Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Chuyện Văn, chuyện đời!

Đại Gia và Vinas : Lần đầu tiên nội dung thực của tác phẩm được điểm (bài Lương Kháu Lão)

Hôm trước, Đại gia của Thiên Sơn được xem là có chứa hình bóng đại già Kiên đầu bạc ở trong đó. Bây giờ, đã thấy bạn đọc nhìn ra các đại gia khác, trực tiếp là của tập đoàn nhà nước là Vinashin.Bài trên Lương Kháu Lão (tôi đọc đầu tiên qua Phuocbeo), vốn có tên là "Tiên sư cha thằng cơ chế !". Có hai điểm đáng khen. Một là, tên tập đoàn Đại Á đã được viết đúng (các chỗ khác, không hiểu đọc vội hay đọc theo lối tai nọ ra tai kia, nên thành là "tập đoàn Bắc Á" - thế mới hiểm, vì bà chủ của Bắc Á lại là chị đồng hương của tác giả bộ tiểu thuyết !). Hai là, lần đầu tiên nội dung tác phẩm được điểm. 

Từ đây trở xuống là trích nguyên (có biên tập thuần kĩ thuật, và đánh dấu bằng bút mực ở vài chỗ).

---
Tiên sư cha thằng cơ chế !


Hơn một nghìn trang sách. Ngồn ngộn các sự kiện. Đại gia thực sự là món quà quý và hấp dẫn mà nhà văn Thiên Sơn đã chuyển đến bạn đọc. Càng bị cấm đoán, càng nhiều người tìm đọc. Trên các hiệu sách ở Bờ Hồ, rất nhiều sách in lậu đã được bày bán. Bìa sách không được in nổi chữ mạ vàng như bản chính mà thậm chí màu sắc từ màu đen cũng chuyển thành màu xanh và in ấn vội vàng để kịp phục vụ thị hiếu của người đọc. Thiên Sơn từ một nhà văn trẻ ít người biết đến bỗng thành nổi tiếng, thành một hiện tượng cho dù anh chả có thêm đồng nhuận bút nào từ các sách in lậu
Xuyên suốt tác phẩm là ba tuyến nhân vật :
Các đại gia lắm tiền, lắm mưu mô thủ đoạn , tàn bạo mà điển hình là nhân vật Tấn Đạt, chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Đại Á.
Các quan chức đầy quyền lực, thoái hóa biến chất bị các đại  gia biến thành con tin buộc phải kí các quyết định đầu tư theo “chỉ thị” của các đại gia mà điển hình là Lê Đức, một nhân vật phụ trách kinh tế sống trong một  biệt thự ở phố Phan Đình Phùng. Mà ai là người được ở đó thì cả nước đều biết.
Má mì chuyên cung cấp gái đẹp để mua chuộc các quan chức lớn nhỏ , một thủ đoạn quen thuộc để “chăn voi” , điển hình là nhân vật Vân Chi.
Ba thế lực này xoắn quyện vào nhau trong tác phẩm của Thiên Sơn làm nổi rõ sự hoành hành của mạng lưới mafia đầy cạm bẫy giăng mắc khắp nơi.
Điều khá lạ là có hàng trăm nhân vật trong tác phẩm nhưng không tìm thấy một nhân vật nào gọi là chính diện. Nếu có thì nó cũng bị bôi đen hoặc chết yểu dưới bàn tay của tội ác. Tất cả đều là các nhân vật phản diện đầy màu sắc mà nếu dựng thành phim thì đạo diễn tha hồ có đất dụng võ.
Cái ngày xưa không xa lắm khi Thuyết “buôn vua” là nhân vật có thật nổi đình đám trong vụ án Năm Cam đã tha hóa cả ủy viên Trung ương Đảng thì nay Tấn Đạt nêu thành chủ thuyết dùng tiền và gái đẹp chăn cả đàn voi kể cả con voi đầu đàn và đã thành công mĩ mãn.
Ngày xưa không xa lắm, chúng ta đã say sưa xem “Một mình chống lại mafia”, đã kinh sợ bàn tay giết người như ngóe của các thế lực tội phạm Italia thì trong Đại gia, bàn tay của mafia Việt Nam còn ghê tởm , tàn ác và nguy hiểm hơn nhiều.
Tất cả chỉ là tiểu thuyết hư cấu . Nhưng vì tác giả đã đưa ra nhiều thông tin rất nóng bỏng , đụng chạm đến nhân vật chịu trách nhiệm trong vụ đổ vỡ của tập đoàn kinh tế Vinashin mà trong tác phẩm đổi tên thành Oceanship nên sách bị thu hồi vì phạm thượng và không có lợi trong khi chúng ta đang chủ trương “tái cơ cấu”. Trong khi các đại gia đã nắm bắt chủ trương này để hớt váng làm giầu nhờ “tái cơ cấu”theo kiểu lấy mỡ nó rán nó.
Phải nói Thiên Sơn tuy là nhà văn, hiện đang công tác tại Tạp chí Điện ảnh nhưng rất am hiểu các vấn đề kinh tế. Các ý kiến của các nhân vật về điều hình kinh tế vĩ mô có thể nói rất chuẩn xác, chuẩn xác đến dễ sợ. Thiết nghĩ các quan chức đương quyền đọc những điều này cũng sẽ giật mình.
Nhưng có một chi tiết rất tài tình khi tác giả cho nhân vật Lê Đức từ chỗ lo lắng mất ăn mất ngủ cho trách nhiệm của mình trong việc làm ăn thua lỗ của các tập đoàn kinh tế đã cười khầng khậc khi tìm ra thủ phạm đã giải thoát cho mình cũng như cho cả hệ thống đó là “lỗi ở cơ chế”. Tiên sư cha thằng cơ chế !
---


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: