Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 17 tháng 9, 2013

Gian Nan Giải Oan Cho Nhà Mạc !

MẠC VĂN TRANG 
Nguồn : vietvanmoi.com
Gần đây tôi có nhận được email của mấy bạn, già có, trẻ có, cả ở trong nước lẫn ngoài nước, phàn nàn, thắc mắc về việc: Các nhà sử học đã có những kết luận đánh giá mới, tích cực về vương triều Mạc, nhưng tại sao trên sách, báo, phim ảnh, cũng như trong xã hội vẫn còn nhiều phát ngôn y như sách cũ của các sử gia thời Lê – Trịnh kết tội nhà Mạc? Có bạn còn bức xúc trách Hội đồng Mạc tộc VN sao không làm “quyết liệt” để thay đổi nhận thức xã hội về nhà Mạc!... con cháu Mạc tộc, đã mang những ẩn ức oan sai của tổ tiên bao đời, nên nay ai chạm đến là đau lắm, ức lắm. Tôi nhớ có lần đêm khuya, GS Phan Đăng Nhật còn gọi điện cho tôi, báo cho biết có bài đăng trên tờ báo nọ, nói oan sai, bôi đen hoàn toàn vua Mạc Mậu Hợp. Hôm sau Cụ lại gọi điện bảo đêm qua không ngủ được, ngồi viết bài minh oan cho đức vua. Rồi Cụ gọi tôi đến, trao đổi từng luận điểm để bác bỏ những lời kết tôi quy chụp của tác giả kia. Có luận điểm rồi, Cụ phải lục tìm luận cứ, luận chứng trong bao nhiêu tài liệu, mấy ngày liền để viết một bài thật khách quan, khoa học, thuyết phục tác giả và Ban biên tập tờ báo nọ. Sau khi đăng bài lên trangmactoc.com rồi, Cụ viết thư, gửi bài cho tờ báo kia vời lời lẽ hết sức bình tĩnh, đầy đủ lý, tính… Nhưng phía kia cứ bặt vô âm tín!
Phan Đăng Thuận cũng một lần “đỏ mặt tía tai” phản ứng một bài viết của GS nọ, có đoạn chép y nguyên sử cũ lên án nhà Mạc. Thế mà lúc viết phản biện lại, phải là “Xin có đôi lời thưa với GS…”. Bài đăng báo và gửi cho GS nọ, ông “chả thèm chấp”. Đến khi GS Phan Đăng Nhật gặp GS kia trong cuộc họp, lúc thân tình bảo: Sao ông lại viết thế? Cụ kia nói: Học trò nó viết, tôi chả kịp xem!
TS Hoàng Lê, khi làm Trưởng ban Liên lạc họ Mạc Hà Nội, có giao cho tôi gặp những nhà viết sử trong sách giáo khoa phổ thông để trao đổi với họ. Tôi không phải nhà sử học, nên đã phô tô các bài viết về nhà Mạc trong các sách giáo khoa phổ thông, đưa cho TS Hoàng Lê để tự ông chữa mực đỏ vào các tài liệu đó. Tôi đã trao tài liệu trên cho PGS Nghiêm Đình Vì, Trưởng ban và TS Nguyễn Anh Dũng, Thư ký Ban biên soạn môn Lịch sử trong sách giáo khoa phổ thông. Vậy mà vẫn chưa cải thiện được bao nhiêu!
Cũng có những tác giả như ông Lê Mai, khi chúng tôi phát hiên, gửi bài phê bình ông đã viết sai về nhà Mạc, đăng trên blog… Ông đã viết thư xin lỗi, gỡ bài và đăng lời xin lỗi trên blog của ông. Rất tiếc, những người có được cách hành xử như ông Lê Mai còn rất hiếm trong xã hội ta!
Chúng ta biết, từ 1985 đến nay đã có 5 – 6 cuộc hội thảo về nhà Mạc, xuất bản hàng chục cuốn sách mới về nhà Mạc, hàng chục phim tài liệu, ba luận án Tiến sĩ, 05 luận văn Thạc sĩ, hàng trăm bài báo công bố những nghiên cứu mới, đánh giá lại vương triều Mạc… Một Khu tưởng niệm Vương triều Mạc đã được nhà nước đầu tư xây dựng tại Dương Kinh với bao hoạt động lễ hội tưng bừng… Vậy mà nhiều nhà nghiên cứu, nhà viết sácraatsnhaf làm phim, giáo viên giảng dạy môn Sử vẫn cứ như chưa hề biết gì đến các sự kiện đó!? Như vậy còn nói gì đến toàn dân, đã trải qua bao thế hệ, suốt mấy trăm năm với bao thiên kiến về nhà Mạc!
Trong hai lần gần đây gặp GS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, GS đều nói với chúng tôi: Không thể chấp nhận sách giáo khoa viết về nhà Mạc như vậy được, nhà Mạc trị vì ở Thăng Long suốt 65 năm, có nhiều đóng góp cho lịch sử nước nhà, phải được đối xử công bằng như các vương triều khác… Sắp tới đây, khi viết bộ Quốc Sử 25 tập, thì nhà Mạc sẽ có riêng một tập…
Nói vắn tắt những điều trên để chia sẻ với bà con ta rằng: Việc chiêu tuyết cho tổ tiên, lấy lại “công minh lịch sử, công bằng xã hội” cho nhà Mạc (GS Văn Tạo) bằng con đường khoa học, chính thống, là cơ bản, nhưng không hề đơn giản. Phải có thời gian và nhiều tâm sức, công phu lắm.
Nhưng còn một con đường khác, hết sức linh hoạt, hiệu quả là mỗi con cháu Mạc tộc phải là một “tuyên truyền viên”. Bất kỳ thành viên Mạc tộc nào, có tâm lòng với dòng tộc mình đều cần biết tuyên truyền để những người xung quanh hiểu đúng về họ Mạc, nhà Mạc.
Tôi nhớ có lần đi khám bệnh. Ông GS bác sĩ trong phòng khám, cầm quyển y bạ của tôi lên, đọc tên và dừng lại nhìn, hỏi: Ông họ Mạc à? Này tôi nghe các cụ nói hình như họ Hoàng của tôi cũng gốc Mạc đấy. Tôi nói: Vậy thì đúng rồi, GS Hoàng Tụy ở Quảng Nam cháu cụ Hoàng Diệu, họ Hoàng ở Thanh Hóa, Hải Phòng, Mê Linh Hà Nội… nhiều lắm, nhận họ Mạc rồi. Còn dòng dõi cụ Hoàng Công Chất nữa, lớn lắm… Bây giờ có hơn 50 họ khác tìm về gốc Mạc rồi. Cộng đồng Mạc tộc bây giờ lớn mạnh lắm. Ông bác sĩ này cứ ngớ người ra nghe, rồi hỏi: thế làm thế nào để xác minh và xin gia nhập họ? Tôi lại kể kinh nghiệm một số người “vấn tổ, tầm tông” ra sao. Còn khi đã tự tìm hiểu, tin rồi thì gia nhập Ban liên lạc hay Hội đồng Mạc tộc, sinh hoạt ra sao… Bác sĩ và bệnh nhân cứ mải say sưa chuyên họ hàng, chẳng còn biết trời đất gì nữa. Mãi khi cô nhân viên gõ cửa, rồi mở hé cửa nói vào: Thầy ơi, ca này khám lâu quá, bao nhiêu người đợi!... GS bác sĩ “sẵng giọng”: Ông này lắm bệnh, phải khám lâu, thắc mắc gì! Rồi ông ra hiệu cho tôi nằm xuống và khám khẩn cấp!
Lại mới đây, tôi đi cùng ô tô với nhà văn Hoàng Minh Tường và nhà văn Trần Nhương về Hải Dương thăm ông bạn Nguyễn Văn Diệp - nhà thơ kiêm nuôi ong mật. Dọc đường, Hoàng Minh Tường kể chuyện mới đi Trường Sa về; Trần Nhương kể mới đi Cao Bằng về… Nhân đó tôi nói: Này nhà Mạc “các cụ nhà tôi” từ 1593 chuyển kinh đô lên Cao Bằng, cai quản cả vùng biên cương hơn 80 năm mà không để mất một tấc đất nào, không một quân lính phương Bắc nào xâm lấn qua biên giới đâu nhé. Ải Nam quan, thác Bản Giốc … nguyên vẹn hết đấy nhé. Thế là câu chuyên xoay sang nhà Mạc. Rồi tôi bảo: họ Hoàng của ông Tường khéo cũng gốc Mạc đấy! Hoàng Minh Tường giật mình bảo: Có lẽ thật bác ạ. Em cũng có nghe các cụ nói…
Thế rồi lúc đến nhà ông Diệp, nhà văn Trần Nhương quay video clip, vừa quay anh vừa thuyết minh: đây là PGS Mạc Văn Trang, hậu duệ nhà Mạc, không ngờ vương triều Mạc có lịch sử rất ghê gớm, đáng nể, hơn 80 năm cai quản Cao Bằng… Và hôm sau video clip của anh được đưa lên mạng…
Tôi kể lại những chuyện này để thấy bà con ta ở mọi lúc, mọi nơi đều có thể và cần “tuyên truyền” về họ ta, nhà Mạc ta được.
Tại sao ta cần “tuyên truyền”? Thì chính ở đầu bài đã nói: Mấy trăm năm người ta hiểu sai, viết sai, nói sai về họ Mạc, vương triều Mạc… nên phải nói lại cho rõ, cho đúng, khách quan, trung thực. Tuyên truyền không phải là tô vẽ, nói lấy hay, nói lấy được, nói sai sự thật!…
Muốn “làm công tác tuyên truyền” được thì:
- Bản thân phải tìm hiểu lịch sử họ ta, những nghiên cứu mới về nhà Mạc. Việc này không khó nếu chịu khó đọc mạctoc.com và những tài liệu đã phát hành mới đây về nhà Mạc. Ta có hiểu biết đúng, có tự tin, lời nói mới có cơ sở để người khác tin. Đôi khi còn phải tranh luận, trao đổi thuyết phục nữa…
- Phải có nhiệt huyết: tình yêu đối với tổ tiên, dòng tộc, tha thiết muốn rửa nỗi oan khuất cho tổ tiên, dòng họ và chính bản thân mình. Thái độ tình cảm của ta sẽ cảm hóa người nghe. GS Văn Tạo có lần tâm sự: "Tôi thương nhà Mạc, họ Mạc đến phát khóc lên"... GS là người ngoài mà còn thế, vậy sao mình là con cháu nhà Mạc lại có thể vô cảm với nỗi đau của tổ tiên và dòng tôc?
- Tuyên truyền phải hợp người, hợp cảnh, hợp lý, hợp tình mới kết quả. Đặc biệt không thể chủ quan áp đặt ý kiến của mình cho người nghe. Đôi khi phải nhượng bộ, chờ đợi vậy!
- Hãy tuyên truyền trong con cháu Mạc tộc nhà mình trước hết, vì nhiều người con cháu Mạc tộc vẫn thờ ơ, chưa có hiểu biết mới, thái độ mới thì làm sao có tình cảm, trách nhiệm để mà tự tin, mà tuyên truyền cho người khác!
- Còn nhiều cách tuyên truyền khác nữa, như làm thơ, viết sách, làm phim ảnh, tổ chức tham quan di tích, giỗ chạp, lễ hội v. v…
Trên đây là mấy lời chia sẻ tâm tình về một vấn đề rất bức xúc, nhạy cảm, tế nhị để mong bà con ta cùng bàn bạc cho ý kiến, mong góp phần làm cho anh em, con cháu ta và mọi người có nhận thức đúng, thái độ đúng, hành xử đúng với họ Mạc hiện nay và nhà Mạc trong lịch sử dân tộc.

Hà Nội, 02/12/2012

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: