Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 21 tháng 9, 2013

Có người bảo gã này điên, vậy cứ đọc xem điên đến đâu:

NGHỆ THUẬT ĐỈNH CAO - ĐÒI VIỆC KHÓ NHẤT
      Nguyễn Hoàng Đức 


2

Thành thật sinh ra ở đời chúng ta đều muốn hơn người. Trước hết là hơn về diện mạo, diện mạo ai khó coi đều bị coi là khiếm khuyết và gây mặc cảm cho người đó, khiến người đó thiếu tự tin trong cuộc sống cũng như công việc. Thậm chí nhân gian còn “ám thị” liền “nhất lé, nhì lùn, tam dô, tứ rỗ”. Thứ hai, ai cũng muốn khỏe hơn người để không bị bắt nạt, đồng thời còn có cơ hội như ngày xưa tham gia cuộc thi để trở thành phò mã của nhà vua. Rồi người ta mong thông minh hơn người … Vậy thì, ham muốn hơn người cũng là ham muốn chính đáng. Nhưng ai hơn thì đáng được hơn, lại là lẽ công bằng, ngày nay người ta còn đúc rút thành nguyên tắc sống, đó là mọi người được “cạnh tranh lành mạnh”.
Ở đời có vô số kẻ dốt mua điểm, thậm chí mua quan để được trèo lên cổ thiên hạ. Rồi thi đấu với người ta sợ không lại, liền tìm cách cắt dây cương hay cưa gót giầy… Đó là thi đấu thể thao diễn ra trước mắt mọi người đã vậy, thử hỏi văn chương chữ nghĩa, như người xưa nói “kẻ trí thường hay trá” được diễn ra sau cánh cửa, thậm thụt đi đêm, thỏa hiệp móc ngoặc lẫn nhau, có đi có lại, ông thò chân giò bà thò chai rượu, thử hỏi còn bất công nhường nào?!
Ai cũng muốn hơn người! Dân tộc nào cũng tự thị cho rằng mình thượng đẳng. Nhưng ở đời muốn công bằng để tìm ra chân giá trị đích thực chúng ta buộc phải nhìn nhận một cách thẳng thắn, chứ không thể xuê xoa tùy tiện, thổi kèn khen lấy, hay mẹ hát con khen hay.
Thử nhìn, dân tộc ta cái kim còn chưa làm được. Bi xe đạp cũng chưa làm được. Điều này nói lên rất nhiều và có tầm biểu tượng rất khái quát. Cái kim chỉ là sinh hoạt hàng ngày đòi hỏi sự chăm chỉ khéo léo, bằng chứng là nó giành cho các bà nội trợ khâu – thêu, nhưng vì nó bé lại đòi đục lỗ để xâu chỉ qua, người Việt đành bó tay (chấm com). Còn bi xe đạp, đó là bộ phận nằm ngay trục chịu lực lại vừa phải đảm bảo sự chuyển động xoay vần. Người Việt cũng chưa làm được. Điều đó cũng nói lên, cái gì thuộc về bổn phận “chịu lực”, cũng như chuyển động xoay vần khỏi trạng thái ngủ yên bất động, người Việt làm rất yếu.
Văn học Việt Nam yếu đến mức nào? Giờ chúng ta hãy xem! Cụ thể như kiểu nó có làm được kim khâu hay bi xe đạp chưa? Ở đời, công việc nào anh hùng ấy. Đánh dậm thành công cũng chỉ là một giỏ cua đầy, mà cua đánh dậm rẻ hơn cua trong hốc, chỉ có thể đem về cho vợ con ăn, chứ bán ít ai mua. Còn một mẻ đánh bắt cá voi thành công là một hầm tầu với hàng trăm tấn cá, một cái vây của nó cũng nặng bằng trăm giỏ cua. Một người đẩy xe cút kít thì còn lâu mới bằng một người lái cần cẩu. Người lái cần cẩu đó thì bao giờ mới trở thành phi công tầu vũ trụ mà để đào tạo anh ta phải tốn số vàng bằng mười lần trọng lượng cơ thể anh ta.
Nếu chúng ta không có tiêu chí xem xét và đánh giá, chúng ta sẽ không hiểu mình ở đâu và đạt đến tầm nào. Văn học chúng ta cũng đánh bắt thiên nhiên nhưng chúng ta đánh dậm hay bắt cá voi? Muốn bắt cá voi phải có tầu lớn, đi đến vùng biển đủ sâu đủ lạnh, phải có nghề hoa tiêu đại dương tức bốn bề giống nhau mà vẫn tìm ra hướng đi, chứ không phải hoa tiêu trên sông cứ nhìn bờ mà đi, phải có đại bác thật mạnh bắn đi lưỡi móc câu mang theo độ dài của dây xích. Vậy văn học Việt thì sao, chưa ra khỏi nhà đã sướt mướt thở than “ta về ta tắm ao ta”, rồi nhớ vợ thương bồ theo kiểu: đêm ôm vợ thấy lòng giật thót, thương con thuyền ngoài bãi đứng chơ vơ, thì hòng gì săn cá voi?! Văn học của chúng ta cũng bay lên trời, nhưng đó là thả diều hay máy bay cất cánh? Bi xe đạp chúng ta còn chưa làm được sao có thể làm được động cơ phản lực với những thứ trọng tải siêu lực?
Nghệ thuật là làm những gì khó nhất, và nghệ thuật được tôn vinh theo độ khó của nó, đó cũng là ý tưởng của họa sĩ thiên tài Michenlangelo. Giản dị hơn, văn hào Lỗ Tấn cho rằng: nghệ thuật là “lấy ngón tay ngoáy mũi thì bình thường, nhưng lấy ngón chân ngoáy mũi thì có thể dựng rạp bán vé”. Đây cũng là cách nghĩ của vua hề Sác-lô, khi biểu diễn leo dây, ông luôn tăng độ khó cho tiết mục, chẳng hạn, có vài con khỉ leo lên đầu dứt tóc, bịt mắt, vài con khỉ xuống chân giật chân ra khỏi dây.
Thời hiện đại, một bằng chứng mãnh liệt xác thực nhất là điệu nhảy Hip Hop. Những vũ công giỏi nhất thế giới đã tâm sự: Hip Hop được sinh ra trên đường phố, những khu da đen, những khu ổ chuột, là điệu nhảy của đám đầu đường xó chợ, nhưng để người ta tôn trọng mình họ đã luyện tập ở mức siêu hạng, nhảy bằng tay, bằng cổ, bằng đầu, để đạt tới điều đó thời gian luyện tập đòi hỏi bằng thời gian học xong một chương trình đại học (2 – 5 năm) là thường.
Đó là gì? Muốn người đời tôn trọng, người ta phải làm được việc khó. Anh đánh dậm trở về, được vợ và con ra sân đánh tiếng đỡ lấy giỏ. Còn con tầu của những thủy thủ vượt đại dương, mỗi lần trở về là một ngày hội đón chờ trên bến cảng với bao vỉa lệ đang trực chỉ hòa thanh cùng  những tiếng cười dâng lên trong lòng tiếng nấc nghẹn ngào.
Nhà văn và nhà phê bình Pháp thế kỷ 20 - Paul Bourget, cho rằng: “Truyện ngắn là độc tấu. Tiểu thuyết là giao hưởng”.  ( theo Hiền Nguyễn “Sự co duỗi của truyện ngắn”). Đây là một ý tưởng rất hay và khá chính xác. Ở Việt Nam, giờ chủ yếu mới có truyện ngắn, đa số sinh ra do di hưởng được trình diễn trên mặt báo, được nổi tiếng, hà hít, và cấp đường sữa từ mấy trang báo. Một nhà văn Nga đã chỉ ra sự nổi tiếng trên báo chí thế này, tờ Sputnik khi Liên Xô còn tồn tại, với ba trăm triệu dân số, ti-ra tờ báo một triệu bản, chỉ cần được đăng một bài thơ trên đó, có vài chục triệu người truyền tay nhau đọc, thì nổi như sậy khô cháy trên đồng cỏ. Ở Việt Nam tuy không được thế, nhưng cũng oai và đáng khát danh lắm, cho nên các ban biên tập oai như trời, chen chân được một bài thơ lên mặt báo đã có không ít nhà thơ phải dở võ giang hồ, dẫn cả bầu đoàn họ hàng từ quê lên tràn vào báo gây áp lực. Còn vô số các nhà thơ, nhà văn trong tòa soạn cũng không ít người trở thành món tem phiếu cửa quyền tuổi càng cao càng mòn mỏi còi cọc, chỉ còn thấy tài năng duy nhất là săn giải, săn ghế để bù trừ cho mình.
Giờ chúng ta hãy nói về truyện ngắn Việt Nam, nó có phải là độc tấu không? Độc tấu, nghĩa là đàn đánh một mình. Nhưng có loại độc tấu có bản nhạc. Có loại độc tấu truyền khẩu. Mới rồi, người ta phát hiện, các ca sĩ Việt có tới 99% không cần nhạc lý, có nghĩa là họ hát theo kiểu truyền khẩu. Chỉ cần biểu diễn một bài dân ca, thì nhạc công Việt đánh mỗi người một khác. Vì đó là kết quả của truyền khẩu. Sau đó họ chơi nhạc cụ gì? Có phải “đàn bầu chỉ có một dây/ đánh mười lăm ngày đã đi tây” ? Không, chủ yếu là họ thổi sáo trúc. Sáo trúc đã là sang! Còn lại đa số gấp lá vào thổi gọi là kèn lá. Thổi chưa hết một bài, lá đã khô, chẳng lẽ lại chạy ra vườn dứt lá khác, mà có phải ở đâu cũng sẵn vườn để ra dứt lá? Đấy chính là hình ảnh của đa số nhà thơ Việt, bài thơ của họ thường ngắn tũn, hơn bốn câu, làm sao phải kết thúc khi lá vẫn còn tươi.
Hình ảnh tôi nói không phải là chế giễu mà đó là biểu tượng. Giờ cụ thể, xem văn học Việt đã làm được những gì? Có phải rất nhiều, và đa số, các nhà thơ xếp vần được dăm bảy câu, dăm bảy chục trang lèo tèo chữ, rồi ôm giấc mộng thi bá thi hào? Các vị thử đặt câu hỏi đi, các vị đã làm những việc khó cỡ nào? Việc khó mà cả xã cả làng làm được ư? Các ông về hưu các bà xập xệ vẫn tươi ngát trong thơ ư? Có cả nghìn nhà thơ đã thử sức với trường ca, nhưng lại gục ngã ngay từ đầu đó là các vị không thể nghĩ được ra nhân vật. Hãy hình dung một trường ca là một dàn giao hưởng, nếu các vị không đủ kiến thức về giai điệu và hòa thanh làm sao có thể phân bổ âm thanh cho mỗi nhạc cụ. Với đa số các nhà thơ Việt, họ không đủ sự rành rẽ lý trí để kiến trúc theo chức năng của nhạc cụ hay âm thanh, cũng như họ không đủ khả năng để kiến trúc xã hội trong tác phẩm theo nhân vật. Thử hình dung, một cái chợ có hàng rau, hàng thịt, hàng cá, hàng xén… nhưng hầu hết các nhà thơ Việt chỉ có thể thành lập một cái chợ với mỗi hàng rau.
Còn các nhà truyện ngắn và tiểu thuyết Việt? Có những vua chúa về truyện ngắn Việt, nổi tiếng lắm, nhưng vừa leo lên ngưỡng cửa của tiểu thuyết đã khánh kiệt vốn liếng. Tại sao? Vì một cây đàn độc tấu sao có thể trở thành dàn giao hưởng?! Các nhà văn Việt thường bị cùn mòn ở điểm nào? Nói chung vì môi trường hoạt động và nhận thức của các vị bé quá nên không thể tung bay lộng lẫy giữa bầu trời. Cụ thể, nào công lý, bình đẳng, nào tự do, rồi tôn giáo, triết học, thần học… có mấy khi nằm trong mối quan tâm của nhà văn Việt. Và muốn quan tâm thì các vị đã chuẩn bị gì để đón nhận nó. Nhưng điều quan trọng hơn, không chỉ thiếu trình độ về việc đó, các vị còn ngại quan tâm đến nó không khác gì thuyền tôn trong ao rau muống không dám ra đại dương. Vì thế mà các vị chỉ viết loanh quanh chuyện sinh hoạt. Trời ơi làm sao có văn học lớn nếu người ta chỉ loay hoay viết trong tầm mắt của sinh hoạt? Và mấy bài thơ “giải chiếu nhắm rượu” sao có thể cần đến một cặp mắt của hoa tiêu đang bồng bềnh trên đại dương phóng rọi đến chân trời?
Đỉnh cao văn thơ của chúng ta ở mức nào? Có phải trên đỉnh của vài hòn sỏi thơ, mấy truyện ngắn tình tiết yếu, tiểu thuyết thiếu khung giàn lý trí chúng ta chỉ nhìn thấy những nhân vật và đời sống từ dạ dầy và thận trở xuống?! Bởi lẽ theo triết gia Platon, đầu tượng trưng cho trí tuệ và tư tưởng. Tim tượng trưng cho lòng dũng cảm, tình yêu và danh dự. Văn học Việt Nam đã đạt đến tầm danh dự chưa – nghĩa là ngang tim đấy? Đã có một truyện ngắn nào đòi thách đấu về danh dự? Tiểu thuyết càng không? Còn tư tưởng, chắc một nghìn lần không!
Nhìn ra chỗ đứng của mình chính là cách chúng ta chuẩn bị một cuộc xuất phát mới để nhắm đích mà mình chưa từng đến. Có thừa không nếu chúng ta khuyến khích nhau: hãy cố lên hỡi nền văn học chưa làm được kim khâu và bi xe đạp?!
NHĐ 20/09/2013

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: