Tại sao trống đồng không được sử Việt cổ đề cập nhiều?
Kính Hòa
Trống đồng thường được xem là một vật biểu tượng của dân tộc Việt nam. Mới đây Tiến sĩ Lê Minh Khải từ Đại học Hawaii nêu lên vấn đề là tại sao trong sách sử cổ của người Việt rất ít đề cập đến trống đồng. Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu ở TP HCM trao đổi vấn đề này với Kính Hòa..
Kính Hòa: Thưa bà lâu nay trống đồng được xem như một vật tượng trưng cho dân tộc Việt Nam. Nhưng gần đây có một học giả từ Đại học Hawaii là Tiến sĩ Lê Minh Khải có nêu một vấn đề là các sách sử biên niên của người Việt hầu như không có ghi chép về trống đồng, tức là người Việt xa lạ với trống đồng. Với tư cách một nhà khảo cổ, bà có nhận xét gì về chuyện này?
TS Nguyễn Thị Hậu: Về mặt văn bản học thì nhận xét của anh Lê Minh Khải là rất chính xác. Trong các bộ sử của chúng ta không thấy nhắc tới trống đồng như một biểu tượng của quyền lực hay của quốc gia. Tôi thấy đây là một góc nhìn rất hay, nó không chỉ liên quan đến một cổ vật đẹp nhất của chúng ta là trống đồng, mà nó còn liên quan đến các vấn đề khác như lịch sử, dân tộc, quốc gia.
Về mặt niên đại thì trống đồng có tuổi từ 2000 đến 2500 năm cách này nay. Đây là thời kỳ có nhiều truyền thuyết liên quan đến nước Văn Lang của vua Hùng vương.
Trong các bộ sử của chúng ta không thấy nhắc tới trống đồng như một biểu tượng của quyền lực hay của quốc gia.
- TS Nguyễn Thị Hậu
Theo các nhà ngôn ngữ học thì từ thế kỷ thứ 10 có sự tách ra hai tộc người. Người Mường sống ở vùng cao và họ còn duy trì rất nhiều tập tục liên quan đến trống đồng. Còn tộc người Việt, sau này là người Kinh sống ở vùng đồng bằng và tạo nên các triều đại phong kiến của Việt Nam, thì hầu như không có lễ hội tập tục gì liên quan đến trống đồng, thậm chí nó không phải là 1 loại của cải có giá trị như đối với người Mường và 1 số tộc miền núi khác.
Rồi sang thế kỷ 20 chúng ta tiếp nhận nhiều khái niệm mới như dân tộc, quốc gia, đồng thời nhiều trống đồng được phát hiện ở vùng đồng bằng song Hồng, cho nên có thể là phát sinh 1 nhu cầu có sự biểu trưng cho dân tộc.
Đó là vài suy nghĩ của tôi nhân đọc bài của anh Lê Minh Khải.
Kính Hòa: Có phải là vấn đề được ông Lê Minh Khải nêu lên sẽ đưa đến 1 câu hỏi là liệu chúng ta có phải là con cháu của những người Đông sơn chủ nhân trống đồng hay chúng ta là một bộ tộc từ nơi khác đến?
TS Nguyễn Thị Hậu: Theo những chứng liệu khảo cổ học thì không thấy rằng người Việt chúng ta đến từ một nơi xa lạ nào đó, vấn đề tôi đặt ra là giữa chúng ta và người Đông sơn, hay còn gọi là người Việt cổ khác nhau như thế nào! Vì thời gian biến chuyển 2000 năm chắc chắn là có nhiều sự biến đổi về tộc người, về văn hóa. Và nhất là phải nghiên cứu việc tách ra hai tộc người Mường và Việt. Người Mường còn duy trì rất nhiều nét của văn hóa Đông sơn, về tập tục, trang trí nhà cửa.
Kính Hòa: Trở lại vấn đề văn bản học, có phải là chúng ta nói nhiều về trống đồng từ khi người Pháp khai quật được nhiều trống đồng trên lãnh thổ Việt Nam?
Đúng là từ khi người Pháp phát hiện rất nhiều trống đồng ở nước ta và nhất là chiếc đẹp nhất tên là Ngọc Lũ, thì sách sử của chúng ta mới bắt đầu đề cập nhiều đến trống đồng và thời đại các vua Hùng.
- TS Nguyễn Thị Hậu
TS Nguyễn Thị Hậu: Những bộ sử trước đây như Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim cũng đặt dấu hỏi về thời đại Hùng Vương như là những huyền thoại. Việc đó là đương nhiên vì lúc ấy chúng ta chưa có chứng cứ. Và chúng ta hiểu rằng huyền thoại không phải là lịch sử, nhưng nó có thể chứa dựng một điều gì về lịch sử trong đó mà cần phải làm rõ.
Đúng là từ khi người Pháp phát hiện rất nhiều trống đồng ở nước ta và nhất là chiếc đẹp nhất tên là Ngọc Lũ, thì sách sử của chúng ta mới bắt đầu đề cập nhiều đến trống đồng và thời đại các vua Hùng. Người ta cho trống đồng như là hiện vật tiêu biểu cho thời kỳ Đông sơn đó.
Kính Hòa: Xin hỏi câu cuối cùng là về số lượng thì có rất nhiều trống đồng được tìm thấy ở Việt Nam so với các quốc gia khác?
TS Nguyễn Thị Hậu: Tôi không có số liệu thống kê mới nhất, nhưng theo quyển Khảo cổ học Việt nam thời đại kim khí tập 2 của Viện khảo cổ học thì chúng ta có khoảng 200 trống loại 1 chưa kể các loại gọi là minh khí, tức là loại được làm nhỏ đi để chôn trong các ngôi mộ, cũng không kể đến các loại trống muộn hơn như của người Mường. Về số lượng thì như vậy chỉ đứng hàng thứ hai sau khu vực Quảng Tây của người Choang bên Trung quốc thôi.
Kính Hòa: Xin cảm ơn TS Nguyễn thị Hậu.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét