Phan Ba dịch từ “Những Ngày Thịnh Nộ – Cuộc Cách mạng Ả Rập biến đổi thế giới” của Michael Lüders do Nhà xuất bản C. H. Beck phát hành
THỜI THẾ ĐỔI THAY
LỜI NÓI ĐẦU
Không ai thấy trước cuộc Cách mạng Ả Rập sẽ đến. Thế nhưng nó đã xảy ra, một sức mạnh thiên nhiên, lật đổ các chế độ và gây ra những cuộc phản cách mạng. Thế giới Ả Rập trải qua một cuộc biến đổi đánh dấu một kỷ nguyên mới giống như Đông Âu từ năm 1989. Nhưng khác với trường hợp của Bức tường Berlin, cuộc nổi dậy Ả Rập khơi dậy nhiều hoài nghi. Cũng vì nó làm lung lay những điều mà người ta đã từng tin chắc vào đấy. Người Hồi giáo yêu cầu dân chủ ư? Chứ không phải một quốc gia thần quyền? Lật đổ Mubarak, một pharaoh, mà không cần phải bắn một phát súng? Nổi dậy chống Ghaddafi, và khối NATO còn giúp đỡ họ trong lúc đấy? Những điều đấy dẫn đi đến đâu?
Các phản ứng ở Washington, Berlin và những nơi khác cho thấy chính trị Phương Tây đã khó chấp nhận những thay đổi đó cho đến đâu. Dè dặt, ngần ngại, một ít cân nhắc. Người ta chỉ tuyên bố công khai niềm vui mừng về sự biến đổi khi nó dường như không còn có thể đảo ngược lại được nữa. Sách lược chính trị được tiến hành nhiều thập niên liền, thỏa hiệp với những kẻ dùng bạo lực xấu xa nhất để thống trị cho tới chừng nào mà họ vẫn còn cung cấp dầu mỏ, săn lùng khủng bố và giữ không cho người tỵ nạn đến gần biên giới châu Âu, đã trở nên vô giá trị chỉ qua một đêm theo đúng nghĩa đen của nó. Thêm vào đó, do bị định hướng sai lầm bởi một nỗi lo sợ đạo Hồi, cái có sẵn những câu trả lời đơn giản cho những câu hỏi phức tạp về xã hội, nhiều người Âu đã không hiểu, không muốn hiểu, cả một thời gian dài, rằng cuộc Cách mạng Ả Rập không tạo nên hiểm họa mà mở ra những cơ hội mới. Những kẻ thua cuộc cũng đã được định rõ rồi, bên cạnh những nhà độc tài. Đấy về một mặt là từ Trào lưu Chính thống Hồi giáo cho đến Al-Qaida. Và về mặt khác là cái được gọi là “Phê phán Hồi giáo”, cái từ nhiều năm nay cố thì thào vào giới công cộng ở đây [Đức/châu Âu] rằng đạo Hồi trước tiên là một mối đe dọa. Những giá trị mà con người của tất cả các tầng lớp và lứa tuổi từ Maroc cho tới Oman đấu tranh cho chúng là những giá trị chung. Hồi giáo hay phi Hồi giáo không đóng vai trò nào trong mối liên quan này cả. Còn hơn thế, vấn đề ở đây là về tự do và hạnh phúc, về tương lai và dân chủ. Về hy vọng và công bằng. Điều đấy có thể giải thích được tại sao sự phản kháng hòa bình của số đông đó sẽ tìm thấy những người phỏng theo, hay là đã tìm thấy rồi. Tại những cuộc bầu cử địa phương ở Tây Ban Nha, khi hàng nghìn thanh thiếu niên cắm trại trong nội thành của Madrid. Ở những cuộc biểu tình kéo dài còn lớn hơn nhiều để chống cắt giảm phúc lợi xã hội ở Athen và Tel Aviv, nơi những con đường phố hay quảng trường trung tâm bị chiếm cứ hàng tuần liền. Không khác gì trên Quảng trường Tahrir ở Cairo, nơi tất cả bắt đầu.
“Điều kỳ diệu” của cuộc Cách mạng Ả Rập là lần lật đổ một hình thức thống trị lỗi thời, tiền hiện đại mà hiện thân của nó là những nhà độc tài giống như những vua Hồi. Nhìn bề ngoài, những chế độ như của Mubarak hay Ghaddafi trông có vẻ vững chắc. Nhưng thật ra chúng đã yếu ớt và dễ bị tổn thương từ lâu rồi, vì động lực bên trong của chúng, nắm giữ quyền lực bằng mọi giá và làm giàu cho bản thân, hầu như không còn thích hợp với hiện thực bên ngoài: đại đa số người Ả Rập sống trong nghèo khổ, giới trẻ không có nhiều triển vọng và không còn muốn chỉ mơ mộng nữa.
Một hình thức thống trị “kiểu vua Hồi” thành hình khi một kẻ thống trị quốc gia mở rộng quyền lực của mình trên lưng của các thể chế nhà nước. Vua Hồi hiện đại không gắn bó với một ý thức hệ nào cả, ngay khi họ khẳng định điều ngược lại. Ý nghĩa và mục đích duy nhất của chính sách họ là bảo tồn quyền thế của mình. Họ có thể thỏa mãn các yêu cầu về mặt hình thức của một nền dân chủ, bằng cách cho bầu cử, đảng phái tranh cãi nhau trong quốc hội. Tuy vậy, Mubarak, Ghaddafi & Co lo liệu sao các vị trí chủ chốt được chiếm giữ bởi bộ hạ của mình, thường là họ hàng hay những người thuộc cùng nhóm tín ngưỡng/sắc tộc. Quyển sách này mô tả điều đấy đã diễn ra cụ thể như thế nào. Đồng thời, họ tích trữ tài sản bạc tỉ, được chuyển sang tài khoản ở nước ngoài hay được dùng để ban thưởng cho sự trung thành của những kẻ theo mình. Họ phục vụ cho Washington hay cho người Âu như những đối tác đáng tin cậy, đảm bảo yên ổn và trật tự để bù lại cho sự giúp đỡ và đầu tư: nếu như không có ông vua Hồi đấy thì sự hỗn loạn hay Al-Qaida sẽ đe dọa. Để tránh rủi ro bị giới quân sự đảo chính, quân đội không đứng dưới một bộ chỉ huy thống nhất. Còn hơn thế, mỗi một binh chủng đều có hệ thống thứ bậc riêng của mình. Nhiều cơ quan an ninh mật kiểm soát lẫn nhau và cùng kiểm soát quân đội, nói chi đến người dân của họ. Những kẻ thống trị này tự phô diễn mình như những người cha của dân tộc mà người dân bình thường cũng như giới quân sự phải nhún nhường cuối mình trước các quyết định Solomon của họ.
Mầm mống cho sự tan rã của những vương quốc Hồi giáo hiện đại là sự tham lam vô tận của họ. Ông vua Hồi nắm giữ quyền lực càng lâu thì càng khó giữ được sự cân bằng giữa làm giàu cho bản thân và ban phát ân huệ cho những người đi theo mình. Các nền kinh tế đấy thường là phi sản xuất, ngoại trừ dầu mỏ và khí đốt, và tạo ra quá ít thu nhập. Bù giá cho lương thực thực phẩm cơ bản, điện và xăng, những cái mà Mabarak, Ghaddafi & Co dùng chúng để cố mua chuộc người dân bình thường, càng làm cho ngân quỹ nhà nước trống rỗng thêm. Đồng thời, trong vòng mười, mười lăm năm vừa qua, một thế hệ mới của người dùng Internet trẻ tuổi, được đào tạo tốt, đã lớn lên, thế hệ mà đã chứng tỏ mình là lực lượng đi đầu của cuộc cách mạng. Đi theo họ là những người từ tất cả các tầng lớp xã hội, đã chán ngán những lời nói dối của kẻ cầm quyền. Người dân quyết định tự nắm lấy số phận của chính mình.
Từ lúc độc lập sau Đệ nhị thế chiến, người Ả Rập sống giống như trong một vỏ bọc thời gian – được bảo trợ bởi những chế độ độc tài, những chế độ mà đã không giải quyết được bất kỳ một vấn đề cấp bách nào, từ kiểm soát sinh sản cho tới ô nhiễm môi trường. Thế giới Ả Rập bất động trong trì trệ và cam chịu, chạy trốn vào trong các ý thức hệ đáng ngờ. Cho đến năm định mệnh 2011, năm số không của kỷ nguyên mới.
Quyển sách này thuật lại nguyên do của sự việc. Nó thuật lại từ những khởi đầu ở Tunisia qua những kẻ già nua ở Saudi, về đạo Hồi và Israel, về cái nhìn của Phương Tây đến cuộc Cách mạng Ả Rập. Đài truyền hình Al-Jazeera cũng đóng một vai trò như Martin Luther. Có quan điểm riêng của mình cũng có nghĩa là đừng mù quáng dựa vào những điều gì mình tin chắc. Quan tâm đến cuộc Cách mạng Ả Rập bắt buộc phải đi cùng với sự tự chất vấn mình một cách nghiêm khắc. Những ai cứ khăng khăng, rằng đạo Hồi và hiện đại, đạo Hồi và dân chủ không thích hợp với nhau, người đấy không hiểu được kỷ nguyên đã được nhắc tới hoặc đi đến những kết luận sai lầm về sự việc.
Cuộc Cách mạng Ả Rập chứa đựng mâu thuẫn, diễn tiến trên những con đường khác nhau, đánh dấu một quá trình mở. Ngay về từ ngữ là người ta đã có thể tranh cãi với nhau rồi. Đó có thật sự là một cuộc cách mạng hay không? Một cuộc nổi dậy? Một mùa Xuân? Câu trả lời biến đổi từ nước này sang nước khác, tác giả nhiều lần sử dụng các khái niệm đấy như những từ đồng nghĩa. Trước bước ngoặc lịch sử, là điều không thể chối cãi, khái niệm chung “Cuộc Cách mạng Ả Rập” dường như là hợp lý cho mọi trường hợp – không phụ thuộc vào việc phần lớn người Ả Rập cũng đều gọi cuộc đấu tranh của họ là cuộc cách mạng. Cuộc cách mạng này phát triển theo hướng nào, liệu kết quả của nó có đứng vững trong lịch sử trong mọi trường hợp hay không – đó là một câu hỏi hoàn toàn khác.
Viết một quyển sách trong khi sự việc vẫn còn đang diễn ra là điều hoàn toàn không đơn giản. Chúng lúc nào cũng rình rập trong bụi rậm, những sai lầm và phán đoán không đúng đắn mà không thể loại trừ được. Và trong tháng tới đây, trong nửa năm tới đây, có thể con sông sẽ tràn qua bờ ở một nơi mà không ai đoán trước được.
Nhằm để cho dễ đọc nên không có chú thích. Những nguồn quan trọng là quen biết cá nhân, kinh ngiệm và điều tra của tác giả, những cái trải dài qua ba thập niên. Thêm vào đấy là truyền thông cập nhật hàng ngày, lưu trữ Internet của Al-Jazeera, Al-Arabiya, The Guardian, Quantara.de, một dự án đối thoại của đài phát thanh nước ngoài Deutsche Welle với thế giới Hồi giáo. Ngoài ra Nader Hashemi “Islam, Sucularism, and Liberal Democracy”, Oxford 2009; Luis Martinez “The Libyan Paradox”, London 2007; Richard P. Mitchell “The Society Of the Muslim Brothers”, New York 1993; Bruce K. Rutherford “Egypt after Mubarak”, Princeton 2008; Eric Selbin “Revolution, Rebellion, Resistance. The Power of Story”, London 2010.
TẤT CẢ BẮT ĐẦU NHƯ THẾ NÀO
CON ĐƯỜNG ĐI ĐẾN CÁCH MẠNG
Thị trấn buồn thảm có ở khắp mọi nơi trên thế giới. Nhưng sự buồn thảm của tỉnh lẻ Ả Rập có một cái gì đó nặng nề. Trì trệ và nghèo nàn giữa một kiến trúc phần lớn bao gồm những hộp vuông bằng bê tông không trát vữa. Sự cằn cỗi đặt dấu ấn lên thiên nhiên cũng như lên con người mà sự cam chịu nhiều lần hiện rõ lên trên gương mặt của họ. Hiếm khi nào có một cảm giác của khởi đầu và hy vọng, vì người dân quá bận rộn với việc kiếm sống qua ngày, cho họ và cho gia đình, mỗi ngày một bắt đầu mới. Từ ngữ văn học bay bướm “trạm cuối cùng của ước mơ” tìm thấy trong tỉnh lẻ Ả Rập, ở Maroc hay trong Jemen cũng vậy, sự tương ứng trong thực tế của nó. Không phải ở khắp mọi nơi, không phải không có ngoại lệ, nhưng thông thường là như thế. Và có lẽ tỉnh lẻ Ả Rập cũng đặc biệt không mến khách, bởi vì người dân của nó biết rằng có một cuộc sống mang nhiều hứa hẹn hơn, đẹp hơn, tốt hơn ở đâu đấy ngoài kia, cách xa, không thể đến được, nhưng lúc nào cũng hiện diện qua truyền hình vệ tinh.
Sidi Bouzid là một nơi như thế. Vùng nông thôn sâu thẳm của Tunisia, cách thủ đô Tunis về phía Nam 250 kilômét. Đồng ruộng, bãi cỏ và cây ăn quả đặt dấu ấn lên phong cảnh. Rác nằm dọc theo đường, túi nhựa vướng vào những cây xương rồng nopal. Có thể nhìn thấy những khối nhà ở đầu tiên, không trát vữa và xấu xí. Trung tâm của tỉnh lỵ nghèo, 40.000 dân cư, không có nhiều thứ để chào mời. Một vài tiệm cà phê, nhà hành chính, trường học và cửa hàng đơn giản. Đỉnh cao văn hóa, theo trang mạng của ủy ban hành chính thành phố, là “những đêm ramadan”, cái được tiến hành vào nửa sau của tháng chay. Ngoài ra, vùng này sống nhờ vào trồng ngũ cốc, cây ăn quả và rau, cũng không nên quên việc nuôi cừu và nuôi bò sữa.
Và tuy vậy, lịch sử thế giới đã đến đấy hai lần, ít nhiều đều ngẫu nhiên.
Trong khuôn khổ của Chiến dịch Tunisia, cái cần phải bảo đảm trật tự cho cuộc rút lui của Quân đoàn châu Phi và đồng minh Ý của nó sau chiến bại ở El Alamein trong tháng 11 năm 1942, các sư đoàn tăng của Đức và Ý đã tấn công các liên đoàn tăng của Mỹ vào ngày 14 tháng 2 năm 1943 tại Sidi Bouzid (“Chiến dịch gió Xuân”). Các cuộc chiến quanh đèo Kasserine kéo dài mười ngày và 12.000 người lính đã tử trận. Không có số liệu về tổn thất trong thường dân Tunisia, nhưng thành phố đã bị san bằng thành bình địa. Đó là một trong những trận đánh tăng lớn cuối cùng ở Bắc Phi, trước khi phe Trục đầu hàng ở đấy trong tháng 5 năm 1943.
Cuộc gặp gỡ lần thứ nhì của Sidi Bouzid với lịch sử là nhờ vào số phận của người dân Mohammed Bouazizi của nó, mà cuộc tự thiêu của anh ấy vào ngày 17 tháng 12 năm 2010 đã tạo nên đầu tiên là cuộc Cách mạng Tunisia, rồi đến cuộc Cách mạng Ả Rập và lần lật đổ nhà độc tài Tunisia lâu năm Zine al-Abidine.
Con bướm đập cánh gây nên một cơn lốc ra sao
Mohammed Bouazizi sinh ngày 29 tháng 3 năm 1984. Cha anh ấy mất sớm, người mẹ lấy chồng thêm lần nữa, một người đàn ông kém sức khỏe, phần lớn thời gian đều thất nghiệp. Ngay từ lúc lên mười, em học sinh đấy đã phải phụ giúp nuôi gia đình như là người bán rau quả. Ngay trước khi tốt nghiệp phổ thông, gánh nặng đôi trở nên quá sức, và cũng như nhiều người Tunisia và Ả Rập đồng lứa tuổi với anh ấy, Mohammed Bouazizi bỏ học không bằng tốt nghiệp. Trước sau gì thì cũng không đủ tiền để đi học đại học. Hiện giờ anh ấy đã có thêm năm người em cùng mẹ khác cha mà anh ấy có cảm giác phải lo cho chúng. Anh xin việc ở công sở, bên quân đội, và lần nào cũng bị từ chối. Anh ấy chỉ còn lại cuộc sống như là người bán rau quả. Hàng ngày vào buổi sáng sớm anh ấy ra chợ lớn bán trái cây và rau quả, chất đầy xe kéo của mình và rồi sau đấy đẩy nó đi hai kilômét trở về khu mua bán địa phương, nơi người nghèo mua sắm. Thu nhập trong ngày của anh ấy ở vào khoảng năm đến sáu euro. Nhưng anh không có giấy phép bán. Thu nhập không đủ cho việc đấy. Khi cảnh sát tiến hành những cuộc vây bắt thường xuyên của họ, để thu tiền hối lộ, anh ấy chỉ còn có hai khả năng. Trả tiền hoặc là chạy đi, để mất chiếc xe đẩy. Có một lúc Mohammed Bouazizi có một cô bạn gái mà anh ấy có mối quan hệ Platon với cô ấy, như thường gặp trong giới những người Hồi giáo bảo thủ. Nó thất bại vì tiền. Một người đàn ông trẻ, người sống qua ngày như kẻ bán dạo, hầu như không có được một cơ hội nào trên thị trường hôn nhân. Năm 2008, anh ấy cố vượt Địa Trung Hải chạy sang Sicily, đến châu Âu, sống tốt đẹp hơn. Cảnh sát biên phòng Tunisia đã bắt anh ấy lại, anh ấy phải ngồi tù hai tuần. Một năm sau đấy anh ấy cố thử vận may của mình thêm lần nữa, lần này là qua ngõ Libya. Anh ấy lại bị bắt, ngồi nửa năm trong tù.
Trong mùa hè 2010, anh ấy cố gắng lần cuối để mang lại cho cuộc sống của mình một bước ngoặc khác. Trong thành phố cảng Sousse, anh ấy nhận giúp việc trong một quán ăn, rửa bát, lau nhà. Khi người chủ từ chối không trả tiền công cho anh ấy, anh ấy đi thưa kiện. Nhưng luật lệ trong đất nước của anh ấy không được lập nên cho những người đói ăn mà cho những người có mối quen biết, những người biết đền đáp lại cho cảnh sát và tư pháp.
Bị hạ nhục và bị lừa gạt, anh ấy lại là người bán rau quả trong Sidi Bouzid. Rõ ràng là cảnh sát ở đấy đã để ý đến con người hay càu nhàu đấy và đã ra sức hành hạ anh ấy. Vài tuần trước khi tự tử, anh ấy nhận giấy phạt 250 euro – một số tiền tương ứng với gần hai tháng thu nhập. Vào ngày 17 tháng 12, một nữ cảnh sát đến gặp anh ở chợ và yêu cầu giao nộp cái cân. Anh ấy từ chối không đưa ra. Có một cuộc ẩu đả xảy ra, viên nữ cảnh sát tát tai anh ấy, cùng với một đồng nghiệp cô ấy quật anh xuống đất. Cái cân của anh ấy bị lấy đi cũng như trái cây và rau quả của anh ấy. Con người bị làm mất thể diện ở nơi công cộng đấy đi tìm sự công bằng, đến ủy ban hành chính thành phố và yêu cầu được nói chuyện với một người có trách nhiệm. Người ta nói với anh rằng điều đấy là không thể, nhân viên nhà nước đang bận việc.
Thế là anh ấy mua xăng, trở về ủy ban hành chính thành phố, đổ cả can xăng lên người và đốt cháy bằng một que diêm. Bị thương nặng, anh ấy được đưa vào bệnh viện. Phải nghĩ rằng tự thiêu như thế sẽ đau đớn tới đâu thì mới đoán được sự tuyệt vọng là gốc rễ to lớn đến dường nào.
Anh ấy không phải là người Tunisia đầu tiên tự thiêu. Những người khác đã làm trước anh ấy, từ những lý do tương tự. Thế nhưng những trường hợp của họ không được biết đến, vì cơ quan nhà nước làm mọi cách để che dấu các vụ việc. Truyền thông trong nước không được phép tường thuật về những vụ việc đấy, người thân buộc phải im lặng vì bị đe dọa trừng phạt. Ở Sidi Bouzid thì ngược lại, ngay sau vụ việc xảy ra, hàng chục người biểu tình đã tụ tập trước ủy ban hành chính thành phố, “một tay cầm điện thoại di động, tay kia cầm đá”, một người họ hàng, Abdesslem Trimech, thuật lại cho đài truyền hình Al-Jazeera. Cảnh sát giải tán cuộc biểu tình, như thông thường ở Tunisia.
Nhưng lần này thì tất cả đều khác đi. Người biểu tình tải những video từ điện thoại di động của họ qua Facebook lên Internet. Cũng như hình ảnh của một cuộc tuần hành phản đối khác vào ngày 20 tháng 12, do mẹ của Mohammed Bouazizi dẫn đầu. Ngay trong ngày đó, những hình ảnh đấy được Al-Jazeera phát đi, trên kênh Mubaschir (Live). Al-Jazeera, được thành lập năm 1966 trong tiểu vương quốc vùng Vịnh Qatar, bên cạnh đài Al-Arabiya phát sóng từ Dubai từ năm 2003, chính là cơ sở truyền thông Ả Rập dẫn đầu. Bất cứ người Ả Rập nào quan tâm đến chính trị, và đấy là phần lớn, cũng đều thường xuyên xem đài truyền hình vệ tinh này, hầu như không bị kiểm duyệt và hoạt động hết sức chuyên nghiệp về mặt báo chí. Ở Mubaschir có một nhóm truyền thông tìm kiếm một cách có hệ thống trong Internet những câu chuyện có thể khai thác được. Qua Facebook, nhóm này đã tìm thấy Sidi Bouzid.
Qua đó, lần đếm ngược cho đến cuộc cách mạng đã bắt đầu. Một cuộc cách mạng dường như xác nhận định lý nổi tiếng của lý thuyết hỗn loạn mà theo đó lần đập cánh của một con bướm ở Hongkong có thể tạo nên một cơn bão xoáy ở New York. Ngay sau khi phát sóng, những cuộc phản đối tự phát ở Sidi Bouzid, rồi trong những tỉnh lỵ lân cận và cuối cùng là trên toàn nước đã diễn ra, những cái nhanh chóng biến thành những cuộc biểu tình chống nhà độc tài Ben Ali và chế độ của ông ấy. Người này ra lệnh bắn người biểu tình, cả bằng thiện xạ bắn tỉa. Nhiều người chết. Nhưng với việc đấy, cuộc nổi dậy đã không bị dập tắt, còn ngược lại nữa. Lần đập cánh lớn lên trở thành một cơn bão xoáy, đuổi nhà độc tài ra khỏi nước một tháng sau đấy.
Internet đóng một vai trò quan trọng trong lúc đó, trước hết như là một cơ quan ngôn luận và nơi cùng cộng hưởng. Thế nhưng hạt giống của cuộc cách mạng đã được gieo trong những thập niên trước đó. Nó chủ yếu là hậu quả của đàn áp chính trị, tham nhũng công khai, biến đổi xã hội, nghèo nàn, không có tương lai, ước mong có tự do và một cuộc sống có phẩm cách – một khái niệm mà thường là người Bắc Âu không hiểu được. Ngược lại, trong vùng văn hóa Địa Trung Hải nó có ảnh hưởng rất lớn đến sự nhận diện của cá nhân hay của một nhóm, cũng như khái niệm “danh dự”, cũng bị lãng quên ở chúng ta. Điều đấy có liên quan đến việc thế giới công cộng quanh Địa Trung Hải được tổ chức dọc theo những mối quen biết hay mạng lưới gia đình, cá nhân, nghề nghiệp hay những thứ khác nhiều hơn là ở phía Bắc của dãy Alpes.
Ngài Tổng Thống, dân của ngài đang chết đấy!
Trong lúc những đoạn video của điện thoại di động từ Sidi Bouzid nhờ vào Al-Jazeera mà nhanh chóng lan qua Tunisia và các quốc gia Ả Rập khác, truyền thông bị kiểm duyệt của Tunisia tiếp tục im lặng về lần tự thiêu và các cuộc biểu tình nối tiếp theo sau đấy. Tuy Internet cũng bị kiểm duyệt dưới Ben Ali, nhưng với hai ngoại lệ: Facebook và Twitter. Rõ ràng là chế độ này đã đánh giá quá thấp tầm quan trọng của chúng. Theo thống kê, cứ ba người Tunisia là có một người dùng Internet, tương ứng với mật độ người dùng lớn nhất trong châu Phi. Điều mỉa mai lớn nhất cho Ben Ali: Ông ta muốn xây dựng Tunisia trở thành “Trung tâm của kiến thức” và đã chủ ý dựa trên Internet. Lẽ ra thì ông ta nên nghiên cứu các lý thuyết về hiện đại hóa. Theo các lý thuyết đấy, phi tự do cộng với đàn áp và tham nhũng đồng thời lại ở tại một mức tri thức cao chính là một công thức gần như toàn hảo cho những cuộc nổi dậy. Khi cả các đài truyền hình vệ tinh khác cũng tường thuật về số phận của Mohammed Bouazizi, con đập cuối cùng cũng đã vỡ. Vào ngày 29 tháng 12, lần đầu tiên một đài truyền hình nhà nước Tunisia, Nessma TV, nói về đề tài này và hứa hẹn sẽ có một cuộc “điều tra độc lập”. Đồng thời, chế độ này cắt điện và Internet trong Sidi Bouzid và vùng lân cận. Vào ngày 2 tháng 1 năm 2011, một “Chiến dịch Phishing” có quy mô lớn được bắt đầu với mục đích xóa những đoạn video phê phán chế độ ra khỏi Internet. Nhiều blogger, nhà hoạt động trên mạng và ca sĩ nhạc rap nổi tiếng nhất của Tunisia, Hamada Ben Amor, được gọi là El Général, bị bắt hay bị đánh đập. Bài ca chống đối của anh ấy “Ngài Tổng Thống, dân của ngài đang chết đấy!” qua Facebook và Twitter đã trở thành bài ca của cuộc “Cách Mạng Hoa Lài”.
75% người dân Ả Rập, không chỉ riêng của Tunisia, trẻ hơn 30 tuổi. Điều đấy giải thích cho sự chấp nhận cao độ những phương tiện truyền thông mới và mạng xã hội. Ngoài ra, đặc biệt là ở Algeria và Tunisia, đã có một thế hệ nhạc sĩ trẻ hoạt động chính trị, những người nhờ vào nhạc rap để lên án tham nhũng và kinh tế móc ngoặc của những kẻ đang thống trị. Trong bản nhạc đã được nhắc đến, El Général 22 tuổi quê ở thành phố cảng Sfax đã phê phán sự xa hoa phung phí và làm giàu cho bản thân của gia đình tổng thống cũng như nạn nghèo nàn ở khắp mọi nơi. Giới Hip-Hop Ả Rập khởi đầu vào cuối những năm 1990 ở Algeria và từ đó đã bước đi trên con đường chiến thắng vào các đất nước Ả Rập láng giềng. Hip-Hop đánh trúng cảm giác sống của một giới trẻ đã tan vỡ ảo tưởng, chẳng còn chờ đợi gì nhiều hay hoàn toàn không còn chờ đợi gì ở tương lai nữa.
Sau một thời gian, những cuộc biểu tình đông người đã về đến thủ đô Tunis. Để xoa dịu tình hình, Tổng Thống đã đến thăm Mohammed Bouazizi trong bệnh viện, ngay trước lúc anh ấy qua đời vào ngày 4 tháng 1. Có một bức ảnh chụp lần gặp gỡ đấy, một hình tượng của cuộc Cách mạng Tunisia; Ben Ali bên cạnh giường bệnh, xung quanh là những bác sĩ và viên chức trông có vẻ xum xoe, Mohammed Bouazizi được băng bó như một xác ướp. Ben Ali nhìn anh ấy như thể anh ấy là một người từ hành tinh khác. Con người sắp chết đó nghĩ gì trong khoảng khắc đấy?
Như đã nói, cuộc Cách mạng Tunisia không chỉ nhờ vào Internet. Có những yếu tố khác thêm vào đấy. Những cuộc biểu tình đầu tiên ở Sidi Bouzid và vùng lân cận, dù có tự phát đến đâu đi chăng nữa, cũng nhận được sự cộng hưởng không chỉ qua các môi trường truyền thông mới. Ngay từ đầu, Tổng Liên đoàn Lao động Tunisia (Union Générale Tunisienne du Travail – UGTT) đã đóng một vai trò quan trọng trong tổ chức và mở rộng những cuộc phản đối. Tunisia, tương tự như ở Maroc và Algeria, có những liên hiệp nghề nghiệp và công đoàn tương đối mạnh – một thành tựu từ thời còn là thuộc địa của Pháp. Trong cả ba nước, các tổ chức này rất thân chính phủ, cán bộ của họ được nhà nước trả lương. Vì thế mà tất nhiên là hầu như không thể nào mà làm cách mạng với họ được. Nhưng ở tỉnh, nhất là ở tỉnh lẻ xa xôi, nơi không một quan chức nào tình nguyện về đấy, thỉnh thoảng lại có một tinh thần khác. Có lẽ vì con người ở đấy có ít thứ để mà mất hơn. Từ căm phẫn. Hay chỉ từ sự thích thú, muốn chỉ bảo cho “những kẻ ngồi ở trên đấy” xem một lần.
Bánh mì và cai trị
Và rồi thêm vào đấy là giá bánh mì. Một phần ba người Tunisia thất nghiệp, một phần mười sống dưới ranh giới nghèo hai dollar mỗi ngày. Dưới những điều kiện khung như thế, những cái mà còn tồi tệ hơn nữa trong các quốc gia Ả Rập khác, giá bánh mì thường được nhà nước trợ giá mang một lực nổ chính trị xã hội rất lớn. Ở Bắc Phi, đặc biệt là ở Ai Cập, thường hay có những cuộc nổi dậy và bạo động ngay sau khi chính phủ cắt giảm trợ giá và bánh mì trở nên đắt tiền hơn. Phần nhiều, việc đấy được tiến hành bởi sự thúc giục của Ngân hàng Thế giới trong lúc cho vay tiền hay đáo nợ. Tháng 1 năm 1984, chính phủ Tunisia dưới thời nguyên Tổng thống Habib Bourguiba đã nâng giá bánh mì lên 150% chỉ qua một đêm. Thế là đã bùng nổ những cuộc bạo động lớn nhất kể từ lúc độc lập năm 1956. Khắp nước đều có những cuộc nổi dậy, công nhân trong những mỏ phosphate ở miền Nam tự phát đình công. Bourguiba phái quân đội đến, hơn 500 người bị giết chết. Nhưng ông ấy đã phải hủy bỏ lần tăng giá bánh mì.
Năm 2010, bánh mì ở Tunisia đắt chưa từng có. Việc này có liên quan đến diễn tiến trên các thị trường thế giới, với cung cấp lúa mì giảm xuống trong lúc nhu cầu đang tăng lên. Sau khi quả bong bóng bất động sản ở Hoa Kỳ nổ tung và sau khi hệ thống ngân hàng trong nhiều quốc gia Phương Tây suýt sụp đổ trong năm 2008/09, nguyên liệu nông sản trở thành một đối tượng của đầu cơ thị trường chứng khoán, việc lại càng làm cho giá tăng lên. Bánh mì trong vùng Bắc Phi nguyên thuộc Pháp được ưa chuộng như chính trong nước Pháp. Hiện nay, giá cả ở đây và ở kia đã gần như ngang nhau. Mohammed Bouazizi thu nhập hàng ngày năm đến sáu euro. Nếu một ổ bánh mì có giá gần một euro thì con đường đi đến đói ăn và nổi dậy không còn xa nữa. “Phẩm giá và bánh mì!” người biểu tình reo hò, những người đã buộc Ben Ali phải chạy trốn. Một bức ảnh tượng trưng cho cuộc Cách mạng Tunisia chụp một đám đông trong Tunis: Một người đàn ông dùng tay trái đưa ra dấu hiệu chiến thắng, tay phải cầm một ổ bánh mì.
Nhưng tại sao Bourguiba lại thành công trong năm 1984 khi dùng quân đội để đập tan những cuộc bạo động trong nước, mà người kế nhiệm của ông ta Ben Ali lại không thành công trong năm 2011?
Nói một cách đơn giản, thời đấy còn chưa chín mùi cho một cuộc cách mạng. Đầu tiên, trong thời của cuộc Chiến tranh Lạnh, tình thế địa chính trị hoàn toàn khác hẳn so với ngày nay. Cả Hoa Kỳ lẫn Pháp đều sẽ không để cho Tunisia có thể rơi vào tay “những người cộng sản” – tuy là ảnh hưởng của Moscow ở Bắc Phi và trong Cận Đông có giới hạn. Sau khi Tổng thống Ai Cập Sadat quay lưng lại với Liên bang Xô viết vào đầu những năm 1970, nước này chỉ còn có hai đồng minh đáng tin cậy trong vùng: Syria và Nam Jemen. Bên cạnh đấy còn có những mối quan hệ tốt đẹp với Algeria và Iraq. Thêm nữa, thế hệ Facebook vừa mới chào đời vào thời đấy. Các hệ thống chính phủ của thế giới Ả Rập, các hệ thống mà đã bị quét phăng đi hay lung lay cho đến tận xương tủy, vẫn còn chưa bước qua đỉnh điểm lịch sử của chúng, cả ở Tunisia lẫn ở Ai Cập, trong Libya cũng không như ở Jemen và những nơi khác. Ngoài ra, cách mạng bao giờ cũng là một cái gì đó huyền bí và không thể nào giải thích được mà chỉ dựa trên những tiêu chuẩn lý trí. Những khoảng khắc tâm lý cũng đóng một vai trò như sự trùng khớp đúng lúc – trong trường hợp này là cái chết bi thảm của một người mà dưới hoàn cảnh bình thường thì chắc thế giới sẽ không bao giờ biết đến rằng người đấy nói chung là tồn tại. Thế nhưng mỗi một người Tunisia và mỗi một người Ả Rập đều có thể tự nhận dạng mình qua con đường đau khổ của Mohammed Bouazizi, nếu như không vì may mắn mà đã được sinh ra trong giới thượng lưu. Đến mức lần tự thiêu của anh ấy được nhiều người bắt chước, ở Tunisia cũng như ở Ai Cập, Algeria, Mauritania. Điều đấy giải thích tại sao cái chết của anh ấy lại có thể huy động được nhiều người đến như thế, vượt qua tất cả các ranh giới xã hội và chính trị. Sinh viên, thầy giáo, người thất nghiệp, luật sư, phụ nữ có và không có khăn trùm đầu, trẻ, già, họ cùng nhau đi trên đường phố và vượt qua được nỗi sợ hãi của họ. Bắt đầu ở Sidi Bouzid. Cuối cùng, họ còn có cả quân đội đứng về phía của họ, quân đội mà đối diện với đám đông giận dữ đã không còn muốn bắn vào người dân của chính mình nữa.
THẬT RA TẠI SAO KHÔNG CÓ
DÂN CHỦ TRONG THẾ GIỚI Ả RẬP?
Câu hỏi này dễ hiểu và không thể trả lời trong một câu được. Ngoại trừ người ta khẳng định một cách đơn giản rằng đạo Hồi và dân chủ là không thể hòa hợp với nhau. Tuy vậy, trong trường hợp này thì không được phép có cuộc Cách mạng Ả Rập và yêu cầu tự do và dân chủ của nó. Một cuộc cách mạng mà trước hết là do những người theo đạo Hồi tiến hành.
Số phận chung của vùng này là một sự phát triển đã bị ngăn chận lại, sự phát triển từ một xã hội phong kiến chịu dấu ấn của nông thôn trở thành một xã hội công nghiệp đô thị. Điều này cũng đúng cho cả các quốc gia vùng Vịnh. Nhìn bề ngoài, với cái nhìn đến lối kiến trúc tiên phong, họ đã hoàn thành bước nhảy vào thời Hiện đại từ lâu. Thế nhưng chính trị và xã hội, kể cả những hệ giá trị và tâm tính hiện đang thống trị, vẫn còn chịu ảnh hưởng phong kiến nặng nề. Vài gia đình và thị tộc riêng lẻ nhờ vào sự giúp đỡ của quân đội và an ninh mà thống trị cả nhiều quốc gia – rõ rệt nhất là ở Ả Rập Saudi, nơi họ của triều đang cai trị, Al Saud, đã trở thành một với tên của nước đó.
Kim tự tháp, được rèn thành những cột trụ kiên cường
Các cấu trúc xã hội đều có thể so sánh được với nhau trong tất cả các quốc gia Ả Rập, và trong kiến trúc của nó giống như một kim tự tháp. Trên đỉnh là một giới tinh hoa nhỏ nắm giữ quyền lực, giới từ lúc độc lập sau Đệ nhị Thế chiến nắm giữ lấy các nguồn tài nguyên quốc gia và ảnh hưởng của họ, với nhân sự được thay đổi một phần, vẫn còn tồn tại sau những biến đổi cách mạng. Cho tới thời điểm của cuộc cách mạng, các vị trí lãnh đạo trong chính trị, kinh tế và hành chính chỉ do giới tinh hoa cầm quyền đấy nắm giữ, những người thường cùng tộc hay có quan hệ qua hôn nhân với nhau. Trong xã hội, vươn lên đến tầng lớp này là điều hầu như không tưởng. Giới tinh hoa nắm quyền lực bao gồm 3 đến 5% dân số và chưa từng bao giờ đắn đo trong việc vơ vét không kiềm chế ngân quỹ quốc gia. Các nhà cai trị trong các quốc gia vùng Vịnh còn chẳng buồn phân biệt giữa ngân sách công cộng và tài sản cá nhân. Ngân sách quốc gia được công bố chỉ thể hiện một phần của thu nhập từ hoạt động kinh doanh dầu mỏ và khí đốt. Chi tiết là việc của sếp. Tinh thần của những người cai trị, đặt nền kinh tế quốc dân dưới quyền của mình, có thể giải thích về cơ bản tại sao hạ tầng cơ sở trong phần lớn các quốc gia Ả Rập chỉ là hư nát, hệ thống giáo dục nằm trong một tình trạng đáng thương, tỷ lệ mù chữ một phần hơn 50% (Jemen, Sudan), nghèo nàn và thất nghiệp ở khắp nơi và những thách thức cấp bách, trước hết là bùng nổ dân số, kế hoạch đô thị, thiếu nước và biến đổi khí hậu, chỉ được tiến hành, nếu như nói chung là có, một cách sơ đẳng.
Giới thường dân trung lưu mà phần lớn người dân ở châu Âu phương Tây thuộc vào trong đó, ngay cả khi có xu hướng giảm xuống, bao gồm 30 đến 40% dân số trong thế giới Ả Rập. Đặc trưng cho giới trung lưu Ả Rập, phần lớn đã tốt nghiệp đại học, là tình thế khó khăn của nhiều người trong số họ – họ có thu nhập thấp và luôn luôn bị đe dọa sẽ trượt bậc thang xã hội. Giảng viên đại học, người đồng thời là tài xế taxi để nuôi sống gia đình là chuyện thường chứ không phải là trường hợp ngoại lệ. Những hệ thống bảo hiểm xã hội như bảo hiểm thất nghiệp hay bảo hiểm y tế, lương hưu chỉ có ở mức sơ khai. Chỉ tình đoàn kết của đại gia đình mới bảo đảm sự sống còn trong lúc khốn khó.
Trong những thành phố lớn như Cairo hay Beirut có một con số đang tăng lên của các nhân viên dotcom hay của doanh nghiệp mới được thành lập, những người từ một vài năm nay đã tạo ra một nhóm xã hội mới và là nhóm duy nhất đứng ngoài giới tinh hoa truyền thống nhưng một phần đã có được tài sản đáng kể. Do phản đối tình trạng chính trị đang tồn tại nên phần lớn họ đều ủng hộ cuộc cách mạng.
Tuy vậy, phần lớn người Ả Rập đều đứng ở rìa dưới của chiếc kim tự tháp xã hội. 60 đến 70%, tùy theo nước, thuộc vào trong cái được gọi là khu vực phi chính thức. Là những người làm công nhật, tức làm ngày nào ăn ngày đấy, như Mohammed Bouazizi và gia đình của anh ấy. Đặc biệt ở Ai Cập có nhiều người nghèo làm việc trong khu vực hành chính. Nhưng đó chỉ là một biện pháp tạo việc làm và được trả lương thấp đến mức không ai có thể sống nhờ vào đấy cả.
Tức không phải giới trung lưu thường dân đặt dấu ấn lên nhà nước và xã hội mà là giới tinh hoa nhỏ nắm quyền lực, những người cố gắng bảo vệ đặc quyền của mình bằng mọi giá. Trước bối cảnh đấy, không thể có được nhà nước pháp quyền, tự do ngôn luận, đa nguyên, tam quyền phân lập – nếu thế thì tất nhiên giới tinh hoa sẽ mất đi quyền lực. Không một hiến pháp nào có thể nghiêm chỉnh giải thích phúc lành của Thượng Đế cho việc tự làm giàu của một thiểu số nhỏ bé. Tuy đã và đang có đảng phái và quốc hội trong nhiều quốc gia Ả Rập tiền Cách Mạng, thế nhưng đó chỉ là mặt ngoài. Trong cốt lõi, chúng thực hành hình thức bảo trợ [clientelism].
Sự chính danh hóa là khái niệm chủ yếu để có thể hiểu được chính trị Ả Rập trước cuộc cách mạng. Tất cả những kẻ thống trị đang – đã – cố gắng tự phô diễn mình như là một người thực thi những giá trị cao quý. Như Habib Bourguiba (cầm quyền 1956-1987) người Tunesia này được tuyên truyền nhà nước gọi là “Người đấu tranh tối cao” (chống Chủ nghĩa Thực dân), Muammar al-Ghaddafi (1969-2011) người Libya có danh hiệu là “người anh em lãnh tụ cách mạng”, Hafiz al-Assad (1971-2000) người Syria được gọi là “cột trụ của sự kiên cường và đối đầu” (chống Chủ nghĩa Đế quốc và Israel) hoặc là “chiến hữu”, vua Abdallah của Saudi hoạt động dưới tên “Người bảo vệ hai vùng đất thánh”, tức là của Mecca và Medina.
Cho tới cách mạng, về cơ bản chỉ có hai thể loại của trật tự chính trị. Về một mặt là những nền quân chủ truyền thống mà tính chính danh của chúng dựa trên sự thống trị của bộ tộc hay yêu cầu quyền lãnh đạo về mặt tôn giáo. Thuộc vào đấy là các quốc gia vùng Vịnh, Jordan và Maroc. Các vua Mohammed I (Maroc) và Abdallah II (Jordania) đều tự xem mình là dòng dõi trực tiếp của nhà tiên tri Mohammed. Và mặt khác là các hệ thống độc đảng phi tôn giáo mà các tổng thống của chúng, có quyền lực hết sức to lớn, thông thường là (đã) xuất phát từ giới quân đội. Ở Libya, cung cách xuất hiện kỳ lạ của Ghaddafi mang lại cho hệ thống này những đường nét của một nhà hát opera, ở Iraq qua cung cách của Saddam Hussein là những đường nét của Stalin.
Một vấn đề nữa trong sự chính danh hóa ở nhiều nơi là lịch sử quốc gia rời rạc và thiếu vắng những huyền thoại lập nước. Biên giới của phần lớn các quốc gia Ả Rập là do các thế lực thuộc địa dùng thước kẻ một cách tùy tiện. Jordan và các quốc gia nhỏ ở vùng Vịnh nói chung là chỉ tồn tại vì người Anh và người Mỹ thích như thế.
Thị tộc, bộ tộc, quốc gia
Các nhà sử học đánh dấu lần bắt đầu của Chủ nghĩa Thực dân trong thế giới Ả Rập thường là với cuộc viễn chinh Ai Cập của Napoleon năm 1798. Sau đó, Pháp và Liên hiệp Anh chia nhau Bắc Phi và Cận Đông. Paris nhận vùng Maghreb (Maroc, Algeria, Tunisia, Mauritania) và, lớn mạnh thêm sau Đệ nhất Thế chiến và sau khi Đế chế Ottoman chấm dứt, giữ vững ảnh hưởng của mình ở Lebanon và Syria. London kiểm soát Ai Cập và Sudan, thêm vào đấy sau Đệ nhất Thế chiến là Palestine, Jordan ngày nay và Iraq. Dưới thời Mussolini, Ý tuyên bố những sở hữu của mình ở Libya là thuộc địa năm 1934. Các thế lực thực dân quan tâm đến trước hết là nguyên liệu và tuyến đường buôn bán. Kênh đào Suez, được khánh thành năn 1869 với nhiều phô trương long trọng, rút ngắn đường biển từ châu Âu sang Ấn Độ được tròn 10.000 km, là thí dụ dễ hiểu nhất. Nhà nước Ai Cập chi trả để xây dựng nó, nước mà Liên hiệp Anh đã chinh phục bằng quân sự chính vì mục đích này. Nó được cố tình đẩy đến chỗ phá sản bằng những khoản tiền mà London đã cho vay một cách hào phóng. Tiếp theo sau đó, các ngài thực dân đã phá hỏng nền công nghiệp dệt may đang được xây dựng ở Ai Cập, cái đã trở thành nhà cạnh tranh thật sự cho công nghiệp dệt may Anh. Ngành trồng bông vải ở Ai Cập vì thế mà suy tàn, làn sóng lớn đầu tiên rời bỏ nông thôn bắt đầu. Pháp thì lại tiến hành một Chủ nghĩa thực dân định cư rõ rệt tại Algeria, ở Maroc và Tunisia thì ít hơn. Quân đội Pháp xua đuổi hàng trăm nghìn nông dân người bản xứ và chiếm đất của họ để tạo chỗ cho thực dân Pháp. Luật pháp của Pháp mãi đến những năm 1960 vẫn còn xem Algeria là một phần đất của Pháp, không khác gì Normandy hay Burgundy. Mỗi một phản kháng chống lại lực lượng chiếm đóng đều bị đập tan một cách hết sức tàn bạo, kể cả tàn sát. Nhiều vấn đề xã hội, đoàn thể và chính trị của thế giới Ả Rập có nguồn gốc của nó trong thời kỳ thuộc địa.
Trước bối cảnh đấy, có thể hiểu được tại sao cá nhân trước hết là trung thành với thị tộc, bộ tộc, với nhóm tôn giáo và sắc tộc của mình, và nhiều lúc vẫn còn là như thế, và sau đấy là mới trung thành với quốc gia. Vì thế mà sau khi Ả Rập độc lập đã tồn tại một khao khát to lớn về lịch sử, về tầm quan trọng và ý nghĩa riêng biệt, không chỉ ở phía những người cầm quyền và còn cả ở phía những người dưới quyền. Lúc đầu, Chủ nghĩa Dân tộc Ả Rập, ý thức hệ quần chúng của thời hiện đại, đã lấp đầy khoảng chân không đó. Mục đích của nó là sự thống nhất Ả Rập “từ vùng Vịnh cho tới Đại Tây Dương” và cuộc đấu tranh chống quyền bá chủ của Phương Tây. Nhân vật lãnh đạo bất tranh cãi của nó là người có sức thu hút Gamal Abdel Nasser, tổng thống đầu tiên của Ai Cập, người sau cuộc đảo chính quân sự năm 1952 đã dẫn dắt đất nước này đi đến nền độc lập với Liên hiệp Anh. Ông ấy muốn thống nhất thế giới Ả Rập dưới sự lãnh đạo của mình, làm cho nó trở thành một động lực của Phong trào Không Liên kết, phong trào mà năm 1955 trong hội nghị huyền thoại ở Bandung của Indonesia đã tiếp nhận ông ấy vào trong hàng ngũ của mình với những cử chỉ long trọng. Sau 150 năm do nước ngoài quyết định và bị làm nhục, người Ả Rập muốn cuối cùng rồi cũng tìm thấy được chỗ đứng của mình trong số những nước lớn của thế giới. Nasser là người cầm cờ của họ, một thể chế phán xét và một nhà hùng biện xuất sắc, được người dân tung hô, tin tưởng và phục tùng, giới trí thức cũng như fellah, nông dân Ả Rập.
Thế nhưng nó vẫn là một giấc mơ. Tất cả các chính trị gia Ả Rập đều nói về sự thống nhất, nhưng trong cuộc sống hàng ngày, ngoài lời nói suông thì nó không xảy ra – ngoại trừ lần hợp nhất ngắn ngủi của Ai Cập và Syria để trở thành nước Cộng hòa Ả Rập Thống nhất (1958-1961). Điều đấy là không thể được. Ngoại trừ ngôn ngữ, lịch sử và một sự nhận dạng chung mang dấu ấn của Hồi giáo, các khác biệt trong thế giới Ả Rập to lớn vô cùng. Maroc có nhiều hay ít điểm chung với Iraq cũng giống như Na Uy với Kosovo. Tại sao những quốc gia mới vừa độc lập đã lại phải giải tán? Vì cớ gì mà giới tinh hoa mới, phần lớn là sĩ quan trẻ tuổi và những mối quen biết của họ, phải từ bỏ những đặc quyền đã thu được? Ngoại trừ các nhà vua, giới tinh hoa mới này có thiện cảm với Nasser và Chủ nghĩa Dân tộc Ả Rập. Trong tinh thần của họ, họ rất giống với giới tinh hoa cũ, phần nhiều là địa chủ. Họ không quan tâm đến công bằng xã hội. Thay vì vậy, mục đích của họ là củng cố quyền lực của họ. Ai cản đường họ đều bị bắn chết hay vào tù. Kình địch trong nội bộ nhóm tinh hoa thường được giải quyết bằng đảo chính và đảo chính ngược lại, những cái được gọi là “cách mạng sửa đổi”, và đã trở thành chính trị thường ngày đặc biệt là ở Syria và Iraq trong những năm 1950 và 1960. Ở đó cũng đã phát triển một biến thể của Chủ nghĩa Dân tộc, Chủ nghĩa Baath (từ tiếng Ả Rập “Baath” là phục sinh), cái tuy vậy không vượt qua khỏi cái bóng của Nasser.
Tiếp theo giấc mơ về tầm vóc to lớn và sự thống nhất là lần thức dậy nhức nhối sau chiến bại mang tính hủy diệt trước Israel trong Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967. Quân đội Israel chiếm Đông Jerusalem và Bờ Tây (Tây Jordan) của Jordan, Sinai của Ai Cập và cao nguyên Golan của Syria. Thay vì nhìn thẳng vào hiện thực và tự chất vấn mình một cách phê phán, phần lớn lại rơi ngay lập tức vào ảo tưởng kế đến, Trào lưu Chính thống Hồi giáo. Cho tới hiện tại vẫn là: “Hồi giáo chính là giải pháp!”. Tuy vậy, hiện giờ đạo Hồi chính trị cũng đã qua thời vàng son của nó từ lâu. Thời gian gần đây, phần lớn người Ả Rập đã nhận ra rằng nó không góp phần giúp họ có được nhiều tự do hơn lẫn cải thiện hoàn cảnh sống của họ.
Một Hitler thứ nhì và Cuộc khủng hoảng Kênh đào Suez
Gamal Abdel Nasser là nhà cách mạng Ả Rập đầu tiên của thời Hiện đại. Tương tự như con cháu của mình sau này thuộc thế hệ Facebook, ông ấy đi theo một viễn tưởng gây cảm hứng và thúc đẩy ông ấy. Ông ấy tin vào một Ả Rập mới. Thế nhưng ông không thể biến lần biến động lịch sử đấy thành một chính sách chính trị thực tiễn bền vững được. Ông ấy dao động lầm lạc giữa sự không tưởng và khát vọng quyền lực, và cuối cùng đã bị tài hùng biện của chính mình thuyết phục. Đồng thời, cung cách đối xử của Phương Tây với Nasser là một thí dụ sớm cho tầm nhìn mang dấu ấn thực dân, đã bị công cụ hóa, đến thế giới Ả Rập, cái nhìn mà đã hạ thấp họ xuống trở thành một số đông để sử dụng trong địa chiến lược. Nasser không phải là một chính khách chống Phương Tây, nhưng bị nhìn như thế trong châu Âu và ở Hoa Kỳ. Để phát triển Ai Cập về mặt kinh tế, ông ấy quyết định xây một con đập ở phía Nam của thành phố Assuan. Đồng thời, ông đứng về phía của người Palestine trong xung đột với Israel. Cũng như nhiều người Ả Rập thời của ông, ông ấy cho rằng nhà nước Do Thái chỉ là một vật cấy của Chủ nghĩa Đế quốc với mục đích ngăn chận sự thống nhất Ả Rập. Khi Nasser công nhận nước Cộng hòa Nhân dân Trung Quốc năm 1955, cuối cùng Hoa Kỳ cũng cho rằng ông ấy là một người cộng sản. Washington lo liệu sao cho Ngân hàng Thế giới không cho Ai Cập vay tiền để xây con đập Assuan. Mong muốn của Nasser, được Hoa Kỳ cung cấp vũ khí, đã không được lắng nghe. Thế là ông ấy quay sang Moscow và đã nhận được từ đấy cả vũ khí lẫn tiền cho vay.
Đối diện với tư thế thù địch của Phương Tây, Nasser hiện thực lời tuyên bố của mình và quốc hữu hóa kênh đào Suez năm 1956, cái đa phần thuộc các cổ đông người Anh và người Pháp. Thủ tướng Anh Anthony Eden sau đấy đã gọi Nasser là một “Hitler thứ nhì” – một tên gọi mà sau này cả Saddam Hussein lẫn Tổng thống Iran Mahmud Ahmadinedschad đều chia sẻ. Trong trường hợp của Nasser và Saddam Hussein, tiếp theo sau lần ma quỷ hóa là chiến tranh. Trên Vườn Eden, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Guy Moller và Thủ tướng Israel David Ben Gurion thỏa thuận tấn công Ai Cập trong một hội nghị bí mật tại Sèvres ở ngoại ô Paris. Cuộc Chiến tranh Kênh đào Suez bắt đầu vào ngày 29 tháng 10 năm 1956 và chấm dứt với thất bại về quân sự của Ai Cập: quân đội Israel tiến cho đến kênh đào Suez, người Anh ném bom Port Said.
Thế nhưng thất bại đấy đã trở thành một chiến thắng về mặt chính trị cho Nasser. Người Mỹ tức giận vì họ hoàn toàn không biết gì về các kế hoạch tấn công đó. Đồng thời, người Anh phải đối chọi với một cuộc chiến tranh du kích mới bắt đầu. Theo sáng kiến của Tổng thống Mỹ Eisenhower, Liên Hiệp Quốc thông qua một nghị quyết yêu cầu tất cả ba thế lực xâm chiếm phải rút quân. Washington đe dọa không úp mở là sẽ để cho đồng bảng Anh rơi giá trên thị trường tiền tệ. Các nhóm quân lính Anh cuối cùng rút ra khỏi Ai Cập ngay trước Giáng Sinh 1956, Israel rút khỏi Sinai ba tháng sau đó.
Cuộc Chiến tranh Kênh đào Suez chấm dứt kỷ nguyên của Chủ nghĩa Thực dân và đưa Hoa Kỳ trở thành thế lực bá chủ trong Trung và Cận Đông. Lần đầu tiên và cho tới nay là lần cuối cùng, Washington tạo áp lực thật sự lên Israel. Năm 1957, lần đầu tiên sau Đệ nhị Thế chiến, quân đội Mỹ lại đổ bộ lên vùng này. Ở Lebanon, họ ủng hộ Tổng thống Camille Chamoun thân Phương Tây chống lại các lực lượng thân Nasser. Ở Iraq, năm 1958 đã xảy ra một cuộc đảo chính của giới quân sự: Vua Faisal II, người tán thành cuộc Chiến tranh Kênh đào Suez, bị bắn chết, chế độ quân chủ bị hủy bỏ. Trong Chiến tranh Sáu Ngày 1967, Israel lại chiếm Sinai và mãi đến 1979 mới trao trả lại nó cho Ai Cập trong khuôn khổ của một hiệp ước hòa bình. Năm 2003, người Mỹ và người Anh cùng lật đổ chế độ của Saddam Hussein trong Iraq và chấm dứt sự thống trị của giới quân đội ở đấy. Tất cả đều có liên quan với nhau, quá khứ tiếp tục trong hiện tại. Những lần can thiệp liên tục của Phương Tây đã tạo nên đồng minh hay hoàn cảnh mới và đã loại trừ hay làm suy yếu những người chống lại. Tuy vậy, chúng không góp phần tạo thêm dân chủ hay cải thiện đời sống, cả ở Iraq cũng không.
Nasser về phần mình không hiểu rằng kết cục của Cuộc chiến Kênh đào Suez là nhờ vào một tình thế chính trị thế giới có lợi cho Ai cập. Ông ấy tin rằng “số đông người Ả Rập” đã đánh bại những kẻ tấn công, và cùng với giới truyền thông nhà nước đã tự say sưa với những lời hùng biện như sấm nổ của mình mà cuối cùng rồi ông ấy lại là nạn nhân của chúng. Đánh giá hoàn toàn sai lầm tương quan lực lượng quân sự, cuối cùng ông ấy phong tỏa không cho tàu thủy Israel đi qua Vịnh Aqaba và qua đó đã tạo cho Israel một cơ hội đáng mừng để tấn công Nasser đang bị họ căm ghét và các đồng minh Jordan và Syria của ông ấy.
HY VỌNG KHÔNG THÀNH
VÍ DỤ AI CẬP
Sau cái chết của Nasser năm 1970, người đại diện và là bạn đồng hành lâu năm của ông ấy, Anwar as-Sadat, trở thành tổng thống Ai Cập. Do ký kết hiệp ước hòa bình với Israel nên trong Phương Tây ông ấy được xem như là một chính khách của kỷ nguyên. Lần ám sát người nhận Giải Nobel Hòa bình này chỉ gây thêm thanh danh cho ông ấy. Nhưng chính ở Ai Cập ông ấy lại bị xem xét mang tính phê phán hơn rất nhiều – ở ngoài giới tinh hoa nắm quyền.
Mỗi một cuộc cách mạng, cả cuộc Cách mạng Ả Rập năm 2011, đều có một tiền sử về những niềm hy vọng không thành, về sự suy tàn chính trị và kinh tế. Trong đó, Sadat đóng một vai trò quan trọng. Trong những năm 1960, Nasser đã quốc hữu hóa một phần lớn doanh nghiệp Ai Cập. Các chức vụ quản lý phần lớn do giới cao cấp trong quân đội chiếm giữ. Vì họ thông thường không hề hiểu biết gì về kinh tế và thêm vào đấy, Nasser đã đẩy mạnh việc xây dựng một bộ máy hành chính phồng to ra để tạo công việc làm và qua đấy là sự trung thành trong giới những người nghèo, nên sau cuộc Chiến tranh Sáu Ngày, Ai Cập đứng trước vực thẳm về mặt kinh tế. Do vậy, Sadat đã tiến hành tái tư nhân hóa các nhà máy bị tịch thu và mở cửa Ai Cập cho các nhà đầu tư người nước ngoài. Về ngoại giao, ông ấy cắt đứt với Moscow và quay sang Hoa Kỳ. Theo một cách nhìn nào đó, Sadat đã tiến hành một sự phát triển mà một phần tư thế kỷ sau đấy, ngay khi ở một quy mô hoàn toàn khác, cũng có thể quan sát thấy ở các quốc gia hình thành sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ. Từ những cán bộ cao cấp, trước đây là cán bộ cộng sản, họ trở thành nhà doanh nghiệp, những người trong lúc tiến hành các biện pháp tư nhân hóa đã chiếm lấy tài nguyên của đất nước họ và tạo ra một giới lãnh đạo mới như là giới chính trị đầu sỏ [oligarch].
Sadat và chính sách mở cửa của ông ấy
Trong một cuộc “Cách mạng sửa đổi”, Sadat loại bỏ toàn bộ những người theo Nasser ra khỏi các chức vụ lãnh đạo của họ. Hưởng lợi từ lần tư nhân hóa các nhà máy quốc doanh trước hết là những người ủng hộ Sadat và chính sách của ông ấy trong giới tinh hoa. Cuộc trao đổi, tương tự như ở Nga sau này là: giàu có đổi lấy sự ủng hộ. Sadat tạo độc quyền về quyền lực và lo sao cho không có những trung tâm quyền lực kình địch khác thành hình. Vì vậy mà ông ấy thành lập mười một chính phủ chỉ vòng trong có bảy năm với 127 bộ trưởng thuộc trong đó. Qua đó Sadat đã tạo cơ sở cho một nền quân chủ tổng thống mà chính ông ấy hưởng lợi từ nó ít hơn là người phó của ông, Husni Mubarak, người trở thành tổng thống sau khi Sadat bị giết chết. Sự độc quyền hóa quyền lực này không đồng nghĩa với sự thống trị một mình. Ở mức cấp trung và cấp thấp, Sadat cũng như Mubarak đã tạo cho những nhà giàu mới và những cán bộ cấp cao, những đại địa chủ và giới lãnh đạo quân đội một không gian đủ rộng cho lợi ích kinh doanh của họ. Nói cách khác đi là để cho họ làm giàu. Tuy vậy, món tiền thật sự to lớn lại được dành riêng cho một giới nhỏ của những người thân cận quanh Sadat và Mubarak. Những mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ được củng cố thêm qua hôn nhân. Như con trai của một nhà doanh nghiệp có tầm ảnh hưởng nhiều nhất dưới thời Sadat, Uthman Ahmad Uthman, đã kết hôn với một người con gái của lãnh tụ quốc gia. Gamal con trai của Husni Mubarak lại kết hôn với con gái của một tỉ phú khác, Mahmud al-Gamal. Nếu như dưới thời Nasser ít nhất là cũng có những khởi đầu cho một chính sách xã hội thì dưới thời Sadat, Chủ nghĩa Tân Tự do đã bước vào. Nhà nước từ bỏ hầu như toàn bộ trách nhiệm về xã hội và an sinh.
Cũng như bất cứ một chính sách nào mà chỉ phục vụ cho lợi ích của một thiểu số nhỏ, chính sách này cũng phải được rao bán như thể nó là hiện thân cho các giá trị cao quý. Với Cuộc Chiến tranh Tháng Mười năm 1973, Sadat đã tạo ra sự hợp thức hóa đấy. Trong giới sử gia đã không còn tranh cãi, rằng Sadat dự định một xung đột có hạn với Israel và sau khi chiến tranh bùng nổ cũng để cho Washington biết. Ông ấy muốn thương lượng hòa bình từ vị thế của một kẻ mạnh, làm cho quên đi nỗi nhục của chiến bại năm 1967. Quả thật là quân đội Ai Cập đã tiến chiếm được nhiều vùng đất trên Sinai, trước khi họ bị người Israel đẩy lùi. Cuộc chiến tranh chấm dứt với lần ngưng chiến do Liên Hiệp Quốc làm trung gian, cái nhiều nhất chỉ có thể đánh giá là hòa, nhưng ở Ai Cập lại được mô tả như là một chiến thắng Israel. Động cơ của Sadat xuất phát từ những tính toán thực tiễn. Ai Cập không còn có thể chạy đua vũ trang với Israel lâu thêm được nữa. Ông ấy cũng biết rõ rằng người Ả Rập vùng Vịnh sẽ đầu tư bạc tỉ vào Ai Cập ngay sau khi hòa bình đến.
Năm 1974 chính phủ Cairo ban hành “Đạo luật số 43″. Qua đó bước ngoặc tân tự do được gọi là “chính sách mở cửa” (Infitah) đã được củng cố. Với đạo luật đấy, những mảng béo bở nhất của nền kinh tế Ai Cập được đưa ra tư nhân hóa. Nhưng khác với hy vọng của Sadat, lần mở cửa không tạo ra một bùng nổ về kinh tế và cũng chỉ tạo việc làm có giới hạn. Các đầu tư hết sức cần thiết vào hệ thống hạ tầng cơ sở, thường vẫn còn xuất phát từ thời thuộc địa của Anh, đã không được tiến hành – giới thượng lưu, bị người dân gọi là “những con mèo béo”, thích đầu tư ở nước ngoài hơn. Lạm phát sóng đôi đi cùng với nợ quốc gia. Thường thì tư nhân hóa đi cùng với trợ giá. Vì nhiều tiểu nông đã phá sản do nhập khẩu lương thực thực phẩm, đồng thời cuộc cải cách ruộng đất được tiến hành dưới thời Nasser cũng bị hủy bỏ và đảo ngược lại, nên một cuộc di dân vào thành phố với quy mô lớn bắt đầu. Tròn ba triệu người Ai Cập đã kiếm sống trong những năm 1970 như công nhân di cư trong các quốc gia vùng Vịnh. Năm 1977 lần đầu tiên có bạo động vì bánh mì, bị đập tan cũng như những cuộc bạo động sau đó. Sau khi ký kết hiệp ước hòa bình với Israel năm 1979, Ai Cập trải qua một cuộc bùng nổ thật sự của những lần chi trả và đầu tư từ Phương Tây. Chỉ riêng Hoa Kỳ từ lúc đấy đã chuyển giao hai tỉ dollar trợ giúp về quân sự và tài chính. Những lần “trả tiền thưởng” cho một chính sách chính trị phục vụ Phương Tây này đã trở thành một nguồn thu nhập quan trọng và đáng tin cậy cho Ai Cập, bên cạnh những khoản tiền do công nhân di cư gửi về, tiền phí quá cảnh kênh đào Suez cũng như du lịch. Các mỏ dầu ở Sinai đã hầu như cạn kiệt trong những năm 2000.
Sadat thành lập đảng riêng của ông ấy, Đảng Dân chủ Quốc gia (NDP), thắng trong tất cả những lần bầu cử từ 1979 cho đến 2010, nhờ gian lận trực tiếp hay gián tiếp bầu cử. Người ta chờ đợi các tỉnh trưởng hay thị trưởng, những người chịu ơn tổng thống, cần phải tạo ra các kết quả bầu cử tương ứng. Nếu như họ không làm điều đấy thì sẽ mất chức. Dưới thời Mubarak, NDP biến thành một câu lạc bộ của những người siêu giàu và những người hưởng lợi từ nó – bị quần chúng căm ghét cực độ. Điều đấy giải thích tại sao trụ sở trung tâm của nó ở Cairo đã bị đốt cháy ngay từ lúc cuộc cách mạng bắt đầu trong tháng 1 năm 2011.
Sadat không lo sợ gì hơn là giới đối lập xã hội chủ nghĩa và giới đối lập theo Nasser ở các trường đại học, trong các nghiệp đoàn. Để làm cho họ suy yếu, cảnh sát và mật vụ đã tiến hành chống những người cánh tả một cách hết sức tàn bạo, trong khi các hoạt động của Huynh đệ Hồi giáo và của các phong trào đạo Hồi khác lại được ngầm khoan dung và phần nào còn được giúp đỡ tích cực. Sadat tin rằng ông ấy có thể xua những người Hồi giáo chống lại các địch thủ của ông ấy và đồng thời lại có thể kiểm soát được họ. Một sai lầm chết người. Như một phản ứng trước hiệp ước hòa bình với Israel, ông ấy bị bắn chết năm 1981 trong một cuộc duyệt binh. Thủ phạm, một thiếu úy, thuộc một nhóm khủng bố, Jihad Hồi giáo, cái sau này trở thành một phần của Al-Qaida.
Mubarak và tính cách của giới thượng lưu
Nắm giữ quyền lực mười một năm, đối với thước đo Ả Rập thì Sadat là một tổng thống ngắn hạn. Trong thời ông ấy cầm quyền, cuộc cách mạng Ả Rập tương lai đã có những gốc rễ to lớn của nó. Chính sách kinh tế của ông ấy đã khiến cho người giàu càng giàu thêm và người nghèo càng nghèo thêm. Cả dưới thời Nasser, giới đối lập cũng bị bắt và bị xử tử. Nhưng Sadat đã sử dụng quân đội, cảnh sát và mật vụ một cách có hệ thống như là những công cụ để thống trị. Mubarak người kế nhiệm ông ấy trung thành với đường lối này. Ai Cập cho đến khi lật đổ ông ấy vào ngày 11 tháng 2 ngăm 2011 là một nhà nước cảnh sát đàn áp cao độ. Sau khi ban bố tình trạng thiết quân luật như động thái trả lời cho cuộc ám sát Sadat, Mubarak đã thành lập một bộ máy an ninh với tròn 100.000 nhân viên và thêm vào đấy là một đạo quân do thám và chỉ điểm. Xóa bỏ tình trạng thiết quân lực và những đạo luật khẩn cấp đi chung với nó thuộc vào trong số những yêu cầu chính của cuộc cách mạng 2011. Núp dưới bóng của ngày 11 tháng 9 năm 2001, các phương pháp tra tấn được tăng cường, bắt bớ tùy ý tăng vọt. Không chỉ riêng tù nhân chính trị hay những người được xem là khủng bố bị hành hạ một cách có hệ thống, cả tội phạm hình sự nhẹ nữa. Ai rơi nào bàn tay của cảnh sát Ai Cập thì có thể xem như là mình có may mắn khi được trả tự do mà không bị tổn thương về tinh thần và thể xác hay được hưởng ân huệ là được dẫn ra trước một quan tòa. Chính trị gia Phương Tây đã sẵn lòng không nhìn đến những lần vi phạm luật pháp trầm trọng này, những cái chẳng thua kém gì các phương pháp của Stasi [An ninh Quốc gia của Đông Đức cũ]. Trong một cuộc phỏng vấn chứa đựng rất nhiều điều đáng nói của tờ “Frankfurter Rundschau” một tuần sau khi Mubarak bị hạ bệ, người từng là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Đức Joschka Fischer đã cấm chỉ toàn bộ những lời phê phán về sự thông đồng của ông ấy với tên trộm và kẻ chuyên quyền, vì “Mubarak là một nhân vật quyết định cho tiến trình hòa bình ở Cận Đông. Người ta không thể đơn giản chối từ điều đấy được.”
Nói cách khác: Tôi không hề quan tâm đến việc ông ấy đàn áp và cướp bóc nhân dân của ông ấy. Cái chính là có hòa bình với Israel. Thái độ này cũng có thể tượng trưng cho toàn bộ chính sách của Phương Tây, cái quan tâm đến con người trong thế giới Ả Rập thì ít mà nhiều hơn là đến những lợi ích về địa chính trị và kinh tế của chính mình. Mubarak đã rất hiểu điều đó và 30 năm liền đã quét sạch đi tất cả các lời phê phán từ bên ngoài với lý lẽ: Hoặc là tôi hoặc là những người theo đạo Hồi. Người Mỹ cũng như người Âu đi theo cái logic đó, lúc nào cũng nhìn đến nền hòa bình với Israel. Nhờ những lần chi trả bạc tỉ của mình, họ đã làm ổn định một hệ thống mà nếu không thì hoặc là đã bắt buộc phải tiến hành những cuộc cải cách thật sự hoặc có lẽ là đã sụp đổ từ lâu rồi.
Khi Nasser được đưa đi chôn cất trong tháng 10 năm 1970, hàng triệu người Ai Cập đã đổ ra đường phố để tiễn đưa người chết lần cuối cùng. Tại đám tang Sadat, gần như trùng ngày mười một năm sau đó, chủ yếu là những người quyền cao chức trọng đã hiện diện. Hàng nghìn cảnh sát đã bảo vệ họ trước những đám đông người không tồn tại. Lời phán xét về các tổng thống không thể nào rõ ràng hơn được nữa. Người ta có thể ăn mừng nền hòa bình với Israel ở Phương Tây, nó không mang lại cho người Ai Cập cả công việc làm lẫn bánh mì. Đừng nói chi đến tự do và dân chủ.
Từ những lý do khác nhau, trong số đó là bộ máy hành chính phình to, kém hiệu quả, mà tình hình kinh tế dưới thời Mubarak vẫn khó khăn, khoảng cách giữa trên và dưới to lớn vô cùng. Đóng một vai trò hoàn toàn quyết định trong đó là tính cách của giới thượng lưu. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, trong những năm 1980 và 1990, các nhà doanh nghiệp người Thổ đã tạo nền tảng cho một sự phát triển vững chắc, bằng cách xây dựng mới nhiều ngành nghề và khai thác có chủ đích những thị trường xuất khẩu mới bên cạnh Liên minh châu Âu, đặc biệt là trong các quốc gia thuộc Cộng đồng các Quốc gia Độc lập ở Trung Á, nhưng cũng cả trong Iran và các nước Ả Rập. Nói một cách đơn giản, doanh nhân người Thổ có kế hoạch dài hạn và mang tính chiến lược, ở trong vùng Trung tâm Anatolia người ta đã nhiều lần dựa trên lời kêu gọi của một hệ giá trị mang dấu ấn Hồi giáo, điều khiến cho người ta nhớ đến đạo đức học Tin Lành của Max Weber. Đứng trong tâm điểm là sự cân nhắc rủi ro và bền vững, ít Chủ nghĩa Tư bản sòng bạc hơn là ở Ai Cập. Giới thượng lưu ở đó [Ai Cập] thông thường xa lạ với tính toán kinh doanh. Có tiếng nói không phải kinh tế gia chuyên nghiệp hay doanh nhân giàu kinh nghiệm mà là dân nhà giàu mới và những người sống nhờ vào lợi tức, những người do ở gần quyền lực mà có được giấy phép, tự phục vụ cho mình từ ngân quỹ của nhà nước. Nếu như họ đầu tư trong quê hương của họ thì hầu như đều vào trong các lĩnh vực hứa hẹn kiếm được tiền nhanh chóng và dễ dàng. Đặc biệt là trong khu vực bất động sản và ngành du lịch, cái bắt đầu bùng nổ trong nửa sau của những năm 1980. Cùng thời gian đó, Ai Cập hầu như không còn có khả năng trả nợ nước ngoài được nữa. Trong liên kết với tinh thần tự vơ vét cho mình của giới tinh hoa, nợ nhà nước tăng lên đến mức vô lường. Người ta cho rằng chỉ riêng gia đình Mubarak – cha Husni, phu nhân Suzanne, các con trai Gamal và Alaa – là đã chuyển từ 40 đến 70 tỉ dollar ra các tài khoản ở nước ngoài trong thời gian 30 năm cai trị của họ. Có còn ngạc nhiên nữa không khi Ai Cập chẳng hề sản xuất ra được một sản phẩm nào có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới? Song song với đó, đất nước cạnh sông Nile đã trở thành nhà nhập khẩu lúa mì lớn thứ nhì thế giới, chủ yếu là từ Hoa Kỳ. Lúa mì chiếm một phần năm tổng lượng nhập khẩu. Nguyên nhân là sự bùng nổ về dân số (16 triệu dân năm 1950, 85 triệu 2010), cái tạo ra những lỗ hổng khổng lồ trong ngân sách, nhất là bánh mì lại được trợ giá.
Giới đối lập thành hình
Ai Cập đã có thể tránh bị phá sản chỉ vì những lý do địa chính trị. Chính trị gia Phương Tây và Ả Rập cũng như giới thượng lưu đều quan tâm trước hết đến sự ổn định của đất nước Ả Rập quan trọng nhất bên cạnh Ả Rập Saudi. Sau khi Cairo đứng về phía của liên minh chống Saddam Hussein trong Chiến tranh vùng Vịnh 1990/91 để giải phóng Kuwait, Câu lạc bộ Paris, liên minh của những quốc gia chủ nợ, đã xóa phân nửa nợ cho Ai Cập theo sáng kiến của Washington. Cũng như những khoản tiền từ lúc hiệp ước hòa bình với Israel được ký kết tại Camp David, những món tiền thưởng cho các động thái làm hài lòng như thế đã góp phần hỗ trợ quyết định cho hệ thống Mubarak và tinh thần ngồi hưởng lương hưu của giới thượng lưu. Tại sao họ lại phải cố gắng hướng đến thay đổi dưới những điều kiện như thế? Từ những số tiền khổng lồ được nói đến ở đây, hầu như không có gì xuống đến phần dưới của kim tự tháp xã hội. Con số người Ai Cập sống dưới ranh giới nghèo tăng gấp đôi dưới thời của Mubarak và ngày nay nằm chính thức ở mức 20%, trên thực tế chắc phải khoảng 40%.
Mặc cho tất cả những lần bơm tiền, tình hình kinh tế vẫn còn rất khó khăn. Trong nửa sau của những năm 1990, và mạnh hơn nữa là sau khi bước sang thiên niên kỷ mới, chính phủ đã ban hành một loạt luật lệ chủ yếu hướng đến các nhà đầu tư người nước ngoài. Ví dụ như rào cản quan liêu được hạ thấp xuống cũng như mức đánh thuế, chuyển khoản ngoại tệ được đơn giản hóa. Nhiều công ty quốc tế lớn, trong số đó là Siemens và Volkswagen, kéo đến cạnh sông Nile, để từ đấy mà khai thác thị trường Ả Rập. Qua đó, những lĩnh vực kinh doanh và việc làm mới đã thành hình thêm cho giới tinh hoa mới từ khu vực dịch vụ, bao gồm các nhân viên dotcom và các doanh nhân mới khởi nghiệp ở Cairo và Alexandria. Năm 2005, kinh tế bắt đầu bùng nổ thật sự với những tỷ lệ tăng trưởng hàng năm vào khoảng 5% mà hưởng lợi nhiều nhất từ đấy là những thành phần được đào tạo tốt từ giới trung lưu. Thế nhưng thế hệ Facebook, thành công về mặt kinh tế và trong cách sống chịu ảnh hưởng của Phương Tây nhiều hơn, lại không có cảm giác phải mang ơn Mubarak. Hoàn toàn ngược lại, họ cho rằng ông ấy và giới thượng lưu truyền thống trợ giúp ông ấy là một thứ còn sót lại từ thời phong kiến. Là những địa chủ đang cố nhờ vào đàn áp và bạo lực để bảo vệ những đặc quyền của mình.
Từ môi trường đấy, các đảng phái và phong trào chính trị đầu tiên đã đồng thời thành hình, công khai thách thức hệ thống của Mubarak, như “Kifaya” (Đủ rồi) hay “Ghad” (Ngày mai). Người thành lập Ghad, Ayman Nur, bị bắt vào đầu năm 2005 và phải ngồi tù bốn năm. Đồng thời, có những nhà làm phim và nhà văn Ai Cập xuất hiện, những người với sự thẳng thắn không khoan nhượng đã nêu rõ những hoàn cảnh không còn có thể chịu được nữa và nhờ vào vai trò là người làm nghệ thuật của mình mà có được một quyền miễn truy tố nhất định. Có thể kể ra đặc biệt là Alaa al-Aswany, về nghề nghiệp thật ra là nha sĩ. Năm 2002, ông công bố quyển tiểu thuyết “Ngôi nhà Jacoubian”, đã trở thành quyển sách bán chạy nhất trong thế giới Ả Rập sau Kinh Coran. Cả chuyển thể phim, sản xuất đắt tiền nhất cho tới nay trong lịch sử ngành điện ảnh Ai Cập đã có từ năm 1927, cũng thành công vang dội. Được kể lại là câu chuyện của nhiều nhân vật trong một chung cư cao tầng ở nội thành Cairo, được xây trong những năm 1930 và được gọi theo tên của người chủ đầu tiên của nó, một người Armenia. Câu chuyện kể bắt đầu từ thời của Nasser cho tới cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990/91. Một toàn cảnh Ai Cập thành hình: Như Zaki Bey Dessouki là một kỹ sư già được đào tạo ở Paris, người thích quấy nhiễu phụ nữ. Ông ấy giống như một cổ vật còn sót lại của Chủ nghĩa Nasser và cho rằng tôn giáo chỉ là trò bịp bợm. Taha Schazly là con trai của người trông nom nhà. Anh ấy đạt điểm xuất sắc trong trường phổ thông nhưng do nguồn gốc xã hội mà không được phép làm việc trong ngành cảnh sát. Thất vọng và đầy tức giận, anh tham gia một nhóm người theo đạo Hồi. Sau một cuộc biểu tình, anh bị bắt, bị cảnh sát hành hạ và cưỡng hiếp. Anh ấy trở thành một người khủng bố. Mohammed Azzam nguyên là một người đánh giày, nhờ những cuộc kinh doanh mờ ám mà vươn lên trở thành một trong những người giàu nhất Cairo – một người hưởng lợi từ “chính sách mở cửa” dưới thời Sadat. Ông ấy bí mật cưới thêm người vợ thứ nhì. Khi bà ấy mang thai, ông ly dị bà và bắt bà ấy phải phá thai. Nhờ tiền mà ông ấy có một chỗ đứng chắc chắn trong danh sách bầu cử và bước vào Quốc Hội đại diện cho đảng cầm quyền. Đảng này không được nêu tên ra, nhưng ai cũng biết đấy là NDP của Mubarak. Chính Mubrak cũng xuất hiện không được nêu tên trong một lúc ngắn: Như là người cao cấp nhất của mafia, một người loạn thần kinh nhân cách không có linh hồn và không có lý trí, một nhân vật như người buôn bán ngà voi Kurtz trong quyển tiểu thuyết “Heart of Darkness” của Joseph Conrad. Để giữ cho người đại biểu mới đi theo đúng đường lối của mình, vị tổng thống có tên là “người ra ơn tối cao” đã tống tiền ông ấy với vụ phá thai.
Khi được công chiếu trong rạp năm 2006, NDP cố gắng cấm cuốn phim này, nhưng lại bất ngờ thất bại trước tòa án. Tiểu thuyết và phim cũng thành công như thế bởi vì chúng đề cập một cách thẳng thắn và một phần là lần đầu tiên đến những đề tài xã hội đã không được nói tới như tình dục, đồng tính luyến ái, tham nhũng của những kẻ nắm quyền lực, những câu hỏi về tôn giáo và khủng bố.
TỪ THỢ UỐN TÓC THÀNH TỈ PHÚ
QUYỀN LỰC VÀ MAFIA
Lời phản đối có thể có, quyển tiểu thuyết của Alaa al-Aswany chỉ là hư cấu, dựa trên những phóng đại quá mức, là không thuyết phục. Còn ngược lại: reality beats fiction, như ví dụ Leila Ben Ali cho thấy. Trong Tunesia, vợ của người tổng thống đã bị lật đổ được biết đến nhiều hơn dưới tên con gái của mình là Trabelsi. Cô thợ uốn tóc đã là tình nhân của ông ấy vài năm, trước khi ông ấy ly dị người vợ đầu và cưới cô ấy năm 1992. Leila Trabelsi, sinh năm 1957, có tiếng là hiện thân của sự tham lam. Bà ấy và thị tộc của bà thật sự là đã lột sạch Tunesia, cùng với thị tộc của Ben Ali. Để tránh cho hai dòng họ không đụng chạm nhau, họ đã chia đất nước đấy ra, Đại sứ Mỹ ở Tunis đã đánh điện về Washington như thế vào ngày 23 tháng 6 năm 2008. Theo đó, thị tộc Ben Ali giới hạn ở vùng đất cạnh biển khoảng ở giữa, trong khi người Trabelsi tập trung tại Tunis và vùng lân cận.
Các đánh giá của Đại sứ quán Mỹ, được Wikileaks đưa lên mạng vào đầu 2011, là không thể nào mà rõ ràng hơn được nữa. Các tựa đề phụ chứng tỏ cho một lối nói đùa mỉa mai khác thường trong giới ngoại giao. Các câu được thêm vào trong ngoặc là của tác giả quyển sách này. Trích dẫn:
“Mọi người trong gia đình
Đại gia đình Ben Ali được xem là cốt lõi của tham nhũng trong Tunisia. Họ được cho là tương tự như mafia, và lời nói bóng gió “gia đình đấy” là đã đủ để biết rằng đang nói đến ai. Phân nửa giới kinh doanh của Tunisia đều có họ hàng với Ben Ali qua liên kết hôn nhân, và phần lớn đều ra sức lợi dụng điều đấy. Vợ của Ben Ali, Leila Ben Ali, và đại gia đình của bà ấy, dòng họ Trabelsi, đều bị người Tunisia căm ghét. Ngoài nhiều lời lên án về tham nhũng, họ bị cho là vô học, thô lỗ và phung phí lớn … Tính cách giành giật ích kỷ của dòng họ Trabelsi và sự lợi dụng hệ thống một cách trắng trợn của họ khiến cho phần lớn người Tunisia đều giận dữ. Anh em của Leila, Belhassen Trabelsi, được xem là một trong những thành viên nổi tiếng xấu nhất của gia đình. Ông ấy bị lên án là đã tham nhũng cho tới tận trong ban tổng giám đốc của Banque de Tunisie, chiếm đoạt sở hữu người khác và tống tiền … Ngoài những thứ khác, Belhassen Trabelsi sở hữu một hãng hàng không, nhiều khách sạn, một trong hai đài phát thanh tư nhân của Tunisia, nhà máy sản xuất phụ kiện ô tô, một công ty bất động sản, giấy phép bán xe hiệu Ford ở Tunesia, nhằm chỉ kể một vài kinh doanh quan trọng nhất. Và Belhassen chỉ là một trong số có lẽ là mười anh chị em của Leila, những người lại có nhiều con cái. Trong đại gia đình này, anh em Moncef của Leila và cháu trai Imed cũng là những nhân vật kinh doanh có nhiều ảnh hưởng …
Về phần mình, Ben Ali có bảy anh chị em. Người anh trai đầu của ông ấy, Noncef, là một người mua bán ma túy nổi tiếng, đã bị tuyên án vắng mặt mười năm tù ở Pháp. Với người vợ đầu của mình, Naim Kefi, Ben Ali có ba người con, Ghaouna, Dorsaf và Cyrine. Họ lập gia đình với Slim Zarrouk, Slim Chiboub và Marouane Mabrouk – mỗi một người trong số họ đều biểu hiện một thế lực về kinh tế.
Đất nước này là đất nước của anh, đất nước này là đất nước của tôi
Khu vực bất động sản bùng nổ, giá đất tăng. Ai có đất hay nhà trong đúng vùng nào đấy thì hoặc là có thể sẽ giàu lên rất nhanh – hoặc là bị tước đoạt sở hữu mà không được đền bù. Trong mùa hè năm 2007, Leila Ben Ali nhận được một mảnh đất đắt giá ở Carthage do chính phủ sang nhượng lại (không xa Tunis). Với nhiệm vụ xây dựng một ngôi trường quốc tế ở đấy. Bà ấy đã nhận 1,8 triệu dinar (1,5 triệu dollar) cho việc này … Thay vì vậy. Leila Ben Ali đã bán lại mảnh đất đấy cho các nhà đầu tư người Bỉ … (và vẫn giữ lại số tiền xây dựng) …
Tìm du thuyền thất lạc
Năm 2006, Imed và Moaz Trabelsi, cháu trai của Ben Ali, đã cho người trộm chiếc du thuyền (ở Corsica) của một doanh nhân người Pháp có nhiều ảnh hưởng, Bruno Roger, người đứng đầu ủy ban giám sát của ngân hàng Lazard Paris (và là cố vấn tài chính của Jacques Chirac cũng như của Nicolas Sarkozy). Vụ trộm … bị lộ khi chiếc du thuyền, được quét sơn mới nhưng tuy vậy vẫn không thể nào nhầm lẫn được, xuất hiện trong cảng của Sidi Bou Said (thành phố của Tunisia). Vì Roger là một VIP trong giới người Pháp, nên vụ việc đã gây mối bất hòa giữa hai nước, cho tới khi chiếc du thuyền được trả lại. (Để cho đầy đủ về mặt hình thức, Imed và Moaz Trabelsi bị đưa ra tòa ở Tunesia trong năm 2008 và được trắng án vì không có bằng chứng.)
Cho tôi xem tiền của anh
Khu vực tài chính Tunesia bị hoành hành bởi … tham nhũng và quản lý sai lầm … Để có thể vay được tiền, quen biết cá nhân quan trọng hơn là một kế hoạch kinh doanh có thể tin cậy được … 19% của các khoản tiền cho vay không được hoàn trả … Thông thường, đấy là những doanh nhân khá giả của Tunisia, những người lợi dụng những mối quen biết tốt đẹp của họ với chính quyền để tránh không phải trả nợ …
Sự cai trị của đám du côn?
Những câu chuyện về tham nhũng và trộm cắp khiến cho nhiều người Tunesia nổi giận. Nhưng còn lớn hơn nhiều là tâm trạng thất vọng về việc luật lệ không có hiệu lực cho những người có quan hệ tốt. Một người Tunisia phàn nàn rằng Tunesia không còn là một nhà nước cảnh sát nữa, mà nhiều hơn là một nhà nước thuộc mafia. ‘Ngay đến cảnh sát cũng báo cáo gia đình đấy!’, người đấy bức xúc.
Vì những người đứng ở hàng đầu là những người vi phạm luật pháp lớn nhất và điều đấy chắc chắn là sẽ không thay đổi nên không hề có bất kỳ một sự kiểm soát nào trong hệ thống cả. Con gái của một tỉnh trưởng kể rằng Belhassen Trabelsi đã vô cùng tức giận chạy vào văn phòng của ông ấy như thế nào và đã đẩy một người nhân viên luống tuổi ngã xuống đất ra sao – vì cha của cô ấy đã nhắc cho hắn nhớ rằng theo luật pháp hắn phải đóng bảo hiểm cho công viên vui chơi của hắn. Sau đấy, cha của cô đã viết một lá thư gửi cho Tổng thống Ben Ali để bảo vệ quyết định của ông ấy và phê phán thái độ của Trabelsi. Ông không bao giờ nhận được trả lời và ngay sau đấy đã bị mất chức. Các quy định kiểm duyệt ngặt nghèo của giới truyền thông lo liệu sao cho những câu chuyện về tham nhũng của gia đình không được công khai. Sự tham nhũng của họ là một vạch đỏ mà chỉ có thể bước qua đấy dưới sự nguy hiểm cho bản thân …
Lời bình
Mặc dù tham những hoành hành trên tất cả các bình diện nhưng chính những thái quá của gia đình Tổng Thống nói chung mới gây ra sự phẫn nộ ở Tunisia. Đối diện với sự giàu có được trưng ra để phô trương và với những tin đồn tham nhũng không muốn chấm dứt, lạm phát cao và một tỷ lệ thất nghiệp cũng cao càng đổ thêm dầu vào lửa. Các cuộc bạo động mới đây trong vùng công nhân mỏ Gafsa (xuân 2008, bị chấm dứt bởi quân đội) khiến cho người ta nhớ lại sự bất bình âm ỉ thường hay vỡ đập … Tham nhũng là một vấn đề chính trị cũng như kinh tế. … Toàn bộ những lời bàn tán về cái được cho là điều kỳ diệu về kinh tế của Tunesia phải được xem xét hết sức cẩn thận. Doanh nhân Tunisia hết sức dè dặt với các đầu tư trong chính nước của họ, điều cũng tự nói cho nó … Tham nhũng giống như một con voi mà ai cũng nhìn thấy nhưng không một ai được phép nói đến.”
Đấy là những phân tích rõ ràng một cách khác thường của Đại sứ quán Mỹ trong mùa hè năm 2008, những cái mà Wikileaks đã đưa lên mạng – người ta hiểu được tại sao chính trị gia và chính phủ lại căm ghét Wikileaks.
Trên đỉnh cao của cuộc Cách mạng Tunisia, Leila Trabelsi bỏ trốn ra khỏi nước vào ngày 12 tháng 1 năm 2011, hai ngày trước chồng bà. Trước đó, bà đã đích thân giám sát chuyến chuyên chở 1,5 tấn vàng có giá trị là 45 triệu euro từ Ngân Hàng Trung Ương ra đến cảng hàng không. Ngoài ra, bà đã ra lệnh cho ban giám đốc chuyển khoản 400 triệu euro sang Dubai, việc cũng đã được tiến hành sau khi hỏi ý kiến Ben Ali. Tổng cộng tài sản cá nhân của hai kẻ mafia cấp cao nhất của Tunesia được cho là năm tỉ euro.
Ông Tổng Thống đã mang bệnh ung thư không thể cứu chữa được từ lâu. Leila Trabelsi đã nghiên cứu kỹ tiểu sử của người phụ nữ người Argentina Eva Peron, người mà rõ ràng là được bà ấy đã xem như tấm gương cho mình. Cũng là một người phụ nữ từ tít ở phía dưới lên được đến tít ở trên cao và gây ảnh hưởng lớn về chính trị. Người ta cho rằng Leila Trabelsi dự định sẽ tiếp nhận chức vụ tổng thống sau cái chết của chồng mình và rồi giao lại cho người con gái đầu vào một thời điểm sau này.
Các ý tưởng của Husni Mubarak ở Ai Cập cũng tương tự như thế. Ông ấy đã đào tạo có chủ đích người con trai Gamal của mình qua nhiều năm, chống lại ý muốn của giới quân đội. Trên đỉnh cao của những cuộc chống đối ở Cairo, người Ai Cập và cùng với họ là giới công chúng của cả thế giới chờ đợi Tổng Thống sẽ tuyên bố từ chức trong bài nói chuyện trên truyền hình được thông báo trước vào ngày 10 tháng 2 năm 2010. Thay vì vậy, Husni Mubarak thông báo trong lần xuất hiện cuối cùng của mình trước giới công cộng rằng ông sẽ không bỏ rơi người dân của mình. Sau này mới biết rằng ông thật sự đã muốn từ chức vào ngày đấy. Thế nhưng Gamal và mẹ của anh ta là Suzanne đã khẩn nài ông đừng nên làm việc đấy trong bất cứ trường hợp nào – họ rõ ràng là không thể chịu đựng được ý nghĩ sẽ mất quyền lực. Do vậy mà giới lãnh đạo quân đội đã tuyên bố kỷ nguyên Mubarak chấm dứt vào ngày hôm sau.
Nhà nước như là miếng mồi của những kẻ tội phạm tham lam trong liên minh gia đình – điều đấy đã và đang có không chỉ trong Tunisia và Ai Cập. Nhưng ít khi nào các gia đình cai trị Ả Rập lại tự phục vụ cho mình một cách khoe khoang đến như thế. Có lẽ với ngoại lệ là các quốc gia vùng Vịnh, nhưng những kẻ thống trị ở đấy lại có đủ khôn ngoan mà để cho thần dân có phần trong sự giàu có từ dầu mỏ. Bao giờ cũng có nhiều động cơ và nguyên nhân làm nền tảng cho một cuộc cách mạng, không kém phần quan trọng là nguyên tắc ngẫu nhiên. Tuy vậy, cung cách cướp giật vô liêm sỉ của gia đình Ben Ali và Mubarak có thể giải thích tại sao cuộc Cách mạng Ả Rập lại bắt đầu ở chính hai nước đấy, có lẽ phải bắt đầu ở đấy. Leo Trotzki cho rằng nếu các cuộc cách mạng chỉ hình thành như là hệ quả của sự nghèo nàn thì lẽ ra chúng đã phải có thường xuyên hơn. Mohammed Bouazizi đã không tự thiêu vì anh ấy nghèo. Có lẽ anh ấy đã có thể thu xếp được với nó, và cùng với anh ấy là hàng triệu người người khác. Thế nhưng bất công và bị làm nhục, cộng với những nhân vật nắm quyền bị căm ghét – đó là một hỗn hợp dễ bùng nổ, nhất là trong thời của những phương tiện truyền thông mới và thời của giới trẻ nổi dậy. Con người chịu đựng phi tự do và độc đoán không phải là vô tận. “Người nô lệ, người cả đời mình đã nhận lĩnh mệnh lệnh, bất chợt cảm thấy không thể chịu đựng được thêm một mệnh lệnh mới”, Albert Camus viết ngay vào lúc bắt đầu của bài tiểu luận “L’homme révolté” [Người nổi loạn]. Nếu các điều kiện khung về xã hội và/hay kinh tế xấu đi thêm vào đó thì nó sẽ trở thành nguy hiểm cho những người cầm quyền. Sự việc diễn tiến cũng không khác thế ở Đông Âu năm 1989.
Vào ngày 27 tháng 2 năm 2011, nữ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp Michèle Alliot-Marie đã phải từ chức. Vào ngày 11 tháng 1, tức ba ngày trước khi Ben Ali bị lật đổ, bà ấy còn đề nghị với chính phủ Tunesia cho gửi cảnh sát Pháp sang Tunisia, để “kiểm soát tình hình an ninh”. Bà ấy được cho rằng đã nhiều lần sang Tunisia theo lời mời của nhà doanh nghiệp Aziz Miled, một người thân tín của Leila Trabelsi, bằng máy bay cá nhân của ông ấy. Bà cư ngụ trong một khách sạn sang trọng của Miled, nghỉ mát ở đấy và theo thông tin của tờ nhật báo Tunisia Tunis-Hebdo đã làm môi giới cho những vụ mua bán bất động sản giữa cha mẹ đã cao tuổi của bà và thị tộc của Tổng Thống.
Trong lúc từ chức, bà ấy tuyên bố rằng bà không làm điều gì sai trái cả.
Vì chương này viết về những người có thiện cảm nên cũng không được phép thiếu Frank Wisner. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã do dự khá lâu, cho tới khi ông ấy gián tiếp yêu cầu Husni Mubarak từ chức. Vào đầu tháng 2 năm 2011, ông ấy gửi một đặc phái viên đến Cairo, Frank Wisner đã nhắc đến, để tăng tốc kết thúc Mubarak ở sau hậu trường. Thay vì vậy, Wisner giải thích trên Hội nghị An ninh München: “Điều quan trọng là Tổng thống Mubarak tiếp tục chức vụ tổng thống của ông ấy. Chỉ có như thế ông ấy mới có cơ hội tự chứng tỏ mình trước lịch sử.”
Rõ ràng là cả Obama lẫn Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Clinton đều không biết rằng nhà cựu ngoại giao lâu năm Frank Wisner, con trai của người cùng thành lập CIA cùng tên, làm việc cho một văn phòng luật sư hết sức đặc biệt ở New York và Washington. Văn phòng này, Patton Boggs, quảng bá công khai trên trang mạng rằng họ “làm việc cho giới quân đội Ai Cập và cho Cơ quan Phát triển Kinh tế Ai Cập cũng như đại diện cho các quyền lợi về pháp luật của chính phủ (Mubarak) trong châu Âu và Hoa Kỳ”.
NỖI LO SỢ TRƯỚC SỰ BIẾN ĐỔI
Năm 1987, Tổng Thống Mỹ Ronald Reagan trong bài diễn văn trước Cổng Brandenburg ở Berlin đã yêu cầu nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên bang Xô viết dưới sự reo mừng của những người nghe đã được chọn lọc trước: “Ông Gorbachev, ông hãy giật sập bức tường này đi!” Khi rồi nó thật sự sụp đổ hai năm sau đấy, sự vui mừng là vô biên như người ta đã biết. Bài diễn văn to lớn âm vang ở khắp mọi nơi, nói về chiến thắng của sự tự do trước sự phi tự do. Các Chính phủ Phương Tây đã không hề sợ tốn công sức lẫn tiền bạc để giúp đỡ những nền dân chủ đang thành hình ở Đông Âu (và để cắt giảm ảnh hưởng của nước Nga kình địch, như mở rộng khối NATO về phía Đông). Chiến thắng của Chủ nghĩa Tư bản trước Chủ nghĩa Cộng sản cũng có nghĩa là “Sự chấm dứt của lịch sử”, nhà chính trị học người Mỹ Francis Fukuyama khẳng định trong quyển sách bán chạy cùng tên của ông ấy và trao cho Hoa Kỳ một “vai trò đặc biệt” trong truyền bá tư tưởng tự do và kinh tế thị trường. Nhà tư tưởng của phái Tân Bảo thủ thuộc trong số những người đồng thành lập “Dự án cho thế kỷ Mỹ mới” (Project for the New American Century) năm 1997, cái dự án đề nghị dân chủ hóa thế giới Ả Rập bằng cách can thiệp quân sự như ở Iraq năm 2003.
Chiếc chìa khóa để hiểu được sự cảm nhận hoàn toàn khác nhau về cuộc Cách Mạng ở Đông Âu năm 1989 và trong thế giới Ả Rập năm 2011 của giới chính khách Phương Tây và nhiều phần của giới công cộng ở đây [Đức/châu Âu] có lẽ là nằm ở đây. Sự chấm dứt của Chủ nghĩa Cộng sản và sự sụp đổ của Liên bang Xô viết không chỉ là một chiến thắng có được một cách hòa bình trước kẻ thù truyền kiếp nhiều thập niên liền. Nó đồng thời cũng mang lại cảm giác rằng người ta đang đứng ở bên mặt đúng của lịch sử. Trước nay lúc nào cũng làm, sống và nghĩ một cách đúng đắn. Từ bây giờ, bất cứ một chính sách quyền lực nào dù có thiển cận đến đâu đi chăng nữa cũng được mô tả như là sự thể hiện của một đạo đức cao cả hơn, của những giá trị Phương Tây, của tự do, dân chủ và nhân quyền. Sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, khi đạo Hồi cuối cùng tiến lên trở thành hình ảnh thù địch mới, còn có thêm một điều chắc chắn nữa: phải bảo vệ những thành quả gắn liền với sự thế tục hóa và khai sáng của một xã hội đa nguyên chống lại những thủ lĩnh Hồi giáo, khủng bố, khăn trùm đầu và “giết người vì danh dự”.
Tốt và xấu, đúng và sai
Cuộc Cách mạng Ả Rập đã được định dạng một cách sai lầm. Nó không phù hợp với cái “đĩa cứng tâm lý” đang thống trị, không tương ứng với những cảm nhận và những điều được tin chắc của đa số. Làm sao mà có thể được, khi hàng triệu những người theo đạo Hồi, những người mà theo luận điểm của Thilo Sarrazin là bị hỏng hệ gene, bước xuống đường và chỉ trong vòng vài tuần là đã lật đổ được những chế độ độc tài có từ nhiều thập niên nay mà, ở Tunesia và Ai Cập, không phải bắn đến một phát súng, không cần đến những chiến binh thần thánh, không cần đến những chiềc mũ của sự căm thù? Làm sao có thể được, khi những người phụ nữ trùm kín người chỉ còn nhìn thấy mắt lại đứng trước máy camera yêu cầu có dân chủ và tự do bằng tiếng Anh thông thạo? Làm sao có thể được, khi đám đông người đần độn đấy, say mê một tôn giáo thời Trung cổ, muốn thống trị thế giới, lại có khả năng đoàn kết, viết nên lịch sử?
Cái mà nếu người ta cứ tiếp tục dòng suy nghĩ cũng đưa ra một câu hỏi đau đớn trong nước Đức, rằng tại sao chính những người đấy lại thành công trong một việc mà người Đức không hề có thể đạt được dù ở mức sơ khai trong những năm 1930. Thế giới dường như đã đơn giản và rõ ràng như thế đấy, ví dụ như khi Hans-Magnus Enzensberger dẫn giải ra trong một bài tiểu luận dài trong tờ ZEIT sau cuộc tấn công vào Kuwait của Iraq năm 1990, rằng tại sao Saddam Hussein lại là “một Hitlert thứ hai” và một sự can thiệp quân sự chính là điều nên làm ở thời điểm này. Điều đấy đã mang lại cho ông ấy nhiều sự tán thành và công nhận, vì ông ấy đã học từ lịch sử Đức mới đây và đã rút ra những kết luận đúng đắn. Tốt và xấu, đúng và sai có vị trí cố định của nó, không khác gì ở những người phê phán Hồi giáo sau đấy.
Phản ứng lại những vụ khủng bố của 11 tháng 9 năm 2001, Hoa Kỳ và đồng minh của mình đã và đang tiến hành hai cuộc chiến tranh, ở Afghanistan và Iraq. Với mục đích chiến thắng Al-Qaida và Taliban, và lật đổ đối tác kinh doanh lâu năm Saddam Hussein mà sự thống trị bạo lực của ông ấy đã không hề khiến cho ai cảm thấy phiền hà, cho tới khi ông ấy thách thức các lợi ích về dầu mỏ của Phương Tây ở Kuwait. Các lãnh tụ Tân Bảo thủ của thế giới, trước hết là ở Hoa Kỳ, quyết định lập một nhà nước dân chủ kiểu mẫu từ Iraq mà sức tỏa sách của nó sẽ dần dần giáo dục toàn bộ vùng đấy đi đến tự do. Và giống như có bàn tay ảo thuật, xung đột Cận Đông cũng nhân tiện đấy mà sẽ được giải quyết, vì kẻ hỗ trợ khủng bố chủ yếu, Saddam Hussein, không còn nữa.
Hàng trăm nghìn người đã chết, trước hết là trong Iraq. Ở Kabul cũng như ở Bagdad, những chính phủ bù nhìn được hợp pháp hóa một cách giả dân chủ nắm quyền, những chính phủ hoàn toàn chỉ thực hiện chính sách bảo trợ [clientelism] và bỏ đầy túi cho mình. Chi phí cho cả hai cuộc chiến tranh đã vượt ranh giới nghìn tỉ từ lâu rồi. Không chiến thắng được Al-Quadi, nói chi đến Taliban, Iraq đứng ở rìa của sự phân rã nhà nước và tình trạng vô chính phủ, Hamas và Hezbollah mạnh như chưa từng bao giờ, trong Iraq và cả trong Afghanistan, Teheran có ảnh hưởng nhiều như chưa từng bao giờ. Ngay đến Francis Fukuyama cũng phải thừa nhận trong tờ New York Times năm 2006 rằng cuộc Chiến tranh Iraq là một sai lầm đáng sợ. Ông ấy còn đặt Chủ nghĩa Tân Bảo thủ, tư tưởng thống trị tất cả trong kỷ nguyên của George W. Bush, ngang với Chủ nghĩa Bolshevik dưới thời Lenin.
Đấy là những từ ngữ rõ ràng của sự tự phê phán và cũng chính vì vậy mà là một trường hợp ngoại lệ lớn lao. Nước Cộng hòa Liên bang [Đức] dưới chính phủ Schröder/Fischer đã khôn ngoan đứng ngoài cuộc chiến tranh trong Iraq. Nhưng không đứng ngoài ở Afghanistan, cái đè nặng lên chính sách chính trị của Đức cho tới ngày hôm nay. Đa số người dân không tán thành cuộc chiến tranh này. Mặc dù vậy, nó vẫn được tiếp tục, chắc chắn là còn nhiều năm nữa. Điều đấy có liên quan đến trách nhiệm trong liên minh và với việc có những người lính đã chết ở đấy và đã đầu tư những khoản tiền khổng lồ. Một chính phủ mà thừa nhận rằng đã hy sinh tính mạng con người và tài nguyên một cách vô nghĩa sẽ không được bầu lại. Nhiều hơn thế, nó đặt ra câu hỏi về hệ thống. Bị đe dọa ở đây chính là sự đồng thuận về cơ bản của chính trị Phương Tây, tức là đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền, hay nói cách đi: hướng đến các giá trị. Tất nhiên là ai cũng biết, nếu như người đấy muốn biết, rằng chính trị theo đuổi trước hết là lợi ích. Tuy vậy, sự thống trị, cả một sự thống trị được hợp pháp hóa một cách dân chủ, cũng cần đến một vẻ ngoài tốt đẹp, cần đến những từ ngữ to lớn, những lý tưởng đáng kính trọng. Với sự ích kỷ được phô trương ra ngoài một cách công khai thì không thể điều hành nhà nước về lâu dài được.
Ngừng lại!
Cuộc Cách mạng Ả Rập là một sự khiêu khích. Nó làm lung lay những điều được cho là chắc chắn. Một khi người Ả Rập thành công trong việc tự mình lật đổ các nhà độc tài – thì tại sao lại có những cuộc chiến tranh trong Afghanistan và nhất là trong Iraq? Tại sao phải dùng bạo lực thô bạo để phá cánh cửa khi những người dân tại chỗ có chiếc chìa khóa? Những người biện giải cố chấp của Chiến tranh Iraq lý luận ngược hẳn lại. Họ khẳng định rằng chính là nhờ chính sách của Goerge W. Bush mà nói chung là các tiền đề cho những cuộc cách mạng bây giờ mới được tạo ra. Hay là họ có tìm cách chứng minh rằng cuộc Cách mạng Ả Rập hoàn toàn không phải là một cuộc cách mạng. Đúng hơn, đấy là một cuộc nổi dậy của những kẻ nghèo hèn đang kéo đến những cái nồi thịt. Tất cả những điều đấy đều chẳng có liên quan gì đến dân chủ hay dân chủ hóa cả. Hưởng lợi tất nhiên là những người Hồi giáo, cái thể hiện một mối đe dọa thật sự, trước hết là cho Israel. (Nshư John B. Judis, Stop Calling It Egypt’s Revolution, trong The New Republic, 16/02/2011.)
Khi người Ai Cập nhiều ngày và nhiều tuần liền cùng nhau tìm đến những cuộc biểu tình lớn nhất đã từng có trong lịch sử của thế giới Ả Rập và trong lịch sử ít ra thì cũng là 7000 năm của đất nước này, và là một cách hòa bình, thì Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen, người là Thủ tướng Đan Mạch thuộc vào trong số những người tán thành cuộc Chiến tranh Iraq, tuyên bố trên Hội nghị An ninh München rằng những vụ lật đổ ở Tunesia và Ai Cập sẽ đặt ra cho khối NATO thêm những nhiệm vụ mới nữa. Một phán xét đáng ngạc nhiên: Hàng triệu người Ả Rập đòi hỏi tự do và một một cuộc sống tốt đẹp hơn và vị Tổng thư ký của khối NATO nhìn đấy trước hết là một vấn đề an ninh? Thách thức thật sự cho khối NATO là một thách thức hoàn toàn khác. Chúng ta cứ hãy cho rằng các quốc gia Ả Rập thật sự phát triển theo hướng dân chủ và nhà nước pháp quyền, việc khiến cho các khuynh hướng quá khích trong Hồi giáo mất đi ảnh hưởng. Thế là NATO nhất định sẽ bị mất hình ảnh của một địch thủ. Cuộc đấu tranh chống Al-Quada, chống Taliban, những kẻ khủng bố Hồi giáo chung, khống chế Iran – đó chính là cơ cở hoạt động của chính sách phòng thủ Phương Tây từ 9/11, không còn bàn cãi trong người Âu và người Mỹ. Đó không phải là “câu hỏi về giá trị”, mà là một câu hỏi thực tế về chính trị-kinh tế. Đấy đặc biệt là một “phức hợp quân sự-công nghiệp” – một khái niệm mà Tổng thống Mỹ Dwight D. Eisenhower, cũng chính là một cựu tướng lĩnh, đã phổ biến trong bài diễn văn từ giã của ông ấy vào ngày 17 tháng 1 năm 1961. Cuộc tái kết cấu quân đội [Đức] từ một quân đội của những người thi hành nghĩ vụ quân sự thành một quân đội chuyên nghiệp chủ yếu là nhờ vào nhận thức, rằng nước Đức không còn cần một quân đội để bảo vệ biên giới đất nước của mình nữa. Nhưng hẳn là cần một đội quân mạnh, có chuyên môn hóa cao, “bảo vệ tự do của chúng ta tại Hindi Kush”, như nguyên Bộ trưởng Bộ quốc phòng Peter Struck tin là như thế. Điều đấy có hậu quả cho những hệ thống vũ khí đang được sử dụng, cho sự trang bị khí tài của quân đội, cho những đơn đặt hàng tương ứng được đưa sang cho công nghiệp vũ khí. Điều đấy mang lại lợi ích, ở 28 quốc gia thuộc NATO.
Nhưng không chỉ các nhu cầu của ngành công nghiệp vũ khí đóng một vai trò trong mối liên quan này. Cũng như thế là sự thèm khát vô lường về dầu mỏ và khoáng sản của các quốc gia công nghiệp và bản hạch toán của các ngân hàng lớn, những ngân hàng mà từ nhiều thập niên nay sẵn sàng cũng như kín đáo đầu tư và quản lý những khoản tiền bạc tỉ đánh cắp từ những dân tộc Ả Rập (và không chỉ riêng họ). Sự đối nghịch giữa sự nhiệt tình và lòng can đảm đáng khâm phục của người Ả Rập về một mặt và sự dè dặt giống như đang hôn mê, nhạo báng của các chính khách Phương Tây ở mặt kia thật là không thể nào rõ rệt hơn được nữa. Trong khi người Ả Rập viết nên lịch sử thì người Mỹ và người Âu lo lắng bảo đảm các lợi ích kinh tế và sự phát triển của giá dầu. Thay vì đưa tay ra cho người láng giềng ở phương Nam, cùng vui mừng với họ và giúp đỡ họ, nỗi lo sợ về những dòng người tỵ nạn không thể kiểm soát được từ Bắc Phi lại thống trị trước hết trong giới chính trị và truyền thông. Sau cuộc Cách mạng, tròn 20.000 người tỵ nạn từ Tunisia đã vượt thành công con đường nguy hiểm qua Địa Trung Hải đến Ý. Rom và Paris không nghĩ ra được gì nhiều hơn là tạm thời đình chỉ Hiệp ước Schengen và qua đó mang rìu bổ vào những hiệp định châu Âu. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức biểu hiện sự đồng cảm, Đan Mạch còn tiến thêm một bước nữa và lại thực hiện kiểm soát biên giới rộng khắp. Để so sánh: Tunesia đã thu nhận tròn 300.000 người tỵ nạn từ Libya và phần lớn người dân đều thể hiện tình đoàn kết với các nạn nhân của Ghaddafi.
Những hình ảnh ở trong đầu
Những thèm muốn về kinh tế và địa chính trị trộn lẫn với một sự phân biệt chủng tộc tiềm ẩn, cái chấp nhận sự toàn quyền của các nhà độc tài mà không phê phán và đã không muốn hiểu, hay vẫn không muốn hiểu, rằng sự câm lặng kéo dài của các dân tộc là hậu quả của sự đàn áp chứ không phải là một thực tế văn hóa. Người Ả Rập phải cần một bàn tay cứng rắn. Anh ấy trước sau gì thì cũng chẳng hiểu gì về dân chủ cả, về tinh thần thì anh ấy chỉ biết Kinh Coran và khăn trùm đầu.
Những nhà cai trị người Ả Rập đã chấp nhận phần lớn các luật chơi do Phương Tây đặt ra. Chấp nhận càng rõ ràng thì tình hữu nghị ở hai bên bờ Địa Trung Hải lại càng sâu đậm. Và vẫn còn như thế ngay cả khi cuộc Cách mạng đã diễn ra, như ở ví dụ của Nữ Bộ trưởng đã từ chức của Bộ Ngoại giao Pháp. Các phản ứng dè dặt về lần nổi dậy lịch sử tiếp tục kéo dài sự đồng lõa lâu năm của các chính trị gia Phương Tây với đồng nghiệp Ả Rập của họ. Với sự khước từ hiện thực hầu như không còn có thể tăng thêm được nữa, nguyên Tổng Thống Pháp Jacques Chirac đã tuyên bố trong một chuyến viếng thăm chính thức ở Tunis năm 2003: “Quyền quan trọng nhất của con người là quyền có lương thực, được chăm sóc y tế, giáo dục và nhà ở … Nhìn như thế thì Tunisia rất tiến bộ khi so với những nước khác.” Sau khi chính phủ Liên bang [Đức] ký kết một hiệp định dẫn độ với Tunisia năm 2003, cái đơn giản hóa việc trục xuất những người Tunisia xin tỵ nạn đã bị từ chối, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ [Đức] Otto Schily đã ca ngợi “các truyền thống tự do và pháp quyền” trong đất nước của Ben Ali.
Cuộc Cách mạng Ả Rập dịch chuyển những hình ảnh mà chúng ta có trong đầu về Phương Đông. Điều đấy tạo nên bất an và lo sợ. Từ phương diện cân nhắc sao cho có lợi, cái thống trị trong các nền văn hóa Phương Tây, một cuộc cách mạng có một cái gì đó gây xáo trộn sâu sắc. Con người ở đấy tự đổi mới mình về chính trị, liều mạng sống của họ, trong khi chúng ta ở đây trước hết là muốn bảo quản sở hữu của chúng ta. Hay đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, kết hợp với wellness. Những người dựa sự nhận dạng của mình trên việc phân cách mình với người khác, tin chắc rằng mình thuộc một dân tộc, một cộng đồng có những giá trị chung, một nền văn hóa, một nền văn minh có ưu thế hơn, tốt hơn, có giá trị cao hơn những cái khác – người đấy bây giờ phải đối diện với những nhận thức đau đớn.
Một thành ngữ Trung Hoa nói rằng: khi ngọn gió biến đổi thổi lên thì có người xây tường và người khác xây quạt gió.
Đạo Hồi và dân chủ
Trong các xã hội Phương Tây, sự chạm trán với đạo Hồi, với lịch sử và văn hóa của nó, với những gương mặt và hình dạng xuất hiện của nó, thường mắc phải một cảm nhận bị chiếu ảnh. Hiện thực bị che chắn mất, nhường chỗ cho một hình ảnh Hồi giáo được cấu thành từ sợ hãi, định kiến, khước từ, cái nhiều lần đã dẫn đến sự khước từ công khai tất cả những gì thuộc Hồi giáo. Nhìn bề ngoài, đấy là một phản ứng trước khủng bố và bạo lực, những cái do người Hồi giáo tiến hành và gây nguy hại cho các xã hội tự do của chúng ta. Từ cách nhìn này, chậm nhất là từ 11 tháng 9 năm 2001, Hồi giáo là một tôn giáo bước ra để chiếm lĩnh thế giới. Tương ứng với điều đấy, những ai cố gắng mang lại một hình ảnh khác biệt đều hưởng tiếng xấu của một người xem thường, biện hộ cho tôn giáo, “hiểu đạo Hồi”. Ở châu Âu cũng như trong Hoa Kỳ, nỗi lo sợ đạo Hồi hiện giờ là mẫu số chung nhỏ nhất của các xã hội đang đánh mất các niềm tin về thế giới quan và đánh mất sự bảo đảm về kinh tế của chúng trong diễn tiến của toàn cầu hóa. Nó đã trở thành một yếu tố chính trị, từ rìa phải cho tới trung tâm bình dân.
Có thể cãi nhau vô tận về đạo Hồi, nếu như không làm rõ ngay từ đầu các mẫu hình cảm nhận là nền tảng. Những người có quan điểm từ chối hay thù địch với đạo Hồi nói chung, những người cho rằng người Hồi giáo là người Neandertal của thời Hiện đại, những người chưa báo giờ học cách tự chất vấn về góc nhìn của mình, ai có cảm giác dễ chịu trong thế giới của những điều mình tin tưởng, cũng sẽ phán xét cuộc Cách mạng Ả Rập khác với một người – chúng ta hãy gọi là: công dân thế giới. Một người bạn của những cái cối xay gió trong thời của biến đổi. Một người đã học cách xem quan điểm của mình là một trong nhiều quan điểm có thể. Không lầm lẫn sự thật với những lời nói dối của quyền lực và không nhất định phải theo ý kiến của số đông.
Câu hỏi, liệu Hồi giáo và dân chủ có phù hợp được với nhau hay không, đã được nhắc đến. Về cơ bản là nó vô lý. Thể hiện một tư cách mà trong đó cái được cho là sự hiểu biết, một cảm giác thắng thế rõ rệt, sự rập khuôn và đơn giản là lười suy nghĩ đã gặp nhau. Tại sao người theo đạo Hồi lại không có khả năng đi đến dân chủ nếu như họ có được cơ hội để thực hiện việc đấy? Việc một người nào đó thuộc một tín ngưỡng nào đó nói lên được điều gì về khả năng hay không có khả năng dân chủ của người đấy? Nguyên nhân cho sự quá độ đã bị chặn lại của thế giới Ả Rập-Hồi giáo, từ một xã hội phong kiến sang một xã hội công nghiệp, có nằm trong tôn giáo hay không? Nếu có thì chính xác ở đâu? Sách Khải Huyền có chịu trách nhiệm cho việc này không? Hay là những tục lệ và tập quán được thực hiện hàng ngày của một tín hữu bình thường? Người Sunni có lỗi hay không, khuynh hướng đa số trong Hồi giáo, hay người Shia? Các nhà Khai Sáng và Cải Cách trong Hồi giáo? Các nhà thần học bảo thủ? Những người thần bí, Chính Thống giáo? Cấu trúc thị tộc và bộ tộc có được viết ra trong Kinh Coran hay không? Việc phụ nữ là thứ yếu trong xã hội Hồi giáo có được các nhà tiên tri mong muốn không, hay đấy là biểu hiện của một đạo đức cổ xưa đã xơ cứng lại?
Thuộc trong số những niềm tin cơ bản của giới chính khách Phương Tây lúc trước cuộc Cách Mạng là việc các nhà độc tài sẽ bảo đảm an ninh và ổn định. Khi niềm tin này lộ ra là một sự sai lầm thì không phải sự tự phê phán đi tiếp theo sau đấy, mà là cái nhìn sợ hãi và lo lắng về phía trước: Điều gì sẽ xảy ra khi bây giờ các Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ nhận lấy quyền lực ở Ai Cập? Rồi họ có cùng Hamas, Hisbollah và Iran đe dọa Israel hay không, bãi bỏ Hiệp ước Hòa bình, mang tư thế chống Phương Tây?
Về Hamas: Những người Hồi giáo Palestine (xuất phát từ Huynh Đệ Hồi Giáo!) đã chiếm đa số phiếu trong cuộc bầu cử tự do và bí mật năm 2006, do Liên minh châu Âu giám sát. Nếu như người ta đi theo logic đang thống trị ở Phương Tây thì đấy là bằng chứng cho việc rằng người Hồi giáo, vừa mới được phép đi bầu, không nghĩ ra được điều gì tốt hơn là bỏ phiếu cho kẻ thù của những giá trị chúng ta và/hay kẻ thù của Israel. Việc thêm lần nữa đặt ra câu hỏi, liệu Hồi giáo và dân chủ có thật đi cùng với nhau hay không? Vì tất nhiên là chúng ta đấu tranh cho tự do và dân chủ ở khắp nơi trên thế giới – cho tới chừng nào mà kết quả bầu cử phù hợp với chúng ta. Nếu không được như thế, chúng ta cũng không phản đối một cuộc đảo chính quân đội như năm 1992 ở Algeria, để ngăn chận “Mặt trận Cứu rỗi Hồi giáo” thắng cử. Cũng không chống lại sự phong tỏa dải Gaza, để trừng phạt người dân ở đấy vì thái độ bầu cử của họ, bao gồm cả cuộc chiến chống Hamas vào lúc giao niên 2008/09. Dân chủ hay tự do – tất cả đều có ranh giới của nó. Câu hỏi tại sao lại có những kết quả bầu cử như thế không hề được đặt ra –hay được trả lời nhờ vào những giáo điều vững chắc. Vì Hồi giáo có khuynh hướng bạo lực và cuồng tín. Người ta nói Hồi giáo và có ý chỉ những người theo đạo Hồi. Điều đấy nghe có vẻ vô hại và đúng đắn về mặt chính trị.
Sự sợ hãi Hồi giáo không chỉ phá hỏng sự chung sống của những người có tiểu sử khác nhau trong một xã hội toàn cầu hóa. Nó cũng ngăn chận, trong chính trị đối nội cũng như đối ngoại, một tranh luận khách quan về những vấn đề đang tồn tại và dịch chuyển những mâu thuẫn lợi ích lên bình diện của một “cuộc đấu tranh của các nền văn hóa”, cái biết cách phân biệt tốt xấu rõ ràng. Vì thế mà cũng có gì đáng ngạc nhiên khi đạo Hồi và Trào lưu Chính thống Hồi giáo, cũng được gọi lả Chủ nghĩa Hồi giáo hay Hồi giáo chính trị, trong cảm nhận ở đây được đánh đồng với nhau. Các khái niệm này mô tả một phát triển đặc biệt thời sau này của tín ngưỡng Hồi giáo, chưa được 100 năm tuổi, cái có mục đích là chiếm giữ quyền lực và thực hiện nó trên cơ sở của (cái được gọi là) những giá trị Hồi giáo, thường trong hình thức của Luật Hồi giáo, Sharia. Trong đó, nội dung tín ngưỡng được công cụ hóa cho chính trị và được dùng để tác động đến quần chúng. Trào lưu Chính thống không chỉ là một hiện tượng riêng của đạo Hồi, nó có trong tất cả các tôn giáo. Những người theo Trào lưu Chính thống đấu tranh cho các lý tưởng khác của cách sống và của các nguyên tắc trật tự xã hội khác với ví dụ như những người hiện đại. Họ trước hết là bảo vệ cho một quyền lực xưa cũ được xem là đang bị đe dọa, trong kinh tế, chính trị và nhất là trong gia đình. Những câu hỏi về phụ nữ và đạo đức theo đó không phải là những đề tài thay thế cho các lý do “thật sự”, mà đúng là đứng trong trung tâm của cuộc đấu tranh.
Những người của Trào lưu Chính thống Hồi giáo muốn gì?
Cần phải phân biệt Trào lưu Chính thống Hồi giáo với Chính thống giáo, như được thể hiện trước hết là ở Đại học Al Azhar trong Cairo, quyền lực tối cao trong Hồi giáo Sunni. Nó cũng cần phải được phân biệt với Hồi giáo nhân dân, với những huyền bí tín ngưỡng của nó (đạo Sufi) và tôn thờ thánh thần, với những người tiên tri rày đây mai đó và những người bói toán của nó. Nhưng trước hết là cần phải phân biệt nó với Hồi giáo cổ truyền mà đại đa số những người Hồi giáo đều theo nó. Tức là với Hồi giáo mà đã được thực hành bởi những người tin vào nó từ thời xưa, được các nhà thần học và học giả về luật lệ, được các triết gia và khoa học gia, được các nghệ sĩ và thi sĩ làm gương và diễn giải. Luật lệ và văn hóa, cấu trúc xã hội, sự cảm nhận các giá trị nói chung là chịu ảnh hưởng sâu đậm của quan niệm tôn giáo truyền thống này. Các ranh giới giữa những thế giới khác nhau của Hồi giáo cũng không rạch ròi.
Chủ nghĩa Hồi giáo là một sự phản khán về xã hội cũng như chính trị. Thông thường, nó không đưa ra được một mô hình để vượt qua được những vấn đề đang tồn tại, hơn thế, nó là một triệu chứng của sự khủng hoảng. Một mô hình tư tưởng và mang lại sự nhận diện cá nhân trước hết là cho những người bị mất địa vị trong xã hội. Tuy vậy, cũng không được quên một thiểu số quan trọng từ những người “tự yêu mình và đã bị tổn thương” từ giới thượng lưu và trung lưu, những người đối diện với sự biến đổi xã hội quá nhanh chóng, như trong các quốc gia vùng Vịnh, thường mơ về một “tổ ấm”. Họ thường khâm phục và đồng thời cũng khinh miệt Phương Tây, trước hết là các cách thức sống phóng khoáng của nó và tự hỏi rằng tại sao họ lại không tự mình đặt dấu ấn lên thế giới, như tổ tiên của họ trong đầu thời Trung cổ, kỷ nguyên vàng son của Hồi giáo. Trên bình diện lãnh đạo, có nhiều người đã tốt nghiệp đại học, những người mà không tìm thấy một cơ hội cho sự nghiệp nào ở những nơi khác. Xuất phát từ sự băn khoăn về hiện đại, ngoại trừ những thành tựu về kỹ thuật như Internet, những người của Trào lưu Chính thống Hồi giáo thích chạy trốn vào trong một quá khứ đã được lý tưởng hóa, thời đầu của Hồi giáo mà được xem như là toàn hảo: khi nhà tiên tri Mohammed cùng với chỉ một vài người khởi hành để lập dựng một đế chế.
Một giáo viên tiểu học trẻ tuổi đã làm sống lại những hy vọng không thành về một tầm vóc to lớn cho Hồi giáo. Hassan al-Banna (1906-1949) được xem là nhà tư tưởng nổi tiếng đầu tiên của Trào lưu Chính thống Hồi giáo. Năm 1928, ông thành lập Huynh Đệ Hồi Giáo ở Ai Cập, hình thức nguyên thủy của tất cả các phong trào Hồi giáo và cho đến ngày nay vẫn còn hoạt động tích cực trong nhiều quốc gia Ả Rập. Hassan al-Banna tin rằng đạo Hồi chính là một trật tự sống rộng lớn, duy nhất và không thể so sánh được, vì đã được chính Thượng Đế bộc lộ ra. Những người thuộc Trào lưu Chính thống Hồi giáo thường hay từ chối việc diễn giải những bản văn kinh điển, vì điều đó có nghĩa là giải thích lời của Thượng Đế. Phái Chính thống giáo của đạo Hồi chính là địch thủ không khoan nhượng của họ, vì quan điểm đấy đặt dấu hỏi lên quyền diễn giải tối thượng của họ và qua đó là yêu cầu về quyền lực của họ. Cả một thời gian dài, người Hồi giáo dù theo định hướng nào cũng thống nhất với nhau trong hai mục đích: đấu tranh chống những kẻ cầm quyền bất tài và tham nhũng của họ, và giải phóng thế giới Ả Rập-Hồi giáo khỏi Phương Tây và ảnh hưởng của nó. Thời đấy, vấn đề ở Ai Cập là cuộc đấu tranh chống những ông chủ thuộc địa Anh, ngày nay, Mỹ là kẻ thù lớn của Hồi giáo: Hoa Kỳ và đồng minh Israel ở Cận Đông của nó.
Thế nhưng Huynh Đệ Hồi giáo không dừng lại ở ý thức hệ. Từ những ngày đầu tiên, họ đã có những dịch vụ xã hội không mất tiền, nhưng bữa ăn cho người nghèo hay chăm sóc về y tế. Điều đấy giải thích cho sự ủng hộ to lớn trong quần chúng, những người không trông mong được nhà nước giúp đỡ. Tại tất cả các nhóm Hồi giáo, “truyền đạo” và giúp đỡ nhau bao giờ cũng đi tay trong tay, cả ở Hamas và Hisbollah (người Shia).
Kế tiếp theo sau Hassan al-Banna, người có lẽ đã là nạn nhân của một cuộc tập kích của mật vụ Anh, là nhà xuất bản và hoạt động xã hội Sayyid Qutb (1906-1966), người cũng như al-Banna có quê quán ở Thượng Ai Cập. Năm 1950, sau một thời gian ở Hoa Kỳ, ông ấy tham gia Huynh Đệ Hồi Giáo. Ông ấy nhìn sự chia cắt giữa tôn giáo và cuộc sống xã hội, như đã diễn ra ở Phương Tây, là nguyên nhân cho những căng thẳng xã hội, cho phân biệt chủng tộc và thiếu tình đoàn kết. Đồng thời, ông ấy phản đối sự Phương Tây hóa về văn hóa đang bắt đầu trong thế giới Ả Rập. Sau một cuộc ám sát Nasser bất thành được cho là của Huynh Đệ Hồi Giáo, ông với nhiều người khác phải vào tù. Ở đấy, ông viết quyển sách với tựa đề “Những cột mốc”. Luận điểm chính của ông: chỉ với sự giúp đỡ của cách mạng, những bất công bằng xã hội mới biến mất. Ông hiểu cách mạng là việc đạo Hồi, như một cách sống bao quát, chiếm ưu thế trong tất cả các lĩnh vực của xã hội. Từ cách nhìn của ông ấy, nhà nước Hồi giáo không cần tổng thống mà cũng không cần vua, hơn thế, Thượng Đế chính là người cai trị và Sharia chính là đạo luật duy nhất. Sau khi “Những cột mốc” được xuất bản, Sayyid Qutb, lúc này đã được trả tự do, lại bị bắt giam và cuối cùng bị xử tử. Song song với đó, Huynh Đệ Hồi Giáo bị cấm. Họ đi vào bí mật, cán bộ và nhiều thành viên phải chạy trốn sang Ả Rập Saudi, nơi họ được nhanh chóng tiếp nhận. Quốc gia ở sa mạc, nước sở hữu tài nguyên dầu mỏ lớn nhất thế giới, đang đứng trước ngưỡng của một cuộc bùng nổ kinh tế không tiền khoáng hậu.
Quyền lực và tôn giáo
Mãi đến năm 1932, Ả Rập Saudi mới thành hình, nhưng lịch sử hiện đại của đất nước này đã bắt đầu ngay từ thế kỷ 18 với sự liên minh giữa người lãnh tụ bộ tộc Mohammed Ibn Al Saud và nhà truyền giáo Mohammed Ibn Abd al-Wahhab (1703-1791). Học thuyết do ông thành lập, Thuyết Wahhab, cho tới ngày nay là giáo điều nhà nước trong Ả Rập Saudi và cuối cùng cũng là một biến thể thời đầu của Trào lưu Chính thống Hồi giáo, chỉ dựa trên những quy tắc luật lệ và mô hình dân túy từ thế kỷ thứ bảy, thời của nhà tiên tri Mohammed và những người đầu tiên tiếp bước theo ông ấy. Đấy là một liên minh mà hai bên cùng có lợi. Thuyết Wahhab bây giờ tìm được sự hỗ trợ bởi một vương triều mạnh, và ngược lại, dòng họ Al Saud có thể hợp thức hóa về mặt tôn giáo lần chinh phục các bộ tộc Ả Rập còn lại, được bắt đầu chẳng bao lâu sau đấy, cho tới lần nhận lấy quyền lực trong vương quốc được gọi theo họ của họ, Ả Rập Saudi. Cho tới ngày nay, các nhà thần học và học giả về thuyết Wahhab vẫn còn là trụ cột cho triều đại Saud. Sự quay về quá khứ của họ giải thích, chỉ kể ra như một ví dụ, tại sao ở đấy phụ nữ không được phép lái ô tô.
Nếu không có sự liên kết với thị tộc Al Saud thì có lẽ Thuyết Wahhab vẫn còn là một phong trào không quan trọng và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn như một giáo phái, một lời chú giải của lịch sử. Thế nhưng nhờ sự giàu có qua dầu mỏ mà từ những năm 1960 nó phát triển trở thành người chi tiền quan trọng nhất cho các phong trào Chính thống Hồi giáo trên thế giới, kể cả Taliban. Với thông điệp đơn giản của nó, với niềm tin vào sứ mệnh của nó và với đạo đức nghiêm ngặt của nó, Thuyết Wahhab, trong liên kết với tài nguyên tài chính bất tận của nó, đã xâm nhập đến tận những ngóc ngách xa xôi nhất của thế giới Hồi giáo và cũng tài trợ cho nhiều công trình xây dựng nhà thờ Hồi giáo trong châu Âu. Đối diện với một quyền lực có tác động mạnh như thế, những phiên bản tự do và sáng tỏ của Hồi giáo lại càng khó bắt rễ trong xã hội của những người Hồi giáo.
Như đã nhắc đến, lần thảm bại của giới Ả Rập trước Israel trong Chiến tranh Sáu Ngày năm 1967 đánh dấu một bước ngoặc kỷ nguyên. Kỷ nguyên của Chủ nghĩa Dân tộc Ả Rập, được thể hiện trước hết là qua Gamal Abdel Nasser, chấm dứt một cách đột ngột, thay vào đấy, đạo Hồi chính trị vươn lên trở thành một hệ tư tưởng có khả năng huy động quần chúng. Bước đường chiến thắng của nó không được Phương Tây quan tâm nhiều cho lắm vào lúc ban đầu. Cuối cùng, cuộc Cách mạng của người Shia và lần tiếp nhận quyền lực của Ajatollah Khomeini năm 1979 ở Iran đã khiến cho Chủ nghĩa Hồi giáo trở thành một yếu tố quyền lực cùa chính trị quốc tế – cũng như lần giết chết Sadat trong Ai Cập năm 1981. Tuy mô hình cách mạng của người Shia không thể xuất khẩu sang các quốc gia của người Sunni, nhưng lực thu hút của Khomeini có tác động rộng khắp trong thế giới Ả Rập.
Như một sự phản ứng lại các sự kiện ở Iran, vương triều Saudi, vương triều tự nhận lấy cho mình quyền lãnh đạo trong thế giới Hồi giáo, kêu gọi cuộc Chiến tranh Thần thánh, để giải phóng Afghanistan khỏi sự chiếm đóng của Xô viết (1979–1989) đã xảy ra trong năm của cuộc Cách mạng Iran. Một công cụ cho sự tự hợp thức hóa của dòng họ Saudi và của chính sách quyền lực Mỹ trong cuộc cạnh tranh với Khomeini và với Moscow. Người Hồi giáo quá khích từ Algeria cho tới Pakistan, trong số đó là Osama bin Laden, đổ về Afghanistan hàng nghìn, được tài trợ bởi Riad, được trang bị vũ khí bởi Washington, và chiến đấu chống cái xấu ở Hindi Kush.
Thế nhưng sau cuộc Chiến tranh vùng Vịnh 1990/91 để giải phóng Kuwait bị Iraq chiếm đóng, chức năng là van xả của Jihah quay lại nhằm vào những người tạo ra nó. Các “Chiến binh Thần thánh”, phần lớn đã trở về quê hương, bây giờ lại xem cường quốc thế giới USA đã thêm mạnh và triều Saudi như là những kẻ thù chính của đạo Hồi. Họ một phần đi vào bí mật và dùng bạo lực khủng bố để đấu tranh chống lại các chính phủ theo Phương Tây trong nước họ: ở Algeria, Ai Cập, Ả Rập Saudi, ở Jemen, ở Pakistan. Năm 1993, World Trade Center ở New York lần đầu tiên trở thành mục tiêu của một vụ khủng bố.
Tuy vậy, vào lúc ban đầu, bạo lực của những người Hồi giáo hầu như chỉ hướng đến các chính quyền Ả Rập bị căm ghét hay chống lại lực lượng chiếm đóng Israel (Hamas, Hisbollah). Những cuộc tấn công khủng bố các cơ sở của Mỹ và Phương Tây, trừ những trường hợp ngoại lệ, chỉ được ghi nhận trong nửa sau của những năm 1990 và trải qua đĩnh cao của nó vào ngày 11 tháng 9 năm 2001.
Vào lúc ban đầu, những người của Trào lưu Chính thống Hồi giáo nhận được sự ủng hộ trong các tầng lớp ở phía dưới của xã hội cũng như trong giới trung lưu. Họ được lòng người dân không phải vì sự ao ước có một quốc gia thần quyền mà là vì tình cảnh xã hội và chính trị không thể chịu đựng được. Nhà thờ Hồi giáo là nơi công cộng duy nhất không hoàn toàn đứng dưới sự kiểm soát của nhà nước. Trong nhiều nước Ả Rập, không gian thuộc đạo giáo đã trở thành nơi trốn tránh cho sự phản đối. Trước hết thảy là trong Algeria, nơi mà lần thắng cử chắc chắn của “Mặt trận Cứu rỗi Hồi giáo” năm 1992 đã được ngăn chận bởi một cuộc đảo chính quân sự đẫm máu. Đối với người đi bầu, những người để râu đó là sự lựa chọn khác duy nhất trong một hệ thống chính trị giao đặc quyền vô hạn về cho một giới tinh hoa nhỏ, trong khi đa số người dân sống trong nghèo khổ tuy là đất nước này giàu về dầu mỏ và khí đốt. Giới tinh hoa cầm quyền của Algeria chủ yếu xuất phát từ giới của những người kháng chiến thuộc FLN [Front de Libération Nationale – Mặt trận Giải phóng Quốc gia], những người mà sau khi Algeria độc lập với Pháp năm 1962 không hề có ý định gì tốt đẹp hơn là chia chác nhau quốc gia và tài nguyên của nó. Tiếp theo sau đấy, các đặc quyền của họ được các người con của họ thừa hưởng. Người Algeria không còn có thể chịu đựng được nhóm mafia của mình nữa và muốn bầu cử để truất phế họ trong lần bầu cử tương đối tự do đầu tiên và – như sau này có thể thấy được – cũng là lần cuối cùng.
Sau lần đảo chính là một cuộc nội chiến đáng sợ, được cả hai bên, quân đội và người Hồi giáo, tiến hành với sự tàn nhẫn không khoan nhượng và bất chấp tổn thất. Có ít nhất là 200.000 người đã chết trong những năm sau đó. Không chỉ trong Algeria mà cả trong toàn thế giới Ả Rập, bạo lực và khủng bố của những người Hồi giáo đã khiến cho hình ảnh của họ xấu đi nhanh chóng. Giới trung lưu rời xa những nhóm sẵn sàng dùng bạo lực, giới hạ lưu thì ít hơn. Họ lo sợ một cuộc “Taliban hóa” đất nước của họ. Thay vì vậy, họ cố gắng tạo ảnh hưởng đến sự phát triển chính trị qua bầu cử. Không thành công, nhưng giới trung lưu thành thị cũng không muốn có nội chiến và vô chính phủ. Những người Hồi giáo trung hòa, ví như Huynh Đệ Hồi Giáo ở Ai Cập, những người đã từ bỏ bạo lực ngay dưới thời Sadat, hay “Mặt trận Hành động Hồi giáo” ở Jordan về phía mình lại tìm cách dàn xếp với quyền lực. Vào khoảng bước sang thiên niên kỷ mới, Chủ nghĩa Hồi giáo sẵn sàng dùng bạo lực đã trên đường rút lui, chính trị cũng như “quân sự”. Trừ một vài ngoại lệ, trong số đó là Al-Qaida.
Chúng ta hãy ghi nhận: Trào lưu Chính thống Hồi giáo khởi thủy là một phong trào chống đối có định hướng chống lại chính quyền của mình cũng như chống lại sự bá chủ của Phương Tây. Chủ nghĩa Hồi giáo không phải đồng nghĩa với khủng bố, người đạo Hồi hoàn toàn không có xu hướng bạo lực về cơ bản. Nhiều đảng điều hành nhà nước đã xuất phát từ hàng ngũ của họ. Đặc biệt là “Đảng Công bằng và Phát triển”, AK-Partisi, đang cầm quyền hết sức thành công tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Một đạo Hồi gần gũi
Song song với đó có một sự phát triển mới từ lúc chuyển đổi thiên niên kỷ, sự phát triển mà một vài nhà quan sát Phương Tây gọi là “Trào lưu Chính thống Mới”. Sau khi cuộc nổi dậy chống những kẻ đang thống trị thất bại, một “phong trào” mới thành hình. Những người Hồi giáo ngoan đạo, đặc biệt là từ giới trung lưu, chấp nhận ý nghĩ rằng không thể chiếm lĩnh quyền lực qua chính trị. Thay vào đó, họ dựa trên ý tưởng nhờ vào những lời kêu gọi về đạo đức để làm trong sạch xã hội nói chung. Những lời phê phán kẻ cầm quyền câm lặng đi. Thay vào đấy là lời kêu gọi thức tỉnh hướng đến tất cả mọi người, kể cả những người đang câm quyền, rằng hãy đối xử theo như đạo Hồi, “làm cái tốt và tránh cái xấu”. Quốc gia thần quyền không phải là mục đích mà là một cộng đồng Hồi giáo từ anh em và chị em, những người đưa tay cho nhau. “Trào lưu Chính thống Mới” không phải là một nhóm đồng nhất. Trong hàng ngũ của họ có những người Hồi giáo cũ cũng như những người theo truyền thống hay những người Hồi giáo bảo thủ.
Các nhà truyền giáo xuất hiện trên truyền hình, nhanh chóng đến được với hàng triệu khán giả, đặc biệt là nhờ vào các đài truyền hình vệ tinh mới. Thông điệp đơn giản cũng như vui mừng của họ là: Thượng Đế yêu ngươi. Một trong số những người thành công nhất của giới này là người Ai Cập Amr Khaled, một người giống như người con rể có sức thu hút, làm đầy các sân vận động mà chẳng tốn nhiều công sức và cũng được những kẻ đầy quyền lực thích nghe, vì ông ấy không làm cho ai đau: hãy chấp nhận số phận của mình, trước sau gì thì nó cũng làm những gì mà nó muốn. Cái chính là bạn hãy hạnh phúc và hãy nghĩ đến Thượng Đế. Chủ nghĩa đạo Hồi dễ chịu và gần gũi này được giới trẻ ưa thích và đã góp phần quyết định trong việc phi chính trị hóa các không gian tín ngưỡng. Đối với thế hệ Facebook, đạo Hồi là hệ tư tưởng thì ít, phần nào còn chẳng là tín ngưỡng thường ngày nữa, mà nhiều hơn là một cách sống. Người ta ăn Halal-Food (được chế biến theo đúng đạo giáo hơn), mang khăn trùm đầu từ thời trang cho tới sexy, uống Zam-Zam Cola (được gọi theo nguồn của Mekka), tìm bạn của mình qua Dating-Portal Hồi giáo, quan tâm đến ngân hàng Hồi giáo với việc cấm lấy tiền lãi, ăn kiên trong tháng Ramadan vì thấy điều đấy hay, và thích Amr Khaled vì tất cả mọi người đều thích ông ấy.
Các nhà xã hội học Ả Rập không dùng khái niệm “Trào lưu Chính thống Mới”. Thay vì vậy, họ nói về một Phong trào Salafi và còn có ý bao hàm rộng hơn nữa. Trong đó là từ Ả Rập cho tổ tông và tiền bối. Trong thế kỷ 19, người Salafi là các nhà tư tưởng đầu tiên muốn hòa giải Hồi giáo với hiện đại. Họ tuyên truyền cho một “bước ngoặc tư tưởng và đạo đức”, cho một cách đọc hiện đại Kinh Coran và yêu cầu các tín đồ hãy rút ngắn khoảng cách tri thức giữa xã hội Hồi giáo và Phương Tây. Ngày nay, khái niệm này đã bị đảo ngược lại. Theo người Hồi giáo gọi, “người Salafi” là những người không quan tâm đến một đạo Hồi gần gũi mà đến giáo điều và đến sự thực hiện một cách nghiêm ngặt luật Hồi giáo như họ hiểu nó. Đàn ông để râu, phụ nữ trùm kín và chỉ ra khỏi nhà ra có lý do chính đáng. Phong trào Salafi chủ yếu là một hiện tượng của tầng lớp dưới của xã hội và đứng gần với Thuyết Wahhab Ả Rập Saudi, thuyết ra sức giúp đỡ nó về mặt tư tưởng cũng như tài chính.
Điều đấy là một nghịch lý, khi hàng triệu người Ả Rập đã sống như công nhân ngoại quốc trong Ả Rập Saudi và đã không thích thú phong cách sống khắc khe ở đấy nhiều lắm, đi cùng với sự ra vẻ mộ đạo và đạo đức giả. Cả nước Cộng hòa Hồi giáo (Sunni) Iran cũng ít được người Ả Rập cho rằng đấy là một mô hình thành công đáng được noi theo. Các trải nghiệm với Hồi giáo chính trị trong phần lớn các trường hợp đều khiến cho người ta thất vọng. Cả Chủ nghĩa Dân tộc Ả Rập lẫn tôn giáo đều không chỉ ra được cho người dân con đường đi đến một tương lai tốt đẹp hơn. Bây giờ phải tìm những giải pháp thực dụng cho các vấn đề cụ thể. Bắt đầu với việc đuổi cổ các nhà độc tài.
Điều đấy không có nghĩa là con người phải từ bỏ niềm tin của họ, còn ngược lại nữa. Trước đây 20 năm, 90% phụ nữ Ai Cập đều không che mặt. Ngày nay là không hơn 10%. Sự phát triển này có nhiều nguyên nhân, thường có liên quan đến sự phản kháng, với sự phân định ranh giới, với sự tìm kiếm một nhận dạng riêng cho mình. Sẽ là một sai lầm nếu lầm lẫn sự ngoan đạo của nhiều người Ai Cập, và nói chung là người Ả Rập, với chính trị hóa. Cuộc tranh luận về khăn trùm đầu ở chúng ta [Đức], quay quanh sự đàn áp phụ nữ và tính không thích hợp với dân chủ, ít có liên quan hay không hề có liên quan gì đến hiện thực cuộc sống của phụ nữ Ả Rập.
Tóm lại: Hồi giáo chính trị nằm trong một quá trình biến đổi liên tục, nó không tồn tại ở bên ngoài những điều kiện khung xã hội, những cái về mặt mình lại tồn tại ngày càng ngắn ngủi hơn trong khung cảnh toàn cầu hóa. Thời vàng son của các hệ tư tưởng Hồi giáo đã qua rồi. Những người Hồi giáo sẵn sàng dùng bạo lực hoạt động trước hết là trong những quốc gia có nhiều người vô chính phủ như Somalia, Iraq, Jemen, Pakistan, Afghanistan mà Al-Qaida cũng đã tìm thấy được nơi nương náu ở đấy. Cuộc đấu tranh của Hames và Hisbollah chống lại sự chiếm đóng của Israel là một trường hợp đặc biệt. Những kẻ khủng bố theo đạo Hồi có khả năng tập kích ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng họ không là phần của một phong trào xã hội. Tuy vậy, họ lại đặt dấu ấn nhiều nhất lên hình ảnh của Hồi giáo như là một tín ngưỡng cuồng tín, sẵn sàng dùng bạo lực. Cảm giác đấy sai lầm. Cũng như ý tưởng rằng những nhà độc tài Ả Rập sẽ bảo vệ nhà nước và xã hội trước sự cuồng tín tôn giáo. Chưa từng bao giờ như vậy. Ngược lại, họ còn cho những người Hồi giáo được toàn quyền hành động, cho tới chừng nào mà bạo lực của họ hướng đến những người ngoài đạo phê phán chính quyền, đến các nhà cải cách Hồi giáo và giới trí thức không được ưa thích. Cho đến giết người vì chính trị. Nói cách khác, Hồi giáo chính là sự thể hiện của một khởi đầu mang tính lịch sử. Nó tìm, cả bằng bạo lực, một con đường bền vững để đi vào hiện đại.
Châu Âu cũng đã trải qua những khởi đầu tương tự như thế trong hai thế kỷ vừa rồi. Và đã để lại những dấu vết đẫm máu hơn nhiều khi so với sự khủng bố tồi tệ nhất từ Hồi giáo. Chỉ cần nhớ lại những người đã chết trong Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến.
QUẢNG TRƯỜNG TAHRIR
CHÚNG TÔI LÀ NHÂN DÂN
Ben Ali vừa mới bị lật đổ trong Algeria thì cuộc Cách mạng Ả Rập đã diễn ra tiếp tục ở Ai Cập, như trong một hệ thống của những cái ống trao đổi thông tin với nhau. Tại sao lại ở đó? Tất nhiên cũng vì tròn 20 triệu người Ai Cập trong lứa tuổi từ 18 đến 29 đang chen lấn ra thị trường lao động, nhiều người được đào tạo tốt, với ít cơ hội – về mặt xã hội học là các “nhân tố lý tưởng của sự biến đổi”. Họ yêu cầu có việc làm và tự do, họ ghê tởm sự tham nhũng tràn lan khắp mọi nơi, và họ muốn được lắng nghe và được tôn trọng. Điều đấy cuối cùng có trong hết thảy các quốc gia Ả Rập. Tuy có sự giống nhau trong cấu trúc xã hội và chính trị, nhưng vẫn có sự khác biệt giữa các nước với nhau, những cái khác biệt gợi ý tại sao cuộc Cách mạng của Tunesia lại có thể lan sang Ai Cập – chứ ví dụ như không lan sang Algeria. Ở đấy, người dân vẫn còn bị chấn thương bởi cuộc nội chiến kéo dài nhiều năm. Gần như người Algeria nào, kể cả giới trẻ, cũng đều quen thuộc với hình ảnh xác chết trên đường phố.
Tương tự như trong Tunesia, sự bất bình và phản kháng cũng đã bị dồn nén lại qua nhiều năm trong Ai Cập, không chỉ riêng trong thế hệ Facebook mà cả trong giới công nhân cũng như nhân viên. Tháng 9 năm 2007, trong các thành phố thuộc đồng bằng sông Nile Kafr ad-Dawar, Al-Mahalla, Tanta và Zelfta đã xảy ra những cuộc đình công và biểu tình tự phát của những người công nhân dệt may ở đấy. Các cuộc bạo động kéo dải nhiều ngày đã tự phát bùng nổ, được các ủy ban địa phương tổ chức và đạt được thành công phần nào, ví dụ như điều kiện làm việc được cải thiện. Mặc dù người ta dùng bạo lực để chấm dứt những cuộc đình công đấy, chúng đã đưa ra một thước đo. Trong năm kế tiếp theo sau đó, nhân viên nhà nước ở Cairo đình công, trong đó là các nhân viên tài chính, những người không thu thuế hai tháng liền. Những người đình công muốn có thêm lương và những khoản phụ cấp xã hội. Họ cũng biểu tình diễu hành qua đường phố, một phần còn giơ thẻ đảng viên của đảng chính phủ NDP lên. Điều đấy khiến cho người ta khó dùng gậy đập tan những cuộc phản kháng hơn.
Thế hệ Facebook
Ở Ai Cập cũng như ở Tunisia, cuộc nổi dậy đã ở trong không khí trước khi cuối cùng rồi nó cũng nổ ra. Cuộc nổi dậy bắt đầu ở Cairo mà không có người lãnh tụ hay tổ chức, được hỗ trợ bởi những truyền thông mới. Vào ngày 25 tháng 1 năm 2011, hàng nghìn người đã xuống đường sau khi nhiều nhóm khác nhau trong Internet đã kêu gọi một “Ngày Thịnh Nộ”. Đã xảy ra những cuộc đụng độ đầu tiên với cảnh sát, những cuộc nổi dậy lan sang các thành phố khác. Chính quyền cố dùng cảnh sát và mật vụ để tái lập yên tĩnh và trật tự bằng bạo lực. Quân đội ra quân với xe tăng, nhưng không nổ súng. Có những người chết và bị thương đầu tiên, thế nhưng cuộc nổi dậy của nhân dân không còn có thể được ngăn chận lại được nữa. Mặc dù Bộ Nội vụ cắt Internet và điện thoại di động, sau buổi giảng đạo thứ sáu ngày 28 tháng 1, hàng chục nghìn người đã đổ đến Quảng trường Tahrir (“Quảng trường Giải phóng”) nằm ở trung tâm , quảng trường mà từ lúc Nasser lật đổ nền quân chủ năm 1952 và chấm dứt thời kỳ thuộc địa của Anh đã có tên là như thế. Qua đó, lần từ chức của Mubarak đã được bắt đầu đếm ngược. Phần lớn các trụ sở cảnh sát ở Cairo bị đốt cháy, cũng như trụ sở chính của đảng cầm quyền NDP. Các bộ và cơ quan nhà nước đóng cửa. Cảnh sát, lực lượng bị người dân khiếp sợ và khinh khi vì sự tàn bạo và tính tham nhũng của họ, được rút ra khỏi đường phố của Cairo theo lệnh của Bộ Nội vụ. Trong hy vọng là tình trạng lộn xộn và vô chính phủ sẽ xảy ra sau đó – để chia rẽ người biểu tình với đa số người dân. Thế nhưng người dân lại tự bảo vệ được khu phố của họ trước những kẻ hôi của và trộm cắp.
Lúc đầu, thế hệ Facebook là lực thúc đẩy, giới trẻ trung lưu thành thị. Dưới thời của Nasser, cha mẹ của họ đã thành công trong bước nhảy từ sự nghèo khổ ở nông thôn đến bước đường sự nghiệp của một nhân viên nhà nước khiêm tốn ở thành thị. Dưới thời Mubarak, họ có được một sự đào tạo tạm chấp nhận được, tuy vậy hầu như không có được một cơ hội cho việc làm. Giới trẻ này lớn lên trong một môi trường bảo thủ và xã hội Darwin mà họ đã trốn nó chạy vào trong thế giới ảo của Internet, trên đường tìm một triển vọng và các giá trị. Thế hệ Facebook là một thiểu số – đa số người dân Ai Cập là người nghèo và vô sản, thường có nguồn gốc nông thôn. Nhưng họ đã thành công trong việc thể hiện cả những hy vọng của những người đấy và thống nhất phần lớn những người cùng trang lứa đứng sau lưng mình. Lòng can đảm của họ và các công cụ giúp đỡ Facebook, Twitter và điện thoại di động đã lo phần còn lại. Chỉ trong vòng một vài ngày, con người từ tất cả các lứa tuổi và tầng lớp xã hội, công nhân cũng như giáo sư đại học, đàn ông và đàn bà, người Hồi giáo và Kitô giáo, người thành thị và nông dân, nhân viên ngân hàng cũng như thành viên công đoàn khắp nơi trong nước đã tham gia cuộc cách mạng. Tình trạng ngưng trệ về chính trị giống như trong cơn hôn mê, dãy nối tiếp nhau không bị gián đoạn của những chính phủ chuyên quyền với một pharaoh đứng đầu, biến đổi trong thời gian ngắn nhất trở thành một dòng chảy bất ngờ của quyết tâm và sức mạnh. Cuộc cách mạng Ai Cập tự tạo cho mình một con đường, phá vỡ tất cả các lý thuyết về chính trị hay xã hội. Từ sự lộn xộn đã hình thành một cung cách đối xử mang tính đạo đức đáng chú ý. Những người không quen biết nhau bộc lộ tình đoàn kết khi đối diện với quyền lực của nhà nước. Phụ nữ nông dân đưa củ hành cho những người biểu tình để làm giảm cơn đau sau những cuộc tấn công bằng hơi cay, đàn ông trẻ tuổi thảo luận với những người đồng lứa tuổi để ngăn không cho họ đập phá, người biểu tình tạo thành một hàng rào an ninh trước Viện Bảo tàng Quốc gia để ngăn chận cướp bóc. Trên Quảng trường Tahrir, nơi có cho tới hai triệu người tụ tập, đã thành hình những ủy ban để lo về cung cấp lương thực và nước uống, người bị thương được chăm sóc, cả nhà vệ sinh cũng được dựng lên. Người Hồi giáo và Kitô giáo cùng nhau cầu nguyện, Huynh Đệ Hồi Giáo nhảy múa cùng với những người đồng tính luyến ái, phụ nữ ngủ qua đêm ờ ngoài trời – những điều tối kỵ dường như đã trở nên vô nghĩa. Và cũng như trước đó ở Tunesia, những câu khẩu hiệu Hồi giáo hay của Chủ nghĩa Hồi giáo không đóng vai trò nào.
Ông Mubarak và bài diễn văn từ giã
Không chỉ diễn tiến của cuộc cách mạng là tự phát, ở Cairo cho tới tận tỉnh lẻ xa xôi nhất, cả những yêu cầu của nó cũng được thay đổi và mở rộng liên tục. Vào ngày 25 tháng 1, những người biểu tình yêu cầu các cải cách cơ bản. Sau khi nhà nước phản ứng như lệ thường, tức là với bạo lực, tiếng gọi “Irha!”, “Cút đi!” vang lên lần đầu tiên ít lâu sau đó – lời kêu gọi Mubarak từ chức. Người này phản ứng với những nhượng bộ mang tính tô điểm, cho tới khi cuối cùng có lời yêu cầu đưa ông ấy ra tòa án.
Cũng như những nhà chuyên quyền khác, Mubarak hoàn toàn không hiểu được rằng ngọn núi lửa nào đã bùng nổ ra ngay trong đất nước của ông ấy. Trong thời gian nhậm chức nhiều thập niên liền, không bị làm phiền bởi một giới đối lập thật sự, họ đã đánh mất sự tiếp xúc với hiện thực và tin rằng có thể nhờ vào một hệ thống cai trị bằng sự sợ hãi và đàn áp để chế ngự được thần dân của họ. Vào ngày 28 tháng 1, Mubarak phát biểu công khai lần đầu tiên về những cuộc nổi dậy. Phần lớn người Ai Cập đã nghĩ rằng ông ấy sẽ thể hiện sự tự phê bình. Thừa nhận lỗi lầm, đưa ra một kế hoạch thời gian cho các cải cách nghiêm chỉnh. Nếu như ông ấy làm việc đấy thì có lẽ ông ấy đã còn có thể đến được với người dân của mình. Thay vì vậy, ông ấy đã đọc một bài diễn văn trên truyền hình mà trong đó sự tự mãn và không hiểu biết hầu như không thể nào còn nhiều hơn được nữa, cái có tác động ngược hẳn lại. Mubarak tuyên bố rằng ông ấy không thể từ chức trong bất cứ trường hợp nào, và chỉ ông mới là sự bảo đảm cho an ninh và ổn định, nếu không thì đất nước này sẽ chìm vào trong hỗn loạn.
Một câu chuyện đùa được kể lại trong những ngày đấy: “Ông Mubarak, ông cần phải đọc bài diễn văn từ giã người Ai Cập ngay trong ngày hôm nay.”
“Tại sao? Tất cả bọn họ muốn đi đâu thế hả?”
Thế nhưng sự hỗn loạn, cái mà vị tổng thống đưa ra để cho rằng mình phải đấu tranh chống lại nó, là do chính hệ thống chính trị mà ông ấy là hiện thân của nó tạo ra. Những người theo Mubarak không biết làm gì hơn là, vào ngày 2 tháng 2, gửi những người cưỡi ngựa và lạc đà đến Quảng trường Tahrir, nơi họ giận dữ đánh đập điên cuồng những người biểu tình. Một hình ảnh thật là nguyên mẫu: những kỵ sĩ côn đồ nhận tiền để cố gắng bảo vệ một trật tự phong kiến. Những người biểu tình đã phải trả một cái giá cao bằng máu. Theo bản báo cáo của cơ quan tư pháp điều tra, cảnh sát đã nổ súng tùy thích, thiện xạ bắn tỉa đã giết người từ trên mái nhà, xe bọc sắt của cảnh sát đã lao vào trong đám đông, nhân viên mật vụ đã tra tấn những nghi phạm cho đến chết, những kẻ khiêu khích đã dùng dao rựa chém người biểu tình. Trên khắp nước có ít nhất là 846 người chết, trong đó có 26 cảnh sát. Phần lớn nạn nhân có vết thương do súng bắn gây ra ở đầu hay ngực. 6467 người bị thương, “rất nhiều người trong số họ bị thương ở mắt, hàng trăm người đã mù”, theo bản báo cáo điều tra dầy 400 trang mà vụ xử Mubarak và các con trai của ông ấy dựa trên đấy là chính.
Bài diễn văn trên truyền hình lần cuối cùng của Mubarak vào ngày 10 tháng 2 mang vẻ gần như bệnh hoạn, cái khiến người ta nhớ đến lần xuất hiện của sếp An ninh Quốc gia [Đông Đức] Erich Mielke trong Quốc Hội CHDC Đức trong tháng 11 năm 1989: “Tôi yêu mến tất cả các anh chị!” Xanh nhợt nhạt, Mubarak đọc quan điểm của mình về sự việc: ông ấy là người cha, người Ai Cập là những đứa con của ông ấy, những người mà ông sẽ không bao giờ bỏ rơi. Vào ngày sau đó, giới quân đội tuyên bố Mubarak từ chức.
Nhà báo người Mỹ có nhiều ảnh hưởng Thomas Frieman ngạc nhiên ghi nhận trên tờ New York Times, rằng trong diễn tiến của cuộc Cách mạng Ai Cập không có đến một lá cờ Mỹ hay Israel duy nhất bị đốt cháy. Cũng như thế trong Tunisia và các “quốc gia cách mạng” khác, ngoại trừ Jemen. Từ thời điểm của bước ngoặc, cái nhìn của Phương Tây đến vùng này đã mở rộng ra, rời Kinh Coran đi đến thế hệ Facebook. Có lẽ là lần đầu tiên, thế giới Ả Rập hưởng một “phần thưởng thiện cảm”. Thua thiệt ở đây cũng là những người phê phán Hồi giáo, những người qua nhiều năm liền đã cố gắng đưa ra thông điệp như truyền giáo, rằng đạo Hồi và hiện đại, đạo Hồi và dân chủ là không thể đi chung với nhau. Rõ ràng là có thể được, như những sự kiện tại chỗ cho thấy.
Hệ thống hy sinh ông vua pharaoh
Bây giờ sẽ tiếp tục ra sao? Thế mạnh to lớn của cuộc Cách mạng Ai Cập cũng như của cuộc Cách mạng Tunesia, tức là tính tự phát của nó, cũng đồng thời là điểm yếu to lớn của nó. Trong cà hai đất nước đều không có một Václav Havel, không có một Lech Walesa. Không có một nhân vật lãnh tụ đáng tin cậy có được sự ủng hộ rộng khắp – như trong trường hợp của Ba Lan là qua nhà thờ Công giáo và phong trào công đoàn Solidarnosc. Cũng không có sự hỗ trợ từ bên ngoài, như ở Đông Âu qua Liên minh châu Âu. Ở Đông Đức, sau khi tái thống nhất, người ta có phương tiện hầu như vô hạn cho các biện pháp xây dựng hạ tầng cơ sở và hiện đại hóa. Những điều đấy không có ở Tunesia lẫn Ai Cập. Thiếu cơ sở, tiền bạc và những điều kiện khung để gắn chặt cuộc cách mạng vào các thể chế. Thành tích lịch sử, lật đổ một nhà độc tài, là một việc. Tạo dựng về chính trị trong thời gian sau đó là một việc khác. Bảo đảm tính pháp quyền, nhân quyền và đa dạng ý kiến. Xây dựng đảng phái dân chủ, không hướng đến một chúa tể đứng đầu. Thúc đẩy bình quyền cho phụ nữ. Làm rõ quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo. Làm giảm bớt các mâu thuẫn xã hội khổng lồ như thế nào? Đấu tranh chống tham nhũng và kinh tế móc ngoặc? Thay đổi tính cách? Trong giới thượng lưu mà đã quen sống trên lưng của quần chúng? Dưới các lực lượng an ninh xem việc tra tấn, đánh đập bất cứ người nào cũng là một quyền tự nhiên, không bị trừng phạt?
Nhiều thập niên liền, trong Ai Cập có một thỏa thuận không được nói ra trong giới tinh hoa, quân đội cũng như dân sự. Quyền lực chính trị và kinh tế về cơ bản là được độc quyền hóa, những “khu đất riêng” được công nhận qua lại. Điều đấy cũng có trong cả giới lãnh tụ tôn giáo, Thiên Chúa Ả Rập và Hồi giáo. Không có ảnh hưởng ra ngoài giáo hội hay không giàu có đi nữa, họ vẫn tự xem mình là đại diện cho một nền đạo đức tốt hơn hay cho một sự công bằng cao cả hơn và yêu cầu những người theo họ phải trung thành. Nhưng bây giờ vấn đề là hòa hợp sự bá chủ đó với các đòi hỏi của một xã hội dân sự đang yêu cầu quyền cùng quyết định.
Dưới áp lực của giới công chúng, hệ thống Mubarak không còn sự lựa chọn nào khác hơn là phải hy sinh ông vua pharaoh. Người đại diện tối cao của nó. Nhưng chính hệ thống đấy thì lại không bị tước đi quyền lực, cả ở Ai Cập lẫn ở Tunesia. Các mối quen biết cũ vẫn tiếp tục tồn tại, và họ sẽ bảo vệ các đặc quyền của họ. Mối đe dọa của một cuộc phản cách mạng (dần dần) là có thật. Cũng vì cơ sở xã hội cho một trật tự mới còn mỏng. Về cơ bản, nó bao gồm thế hệ Facebook cộng với các “nhà dịch vụ mới”. Giới trung lưu thành thị đấy, những người trong vòng mười, mười lăm năm vừa qua đã đạt đến thịnh vượng và tiền bạc. Tuyển mộ ra từ môi trường đấy là “xã hội dân sự” hay được nhắc đến mà những niềm hy vọng lớn nhất trong phần lớn các quốc gia Ả Rập đều dựa trên nó. Người ta có ý muốn nói đến một cộng đồng được hiểu như là lý tưởng, của những người công dân hành xử có ý thức trách nhiệm, những người, vào lúc ban đầu qua Internet hay biểu tình đông người ở bên ngoài nghị trường, đấu tranh cho tính pháp quyền và dân chủ và thúc đẩy quá trình tước quyền lực của nhà nước phong kiến và giao nó lại cho một giới công dân có định hướng thực tiễn, muốn làm việc. Cho đến nay, xã hội dân sự đấy hưởng được sự ủng hộ của một đạo quân hàng triệu người nghèo đầy hy vọng và có ý tốt mà sự hân hoan cho biến đổi của họ có thể chuyển sang thờ ơ và thất vọng, nếu như hoàn cảnh sống khiêm tốn của họ hoàn toàn không thay đổi gì.
Cuối cùng thì quân đội mang quyền quyết định. Nó là cột trụ của hệ thống Mubarak và đồng thời cũng là cột sống của quốc gia và xã hội. Và là thể chế duy nhất bảo đảm cho đất nước không tan rã. Nhưng trước hết nó là một đế chế kinh tế thực sự và nói chung là người chủ lao động lớn nhất. Phần lớn người Ai Cập đều quá trọng quân đội, chủ yếu từ những lý do về tình cảm. Quân đội này đã chiến đấu với Israel qua nhiều cuộc chiến tranh và đã trả một giá đắt bằng máu. Và ngoại trừ một vài đội đặc nhiệm trong khuôn khổ của những cuộc bạo động vì bánh mì, họ cũng chưa từng bao giờ bắn vào nhân dân của mình.
Vào lúc đầu của cuộc cách mạng, hoàn toàn không thể đoán trước là họ sẽ chống lại những người biều tình hay không. Có lẽ câu hỏi này đã được tranh cãi sôi nổi trong giới chỉ huy. Nhưng chậm nhất là đến ngày 28 tháng 1 thì người ta đã quyết định. Đơn giản là có quá nhiều người trên đường phố. Một biển máu có thể dẫn ngay đến một cuộc nội chiến. Ngoài ra, quân đội cũng có thể không tuân theo lệnh nổ súng, vì nhiều quân nhân đã đoàn kết với những người biểu tình.
Thế nào đi nữa thì thiện cảm mà giới lãnh đạo quân đội dành cho Mubarak cũng có giới hạn, ngay khi các tướng lĩnh và sĩ quan nhờ ông ấy mà mới có nhiều đặc quyền. Thế nhưng ông ấy đã phạm một đạo luật không được viết ra mà theo đó tổng thống lúc nào cũng phải là một vị tướng trong bộ quần áo dân sự. Thay vì vậy, Mubarak, tự mình là một tướng không quân được tặng thưởng nhiều huy chương, lại muốn truyền chức vụ tổng thống lại cho con trai của mình là Gamal. Người ta đã dự định trước là sẽ nâng nhà kinh tế học này qua chức vụ có nhiều ảnh hưởng của ông ấy trong đảng cầm quyền NDP lên vị trí đứng đầu của nhà nước. Là chuyên gia đầu tư, ông ấy đã học tại một ngân hàng Mỹ ở London, cái mà giới quân đội nói chung là không hề thích thú: tư nhân hóa và tự do hóa nhanh chóng, cải cách theo gương mẫu của Wall Street. Họ cũng không hài lòng với sự tham nhũng tràn lan của các bộ trưởng, với sự làm giàu không biết giới hạn của thị tộc Mubarak và với sự đầu tư không minh bạch của họ vào các công ty Mỹ – tất cả những việc đó đều va chạm đến lợi ích kinh doanh của giới quân đội.
Không làm gì được nếu như không có quân đội
Sự gắn bó chặt chẽ giữa kinh tế và quân đội bắt đầu từ thời Nasser, người chuyển giao các vị trí lãnh đạo trong công nghiệp do nhà nước chỉ đạo về cho những thành viên có công cán của giới quân đội. Dưới thời Sadat, quân đội rút ra khỏi chính trị và thay vào đó đã trở thành một quyền lực kinh tế, được tăng cường thêm sau hòa ước với Israel năm 1979. Một phần lớn công nghiệp vũ khí được sửa đổi để sản xuất sản phẩm dân sự. Quân đội thành lập một công ty mẹ riêng của mình, “Tổ chức Công nghiệp hóa Ả Rập”. Thuộc trong số các đối tác kinh doanh đầu tiên là nhà sản xuất ô tô Mỹ Chrysler, đã cải tạo những nơi sản xuất xe tăng thành xưởng sản xuất ô tô và máy giặt trong những năm 1980.
Hiếm có thông tin đã được xác minh về quân đội Ai Cập và các doanh nghiệp của nó. Tất cả những gì có liên quan đến quân đội đều được xem là bí mật quốc gia. Quân đội Ai Cập là quân đội lớn nhất trong thế giới Ả Rập, nhưng số liệu về quân số lại dao động từ 350.000 đến 500.000 người. Từ thời Nasser, chỉ riêng Tổng Thống ấn định ngân sách cho nó, không có sự tham gia của Quốc Hội. Nó không được ghi vào trong ngân sách quốc gia. Chỉ một giới nhỏ của những người trong cuộc mới biết chính xác con số và cách sử dụng của nó. Theo số liệu của Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế tại Stockholm (SIPRI), ngân sách quốc phòng Ai Cập năm 2010 ở tròn bốn tỉ dollar. Đấy là ngân sách lớn nhất trong toàn châu Phi, nhưng so với những khoảng chi cho quân thiết bị của Israel (13 tỉ) và Saudi Ả Rập (38 tỉ) thì là một con số không quá lớn. Thêm vào đó mỗi năm một lần là một tỉ dollar tiền viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ. Giống như trong Ai Cập nói chung, tiền lương của một quân nhân hoàn toàn phụ thuộc vào sự chiếu cố của cấp trên. Một sĩ quan có thể lĩnh 800 dollar một tháng – nhưng cũng có thể là 50.000 dollar.
Tờ tuần báo Ai Cập Al-Yawm as Sabia ước lượng doanh thu năm của “Tổ chức Công nghiệp hóa Ả Rập” cho 2007/08 là vào khoản tròn 450 triệu dollar. Bên cạnh tổ chức này còn có một gã khổng lồ về kinh tế của quân đội, “Tổ chức Quốc gia cho các dự án dịch vụ”. Các hoạt động sản xuất và buôn bán của họ trải dài từ lương thực thực phẩm qua phân bón cho tới máy công nghiệp. Đồng thời, Bộ Quốc phòng là người sở hữu đất đai nhiều nhất trong nước. Thuộc bộ là nhiều khu phố trong Cairo, những vùng đất màu mỡ ở đồng bằng sông Nile, nhiều vùng bờ biển rộng lớn trên bán đảo Sinai và dọc theo biển Đỏ. Quân đội là nhà đầu tư trong nước lớn nhất của ngành công nghiệp du lịch và cũng chiếm ưu thế trong ngành xây dựng. Doanh thu và lợi nhuận không được đưa ra trong bất kỳ một thống kê nào. Theo các ước đoán, khoảng 10 đến 40% của tổng sản phẩm nội địa xuất phát từ các hoạt động của quân đội. Nói cách khác, quân đội là một nhà nước trong một nhà nước và – tất nhiên là – không trả thuế.
Thành viên của quân đội được chăm sóc tốt. Quân đội có trung tâm mua sắm, bệnh viện, câu lạc bộ, khách sạn riêng và chăm lo toàn bộ cho giới lãnh đạo cũng như gia đình của họ, kể cả bảo hiểm sức khỏe và lương hưu. Người Ai Cập bình thường chỉ có thể mơ những điều đó. Khác với quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mà họ thường được so sánh với nó sau lần từ chức của Mubarak do họ ép buộc, họ hoàn toàn không có một dự án chính trị, nói chi cho đến một viễn tưởng. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nhìn mình như là người giữ bảo tồn di sản của người thành lập quốc gia Kemal Atatürk, người đã tách biệt nhà nước ra khỏi tôn giáo. Quân đội Ai Cập nhìn trước hết là đến bản thân và những đặc quyền của họ. Họ không hề nghĩ đến việc cải mới nhà nước một cách cơ bản: củng cố xã hội dân sự, đấu tranh cho công bằng xã hội hay ủng hộ dân chủ. Ai cai trị đất nước họ cũng mặc kệ, cho tới chừng nào mà các quyền lợi kinh doanh của họ không bị đụng chạm đến. Một chính phủ thành hình từ bầu cử tự do mà chợt có ý nghĩ yêu cầu quân đội đưa ra các bản hạch toán tài chính và báo cáo kinh doanh hay còn cho sở Tài chính vào cuộc thì có lẽ sẽ có rủi ro bị đảo chính.
Đằng sau sân khấu
Theo cái nhìn của giới lãnh đạo quân đội thì những người biểu tình và các nhà cách mạng là một sự khó chịu gây bực mình. Họ ra sức hành hạ và đàn áp những người đấy, để cuối cùng rồi cũng có được sự yên bình. Đồng thời, các tướng lĩnh cũng sẵn sàng đưa Mubarak và các đại diện dẫn đầu của chính quyền ông ấy ra tòa và cho phép tịch thu tài sản của họ – hy sinh nhà vua, để xoa dịu nhân dân, để kéo dài thời gian. Người ta đừng nên có ảo tưởng: không phải bầu cử quyết định tương lai của Ai Cập, ai thắng cử cũng thế. Các nhân vật thật sự ở sau sân khấu Quốc Hội về lâu dài là a) quân đội, trong quần áo dân sự hay trong quân phục, là lực lượng mạnh nhất, b) giới thượng lưu cũ, thế nào thì cũng có quan hệ kinh doanh hết sức tốt đẹp với giới quân đội, không thích thử nghiệm, và cuối cùng c) số ít các đối tác trẻ, nhà giàu mới và người mới đến từ môi trường dotcom/startup. Ba nhóm này sẽ đặt ra khuôn khổ mà một chính phủ tương lai sẽ hoạt động ở trong đó. Chính phủ đấy chiếm lĩnh được không gian tự do nào, điều đấy phụ thuộc một cách quyết định vào sự đấu tranh, lòng can đảm và tính cương quyết của những người biểu tình và của các nhà cách mạng Ai Cập, luôn yêu cầu những quyền lợi của họ dưới hình thức những cuộc biểu tình đông người, không khiếp sợ lẫn nản lòng. Nếu không thì quân đội sẽ không có những nhượng bộ cơ bản.
Trước bối cảnh đó có thể hiểu rằng tại sao “Hội đồng Quân đội Tối cao” lại miễn cưỡng tiếp nhận quyền lực vào ngày 11 tháng 2 và tuyên bố hai điều. Về một mặt, toàn bộ các hiệp ước đang tồn tại và có hiệu lực theo luật quốc tế, đặc biệt là Hiệp ước Hòa bình với Israel, sẽ được tuân thủ. Về mặt khác, người ta sẽ giao trách nhiệm chính trị trong thời gian ngắn nhất, thời gian được nói vào lúc ban đầu là sáu tháng, về cho một chính phủ được bầu. Không phải vì tôn trọng quyền tối cao. Quân đội đứng trong ánh sáng sân khấu càng lâu thì kinh doanh trong bóng tối của họ bị đe dọa soi chiếu càng lớn. Đồng thời họ không biểu lộ một sự nhanh nhẹn nào trong lúc thực hiện các yêu cầu về chính trị của các nhà cách mạng. Đặc biệt là họ đã từ chối bãi bỏ các đạo luật của tình trạng khẩn cấp nhiều tháng liền và chỉ đồng ý cải cách từng phần Hiến Pháp.
Các đạo luật của tình trạng khẩn cấp, được đưa ra sau khi Sadat bị ám sát chết năm 1981, có trong hầu hết các nước Ả Rập ở dưới dạng tương tự, cho phép các lực lượng an ninh bắt giam mỗi một thần dân bị nghi ngờ hoạt động chống nhà nước, tức là mỗi một người đối lập và người phê phán chính phủ, mà không cần cáo trạng và cũng không có giới hạn về thời gian. Biểu tình và tụ họp mang tính chính trị bị đặc biệt cấm. Hoạt động của các tổ chức phi chính phủ bị giới hạn, họ không được phép nhận giúp đỡ về mặt tài chính từ nước ngoài. Kiểm duyệt được phê chuẩn qua luật. Về mặt chính thức, các đạo luật của tình trạng khẩn cấp phục vụ cho việc đấu tranh chống khủng bố và trước hết là hướng đến những người theo đạo Hồi quá khích. Thật sự thì sự độc đoán không hề có ranh giới, ai cũng có thể lọt vào tầm ngắm của “Mabahith Amn ad-Dawla” nổi tiếng (“Điều tra của An ninh Quốc gia”, SSI), An ninh Quốc gia của Ai Cập. Cho tới 30.000 người đã bị quẳng vào nhà tù dưới những quy định của các đạo luật về tình trạng khẩn cấp, cả sau cuộc Cách mạng, hàng nghìn người vào lúc đầu vẫn còn bị giam giữ.
Cơ quan SSI, dưới quyền của Bộ Nội vụ, đã tạo một chế độ khủng bố thật sự với những nghĩa trang bí mật mà người ta đã chôn vùi những người đối lập bị giết chết ở đấy, với những phòng tra tấn và phòng giam giống như từ thời Trung cổ trong các trại giam riêng. Thường người bị nghi ngờ sẽ bị bắt cóc trên đường phố. Hẳn là không có tù nhân nào của SSI mà không bị tra tấn một cách tàn bạo. Thuộc vào những thực hành thông thường trong lúc hỏi cung là sự lạm dụng tình dục. Tại nhiều trường đại học Ai Cập, sỹ quan SSI quyết định giảng viên đại học nào được nhận hay bị sa thải, ai là trưởng khoa và ai là hiệu trưởng, sinh viên nào được phép thi và sinh viên nào thì không. Giống như An ninh Quốc gia [của Đức], SSI cũng có một mạng lưới chỉ điểm và mật thám, vào cho tới tận tầng lớp cao nhất của xã hội. Thuộc vào trong đó là lãnh tụ tôn giáo, diễn viên, tổng biên tập, người dẫn chương trình truyền hình, những người được cho là lãnh tụ đối lập. Người ta cũng biết đến những việc làm của SSI và các nhóm nhân quyền cũng ghi nhận chúng. Mang vấn đề ra giới công khai là việc không được nói đến, từ những lý do dễ hiểu.
Từ nỗi lo ngại, rằng SSI có thể hủy những tài liệu buộc tội họ, những người biểu tình giận dữ đã xông vào các trụ sở chính tại địa phương của an ninh trên khắp nước trong đêm 4 rạng ngày 5 tháng 3. Không khác gì những người biểu tình Đông Đức, những người mà đã chiếm lấy trụ sở chính của An ninh Quốc gia [Đức] tại Berlin vào ngày 15 tháng 1 năm 1990. Thật sự là người sếp cuối cùng của SSI, tướng Hassan Abd ar-Rahman, đã ra lệnh tiêu hủy toàn bộ hồ sơ, việc đã được những người biểu tình ngăn chận được. Người Ai Cập đối xử như thế nào với quá khứ này, liệu họ về phần mình có thành lập một “Cơ quan Gauck” [để quản lý các hồ sơ của An ninh Quốc gia Đông Đức], đưa những người có trách nhiệm ra tòa hay tuyên bố ân xá, cũng có thể thành lập một ủy ban hòa giải theo gương của Nam Phi, là việc vẫn còn phải chờ đợi. Vào ngày 15 tháng 3, SSI đã được Bộ Nội vụ giải tán, thế nhưng người ta đã dự định thành lập mới dưới một cái tên khác và với những quyền hạn khác.
Dựa trên những tài liệu còn giữ lại được, Bộ trưởng Bộ Nội vụ lâu năm của Mubarak, Habib al-Adli đã bị bắt. Ông ấy bị cho rằng đã ra lệnh cho cảnh sát bắn vào người biểu tình trên Quảng trường Tahrir. Thêm vào đấy, ông ấy bị buộc tội rửa tiền trên quy mô lớn. Ngoài ra, ông ấy cũng bị cho rằng đã giám sát và điều phối các cuộc gian lận bầu cử dưới thời Mubarak. Thuộc vào trong số những lời buộc tội của công tố viên cũng là việc ông ấy đã thường xuyên chỉ thị cho gây khủng bố, để tăng cường căng thẳng giữa người theo đạo Hồi và tín đồ Thiên Chúa Giáo Ai Cập.
Công cụ thống trị đấy, dùng bạo lực để xúi giục các xung đột sắc tộc và tín ngưỡng, nói chung là một trong những công cụ lâu đời nhất. Trong đêm đầu năm 2011, một quả bom đã nổ trong một nhà thờ Thiên Chúa Giáo Ai Cập tại Alexandria, giết chết 22 người và làm bị thương hàng chục người. Vụ khủng bố này đã gây phẫn nộ và kinh hãi khắp thế giới. Nhiều chính trị gia Phương Tây biểu lộ sự lo ngại của họ về tình trạng của những tín đồ Kitô giáo trong thế giới Ả Rập. Viện công tố buộc tội Habib al-Aldi là đã ra lệnh thực hiện.
Chính phủ lâm thời làm thất vọng
Khác với những gì được các nhà cách mạng yêu cầu, “Hội đồng Quân đội Tối cao” không sẵn sang bãi bỏ Hiến Pháp từ năm 1971 bị nhiều chỉ trích và thay thế bằng một Hiến Pháp mới. Thay vì vậy, hội đồng cử ra một ủy ban chuyên gia mười người. Họ đề nghị sửa chữa tám điều, cái cùng với toàn bộ Hiến Pháp được các nhận trong cùng một lần trưng cầu dân ý. Điều hai bị tranh cãi, nêu luật Hồi giáo như là nguồn cơ bản cho lập pháp và định nghĩa Ai Cập là một nhà nước Hồi giáo, vẫn được giữ nguyên. Ý nghĩa trong thực tế của điều này là nhỏ bé, vì luật Hồi giáo chỉ có giá trị trong lĩnh vực luật gia đình, luật hôn nhân và luật thừa kế của người Hồi giáo. Trong những trường hợp khác, luật dân sự được áp dụng, cái có định hướng đến Code Civile của Pháp. Tuy vậy, điều luật này là một sự sỉ nhục cho những người Thiên Chúa Giáo Ai Cập và cho những người Hồi giáo trần tục. Tiếp cận đề tài này rõ ràng là việc quá khó xử cho giới quân đội.
Thay đổi quan trọng nhất là ở điều 77, giới hạn thời gian giữa chức vụ tổng thống nhiều nhất là hai nhiệm kỳ và qua đó là tám năm. Đồng thời, quyền hạn của tổng thống cũng bị cắn xén mạnh – Mubarak chỉ định thủ tướng, các bộ trưởng, thống đốc, chánh án ở các vị trí cấp cao, sỹ quan, tướng lĩnh và có quyền phủ quyết tại tất cả các đạo luật. Ngoài ra, ông ấy còn có thể cai trị qua sắc lệnh và có thể giải tán quốc hội mà không cần đưa ra lý do.
Bị chỉ trích đặc biệt là điều 75. Trong đó nói rằng không ai được phép ứng cử vào chức vụ tổng thống nếu như người đấy kết hôn với một phụ nữ không phải là người Ai Cập. Điều luật này hướng rõ ràng đến phong trào đối lập mà nhiều nhà hoạt động trong hàng ngũ của họ có vợ là người nước ngoài. Cũng được cho là có vấn đề là việc theo điều 189, đầu tiên là phải có bầu cử Quốc Hội rồi sau đấy, trong một bước thứ nhì, mới triệu tập một hội nghị thành lập hiến pháp. Phong trào đối lập thích ngược lại hơn. Ho lo ngại, rằng đặc biệt là những phần còn lại của đảng NDP của Mubarak và Huynh Đệ Hồi Giáo sẽ có lợi thế qua bầu cử và sau đấy sẽ cố gắng gây ảnh hưởng có lợi cho mình lên Hiến Pháp. Mặc cho tất cả các phản bác, người Ai Cập đã bỏ phiếu với 77,2% đồng ý. Một phần, họ đã đứng xếp hàng đợi hàng giờ để tham gia lần trưng cầu dân ý đầu tiên trong lịch sử của họ. Tuy vậy, chỉ có 14,1 triệu của 45 triệu người có quyền đi bầu là đã tham gia, chưa đến một phần ba. Chắc chắn là một dấu hiệu cho thấy rằng tại nhiều nhà cách mạng, cố gắng trên bình diện chính trị phải nhường chỗ cho việc kiếm sống và lo cho gia đình. Khảo sát kết quả bầu cử cho thấy đặc biệt là giới có học và khá giả đã bỏ phiếu chống Hiến Pháp, vì họ cho rằng như thế là vẫn chưa đủ. Trong số đó cũng là ứng cử viên tổng thống Amr Mussa, tổng thư ký nhiều năm liền của Liên đoàn Ả Rập, và Mohammed al-Baradei, từng là sếp của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Hệ thống Mubarak hoạt động tốt cho tới đâu khi không có Mubarak, điều đấy đã được giới quân đội chứng minh đầy đủ. Một ví dụ của nhiều ví dụ: Rami Issam. Người sinh viên và ca sỹ 23 tuổi này là một đại diện đặc trưng cho thế hệ Facebook. Anh ấy đã soạn bản nhạc “Irhal”, cái đã trở thành bài hát không chính thức của cuộc cách mạng và trên YouTube đã được truy cập hơn nửa triệu lần. Giữa tháng 3, Rami Issam rơi vào tay của quân đội, như anh ấy thuật lại cho đài truyền hình Al-Jazeera: “Tôi đang trên đường đi đến một buổi biểu diễn trong nội thành. Khách đi đường bị quân nhân tấn công trên quảng trường Tahrir. Tôi đi đến đó để xem có việc gì xảy ra. Lính đánh đập người dân, đi kèm theo họ là một đám người thô lỗ, tùy thích lôi người ra khỏi đám đông. Người dân bị đánh đập, rồi bị bắt giam. Tôi cũng thế. Tôi có gắng giữ bình tĩnh và lúc ở trong trại hỏi cung đã cố nói chuyện với những người lính có cấp bậc cao. Họ ở trong Viện bảo tàng Quốc gia. Nhóm chúng tôi vừa bước vào viện bảo tàng thì những người lính đánh đập chúng tôi như đã phát điên lên. Bốn giờ liền. Họ cởi quần áo chúng tôi ra, hành hạ chúng tôi với súng Teaser và dí điện mạnh vào người chúng tôi. Tóc tôi cột lại thành đuôi ngựa đã bị họ cắt mất. Khi tôi nằm ở dưới đất, một sỹ quan đạp cả hai chân lên mặt tôi.”
Vào ngày 9 tháng 4 lại có hàng nghìn người biểu tình tụ tập trên quảng trường Tahrir và yêu cầu phải mang Mabarak và gia đình của ông ấy ra tòa, gia tốc quá trình dân chủ hóa. Quân đội dùng bạo lực để giải tỏa quảng trường và bắn vào đám đông, hai người bị giết chết. Blogger người Thiên Chúa Giáo Ả Rập Michael Nabil Sanad sau đấy viết rằng “Hội đồng Quân đội Tối cao” và quân đội không đứng về phía của Cách Mạng mà tiếp tục sự thống trị bằng bạo lực của Mabarak với những phương pháp cũ: bắt giam hàng loạt, tra tấn, đe dọa. Vì thế mà anh ấy đã bị một tòa án quân sự tuyên xử ba năm tù vì tội lăng mạ quân đội. Chỉ riêng trong hai tháng đầu tiên sau khi Mubarak bị lật đổ đã có hàng nghìn người của phe đối lập bị các tòa án quân đội tuyên xử, thường trong những phiên xử nhanh. Phụ nữ biểu tình trên quảng trường Tahrir bị bắt và trong một thủ tục làm nhục bị khám xét xem có còn là trinh nữ hay không. Nếu như họ không còn trinh và không kết hôn họ sẽ bị tố cáo vì “phi đạo đức”.
Tuy vậy, quân đội vẫn cho phép khởi tố Husni Mubarak và hai người con trai của ông ấy. Một ván cờ thí, như đã nói. Khác với những người biểu tình, họ không phải trả lời trước một tòa án quân sự mà là trước một tòa án dân sự.
Lúc đầu sẽ xấu đi, rồi tốt hơn?
Trong khi hết đảng này đến đảng khác thành hình và thế hệ Facebook bảo vệ những thành quả của cuộc Cách Mạng, phần lớn người Ai Cập trước hết là cứ chờ đã. Thuộc vào trong số các vấn đề lớn nhất là việc bạo lực thường hay bùng lên giữa những người Kitô giáo và người Hồi giáo, do ít nhất là một phần của tròn 200.000 kẻ chuyên đánh người hiện giờ đã thất nghiệp của chế độ Mubarak gây ra. Có những khu phố nhất định, thường là tương đối nghèo, như Embaba hay Bulaq, có thời gian bị cho là nguy hiểm cho người nước ngoài. Tội phạm hình sự tăng mạnh. Kinh tế Ai Cập trong nửa đầu của năm 2011 đã giảm phân nửa, ngân sách nhà nước có những lổ thủng kỷ lục. Nếu như không có những khoản bạc tỷ từ các quốc gia vùng Vịnh và từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế thì đất nước này đã phá sản. Du lịch, một trong những ngành mang lại ngoại tệ quan trọng nhất, đã gần như tê liệt trong năm 2011. Tất cả những việc đấy là những vấn đề và khó khăn nhất thời. Nhưng chúng cũng cho thấy rằng một cuộc cách mạng nào cũng có cái giá của nó.
Bắt đầu mới ở Tunesia cũng gặp khó khăn tương tự. Tuy vậy, giới lãnh đạo quân sự ở đấy đã không ủng hộ tổng thống từ sớm. Quân đội Tunesia, chỉ có 30.000 người, còn một vài món nợ chưa thanh toán với Ben Ali. Ông ấy đã thu nhỏ nó lại vì các lực lượng mật vụ và an ninh khác và không hề cho giới lãnh đạo của nó có được các đặc quyền như sỹ quan và tướng lĩnh ở Ai Cập hay Algeria được hưởng. Ba ngày sau khi Ben Ali chạy trốn sang Ả Rập Saudi, một chính phủ lâm thời bắt đầu làm việc vào ngày 17 tháng 1. Vì chính phủ này bao gồm cho tới phân nửa là bộ trưởng cũ của Ben Ali và thủ tướng của nó bây giờ lên làm tổng thốngn ên các cuộc phản đối vẫn còn tiếp tục trên khắp nước. Phần lớn người đồng hành với Ben Ali sau đấy đã từ chức. Thế nhưng chính phủ lâm thời vẫn còn yếu và không ổn định. Cả ở Tunesia người ta cũng cho rằng tốt hơn là bầu cử rồi sau đó mới soạn thảo hiến pháp. Giải quyết các vấn đề to lớn của đất nước như thế nào, đặc biệt là các vấn đề về kinh tế? Trong khoảng khắc này không ai có được một câu trả lời.
Thuộc những thành quả quan trọng nhất của cuộc Cách mạng Tunesia là việc An ninh Quốc gia và Cảnh sát Chính trị đã bị giải tán và hủy bỏ. Đồng thời, RCD, đảng chính phủ của Ben Ali (Hội nghị Lập hiến Dân chủ), bị giải tán, tài sản bị trưng thu. Người ta đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức để tìm kiếm các tài khoản của gia đình tổng thống ở trong và ngoài nước và đóng băng chúng nếu có thể, cũng như loại trừ dòng họ mafia của họ ra khỏi các vị trí lãnh đạo. Tuy vậy, mối nguy hiểm của một cuộc phản cách mạng vẫn còn đó. Đặc biệt là trong kinh tế vẫn còn có nhiều đại diện của chính quyền cũ, những người liên kết tốt với nhau.
LIBYA. GHADDAFI VÀ HẬU QUẢ
Lẽ ra nó đã có thể trở thành một định luật của sự lần lượt. Trong tháng 1 2011, chế độ Ben Ali bị lật đổ ở Tunesia, tiếp theo sau đó trong tháng 2 là Mubarak ở Ai Cập, trong tháng 3 Ghaddafi in Libya. Thế nhưng rất đáng tiếc là sự việc đã khác đi, Libya đã trở thành tín hiệu của cuộc phản cách mạng. Một tín hiệu mà các chế độ khác đã rút ra bài học từ đó, Ở Jemen cũng như ở Bahrain và Syria: ai còn muốn nắm quyền hay muốn kéo dài nó bằng mọi giá phải tiến hành chiến tranh chống lại người dân của mình.
Một tuần sau khi Mubarak sụp đổ, vào ngày 17 tháng 2, trong tỉnh Cyrenaika ở phía Đông, nhân dân Libya bắt đầu đứng lên chống lại người cầm quyền Muammar al-Ghaddafi. Trung tâm vào lúc đầu là thành phố biển Al-Bayda, ngay sau đó đã có những cuộc phản đối đông người tại Tobruk và Bengasi, thành phố lớn nhất trong miền Đông của đất nước. Các cuộc nổi dậy tiếp tục đi về phía Tây, đặc biệt là trong thành phố cảng Misrata và còn ở cả những vùng ngoại ô của thủ đô Tripolis nữa. Khác với ở Tunesia và Ai Cập, các lực lượng an ninh đã ngay lập tức dùng xe tăng và quân tinh nhuệ để chống lại những người biểu tình và cố gắng dùng quân đội để đập tan cuộc nổi dậy. Nhưng thay vì thế, bước leo thang đấy đã khiến cho chiến tranh bùng nổ giữa những người theo và những người chống lại chế độ Ghaddafi. Nếu như vào lúc ban đầu trông có vẻ như những người nổi dậy có thể hành quân nhanh chóng về Tripolis thì chính quyền, sau một giai đoạn bối rối và mất phương hướng ngắn, đã quyết tâm đánh trả lại một cách hết sức tàn bạo. Rõ ràng là Ghaddifi không thể chấp nhận được rằng người dân của ông ấy nổi dậy chống mình. Các bức ảnh, chụp ông ấy với cây dù trong vịnh Caddie và ngay sau đấy là lúc đọc diễn văn cho truyền hình trước hậu cảnh đổ nát được chiếu sáng không tốt mà ông ấy thường hay hét nhiều hơn là kêu gọi “Thawra! Thawra!”, tay nắm chặt lại thành nắm đấm (“Cách mạng! Cách mạng!”), là những hình tượng của một chế độ độc tài đang suy tàn và đồng thời cũng là dấu hiệu của một sự tưởng tượng về quyền tối cao có sự điên khùng đi kèm theo đấy. Nếu như tôi chìm xuống thì cả đất nước của tôi cũng chìm xuống cùng với tôi.
Những con chuột trong sa mạc
Những người nổi dậy bị đẩy lùi về cho tới ngoại ô của Bengasi. Ghaddafi dọa sẽ tận diệt “những con chuột” và buộc người dân thành phố phải chịu trách nhiệm, từng nhà một. Để ngăn chận một cuộc thảm sát sắp sửa xảy ra, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1973 vào ngày 17 tháng 3. Trong đó, Hội đồng khẳng định tương đồng với Liên đoàn Ả Rập, rằng các cơ quan chính phủ của Liby đã phớt lờ nghị quyết 1970 của ngày 26 tháng 2 về yêu cầu phải bảo vệ người dân thường. Đồng thời, Hội đồng Bảo an cũng lên án việc vi phạm một cách có hệ thống các quyền con người dưới Ghaddafi: bắt giam độc đoán, bắt cóc, tra tấn, hãm hiếp, xử tử. Việc cấm vận vũ khí đã thi hành được bổ sung bởi một vùng cấm bay. Nghị quyết 1973 ủy nhiệm cho các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc sử dụng “tất cả các biện pháp cần thiết” để bảo vệ người dân thường. Ngay trong đêm rạng ngày 18 tháng 3, máy bay của Pháp và Anh đã ném bom các vị trí đóng quân của lực lượng Ghaddafi và ngăn chận không cho họ tiến quân vào Bengasi. Trong thời gian của những cuộc không kích kéo dài nhiều tháng liền, khối NATO, với sự tham gia mang tính tượng trưng của Qatar, đã cố gắng phá hỏng hạ tầng cơ sở quân sự của Ghaddafi nhiều như có thể. Đồng thời, lực lượng nổi dậy luôn tiến về phía Tây, dọc theo đường cạnh bờ biển, bị đẩy lùi lại, lại tiến lên – một trò chơi mèo vờn chuột mà trong đó lực lượng nổi dậy có tinh thần chiến đấu tốt hơn, nhưng quân đội của Ghaddifi có vũ khí tốt hơn. Hơn 12.000 người đã chết qua các trận đánh. Tròn 800.000 người nước ngoài, phần lớn là công nhân di cư người Phi và người Á đã chạy trốn khỏi Libya.
Nước Đức là quốc gia NATO duy nhất trong Hội đồng Bào an đã bỏ phiếu trắng trong lần biểu quyết về Nghị quyết 1973 và qua đó đã gây ra nhiều bối rối cho các đồng minh. Berlin còn chẳng muốn tham gia giám sát việc thi hành cấm vận vũ khí và đã rút các tàu khu trục của mình ra khỏi vùng hoạt động tương ứng trong Địa Trung Hải. Một thảm họa ngoại giao cho chính phủ liên bang [Đức], cái trước hết là xuất phát từ sự do dự và đánh giá sai lầm của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông ấy đã hy vọng rằng Nga và Trung Quốc sẽ dùng quyền phủ quyết của họ trong lúc biểu quyết. Thêm vào đó, ngay trước lần bầu cử quốc hội tiểu bang trong Baden-Württemberg và Rheinland-Pflaz, chính phủ liên bang không muốn ủng hộ tiến hành chiến tranh, là việc không được người đi bầu ưa thích.
Libya là một quốc gia ở sa mạc, lớn hơn nước Đức gấp năm lần. Thế nhưng chỉ có 3% diện tích là có thể sử dụng được cho nông nghiệp, phần lớn dọc theo dãy đất cạnh Địa trung Hải. Phần lớn của sáu triệu người dân sống ở đó. Bên cạnh Algeria, Libya có những mỏ dầu và khí đốt quan trọng nhất ở Bắc Phi. Tương tự như ở Jemen, Libya là một quốc gia chịu rất nhiều ảnh hưởng của bộ tộc. Đặc tính sa mạc của đất nước giải thích tại sao cách sống của người Bedouin vẫn còn thống trị cho tới tận thế kỷ 20. Từ ngàn xưa, bộ tộc đã đặt dấu ấn lên cấu trúc xã hội và chính trị trong nước này. Ngày nay có tròn 140 bộ tộc và đại gia đình có nhiều ảnh hưởng mà trong số đó chỉ có một phần nhỏ là có đại diện trong bộ máy quyền lực dưới thời Ghaddafi. Vì vậy mà các điều kiện khung của xã hội hoàn toàn khác với các điều kiện ở Tunesia và Ai Cập. Một đạo quân tiên phong như thế hệ Facebook, hay cả một xã hội dân sự, chỉ tồn tại ở dạng sơ đẳng trong Libya. Sự đàn áp người dân có một quy mô hoàn toàn khác.
Quá khứ tiếp tục sống
Tên “Libya” bắt nguồn từ từ cổ Ai Cập “Lebu”, lúc ban đầu dùng để chỉ các bộ tộc người Berber ở phía Tây của Ai Cập. Vào khoảng 2000 trước Công Nguyên, họ bắt đầu sinh sống trong vùng đấy. 1000 năm sau đấy, người Phoenicia bắt đầu thành lập dọc theo vùng bờ biển phía Tây của Libya ngày nay những nơi định cư đầu tiên, trong số đó là Sabratha, Leptis Magna và Oia, tiền thân của Tripolis. Vì thế mà có tên gọi “Tripolitania” “Đất nước ba thành phố”. Năm 814, Carthage đi tiếp theo sau đó và đã phát triển trở thành quyền lực thương mại dẫn đầu ở phía Tây của Đại Trung Hải và trở thành địch thủ của Rome. Gần như cùng lúc, người Hy Lạp đến từ đảo Creata và vào khoảng 630 đã thành lập nhiều thành phố, trong số đó là Cyrene ở bờ biển phía Đông. Nhưng vùng thống trị của họ, được họ gọi là Cyrenaika, nhanh chóng rơi vào ảnh hưởng của Ai Cập. Năm 146 Rome tiêu diệt Carthage. Vùng đất Tripolitania màu mỡ cũng như Cyrenaika đều bị Rome thống trị từ đó. Với sự chia cắt Đế quốc La Mã năm 395, Libya cũng bị chia cắt. Nửa phía Tây vẫn thuộc Rome, phía Đông được giao cho Byzanz. Mặc cho sự Hồi giáo hóa kế tiếp theo sau đó và thêm hơn 1500 năm lịch sử, sự tương phản giữa Tripolitania và Cyrenaika vẫn còn tồn tại. Nói một cách đơn giản, phía Tây hướng đến Maghreb nhiều hơn, phía Đông hướng về Ai Cập. Nước Ý, từ năm 1911 đã thực hiện chính sách thực dân định cư ở Libya, tương tự như cách làm của người Pháp ở Algeria, công khai tuyên bố đất nước này là thuộc địa của mình vào năm 1934 và phát triển Tripolis trở thành một trung tâm kinh tế. Người anh hùng tự do Libya Omar Mukhar đã tổ chức cuộc kháng chiến trong Cyrenaika, phần đất cổ truyền hơn, bắt rễ sâu trong Hồi giáo, cho tới khi ông ấy bị người Ý bắt được và mang đi xử tử năm 1931. 20 năm sau đấy, ba tỉnh tự trị từ thế kỷ 15 Tripolitania, Cyrenaica và Fezzan, một vùng sa mạc thưa dân cư ở phía Nam, liên kết lại thành Libya giờ đây độc lập.
Đấy không phải là ngẫu nhiên, khi cuộc nổi dậy chống Ghaddafi bắt đầu ở Al-Bayda và mặt trận cả một thời gian dài chạy dọc theo vùng ranh giới giữa Cyrenaica với Tripolitania. Lời giải thích nằm trong lịch sử.
Năm 1837, nhà truyền đạo Mohammed as-Sanussi (1787 – 1859) từ Algeria thành lập Hội Huynh Đệ Sanussi, một phong trào đánh thức đức tin. Sáu năm sau đó, trụ sở đầu tiên của dòng tu được thành lập trong vùng Cyrenaica, ở Al-Bayda, thời đấy là một tỉnh hẻo lánh và lạc hậu trong Đế quốc Ottoman cách xa mọi quyền lực trung tâm. Qua tính siêng năng và tổ chức chặt chẽ của Hội Huynh Đệ, thêm 80 trụ sở nữa được thành lập trong thời gian sau đó chỉ riêng trong vùng Cyrenaica, sau đấy cũng ở Ai Cập và cho tới tận Timbuktu. Các mối quan hệ tốt đẹp với những bộ tộc ở địa phương và ảnh hưởng tăng lên của Hội Huynh Đệ đã dấy lên sự bất an trong Constantinobel xa xôi. Năm 1895, quân đội Ottoman xua đuổi những người Sanussi ra khỏi Al-Bayda. Dưới sự lãnh đạo của Mohammed as-Sanussi (1859 – 1902), con trai của người thành lập dòng tu, họ kiến lập trong ốc đảo Al-Jaghbub, tròn 500 kilomét về phía Đông Nam của Al-Bayda, một nhà nước thần quyền, cái trên đỉnh cao về quyền lực của nó vào khoảng chuyển đổi thế kỷ đã thống trị toàn bộ Đông Sahara. Người Ý không thành công trong việc làm giảm ảnh hưởng của những người Sanussi. Sau khi Libya độc lập, năm 1951 người Anh đưa Mohammed Idris as-Sanussi (1890 – 1983), người cháu của nhà thành lập dòng tu, lên làm vua. Cho tới khi bị lật đổ vào ngày 1 tháng 9 năm 1969 bởi một cuộc đảo chính của Ghaddafi, Al-Bayda là thủ đô của Libya. Lá cờ của những người nổi dậy ngày nay là lá cờ của chế độ quân chủ. Vì hoài cổ thì ít, mà trước hết là để cách biệt với bộ máy quốc gia Libya, cái đã trở thành một với bộ tộc của Ghaddafi.
Không có lý do để mà ca ngợi quá khứ. Vào thời quân chủ, tỷ lệ mù chữ chiếm 94%, tỷ lệ tử vong của trẻ em ở khoảng 40%, trên toàn nước không có đến một bác sĩ người bản xứ. Libya là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Nguồn thu nhập chính là bán sắt vụn, có nhiều từ thời của những trận chiến xe tăng trong Đệ nhị Thế chiến, đặc biệt là trong vùng quanh Tobruk. Nền tảng quyền lực của những người Sanussi chủ yếu dựa trên quan hệ tốt đẹp của họ với các bộ tộc trong vùng Cyrenaica và dựa trên uy quyền mà họ tự trao cho mình như là những người lãnh tụ tôn giáo. Đồng thời, họ cũng nhìn mình như là những người đứng giữa các lãnh tụ bộ tộc và giới có địa vị ở thành phố. Lần bắt đầu khai thác dầu mỏ vào đầu những năm 1960 đã mở đầu cho sự suy tàn của nền quân chủ. Khác với những người đồng nhiệm trong các quốc gia ở vùng Vịnh, vua Idris không hề có một viễn cảnh nào để phát triển Libya, Thay vì vậy, tham nhũng và kinh tế móc ngoặc lại tăng cường và hưởng lợi từ đó trước hết là những nhóm người quen biết với nhau và các mạng lưới ở phía Đông của đất nước. Sự giàu có nhờ dầu mỏ hầu như không đến được với người dân chút nào.
Ảnh hưởng của các bộ tộc
Khi đại tá Muammar al-Ghaddafi đảo chính để nắm quyền năm 1969, ông ấy chỉ mới vừa có 27 tuổi. Người dân hoan hô ông như một đấng cứu thế. Người tôn sùng mãnh liệt Gamal Abdel Nasser hứa hẹn công bằng xã hội và lúc ban đầu cố gắng vượt qua cấu trúc bộ tộc bằng ý tưởng của Chủ nghĩa Dân tộc Ả Rập đã bị phủ bụi. Từ lý do này mà ông ấy cũng dời thủ đô về Tripolis. Thế nhưng mặc cho tất cả những lời hùng biện cách mạng, sự thống trị hơn bốn mươi năm của ông ấy không có tác động gì nhiều hơn là tước bỏ hầu hết quyền lực của các bộ tộc trong vùng Cyrenaica và thay vào đó nâng cao giá trị của các bộ tộc trong vùng Tripolitania. Ghaddafi dựa quyền lực của mình đặc biệt là trên ba bộ tộc:
Ghaddafa, một bộ tộc nhỏ, di cư trong thế kỷ 19 từ Cyrenaica vào vùng đất quanh thành phố cạnh biển Sirte ở phía Đông của Tripolis.
Warfalla, với tròn một triệu thành viên là bộ tộc lớn nhất trong Libya. Vùng sinh sống chủ yếu của họ nằm ở phía Nam của Tripolis.
Magarha, định cư trong vùng quan Sebha, trung tâm kinh tế và chính trị của Fazzan. Xuất phát từ hàng ngũ của họ là những người khủng bố đã đặt thuốc nổ trên một chiếc máy bay của Pan Am. Lần nổ đấy đã khiến cho chiếc máy bay rơi trên thị trấn Lockerbie ở Scottland.
Ghaddafi quốc hữu hóa công nghiệp dầu và đi theo đường lối chống đế quốc, chống thuộc địa. Đồng thời, ông cố gắng thống nhất thế giới Ả Rập dưới sự lãnh đạo của mình, nhưng không thành công. Năm 1977, ông thay thế Cộng hòa Ả Rập Libya với “Jamahiriya”, một từ Ả Rập mới, có nghĩa như “Cộng hòa Nhân dân”. Tên mới đầy đủ của đất nước là “Đại Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Ả Rập Libya của Nhân dân”. Bây giờ, quyền lực về mặt chính thức là ở nhân dân, được đại diện trong “Hội nghị Nhân dân Công cộng” mà tổng thư ký của nó vào lúc đầu là Ghaddafi. Năm 1979, ông từ bỏ tất cả các chức vụ chính trị và phát triển “Học thuyết toàn thể thứ ba” của ông ấy, một cái được cho là sự lựa chọn khác của Chủ nghĩa Cộng sản và Chủ nghĩa Tư bản, được ghi lại trong quyển “Sách Xanh”, một sự pha trộn thô thiển từ Chủ nghĩa Marx thông tục, cố gắng suy nghĩ và tuyển tập thơ. Trong đó, ông khẳng định ví dụ như dân chủ là một sự lừa bịp nhân dân, đảng phái lôi kéo những người bỏ phiếu của họ, doanh nhân là những kẻ ăn bám. “Hội nghị Nhân dạn” và “Ủy ban Cách mạng” thành hình khắp nơi trong nước, được cho là cơ quan phát ngôn cho ý muốn của người dân, nhưng trong thực tế lại là các công cụ đàn áp và theo dõi tương tự như An ninh Quốc gia [của Đông Đức]. Trong “Jamahiriya”, hầu như tất cả các thể chế nhà nước đều bị bãi bỏ, vì ngừoi ta cho rằng nhân dân tự cầm quyền và quản lý. Khác với tuyên truyền, “Jamahiriya” không gì nhiều hơn là một công cụ thống trị của một bộ tộc duy nhất, của bộ tộc Ghaddafa với Ghaddafi và thị tộc của ông ấy đứng ở đầu. Điều đấy giải thích tại sao cuộc nổi dậy chống chế độ của ông ấy dẫn đến chiến tranh ngay lập tức, khác với ở Tunesia và ở Ai Cập. Ở đấy có các thể chế và cấu trúc nhà nước, những cái sống sót qua được nhà độc tài và đi theo cùng với một khởi đầu mới. Không như thế ở Libya. Hệ thống Ghaddafi cũng như “Jamahiriya” không thể được cải tổ hay cải mới. Libya là Ghaddafi. Không có đảng phái, không có quốc hội, không có tư pháp độc lập, không có hiến pháp, không có tam quyền phân lập, không có tự do ngôn luận, không có công đoàn, không có bầu cử bí mật, còn chẳng có trên bình diện địa phương nữa – hoàn toàn không có gì như thế. Chỉ có sự tung hô, hạ mình vô điều kiện dưới “ý muốn của nhân dân” mà hiện thân là Ghaddafi. Phá hủy hệ thống đấy là điều kiện tiên quyết để xây dựng mới dân chủ ở Libya. Ý tưởng, rằng những người đối lập có thể/cần phải ngồi vào một bàn tròn với Ghaddafi để đi tới một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột chỉ là thơ ngây. Từ tầm nhìn của một chiến binh bộ tộc như Ghaddafi thì chỉ có bạn hay thù. Và kẻ thù thì cần phải bị tiêu diệt.
Sự tập trung quyền lực vào trong tay của Ghaddafi và những người được ông ấy ưa thích gặp phải khước từ và chống đối. Trong những năm 1980 và 1990 thường hay có cố gắng đảo chính. Do vậy, Ghaddafi thành lập dân quân riêng, trung thành với cá nhân của ông ấy và được trang bị tốt hơn là quân đội. Nhiệm vụ duy nhất của họ là đập tan các cuộc nổi dậy và phong trào đối lập. Nó tuyển mộ hầu như chỉ từ bộ tộc của Ghaddafi, bộ tộc Ghaddafa, được chỉ huy bởi các con trai của ông ấy. Lòng trung thành hoặc là được mua chuộc hay bị bắt buộc. Năm 1993, khi sỹ quan từ bộ tộc Warfalla đảo chính thất bại, ông ấy bắt buộc bộ tộc Warfalla phải tự tay hành quyết những người đảo chính. Nếu không thì toàn bộ người của Warfalla sẽ mất việc làm của họ trong các cơ quan hành chính nhà nước, chủ lao động lớn nhất.
Cùng với lần khởi xướng “Jamahiriya”, Ghaddafi cấm toàn bộ các hình thức kinh tế tư nhân, cái ngay từ năm 1973 đã bị hạn chế mạnh. Sau đấy, hơn 100.000 người Libya đã rời bỏ đất nước, hầu như toàn bộ giới trung lưu không có nhiều ảnh hưởng. Cùng với doanh nhân, giới trí thức cũng bỏ đi. Libya trở thành sa mạc về mặt tri thức. Mặc dù không thiếu tiền như dưới thời Ghaddafi, chỉ 5% tổng sản phẩm nội địa là được đầu tư vào trong đào tạo, trong trường học và đại học. Ghaddafi, tự mình là một người đi lên từ hoàn cảnh nghèo khổ, rõ ràng là nhìn xã hội dân sự cũng như những người có học thức và văn hóa như là một mối đe dọa. Đồng thời, ông đóng cửa đất nước. Nhà báo và khoa học gia hầu như không thể có được thị thực – nếu như họ không được mời tham dự các “Hội nghị chuyên đề quốc tế” về quyển sách của những quyển sách, “Học thuyết toàn thể thứ ba”, hay không muốn có ý tường thuật lại những buổi lễ kỷ niệm hàng năm vào ngày 1 tháng 9, tưởng nhớ lần tiếm quyền của Ghaddafi. Bên cạnh Iraq dưới thời Saddam Husein, Libya dưới quyền Ghaddafi là chế độ độc tài Ả Rập đáng sợ nhất, trước hết cũng vì sự liên kết ma quỷ từ ngu ngốc và tàn bạo.
Lần tự tử của nhà du hành vũ trụ
Ghaddafi, bị thúc đẩy bởi hoang tưởng cuồng vĩ, rất thích phô trương mình trong những bộ quân phục tưởng tượng giống như trong nhà hát và trước khi cuộc nổu dậy bắt đầu đã nghiêm chỉnh tự xem mình thuộc cùng bậc với các chính trị gia tầm cỡ thế giới như Mikhail Gorbachev hay Nelson Mandela. Năm 1966, ông cũng thử làm nhà văn. Trong quyển tiểu thuyết của mình với tựa đề “Ngôi làng, ngôi làng, Trái Đất, Trái Đất và lần tự sát của nhà du hành vũ trụ”, ông viết về sự cô đơn của một nguyên thủ quốc gia không được nêu tên. Sau khi đi từ làng quê ra thành phố, người này đánh mất cội rễ của mình, tính thực tế và truyền thống, thay vào đấy lại có khuynh hướng sợ hãi và trầm cảm. Nhà du hành vũ trụ, sứ giả từ một thiên hà xa xôi, người bất thình lình xuất hiện trong cốt truyện của quyển tiểu thuyết, tức giận về những khó khăn mà người nguyên thủ quốc gia phải đối đầu, và, tuyệt vọng, kinh hãi về tình huống của người đấy, đã tự tử. Quyển sách được bày bán chưa đến hai tuần trong các tiệm sách của Libya khi nó bị thu hồi lại theo yêu cầu của tác giả và bị cấm đọc.
Sự cấm đoán kinh tế tư nhân đã khiến cho người Sanussi gặp nhiều khó khăn, doanh nhân và thương gia giàu kinh nghiệm, những người qua đó bị tước quyền lực thêm một lần nữa. Đó là mọt trong những lý do, tại sao miền Đông của Libya trong thời gian sau đó là thành trì của những phong trào Hồi giáo quá khích, những phong trào mà sau 1955 thường dùng bạo lực vũ khí để chống lại Ghaddafi và đã thật sự đe dọa chế độ của ông ấy. Trong số đó cũng có những người hoạt động mà trong những năm 1980 đã chiến đấu chống người Xô viết ở Agghanistan, một phần ở bên cạnh Osama bin Laden. Mãi đến sau 11 tháng 9 năm 2001, Ghaddafi cuối cùng mới đập tan được sự phản kháng Hồi giáo chống lại sự thống trị của mình.
Sau khi không thể thống nhất thế giới Ả Rập, Ghaddafi quay sang châu Phi và tuyên truyền cho một “Liên minh châu Phi”, thích nhất dưới sự lãnh đạo của ông ấy. Ông có đủ tiền để mua được sự ủng hộ đặc biệt là của các quốc gia vùng Sahel. Song song với đó, năm 1982 ông thiết lập ở Tripolis một “Trung tâm chống Đế quốc”, cái chẳng bao lâu sau nổi tiếng là một trung tâm điều khiển của khủng bố quốc tế. Người của Libya huấn luyện quân nổi dậy ở Đông Nam Á, châu Phi và châu mỹ La tinh. Nhưng cả IRA của Ireland cũng nhận vũ khí và tiền bạc. Sau lần khủng bố trong quán nhảy La Belle ở Berlin năm 1986, nơi chủ yếu là lính Mỹ lui tới, (hai người chết, 230 người bị thương), Tổng thống Mỹ Ronald Reagan buộc tội Ghaddafi đã ra lệnh. Như sau này biết được, vụ khủng bố đấy đã được Đại sứ quán Libya ở Đông Đức lập kế hoạch. Để trả đũa, Reagan cho bỏ bom khu nhà ở Al-Asisiya của Ghaddafi trong Tripolis mà qua đó người con gái nuôi của nhà độc tài đã tử thương. Đống đổ nát tồn tại như một đài kỷ niệm và nhắc nhở đến “sự hung hãn của đế quốc”. Chính ở đây, Ghaddafi đã có lần xuất hiện “Cách mạng! Cách mạng!” đáng ghi nhớ của ông ấy trong truyền hình nhà nước, ngay vào lúc cuộc nổi dậy bắt đầu. Sau Lockerbie (hơn 250 người chết) và sau lần bắn hạ một chiếc máy bay hàng không dân sự của Pháp trên Tshad (170 người chết), Liên Hiệp Quốc ban hành lệnh cấm vận kinh tế Libya năm 1992, cái mãi đến năm 2003 mới bị bãi bỏ. Đặc biệt là xuất khẩu dầu thì lại không bị cấm.
Không phải các cuộc cấm vận mà nhiều hơn là giá dầu giảm mạnh vào giữa những năm 1980 đã đẩy chính quyền này đến chỗ khó khăn về kinh tế. Thiếu tiền để tiếp tục mua một cách không có giới hạn hàng hóa tiêu dùng và dịch vụ từ nước ngoài. Như một phản ứng, người Libya lại được phép hoạt động kinh doanh tư nhân. Chỉ trong vòng một thời gian rất ngắn, khu vực tư nhân bùng nổ, cái tuy vậy đã phát triển trở thành một nền kinh tế của những kẻ cướp. Lái buôn Libya mang lậu hàng hóa ra nước ngoài với quy mô lớn, những thứ đã được mua trước đó với sự trợ giá của nhà nước, qua đó mà có được ngoại tệ và sau đấy là chia chác chúng với các nhân viên nhà nươc tham nhũng và với những người theo Ghaddafi. Toàn bộ Tây Phi được cung cấp lương thực thực phẩm từ Libya bằng cách này, trong đó là gạo, mì ống, bột mì, dầu đậu nành, sữa bột, nước ép từ cà chua hay bánh quy. Nhưng cả các sản phẩm bền lâu phần lớn từ Trung Quốc cũng qua con đường Libya đến châu Phi đen, ví dụ như vải và quần áo, phụ tùng thay thế cho ô tô, đồ chơi điện tử, vật liệu xây dựng, nệm giường, chăn mền, thảm, bàn ghế. Xe chạy mọi địa hình và xe tải bị đánh cắp ở Tunesia, Ai Cập hay Algeria được đẩy sang Niger, Mali, Tshad và Mauritania. Cuối cùng, một sự buôn bán phát đạt với thuốc lý Mỹ cũng hình thành, cái đến với Libya qua Benin và Niger. Hưởng lợi từ nền kinh tế kẻ cướp này, với hàng chục triệu mỗi năm, tính bằng dollar, ngoài các lái buôn trước hết là các “Ủy ban Cách mạng”, bên cạnh dân quân là cột sống của quyền lực Ghaddafi. Vì thế mà ông ấy cứ để cho nó tiếp diễn và để cho quỹ nhà nước phải trả giá. Đối với đa số người dân Libya, những người làm việc trong khu hành chính nhà nước với tiền lương bị đóng băng và lạm phát cao, thì sự phát triển này là một thảm họa.
Giới trẻ đi theo con đường riêng của họ
60% người Libya trẻ hơn 20 tuổi. Mặc dù về mặt tài chính họ có được tốt hơn những người đồng lứa tuổi trong Ai Cập hay Tunesia, tương lai nghề nghiệp của họ dưới thời Ghaddafi lúc nào cũng mờ mịt. Đường lối thất thường của ông ấy, mà trước hết là sợ thích những nhóm khủng bố ở khắp nơi trên thế giới của ông ấy, đã ngăn chận sự phát triển xã hội và cô lập đất nước, trong khi thu nhập bạc tỷ từ việc bán dầu và khí đốt được đầu tư vào trong các đại dự án vô nghĩa như khai thác nước ngầm hóa thạc trong sa mạc hay biến mất trong các hậu phòng của quyền lực. Libya giàu tiền năng bắt đầu thiếu tiền vì sự trung thành được mua theo kiểu đại trà. Thế hệ trẻ tìm một lối thoát. Nếu như họ không sa vào trong nền kinh tế của những kẻ cướp giật đấy thì họ tự khám phá lấy quyền lực của thị trường cho chính họ. Giới teen và tween mua hàng hóa ở Malta, Tunesia và Ai Cập, có cấm vận hay không cấm vận cũng thế, rồi bán lại chúng trong quê hương của mình. Không ít người trở nên khá giả và giúp đỡ tài chính cho gia đình, thị tộc và bộ tộc của họ. Quán cà phê, nhà hàng và cả quán rượu nữa mọc lên như nấm trong thủ đô bị người ta ngán ngại vì sự tẻ nhạt của nó. Ghaddafi có đủ khôn ngoan để không ngăn chận sự phát triển này, mặc dù chúng thật sự là chế diễu những điều khôn ngoan trong quyển “Sách Xanh”. “Jamahiriya” của ông ấy đã biến thoái thành một chính phủ bất lương và tham nhũng, các lực lượng an ninh lo liệu cho một sự im lặng trên trường chính trị giống như ở nghĩa trang và giới trẻ đi con đường riêng của mình. Cuộc cấm vận lại hỗ trợ thêm cho nền kinh tế trong bóng tối đó, nhưng không làm cho chế độ suy yếu đi. Trên khắp nước, giới trẻ tôn sùng một cảm giác sống mới mà trong đó “lãnh tụ cách mạng” không còn đóng vai trò nào cả. Tuy vậy, giới trẻ này, khác với trong các nước láng giềng, thuộc rất ít vào thế hệ Facebook và thuộc nhiều hơn là vào thế hệ “Bizness” – có thể so sánh tốt hơn với các doanh nhân trẻ tuổi trong Đông Âu sau 1989.
Không còn ai quan tâm thật sự đến viễn tưởng của một “xã hội công bằng” của Ghaddafi, đến những người theo ông ấy cũng không. Các “Ủy ban Thanh trừng”, được đặc biệt thành lập để tuyên án tử hình và cho hành quyết những kẻ gangster quá táo tợn, không thay đổi được gì trong việc “Jamahiriya” mất đi diện mạo và tính chính danh một cách nhanh chóng trong quần chúng. Chế độ cảm thấy bất an cho tới đâu, nó cố gắng một cách tuyệt vọng cho tới đâu để giữ được một phần còn lại của tính đáng tin cậy, không mẩu chuyện nào có thể minh họa cho điều đấy một cách dễ hiểu như vụ máu dự trữ nhiễm HIV. Năm 1997 và 1998, trong thời cấm vận, hơn 400 trẻ em trong một bệnh viện nhi đồng ở Bengasi đã nhiễm HIV, 43 em đã chết. Vụ này làm chấn động giới công chúng Libyia và đã trở thành một dịp may để tuyên truyền cho chế độ. Ghaddafi đổ lỗi cho mật vụ Mỹ và Israel CIA và Mossad đã bày mưu. Năm nữ y tá Bulgaria và một bác sỹ Palestina bị buộc tội đã cố tình truyền máu nhiễm HIV sang cho các em. Sau những vụ xử án kéo dài nhiều năm, họ bị tuyên án tử hình năm 2007, nhưng được trả tự do và bị trục xuất sau khi các món tiền “bồi thường” hàng triệu bạc được chi trả.
Cơ quan nhà nước luôn bác bỏ lời cáo buộc thiếu vệ sinh và làm việc luộm thuộm. Những người bị cáo buộc đã phải đứng ra chịu đòn cho một hệ thống chính trị thất bại, cái “liêm khiết” bảo vệ “danh dự của người Libya” chống lại một trật tự thế giới quá ư là bất công bằng.
Ghaddafi nhượng bộ
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng ngày 11 tháng 9 năm 2001 và “cuộc chiến chống khủng bố”, đặc biệt là lần tiến quân vào Iraq, đã kéo dài sự sống sót của “Jamahiriya”. Ghaddafi sợ phải rơi vào trong tầm ngắm của Hoa Kỳ như Osama bin Laden hay Saddam Hussein và đã thay đổi đường lối 180 độ. Ông đề nghị bình thường hóa quan hệ với chính phủ Hoa Kỳ và trả số tiền bồi thường hàng trăm triệu đồng cho thân nhân những người là nạn nhân của những cuộc khủng bố từ Libya. Các hợp đồng dầu mỏ và khí đốt được thương lượng mới với những điều kiện ưu tiên mà trước hết là Tây Âu đã hưởng lợi từ đấy, và từ đó Tây Âu đã nhận đến 80% trong tổng lượng cung cấp của Libya. Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil không có cơ hội nào. Chuyên gia khủng bố Ghaddafi cung cấp cho người Mỹ thông tin chi tiết về Al-Qaida và những nhóm bạo lực khác. Đồng thời, ông ấy cho dừng tất cả các chương trình phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Doanh nghiệp Hoa Kỳ nhận được các đơn đặt hàng lớn trong công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng điêu tàn. Đổi lại, Hoa Kỳ ủng hộ bãi bỏ cấm vận và cung cấp vũ khí cho Ghaddafi mà ông ấy đã dùng chúng để triệt hạ phe đối lập Hồi giáo trong Cyrenaika. Về phía người châu Âu thì ông ấy lại phục vụ như một đối tác đáng tin cậy để giữ không cho người tỵ nạn từ châu Phi đen đến được bờ biển của châu Âu. Một trong những tuyến đường chính của họ đi tqua Niger và Libya. Để cho đơn giản, họ thường bị gửi ngược trở vảo sa mạc, nơi hàng nghìn người trong số đó đã chết vì khát.
Cấm vận vừa được bải bỏ năm 2003 thì chính trị gia châu Âu đã gõ cửa Tripolis. Đặc biệt là người Pháp và người Ý đã cầu cạnh bằng mọi giá. Paris còn cố bán cho Ghaddafi cả một nhà máy điện nguyên tử. Người này thưởng thức sự chú ý mà người ta dành cho ông ấy, và tự cho rằng, nhưng đã nói, mình là một chính khách lớn của thế giới này. Ông ấy bao giờ cũng đi đến châu Âu với một cái lều, cái được dựng một cách màu mè trước những phong cảnh làm nền giống như trong sách ảnh. Thông điệp gửi về quê hương là: văn hóa bộ tộc của chúng ta ngang hàng với Versailles và Đấu trường La Mã.
Nền kinh tế kẻ cướp không thay đổi gì nhiều, tuy vậy, những người hoạt động bây giờ mặc comlê kẻ sọc và tự tin gửi lợi nhuận của mình cũng như gửi số tiền bán dầu bạc tỉ lấy trộm từ ngân quỹ nhà nước vào ngân hàng ở nước ngoài. Đồng thời, ở mặt ngoài, chính phủ cố gắng có được một hình ảnh mới, cởi mở với thế giới, “tự do”. Biểu tượng được cá nhân hóa cho cái được cho là sự biến đổi này trước hết là Saif al-Islam, người con trai thứ hai của Ghaddafi, người mà chẳng bao lâu sau đó đã được xem như là người sẽ kế nghiệp cha của ông ấy và tạo ấn tượng rằng ông ấy ủng hộ một cái gì đó giống như đổi mới. Thật ra thì ông ấy không khác gì một gangster chính trị, người thích phim điện ảnh và ca kịch và qua đó khiến cho những người bạn và người giúp đỡ ở Phương Tây có một ấn tượng sai lầm, rằng ông ấy cuối cùng cũng là một đối tác kinh doanh đáng tin cậy. Nhưng ở trong Libya thì không có gì biến đổi theo chiều hướng tốt hơn. “Jamahiriya” tiếp tục bảo trợ cho những người hưởng lợi của nó từ bộ tộc Ghaddafa và đồng minh của họ. Chỉ Ghaddafi, gia đình của ông ấy và một giới nhỏ những người mang quyền quyết định mới có quyền sử dụng tiền bạc tỉ từ bán dầu mỏ. Không một thời điểm nào mà sự “mở cửa” của chế độ, lần thay đổi đường lối năm 2001, lại đi cùng với một sự dân chủ hóa, dù có khiêm tốn đến đâu đi chăng nữa.
Cho tới ngày 17 tháng 2 năm 2011.
Đạo đức trong chính trị?
Người ta không cần phải là một người bạn của các hoạt động quân sự Phương Tây để cho rằng chiến dịch của NATO ở Libya là đúng đắn và thích hợp. Thông thường, can thiệp là không thích hợp thể ép một sự dân chủ hóa từ ngoài vào. Điều đấy đã không thành công cả ở Iraq lẫn ở Afghanistan. Nhưng cũng có những trường hợp mà một sự can thiệp dường như là bắt buộc. Nhất là khi có nguy cơ sẽ có một biển máu. Lần diệt chủng ở Ruanda năm 1994 và vụ thảm sát 8000 người Bosnia ở Srebrenica một năm sau đó đã khiến cho Liên Hiệp Quốc tái đánh giá các can thiệp bằng quân sự. Nguyên tắc bất di bất dịch, không can thiệp vào công việc nội bộ của một nhà nước có chủ quyền, đã được xét lại năm 2005 theo sáng kiến của Canada. Từ đấy, “trách nhiệm bảo vệ” được xem như là một tiêu chuẩn mới của luật quốc tế. Theo đó, các nhà nước có chủ quyền không còn được phép tùy tiện chống lại người dân của mình. Chính phủ có trách nhiệm bảo vệ nhân dân của mỉnh trước bạo lực thái quá. Nếu như họ không muốn hay không có khả năng, cộng đồng các quốc gia sẽ đảm nhận lấy trách nhiệm bảo vệ. Nó có thể đưa ra các biện pháp để chấm dứt bạo lực ngay cả khi trái với ý muốn đã được tuyên bố của chính phủ đấy.
Sự đổi mới về cơ bản này đã gặp phải nhiều chống đối từ phía Nga và Trung Quốc, nhưng cũng cả ở các nước đang phát triển và các nước sắp trở thành nước công nghiệp. Họ lo sợ một đặc quyền can thiệp của các nước Phương Tây. Và cũng vì họ nhiều lúc có khuynh hướng muốn dùng biện pháp đàn áp trong chính đất nước của mình nên họ không muốn chịu rủi ro của những “chuyến đi trừng phạt”. Do vậy mà Nga và Trung Quốc đã buộc trách nhiệm bảo vệ phải được giới hạn ở sự diệt chủng, tội ác chiến tranh, trục xuất sắ tộc và các trọng phạm chống lại loài người. Thêm vào đó, một sự can thiệp từ bên ngoài bị ràng buộc với một yêu cầu từ Hội đồng Bào an, cái có thể dẽ dàng được ngăn chận qua một phiếu phủ quyết.
Trong trường hợp Libya, phe nổi dậy đã khẩn nài yêu cầu sự can thiệp từ bên ngoài, vì lực lượng của Ghaddafi đã đứng ở ngoại ô của Bengasi. Hội Nghị Hồi giáo cũng như Liên đoàn Ả Rập, cả hai tuy là cọp giấy, nhưng vẫn là những người đại diện cho quyền lợi của các chính phủ trong thế giới Hồi giáo hay thế giới Ả Rập, đã yêu cầu Hội đồng bảo an của Liên Hiệp Quốc phải chấm dứt cảnh đổ máu ở Libya – việc mà tự họ không có khả năng hay không sẵn sàng.
Trước bối cảnh đó, Hội đồng Bảo an đã ra các Nghị quyết 1970 và 1973, và đã mở đường cho một sự can thiệp về mặt quân sự, cái mà Paris và London đã bắt đầu vào ngày 19 tháng 3 năm 2011 bằng những cuộc không kích quân đội Ghaddafi và đã được đặt dưới quyền của NATO hai ngày sau đó. Chưa từng bao giờ có một sự can thiệp tương tự như thế, cái a) được Liên Hiệp Quốc nhất trí ủy nhiệm (với phiếu trắng của Đức, Trung Quốc, Nga, Brazil và Ấn Độ), dựa trên trách nhiệm bảo vệ, và b) được tiến hành kịp thời để ngăn chận một vụ thảm sát đã được tuyên bố trước. Khác với trong trường hợp của Iraq hay Afghanistan, có vẻ như không thẻ nào gán cho người Mỹ và người Âu những động cơ Đế quốc Chủ nghĩa. Như đã nói, 80% xuất khẩu dầu của Libya là cho châu Âu. Dưới quan điểm đó, lẽ ra NATO đã phải đứng về phía của chế độ Ghaddafi để chông lại những người nổi dậy. Nhưng mặc dù vậy, cao thượng không phải là động cơ chính ở Paris, London, Rom hay Washington. Mà là nỗi lo, rằng về trung hạn Ghaddafi có thể làm cho Bắc Phi mất ổn định và trở thành một mối nguy hiểm cho an ninh ở miền Nam của châu Âu. Thủ tướng Anh David Cameron nhìn thấy cơ hội để đánh bóng hình ảnh của đất nước ông ấy trong vùng, hình ảnh mà vốn đã bị vấy bẩn bởi cuộc Chiến tranh Iraq. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy muốn làm cho người ta quên đi chính sách đáng chê trách của chính phủ ông ấy đối với các quốc gia cùng Maghreb trước và vào lúc cuộc cách mạng bắt đầu – hoàn toàn chưa nói tới cái tôi to lớn của ông ấy và các con số tồi tệ trong những lần thăm dò. Ở trong khối NATO, Washington thì lại giao trách nhiệm chiến dịch về cho Liên hiệp Anh và Pháp. Trong bất cứ trường hợp nào, tổng thống Obama cũng không muốn bị lôi kéo vào một cuộc chiến tranh mới, sau những thảm họa ở Afghanistan và Iraq.
Với phiếu trắng của mình trong lúc biểu quyết Nghị quyết 1973, nước Đức đã khiến cho bạn bè và đồng minh phải ngạc nhiên và đã vô cớ mà tự cô lập mình. Ngoài ra, với cách biểu quyết của mình, chính phủ Đức để cho người ta nhận thấy rằng họ vẫn còn chưa hiểu được sự biến đổi mang tính kỷ nguyên trong thế giới Ả Rập. Nữ thủ tướng liên bang [Đức] cũng như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tuy lên án bạo lực ở Libya và yêu cầu Ghaddafi từ chức. Nhưng đồng thời, tàu khu trục Đức trước bờ biển Libya được rút đi. Khi lời phê phán về việc làm mất thể diện NATO này trở nên quá to, Berlin đồng ý cho sử dụng máy bay AWACS Đức trên bầu trời Afganistan để bù vào đó, một việc đã bị từ chối lâu nay: nếu có ý muốn làm chính trị thì sẽ khác đi.
Động thái của chính phủ liên bang [Đức] cũng là không thể chấp nhận được khi câu hỏi về tương lai của Libya được đặt ra. Ai là những người nổi dậy này? Người ta có thể tin họ được không? Câu hỏi ngược lại: Ngay cả khi những người nổi dậy chỉ là những kẻ giết ngưởi hàng loạt và hiếp dâm – thì rồi Ghaddafi có quyền giết họ hay không? Có thể có an ninh và ổn định cho châu Âu và dân chủ cho người dân Libya với Ghaddafi hay không? Sau tất cả những gì mà chúng ta biết được về “Jamahiriya”, câu trả lời chỉ có thể là không. Ghaddafi không chỉ là một thái quá của Libya. Ông ấy cũng là thụ tạo của chúng ta. Sự nhân nhượng của Phương Tây đối với con người bệnh tâm thần này đã kéo dài sự thống trị của ông ấy một cách không cần thiết sau năm 2001. Nếu như “cộng đồng những giá trị” của Phương Tây không muốn chỉ là những lời hùng biện nói về chính mình, thì chúng ta phải bước vào quan hệ căng thẳng giữa đạo đức và quyền lực. Phải đối xử như thế nào với các “nhà nước lưu manh” như Libya, Belarus, Zimbabwe? Với đường lối của Moscow và của Bắc Kinh đối với các dân tộc thiểu số, tôn giáo thiểu số và những thiểu số khác? Và đó có phải chỉ là đạo đức già hay không, khi NATO can thiệp vào Libya, nhưng không can thiệp vào Bahrain, Syria hay Jemen?
Câu trả lời thật thà cũng như không làm hài lòng là: tùy theo từng trường hợp một. Zimbabwe quá không quan trọng về mặt địa chính trị để mà có thể bị bỏng tay ở đó. Trung Quốc và Nga thì lại quá mạnh. Jemen quá phức tạp. Đứng sau Bahrain là Ả Rãp Saudi, nhà sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới. Belarus là sân sau của Moscow. Syria – một thùng thuốc súng ở trong vùng. Trong trường hợp hoài nghi, các lợi ích kinh tế sẽ quyết định. Chính trị ít liên quan đến đạo đức. Nhưng nó thỉnh thoảng trải qua những khoảng khắc tươi sáng, thuộc trong đó cũng là “trách nhiệm bảo vệ”.
Can thiệp quân sự từ những lý do nhân đạo chắc chắn sẽ vẫn là trường hợp ngoại lệ. Cuối cùng thì những người bị đàn áp phải dựa vào chính mình. Họ phải tạo nên một sự năng động, cái giải phóng cho họ. Những người nổi dậy ở Libya gặp may, nếu như người ta muốn nói như thế. Các sự việc đã ghép lại với nhau một cách thuận lợi cho họ. Không nhiều hơn nhưng cũng không ít hơn.
Nhưng mục đích chiến tranh của NATO là gì? Ở mặt công khai là để bảo vệ người dân thường. Trên thực tế thật ra là để lật đổ Ghaddafi, mặc cho tất cả những lời phủ nhận. Giống như là người ta muốn bơi mà không phải chìm hẳn vào trong nước. Cũng vì thế mà cuộc chiến đã kéo dài – việc sử dụng lục quân dường như là quá nguy hiểm và bị những người nổi dậy dứt khoát từ chối, để không phải đứng đó như là tay sai của Phương Tây. Thay vì vậy, lực lượng đối lập nhận được vũ khí trong quy mô có giới hạn, thật ra là vi phạm cấm vận vũ khí, chiến binh của họ một phần được huấn luyện về quân sự. Trong niềm hy vọng không đổi, rằng các cuộc không kích vào quân đội của Ghaddafi sẽ làm suy yếu lực lượng này và các bộ tộc của vùng Tripolitania cuối cùng sẽ quay lưng lại với ông ấy. Đồng thời, Nga và Trung Quốc vẫn còn kín đáo cung cấp vũ khí và lính đánh thuê cho Ghaddafi nhiều tháng trời.
Tiếp theo như thế nào?
Sau khi chế độ Ghaddafi chấm dứt, nhà nước Libya phải tự phát minh mới chính mình. Có mối nguy hiểm, là trung tâm của quyền lực sẽ lại dịch chuyển đi, trở lại vùng Cyrenaica, việc mà Tripolitania phải trả giá. Người Ghaddafa, Magarha và những phần của Warfalla hẳn sẽ mất ảnh hưởng. Nếu như họ bị đẩy ra rìa trong lúc phân chia lại quyền lực và tài nguyên thì sẽ có nguy hiểm của một cuộc chiến tranh du kích. Nhưng các bộ tộc không phải là những nhóm đồng nhất, những cuộc thanh toán giữa những người theo và những người chống lại Ghaddafi cả trong từng bộ tộc cũng không phải là là được loại trừ. Đặc biệt là cho người Warfalla. Và cuối cùng thì cấu trúc bộ tộc trong các thành phố lớn Tripolis, Bengasi và Misrata, nơi tròn một phần ba dân số sinh sống, sẽ mất nhiều ảnh hưởng. Trước hết là giới trẻ đã từ lâu không còn cảm nhận rắng họ được những người dẫn đầu bộ tộc đại diện cho mình nữa. Trong số các nhóm đối lập chỉ có Huynh đệ Hồi giáo là có một mức độ tổ chức nhất định, đặc biệt là trong các thành phố của vùng Cyrenaica. Họ đại diện cho một Hồi giáo chính trị ôn hòa và đấu tranh cho công bằng xã hội. Ngay từ đầu tháng hai năm 2011, họ đã kêu gọi phản đối Ghaddafi và đóng một vai trò quan trọng khi cuộc nổi dậy bùng nổ. Các Huynh đệ Hồi giáo là đảng phái xuyên bộ tộc lớn nhất và cũng có đại diện trong “Hội đồng Lâm thời Quốc gia”, chính phủ kế tiếp chế độ Ghaddafi.
Nhưng cuộc nổi dậy được tiến hành chủ yếu bởi những người hoạt động không tham gia đảng phái chính trị. Thanh niên trẻ thất nghiệp hay thiếu việc làm phóng hỏa đốt các đồn cảnh sát và trụ sở nhà nước trong các thành phố của miền Đông Bắc và trên núi Nafusa ở Tây bắc, dọc theo biên giới với Tunesia và qua đó đã tạo ra một sự động lực đã nhanh chóng trở nên không còn có thể kiểm soát được nữa. Thế hệ Facebook, như đã nhắc đến, chỉ đóng một vai trò phụ. Thay vào đó, trước hết là trong Bengasi, luật sư, bác sĩ, giáo sư đại học, phụ nữ đã tham gia cuộc nổi dậy và có lẽ sẽ dẫn đầu hay tổ chức các đảng phái chính trị mới và những nhóm xã hội dân sự mới. Quan chức cao cấp đã đào ngũ của Ghaddafi cũng có mặt trong Hội đồng Lâm thời, khiến cho những người chống Ghaddafi rất bực tức.
Thách thức lớn nhất đầu tiên là ở việc xây dựng các thể chế trong một lbya mới, từ hiến pháp cho tới luật bầu cử, từ quốc hội cho tới làm cân bằng lợi ích của các bộ tộc một cách hòa bình. Ở bên kia của yêu cầu lật đổ Ghaddafi, yêu cầu tự do và dân chủ cũng như chấm dứt tham nhũng, những người nổi dậy thiếu một viễn cảnh chính trị và một nhân vật lãnh đạo. trong trường hợp xấu nhất, lần bắt đầu mới chấm dứt ở sự chia lại tài nguyên: trong những cuộc tranh giành chia chác các thu nhập từ khu vực dầu mỏ. Ngay khi một chính phủ mới nắm được nó, họ sẽ lập liên minh với những bộ tộc quan trọng nhất và qua đó cố củng cố quyền lực của họ. Tuy vậy, việc đơn giản là cứ tiếp tục hệ thống bảo trợ, theo chiếu ngược lại, sẽ bị những nhóm tự do và Hồi giáo trong các thành phố lớn và những nhà cách mạng trẻ loại trừ rộng khắp. Trong trường hợp này, cải cách mang tính cơ bản hay cả một sự phân tán quyền lực về cho các vùng đất là ít có khả năng xảy ra và sẽ kéo theo những bạo động kế tiếp.
Có nhiều khả năng là thất bại và bùng nổ bạo lực sẽ đi kèm theo với sự dân chủ hóa Libya. Tan rã nhà nước là việc không thể loại trừ về mặt cơ bản. Tương tự như Rumani sau khi lật đổ Ceausescu hay Albania sau khi Hoxha chấm dứt, đầu tiên là Libya đứng trước một cái lỗ đen, một tương lai ít nhiều không chắc chắn. Không có người châu Âu thiện chí đứng trong hậu trường, những người muốn đi kèm theo lần bắt đầu mới về chính trị và kinh tế.
Thật ra tại sao lại không? Libya không thiếu tiền, nhưng hẳn là thiếu chuyên gia trong vấn đề xây dựng quốc gia. Chính phủ liên bang [Đức], sau thái độ thất thường đối với những người nổi dậy, tốt hơn là nên đặt một trọng tâm của đường lối chính trị tại Địa Trung Hảo của mình ở tại đất nước này. Giúp đào tạo thẩm phán, cảnh sát, nhân viên nhà nước. trợ giúp nhà báo độc lập, thúc đẩy xây dựng giới truyền thông tự do. Giúp đỡ đào tạo, nhưu xây dựng trường dạy nghề hay hỗ trợ những dự án của các trường đại học. Chỉ kể ra như một vài ví dụ.
Châu Âu không có lợi khi Libya tan rã. Lý luận, trong trường hợp này thì lẽ ra không tấn công Ghaddafi thì tốt hơn, cũng mang tính thuyết phục tương tự như giả định, rằng châu Âu ngày nay lẽ ra là tốt hơn với Ceausescu hay Hoxha. Điều ngược lại mới là đúng: lẽ ra tốt hơn là nên tách xa khỏi Ghaddafi sớm hơn nhiều.
Những người nổ dậy chiếm được Tripolis vào ngày 21 tháng 8 một cách hoàn toàn bất ngờ. Tuy các trận chiến vẫn còn tiếp diễn thêm một thời gian nữa, nhưng vào cái ngày đấy, sự thống trị kéo dài gần 42 năm của Ghaddafi đã chấm dứt, người bây giờ tạm thời đã lẩn trốn. Thành công của những người nổi dậy nhờ chủ yếu là vào sự giúp đỡ của NATO, nhưng cũng nhờ tài thương lượng của “Hội đồng Lâm thời Quốc gia”. Hội đồng này đã thương lượng hàng tuần với những bộ tộc ở miền Tây Libya, những bộ tộc đã ủng hộ Ghaddafi vào lúc ban đầu. Ngay chính bộ tộc của ông ấy, Ghaddafa, phần nhiều cũng cho rằng tốt hơn là nên đổi chiến tuyến. Đổi lại, chắc chắn là những người đã từng trung thành với nhà độc tài trước đây cũng đã nhận được bảo đảm là sẽ không bị loại ra ngoài vòng của quyền lực và loại ra ngoài lần phân chia lại tài nguyên. Không có sự nhân nhượng của các bộ tộc thì cuộc chiến chắc có thể sẽ kéo dài thêm nhiều tháng nữa. Cả cuộc chiến cuối cùng vì Tripolis, được nhiều người lo ngịa, cũng đã không xảy ra – viên tổng tư lệnh chịu trách nhiệm bảo vệ thủ đô thuộc bộ tộc Ghaddafa đã yêu cầu các đơn vị của mình bỏ súng xuống.
AL-JAZEERA Ở KATAR VÀ
CUỘC PHẢN CÁCH MẠNG Ở BAHRAIN
Lịch sử hiện đại của Katar bắt đầu trong năm 1766, khi nhiều phần của bộ tộc Bani Utub, tức các gia đình Al Khalifa và Al Jalahima, rời bỏ quê hương của họ và thành lập khu dân cư Zubara trong miền Đông Bắc của bán đảo Katar, ngày nay là một cánh đồng đổ nát rộng lớn. Lịch sử Katar trước khi các thị tộc nhiều quyền lực này tới đó phần lớn là không được biết tới. Sa mạc trong nội địa thời đó không có người sống, ngoại trừ một vài bộ tộc du cư thỉnh thoảng đi ngang qua đó, lúc nào cũng trên đường tìm bãi cỏ và nước uống. Dọc theo bờ biển, một vài gia đình lớn định cư trong những làng đánh cá nghèo, không hiếm lần là trên đường trốn tránh các mối hận thù giữa các bộ tộc. Ngay lúc có nguy hiểm mới, họ tiếp tục ra đi, chất của cải ít ỏi lên tàu thuyền hay lên lạc đà, chạy trốn qua biển hay qua sa mạc.
Có hai thành phố nhỏ, ngày nay không quan trọng là Fuweirat và Doha, cả hai đều nằm cạnh bờ biển phía Đông, có nhiều nhóm bộ tộc sinh sống ở đó, trong số đó là thị tộc Al Thani, triều cai trị Katar ngày nay. Người ta cho rằng họ đã di cư từ miền Trung Ả Rập đến Katar vào cuối thế kỷ 17 hay đầu thế kỷ 18 – trong một làn sóng di cư có quy mô lớn của các bộ tộc Ả Rập đi về hướng bờ biển vùng Vịnh.
Nhưng trung tâm kinh tế và chính trị của Katar vào lúc ban đầu không phải là Doha, mà là Zubara, cái nhanh chóng phát triển thành một trung tâm thương mại, nhờ vào các dãy bờ biển có nhiều ngọc trai. Trước khi phát hiện ra dầu mỏ, nghề mò ngọc trai là ngành kinh tế quan trọng nhất ở vùng Vịnh – sự thịnh vượng của Zubara đánh thức dậy nỗi thèm muốn tương ứng ở các láng giềng. Đã xảy ra các cuộc xung đột vũ trang với Ba Tư và Muscat trong Oman ngày nay, và trong diễn tiến của các cuộc chiến này, Bani Utub từ Zubara đã nhờ vào sự giúp đỡ của những người anh em thị tộc ở Kuwait mà chiếm lấy được hòn đảo láng giềng của Katar, Bahrain, năm 1783. Hậu quả là một tình trạng hỗn loạn về chính trị, và cho tới giữa thế kỷ 19, quyền lực chỉ nằm trong tay của các tộc trưởng kình địch với nhau, những người mà một phần có những hình dung hết sức ương bướng về luật lệ và trật tự. Người nổi tiếng nhất trong số các tộc trưởng này là Rahma Ibn Jabir Al Jalahima mà ai trong Katar ngày nay cũng vẫn còn thích kể lại lịch sử của ông ấy, già cũng như trẻ.
Về cướp biển và những người cai trị
Sau khi chiếm được Bahrain, thị tộc Al Khalifa đã cho thị tộc Al Jalahima ra rìa và lừa gạt không cho tham gia nắm quyền lực như đã hứa. Phần lớn người Al Jalahima sau đó đã rời bỏ Bahrain, cả Rahma Ibn Jabir. Nhưng người này muốn trả thù. Ông ấy chuyển sang làm cướp biển, một nghề mà thời đấy cũng được công nhận dọc theo bờ biển vùng Vịnh. Tuy vậy, Rhama không phải là bất cứ một hải tặc nào, ông ấy là tên cướp biển thành công nhiều nhất trong thời của ông ấy, người thông thạo nghề của mình cũng như các luật chơi của chính trị – bằng cách kết bạn với các kẻ thù của Al Khalifa. Ông ấy đặc biệt thích săn lùng các con thuyền buồm bằng gỗ của Al Khalifa, những người mà ông ấy hầu như đã làm phát sản nền thương mại hàng hải của họ. Klaus Störtebeker [hải tặc nổi tiếng người Đức] của Katar này không phải là một con người tinh tế, nếu phán đoán theo vẻ bên ngoài của ông ấy mà nhà du lịch người Anh Buckingham (“Travels in Assyria”) đã mô tả: “Thân hình của ông ấy giống như một gốc cây mảnh dẻ, tay chân của ông ấy hết sức gầy còm và đầy vết đâm và thẹo. Trên thân hình của ông ấy có tổng cộng khoảng hai mươi vết thương, thương tích từ đao kiếm, lao và đạn. Gương mặt của ông ấy dữ tợn và xấu xí và cũng đẹp hơn bởi có nhiều vết thẹo và mất một con mắt.”
Lần kết liễu của ông ấy trong năm 1826 cũng không phải là không có phong cách. Bị bao vây bởi một hạm đội của Al Khalifa, Rahma cho nổ tung mình cùng với đứa con trai tám tuổi.
Trước khi phát hiện ra dầu mỏ, Vùng Vịnh đã đánh thức sự quan tâm thuộc địa của Liên hiệp Anh. Về một mặt, để bảo đảm đường hàng hải giữa Ấn Độ và vùng Lưỡng Hà, nơi bắt đầu tuyến đường bộ đi đến Địa Trung Hải trước khi kênh đào Suez được khai mạc. Mặt khác, người Anh tìm thị trường tiêu thụ mới cho hàng dệt từ quê hương và hàng hóa thuộc địa từ Bombay. Vùng Vịnh trong thế kỷ 19 không phải là hoàn toàn không có nguy hiểm, vùng giữa Katar và eo biển Hormuz được xem là bờ biển của hải tặc. Tình trạng không an toàn chung xuất phát từ tình hình chính trị: thiếu một quyền lực trung tâm mạnh, cái có thể giữ được trật tự. Kình địch giữa các bộ tộc thường dẫn đến những cuộc chiến tranh kéo dài, và một hình thức tiến hành chiến tranh chính là cướp biển mà với nó người ta cố đánh quỵ kẻ địch về mặt kinh tế. Khi giờ đây thuyền thương mại Anh ngày càng trở thành nạn nhân của cướp biển càng nhiều, Lonbdon phản ứng với nhiều cuộc viễn chinh trừng phạt. Năm 1818, thành trì trốn tránh quan trọng nhất của dân cướp biển bị phá hủy, Ras al-Khaimah, một thành phố ở miền Tây Bắc của Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày nay, thời đấy là trung tâm kinh tế của bờ biển Vùng Vịnh. Tiếp theo sau đấy, Liên hiệp Anh áp đặt được một lần ngưng chiến, lúc đầu là có thời hạn, cái được các bộ tộc tham gia kéo dài mãi mãi. Sự thống trị áp đảo của Anh quốc được củng cố và mở rộng trong nhiều hiệp định với những cái được gọi là Trucial States (các quốc gia ngưng chiến), Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất ngày nay, mà trong đó London đảm nhận ngoại giao và quốc phòng của các tiểu vương quốc này, nhưng trước hết là để cho họ công nhận sự độc quyền thương mại cho toàn bộ phần Ả Rập của Vùng Vịnh. Các tiểu vương quốc bị cấm buôn bán với các quốc gia châu Âu khác. Sự độc quyền này mang lại lợi lộc nhiều nhất là trong lần cấp giấy phép khai thác dầu lần thứ nhất sau Đệ nhất thế chiến.
Triều đại trưởng thành
Chính sách ký kết hiệp ước của Anh quốc, thường đi cùng với áp lực về quân sự, đã cố tình nâng một vài người trưởng bộ tộc lên cấp bậc của những người cầm quyền quốc gia độc lập, điều mà họ nguyên thủy không có hay chỉ có một cách có giới hạn. Như ở Katar và Bahrain. Năm 1868, các bộ tộc Katar tấn công Bahrain láng giềng, có trên 1000 người bị giết chết và hơn 600 chiếc thuyền bị phá hủy trong lúc đó. Lo ngại về lần xâm phạm trắng trợn hòa bình trên biển trong vùng Vịnh này, London gửi một phái đoàn đến Katar để thương lượng một hiệp ước hòa bình với các bộ tộc. Hiệp ước này được xem như là tờ giấy khai sinh cho các quốc gia Bahrain và Katar. Giống như một sự trừng phạt cho lần tấn công, Katar phải công nhận chủ quyền của Bahrain, đồng thời London cũng chấp nhận Katar là lãnh thổ độc lập. Trước đó, đối với người Anh, nó chỉ là một phần phụ của Bahrain. Với hiệp ước đó, tộc trưởng ký kết cho Katar, Mohammed Al Thani, đã được nâng cấp về mặt chính trị – một tộc trưởng không phải là không có ảnh hưởng ở Bisa, ngày nay là một phần của thủ đô Doha, nhưng cho tới lúc ký tên thì cũng chỉ là một trong số nhiều tộc trưởng có hậu thuẫn tương đương với nhau. Ở Bahrain thì sự thống trị của Al Khalifa cuối cùng cũng được ghi nhận. (Họ phụ Al, đọc là Aal, không được nhầm lẫn với mạo từ Ả Rập al–, có nghĩa là “dòng họ”, “triều đại”, “bộ tộc”.) Thế nhưng căng thẳng chính trị giữa Bahrain và Katar vẫn tiếp tục. Năm 1986, trong cuộc tranh cãi vì ba hòn đảo nhỏ, cái đã bắt đầu từ thời đấy, chiến tranh suýt nữa thì đã xảy ra giữa hai quốc gia. Mãi năm 2001 nó mới được Trọng tài Thường trực ở Den Haag hòa giải một cách có lợi cho Katar.
Vì giàu dầu mỏ nên người Anh trả độc lập thật muộn màng cho các quốc gia vùng Vịnh: Kuwait năm 1961, Bahrain, Katar, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Oman năm 1971. Các triều đại gia đình cai trị phải đương đầu với thách thức đáng ganh tỵ, dẫn dắt các quốc gia của họ vào thời Hiện đại một cánh nhanh chóng nhất, ít nhất là theo vẻ ngoài. Thu nhập khổng lồ từ kinh doanh dầu mỏ và sau này là khí đốt không cho phép có sự lựa chọn nào khác – và nhiều lần thì cái giá phải trả là sự nhận dạng và lịch sử của chính họ. Dubai trong các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất năm 1960 có tròn 5000 cư dân, không có đường xá, không có trường học, không có bệnh viện và chỉ có một ngôi nhà duy nhất không bằng đất sét: chi nhánh của Barclays được dựng lên bằng đá. Người dân bản xứ sống chủ yếu nhờ vào buôn bán, kinh tế ốc đảo, trồng chà là và đánh cá. Phương tiện chuyên chở được sử dụng nhiều nhất là lạc đà. Sau đó còn chưa tới hai thế hệ, Dubai là một trong những trung tâm kinh tế quan trọng nhất của thế giới và có trên một triệu dân cư. Sự phát triển cũng nhanh chóng tương tự như thế trong các quốc gia vùng Vịnh còn lại. Nhưng xây dựng tương lai như thế nào? Câu hỏi này luôn dẫn đến sự đổ vỡ trong các gia đình đang cai trị. Thường hay có đảo chính trong cung đình của những người con trai chống lại cha của họ, lần cuối cùng là 1995 ở Katar, khi tộc trưởng Hamad Al Thani lật đổ cha của ông ấy là Khalifa, nguyên thủ quốc gia từ 1972. Người này đã tìm thấy gương mẫu của mình tại Thụy Sĩ: một đất nước giàu có và đồng thời cũng là hiện thân cho tính trung lập. (Nhìn như thế thì không phải là không có sự mỉa mai, khi Khalifa bị tước quyền lực trong lúc đang ở Genf.) Sau lần Iraq xâm lược Kuwait năm 1990, Hamad tin rằng tính trung lập không thể bảo đảm cho nền độc lập và an ninh cho tiểu quốc Katar, chỉ lớn bằng nửa tiểu bang Hessen [ở Đức], mà ngược lại là một vị thế global player của Katar.
Al–Jazeera. Thế giới Ả Rập tự cải mới
Sau Chiến tranh vùng Vịnh 1990/1991, chính phủ ở Riad kết thúc các hợp đồng cho các căn cứ quân sự Mỹ ở Ả Rập Saudi. Sự hiện diện của Hoa Kỳ đặc biệt là một cái gai trong mắt của những người Wahhab. Vua Hamad nhận ra cơ hội và trước khi lật đổ cha mình đã mời người Mỹ hãy chuyển căn cứ chính của họ về Katar. Washington không thấy có lý do gì để lên án lần đảo chính đó. Ngày nay, khu quân sự Mỹ, một căn cứ không quân khổng lồ, bao gồm gần một phần tư diện tích của Katar dọc theo bờ biển Tây và là một quốc gia đóng kín trong một quốc gia. Bây giờ thì còn ai sẽ tấn công Katar? Đặt câu hỏi về các đường biên giới? Trong quá khứ, Ả Rập Saudi đã hay chiếm hữu những vùng đất biên giới dọc theo các quốc gia vùng Vịnh nhỏ hơn. Trên những tấm bản đồ cũ, Katar còn có biên giới chung với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất. Ngày nay không còn như thế nữa, trong những năm 1980 Riad đã lặng lẽ chiếm lấy dãy đất dọc theo bờ biển đó.
Để không phải xuất hiện như là tay sai của Washington, vua Hamad phải tạo một đối trọng, lo cân bằng về mặt chính trị. Trong lúc đó ông không chỉ muốn giới hạn ở Katar mà cho cả thế giới Ả Rập. Năm 1996, ông thành lập đài Al–Jazeera (Hòn Đảo), được cho là do vợ chính của ông ấy, hoàng hậu Moussa, khuyên nhủ, với trụ sở trong thủ đô của Katar là Doha. Tên này muốn nói đến bán đảo Ả Rập và đồng thời cũng phản ánh niềm khát khao muốn có nước uống của dân du mục Ả Rập – biểu trưng của Al–Jazeera, cái cũng xuất phát từ một ý tưởng của Vua Hamad như tên của đài, là một dòng hoa văn Ả Rập có dạng như một giọt nước, cái trước mỗi một chương trình tin tức rơi chìm xuống đại dương và rồi lại tái xuất hiện như đã được làm sạch. “Doha” có nghĩa là “cây to có nhiều nhánh”, cái cũng phù hợp với hình ảnh đấy như thế nào đó.
Đài tin tức Al–Jazeera, cái loa của cuộc Cách mạng Ả Rập, đồng thời cũng là “nhân tố hiện đại hóa” quan trọng nhất của thế giới Ả Rập. Bắt đầu bằng việc nó đã cải mới về cơ bản giới truyền thông trong vùng. Trước Al–Jazeera chỉ có đài truyền hình do nhà nước chỉ đạo, thường đứng dưới một cơ quan tuyên truyền mang tên của một Bộ Thông tin và sản xuất những chương trình tin tức tẻ ngắt, về mặt kỹ thuật thường ở mức nghiệp dư. Mâu thuẫn xã hội và chính trị về cơ bản không được nói tới. Ví dụ như “Chiến hữu Hafiz al–Assad hôm nay đã tiếp nhận một thông điệp của hoàng thân, Emir của Kuwait, chúc ngài tổng thống mến yêu, tấm gương sáng qua mọi biên giới của Cộng hòa Ả Rập Syria, tiếp tục công tác mang lại nhiều phúc lành và sức khỏe trường an. Cột trụ của kiên cường và đối lập ngay sau đấy đã viết thư cảm ơn và trong đó đã nổ lực thắt chặt thêm nữa tình huynh đệ giữa hai quốc gia.”
Al–Jazeeraa hướng theo các tiêu chuẩn chuyên nghiệp của CNN và BBC, lôi kéo ban biên tập tin tức Ả Rập của BBC về làm việc cho mình và dựa vào truyền hình vệ tinh. Ngay từ đầu, các chương trình tranh luận đã thuộc vào chương trình (“Ý kiến và Phản ý kiến”, “Hướng ngược lại”) mà trong đó ví dụ như người Hồi giáo gặp gỡ những người có tinh thần phi tôn giáo hay tranh luận về những vấn đề tôn giáo và đạo đức. Không một đài truyền hình Ả Rập nào dám trước đó. Đặc biệt những người Hồi giáo bảo thủ bày tỏ sự phẫn nộ, vài chính phủ Ả Rập đã chính thức trao lời than phiền cho giới lãnh đạo Katar. Có lẽ là Vua Hamad đã chuyển giao chúng tiếp tục cho người chủ và cũng là giám đốc của Al–Jazeera, Vua Hamad. Chính phủ Algeria là chính phủ đầu tiên đã kiểm duyệt Al–Jazeera năm 1999. Để ngăn chận không cho phát đi một cuộc thảo luận về tình hình chính trị ở Algeria, họ đã cắt điện trong các thành phố lớn vào thời gian của chương trình này. Chính phủ ở Riad cấm doanh nghiệp Ả Rập Saudi quảng cáo trên Al–Jazeera. Al–Jazeera là đài truyền hình Ả Rập đầu tiên lập một văn phòng thông tín ở Israel và phỏng vấn chính khách Israel – bằng tiếng Do Thái. Cả điều đấy cũng chưa từng bao giờ có trong truyền hình Ả Rập.
Khán giả Ả Rập, những người trước đó phải dựa vào truyền thông Phương Tây để có được thông tin và những tường thuật hậu trường từ đất nước của họ, bây giờ có một truyền thông riêng, cái không bị nghi ngờ là đứng trong chủ nghĩa lấy châu Âu làm trung tâm, cái đã trở nên nổi tiếng từ những tường thuật nhiệt thành và lòng can đảm hướng đến tranh luận.
Ở Phương Tây, Al–Jazeera được biết đến sau ngày 11 tháng 9 năm 2011, vì đài truyền hình này, đã mở một văn phòng ở Kabul trước những vụ khủng bố ở Hoa Kỳ, đã thường xuyên phát đi các thông điệp video của Osama bin Laden. Sau đó, trước hết là các chính khách và nhà xuất bản bảo thủ của Hoa Kỳ đã lên án Al–Jazeera rằng họ đã tạo một ra một diễn đàn cho mạng lưới khủng bố Al–Qaida. Tuy vậy, phần lớn các đài truyền hình trên thế giới đều phát lại một phần từ những video này. Trong tháng 11 năm 2001, máy bay chiến đấu Hoa Kỳ đã phá hủy “nhầm”, như người ta nói, văn phòng của Al–Jazeera ở Kabul. Trong tháng 4 năm 2003, trong Chiến tranh Iraq, văn phòng của đài truyền hình này tại Bagdad đã bị ném bom, thông tín viên Tariq Ayyoub đã chết trong lúc đó. Từ nỗi lo sợ, rằng đài này ủng hộ bài Mỹ và củng cố cho các thế lực quá khích, Tổng thống George W. Bush được cho rằng đã cân nhắc cho ném bom trụ sở chính ở Doha. Rõ ràng là ông ấy không biết rằng cuộc Chiến tranh Iraq được điều phối từ căn cứ Mỹ ở Katar.
Al–Jazeera ám ảnh Washington cho tới đâu, điều đấy được các “Guantánamo Bay files” chứng tỏ, những cái được Wikileaks đưa lên mạng trong tháng 4 năm 2011. Vào đầu 2002, người quay phim Sami al–Hajj làm việc cho Al–Jazeera bị bắt và bị mang đến Guantánamo qua Pakistan. Theo tài liệu của Wikileaks, anh ấy đã bị hành hạ, thuộc trong các phương pháp tra tấn là xâm hại tình dục. Anh ấy cần phải “cung cấp thông tin về các chương trình đào tạo của Al–Jazeera và trang bị kỹ thuật của họ. Thêm vào đó là về công tác báo chí của họ ở Chechnya, trong Kosovo và Afganistan. Kể cả câu hỏi, đài này làm thế nào mà có được những cuốn băng video của Osama bin Laden.” Theo Wikileaks, người Mỹ tin chắc rằng al–Hajj là một người đưa tin của Al–Qaida. Anh ấy đã chuyển tiền cho một tổ chức từ thiện ở Chechnya, có quan hệ với bin Laden. Sau sáu năm tù, người Sudan này được trả tự do mà không được mang ra tòa. Trong diễn tiến của hàng trăm cuộc hỏi cung, anh ấy, theo luật sư Stafford Smith của anh ấy, chưa từng một lần được hỏi về những điều mà người ta kết tội anh ấy.
“Các cảm xúc sôi sục”
Các nhà báo Phương Tây tường thuật về Chiến tranh Iraq thường là những “nhà báo tích hợp”, đi theo quân đội Hoa Kỳ hay quân đội Anh trong các trận chiến. Ngược lại, các nhà báo của Al–Jazeera đứng vào góc nhìn của người dân thường và chỉ cho thấy các nạn nhân của chiến tranh, những việc phần lớn đều bị loại ra khỏi các tường thuật của Phương Tây. Chính là cái góc nhìn đấy, góc nhìn “từ ở dưới”, đã đánh trúng tâm lý của khán giả Ả Rập và khiến cho đài truyền hình này trở thành người dẫn đầu cho các quan điểm trong thế giới Ả Rập. Đài có thông tín viên ở những nơi mà các nhà báo Phương Tây thường tránh né, trong đó có Gaza và Mogadishu, và ngay cả trong những tỉnh lẻ xa xôi nhất. Khi văn phòng ở Cairo của đài truyền hình này bị bắn phá vào đầu năm 2011, lúc cuộc cách mạng bắt đầu, nó đã làm cho những người biểu tình Ai Cập trở thành phóng viên và phát đi những đoạn video quay bằng điện thoại di động của họ. Al–Jazeera từ lâu đã là một nhà hoạt động chính trị độc lập và ngày nay là cái mà nhân vật Ả Rập sáng danh, Tổng thống Ai Cập Gamal Abdel Nasser, trong những năm 1950 và 1960 đã là: thể chế chính trị có ảnh hưởng mang tính quyết định.
Những vấn đề mà Al–Jazeera đề cập đến, như tham nhũng và kinh tế móc ngoặc, vị trí của người phụ nữ, sự kém phát triển của thế giới Ả Rập, bắt buộc những người đang cầm quyền phải hành động. Điều họ thường làm là đóng cửa các văn phòng của Al–Jazeera hay trục xuất các thông tín viên của họ, điều nhất thời đã xảy ra hầu như trong tất cả các nước Ả Rập. Trong Israel, Al–Jazeera được xem là cái loa của Hamas và được đối xử tương ứng như thế. Trong khi đó, cứ hai người Palestine thì có một người nêu đài này ra như là nguồn thông tin chủ yếu, như nhiều cuộc thăm dò chứng nhận.
Al–Jazeera không phải là nguyên nhân của cuộc Cách mạng Ả Rập, nhưng hẳn là cái đã khuếch đại nó. Tờ New York Times viết trong tháng 1 năm 2011: “Cách tường thuật mang tính công kích của Al–Jazeera đã giữ cho các cảm xúc sôi sục từ thủ đô này sang thủ đô khác. “Cách dùng từ để cho nhận thấy rằng (không chỉ) ở New York người ta vẫn còn có khó khăn trong việc chấp nhận một cảm nhận khác cũng bình đẳng với cảm nhận của chính mình. Al–Jazeera xúc cảm hóa tường thuật của mình cho tới tận ranh giới của đau đớn, không chỉ dưới dạng những đoạn video quảng cáo hàng phút cho chính mình, với nhiều cận cảnh về sự đau khổ của con người và sự tàn phá. Người ta không bắt buộc phải ưa thích sự “khách quan theo ngữ cảnh” này, như một nhà truyền thông học nói. Nó thường phiến diện. Nhưng điều đấy không đúng cho cách tường thuật “của chúng ta” hay sao, khi nhìn ngược lại? Ví dụ như về Israel và người Palestine? Sự khiêu khích nằm chính ở trong đó: Al–Jazeera có một cái nhìn đến thế giới khác với các truyền thông dẫn đầu ở Phương Tây. Cái nhìn này không “tốt hơn”, “đúng hơn” hay “thật hơn”. Nhưng nó bắt buộc người quan sát Phương Tây phải xem xét lại những sự tin tưởng và lòng tin của chính mình. Ông ấy bất thình lình nhìn thấy chính bản thân mình bị hoài nghi.
Để đừng mất cả những khán giả cuối cùng, các truyền thông Ả Rập nhà nước bắt buộc phải mở cửa và chuyên nghiệp hóa. Chất lượng về kỹ thuật và nhiều lần là cả nội dung cũng được cải tiến thấy rõ, các đề tài trước đó không được động chạm đến bây giờ cũng được nói đến ở đây, ngay cả khi dưới dạng đã được làm mềm mỏng đi. Năm 2003, Ả Rập Saudi nhận thấy phải thành lập một đài truyền hình vệ tinh khác để cạnh tranh với Al–Jazeera. Al–Arabiya ([Đài] Ả Rập), phát sóng từ Dubai và bảo thủ hơn thấy rõ và ít dựa vào xúc cảm hơn. Từ 2004, Hoa Kỳ điều hành đài truyền hình vệ tinh tiếng Ả rập Al–Hurra ([Đài] Tự Do) với trụ sở ở Virginia, để, theo George W. Bush, “xua tan đi sự tuyên truyền đầy thù hằn đang chiếm lĩnh bầu không khí trong thế giới Ả Rập”. Ý muốn nói đến chương trình của Al–Jazeera. Tuy vậy, tỷ lệ khán giả của Al–Hurra ở Cận Đông chỉ ở khoảng một phần trăm. Tất cả các đài nước ngoài lớn của châu Âu, cả Deutsche Welle TV, đã phản ứng lại Al–Jazeera, bằng cách về phần mình cũng có cả chương trình nói tiếng Ả Rập.
Từ 2006, Al Jazeera phát bằng tiếng Anh, đài mà đã đột phá được cũng nhờ vào cuộc Cách mạng Ả Rập. Con số khán giả của Al Jazeera tiếng Anh hiện giờ ngang với đài truyền thống BBC. Tiếp theo đó, ở Doha người ta đã có kế hoạch cho một chương trình tiếng Thổ Nhĩ Kỳ. Nhóm mục tiêu không phải là Thổ Nhĩ Kỳ, như người ta phỏng đoán – mà là Iran. Tròn một phần ba người Iran, khoảng 25 triệu người, nói tiếng Azeri, đặc biệt là ở trong miền Tây của Iran. Tiếng Thổ Nhĩ Kỳ và tiếng Azeri gần với nhau như tiếng Đức và tiếng Đức Thụy Sĩ. Tại sao tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, tại sao không phải là một chương trình trong tiếng Farsi, ngôn ngữ của nước Iran? Nếu như Al Jazeer phát sóng bằng tiếng Farsi, Iran sẽ nhìn điều đấy như là một sự khiêu khích, có thể như là một hành động hiếu chiến và sẽ phản ứng thích hợp. Chính phủ Katar muốn tránh điều đấy. Chính sách truyền thông bao giờ cũng là chính sách quyền lực, đặc biệt là tại một giao điểm mang tính địa chiến lược như vùng Vịnh.
Katar trên con đường trở thành thương hiệu
Đài Al–Jazeera được vua Hamad tài trợ. Ngân sách hàng năm (không có Al Jazeera tiếng Anh) ở tròn 500 triệu dollar. Quốc vương của Katar không can thiệp vào việc điều hành chương trình. Nhưng có ba đề tài bị kiểm duyệt hay kiểm soát. Phê phán gia đình đang cai trị và quan hệ của Katar với hai láng giềng hùng cường của nó là Ả Rập Saudi và Iran. Tuy vậy, Al Jazeera đã tường thuật tỉ mỉ về phong trào phản đối ở Bahrain, kể cả lần quân đội Saudi đàn áp nó, ngược với đài Al–Arabiya do Ả Rập Saudi tài trợ.
Khác với láng giềng Bahrain đang bị đe dọa chìm đắm vào trong các xung đột sắc tộc–tôn giáo của nó, Katar nhỏ bé phát triển trở thành cường quốc ở vùng Vịnh. Nền tảng của thành công là những thu nhập khổng lồ từ kinh doanh dầu mỏ và đặc biệt là khí đốt. Katar có trữ lượng khí đốt lớn thứ ba trên thế giới và là một trong các quốc gia giàu nhất thế giới. Chỉ riêng khí đốt và dầu đã mang lại cho đất nước này hàng năm số tiền thu nhập trò 50 tỉ dollar. Thêm vào đó là các lợi nhuận từ doanh nghiệp đầu tư Qatar Holding, đầu tư vào trong các lỉnh vực kinh doanh có lời ở khắp nơi trên thế giới, trong đó có Sàn giao dịch chứng khoáng London, các nhà sản xuất ô tô VW và Porsche hay công ty xây dựng Hochtief. Hoạt động trong lĩnh vực thể thao của Katar, đặc biệt là việc tổ chức Giải Vô địch Bóng đá Thế giới 2022, cũng như Al–Jazeera và Qatar Airways, phục vụ trước hết là cho một mục đích: biến đổi toàn bộ đất nước này trở thành một thương hiệu chất lượng trên trường quốc tế, như các doanh nghiệp vừa được nêu ra ở trên đã là. Cả trên lĩnh vực thành tích hàng đầu của đại học nữa, nơi Đại học Katar liên kết với các đại học danh tiếng Harvard và Princeton của Mỹ. Với sự giúp đỡ của họ, Trung tâm Y học lớn nhất vùng Vịnh dự định sẽ hình thành. Katar giữ quan hệ tốt như nhau với Hoa Kỳ và Iran, việc tự bản thân nó đã là một thành tích rồi, người ta nói chuyện với Hamas và với Israel, mời đến dự các hội nghị lớn về chính trị và kinh tế. Doha làm trung gian trong nhiều xung đột, trong số đó là các thương lượng kéo dài 18 tháng để lập chính phủ ở Libanon 2007/2008, ở Jemen và Sudan, giữa các nhóm Palestine Hamas và Fatah. Katar là nước Ả Rập duy nhất đã tham gia về mặt quân sự trong các chiến dịch của khối NATO ở Libya. (Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng có mặt trên giấy tờ.)
Chứng nhận cho chính một nhà cai trị phong kiến, rằng chính sách của ông ấy khôn khéo cũng như bền vững, không phải là điều dễ dàng. Vua Hamad không cần phải lo sợ phê phán từ phía người dân Katar, cuộc Cách mạng Ả Rập không khiến cho ông ấy phải lo ngại. 200.000 người Katar, những người không phải trả thuế, được nhà nước đảm nhận bảo hiểm y tế, nhận một ngôi biệt thự hay một căn hộ hạng sang và một chiếc limousine như là quà cưới, không có lý do để nổi loạn. Không có tù nhân chính trị. Tuy vậy, lực lượng lao động người nước ngoài, tròn một triệu người, không hy vọng có được quà tặng, nhất là những người không có tay nghề chuyên môn từ Ấn Độ, Pakistan hay Bangladesh.
Cuộc nổi dậy ở Quảng trường Ngọc trai
Hòn đảo láng giềng Bahrain, nhỏ hơn thành phố Hamburg, còn xa mới có những điều kiện khung như vậy. Trữ lượng dầu mỏ sẽ kiệt quệ trong vài năm tới đây, cuộc tái cấu trúc nền kinh tế để trở thành một trung tâm tài chính và dịch vụ diễn tiến một cách chậm chạp. Nếu như tổng sản phẩm nội địa trên đầu người ở Katar hàng năm là 69.000 dollar thì ở Bahrain là vào khoảng 20.000. (Nước Đức, để so sánh: 34.000 dollar.) Cứ đơn giản mua đứt phía đối lập, điều đấy thì Bahrain không có khả năng. Bahrain là quốc gia duy nhất có đa số dân cư là người Shiite, được cầm quyền bởi một vương triều người Sunni, Al Khalifa. Người Shiite chiếm 70% của tròn 500.000 dân cư địa phương, người Sunni chỉ 30%. Thêm vào đó là nửa triệu “lao động khách”.
Và các vấn đề đều bắt đầu từ đó. Cho tới khi cuộc Cách mạng xảy ra, các sắc tộc thiểu số nhỏ cai trị đa số dân cư trong tất cả các quốc gia Ả Rập. Nhưng ở Bahrian và Syria, giới tinh hoa nắm quyền lực này đồng thời cũng quyết định về sắc tộc–tôn giáo. Việc có theo tín ngưỡng “đúng”, Sunni ở Bahrain, Alawi–Schia ở Syria, hay không quyết định về “trên” hay “dưới” trong xã hội, về sự tiếp cận đến đào tạo, thịnh vượng và có phần. Ở Syria, quân đội bảo đảm từ nhiều thập niên nay sự thống trị của những người Alawite, ở Bahrain, sự giàu có về dầu mỏ lúc đầu đã che đậy sự bất cân bằng giữa người Sunni và người Shiite. Nhưng khi sự biến đổi và hiện đại hóa xã hội tiếp tục diễn ra, nhà nước phong kiến chỉ có thể sống sót được nếu như nó đi cùng với thời gian – xem Katar. Nếu không như thế, nó phải dựa vào sự đàn áp. Nhưng với một kết cục không biết trước được và với tính chính danh như là cái giá phải trả. Trong khi ở Tunesia và Ai Cập có một ý thức quốc gia rõ rệt và qua đó là có một hình ảnh quốc gia, thống trị trong các nhà nước Ả Rập còn lại là sự nhận dạng về tôn giáo, sắc tộc và/hay bộ tộc. Ở đó thiếu cơ chế chính trị để giải quyết các xung đột một cách hòa bình. Khi các mẫu hình cai trị đã qua thử thách, áp lực và tống tiền, hối lộ và kết nạp, đi đến ranh giới của nó, thì con đường đi đến bạo lực, tan rã nhà nước và nội chiến không còn xa nữa.
Mâu thuẫn sắc tộc–tôn giáo sinh sôi nảy nở trong các xã hội tiền hiện đại hay chỉ được hiện đại hóa một phần, trong các quốc gia đang tan rã hay đã bị chiến tranh phá hủy, trong các đất nước có một nhà nước trung tâm yếu ớt, thường trong một môi trường bao gồm những cấu trúc thị tộc và bộ tộc. Nhưng cũng gặp chúng ở châu Âu, xem Bắc Ireland hay các quốc gia hình thành từ nước Nam Tư ngày trước. Nhìn khách quan thì các xung đột sắc tộc–tôn giáo luôn luôn là các xung đột về chính trị, đấu tranh để phân chia quyền lực và tài nguyên, những cái được tiến hành dọc theo các đường phân chia tôn giáo hay vùng địa lý. Trong sự cảm nhận của Phương Tây thì phần nhiều đều là do sự cuồng tín đạo Hồi gây ra, khi ví dụ như người Sunni và người Shiite giết lẫn nhau trong Iraq hay trong Pakistan. Thật ra thỉ đạo Hồi chỉ là cái van xả cho các căng thẳng đang tồn tại.
Người Shiite và người Sunni
Người Shiite ở Bahrain không phải là con cháu của những người Ba Tư di cư đến. Nguồn gốc của họ nằm trong Iraq – cũng như khoảng 2,5 triệu người Shiite dọc theo bờ biển phía Đông của Ả Rập Saudi, tạo thành tròn mười phần trăm của dân cư Saudi. Những khác biệt về thần học giữa người Sunni và người Shiite tương đối nhỏ, nếu như người ta so sánh chúng với ví dụ như những bất đồng về quan điểm giữa người Công giáo và Tin Lành. Sau cái chết của Mohammed, câu hỏi được đặt ra là ai cần phải thừa kế nhà tiên tri tiếp tục lãnh đạo cộng đồng Hồi giáo trong thời kỳ đầu. Việc đấy đã dẫn đến những xung đột trầm trọng, kể cả chiến tranh, dẫn đến hậu quả là nhiều lần chia cắt và phân ly. Lần quan trọng nhất dẫn đến sự hình thành người Sunni và người Shiite. Ngày nay, người Sunni chiếm khoảng 90 phần trăm của tròn 1,5 tỉ người Hồi giáo ở khắp nơi trên thế giới. Người Shiite chiếm đa số trong dân cư Iraq, Iran, Libanon cũng như ở Bahrain và Azerbaijan.
Ali, vị khalip được “dẫn dắt đúng đắn” thứ tư, người đồng hành trực tiếp của Mohammed, không thành công trong việc thống nhất cộng đồng Hồi giáo của thời kỳ đầu ở sau lưng mình. Sau cái chết của Ali, tướng Mu’awiya thuộc bộ tộc Quraish ở Mecca đã giành lấy quyền lực và thành lập vương triều Sunni đầu tiên ở Damascus, triều đại Umayyaden (661–750). Những người theo phái Ali (tiếng Ả Rập: shi’at Ali) không đồng ý với việc đó. Qua nhiều thế hệ, tình đoàn kết của những người ngoan đạo với gia đình của nhà tiên tri đã bị tước quyền lực (Ali là anh em họ và con rể của Mohammed) trở thành đảng tôn giáo–chính trị đối lập của người Shiite. Khái niệm Sunni về phần mình thì lại được dẫn xuất ra từ tiếng Ả Rập “Sunna”, bao gồm những hành động cần phải được noi theo của nhà tiên tri. Đặc biệt, cái chết của con trai Ali là Hussein năm 680 trong trận đánh ở Karbala trong Iraq, trận mà “những người theo phái của Ali” đã thua người Umayyaden, đã trở thành vụ nổ lớn cho Học thuyết Shiite.
Ngay trong những năm từ 1994 tới 2000 đã thường hay xảy ra những cuộc xung đột đẫm máu giữa lực lượng an ninh Bahrain và phe đối lập Shiite. Phe đối lập này là một liên minh lỏng lẻo từ phe cánh tả, phe tự do và những người Hồi giáo với mục đích chấm dứt sự phân biệt đối xử vói người Shiite. Người Shiite đã và hiện vẫn hầu như không hề có cơ hội nào cho một việc làm trong công nghiệp dầu mỏ, trong hành chính và ở các lực lượng an ninh. Người Sunni được ưu tiên khi phân chia chỗ học đại học. Thay vì mang người Shiite vào nhà nước và kinh tế, người ta lại loại họ ra. Cảnh sát được tuyển mộ từ Jordan và Pakistan và nhận được hộ chiếu Bahrain một cách tương đối dễ dàng, để đừng phải đào tạo người Shiite sử dụng vũ khí. Khi quốc vương Hamad Al Khalifa giành lấy quyền lực từ cha của mình năm 1999, ông ấy quyết định cải cách. Ông trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, thiết lập Quốc Hội, cho phép bầu cử và trao cho phụ nữ quyền đi bầu. Về mặt chính thức, Bahrain trở thành một nền quân chủ lập hiến. Trong một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 14 tháng 2 năm 2001, “Tuyên ngôn Hành động Quốc gia” của ông ấy được tuyệt đại đa số xác nhận.
Thật ra thì ít có thay đổi. Quốc hội bao gồm hai viện, Thượng Viện và Hạ Viện với 40 ghế cho mỗi viện. Thượng nghị sĩ không được bầu ra mà được vua Hamad bổ nhiệm. Trong Hạ Viện, Đảng Wifag (Đồng Thuận) Shiite cho tới khi bị cấm hoạt động với 18 trong số 40 ghế là lực lượng mạnh nhất. Quốc vương có quyền phủ quyết tại tất cả các đạo luật và có thể giải tán Quốc Hội vào bất cứ lúc nào. Có thể nhìn thấy rõ tình thế tiến thoái lưỡng nan: trong một nền dân chủ thật sự, các nhà cai trị người Sunni sẽ bị mất quyền lực trước người Shiite.
Xe tăng chống lại nhân dân
Được chắp cánh bởi những cuộc cách mạng ở Tunesia và Ai Cập, người Shiite xuống đường lần đầu tiên vào ngày kỷ niệm lần thứ 10 lần trưng cầu dân ý, ngày 14 tháng 2 năm 2011. Cũng giống như trong quá khứ, các yêu cầu của họ lúc đầu giống như các yêu cầu của một phong trào vì quyền công dân nhiều hơn. Ngoài ra, họ yêu cầu tăng cường quyền lực Quốc Hội đối với gia đình hoàng thân. Những người biểu tình chiếm Quảng trường Ngọc trai ở trung tâm và dựng lều trại ở đó theo gương của Quảng trường Tahrir ở Cairo. Lực lượng an ninh Bahrain nhiều lần cố giải tỏa quảng trường, nhưng không thành công mặc cho tất cả các sự tàn bạo. Con số những người phản đối tăng lên hàng tuần, cuối cùng lên đến hơn 100.000, một phần năm người dân bản xứ. Mang vào tỷ lệ tương quan của nước Đức thì đấy là hơn 15 triệu người biểu tình.
Trong gia đình cai trị đã xảy ra cuộc tranh giành quyền lực. Hoàng tử nối ngôi Salman Bin Hamad Al Khalifa ủng hộ thương lượng với phe đối lập, nhưng không thắng nổi phần còn lại cùa gia đình: cha của ông ấy, quốc vương, người chú của ông ấy, người từ 1971 là thủ tướng đương nhiệm và bị người Shiite căm ghét vô cùng, Khalifa Al Khalifa, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, sếp Hội đồng cố vấn nhà vua, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Ngoại giao. Họ bật đèn xanh cho lực lượng an ninh xả súng bắn vào những người biểu tình. Trong vòng vài ngày, có hơn 20 người chết. Phe đối lập trở nên cực đoan. Ngày 8 thám 3, tám nhóm, trong đó có cả người Sunni, liên kết lại thành “Liên minh của một Cộng hòa Bahrain” dưới sự lãnh đạo của nhà bất đồng chính kiến Hassan Mushaima, người vừa trở về vài ngày trước đó từ London, nơi ống ấy sống lưu vong.
Qua đó, theo cái nhìn của những người cầm quyền, làn vạch đỏ cuối cùng đã bị vượt quá, mặc dù lời yêu cầu xóa bỏ nền quân chủ không phản ánh ý kiến đa số trong người Shiite. Cả các nền quân chủ còn lại trong vùng Vịnh cũng giật mình. Vào ngày 15 tháng 3, theo lời yêu cầu của Al Khalifa, 2000 người thuộc lực lượng an ninh của Saudi và các Tiểu Vương quốc tiến quân vào và đập tan cuộc nổi dậy lớn nhất trong lịch sử của đất nước này. Để xóa đi “những tưởng nhớ xấu”, như Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bahrain Khalid Al Khalifa diễn đạt, bức tượng ngọc trai cao 100 mét ở Quảng trường Ngọc trai bị giật sập và đại sứ của Iran bị trục xuất. Theo cái nhìn của chính quyền, Teheran đã dựng lên cuộc nổi dậy này.
Song song với đó, chính phủ tuyên bố “các biện pháp bảo vệ an ninh quốc gia” và qua đó trên thực tế đã áp dụng tình trạng khẩn cấp. Họ trao cho các lực lượng an ninh toàn quyền trên diện rộng để bắt bớ, kiểm duyệt cũng như giới hạn quyền tự do đi lại và hội họp. Hàng trăm người bị quẳng vào tù, hầu như toàn bộ những người dẫn đầu đối lập đều bị bắt ở nhà về ban đêm. Bị giữ ở những nơi bí mật, không có tiếp xúc với thế giới ở bên ngoài. Nhiều người rơi vào nhà giam của Saudi. Nhiều người đối lập bị tra tấm cho tới chết, về mặt chính thức, nguyên nhân cho cái chết là “liệt tim”. Những người khác bị công khai kết án tử hình và bị hành quyết. Bác sĩ và y tá, những người từng chăm sóc cho người biểu tình bị thương trong các bệnh viện, bị đe dọa một cách có hệ thống, bị đánh đập hay bị bắt giam. Qua đó, người ta muốn làm cho họ sợ hãi, vì họ biết con số nạn nhân chính xác. Nhiều nhà thờ Hồi giáo của người Shiite bị phá hủy. Đảng Wifag Shiite, đảng lớn nhất nước, bị cấm hoạt động, tài sản bị tịch thu. Cuộc phản cách mạng của gia đình cai trị đã đàn áp đẫm máu cuộc nổi dậy trong Bahrain, cái đã bắt đầu bằng những cuộc phản đối hòa hoãn, được gợi ý bởi cung cách phản ứng của Ghaddafi ở Libya. Các vấn đề cơ bản, phân biệt đối xử với đa số dân cư Shiite đã không được giải quyết qua đó. Khả năng lại có một cuộc nổi dậy trong tương lai là lớn.
NGƯỜI HỒI GIÁO KẾT CUỘC
LÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG?
Không có gì bền vững hơn là sự biến đổi, nhà viết bi kịch người Ai Cập có lẽ là nổi tiếng nhất Tawfik al–Hakim (1898 – 1987) cũng biết điều đó. Cuộc Cách mạng Ả Rập không chỉ làm biến đổi chính trị và xã hội. Nó cũng có ảnh hưởng mang tính quyết định đến mối quan hệ giữa nhà nước và tôn giáo, đạo Hồi và cai trị. Cũng như mối quan hệ đến tín ngưỡng. Sự cá nhân hóa trong các thành phố lớn Ả Rập diễn tiến càng nhiều, sự “công dân hóa” thay thế các cấu trúc và khuôn mẫu suy nghĩ càng nhiều, thì sự cộng hưởng với các cách đọc phi mê tín kinh Koran càng lớn, các lối sống càng tự do hơn. Quá trình này đã được thể hiện ở ví dụ của những nhà giảng đạo trên truyền hình và các ứng xử có định hướng life–style của thế hệ Facebook với đạo Hồi. Có một điều mà cuộc Cách mạng Ả Rập chắc chắn không là: một cuộc nổi dậy mang tính tôn giáo, một cuộc nổi loạn Hồi giáo. Hầu như không nhìn thấy hay đọc được những câu khẩu hiệu của người Hồi giáo. Các câu khẩu hiệu thường gặp nhất, “Kifaya!” (“Đủ rồi!”) hay “Irhal!” (“Cút đi!”) rõ ràng là phi tôn giáo. Những người anh hùng của cuộc cách mạng không phải là Hassan al–Banna, người thành lập Huynh Đệ Hồi giáo, hay người kế tục ông ấy Sayyid Qutb, nói chi đến Osama bin Laden. Các tấm gương cũng được chọn lựa một cách tự phát hơn, trong số đó là nhà điều hành Google người Ai Cập Wael Ghonim, người đã tường thuật lại trên Facebook về cái chết của một người dùng Internet trẻ tuổi trong tay của cảnh sát Alexandria và vì thế mà tí nữa thì đã bị cảnh sát mật của Mubarak tra tấn cho tới chết. Thời của những hệ tư tưởng lớn, có là Chủ nghĩa Dân tộc hay Chủ nghĩa Hồi giáo đi nữa, đã chấm dứt. Đồng thời, đạo Hồi chính trị cũng tự biến đổi mình, tách rời khỏi một đạo luật Hồi giáo Sharia được hiểu theo cách giáo điều và biểu lộ sự sẵn sàng đón tiếp các ý tưởng và liên minh mới.
Không ai có thể tiên đoán trước diễn tiến tiếp tục của cuộc Cách mạng Ả Rập. Nó sẽ bám rễ trong một vài nước, bị nghiền nát trong những nước khác hay phải đi đến những thỏa hiệp đau đớn với giới Anciens Régimes [chính quyền cũ]. Nhưng có một cái đã biến đổi không thể đảo ngược lại được nữa: nhận thức. Người Ả Rập đã trải nghiệm được rằng họ có thể làm thay đổi diễn tiến của lịch sử. Trong quá khứ, cá nhân bao giờ cũng phải phục tùng người cai trị mình. Phê phán là đồng nghĩa với bất tuân lệnh hay còn là báng bổ nữa và bị đàn áp không thương xót. Với cuộc cách mạng, xã hội và mỗi một cá nhân lần đầu tiên đã thắng được những kẻ cầm quyền trong các đòi hỏi quan trọng về tự do và công bằng. Người là thần dân đã tự giải phóng mình. Ông ấy trở thành người công dân. Thời của những con người già cả đứng đầu các cỗ máy quyền lực được điều khiển bởi mật vụ đã bắt đầu đổi thay. “Allah, Muammar, Libya – chúng tôi không muốn nhiều hơn!”, những người theo Ghaddafi gọi to. “Với máu của chúng tôi, với linh hồn của chúng tôi – chúng tôi hy sinh cho Người, Saddam!” Hay là cho một lãnh tụ nào khác. Những câu khẩu hiệu được đạo diễn từ trên xuống như thế ngày càng ít phù hợp hơn với thời kỳ này.
Một sự thật không chứng minh được
Sự biến đổi từ một xã hội phong kiến sang một xã hội công nghiệp dịch vụ hiện đại diễn ra rộng lớn chừng nào thì những sự nhận diện tập thể mất đi nhiều chừng đó. Hiện đại hóa lúc nào cũng có nghĩa là cá nhân hóa. Các mẫu mực và truyền thống gia trưởng được nhìn với một con mắt khác đi. Ảnh hưởng của tôn giáo giảm xuống. Nó đánh mất lực tạo chuẩn mực của nó. Life–style thay thế ý thức hệ. Chủ nghĩa khoái lạc không thể đi cùng với Dshihad. Ngay một cái nhìn hời hợt đến lịch sử châu Âu cũng cho thấy rằng cả ngôi nhà giảng dạy và bộ khung tín ngưỡng của Kitô giáo lẫn thể chế nhà thờ cũng chưa từng bao giờ là những độ lớn bất động. Chúng luôn luôn là một phần của những hoàn cảnh xã hội và chính trị bao xung quanh nó, đã đặt dấu ấn lên chúng và cũng bị chúng đặt dấu ấn lên mình giống như thế.
Chính vì thế mà quan điểm thống trị trong Phương Tây, rằng đạo Hồi đấu tranh cho một sự thật tuyệt đối, không dân chủ và không có khả năng thích hợp với hiện đại, hơn thế nữa, đàn áp và bạo lực, có tinh thần độc đoán và hướng đến sự thống trị thế giới, hết sức là vô lý. Các hình ảnh và định kiến ở đây [châu Âu/Đức] đặt sự tồn tại của một Homo Islamicus ra làm tiên đề mà sự nhận dạng đồng nhất của nó chỉ được quyết định bởi tín ngưỡng mà thôi. Đạo Hồi như là giáo điều vĩnh cữu, bất biến từ ngọn lửa và thanh kiếm. Kinh Koran theo đó không gì nhiều hơn là một tập hợp của những bài viết ca ngợi bạo lực, không thể hòa hợp với Hiến Pháp và những giá trị của Phương Tây được. Nhà mỵ dân cánh hữu người Hà Lan Geert Wilders, và không chỉ ông ấy, cứ đơn giản đặt kinh Koran ngang hàng với “Mein Kampf” của Hitler. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Hans–Peter Friedrich thuộc đảng CSU suýt tí nữa thì đã làm nổ tung Hội nghị Hồi giáo ở Đức, vì trong đề tài đạo Hồi và hòa nhập, ông ấy không biết nói gì hơn là về “cộng tác an ninh” và phòng chống khủng bố. Chưa được một ngày trong chức vụ mới, ông ấy đã cúi mình thật thấp trước những người đi theo các luận đề thô thiển của Thilo Sarrazin: “Nhưng việc đạo Hồi thuộc về nước Đức là một sự việc không thể chứng minh được ở bất cứ nơi nào từ trong lịch sử.”
Lời nói đấy thay đổi hướng ở giữa câu. Lúc đầu, nó thuộc vào trong đó, đạo Hồi, như sau đó thì nó lại bị bình luận đuổi ra ngoài theo cửa sau của lịch sử. Friedrich thuộc trong cộng đồng tín ngưỡng đầy quyền lực đó, cái tin chắc vào sự tồn tại của một “Phương Tây Kitô giáo”, hay “Phương Tây Kitô–Do Thái giáo”. Một Phương Tây tự hiểu mình chính là sự phân định giới hạn với những vực sâu của Hồi giáo, với sự cuồng tín, phi lý và cổ hủ. Lịch sử của Phương Tây từ cách nhìn này rõ ràng là một dãy liên tục của những hành động nhân đạo cao cả mà trong đó con người, hòa hợp như anh em với nhau, bước nhanh từ lần khai sáng này đền lần khai sáng khác, đưa ra hết hiến pháp này đến hiến pháp khác, luôn luôn có các đức cha Công giáo, nhà thờ tháp tùng, những người không còn có thể chờ đợi được phép có phần trong lần ban phúc của cuộc Cải cách Kháng cách và Cách mạng Pháp được nữa.
Tòa án dị giáo? Chính tranh tín ngưỡng? Tiêu diệt thổ dân Mỹ? Chủ nghĩa Thuộc địa? Auschwitz?
Ít ra thì ngày nay người ta chủ yếu là nói về “Kitô–Do thái giáo” hay “Phương Tây Kitô–Do Thái giáo”, một ám chỉ đến lịch sử Đức mới đây. Trong ngữ cảnh của những cuộc thảo luận Phương Tây, có thể chứng minh được tính từ “Do Thái” từ những năm 1960. Trước đó, những ẩn dụ đầy huyền thoại được dành riêng cho Kitô giáo, loại trừ Do Thái giáo và đạo Hồi. Mặc dù đạo Hồi có lẽ đã góp phần cơ bản nhất vào trong lịch sử văn hóa và tri thức của châu Âu: trong tác động qua lại với Vương quốc Byzantine, người Hồi giáo đồng thời vẫn giữ cho Thời Cổ đại Hy Lạp tiếp tục sống động. Thông qua con đường vòng của những học giả Hồi giáo, nhờ vào những bản dịch từ tiếng Hy lạp sang tiếng Ả Rập và rồi cuối cùng sang tiếng La tinh mà kiến thức đã mất đi của người Hy Lạp lại tìm được con đường đi vào nền văn hóa Phương Tây – và góp phần xây dựng thế giới hiện đại. Khái niệm “Phương Tây” không thể được giới hạn một cách rõ ràng cả về mặt lịch sử lẫn địa lý lẫn nội dung. Ai tuy vậy vẫn sử dụng nó thì thật ra phải nói một cách đúng đắn về một “Phương Tây Độc Thần giáo” hay một “Phương Tây Do Thái giáo– Hồi giáo – Kitô giáo” (theo thứ tự chữ cái). Tất cả ba tôn giáo đó, cùng nhau và chống lại nhau, đã đặt dấu ấn lên châu Âu, tốt cũng như xấu.
Huynh đệ Hồi giáo trên con đường trở về nguồn
Niềm tin cơ bản của sự sợ hãi đạo Hồi, Hồi giáo thật ra là nguyên nhân của mọi vấn đề, từ hòa hợp cho tới khủng bố, vẫn tiếp tục tồn tại trong đánh giá về cuộc Cách mạng Ả Rập. Sẽ như thế nào, nếu nó kết cuộc rồi sẽ giúp cho những người theo đạo Hồi cực đoan nắm lấy quyền lực? Nhưng ngay cả khi các Huynh Đệ Hồi giáo ở Ai Cập hay những người anh em của họ ở Tunesia, Đảng Nahda, trở thành lực lượng mạnh nhất qua các cuộc bầu cử tự do, họ cũng sẽ không thành lập một nhà nước thần quyền. Họ thiếu nền tảng xã hội để làm việc đó. Dưới những điều kiện dân chủ, các đảng Hồi giáo có hai sự lựa chọn. Hoặc là họ ôn hòa và rồi có sức thu hút cho đông đảo những người đi bầu, tương tự như Đảng AK–Partisi của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc là họ tu dưỡng một ý thức hệ cực đoan và trở thành một giáo phái.
Chúng ta hãy nhìn sự phát triển này ở ví dụ của các Huynh Đệ Hồi giáo. Đầu tiên là phải phân biệt giữa các Huynh Đệ Hồi giáo trước và sau cuộc Cách mạng. Trước Cách mạng, họ là một phong trào đánh thức đức tin quốc gia, sẵn sàng dùng bạo lực trong những thập niên đầu tiên sau khi thành hình. Trong diễn tiến lịch sử của mình, họ đã tự cải mới nhiều lần và qua đó đã trở thành một đảng thích hợp với hệ thống. Dưới thời Nasser, các Huynh Đệ Hồi giáo thành lập năm 1928 bị cấm hoạt động, Sadat cho phép họ tổ chức mới, nhưng không như là một đảng phái. Ông ấy xem họ như là một nhóm trợ giúp, để đẩy lùi những người của phe cánh tả và những người theo Nasser ra khỏi các trường đại học và công đoàn. Nhờ vào gian lận bầu cử, Mubarak lo liệu sao cho các Huynh Đệ Hồi giáo, xuất hiện như một phái độc lập, luân phiên bị gạt ra khỏi Quốc Hội hay được phép có một con số đại biểu có giới hạn. Bệnh tâm thần phân liệt của các Huynh Đệ Hồi giáo luôn luôn là việc họ có được một hậu thuẫn lớn ở các trường đại học và trong các hội nghề nghiệp, trong số người dân ở nông thôn và người nghèo, nhưng chính thức thì lại không hề tồn tại – mặc dù họ là nhóm đối lập mạnh nhất. Ngay từ dưới thời của Sadat, họ đã từ bỏ ý tưởng của một trật tự Hồi giáo, một “nhà nước thần quyền”. Đấy là tiền đề để họ được khoan dung.
Khái niệm “nhà nước thần quyền” được chúng ta hay sử dụng xuất phát từ Khomeini và là một điều mới trong thần học Hồi giáo cũng như trong lịch sử. Ở Phương Tây, nó thường được xem một cách sai lầm là cái tinh túy của Chủ nghĩ Hồi giáo và Đạo Hồi. Thay vì vậy, các lý thuyết gia Hồi giáo và học giả chính thống giáo nói về một “trật tự Hồi giáo”. Các suy nghĩ của họ xoay quanh câu hỏi, cái cũng đã được những con người đơn giàn từ thời Mohammed quan tâm đến: Làm sao vượt qua được vực sâu to lớn giữa lý tưởng tôn giáo và những yêu cầu của cuộc sống, những cái tầm thường của cuộc sống hàng ngày? Khoảng cách giữa sự toàn năng của Thượng Đế và sự yếu đuối, kém cỏi, cám dỗ của con người?
Chỉ cho các tín đồ “con đường về nguồn”, Luật Hồi giáo “Sharia” phục vụ cho điều đó – bên cạnh “Jihad” là khái niệm thách thức lớn nhất của Hồi giáo trong sự cảm nhận của Phương Tây. Sharia không chỉ đưa ra những quy định cho các vấn đề luật pháp cụ thể, như luật hôn nhân, luật gia đình và luật thừa kế, mà, giống như trên bình diện mẫu mực lý tưởng, cả các cư xử của con người trong quan hệ với Thượng Đế và với những người khác bên cạnh mình. Vì thế là Luật Hồi giáo cũng có cả những quy định thờ cúng, tiêu chuẩn đạo đức, quy định cho vệ sinh, cho những câu hỏi về danh hiệu xã hội và những thứ giống như thế. Sharia theo đuổi dự án không tưởng của một trật tự xã hội và chính trị công bằng, cái cần phải được thực hiện nhờ vào sự giúp đỡ của những quy tắc tiêu chuẩn luật lệ tương ứng. Ngược với sự tưởng tượng ở Phương Tây, Sharia không phải là một giáo điều vĩnh cửu bất biến, mà cho phép nhiều diễn giải. Những hình thức trừng phạt tàn bạo như chặt chân tay hay ném đá những người phụ nữ ngoại tình (cũng được thực hành trong Kitô giáo qua nhiều thế kỷ) xuất phát từ thời đầu của Hồi giáo: người du cư không biết đến nhà tù. Ngày nay chúng vẫn còn – hiếm – được tuyên xử trong Ả Rập Saudi, Iran, Afghanistan và Somalia, việc do Hồi giáo thì ít mà nhiều hơn là từ các hoàn cảnh chính trị đang thống trị ở đó. Đại đa số các luật gia Hồi giáo từ chối việc áp dụng những hình phạt như thế. Họ lý luận: chỉ khi thế giới toàn hảo được tạo thành, Thiên Đàng trên trần thế, thì những hình phạt thân thể nặng nề như thế mới được phép. Tức là không bao giờ, nói một cách khác đi.
Làm việc tốt như thế nào?
Sự căng thẳng giữa Sharia lý tưởng và hiện thực có thể trải nghiệm qua là một trong những vấn đề chính của lịch sử Hồi giáo. Tổng cộng có bốn trường phái luật pháp đã thành hình dưới những người Sunni, những cái có sự tưởng tượng riêng của họ về “con đường” về nguồn đúng đắn. Hệ thống các quy định phức tạp của Sharia có thể được dẫn về những ý tưởng đơn giản cũng như đáng kính trọng: làm việc tốt và tránh việc xấu. Để chắc chắn, rằng con người bao giờ cũng có thể mắc sai phạm không phạm tội với Thượng Đế, các trường phái luật đã tạo ra những bộ quy định phức tạp. Các học giả về luật, Ulama, thường ủng hộ quan điểm rằng Hồi giáo là tôn giáo và nhà nước, din wa dawla. Ý ở đây không phải nhà nước thần quyền của Khomeni, mà là một trật tự chính trị công bằng trên cơ sở Sharia với một nhà cai trị tôn sùng Thượng Đế đứng đầu. Điều đấy nghe có vẻ tốt, thành hình từ đó trong thực tế không có gì nhiều hơn là vương quốc của ông vua Hồi – một nơi chốn cho các âm mưu bè đảng.
Một chỗ yếu lớn của Sharia, của Chính thống giáo Sunni, nằm trong tính sẵn sàng phục tùng ý muốn và sự chuyên quyền của người cầm quyền, và tuân theo những yêu cầu của người đó. Giáo sĩ phủ nhận người cai trị là hiếm có trong lịch sử Hồi giáo. Thật ra thì họ cũng có thể chống lại những nhà cai trị bất công hay độc tài, vì vua Hồi có nhiệm vụ phải hành xử theo các nguyên tắc của luật sunna, cung cách sống thực tiễn của nhà tiên tri, và theo Sharia. Vua Hồi trong bất cứ lúc nào cũng không phải là một người có thẩm quyền xét xử, mà chỉ là một người phục vụ cho luật Thượng Đế được các Ulama quản lý. Nhưng thay vì vậy, những người này lại thường hay để cho quyền lực mua chuộc và để cho hối lộ bằng những đặc quyền hay ít nhất thì cũng chấp nhận những hoàn cảnh đang tồn tại. Như Đại giáo sĩ Hồi giáo Ali Gomaa, học giả luật có cấp bậc cao nhất Ai Cập, đã cực lực lên án cuộc Cách mạng khi nó mới bắt đầu. Điều đấy không có gì đáng để ngạc nhiên, vì ông ấy có được chức vụ của ông ấy là nhờ vào Mubarak. Trên trang mạng của mình, ông ấy bào chữa cho viêc tại sao mình lại đứng vào bên sai lầm của lịch sử: “Đó là một thời gian của sự lộn xộn trần trụi, tương lai xuất hiện một cách đen tối, con số nạn nhân không có kết thúc. Imam Ali (anh em họ và là con rễ của nhà tiên tri, người theo đạo đầu tiên) cũng sẽ không bao giờ tán thưởng việc đó. Thuộc vào trong các nguyên tắc cơ bản của đạo Hồi là kính trọng sự thiêng liêng của cuộc sống con người. Người ta nói rằng Mohammed đã từng nói rằng: ‘Đối với Thượng Đế, máu của một người Hồi giáo còn thiêng liên hơn cả Kaaba.’” (Kaaba là vật thiêng liêng nhất của đạo Hồi: một ngôi nhà bằng gạch là trung tâm điểm của ngồi nhà thờ Hồi giáo to lớn ở Mecca.)
Rằng không phải người biểu tình bắn vào những người theo Mubarak mà là ngược lại, chính quyền dựa trên bạo lực, việc đó thì rõ ràng là ông ấy đã tránh né. Cả nhà truyền giáo truyền hình nổi tiếng nhất bên cạnh Amr Khaled, Yussuf al–Qaradawi, đứng gần những người Salafi, những người Hồi giáo cực kỳ bảo thủ, cũng liên tục lên án cuộc Cách mạng, hoàn toàn theo ý của những người thầy Saudi của mình và ca ngợi “yên ổn và trật tự” như là những gì cao cả nhất.
Sự phục tùng những người cầm quyền của Chính thống giáo và chủ nghĩa bảo thủ qua nhiều thế kỷ đã biến Sharia trở thành một công cụ của sự trật tự hóa, cái đặt nghi vấn và trừng phạt những gì khác với mẫu mực đang có hiệu lực, dù đó là cung cách sống cá nhân hay những câu hỏi với cái nhìn đến tình hình chính trị đang tồn tại. Sự khát khao không tưởng đến Thiên Đàng, sự hợp nhất giữa Thượng Đế và con người, cô đọng lại ngày một nhiều hơn trong diễn tiến của lịch sử thành ý thức hệ. Ngay cả khi không có một Sharia chính thức, nó là tổng số của những diễn giải nó thì đúng hơn, thì đã từ lâu nó cũng không còn có thể trở thành một động cơ cho sự phát triển của xã hội nữa.
Trong vòng 100 năm vừa qua, trong phần lớn các quốc gia Ả Rập và Hồi giáo, ngoại trừ Luật Hôn nhân, Gia đình và Thừa kế, Sharia đã bị đẩy lùi bởi Luật Dân sự (Qanun) có định hướng phi tôn giáo. Trong đó người ta có định hướng mạnh đến châu Âu. Đặc biệt các quy định pháp luật từ Pháp và Thụy Sĩ được tiếp nhận nhiều trong các bộ luật Ả Rập. Ranh giới giữa Sharia và Qanun chính xác là ở đâu, về việc này thì người ta tranh cãi một phần thật gay gắt. Nói chung: các nhà thần học Chính thống giáo hay đạo Hồi chính trị bảo thủ càng nhiều và có ảnh hưởng càng nhiều thì họ càng cố mở rộng ảnh hưởng của Sharia ra xã hội. Nơi mà Sharia được diễn giải theo truyền thống thì nó không thể hòa hợp với những mẫu mực của một nhà nước pháp quyền, với dân chủ, tự do ngôn luận và nhân quyền được. Điều hợp lý nhất là nên dọn dẹp Sharia một cách có hệ thống và làm cho nó thích hợp với những yêu cầu của thời hiện đại, nhất là phải củng cố cho các khoảng không gian tự do của cá nhân đối với nhà nước và xã hội. Ngoại từ Thổ Nhĩ Kỳ, nơi Sharia bị bãi bỏ năm 1926, và Maroc, nơi nó trên thực tế là không còn có hiệu lực nữa từ năm 2004, vẫn còn chưa có đất nước Hồi giáo nào đi theo con đường này – từ nỗi lo sợ phải đối đầu với những lực lượng cực bảo thủ. Có thể bạo gan mà đưa ra tiên đoán, rằng trong diễn tiến của cuộc Cách mạng Ả Rập, cả Sharia cũng sẽ bị xét lại.
Vẫn còn trên đường đi: Huynh Đệ Hồi giáo khám phá thế giới
Những người theo Trào lưu Chín thống Hồi giáo, bắt đầu từ Hassan al–Banna, đi theo một hình ảnh đơn giản. Họ tin rằng người Hồi giáo không còn dẫn đầu trên thế giới, vì họ đã đi sai lạc “con đường về nguồn”. Một con đường mà theo quan điểm của họ trước hết bao gồm việc giữ đúng các nhiệm vụ và những lời khuyên răn tôn giáo. Một khi sự tẩy uế về đạo đức của cá nhân cũng như của xã hội được thực hiện thì Thượng Đế sẽ tha tội cho người Hồi giáo và đưa trở lại cho họ tầm vóc to lớn và tính quan trọng. Theo đó, như al–Banna, cần phải thành lập một “trật tự Hồi giáo” trên nền tảng của Sharia.
Nhưng điều đó cụ thể là gì? Điều đáng ngạc nhiên là các tác phẩm thời đầu của Huynh Đệ Hồi giáo không đưa ra thông tin gì cho việc này. Al–Banna và người kế nghiệp ông ấy Qutb rõ ràng là khó có thể xác định được bản chất của một trật tự Hồi giáo trong thế kỷ 20 trên nền tảng của những quy định luật lệ từ thế kỷ thứ bảy. Việc tập trung tiêu điểm vào “thời kỳ vàng son trước đây” của đạo Hồi là một hiện tượng không chỉ giới hạn ở những người Hồi giáo. Phần lớn những nhà thần học chính thống giáo đều có tinh thần hương về quá khứ. Quẳng những gánh nặng lịch sử đi hay diễn giải các tác phẩm thần thánh theo thời gian là việc họ không muốn làm.
Như đã nói, trong thời gian trước cuộc Cách mạng, các Huynh Đệ Hồi giáo đã thỏa hiệp với những người cầm quyền. Sadat và Mubarak sử dụng họ về mặt đối nội như một công cụ chính trị, về mặt đối ngoại như một hậu cảnh để đe dọa, đặc biệt là Mubarak: tôi hay là người Hồi giáo. Các Huynh Đệ Hồi giáo bước vào cuộc chơi đấy vì nói chung, người Hồi giáo thích nhất là đóng vai trò đối lập. Phải gánh vác trách nhiệm, họ nhanh chóng đánh mất uy tín của họ. Vực sâu giữa lòng tin mê đắm vào Sharia và “thời kỳ vàng son trước đây” của họ về một mặt và những tầm thường của chính trị hiện thực ở mặt kia là quá lớn. Điều đấy cũng đúng cho cả các Huynh Đệ Hồi giáo lâu nay từ chối không đưa ra các mục tiêu của họ một cách rõ ràng. Họ bắt đầu như những nhà cách mạng xã hội và tuyên truyền chống thực dân, tự cải mới mình sau các xung đột đẫm máu với quyền lực nhà nước dưới thời Nasser và cuối cùng biến đổi mình trở thành một hội huynh đệ gia trưởng. Được bổ sung bởi một mạng lưới dịch vụ xã hội khắp nước, cái có tầm quan trọng sống còn đối với người nghèo. Cuối cùng, các Huynh Đệ Hồi giáo đã không biết rõ qua nhiều thập niên liền, rằng họ muốn là một phong trào tôn giáo hay là một phong trào chính trị. Song song với việc đó, giới lãnh tụ đã già đi, giới mà giữa cuộc Chiến tranh Sáu ngày 1967 và con cừu Dolly được nhân bản năm 2003 hầu như không có được một thay đổi nhân sự nào cả.
Sau 2000 đã xảy ra xung đột rõ rệt trong giới Huynh Đệ giữa trẻ và già, giữa những nhà tư tưởng hệ và những người thực dụng. Người giữa chức vụ “lãnh tụ tối cao” từ 2004 đến 2010, Mohammed Akif, đã mở rộng phong trào nhiều hơn nữa cho các lực lượng trẻ và ôn hòa, và mở đường cho họ đi đến các chức vụ lãnh đạo. Năm 2004, nhà tư tưởng quan trọng nhất của phe cải cách và là phát ngôn viên của hội Huynh Đệ, Issam al–Irjani, đã công bố quyển sách “Phong trào Hồi giáo và thời quá độ dân chủ”. Trong đó, ông ấy phác thảo những nét cơ bản của một hình thức chính phủ Hồi giáo hiện đại theo những nguyên tắc sau đây: quyền tự do cá nhân không giới hạn, đa nguyên chính trị trên cơ sở Sharia, cái phải được diễn giải để cho cả người Copt Kitô giáo cũng có thể chấp nhận được, và sự bình đẳng trước pháp luật cũng như về chính trị giữa nam và nữ,
Tuy ông cũng viết rằng “sinh con và dạy dỗ chúng là nhiệm vụ chính của phụ nữ” (điều mà rất nhiều nếu như không phải hầu hết những người bảo thủ ở châu Âu sẽ đồng tình), nhưng bây giờ ngày càng có nhiều “chị em Hồi giáo” gia nhập hội Huynh Đệ. Al–Irjani tự thừa nhận một cách phê phán, rằng con đường cho tới nay, thỏa hiệp hầu như bằng mọi giá với những người cầm quyền, đã dẫn đến một ngõ cụt. Các đánh giá của ông ấy đúng cho tới đâu, điều đấy đã được thể hiện ngay trong năm 2005, khi Mubarak loại trừ Huynh Đệ Hồi giáo ra khỏi những cuộc bầu cử vào quốc hội. Phe cải cách, phần nhiều đèu trẻ tuổi và không sợ va chạm, tìm cách tiếp xúc với những nhóm đối lập phi tôn giáo khác như “Kifaya” hay “Ghad”. Cánh này, mà những đại diện nổi tiếng nhất là Mohammed Akif, Issam al–Irjani và Abdel Moneim Abdel, một thành viên lâu năm trong hội đồng lãnh đạo, hướng đến một sự “cải tổ” Huynh Đệ Hồi giáo theo gương mẫu của Đảng Thổ Nhĩ Kỳ AK–Partisi. Đối thủ của họ, Bộ Chính trị mà tụ họp trong đó phần lớn là những người già, ủng hộ đường lối “cứ tiếp tục như thế”. Người phát ngôn của họ trước hết là Mahammed al–Badija, người mà năm 2010 đã thay thế Akif trở thành “Lãnh tụ Tối cao”.
Mãi đến ngày 28 tháng 1, tức là ba ngày sau khi bắt đầu, Al–Badija mới phát biểu về cuộc nổi dậy trong chính đất nước của mình và yêu cầu Mubarak hãy tiến hành những cải cách cơ bản và chấm dứt bạo lực. Điều đấy là quá ít và quá muộn, nhóm lãnh đạo cũ tự biểu lộ rằng họ không có khả năng phản ứng lại sự việc gây chấn động lịch sử đấy với những gì khác hơn là các khuôn mẫu thông thường. Dưới sự phản đối kịch liệt của những người cải cách, cánh bảo thủ tuyên bố sẵn sàng thương lượng với Mubarak thay vì cũng yêu cầu ông ấy từ chức.
Từ hơn mười năm nay, những thay đổi lớn trong xã hội Ai cập bao giờ cũng được phản ánh trong giới Huynh Đệ Hồi giáo. Khả năng, rằng sau cuộc Cách mạng họ sẽ tan rã ra thành nhiều đảng phái hay nhóm, là lớn. Giới già hẳn sẽ không có một tương lai chính trị. Những người cải cách, ngay khi họ cũng không phải là một phong trào đồng nhất, cũng như giới đối lập phi tôn giáo, yêu cầu tự do hóa nền kinh tế và một nền kinh tế thị trường rời bỏ kinh tế bổng lộc và kinh tế bảo trợ móc ngoặc được nhà nước hỗ trợ, như chúng được giới quân đội và tầng lớp thượng lưu truyền thống tiến hành.
Khác với những người đứng đầu già cả, các nhà cải cách hồi giáo ngay từ đầu đã tham gia trên Quảng trường Tahrir. Qua đó, tình bạn và liên minh mới đã thành hình. Trong đám đông người đó người ta không hỏi: bạn là ai, bạn có tín ngưỡng hay thuộc đảng phái nào? Tất cả họ đều là người Ai Cập ba tuần liền, đã cùng nhau biểu tình, giúp đỡ lẫn nhau. Những người phụ nữ Hồi giáo đã ngủ qua đêm ngay giữa hàng ngàn người – trước cuộc Cách mạng thì không thể tưởng tượng được. Những trải nghiệm như thế để lại dấu vết, chúng làm thay đổi con người và cách suy nghĩ của họ. Người cải cách tiếp tục đến gần giới đối lập phi tôn giáo và ngược lại. Các tổ chức nhân quyền khác nhau, thường không quan tâm đến số phận của các huynh đệ Hồi giáo bị bắt giam, vì nghi ngại ý thức hệ của họ, cũng đã yêu cầu trả tự do cho họ ngay nhiều tháng trước cuộc Cách mạng rồi.
Huynh đệ Hồi giáo mạnh cho tới đâu, điều này sẽ được thể hiện qua các cuộc bầu cử Quốc Hội. Tại những cuộc bầu cử các ủy ban sinh viên trong tháng 3 năm 2011, những cuộc bầu cử tự do đầu tiên trong Ai Cập nói chung, họ nhận được 18 phần trăm.
Huynh Đệ Hồi giáo không phải là những nhà hoạt động chính trị duy nhất trong môi trường Hồi giáo. Bên cạnh họ, những người Salafi và Sufi, những nhà tôn giáo huyền bí, cũng đóng một vai trò. Người Salafi đứng gần Thuyết Wahhab và được tài trợ chủ yếu từ Ả Rập Saudi. Dưới thời Mubarak, 90000 nhà thờ Hồi giáo Ai Cập có đăng ký chính thức đứng dưới sự giám sát của nhà nước. Người Salafi cố gắng sử dụng khoảng chân không thành hình khi nhà nước sụp đổ cho những người truyền đạo của họ. Với thành công có giới hạn, nhưng tuy vậy họ vẫn nguy hiểm. Trong hàng ngũ của họ có những nhà tuyên truyền cuồng tín, không hề e ngại sử dụng bạo lực chống lại người Copt và Sufi. Sau nhiều cuộc tấn công vào nhà thờ Hồi giáo của họ, phát ngôn viên của những người Sufi, mà thật ra là phi chính trị và hòa bình, đe dọa họ sẽ dùng vũ khí chống lại những người Salafi nếu như cần thiết. Những người này bây giờ tự gọi mình là “Ansar as–Sunna”, có nghĩa như “những người theo học thuyết thật”.
TRIỂN VỌNG. TIẾP THEO LÀ GÌ?
Không ai đã có khả năng tiên đoán được cuộc Cách mạng Ả Rập. Sự việc vẫn còn đang tiến triển, nó sẽ không diễn ra một cách đồng nhất và sẽ có nhiều thất bại cũng như mâu thuẫn đi kèm theo. Kéo theo thất vọng, tương tự như ở Gruzia và Ukraina, nơi lần khởi đầu đầy hy vọng đã bị các chính trị gia bất tài làm cho tiêu tan. Thế giới Ả Rập mới đứng ở đầu của một biến đổi mang tính kỷ nguyên, cái sẽ còn có tác động nhiều năm và nhiều thập niên nữa và từ nước này sang nước khác sẽ diễn ra khác nhau. Nhưng có một điều, như đã được nhắc đến, ngay từ bây giờ đã thay đổi không thể nào đảo ngược lại được nữa: nhận thức. Ai ngồi trong một quán cà phê hay quán trà ở Cairo, đi vào chợ hay thăm viếng một nhà thờ đạo Hồi, ai nói chuyện với người dân và lắng nghe họ, người đấy sẽ cảm nhận trước hết là một điều – toàn bộ thành phố đang hít thở chính trị. Mỗi người đều có ý kiến của mình, mỗi người đều phát biểu ý kiến của mình, cả trong công khai nữa, từ chú bé tạp vụ cho tới nhà khoa học. Người Ai Cập, và không chỉ họ, đã mất đi sự sợ hãi của họ. Ai cũng bàn về chính trị, không ngưng nghỉ. Không phải lúc nào cũng ở mức độ cao nhất, nhưng điều đấy không mang tính quyết định. Sự tự do mới có được cũng có nghĩa là không cần phải mang mặt nạ nữa. Trước cuộc Cách mạng, ngay đến trẻ con cũng đã học cách không nói ra những gì chúng nghĩ. Bây giờ, kỷ nguyên của những người đàn ông già nua cầm quyền lực đang tiến đến gần sự kết thúc của nó. Không thể tưởng tượng được, cả nhiều thập niên nữa, rằng sẽ có thể còn có một tổng thống Ai Cập tự nhìn mình như một pharaoh và cầm quyền như một bạo chúa.
Ngay ở đấy, ở những nơi mà cho tới nay không có những cuộc nổi dậy của người dân, tình hình chính trị cũng có chuyển động. Vua Maroc Mohammed VI cho thay đổi Hiến Pháp trong tháng 6 năm 2011, cái chỉ thu hẹp quyền hạn của ông ấy một cách tượng trưng, nhưng tuy vậy vẫn có đường hướng đúng đắn. Theo đó, trong tương lai, có quyền giải tán Quốc Hội không còn là nhà vua nữa mà và thủ tướng. Một “Hội đồng Chính phủ” có nhiệm vụ quyết định đường lối chính trị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp không còn do nhà vua bổ nhiệm nữa. Phụ nữ bình đẳng với nam giới trước pháp luật, được hỗ trợ thêm trong nghề nghiệp và đào tạo. Tiếng Berber bây giờ là ngôn ngữ chính thức bình đẳng với tiếng Ả Rập.
Người đồng nhiệm ở Jordan của ông ấy, Vua Abdallah II, đã chuyển giao lại cho Quốc Hội nhiều quyền hạn nhiều và dường như không từ chối về nguyên tắc một nền quân chủ lập hiến. Những cải cách được khởi động từ bên trên như thế là những biện pháp phòng ngừa, để ngăn chận không cho cuộc Cách mạng lan tràn vào đất nước của mình. Ở những nơi khác, trong các quốc gia nhỏ vùng Vịnh và trong Ả Rập Saudi, quà bạc tỉ của những người thống trị được ban phát cho người dân của họ để tạo ổn định và trật tự. Liệu về lâu dài điều đấy có đủ hay không thì còn phải xem lại.
Tunisia và Ai Cập có tiềm năng lớn nhất cho một biến đổi dân chủ. Cả hai đất nước đó, mặc cho sự can thiệp kéo dài nhiều thập niên từ phía những người cầm quyền, đều có những thể chế nhà nước đang hoạt động, một giới trẻ được đào tạo tốt và giới trung lưu như là giớ xã hội gánh vác sự biến đổi đó, dù cho họ có yếu ớt và dễ bị tổn thương cho tới đâu. Cả hai đất nước này nhận một chức năng làm gương, các quốc gia còn lại trong vùng sẽ đi theo họ. Ai Cập ít nhất thì cũng là quốc gia Ả Rập có nhiều cư dân nhất, là một quyền lực lãnh đạo trung cấp. Vì thế mà việc đấy là một việc làm đúng đắn, khi các quốc gia công nghiệp dẫn đầu tại cuộc họp thượng đỉnh G8 ở Deauville của Pháp trong tháng 5 năm 2011 đã quyết định sẽ đưa ra một kế hoạch giống như kế hoạch Marshall và trợ giúp Tunesia và Ai Cập tổng cộng với 40 tỉ dollar. Tuy vậy, điều mang tính quyết định là liệu số tiền này có được đầu tư một cách đúng đắn hay không, có tạo ra việc làm, giúp xây dựng cấu trúc nhà nước pháp quyền, như qua đào tạo quan tòa hay cành sát, hay không. Nếu như số tiền này chỉ được chuyển khoản về các thủ đô như trong quá khứ, không có kiểm soát về chất lượng và không có bằng chứng cho các thành quả, thì một phần lớn hầu như chắc chắn sẽ biến mất vào trong túi của những người đại diện cho chính phủ cũ–mới.
Ở Bahrain có sự yên tịnh trên nghĩa trang, nhưng bộ tộc đang cai trị ở đấy không thể chỉ dựa vào lưỡi lê của Saudi. Các quốc gia nhỏ trong vùng Vịnh ngày càng trở thành những thương hiệu tượng trưng cho một hình ảnh nào đó. Dubai cho bùng nổ về kinh tế, Abu Dhabi cho văn hóa, katar cho bóng đá và Al–Jazeera. Hiện Bahrain tượng trưng cho một nhà nước cảnh sát, và với hình ảnh này đang có nguy cơ có một vòng xoáy kinh tế đi xuống. Bộ tộc Al Khalifa đang đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, đã đánh mất mọi sự chính danh trong nhiều phần lớn của người dân họ. Chính vì vậy mà trước sau gì họ cũng phải bước đến với những người Shia bị đàn áp – mà không bị một cuộc nổi dậy nữa đe dọa. Về cơ bản là một việc không thể, về nguyên tắc cũng khác gì với Syria. Ở đó, Bashar al–Assad cũng sẽ chỉ dám dân chủ nhiều tới mức vừa đủ để xoa dịu tình hình. Nhân dân Syria đối diện với một hệ thống từ cây gậy và củ cà rốt, cái trước hết là lo cho sự tồn tại của chính nó nhiều hơn là lo cho tương lai của đất nước. Thêm vào đó, Syria đứng ở cạnh bờ vực của một phá sản nhà nước.
Hoàn toàn bỏ ngõ và sự phát triển trong tương lai trong Libya và trong Jemen, nơi một nền dân chủ bộ tộc mỏng manh có khả năng cũng nhiều như nhà nước tan rã và bạo lực địa phương. Và Algeria với Ả Rập Saudi sẽ cưỡng lại sự biến đổi này cho tới chừng nào? Sự giàu có về dầu mỏ và khí đốt ở đây lại bộc lộ ra như là một lời nguyền, vì nó cho phép các chế độ đó hoặc là mua chuộc hoặc là đàn áp người dân và trong lúc đó chắc chắn nhận được sự làm thinh trợ giúp từ Phương Tây.
Mặc cho tất cả những điều khó lường trước được, người ta đã có thể nhìn thấy hình dạng của những thay đổi về địa chính trị, có thể nhận ra những người thắng cuộc đầu tiên của cuộc cách mạng cũng như những luật chơi đã thay đổi. Qua nhiều thế hệ, các thế lực thuộc địa và sau họ là các thế lực bá chủ trong thế giới Ả Rập đã vạch đường biên giới, chia cắt dân tộc và mua chuộc chính quyền. Người Âu và người Mỹ Hoa Kỳ sẽ không còn có thể đạt được những lợi ích trong vùng của mình một cách đơn giản như thế được nữa. Lần làm trung gian của Ai Cập cho hiệp định hòa giải giữa Hamas và Fatah cho thấy rằng ở Cairo, và không chỉ ở đó, đã hình thành một sự tự tin mới về mặt chính trị. Sự trì trệ trong nước của Ai Cập dưới thời Mubarak đã dẫn đến hậu quả là đất nước này mất đi tầm quan trọng trong vùng. Có nhiều điều ủng hộ cho việc, rằng Ai Cập sau một giai đoạn củng cố sẽ lấy lại vai trò là hình ảnh dẫn đầu của mình ngày xưa. Song song với đó, Ả Rập Saudi cũng như Iran sẽ mất ảnh hưởng. Bằng cách trưng bày Riad ra như là thành trì của cuộc phản cách mạng, Vương quốc Wahhab này, hiện thân của sự phản động, đã đứng về phía sai lầm của lịch sử. Điều đấy có thể giúp để giữ được quyền lực, nhưng cái giá phải trả là sự tín nhiệm trong thế giới Ả Rập.
Tương tự như thế ở Iran. Cả về chính trị lẫn về kinh tế, đất nước này không phải là một mô hình cho tương lai. Các xã hội Ả Rập phát triển càng cởi mở và càng dân chủ thì ảnh hưởng của Iran sẽ càng nhỏ đi. Tuy vậy, nước Ai Cập mới và các quốc gia Ả Rập khác đều cố gắng bình thường hóa quan hệ của mình với Cộng hòa Iran. Họ không đứng vào cùng chiến tuyến với Phương Tây. Nếu cuộc Cách mạng Ả Rập bén rễ dân chủ lâu dài thì một cuộc nổi dậy mới của người dân ở Iran, sau cuộc nổi dậy bị dập tan năm 2009, có lẽ chỉ còn là câu hỏi về thời gian.
Nhưng những người thắng cuộc đầu tiên của kỷ nguyên mới lại là Katar và Thổ Nhĩ Kỳ. Với Al–Jazeera và với việc tham gia hoạt động quân sự ở Libya, Katar đã củng cố vị thế của mình ở bên phía của NATO như là cường quốc nhỏ nhất ở vùng Vịnh. Trong tương lai, tiếng nói của Katar sẽ có trọng lượng, ở trong và ngoài thế giới Ả Rập. Nhất là vì không một quốc gia nào trong vùng cảm nhận rằng đất nước này là một mối đe dọa – vì nó bé nhỏ đến như thế. Katar hầu như không thể cạnh tranh được với Ai Cập, nhưng được coi trọng cả ở Phương Tây lẫn Phương Đông và có thể kín đáo giật dây trong hậu trường.
Cả Thổ Nhĩ Kỳ cũng giành được tiếng tăm về ngoại giao rõ ràng. Khác với ví dụ như chính phủ Đức, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ chờ xem cuộc nổi dậy ở Tunedia hay Ai Cập đi đến đâu mà đã hoan nghênh ngay từ sớm. Tàu Thổ Nhĩ Kỳ đã góp phần quyết định trong cuộc di tản hàng chục ngàn người nước ngoài ra khỏi Libya. Trong khi các nguyên thủ quốc gia châu Âu đa phần phản ứng mang tính từ chối những người tỵ nạn từ Bắc Phi, thủ tướng Erdogan đã chào mừng hơn 10.000 người tỵ nạn Cũ Syria như là “khách”. Tất nhiên là ông ấy cũng biết rằng họ không muốn ở lại và sẽ trở về quê hương của họ sớm như có thể. Tuy vậy, đối với nhiều người Ả Rập, sự giúp đỡ hết sức chuyên nghiệp trong nhiều khu lều trại đã tăng cường thêm tính chất gương mẫu của Thổ Nhĩ Kỳ. Lâu nay, các lực lượng cải tổ Ả Rập đã xem đảng cầm quyền AKP ở Thổ Nhĩ Kỳ như là mô hình. Đảng này theo Hồi giáo và ôn hòa và đã mang lại cho Thổ Nhĩ Kỳ một tăng trưởng kinh tế chưa từng có trong những năm vừa qua. Ankara cố gắng gia nhập Liên minh châu Âu, là thành viên của NATO, tuy vậy vẫn thực dụng đối với Iran và không lên tiếng phê phán Israel. Hỗn hợp từ sự tự tin, độc lập và thành công này được thế giới Ả Rập khen ngợi.
Còn châu Âu? Thế hệ Facebook không phải là không có thiện cảm với người Âu, nhưng cho rằng chính sách của họ đối với vùng Cận Đông trước hết là ích kỷ và cay độc. Trong đó cũng có những mong đợi cụ thể ở châu Âu, từ tăng cường đầu tư cho tới giúp đỡ xây dựng các thể chế dân chủ. Vì sự quan tâm của Hoa Kỳ tập trung trước hết là ở vùng Vịnh nên Europa còn có một lĩnh vực rộng lớn để hoạt động ở Bắc Phi và Cận Đông. Không thiếu khả năng: gần 75% các đầu tư ở Bắc Phi xuất phát từ châu Âu. Ngược lại, gần ba phần tư xuất khẩu của Bắc Phi đi sang châu Âu: dầu mỏ, khí đốt và dịch vụ, cả dưới dạng di cư lao động. Liên minh châu Âu tốt hơn là nên đưa ra một hình thức đối tác mới cho những nền dân chủ Ả Rập, bao gồm không chỉ những câu hỏi về an ninh. Tiên đề để làm được điều đấy đầu tiên là hãy đối diện một cách cởi mở hơn với con người ở đấy và với nền văn hóa của họ. Bao gồm cả câu hỏi về những người tỵ nạn, Nhiều người Bắc Phi, những người liều lĩnh trên con đường nguy hiểm vượt qua Địa Trung Hải, là những người tốt nghiệp đại học có chuyên môn nhưng không tìm được việc làm trong quê hương của họ. Tại sao lại không đưa cho họ giấy phép lao động, có hạn hay là không? Châu Âu nên hành xử với Bắc Phi như trước đây với Thổ Nhĩ kỳ. Những người “khách lao động” này đã đặt viên đá làm nền tảng cho một hợp tác về kinh tế mà cả hai phía, châu Âu, đặc biệt là nước Đức, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ đã hưởng lợi. Lần bùng nổ kinh tế ngày nay ở eo biển Bosporus là nhờ vào sự hợp tác này. Cũng nên đi một con đường tương tự như thế với Bắc Phi.
Michael Lüders
Nhà xuất bản C. H. Beck
Phan Ba dịch
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét