Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 23 tháng 9, 2013

« Khách sạn nhà tù » năm sao đang đợi Bạc Hy Lai



 
Chính khách thất sủng Bạc Hy Lai có nhiều hy vọng được ở trong một nhà tù thoải mái như khách sạn, dành riêng cho các chính khách cao cấp của chế độ. Tại đây, ông Bạc có thể được hưởng các chính sách ưu đãi, nhưng bị các nhân viên an ninh theo dõi thường xuyên, theo như lời kể của các cựu tù nhân.

Nằm khuất trong các khu đồi rậm rạp phía bắc Bắc Kinh, các lính gác đứng canh trước cánh cổng màu đỏ của nhà tù Tần Thành (Qincheng), nơi mà nhân vật lừng lẫy một thời là Bạc Hy Lai có thể đầy hy vọng bắt đầu thi hành bản án chung thân vừa được tuyên hôm nay 22/09/2013 vì các tội danh tham nhũng, biển thủ và lạm dụng quyền lực.

Trại giam này được bao bọc bằng những bức tường cao màu xám, nhưng không có các dấu hiệu quen thuộc của chốn lao tù như rào kẽm gai hay tháp canh.

« Nó trông giống như một khách sạn năm sao ». Ông Bào Đồng (Bao Tong), cựu giám đốc văn phòng cải cách thuộc Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc mô tả như trên. Ông từng bị giam cầm bảy năm, vì đã phản đối việc đàn áp đẫm máu phong trào sinh viên đòi dân chủ ở Thiên An Môn năm 1989.


Tần Thành đón nhận hầu như tất cả các quan chức cao cấp của Trung Quốc phải vào tù từ thập niên 60. Họ được dành cho phòng giam riêng rộng rãi, trang bị giường nằm êm ái, ghế sofa, bàn giấy và phòng tắm.

Bà Đới Tình (Dai Qing), con gái nuôi của tướng Diệp Kiếm Anh (Ye Jianying) nói : « Tôi đã có được ngạc nhiên thú vị khi lần đầu tiên nhìn thấy phòng giam dành cho mình ». Từng trải qua 10 tháng tại nhà tù này vì ủng hộ những người biểu tình ở Thiên An Môn, bà cho biết phòng giam của bà rộng khoảng 20 mét vuông, trần nhà cao thoáng đãng và có cả nhà tắm. Các quản giáo r ất quan tâm, đối xử ân cần với bà.

Nhớ lại lúc bà được phép ra ngoài để thăm một người thân đang bị bệnh, Đới Tình kể lại : « Giám đốc trại giam để cho tôi được mặc bộ trang phục đẹp nhất trước khi đi. Ông ấy làm tôi nhớ đến hiệu trưởng trường cũ của tôi ». 

Tù nhân ở đây được chọn lựa quần áo, uống sữa trong bữa điểm tâm và dùng những món súp hay thịt thà trong bữa trưa và bữa tối theo ý thích. Theo một bài báo mới đây trên tờ Beijing Times, thì một số đầu bếp của trại đã từng làm việc tại một trong những khách sạn sang trọng bậc nhất Bắc Kinh, và nấu nướng những món ăn « theo tiêu chuẩn bộ trưởng ».

Các thông tin về trại giam Tần Thành, một nơi chốn không hề hiện diện trên bất kỳ bản đồ nào của Trung Quốc, được kiểm soát nghiêm ngặt tại Trung Quốc, nhưng một loạt các bài báo gần đây đã đề cập đến.

Báo chí Hồng Kông nói rằng nguyên Bí thư Thành ủy Thượng Hải Trần Lương Vũ (Chen Liangyu) bị tù năm 2008 vì nhận hối lộ, thường mặc đồ com-lê kiểu Tây phương và tập Thái cực quyền trong thời gian ở tù. Còn theo tạp chí uy tín Tài Kinh, thì năm ngoái Tần Thành đã được mở rộng : một bức tường cũ đã bị dời đi để dành chỗ cho một gian vườn cảnh Trung Hoa với những căn lều và cây cỏ.

Những miêu tả trên đây tương phản rõ rệt với các nhà tù bình thường ở Trung Quốc, nơi các tù nhân chen chúc trong những phòng giam chật hẹp, được cho ăn những món đơn giản và phải lao động, đôi khi phải sản xuất hàng xuất khẩu.

Trần Trạch Minh (Chen Zeming), một giáo sư đại học bị kỷ luật vì đã giúp đỡ tổ chức các cuộc biểu tình ở Thiên An Môn, và trải qua nhiều tháng trong nhà tù này nhận xét : « Tần Thành đối xử tốt nhất, hơn bất kỳ nhà tù nào khác tại Trung Quốc ». 

« Bè lũ bốn tên » trong đó có vợ thứ tư của Mao Trạch Đông là Giang Thanh cũng được gởi đến đây sau phiên tòa nổi tiếng năm 1981. Theo Trần Trạch Minh, thì ban quản trị nhà tù biệt đãi các khuôn mặt lãnh đạo cao cấp của Đảng, khác hẳn với các nhà hoạt động trong vụ Thiên An Môn. Ông cho biết : « Vài tù nhân còn được phép ra ngoài để trồng rau, sau đó tôi mới biết một trong số họ chính là Diêu Văn Nguyên (Yao Wenyuan) » - một nhân vật thuộc « Bè lũ bốn tên ».

Được xây dựng vào cuối thập niên 50 với sự trợ giúp của Liên Xô cũ, Tần Thành là trại giam duy nhất tại Trung Quốc do cơ quan an ninh trực tiếp quản lý, chứ không phải do bộ phận phụ trách thi hành án điều hành. Ông Bào Đồng nói : « Tần Thành được Trung ương Đảng kiểm soát trực tiếp, tình trạng mỗi ngày của các tù nhân được báo cáo trực tiếp cho trung ương ». 

Bào Đồng cho biết, các nhân viên an ninh túc trực trước phòng giam và mỗi giờ đều ghi chép lại nhất cử nhất động của ông. Còn Đới Tình viết là bị giám sát thường xuyên.

Các cựu tù nhân đều khẳng định, địa vị của Bạc Hy Lai – là con của một trong những nhà cách mạng lão thành nổi tiếng nhất, thường gọi là Bát đại nguyên lão, và việc ông Bạc tiếp tục được nhiều lãnh đạo Đảng ủng hộ, sẽ giúp ông được tiện nghi trong tù.

Giáo sư Trần Trạch Minh nói : « Bạc Hy Lai sẽ không bị bạc đãi…ông ấy sẽ có được một thời kỳ dài được hít thở không khí bên ngoài, và được liên lạc với những người khác ».Ông Bào Đồng nói thêm : « Nếu Bạc Hy Lai muốn thứ gì đó, và nếu Trung ương Đảng đồng ý, thì ông ấy sẽ có được. Nếu ông Bạc muốn nhảy múa cả ngày, và Đảng cho phép, thì ông ấy tha hồ nhảy múa suốt ngày ». 

Theo các bài viết không bao giờ được chính thức công nhận, thì các quan chức cao cấp bị giam ở Tần Thành thường được trả tự do nhiều năm trước khi mãn hạn tù, vì lý do sức khỏe, và sau đó bị quản thúc tại gia. Ông Bào Đồng tiên đoán : « Sau hai năm, họ sẽ nói là Bạc Hy Lai bị bệnh rồi thả ông ấy ra, và ông Bạc sẽ sống cạnh một chiếc hồ hay gần bờ biển chẳng hạn».

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: