Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

NGÔI NHÀ KHÔNG CÓ MÁY LẠNH (Phần cuối )

****
Có một cuộc đấu cờ bí mật xảy ra đã lâu, mãi đến sau này tôi mới biết. Cuộc đấu giữa bố tôi với một người đàn ông khác, khi đêm đã khuya lắm rồi.
Đêm đó không trăng sao. Bố tôi không ngủ, nghĩ mãi chưa trọn vẹn bài thơ về “tình đồng đội”. Ông lấy cây đèn pin thập thễnh đi ra bờ ao, nơi có bàn cờ bằng đá vừa tạc xong được mấy ngày.
Bố tôi vừa bày xong quân của cả hai bên thì phía sau có tiếng động. Theo phản xạ, thói quen của người lính đặc công, ông quay lại. Bố tôi nhận ra ngay có người đang nấp sau cây me già cổ thụ, gần sát bờ đường. Ông bấm đèn. Bóng người ấy lò dò hiện ra trước sự kinh ngạc của bố tôi.
Ông lên tiếng:
- Ra bác Xây, bác đi đâu vào giờ này?
- Tôi cũng không ngủ được.Tính ra chơi với chú ván cờ cho chóng hết đêm.
- Nếu vì lý do ấy, mời bác về nhà ngủ. Không ai chơi cờ với nhau đêm hôm khuya khoắt thế này.
Lão kia cứ nài nỉ, đòi chơi bằng được, hình như có chuyện gì khác chứ không phải chuyện chơi hay không chơi một ván cờ. Bố tôi đứng lên, bảo lão đi vào nhà. Lão ngần ngừ một lúc rồi theo sau.
Bố tôi không bật điện, chỉ thắp một cây nến đủ để hai người ngồi nói chuyện. ( Đây là cây nến mua từ lâu phòng khi mất điện. Đường rừng điện mất là chuyện cơm bữa, không như ở thành phố ).
Cặp mắt bị lác một bên của lão đảo quanh một lượt. Hai tay lão thu trước vạt áo đại cán bốn túi, ngận ngự chưa muốn ra lời.
Bố tôi phải gặng hỏi lão mới nói:
- Quân tử một lời như dao chém đá! Tôi đã hứa với chú từ đấy đến giờ chưa  hề nói với ai vì đã nhận tiền bồi dưỡng của chú khá hậu hĩnh rồi. Nếu cảnh ngộ tôi không như bây giờ có lẽ tôi không bao giờ dám nói lại với chú. Như thế nó muối mặt lắm..

Bố tôi nhìn ông thợ hoạn phương phi béo tốt ngày nào. Sao bây giờ ông ta nom thảm hại thế kia ? Chả nhẽ hũ rượu ngâm toàn “pín chó, pín lợn” bây giờ không còn tác dụng nữa sao?
Không phải đợi lâu nhà “Pín học” ra lời:
-  Cứ tưởng chú mới là người khó khăn về đường con cái. Cái khổ đó, đến cùng lại là tôi chú ạ. Không nói chú cũng biết tôi giai gái đủ cả, lại hơn chú một đứa. Có ai ngờ chúng lần lượt bỏ tôi mà đi. Đứa con gái lũ cuốn mất năm xưa không kể đến. Hai thằng bằng gậy bằng sào giờ cũng hỏng cả hai..
Lão không kể, việc trong làng ai cũng biết. Thằng trai lớn nhà lão lái xe năm ngoái đâm đầu xuống vực. Thằng trai út giờ đang học gì bên Thái Nguyên kia mà?
Trên gò má cao dưới đôi mắt lác về bên trái của lão lăn ra mấy giọt nước mắt, khiến bố tôi mủi lòng. Lão nức nở như trẻ nhỏ:
- Ấy cái thằng út nhà này giỏi trai, làng này ai cũng khen nó học giỏi, giờ cũng hỏng nốt rồi chú ạ. Chả biết nó đua đòi chúng bạn thế nào giờ trúng bệnh vô phương cứu chữa! Chả biết nó bỏ vợ chồng tôi đi ngày nào. Vì thế anh mới phải đánh liều sang đây xin chú lại cho nó làm “con nuôi” một đứa.. Dẫu gì nó cũng là giọt máu của anh, chú vẫn còn đứa nữa cơ mà.. Sợ rằng sau già không nơi nương tựa thì nhục lắm chú ạ!
Bố tôi giận run lên. Phút chốc ông không kìm chế được mình, túm cổ áo đại cán của lão, gầm khe khẽ:
- Vậy là ông nuốt lời? Mười chỉ vàng tiêu hết, giờ đòi lại con? Tôi ..tôi truyền hồn cho ông biết: Ông muốn gì cũng được, kể cả cái mạng thương tật này của tôi.. Nhưng con thì không được, không khi nào được, ông nhớ chứ?

Lão lác người mềm như cái dưa.Lão biết bố tôi bề ngoài nhũn nhặn, ân cần với tất cả mọi người, lớn cũng như bé, nhưng không phải là người nói chơi! Lão lắp bắp xin lỗi. Thề sống chết từ nay không dám đụng đến chuyện này nữa!
Bố tôi đẩy lão ra, ông như người tuyệt vọng, ngồi phịch xuống ghế. Hai người im lặng khá lâu. Lão lác chào để về, bố tôi gọi lại:
- Ông cứ ngồi đấy đã! Ông thừa biết sẽ xảy ra chuyện gì nếu điều này tiết lộ ra ngoài. Cả hai nhà sẽ bị xáo trộn ghê gớm, không biết đâu mà lường! Vả lại cả hai đứa con tôi giờ đều có vợ có chồng. Vợ chồng chúng nó sẽ ăn ở với nhau ra sao nếu biết chuyện này?
- Thì tôi sẽ nhận con Huyền là con nuôi, con kết nghĩa chẳng hạn.Thiên hạ nhận đầy trường hợp như thế mà?
Lần đầu trong đời, bố tôi cười không ra tiếng, có ý mỉa mai:
- Ông thử hình dung xem, liệu nó có dám nhận làm con kết nghĩa của ông bà không?
Bố tôi không nói hết, nhưng lão lác biết ông định nói gì?  Một lão làm nghề thiến chó, thiến lợn dong, cứ nhà nào có đàn bà hóa là lân la gạ gẫm. Có lần dân quân xã bắt dẫn lên ủy ban về tội vồ phụ nữ tắm tiên ngoài suối. Gia sản chỉ là cái nhà tình nghĩa giúp đỡ người nghèo dân làng xây cho.. Người như thế liệu cô giáo Huyền em gái tôi có chịu nhận làm bố nuôi hay bố kết nghĩa không?
-          Tôi sẽ có cách. Cổ nhân có câu: “Máu chảy đến đâu.. “ mà!
Bố tôi im lặng hồi lâu không nói gì. Không biết có phải vì tự tin bởi điều kể trên không, hay muốn tỏ ra là người cao thượng, ( cũng có thể trong lúc bất ngờ, bố tôi cũng bị nhầm. “Con cái với cha mẹ” là câu chuyện dài, khó nói trước được điều gì. Kể cả cha mẹ không ra sao, với chúng vẫn luôn là cha mẹ ) lúc sau ông nói:
- Ban nãy bác bảo sang đây muốn chơi một ván cờ phải không?
- Chú cho anh xin phép. Là lúc nãy vui miệng nói thế. Bây giờ chú cho anh về, chả còn lòng bọng nào để cờ với quạt nữa..
- Làm người không nói thì thôi, nói là phải nhớ, phải giữ lời. Từ ngày có bàn cờ này trong làng tôi chưa hề đánh với ai, chỉ đêm vui mới chơi với đồng đội đã khuất. Giờ tôi sẽ chơi với bác. Nếu bác thắng tôi sẽ nhận lời yêu cầu vừa rồi. Còn thua đừng có bao giờ nói đi nói lại chuyện này nữa!
 Bàn cờ đá lần đầu có hai người ngồi đối diện. Mỗi người một cây đèn bấm trong tay. Đến tảng sáng cuộc cờ kết thúc trong eo óc tiếng gà gáy cuối thôn.
Lão thua ba ván liền!
Không ngờ bố tôi lại là kỳ thủ cao cơ đến thế.. Hay là còn có thế lực hỗ trợ nào từ các đồng đội của bố tôi mà tháng nào ông cũng chơi với họ năm, mười đêm?

Tôi đâm vào lão Lác. Lão ngã bổ chửng ra phía sau, lão lồm cồm bò dậy. Lão không la lối hay chửi bới câu nào như chuyện thường xảy ra trong trường hợp này. Hình như lão cố ý đợi tôi ở đây đã lâu và biết người vừa đâm xầm vào mình là ai?
Lại còn hỏi tôi có làm sao không? Tôi nói tôi không sao, định nhảy lên xe luôn về nhà. Lão chạy theo níu tôi lại: “ Tôi có chuyện muốn nói với cậu..”. Tôi quay đi: “ Tôi biết hết cả rồi. Ông không cần nói. Từ giờ đừng tìm tôi nữa”!

Tôi ga hết tốc lực. Xe như điên chạy trên đường. May mà lúc đó quãng đường này không có người hay xe cộ chạy qua. Nếu không chưa biết xảy ra chuyện gì.
Đến nhà, tự nhiên tôi không muốn vào nhà.
Ngôi nhà không máy lạnh lặng im trong bóng tối, như chưa xảy ra chuyện gì. Bốn bề vẫn im ắng như không. Chỉ nghe thấy tiếng suối róc rách chảy.Tiếng nước đi thật là êm.
Không chủ ý, tôi dựng xe đi đến bên bàn cờ bằng đá của bố tôi bên gốc me già.
Ngồi một mình.. Tôi đang đúng hay tôi đang sai? Đúng sai thế nào từ những câu chuyện của thế hệ sinh thành?

Đêm nay bố tôi khỏe, không đau nhức như mọi khi. Có lẽ là ông đã ngủ say và không biết vừa xảy ra chuyện gì!




Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: