Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

NGÔI NHÀ KHÔNG CÓ MÁY LẠNH ( Tiếp theo.. )

Một chiều phố núi tôi đi cầu lông về. Thói quen này tôi mới học được theo lối “thời thượng” của một tay "trưởng cự" mới nổi. Y vốn là con bạc phất lên nhờ bịp bợm, đỏ đen ở vùng này tập học làm sang. Y mua một miếng đất ngoài trung tâm xã, mở sân đánh cầu lông. Mục đích thể thao chỉ là hình thức bề ngoài. Cái chính tạo bình phong để che mắt chính quyền.

Buổi chiều nào ở đây cũng tụ bạ năm ba người, trong đó có tôi. Tôi thì tôi biết học làm sang là thứ không ra gì và không dễ học. Người ta có thể một đời người đã làm được giàu. Nhưng để sang trọng, quý phái phải mất ba bốn đời mới nổi.
Vả lại tôi đến đây không phải vì câu chuyện đó.
Sang hay hèn như mẹ tôi nói có phận số cả rồi, có có muốn cũng chẳng được.
Tôi đến đây vì lẽ khác.
Ở nhà, trong căn hộ không có máy lạnh, bức bối thời tiết chỉ là chuyện nhỏ. Trai núi, sống miền rừng, nóng lạnh đâu có cái gì đáng phải quan tâm?
Lý do tôi đến chỗ như thế này là để quên đi sự áy náy trong lòng. Không thể làm ngơ đi được khi cách xử sự của bố tôi mỗi ngày mỗi khang khác.

Mới sáng nay thôi, vừa xảy ra chuyện, tôi áy náy vô cùng..
Bố tôi có khách.
Có mấy ông nhà văn nhà báo mãi trên tỉnh đưa hai ông từ Hà Nội lên. Người ta muốn gặp bố tôi để viết bài “ Hậu clip Người anh hùng đặc công” mà bố tôi là một trong số các nhân vật phóng sự truyền hình vừa được giải “Bông sen bạc” này.
Bố tôi có vẻ rất vui. Nom mặt ông rạng rỡ hơn cả ngày thường. Đứng bên ngôi nhà không gắn máy lạnh bên này nhìn sang phía căn nhà cấp bốn ông ở rõ mồn một, vì thế đất cao hơn.
Thấy ông đi ra đi vào, cười nói rộn rạo, bốc máy gọi đi chỗ này, chỗ kia.
Đầu tiên là cậu tôi đến. ( Thường vẫn vậy, cậu là người ông nhớ đến đầu tiên, bất kể chuyện gì ). Sau đấy là mấy ông bạn đồng ngũ người các xã lân cận.
Mọi người xuống khúc suối làm ao gần bàn cờ đá của bố tôi bắt cá, mang nỏ ra bắn gà. Một ông chạy ra chợ mua thêm thức ăn. Hai ông chạy sang nhà không máy lạnh của chúng tôi hỏi chỗ làm bếp.
Rồi đun. Rồi nấu. Rồi bưng lên..
Đến lúc hoàn thành mâm rượu, tôi và vợ tôi mới được gọi đến ngồi vào mâm cho đông đủ cả nhà.
Hình như không ai để ý đến chi tiết là lạ này: Chúng tôi như thể hàng xóm sang chơi chứ không phải con ông vậy?
Nhậu nhẹt chỗ nào chẳng như chỗ nào? Tưng bừng. Bông bốc. Nói cả những chuyện lúc không nhậu sẽ không nói ra.
Một ông Hà Nội có ý quan tâm hỏi bố tôi về chuyện gia đình. Bố tôi làm như vẻ không nghe rõ, hay chuyện này không cần thiết, không quan trọng gì, ông lảng sang chuyện khác:
- Các bạn thông cảm. Chuyện về “lực lượng đặc biệt” của ta thì nhiều. Kể cả đời chưa hết. Có chuyện sống để dạ, chết mang đi. Có những thứ lá quanh đây rất nhiều, bôi vào người chó khôn đến mấy cũng không phát hiện ra được. Những chuyện đấy ngay đến vợ con anh em ruột cũng không dám nói. Chiến tranh kết thúc gần bốn mươi năm rồi, vẫn còn những điều bí mật. Nguyên tắc quân sự là như thế. Nên các anh có hỏi điều gì đó không thể trình bày, cũng xin được thông cảm..
Ông Hà Nội kia cứ há hốc, ông đang hỏi về gia cảnh chúng tôi chứ có tò mò bí mật quân sự gì đâu?
Lúc đó tôi tái mặt, tai như ù đi. Hình như bố tôi cố tình lảng tránh, không muốn nhắc đến chúng tôi.
Thường nhà ai cũng vậy. Có khách tới nhà, vợ chồng con cái đều vui vẻ đón tiếp. Sao bố tôi không đả động gì đến vợ con mình?
Mẹ tôi ngồi chơi bên nhà cô giáo năm xưa là học trò của mình chỉ cách mấy nhà, ông cũng không gọi về.
Thế là làm sao? Bố tôi không muốn phiền, hay ông giận điều gì?

Khách về hết. Bố tôi lại sang căn nhà cấp bốn bên kia đường. Tôi ngồi một mình. Bứt dứt, bức bối, tôi vớ cái vợt và ra đây. Chơi thì chơi chứ không bụng dạ nào để ý đến xung quanh. Tôi liên tục thua. Cho mãi gần nhá nhem tối mới quay về.
Chút nữa thì tôi đâm xầm vào một người..

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: