Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

Ký sự tây bắc phần cuối



Truyện thứ ba

Lúc đầu mình cứ ngỡ gã còn trẻ, chỉ trên dưới tuổi “băm” là cùng. Thân hình rắn chắc, cao lớn. Khác hẳn món con trai người Mông mình từng gặp thường thấp bé, nhẹ cân. Có anh có vợ con rồi người vẫn choắt cheo như học sinh tiểu học.
Khuôn mặt rám nắng, đôi mắt hắn to, sáng và lồi, mũi sư tử, hơi gồ lên, bóng ở quãng giữa. Nhất là cặp môi hơi dày, tươi tắn tự nhiên, khi nào cũng như đang hoặc sắp cười.
Gã hát, thanh điệu vút cao, mượt mà nghe cứ mê mẩn cả người. Giọng cao át gần hết cả bè đông đảo hát theo.
Còn rượu thì thôi, khỏi nói. Bữa rượu nào xong cũng cắp một chai mang theo về phòng. Động tác này nhắc mình nhớ đến một người bạn vong niên, đúng hơn là là một người anh kết nghĩa, giờ đã ra người thiên cổ. Ông ý vui. Đời luôn chả có cái gì đáng gọi là quan trọng. “Quan trọng nhất là cái tình con người ta sống với nhau khi qua cuộc đời này”. Ông ấy mình rất quý. Vài kẻ nào đó diễu nhại cái tật “hay rượu” của ông mình rất ghét và chẳng khi nào đồng tình.
Cảm tình về cái “sự hát” đối với  Lầu A Sang, ( tên gã ) chỉ là cảm tình ban đầu.
Gặp gã, phong cách y hệt ông anh, “bạn” mình như thế mình lại càng mến hơn. Cứ như thể quen nhau từ kiếp trước, duyên nợ thế nào rồi!
 Càng ở thêm với gã ngày nào, càng cảm thấy quý  tính bộc bạch, cởi mở và sự thông minh, hóm hỉnh của gã. Nếu có nhầm cũng chỉ duy nhất chuyện nom gã còn quá trẻ so với tuổi trời có thực của hắn. Nom gà hóa quốc là cái nhìn của những kẻ thích “nghĩ bằng tim” như mình.

Có một nhà “Dân tộc học” gần đây nói với mình: “Người ta có nhiều ý kiến chủ quan khi cho rằng chỉ số thông minh ( IQ ) của người Mông và một số dân tộc khác so với người đa số có chút kém hơn. Đó là ý kiến sai lầm. Chẳng qua ở môi trường đời sống khó khăn, thiếu cơ sở vật chất, mặt bằng dân trí thấp cộng với hạn chế khung cảnh giao thông, giao lưu khó khăn nên trình văn hóa thấp. Nếu được đào tạo chăm sóc bài bản, họ sẽ không thua kém dân tộc nào. Thậm chí có mặt còn hơn”. Mình hỏi cụ thể, ông ta nói: “ Nghiên cứu gần đây cho biết: Chỉ số IQ của người Do Thái là 102, người Trung Quốc là 96, người Việt là 97..Trong khi đó người H’Mông là 97.5!
Đúng là những con số biết nói, thay cho những kết luận vội vã mang tính hàm hồ.
Câu chuyện với “nhà” này mới chỉ cách đây ít ngày. Gặp gã trong chuyến đi Tây Bắc lần này mình có ý quan sát xem điều ông chàng kia nói có đúng hay không?
Các công trình nghiên cứu ngày nay, lắm cái rất buồn cười. Động cơ thì nay vì cái này, mai vì cái khác nhiều sai lạc bởi cái “động” của các nhà “Nghiên”, một số thiếu đứng đắn.  Chỉ qua vài câu chuyện, ở với nhau vài ngày, mình đã “đọc” được qua gã kết luận của ông “Nghiên “ này là trung thực, vô tư!
Gã bảo gã người Trạm Tấu, một huyện cực tây bắc tỉnh Yên Bái. Một huyện nhiều rừng Pơmu, thảo quả mà lại đặc biệt nghèo, đặc biệt khó khăn, vô số những cái đặc biệt khác nữa.. Dân cư vùng này quá bán là người H’Mông cư trú. Một vùng thuốc phiện trồng bạt ngàn và thổ phỉ nhiều như muỗi mấy mươi năm trước kia. (Giờ thì muỗi cũng ít bởi môi trường hanh khô Trạm Tấu. Thổ phỉ không còn lấy một tên nào! )
Hỏi chuyện gia đình, Lầu nói nhà có bảy anh em trai. Ông bố là một trong “Tứ đại” của tỉnh Y.B. Các anh em khác đều làm ngành tư pháp, an ninh cả. Có ông sắp sửa lên tướng phụ trách an ninh cả vùng Tây bắc.
- Sao mày không theo nghề nòi của gia đình, vừa lương cao, vừa có quyền có chức, theo đòi văn nghệ vớ vẩn, ít tiền này làm gì?
Gã cười, hỏi lại mình. Mình tắc.
Ờ thì cái nghiệp. Có phải cái gì thích cũng đều có được cả đâu? Có cái được lại không thích thì sao?
Rượu rồi gã mới kể. Quả thật có một thời đi học rồi làm an ninh. Nhưng bản tính ham vui, bốc đồng nên không trụ được lâu.
Một lần “nể” bạn áp tải chuyến pơ mu về xuôi, không may bị bắt, ra khỏi ngành. Sẵn có năng khiếu âm nhạc, đi học rồi thành nhạc sĩ như ngày nay!

-“Lâu lâu đi “trại” sáng tác thế này ông anh giai trước khi đi vẫn triệu về tỉnh dặn dò mọi nhẽ cứ làm như mình còn bé lắm. Nhưng được cái ông ấy hay cho tiền, nên có khó chịu một chút vẫn phải đến”.
Người Mông con trai anh nào chả ham vui? Lại trực tính, hay tin người, vi phạm này nọ là cái dễ mắc phải.
Mình quen đến mấy ông “sĩ” “khu Thái Mèo”. Có ông “thơ sĩ” tương đối nổi tiếng, diện ưu tiên tộc người có vài ngàn người. Ông này lớ khớ thế nào dính cả án thuốc phiện. May chỉ tạm giam mấy tháng, nhờ sự can thiệp của ông nhà thơ nhớn ở trung ương, không thì bóc lịch dài dài.
Dù sao nhà nước vẫn phải nghĩ đến tài năng hiếm hoi nơi khỉ ho cò gáy, vùng sâu vùng xa. Đào tạo một kỹ sư, một bác sĩ người dân tộc ít người, đã không phải dễ. Nuôi dưỡng một “tâm hồn thơ” nơi cuộc sống muôn vàn khó khăn này càng khó gấp nhiều lần!
Trường hợp của Lầu cũng không ngoại lệ. Có thể một “sĩ” người Kinh mắc các chuyện ấy đều giấu như mèo giấu cứt. Sống để dạ chết mang đi chứ không bộc lộ với người khác, lại là người mới quen, dễ như Lầu.
Chỉ riêng chuyện này mình đã phục gã rồi.
Làm người dám nhìn nhận công khai cái tật, cái hạn chế của mình không phải ai cũng có can đảm như vậy.
Văn giỏi, thơ hay nhưng giả tạo chưa chắc đã bằng người lỡ dại mà không cần tránh chối như Lầu!
Nhìn thân thể rắn rỏi của gã chắc ai cũng nghĩ anh chàng ăn ngủ, tập tành đều đặn mới được thế. Những ngày ở đây tôi cứ thắc mắc Lầu ngủ vào lúc nào?
Buổi tối Lâu thức rất khuya. Không viết hay đọc cái gì đấy, thì cùng với anh bạn làm “sưu tầm văn hóa dân gian” chuyện suốt đêm.
Những câu chuyện của gã thật ấn tượng. Về một quốc gia của người Tam Miêu thời xa xưa bên này sông Dương Tử, sau này vong quốc, con cháu phải di dời xuống phía nam, rồi tới nhiều quốc gia khác. Bây giờ khắp thế giới, chỗ nào cũng có hậu duệ Tam Miêu cổ. Ngày tết Độc Lập bây giờ đúng ra nó là tết “Tìm bạn” có từ lâu đời của người Miêu Việt tứ tán. Ly loạn muôn nơi, người Mông có một ngày hẹn tìm gặp nhau.
Ngẫu nhiên trùng vào tết độc lập mùng 2 tháng 9. Nhà nước nâng thành ngày hội hàng năm của Người Mông tổ chức tại Mộc Châu bây giờ. Quy mô còn rộng hơn cho cả các dân tộc khác. Có năm đoạn đường số 6 qua Mộc Châu tắc đường, len chân đi bộ rất khó trong ngày này.
Lầu còn kể cho tôi nghe về tấm bia kỷ niệm bài thơ “Tây Tiến”, cái hang một vị lãnh đạo ở trong những ngày “Điện Biên Phủ trên không” chỉ đạo chống chiến tranh phá hoại. Rồi chuyện một dạo đời sống gặp khó khăn, gã từng theo một người địa phương ở đây sang Lào buôn chó. Nói chung các mặt hàng khác, Lào gần như bên ta nếu không nói là đắt hơn, chỉ có chó là rẻ. Mỗi chuyến đi xe máy về trong ngày cũng kiếm đôi triệu mỗi người.
Hỏi thăm, bây giờ biên phòng phía Lào không cho mang chó qua biên giới như trước. Lầu cười: “ Bây giờ mình cũng hết buôn chó rồi”.
Ừ thì gian nan có độ, phải đâu khổ mãi suốt đời, mình cũng mừng cho gã.

Gần đến ngày lễ hội, Lầu sáng nào cứ ăn sáng xong là mất hút. Có hôm không về cả  cơm trưa. Cái áo của người Mông vạt sau rất ngắn, chỉ dưới bả vai một chút luôn mặc trên người. Cây sáo cài cổ áo nom rất điệu nghệ, Gã tự nhiên, tươi tỉnh như đang ở nhà mình. Lại rất lắm bạn. Chốc chốc lại có anh Mông nào đó xa lắc xa lơ gọi về. Anh thì ở Điện Biên, anh mãi trong đắc nông. Có người gọi về từ bên Mỹ. Mình quả thật khâm phục tài chơi bạn của Lầu.
Sáng mùng 1 tháng chín, tự nhiên lầu nổi hứng rủ đình đi chơi phố huyện. Không phải đến nơi đang đông đúc mở hội chợ, đến một nơi hơi khuất phía sau, khu phố cũ ngày trước. Có một anh bạn nào đó vừa bẫy được một con chim ưng khá lớn muốn để lại cho Lầu.
Nghe nói thế mình rất háo hức.
Hồi bé ở quê mình từng xem người ta giả chết bắt quạ như thế nào? Có hôm người bắt quạ phải nằm phơi nắng gần ngày trời trên bãi cát ven sông Hồng. Ông ta phải đặt một con chó con bị chết có mùi ngay dưới chân để quạ thấy mùi. Rồi phải kiên nhẫn chịu đựng khi bầy quạ dạo lượn chán chê, ỉa cả lên đầu để thám thính chúng mới chịu đỗ xuống. Bấy giờ người ấy mới giật sợi giây cho lưới ụp xuống. Thịt quạ không ai ăn, vì tanh và hôi, nó quý ở cái mật. Mật quạ có khi giá trị còn hơn cả mật gấu, chữa được nhiều bệnh.. Bắt quạ là thế, nhưng bẫy chim ưng như thê nào mình chưa được nghe, được thấy khi nào?

Hai anh em đi tắt con đường nhỏ phải qua một con suối. Thấy mình đi giày còn đang lúng túng, Lầu ghé vai bảo cõng qua luôn. Chỉ cử chỉ này thôi mình đã thấy cảm động. Gã làm như một điều tự nhiên, chẳng chút gượng gạo.
Đi qua mấy ngôi nhà vô chủ, tường rêu mốc meo bên cạnh có cây đào ra hoa trái mùa. Lầu đưa Ipon bảo chụp cho gã mấy kiểu.
Mình ngỡ gã thích hoa đào, hóa ra không phải. Hóa ra chủ nhà là một người quen, cả hai vợ chồng dính án ma túy đều bị tử hình. Nhà bỏ không mấy  năm rồi. Mặt gã người Mông rầu rầu. Đi cả quãng dài không nói câu gì, khác hẳn bản tính mình biết về gã mấy ngày nay.
Tự nhiên gã thở dài: “ Chim chết vì mồi, người chết vì tham”. Không mắc cái án ấy ngôi nhà này đâu có lạnh lùng như thế?”
Ý tứ triết lý ra phết, đâu phải chỉ sôi nổi bề mặt như mình nghĩ về người ta? Lại thêm tiếc cho cây đào hiếm quý, ra hoa vào mùa này mà chẳng có ai thưởng lãm vì vắng chủ!

Hóa ra “mục đích chim” định hướng của Lầu chỉ là chuyện phụ. Bạn lầu muốn nhờ anh ta xem giúp mấy đồng bạc mới mua từ hội chợ về. Đấy là đồng bạc có niên hiệu năm “ông cụ”, 
( 1890). Anh ta bảo sẽ mang về Hà Nội bán cho nhà bảo tàng. Thể nào cũng có tiền. Nhưng không biết thật giả ra sao?
Đây là lần đầu mình thấy thử bạc kiểu này. Lầu để đồng bạc lên đầu ngón tay giữa, thổi mạnh một cái, đưa vội lên tai nghe, bảo: “được, không phải của giả”. Không làm như mình từng thấy là cho vào miệng cắn thử, hoặc thả xuống sân gạch, sân xi măng để xem tiếng.
Hỏi đến chim ưng, bạn Lầu dẫn ra sau nhà xem. Chụp ảnh chán mới hỏi giá. Chủ chim hét cả chục triệu bạc, mình tròn mắt, Lầu vẫn thản nhiên như không.
Anh ta bảo cần một con như thế mang về Trạm Tấu.
Lầu có nghề luyện chim ưng chuyên dùng cho đi săn. “Chim, thỏ rừng mà gặp chim ưng luyện tốt chả cần dùng đến viên đạn nào. Bây giờ ở đâu nhà nước súng đạn quản cũng rất chặt, lấy đâu ra súng?”
Ngoài thú mê âm nhạc, Lầu rất thích đi săn. Dòng máu Mông giỏi võ, ưa săn bắn vẫn rất đậm trong huyết quản. Gã bảo trại xong  gã sẽ ra đem con chim về.
Thật là “châu về hợp phố”, cười rưng rưng, sưng cả môi!

Còn mấy câu chuyện nữa về gã trai này. Nhưng chỉ nên thoang thoảng thế chút. Nói nữa, hỏng, phải không bạn?
=======





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: