Tôi gặp và quen ông trong một trại sáng tác.
Ông là nhà phê bình văn học mới nổi lên trong khoảng chục năm trở lại đây. Chỉ cần ngồi cạnh ông, ngắm mái tóc vuốt ngược ra đằng sau như sóng lượn của ông, nghe ông đàm đạo chuyện văn chương, cũng đủ thấy sức hấp dẫn của con người này. Khi tôi gặp ông thì tên tuổi ông đã trở nên quá quen thuộc với bạn đọc trong cả nước. Nghe đâu ông là người không thiên vị với bất cứ ai. Cái gì đáng khen, thì ông khen. Cái gì đáng chê, thì ông chê. Bất kể người đó là ai. Ông lại là người rất có tâm. Thường thì những nhà phê bình nổi tiếng như ông, mỗi khi viết bài về một tác giả nào đó, họ có “thói quen” tìm những tác giả tên tuổi để viết. Ông thì ngược lại. Rất quan tâm đến lớp trẻ. Mỗi bài viết của ông về họ, không những chỉ ra cái được và cái chưa được trong mỗi tác phẩm, mà còn định hướng cho họ, giúp họ có một cái nhìn mới mẻ hơn, lạc quan hơn, khi quyết dấn thân vào con đường văn học. Nhờ vậy mà ông rất được các bạn viết trẻ trên khắp mọi miền đất nước yêu mến. Ai cũng gọi ông là “anh” ngọt xớt, dù năm nay ông đã ngoại lục tuần.
Nhưng đó chưa phải là điều tôi muốn nói về ông!
Lại nghe nói, nhờ tài năng và cái tâm của người “cầm cân nảy mực”, mà khi vợ ông mất, có một cô còn rất trẻ, cứ bám riết ông, để rồi khi ông mãn tang vợ cách đây hơn chục năm, cô này đã…tình nguyện đi tiếp quãng đời còn lại với ông, để “nâng khăn sửa áo”, “cơm ngon canh ngọt” cho ông…
Và đây cũng chưa phải là điều tôi muốn viết về ông!
Tôi nhớ ngày đó, sau khi chia tay ông ở trại viết không lâu, đọc trên một số tờ báo văn nghệ, thấy ông và ai đó cùng viết bài phê bình công kích lẫn nhau ghê lắm! Mỗi lần báo phát hành, hễ thấy tên ông và người đó trên mặt báo là người ta chen chúc nhau mua. Có hôm cả mấy đại lý, hiệu sách, chỗ tôi ở, chỉ
loáng cái là hết sạch báo. Nhưng ngược lại, những lần báo phát hành, không có mục ấy, không có tên hai người, thường là báo rất ế ẩm, ít ai đọc.
Tôi đọc rất kỹ các bài viết của ông và…người đó. Càng đọc, tôi càng nhận ra sự hiểu biết của ông quả là phong phú. Văn học trong nước, ngoài nước, đông tây kim cổ…đều nằm gọn trong…tầm bút của ông. Với một giọng văn chính luận sắc sảo, lúc hào sảng, lúc thâm trầm, ông phân tích, chứng minh một cách khoa học, bài bản, tất cả những gì ông đề cập đến. Lại có lúc ông sử dụng lối văn tùy bút mượt mà, sâu lắng, để làm đẹp thêm, hay thêm bài viết của mình. Qua đó, những tác giả, tác phẩm, mà ông đề cập đến, cũng như được thơm lây, trở nên sống động vô cùng.
Còn người kia, cũng là một tay bút không vừa. Người này, bằng lối phê bình nhẹ nhàng, hấp dẫn, cuốn hút…cũng luôn dành được cảm tình mến yêu của người đọc.
Cứ thế, hai người luôn song hành cùng nhau trên các trang báo. Có những bài viết, họ cùng có chung quan điểm. Nhưng đa số là họ phản bác lại nhau. Có những lúc, những lập luận trái chiều của hai người đã trở nên…bút chiến, làm…nóng bỏng các trang báo, chả khác gì cuộc tranh luận “Nghệ thuật vị nghệ thuật” hay “Nghệ thuật vị nhân sinh” trước đây. Bạn đọc và giới văn chương là những người ở giữa, thường đưa ra chính kiến của mình qua mỗi cuộc tranh luận, nhưng kết quả thường là năm mươi trên năm mươi, vì thực ra, cả hai người, ai cũng có tình có lý…
Cuộc…bút chiến giữa ông và…người đó, không chỉ làm nóng bỏng các trang báo, mà còn làm…sôi động các tòa soạn báo chí văn chương. Ở đâu cũng thấy người ta bàn tán. Quả là một hiện tượng văn chương độc đáo! Rồi người ta đưa ra những bình phẩm về hai người. Khen người này một tý. Chê người kia một tý. Tuy nhiên, có một điều mà tôi và mọi người ai cũng thắc mắc, ai cũng muốn biết, đó là một trong hai người tranh luận là ai? Ông thì không những tôi, mà mọi người đều đã biết. Vì ông đã quá nổi tiếng rồi. Còn người kia, đối thủ rất đáng gờm của ông là ai, ở đâu? Chẳng một ai biết một cách chính xác về người thứ hai này. Mấy nhân viên tòa soạn thì đưa ra đủ thứ tin…vỉa hè. Người thì bảo đó là nhà phê bình văn học Trần Đồng nhưng lấy bút danh khác. Người thì nói đó là một nhà văn gốc Việt nhưng hiện đang định cư ở Hoa Kỳ. Còn cô thư ký tòa soạn, không biết thu thập từ đâu, mà khẳng định như đinh đóng cột rằng, người ấy không ai khác mà chính là…nhà thơ Trần Đăng Khoa…Rút cục, đâu lại hoàn đấy, chẳng có gì làm bằng chứng. Tôi cứ tiếc ngày gặp ông ở trại viết đã không xin số điện thoại của ông để hỏi xem sao. Rồi mọi người lại hỏi nhau, không biết ông và người ấy có biết nhau không? Đã bao giờ gặp nhau chưa? Rồi họ cùng bảo, trên báo mà tranh luận chả khác gì đập vào mặt nhau như thế, sao lại gặp nhau ở ngoài đời được. Gặp nhau có mà chửi nhau ấy à? Có người còn nói, hai người ấy mà gặp nhau thì chỉ có mà vác dao, vác rựa chém nhau mới hả giận.
Rồi mọi chuyện lại chìm vào im lặng.
Trong khi đó thì những cuộc tranh luận giữa hai nhà phê bình văn học vẫn tiếp diễn. Xem ra, càng về sau càng nảy lửa, càng khốc liệt hơn trước rất nhiều. Còn gốc gác, tung tích của một trong hai nhà phê bình thì vẫn bặt vô âm tín…
Mãi sau này khi có dịp vào công tác ở quê ông, tôi tìm gặp được ông thì mới sáng tỏ mọi chuyện.
Trong câu chuyện với tôi, ông cứ túc tắc, nhẩn nha, làm tôi sốt hết cả ruột. Ông nói rằng, đối thủ của ông là một phụ nữ, còn rất trẻ. Nhưng là một tài năng trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học. Cô hiện ở rất gần ông. Không những rất gần, mà…nói đến đây, ông dừng lại, vuốt vuốt mái tóc ra đằng sau, rồi mới nói tiếp, không những rất gần, mà…cô ấy còn ở cùng ông một nhà, ăn cùng ông một mâm, ngủ cùng ông một giường.
Thì ra, đối thủ nặng ký của ông không phải ai khác mà chính là cô gái trẻ trung, xinh đẹp ngày nào từng “tình nguyện” đi theo ông, để “nâng khăn sửa áo” cho ông từ bấy đến giờ.
Nguyễn Ngọc Chiến
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét