của Ns Châu Đăng Khoa phổ từ bài thơ Nghêu ngao chờ cơm của nhà thơ Trương Nam Hương)
Lạp tạp ghi
Ngày lục xục, lạc xạc và tôi nghe ai đó kêu lên… “Thi sĩ đã tự sát!”. Hỏi ra mới biết, đó là những giả thi sĩ ngồi dưới chân giường phụng hiến thơ cho chân dài, là những trí thức đội mũ thơ trang điểm thêm cho cái văn bằng dỏm, là những tóc bạc vắt óc đến chảy cả nước mắt nước mũi nặn ra mấy câu tung hô…
Thi sĩ đã tự sát. Không, tôi không tin vì nhất định còn đó những thi sĩthứ thiệt và thơ sẽ không có những uế khí, ám khí, tử khí, không có kinh nguyệt và đờm dãi…
Buổi chiều, bắt gặp bài thơ “ Nghêu ngao chờ cơm” của TNH, tôi tin là Thi sĩ chưa bao giờ chết và đột nhiên nhớ bức tranh Con quỉ ngồi của Vrubel (1). Quỷ ngồi, vóc thân một người khổng lồ trên đỉnh núi cô đơn, tay buông thõng và chìm đắm trong suy tưởng, đang vận động để thoát khỏi xác thịt của mình, thoát khỏi nỗi cô đơn vĩnh cữu… Bài thơ Nghêu ngao chờ cơm chỉ có mấy câu, thậm chí mấy từ nhưng thấp thoáng bóng dáng cái tứ của bức tranh. TNH như thế, đồng hành với Vrubel để vùng vằng vượt thoát lên nỗi cô đơn thân phận làm người…Vrubel dùng sắc đỏ của hoàng hôn ám ảnh, TNH mượn hình con giun cái kiến như những biểu tượng hèn mọn và đó là loại thơ không khoa trương, không ồn ào như một sự nín lặng đến tận cùng…
Này em con kiến/ Luận về hạt cơm
Thân tôm phận tép/ Luận về cái nơm
Bài thơ chảy đi trên những cặp đối xứng của tinh thần và thực dụng, lý và vô lý, thuận và nghịch, nhỏ bé và vĩ đại, cập và bất cập…Chú kiến chỉ cần hạt cơm như một lẽ sống còn và quẳng bỏ tất cả những chân lý định đề định nghĩa. Với kiến, Thượng Để đã chết từ khởi thủy không đợi đến tuyên ngôn hiện sinh của Heideiger. Ngược lại, tôm tép thì chỉ nói chuyện cái nơm như một lo âu nơm nớp, một ám ảnh bị săn bắt đuổi tận giết tuyệt… Và ngày lạc xạc, lục xục không đi ra khỏi hai phạm trù này: kiếm cơm và nỗi bất an triền miên dai dẳng…
Rồi câu chuyện bóng núi sừng sững ngọn dựng lên với mây trời cô đơn đến bất tuyệt; một lòng biển sâu đáy vực đang to nhỏ thầm thì thiệt hơn:
Núi cao chót vót/Luận niềm cô đơn
Mênh mông biển biếc/ Luận điều thiệt hơn…
Bước về hồi cuối của một tự sự, lời thơ bỗng đậm đậm lời nghi hoặc hỏi đoạn trường từ đâu (2), và đời bỗng mở đến vô biên với nhòe nhoẹt, quền quệt nước mắt…
Ta luận về nhau/ Những điều còn mất
Đời luận mãi đâu/ Cũng về nước mắt
Tôi muốn nhấn mạnh, đây là nước mắt thực, không phải nước mắt “cá sấu” vờ vịt thương người, hay loại nước mắt lừa đảo tình ái, vẩn vơ yêu mịt yêu mòng. Vâng, cuộc sống đang bị tha hóa, vô cảm thì một chútnhen nhúm nghĩ cho phận người cũng hơn cả tấn thơ tình ái lăng nhăng xúc cảm nhầy nhụa làm vẩn đục thực tại…
Trong chừng mực, Nghêu ngao chờ cơm, như một góc ánh sáng soi chiếu vào những góc cạnh sần sùi của đời sống, phơi bày để tinh khiết nó chứ không phải để phê phán hay khóc than. Trong ý niệm này, TNH đã có một kết thúc có ý nghĩa…Tôi loáng thoáng nghe tiếng động của xoong nồi va nhau. Anh đang đói…chờ cơm vợ và hò.
Chờ em nấu bếp/ Nghêu ngao anh hò…
Là đói …lòng hay đói sống, đói những vần thơ sạch hay nung nấu cải táng những nhảm nhí, thơ nhảm nhí…Tôi không biết. Mỗi chúng ta có thể tự tham vấn…
***Buổi tối, lại may mắn hơn khi nghe nhạc sĩ Châu Đăng Khoa nghêu ngaobài thơ Nghêu ngao chờ cơm trong tiếng guitare của mình…Hình tượng thơ im lìm lần này đã có dịp bay lên và phô diễn cuộc ngày chon von đi từ bé mọn thấp hèn đến núi cao sông dài trời rộng, với những thuận nghịch xếp hàng …Tôi mê man…Đêm lập phương và im lặng róc rách tiếng guitare mộc của người nghệ sĩ tài hoa. Cái miệng móm mém những păm păm, í a í ới…Tiếng hát khàn đục và đêm thành ra một dị kỳ với ê hề khi giễu nhại khi hào khí, khi lổn nhổn một tiếng cười tịch mịch…Nói cho đúng, khúc nhạc không nằm trong dòng chảy giai điệu trữ tình quen thuộc của Khoa; đây là một vận động của cảm xúc trực hiện để cùngnghêu ngao, nghêu ngao đời, lang thang với cuộc ngày trên những gập ghềnh va đập…
Bài hát phổ thơ xây dựng ở chủ âm mi trưởng nhưng trường canh mở đầu đã có thêm một nốt quãng 2 ( fa thăng) nên mi trưởng không lộng lẫy, không rộn ràng âm vang mà như một hoặc nghi với Esus2. Này em con kiến = sị mi fa si …Sị- si, chính thức là một quãng tám đủ dựng hình chú kiến con lớn dậy thành một chủ thể sống động trong cung bậc đời sống, cũng vĩ đại như con quỷ khổng lồ của Vrubel ở trên. Nhưng nếu hình tượng chú kiến con chỉ là một ảo giác thì hạt cơm là một thực tại, một thực dụng không thể chối bỏ và được định vị bằng hợp âmF#m7. Đến thân tôm phận tép âm nhạc càng lay lắt vực ngờ trong hòa âm Am6 với một nốt đô bình treo lên như dấu hỏi. Khép lại khổ thơ, giai điệu có hương chuyển về chủ âm nhưng nốt mi chủ lại biến mất, nhường đất cho một nốt quãng 3 ( sol thăng) để day dứt …Cái nơm trở thành hung thần ác sát, móng vuốt cạm bẫy giương ra. Không có nốt mi chủ để …bình yên. Một đoạn chuyển bằng tiếng đánh miệng pùm pum trong hòa âm F#m chuyển đến Esus2.
Núi cao chót vót luận niềm cô đơn. Thơ đã chuyển và nhạc đã bắt kịp tứ thơ khi chủ âm mi trưởng cắm neo và ở trọ trong bậc 4. Là A6 – phân biệt với A – để núi vẫn non nhưng lung lay mờ hoặc khi đối mặt với cô đơn trên mấy nẽo mây trời. Vâng, nốt mi chủ vẫn …biến mất…nên đối thoại của biển về điều thiệt hơn là không thể xác tín. Luận điều thiệt hơn= re sị sị sol. Chân lý, Thượng đế khoan hãy nói, nói ngay thiệt hơn ở đời vẫn là bất khả nan giải. Đen trắng, đúng sai…chỉ cách nhau một đường biên mỏng đến mong manh nên tiến trình chuyển động hòa âm ở đây chính là những quãng 2, quãng 6, quãng 9 …Cái điêu luyện tài hoa của người nhạc sĩ hé lộ ở đây, một tinh tế cảm nhận từ thơ đến nhạc…
Nhan sắc nửa mùa luận về son phấn/ Sợi tóc nắng mưa luận về thời vận. Thơ đã chín và được âm nhạc chưng cất thành một vật phẩm thượng hạng. Vẫn giấu mình trong chủ âm mi trưởng, hai chi câu liên tiếp với 8 trường canh lại chốt chặt trong một hợp âm đơn giản: Am . Vâng, là Amcủa cung mi trưởng nên nghe ra cũng lắm não nề, vừa cà khịa những thui đen, vừa tở mở với những lạc lối của cuộc ngày…Nhưng giả như dừng lại ở đây, tôi nghĩ cả bài thơ lẫn khúc nhạc đều …thất bại. Thi sĩ Bùi Giáng vẫn tự tại ở đó với cái gọi là giải thực (decolonization), giải thực cho cái tinh thần bị tha hoá của người Việt:
Gọi tên? Rằng một hai ba/ Đếm là diệu tưởng đo là nghi tâm…
Thành ra khúc cuối của thơ và nhạc đã chuyển động đến bất ngờ. Bỏ quách những triết luận, bỏ quách những hoặc ngờ, chủ thể hay đối tượng, thực và phi thực có gì cần phân biết kia chứ; và nỗi đau hay niềm tuyệt vọng có khác mấy với tiếng cười, với mồ hôi thơm lừng của vợ bên bếp nấu…Thơ nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung không nhất thiết phải tải đạo…Basho chẳng phải đã tuyên ngôn “văn chương vô dụng” còn Tố Như tiên sinh cũng đã kêu lên "Văn chương tàn tích nhược như ti"…Một giọng thơ, một tiếng đàn, một quãng giai điệu…cuối cùng là một chậu hoa hồng thắp lên bình minh, một hương quỳnh để say trong đêm giả tưởng…
Nghêu ngao trong sự hòa tấu của thơ & nhạc có vẻ như đã làm được điều đó khi
Chờ em nấu bếp/ Nghêu ngao anh hò…
Và chủ âm mi đã phục sinh trong đoạn out của khúc nhạc, những nốt mi cao liên tiếp trải ra, mở rộng một vô biên đời, có cái kiến phận tép con tôm, có biển lớn với nhan sắc nửa mùa… Đời thực như thế, nó là thế. (C’est la vie). Không cần phải luận với lý giải phân vân.
Em ơi thôi ta vui ta hò/Ta hò ta nghe chơi
Châu Đăng Khoa đang vui nhưng tuổi tóc bạc không cho phép anh hát nốt mi cao mà dành hạ xuống một quãng tám. Thành ra mi trưởng vẫn đầy những hòa âm quãng nghịch: E6- E9 và anh đang chép miệng pum pùm pum đến lải nhải rối môi. Đêm bỗng kỳ dị hay đời dị kỳ. Tôi không biết chỉ biết rõ nhất cái tin nhắn của vợ gọi về ăn cơm. Đói bụng rồi và cái anh ngoại đạo thơ nhạc như tôi đành bỏ cả thơ nhạc chạy về : vợ muôn năm và cơm vợ muôn năm …Sau cơm còn có cả hương hoa…Thiện tai thiện tai …!
Đêm Phú Nhuận 10/5/12 – LV
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét