Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

NGÔI NHÀ KHÔNG GẮN MÁY LẠNH

           

           Truyện ngắn của Hồng Giang

Nhà chúng tôi không có máy lạnh. Không phải vì giá điện hiện nay thường xuyên quá đắt. Hao phí đường dây quá cao, do nhà tôi ở cuối nguồn. Cũng không phải “công tơ” thuộc loại rởm, luôn nghiêng phần lợi về phía các công ty điện, thiệt phía khách hàng. Không phải máy lạnh giá đắt hay vì khó mua. Những thứ đó thời bây giờ còn dễ kiếm hơn chiếc “quạt mo của thằng Bờm”. Chỉ cần hó hé vài tiếng trên điện thoại là có người mang nó đến tận nhà. Xã hội tiêu dùng ngày nay, ba cái thứ đó chỉ là  “thò tay túi áo”, muốn lúc nào có ngay lúc đấy!
Ngôi nhà của chúng tôi, nếu chỉ nhìn bề ngoài, ai cũng thấy nhất thiết là bên trong đã gắn máy lạnh hoặc “phải” có máy lạnh rồi. Nếu điều đó chưa xảy ra thật vô lý và buồn cười vì ngôi nhà khá trang trang, cất ngay sát bên đường, đẹp mắt và lại cao tầng nữa!
Nó không có vì những lý do khác, nói ra thì thật buồn. Phải đắn đo rất lâu, tôi mới viết câu chuyện này. Viết để “thanh thải” chính mình, chứ không phải “Giải tỏa” như người ta thường vẫn hay nói.
Bởi vì, xét cho cùng, nào có ai bao vây, phong tỏa chúng tôi đâu? Có chăng là chúng tôi tự phong tỏa chính mình vì những lý do hết sức vớ vẩn. Kiểu như “Người ta sinh ra để làm khổ nhau”.
Dù điều đó thật chẳng cần thiết và chẳng có lợi ích gì! Hoặc vì những lý do từ quá khứ, nguồn cơn của nó chẳng mấy rõ ràng, có khi lại hết sức vớ vẩn, không đâu vào đâu!
Mẹ tôi luôn vắng nhà. Bà đã về hưu mấy năm nay nhưng vẫn như còn những lý do của thời trước, khi còn đứng lớp, thường xuyên xa nhà..
Bà có về cũng rất ít khi cười nói, dù không có việc gì phải lo, phải buồn. Nhất là với bố tôi, khi hai người gần nhau cũng ít khi chuyện trò. Có chăng chỉ đôi ba câu gượng gạo. Xong. Rồi lại đi.
Bà mắc bệnh viêm xoang mũi. Một thứ bệnh dị ứng cao với các thiết bị điều hòa. Bà bảo mùi nó khai, chịu một tý là xây xẩm mặt mày, rất khó chịu. “ Nếu bố con ông thích máy lạnh, cứ lắp. Nhưng nhớ để riêng cho tôi một phòng, để ngày nào tôi có nhà, tôi ở”.
Một nhà mà có hai mức hưởng thụ khác nhau là việc chẳng nên làm. Đó là một trong những lý do khiến nhà chúng tôi cho đến tận bây giờ vẫn không gắn máy lạnh, thi đua với một số nhà có gắn máy lạnh xung quanh.
Tuy thế, mẹ tôi vẫn không hay ở nhà. Lúc bà đi thăm con gái mãi trên vùng cao. Nơi có hồ thủy điện mới xây được vài năm nay. Bà bảo “Thương con gái vất vả một mình nuôi con nhỏ. Thằng chồng nó có một “tý chức” bắt đầu học đòi bồ bịch, “mốt” thời thượng theo người ta” bây giờ.
Lúc mẹ tôi nói hội “Cựu giáo chức” của bà có công việc gì đấy. Cần thăm hỏi một người nào đó có hoàn cảnh khó khăn. Ông A hay bà B.. vừa qua đời, hay có việc cưới xin gì gì đó.
Cũng có khi bà lẳng lặng không nói gì. Sắp xếp đồ đoàn vào cái túi xắc có nhiều pẹc mơ tuya, khoác lên vai, dắt xe ra đường, mẹ tôi đi.
Những lúc ấy bố tôi chỉ nhìn theo, không nói gì. Ông đứng ngây người rất lâu, vẻ mặt đơ đẫn. da mặt như dày hơn như người bị “thũng”.
Cũng chỉ sau đấy một hai ngày, bố tôi cũng mang xe ra đường. Ông đi gặp đồng đội cũ, “thăm thân” bên kia quả núi chắn trước mặt ngôi nhà của chúng tôi. Mỗi lần đi năm bảy ngày. Khi về lại lầm lì, không nói.
Lão Xây lác cùng thôn bảo bố tôi hâm, dạo này đang học làm thơ, chỉ thích vắng vẻ một mình. Nhưng tôi biết chắc là không phải vậy.
Có lẽ bởi vết thương cũ tái phát. Ông đau nhức trong người vì những mảnh đạn không thể lấy ra và không muốn ai chứng kiến cảnh đau nhức của mình.

( Còn nữa..)


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: