Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

Cuộc giải cứu "họa văn chương" ngoạn mục


    TẢN MẠN VỀ CUỘC GIẢI CỨU “HỌA VĂN CHƯƠNG” NGOẠN MỤC ĐẬM CHẤT BI HÀI
     1.
        C ó thể nói là khá lâu tôi mới đọc một câu chuyện có nhan đề “Họa văn chương” trên báo Văn Nghệ Thành phố (1) mà cứ cười khoái theo giọng cười “hề hề, he he” của nhân vật không tên vì người viết truyện chỉ gọi là gã cháo lòng tiết canh. Gã không tên ấy đã giải cứu tai ách chữ nghĩa, văn chương cho một “thầy giáo – nhà văn”  ở  một “tỉnh miền núi heo hút…Nghèo thì nghèo đấy nhưng lại lắm người thích văn chương”, “ngoạn mục” và cũng lắm bi hài. Tất nhiên đây là chuyện hư cấu mà tác giả Trọng Bảo dựng lên từ những vụ việc quy chụp tư tưởng vănhọc còn khá “nóng” gần đây như “Bóng anh hùng” (Doãn Dũng),“Lời những  cây dầu…” (Đàm Chu Văn) hay xa hơn, “Cánh đồng bất tận” (Nguyễn Ngọc Tư). Lôi cuốn chính là cách dẫn dắt, phát triển thắt nút truyện. Tâm nguyện của ông Diêu, chủ tịch Hội Văn Học -  nghệ thuật tỉnh được đền bù bằng việc cho ra mắt tờ báo văn chương, tiếng nói diễn đàn văn học của hội và của những người yêu văn chương trong tỉnh. Tờ báo như người tình của ông Chủ tịch hội trong những ngày cận kề nghỉ hưu. Tờ báo là một tác phẩm nghệ thuật của đời ông dù ông đến với văn chương, nghệ thuật bằng con đường âm nhạc. Trên báo là những bài viết của nhiều tác giả không thuộc dạng phải đạo thì cũng nhạt chán, đọc một câu biết cả bài…Văn, thơ  ôn lại thời trận mạc tuyên truyền nghị quyết chủ trương, đường lối! Sáng lên là một truyện ngắn hay của một giáo viên cấp ba, Lê Thi – “Cánh đồng thao thức”. Một tác giả trẻ mới tập tành viết lách nhưng đã hé lộ một tài năng văn học. Tả tâm trạng vui mừng của ông Diêu, nhà văn Trọng Bảo viết rất thực, “…Ông cảm thấy vui vui khi nghĩ đến cảnh cậu nhảy cẩng lên khi tác phẩm đầu tay của mình xuất hiện trên trang nhất của tờ báo văn chương của tỉnh”. Không sáng tạo được tác phẩm để người đọc yêu thích nhưng ở cương vị, chức trách đứng đầu hội, biên tập chọn bài ông đã làm “bà đỡ” cho tác phẩm có giá trị văn chương đến với công chúng cũng là đáng quý.
    2.
       Niềm vui nào có tày gang. Chỉ một ngày sau, giữa trời xanh yên tĩnh, ông chủ tịch hội bị “sét đánh” vì truyện “Cánh đồng thao thức” có “vấn đề”! Ở những trang này, Trọng Bảo kết cấu chặt chẽ, văn phong nghiêm chỉnh để tỏ bày đôi điều nghiêm túc. “Sét” từ “trên” không phải búa thiên lôi trời cao hay điện thiên đình chập mạch mà “ trên tỉnh – văn phòng tỉnh ủy, ủy ban” có ý  kiến chỉ đạo nhưng “nhưng không rõ là ý kiến của đồng chi lãnh đạo nào” kiểm điểm hội, người duyệt chọn với “động cơ” nàođã cho đăng tác phẩm “Cánh đồng thao thức”. Vì đây là tác phẩm mang tư tưởng xấu, chống lại chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh…bêu riếu, nói xấu cán bộ tỉnh…ám chỉ một số cán bộ đầu ngành của tỉnh ( trục lợi từ việc san ủi, chia lô bán cho cán bộ). Thực ra do vài vị chủ chốt (Sở Công nghiệp, Sở Kế hoạch – đầu tư) liên quan đến đất đai, nông nghiệp chột dạ, có tật giật mình, ra chiêu “cáo mượn oai hổ” trị đám văn nghệ dám lấy chuyện chữ nghĩa, văn chương nói khóe, nói cạnh nếu đến tai lãnh đạo thì mất ăn, mất ghế như chơi. Đúng là “tai họa văn chương” mà Trọng Bảo đặt tên cho truyện ngắn của mình. Đón nhận hung tin với tâm trạng hoảng loạn, ông Diêu chấp hành làm kiểm thảo nhận hết trách nhiệm nhưng cũng rất tỉnh táo và bản lĩnh viết cả một “bài phê bình văn học khá hoàn chỉnh” ngay sau phần kiểm điểm trên “phủ nhận hoàn toàn những điều đơm đặt không đúng mà người ta gán cho truyện ngắn” của tác giả Lê Thi. Chính bản lĩnh ấy, gợi người đọc suy gẫm. Trước sự tấn công ác ý của “nhóm lợi ích” nào đó mượn danh cấp trên, tổ chức quy chụp người cầm bút diễn ra (dù không nhiều) trong đời sống văn hóa, văn nghệ rất cần những người có cái tâm, am hiểu thấu đáo giá trị thẩm mỹ văn chương và cả lòng dũng cảm để bảo vệ những tác giả, tác phẩm văn học chân chính như nhân vật chủ tịch hội văn nghệ của một tỉnh miền núi xa xôi kia. Đương nhiên tội ông Diêu thêm nặng nhưng làm ông sụp đổ hoàn toàn chính là sự xúc phạm của người vợ ham hố chức quyền với tiếng “quát”, tiếng gầm sư tử “…ông là kẻ xướng ca vô loài…già lõi đời mà còn dại, mắc mưu một thằng trẻ ranh, đăng giúp nó một bài viết phản động lên báo…đồ bám váy đàn bà…”. Ông nhập viện vì xúc động cực mạnh, nguyên cớ chính lại là từ “họa văn chương” giáng xuống.
   3.
      Như đã nói nhà văn Trọng Bảo thành công trong việc phát triển cốt truyện, thắt gút điểm: họa văn chương gây ra bi kịch cho những số phận, người chọn đăng bài (ông Diêu) và người viết tác phẩm (tác giả Lê Thi).
Là giáo viên tốt nghiệp Đại học Văn, dạy Văn và yêu mến văn chương mới trình làng truyện ngắn đầu tay đã gặp nạn, phạm tội “tày đình” dám viết bài “vu khống lãnh đạo tỉnh”(?). Hoang mang có. Nhưng tác giả - thầy giáo trẻ Lê Thi “ vẫn kiên quyết không nhận đã phạm khuyết điểm nghiêm trọng mà người ta muốn gán cho anh”. Thế là anh “mất dạy”, mất liên lạc với bạn gái. Con đường phía trước mù xám, “khả năng buộc thôi việc” đến rất gần. Đau nhất là đồng nghệp, học trò không dám tiếp xúc ngay cả bảo vệ trường cũng gọi (dù sau lưng) anh là “quân phản động”!  Mang “cái mũ” to đùng người khác chụp lên cho, nhà văn trẻ bước lang thang vô định giữa chiều Thị Trấn miền núi với tâm trạng chán chường, hụt hẩng. Mở gút cũng không ai khác cũng chính tác giả Trọng Bảo qua những trang văn trào lộng: “nhóm lợi ích” lợi dụng danh nghĩa “trên” để “gây án văn chương”, tháo gỡ “án” cũng phải từ “trên”. Có điều những người làm cuộc giải cứu “ngoạn mục” này lại từ bàn rượu quán cháo lòng tiết canh xập xệ, từ gã bán cháo, bán rượu có lý lịch đen đã hoàn lương. Biết được tác giả/ thầy giáo từng giúp con trai mình lêu lổng, ngổ ngáo thành con ngoan trò giỏi đang lận đận vì án văn chương thì gã ra tay trả ơn thông qua người em kết nghĩa đang làm tài xế cho sếp đầu tỉnh. Thẩm định giá trị một tác phẩm văn học đang vướng “sự cố” tất nhiên phải cần đến vai trò của ban Tuyên giáo nhiều cấp, có khi Hội đồng Lí Luận Trung ương phải vào cuộc… Đàng này lại là gã cháo lòng tiết canh và một anh lái xe! Ta thử nghe họ bình, họ luận xem sao: “…một truyện ngắn hay, nói lên được những khó khăn, trăn trở trên con đường đổi mới, phát triển của một vùng quê vốn dĩ thuần nông như tỉnh ta…”. Hóa ra chính  những con người của đời thường này từng khắc giờ va đập với hiện thực cuộc sống mới đồng cảm, thấu hiểu tiếng lòng của người cầm bút. Rồi bước hai của cuộc giải cứu theo đó mà trơn tru. Dẫn thông tin vòng vèo từ thế giới rồi trở lại trong trong nước, tỉnh nhà anh Sang tài xế giúp sếp “nắm”  thời sự đầu ngày, khéo léo đưa về nạn tai chữ nghĩa của thầy giáo Lê Thi. Cũng may vị đầu tỉnh này chịu tiếp thu. Sau khi đọc tác phẩm đã có ý kiến chỉ đạo kịp thời cho Hội văn nghệ “…Cánh đồng thao thức là một truyện ngắn hay, mạnh dạn, có cách nhìn mới, rất đáng được trân trọng, biểu dương. Ký tên…”.  Số phận của tác giả và sản phẩm tinh thần làm ra xoay ngược vị thế  180 độ ngay tắp lự. Truyện ngắn “Cánh đồng thao thức” được trao thưởng giải cao nhất kèm theo phong bì hai triệu đồng. Ban giám hiệu, giáo viên và học sinh trường nơi tác giả đứng lớp suýt bị đưổi việc giờ chào đón anh như người “anh hùng”!
     4.
       Kết truyện xem ra có hậu với nhà văn – thầy giáo Lê Thi nhưng với ông Chủ tịch hội văn nghệ lại đầy vị đắng. Sau mấy ngày hôn mê, ông Diêu rơi vào tình cảnh bi thảm, tâm thần điên loạn. Nửa đêm, về sáng chợt tỉnh là cất tiếng hát say sưa ca khúc của một thời lửa đạn xông pha do ông sáng tác. Bị cách li biệt lập, ông vẫn hát “mỗi ngày một tha thiết và hay hơn”. Lê Thi đến thăm, ông quát hỏi thúc giục, “Thanh niên là phải dũng cảm tiến lên, dù khó khăn gian khổ, hiểm nguy đến mấy cũng vẫn phải tiến lên…”. Ông Diêu tỉnh hay điên? Tôi cho là dụng ý của nhà văn Trọng Bảo.Và tôi nghĩ rằng, ông tỉnh sáo và tinh tường quá đi chứ ! Văn phong lâu nay của Trọng Bảo được bạn đọc yêu thích qua tập truyện cười mới cho in, như nhận xét của  một bạn văn hài hước, thâm thúy và sâu cay (Đỗ Xuân Thu) 2thì ở truyện ngắn này pha thêm chất bi lệ và chứa đựng nhiều gởi gắm. Trên con đường sáng tạo văn học nào chỉ có rải thảm hoa hồng mà cũng lắm chông gai. Người cầm bút không chỉ có niềm đam mê bằng tài năng, văn hóa học thuật gởi đến đời tác phẩm hay, mới còn phải có lòng tin vào chính mình, bản lĩnh đấu tranh bảo vệ mình và bảo vệ sự trong sáng, lành mạnh đời sống văn hóa, văn nghệ. Như một sự tương cầu. Âm vang của 6 kỳ hội thảo “Bàn tròn văn học”  (về truyện ngắn “Bóng anh hùng” của Doãn Dũng – Phú Yên) trên trang Web Hội. NVTP.HCM do nhà thơ Phan Hoàng 3 chủ xướng vẫn còn nóng ấm nhiệt tình của gần 40 nhà thơ, nhà văn, nhà lí luận văn học tên tuổi, lớp trước, lớp trẻ trãi rộng nhiều tỉnh, vùng sôi nổi tham gia. Anh chốt lại vụ quy chụp văn chương ở quê mình không “yên” cũng chẳng “ổn” chút nào, với mong ước chân thành đó là câu chuyện buồn cuối cùng!
       “Họa văn chương”, viết về loại đề tài không mới - án văn chương, văn tự - nhưng vẫn tạo hiệu ứng khá tốt với người đọc. Bởi lẽ khoảng trắng lạnh tình người, không một ai ở  “trên” nào  đến thăm hỏi vị Chủ tịch hội đã từng bị kẻ xấu lợi dụng quy chụp, dồn ép đến nước cùng. Người đã có “con mắt xanh”  dũng cảm cùng bước chân của Lê Thi “…bước đi mà lòng nặng trĩu” cả những giọt cô đơn từ khóe mắt “…có giọt lệ tràn ra lăn xuống gò má” lẫn hòa trong tiếng hát mê sảng, nhiệt tình “Cuộc đời chúng ta/ Gian khổ xông pha, hy sinh không nề hà…Đối mặt quân thù/ Chiến đấu không lui…” của ông làm xốn xang lòng người khi tác giả trãi tình ở những trang dòng cuối.
     “Họa văn chương”, một truyện ngắn đáng đọc của nhà nhà văn Trọng Bảo trào lộng chứa nhiều ngẫm ngợi về cuộc giải cứu văn chương “ngoạn mục”, chiến thắng trong khúc dư ba bi lệ.
                                                     TP.HCM, 12/6/2013
                                       NGUYỄN NGUYÊN PHƯỢNG
1. Truyện ngắn “Họa văn chương” của Trọng Bảo, Văn Nghệ TP.HCM số 257, ngày 6/6/2013.
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: