Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 16 tháng 9, 2013

Trung Quốc đi về đâu? (hết)

“Nếu như tôi có con thì tôi sẽ lo lắng”

Ông K., 42 tuổi, giám đốc, Bắc Kinh: “Ba mươi năm chính sách cải cách đã làm thay đổi đất nước chúng tôi một cách ngẹt thở. Nhưng đó chủ yếu là cải cách kinh tế. Tất nhiên, nhìn theo hướng chính trị thì chúng tôi cũng có tiến bộ. Chúng tôi có thể nhìn thấy điều đó hàng ngày. Nhưng những tiến bộ này quá nhỏ để mà có thể nói về một cải cách. Về phương diện này thì Đảng hành động quá ngần ngừ vì họ lo lắng cho quyền lực của họ. Dưới sự thống trị của họ đã có quá nhiều việc tồi tệ xảy ra, những điều mà ngày nay họ không còn thích nói đến nữa và là những điều mà họ thích nhất là không muốn cho chúng đã xảy ra. Nhưng tới một lúc nào đó thì những việc này cũng sẽ hiện ra, và người ta sẽ phải nói về chúng. Mãi tới lúc đó thì tôi mới hài lòng, Theo ý tôi thì chúng tôi phải đi về hướng dân chủ và hệ thống đa đảng.
Nói chung, trong hệ thống độc đảng Trung Quốc của chúng tôi thì không có sự kiểm soát đảng cầm quyền. Điều đó là đúng và đồng thời cũng sai. Kiểm soát trực tiếp và phê phán Đảng công khai là những điều cấm kỵ, và người ta không nên yêu cầu dân chủ, hệ thống đa đảng và nhân quyền quá to tiếng. Mặc dù vậy, kể từ khi có Internet, người dân có thể thực hiện được một sự kiểm soát nào đó. Ví dụ như có một nhân viên nhà nước ở Nam Kinh đã phát biểu trong một cuộc phỏng vấn về tình trạng của bất động sản. Ông sẽ lo sao cho giá sử dụng đất và giá hộ ở không giảm xuống. Nếu như có những thế lực nào đó cố gắng giảm giá thì ông sẽ biết cách ngăn chận điều đó. Trong cộng đồng Internet có một tiếng thét căm phẫn, vì người ta rất tức giận về giá quá cao của bất động sản. Tất cả đều thống nhất, rằng người đàn ông này không đại diện cho quyền lợi của công chúng, mà chỉ cho quyền lợi của người giàu và chính quyền địa phương. Người ta có thể buộc cho ông điều đó không? Tất nhiên là không, vì có quá nhiều những nhân viên nhà nước như vậy. Nhìn cho kỹ thì người ta phát hiện ra rằng trong lúc phỏng vấn, nhân viên này đeo một cái đồng hồ Rolex và hút thuốc lá Nam King đắt tiền. Một bao có giá 1000 nhân dân tệ, và vì người đàn ông này hút hết điếu này tới điếu khác nên có thể nhanh chóng thấy rõ rằng từ tiền lương của mình thì ông ấy không thể nào chi trả chỉ riêng cho việc hút thuốc lá của ông được, nói chi tới có tiền mua một cái đồng hồ Rolex đắt tiền. Người đàn ông này bị chú ý tới, và càng có nhiều thông tin về ông ấy thì tình hình càng tệ hại hơn cho ông. Cuối cùng ông phải từ chức. Hiện giờ, những cuộc săn lùng như vậy đã trở thành môn thể thao cho nhiều người dùng trên mạng.
Ở chúng tôi thì không phải là giới truyền thông thực hiện một sự kiểm soát nào đó như ở Phương Tây, mà đó là Internet. Điều này khiến cho chính phủ chúng tôi lo âu, và họ cố gắng đè nén sự phê phán, bằng cách viện cớ cố gắng ngăn chận khiêu dâm. Họ đã có thể ghi nhận nhiều thành công đáng kể. Trước đây tôi có thể gọi những trang mạng nhất định nào đó mà trên đó còn có những bài viết thật sự là rất hay. Bây giờ thì không thể nữa. Tất cả đều đã bị chận. Những gì có hại thật sự đến uy tính của Đảng đều bị chận. Tất nhiên là có khả năng để vượt qua, bằng cách ví dụ người Trung Quốc ở ngoài nước xây một trang mạng ở nước ngoài. Nhưng rồi thì không thể truy cập nó được từ trong Trung Quốc. Điều này khiến cho tôi rất không hài lòng, vì một chính sách như vậy kìm hãm cải cách và phát triển. Từ nhiều thập niên nay, Đảng cố giữ cho người dân ngu muội. Họ thích nhất là khi người dân hoàn toàn không suy nghĩ nữa. Nhưng những cố gắng như vậy thỉnh thoảng lại có tác dụng ngược lại. Phần lớn người dân trong Bắc Kinh đều ủng hộ có dân chủ nhiều hơn, mở cửa nhiều hơn và tự do nhiều hơn. Rất đáng tiếc là về phương diện này thì chỉ tiến lên rất chậm.
Đảng hoạch định và quyết định tất cả. Mới đây, một loại thuế nhất định vừa được ban hành. Điều này chỉ được công bố một cách đơn giản, không có thảo luận trước đó trong Quốc Hội. Người dân phải chấp nhận điều đó. Chúng tôi không còn cách nào khác, vì không được phép quên: chính phủ thuộc về Đảng, Trung Quốc cũng thuộc về Đảng. Người ta phải nghe lời Đảng. Tuy vậy, điều này lại được diễn đạt có hơi quá. Vì khi có một ý kiến nhất định xuất hiện, được mọi người ủng hộ, thì Đảng phải đáp lại. Như đã xảy ra  mới đây thôi, khi một nữ nhà báo điều tra bị truy nã qua lệnh bắt giam. Sự phẫn nộ của người dân lớn tới mức lệnh bắt giam này đã được thu hồi lại.
Tôi không bao giờ muốn trở thành đảng viên. Con đường công danh của tôi trong nhà máy cũng tiến triển thuận lợi mà không cần phải là đảng viên. Nhưng rồi người ta đến với tôi và nói rằng: Anh có tài, anh làm việc tốt nhất trong hãng, tại sao anh lại không gia nhập? Tôi nói, tôi không có thời gian để lo về các thủ tục hình thức. Họ nói, chúng tôi làm cho anh. Thế là tôi nói vâng. Bây giờ thì tôi ở trong Đảng và ngay lập tức đã có một bước nhảy vọt thật lớn trên con đường công danh,
Tức là tôi cũng có thể hài lòng với tình cảnh cá nhân của tôi. Khi tôi nghĩ về cha mẹ tôi, những người đã phải chịu đựng chính sách chính trị cực đoan hàng chục năm trời và đã lãng phí mất những năm tốt đẹp nhất của họ, thì tôi chỉ có thể chúc mừng tôi vì đã sinh ra vào cuối những năm 60. Tôi không còn biết gì nhiều về các chiến dịch chính trị nữa. Ngày nay tôi có thu nhập tốt, sở hữu một căn hộ rộng 170 m2 và lái một chiếc ô tô nhanh. Mới trước đây hai mươi năm thì tôi thật không thể tưởng tượng ra được là sẽ có lần tự lái ô tô và có thể sống trong một căn hộ lớn như thế, không có cha mẹ hay cha mẹ vợ mà chỉ riêng với vợ tôi thôi. Khi ý nghĩ mua một chiếc ô tô cho mình đến với tôi lần đầu tiên, tôi cảm thấy chóng mặt vì hồi hộp. Ngày nay thì việc sở hữu một căn hộ và một chiếc ô tô cá nhân không còn gì là đặc biệt nữa. Kinh tế đang bùng nổ. Tôi còn muốn gì nữa chứ? May là tôi không có con. Cảm ơn trời! Nếu như tôi có con thì tôi sẽ lo lắng cho chúng. Tôi cho rằng thế hệ kế tiếp sẽ không có được một tương lai tốt đẹp đâu. Chỉ riêng việc phân bố tài sản không công bằng, vực sâu giữa nghèo và giàu, ô nhiễm môi trường và lão hóa dân số sẽ dẫn đến những vấn đề lớn. Tuy vậy, tôi không tin vào một cuộc cách mạng mới. Thời của những cuộc cách mạng đã qua rồi. Đảng và chínhn phủ có đủ quyền lực để nhanh chóng kiềm chế những cuộc bạo động trong nước và ngăn chận không có chúng lan truyền đi. Khả năng duy nhất của chúng tôi, để cùng tham gia xây dựng trong quá trình cải tạo, là liên tục gây áp lực từ bên trong và từ bên ngoài, để ép buộc Đảng phải đi tới những cải cách khác nữa. Có đủ việc cần phải làm. Ví dụ như con cái của các lãnh tụ cao cấp trong Đảng, “Đảng của các hoàng tử”, có ảnh hưởng lớn tới mức các nhà phê phán nói rằng họ đã phân chia đất nước này ra cho họ. Những người nào đó kiểm soát các lĩnh vực cung cấp năng lượng, những người khác quyết định về các hệ thống giao thông hay nhiều phần của thị trường bất động sản. Những việc như thế là không được phép có, và mặc dù vậy, chúng là hiện thực trong đất nước của chúng tôi. Cũng có thể là điều này cũng thuộc trong nền kinh tế thị trường đặc sắc Trung Quốc.”
Ở châu Âu, sự dân chủ hóa tiến triển với niềm tự tin tăng lên của người dân thành thị. Mao Trạch Đông đã đi vào lịch sử như là một nhà cách mạng thành công, vì ông đã nhận ra rằng khác với ở Nga, một cuộc lật đổ trong xã hội chỉ có thể xuất phát từ người dân ở thôn quê. Những người nông dân, thời đó chiếm hơn tám mươi phần trăm dân số, đã giúp cho phong trào cách mạng chiến thắng. Hiện giờ, thành phần nông dân đã giảm đi rất nhiều, trong khi đô thị hóa lại diễn ra hết sức nhanh chóng. Trên 300 triệu người, phần lớn là từ vùng nông thôn, đã tìm thấy một cuộc sống trong các thành phố mới. Chỉ khi một tầng lớp trung lưu thành thị tự tin thành hình cùng với tỷ lệ người dân ở thành thị tăng lên trên năm mươi phần trăm nhiều – như người ta đang cố gắng để đạt tới – thì một hướng đi tới các phương án tự do hơn mới có thể thắng thế.
Ông P., 57 tuổi, giám đốc của một công ty Đức ở Thượng Hải: “Kinh tế sẽ bắt buộc chính trị tiến hành thay đổi, và dần dần thì rồi cũng sẽ thành hình một cái gì đó giống như tầng lớp trung lưu. Nhưng tôi cũng có thể tưởng tượng được rằng mười năm nữa ĐCS vẫn còn nắm quyền lực và thêm vào đó là vẫn tiếp tục điều hành chính phủ. Nhưng đó sẽ là một đảng khác với ngày nay, cũng như đảng của ngày nay là một đảng khác với trước đây ba mươi năm và ngày nay thì không còn có những lãnh tụ có sức lôi cuốn nắm quyền lực như Mao, Chu và Đặng nữa. Người Trung Quốc chúng tôi đã quen với Chủ nghĩa Trung ương. Chúng tôi chưa từng bao giờ có một cái gì đó khác. Tôi nghĩ, trong tương lai chúng tôi sẽ có một hệ thống tương tự như ở Singapore.”
Chỉ với một ít từ ngữ, một giám đốc ở Thanh Đảo đã diễn đạt được điều mà nhiều người cùng quê  hương với ông cảm nhận: “Chúng tôi không muốn lật đổ và không muốn có một hệ thống mới. Tất cả những gì chúng tôi muốn là sự công bằng.” ./.
Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: