Thành công của ba mươi năm chính sách cải cách và mở cửa đã làm cho không những nước ngoài mà còn cả người Trung Quốc ngạc nhiên nữa. Đặng Tiểu Bình đã đưa cho họ sự tự do phát triển về kinh tế, và người ta đã sử dụng khả năng đó. Nhưng bây giờ thì tiếp tục như thế nào?
Ông T., 34 tuổi, kỹ sư, Bắc Kinh: “Tôi cảm nhận sự không chắc chắn về tương lai của chúng tôi như là một vấn đề lớn. Không ai biết đất nước của chúng tôi sẽ phát triển theo đường hướng nào. Tuy là chúng tôi có thể hài lòng với cuộc sống hiện nay của chúng tôi. Nhưng xin đừng quên rằng: Tất cả người Trung Quốc chúng tôi đều có một cái đầu riêng. Chúng tôi muốn có kế hoạch cho tương lai của chúng tôi, chúng tôi muốn biết chúng tôi sẽ gặp những gì, đặc biệt là chúng tôi, những người trẻ hơn, những người vừa mới quá ba mươi tuổi. Có thể nói là chúng tôi đứng giữa các thế hệ: đứng trên chúng tôi là cha mẹ của chúng tôi, dưới chúng tôi là con cái của chúng tôi. Chúng tôi gánh vác trách nhiệm. Chúng tôi phải lo cho cả người già lẫn người trẻ. Vì vậy mà chỉ là điều tất nhiên khi chúng tôi quan tâm tới sự ổn định và muốn biết rằng những gì sẽ chờ đợi chúng tôi trong tương lai. Sẽ có cải cách chính trị không? Hệ thống chính trị của Trung Quốc sẽ thay đổi hay không? Nhưng chính phủ và Đảng chỉ nhìn tới tình hình hiện tại và không có thời gian để nghĩ về tương lai.
Các cải cách kinh tế là một thành công. Nền kinh tế của chúng tôi đã phát triển một cách gương mẫu. Điều này được cả thế giới công nhận. Trung Quốc đã có thêm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Đất nước của chúng tôi lại có tiếng nói. Cùng với nền kinh tế, các điều kiện sống của chúng tôi cũng đã tốt lên thấy rõ. Và mặc dù vậy, chúng tôi vẫn quan tâm tới câu hỏi: Trung Quốc đi về đâu? Không ai biết điều đó. Ngay Đảng và chính phủ cũng không biết. Họ không có kế hoạch lẫn viễn tưởng. Điều này tất nhiên là gây lo sợ ở nước ngoài. Trung Quốc, gã khổng lồ đó, là không thể đánh giá được. Trong khi đó thì chúng tôi có đủ người có học thức, có thể giúp đỡ những người đang cầm quyền bằng cách tư vấn không tư lợi. Nhưng các lãnh tụ của chúng tôi thì chỉ nghĩ về mình thôi. Họ sợ mất quyền lực và muốn tự quyết định lấy tất cả. Nhưng làm sao mà họ có thể quyết định một mình và dẫn đất nước chúng tôi đi theo một đường hướng đúng đắn được? Làm sao mà họ có thể mang lại cho chúng tôi một tương lai tốt đẹp khi họ không cho chúng tôi cùng suy nghĩ? Chúng tôi buộc phải bất động về tư tưởng. Điều này gây nên một sự bất an lớn và nguy hiểm cho đất nước của chúng tôi. Giống như chúng tôi đang sống ở lúc tranh tối tranh sáng, chỉ là chúng tôi tự hỏi, liệu đó là một bình minh hay là hoàng hôn.”
Sau những thành công về kinh tế, nhiều người đang chờ đợi cuối cùng rồi cũng có cải cách chính trị, những cái dẫn tới ít giám hộ hơn và có quyền cùng quyết định nhiều hơn. Nhưng các lãnh tụ Đảng đang ngần ngừ. Cải cách chính trị có thể gây nguy hại tới cho yêu cầu nắm quyền lực của họ, và vì vậy mà họ lại còn siết chặt dây cương hơn và trở nên không khoan nhượng trước bất cứ một sự phê phán nào. Đặng Tiểu Bình chỉ dựa trên sự phát triển kinh tế và đã yêu cầu hãy để cho quá khứ yên và nhìn tới phía trước. Người Trung Quốc đã làm như vậy. Họ đã đấu tranh cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, và thành công đã để cho họ trở nên tự tin hơn và có yêu cầu cao hơn. Nhiều người yêu cầu có một nếp văn hóa trong chính trị, cái cho phép họ tham gia vào trong giải pháp cho những câu hỏi và vấn đề của xã hội, và cả vào trong thảo luận về quá khứ nữa. Từ chối sự tự do chính trị này đã dẫn tới một mâu thuẫn và tới một cuộc khủng hoảng niềm tin giữa Đảng và nhân dân.
Về tính chính danh của quyền lực
Ông W. gần ba mươi tuổi khi ông sang Đức như là nhân viên của một công ty liên doanh Đức – Trung Quốc. Chỉ không lâu sau đó, ông trở thành nhà kinh doanh độc lập và thành lập công ty riêng của mình. Ông kinh doanh hết sức thành công hai mươi năm liền. Bây giờ ông đã trở về Trung Quốc cùng với gia đình. Ông mua một ngôi biệt thự ở một vùng ngoại ô sang trọng của Bắc Kinh và để cho những nhà cung cấp trang thiết bị nội thất sang trọng của Đức tư vấn cho đồ đạc trong nhà. Kết quả: sự sang trọng kín đáo của miền Bắc Đức đi cùng với ý thích những gì đắt tiền nhất.
Ông W. hài lòng với cuộc đời của ông. Mục đích của ông là về hưu lúc năm mươi tuổi, để rồi chỉ còn làm những gì mà ông thích. Bây giờ thì ông có thể bắt đầu với việc mà trong giới bạn bè của ông thì không có gì là bất thường cả. Ở đó có nhiều ví dụ cho việc kinh doanh thành công như vậy.
Gia đình thích trở về Bắc Kinh. Đó là quê của họ, họ hàng và bạn bè thân thuộc sống ở đó. Mặc dù vậy, gia đình không hoàn toàn từ bỏ nước Đức. Những người Trung Quốc nào có khả năng đều muốn cho chắc ăn và đều giữ lại một nơi cư trú ở nước ngoài.
“Đối với tôi, hệ thống chính trị là vấn đề lớn nhất trong đất nước này”, ông W. nói. “Chính phủ của chúng tôi biết rất rõ, rằng họ phải thay đổi hệ thống chính trị. Họ chỉ không biết là họ cần phải làm điều đó như thế nào mà vẫn giữ được sự ổn định và trật tự của xã hội, và vẫn không bị mất quyền lực. Một hệ thống chỉ hoạt động được cho tới chừng nào mà những người cầm quyền được người dân chấp nhận. Tôi nghĩ là có thể trở nên gay go vào khoảng năm 2020. Thời trước, Đặng Tiểu Bình đã được chấp nhận như là lãnh tụ. Ông đã tìm ra được con đường đúng đắn. Ai cũng nhìn thấy thành công của ông. Sau cái chết của ông, một vài người đã lo ngại sẽ có những cuộc nổi dậy trong nước hay tranh giành quyền lực ở Bắc Kinh. Nhưng điều đó đã không xảy ra vì Giang Trạch Dân được Đặng bổ nhiệm, và mặc dù Giang tương đối không có gì đặc sắc cả, và người ta không biết họ phải nghĩ về ông ta như thế nào, ông vẫn còn có tính chính danh bởi Đặng Tiểu Bình. Cũng y như vậy với Hồ Cẩm Đào. Ông cũng được Đặng Tiểu Bình quyết định và vì vậy mà có tính chính danh. Nhưng điều gì xảy ra sau nhiệm kỳ thứ hai của ông ấy? Người ta có hỏi con người mới đó rằng điều gì cho phép ông nắm lấy quyền lực? Ngay từ ngày nay là đã có những vùng đất riêng lẻ không còn tuân theo trung ương nữa. Thêm vào đó, con cái của các lãnh tụ Cộng sản cũ, “Đảng của các hoàng tử”, cũng chen lấn tới quyền lực. Trong đó cũng có một vài người cũng có khả năng, nhưng điều đó không giúp ích được gì nhiều cho họ, vì người dân không thích họ, vì họ nghĩ rằng các “hoàng tử” đó chỉ nhờ vào quan hệ của họ mà có được quyền lực. Rồi thì là ai? Ai có được tính chính danh? Theo ý tôi thì đó là một vấn đề lớn.”
Một ý kiến phổ biến khác là Đảng Cộng sản phản ứng không khoan dung với phê bình và cố gắng kìm hãm nó ngay lập tức bởi vì họ đang ở trong thế yếu.
Ông G., 53, luật sư, Bắc Kinh: “Các lãnh đạo Đảng ngày nay cứ đùn đẩy vấn đề cải cách chính trị vào tương lai, vì họ không có khả năng giải quyết nó. Họ quá yếu. Mãi thế hệ lãnh đạo Đảng tới đây mới có thể có khả năng. Vì cho tới chừng đó thì áp lực sẽ cao cho tới mức mà họ phải hành động.”
Áp lực xuất phát từ những vấn đề ngày càng chồng chất lên nhau, những vấn đề mà người dân phàn nàn về chúng. Đứng ở vị trí đầu tiên là tham nhũng, cái đã trở thành một hiện tượng phổ biến rộng khắp, giống như một khối u đã lan ra khắp một thân thể. Người ta cần một loại thuốc mạnh để chữa lành cho cơ thể. Trong quá khứ, một loại thuốc như vậy bao gồm bạo loạn và nổi dậy. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng những người đã đạt tới một mức sống cao, sở hữu một căn hộ riêng và một chiếc ô tô, không còn tham gia tích cực nữa. Họ có quá nhiều thứ để mất. Có khả năng nhiều hơn là họ theo truyền thống Trung Quốc cũ, chờ một lãnh tụ chính trị khôn khéo, giải quyết các vấn đề cho họ. Theo cách nhìn này thì tư tưởng hoàng đế xưa cũ vẫn còn bắt rễ sâu xa.
Ông Q., 82 tuổi, đảng viên lão thành, Thượng Hải: “Hoặc là chính phủ trung ương giải quyết thành công các vấn đề lớn nhất trong những năm tới đây và đặc biệt là khống chế được tham nhũng, hoặc là mười năm tới chúng tôi sẽ trải qua một cuộc cách mạng mới. Nhưng cuộc cách mạng này sẽ diễn ra mà không đổ máu, và nó cũng không do người nông dân tiến hành như năm 1949, mà là từ cư dân thành thị.”
Giới lãnh đạo chính trị ngày nay cố làm sống lại các tư tưởng của Khổng Tử và cố gắn chặt chúng vào trong xã hội. Đặc biệt cần phải được duy trì là các đức tính cũ tuân lời, kiên nhẫn và cần kiệm. Các hoàng đế đã cai trị hơn hai ngàn năm theo hệ thống thứ bậc cũ này, cái yêu cầu người cấp dưới đúng những đức tính đó, nhưng trước hết là tuân lời. Người ta có cần phải làm sống lại hệ thống xưa cũ này không? Nhiều người chống lại điều này, vì các vấn đề hiện đại của xã hội Trung Quốc hầu như không thể được giải quyết với chúng.
Những người hưởng lợi trên trung bình từ những cuộc cải cách kinh tế muốn giữ nguyên hiện trạng. Họ muốn có sự ổn định và không muốn có thí nghiệm tiếp theo với những cải cách nhiều rủi ro. Nhưng vẫn có đủ người trẻ tuổi, những người chưa đạt được gì nhiều và bồn chồn gọi to đòi thay đổi. Họ phê phán trong Internet các mặt trái của những cuộc cải cách kinh tế, phát hiện ra những vụ tham nhũng và phê phán công khai những điều bất công. Hoạt động của họ ngay bây giờ đã mang lại những kết quả tốt rồi. Có những nhân viên tham nhũng nào đó đã rơi vào trong tầm ngắm của cộng đồng Internet tỉnh táo và đã bị bắt. Vì vậy mà nhiều người trong Trung Quốc hiện giờ đã xem Internet như là một hình thức cơ quan kiểm soát và là bước đầu tiên đi tới một sự cùng tham gia dân chủ.
Trong Internet, phát biểu phê phán của các nhân vật có nhiều ảnh hưởng cũng lan truyền đi ngày càng nhiều hơn, ví dụ như phê phán của cựu thành viên Bộ Chính trị Bành Chân. Ngày nay cũng như trước đây, câu hỏi đã được ông đặt ra vào thời trước vẫn kích động những cuộc thảo luận gay gắt: Ai có quyền lực nhiều hơn, luật lệ hay là Đảng? Cả những phát biểu được lan truyền đi trong Internet của Ngô Quang Chính, cựu bí thư của Ủy ban Nội chính Trung ương, cũng gây xôn xao. Ông nhắc lại yêu cầu của một vài đảng viên, hãy công khai tài sản của các quan chức. Cho tới nay, yêu cầu này không được chấp nhận, vì tài sản của các quan chức tất cả đều nhiều hơn là có thể có được với tiền lương của họ. Thế tức là tất cả những tài sản đó từ đâu tới? Cho tới chừng nào mà câu hỏi này không được trả lời thì đất nước không thể khỏe mạnh trở lại được.
(Còn tiếp)
Yu-Chien Kuan (Quan Ngu Khiêm)
Phan Ba dịch
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét