Nguyễn Đình Thi – Ảnh: Nguyễn Đình ToánNTT: Nguyễn Đình Thi là một nhân vật lớn của làng văn chương nghệ thuật Việt Nam. Ông viết văn, làm thơ, soạn nhạc, viết kịch… đều chạm trần thời ông sống. Ông cũng là thư ký Quốc hội khóa đầu tiên của nước VNDCCH và gần 30 năm đứng đầu Hội Nhà Văn, rồi Chủ tịch Ủy ban toàn quốc VHNTVN. Nhưng sinh thời, ông luôn bị đố kị, dèm pha. Dân văn bảo ông viết kịch hay, dân kịch bảo ông viết nhạc hay, dân nhạc bảo ông làm thơ hay, dân thơ bảo ông viết lý luận phê bình hoặc triết học mới phục… Riêng tôi, mỗi lần trò chuyện với ông, tôi lại thấy ông hiện lên trước mắt mình như một nhà văn hóa…
Còn đây là bài viết về chuyện đời sau hậu trường của ông. Xin giới thiệu cùng bạn.
ĐẶNG THỊ THANH HƯƠNG
Nguyễn Đình Thi quê gốc ở Sơn Tây nhưng hầu như chưa bao giờ ông nhắc đến điều đó và có ý định về nhận quê. Lần theo gia phả, hóa ra bà ngoại của nhà thơ là người Tàu, tên là Nìn Thị Hà, còn cụ cố ông là người Chà Và (Ấn Độ) chuyên đi tính toán sổ sách giúp các nhà buôn vải. Nhà thơ nhiều lần nói với con cháu rằng dòng họ của mình là dòng họ dân dã, không có chữ.
Nhà thơ sinh tại Lào. Cha làm thầy ký bưu điện, rất giỏi tiếng Pháp. Một lần thầy ký đi qua chợ, thấy một cô gái người Việt rất xinh đẹp ngồi bán bánh rán. Trêu trọc nhau đôi ba câu, tình duyên vừa ý thế là cưới. Ông bà sinh được những 13 người con, nhưng có mấy người khó nuôi, chết trẻ, còn lại thì thành đạt cả. Nhà thơ được cha dạy tiếng Pháp từ nhỏ nên rất thông thạo ngoại ngữ này. Gia đình chuyển về Hà Nội. Thầy không còn việc làm, chỉ đi chơi suốt ngày mặc cho người vợ phải gồng lưng bán bánh nuôi đàn con đông đúc. Thỉnh thoảng ông lại về cầm quả cân ném vào tủ kính để vòi tiền vợ.
Ngày nhỏ, nhà thơ hát rất hay, nổi tiếng ở trường học. Thầy giáo người Pháp quý lắm, đến tận nhà xin cho nhà thơ đi học thanh nhạc ở Pháp. Nhưng gia đình không đồng ý. Cha mẹ muốn nhà thơ tốt nghiệp trường luật ra để làm quan, chí ít cũng là một vị quan huyện gì đó. Học đến năm thứ nhất Trường Luật thì bị đuổi học vì tham gia phong trào sinh viên. Cha mẹ lại tốn tiền chạy vạy để được học lại.
Năm 17 tuổi, nhà thơ đã lớn vổng lên, đẹp trai, hát hay, học giỏi, nên nhiều người mê. Gia đình sợ ông sa đà vào chuyện ái tình mà lơ là chuyện học nên đã quyết định lấy vợ cho nhà thơ ngay lúc ông tròn 17 tuổi. Gia đình khi đó buôn bán phát đạt, có của ăn của để nên có nhiều quan hệ trong xã hội. Họ đính duyên nhà thơ và bà Bùi Nữ Trâm Nguyệt Nga, cháu gái quan tuần phủ lúc bấy giờ. Lấy vợ xong, nhà thơ vẫn mang sách đi học bình thường. Trong trường ông có tiếng là học giỏi về triết học, thơ ca, luật pháp. Những năm sau này, lớp trẻ cầm bút mỗi khi nhắc đến thời thanh niên của nhà thơ Nguyễn Đình Thi đều tâm phục khẩu phục. Làm sao không phục được khi mới 18 tuổi, nhà thơ đã viết những cuốn sách triết học về Kant, về Schopenhauer… Một lần nhà văn Nguyễn Đình Chính, con trai nhà thơ, có hỏi cha về điều này. Nhà thơ liền lấy những bản in hồi đó cho con trai xem và nói rằng mình không phải là nhà triết học. Danh hiệu nhà triết học chỉ xứng với Trần Đức Thảo thôi. Hóa ra hồi đi học ở Trường Luật, thầy giáo người Pháp cũng giảng qua loa về tư tưởng của Kant, của Schopenhauer rồi bắt học trò trả bài. Nhà thơ liền đến thư viện, tìm tài liệu về các triết gia đó. Sẵn vốn tiếng Pháp, ông đọc và tổng hợp thành những bài viết ngắn. Tất nhiên trong đó cũng có chút ít ý tưởng của cá nhân ông. Đám bạn học thấy ông có tài liệu để trả bài như vậy nên đòi… mua.
Thế rồi những bản đó lọt đến các nhà xuất bản và họ quyết định in để bán cho sinh viên, học sinh. Nhà thơ vừa có tiền, vừa nổi tiếng là nhà triết học trẻ. Để tự lập, nhà thơ cùng người vợ trẻ đi thuê nhà ở riêng dù khi đó đằng nội, đằng ngoại có vài chục căn nhà ở Hà Nội. Hai người thuê một căn ở chợ Hôm để làm nơi bán sách luôn thể. Lúc đó phong trào sinh viên bãi khóa biểu tình phản đối chính sách của quân Pháp, quân Nhật ở Việt Nam tăng mạnh. Quân Nhật đã bắt bố vợ nhà thơ là Bùi Kính Tri và đánh chết ông. Nhà thơ cũng bị bắt. Gia đình phải bỏ một khoản tiền lớn ra chạy vạy. Trước khi thả nhà thơ, chúng nói: “Cậu học giỏi, nhà giàu thì đi theo Cộng sản làm gì?…”.
Toàn quốc kháng chiến, gia đình phải tản cư lên vùng Tuyên Quang. Vợ nhà thơ chết vì bệnh lao vào đúng giao thừa năm 1951. Mấy đứa con phải nhờ tay bà ngoại chăm sóc. Nhà thơ cũng bị bệnh lao và được chính phủ cho đi chữa bệnh ở Trung Quốc. Tại đây, Nguyễn Đình Thi gặp người vợ thứ hai của mình. Bà là Phạm Thị Trường, cán bộ địch vận người Hải Dương, sau trở thành bác sĩ, Viện trưởng bệnh viện Việt – Xô. Hai người lấy nhau. Khi về tiếp quản thủ đô năm 1955, họ được phân một căn nhà rất rộng. Ba đứa con của nhà thơ cũng về sống chung. Nhưng do công tác liên miên, nên họ không có nhiều thời gian chăm sóc lũ trẻ. Bà nội của chúng lặn lội từ Hải Phòng lên đón cháu về. Bà Trường cũng quý lũ trẻ lắm, thỉnh thoảng vẫn cùng chồng về Hải Phòng thăm và đóng tiền nuôi chúng. Bà Trường ốm đau nhiều nên vô sinh, đi Liên Xô, đi Trung Quốc chữa mãi bệnh vẫn không thuyên giảm. Dẫu vậy như hai người vẫn sống với nhau. Nhà thơ vốn đã đeo cái tiếng đa đoan vào thân, dứt mãi cũng không xong.
Thời gian đó nhà thơ bỗng dưng rất mê một diễn viên sân khấu khá nổi tiếng. Đó là bà Tuệ Minh. Quan hệ với nhau một thời gian, nhà thơ đề nghị với vợ là ly dị để cho ông có thể chung sống với bà Tuệ Minh hợp pháp. Sau nhiều lần níu kéo không thành, bà Trường đồng ý ly dị. Tòa mở ra. Nhà thơ ngồi chờ vợ đến để ly biệt. Mươi phút sau, bà Trường đến thật. Nhưng bà nằm trên cáng và do hai cô y tá khiêng đến giữa tòa. Nhà thơ mất vía. Tòa hoãn không xử nữa. Tình yêu khó xử. Bà Tuệ Minh liền đi Sài Gòn…
Theo như con trai ông thì nhà thơ là người nhẫn nhịn và cả nể với phụ nữ lắm. Ông chiều chuộng họ và nhường họ mọi điều có thể. Sau này, nhà thơ có một mối tình lớn với một nữ thi sĩ nổi tiếng. Hai người có hai tính cách quyết liệt và khác hẳn nhau. Nữ thi sĩ nồng nàn mãnh liệt và sẵn sàng làm bất cứ điều gì vì tình yêu của mình. Mà tình cảm đôi khi cũng không khớp nhau chứ.
Hồi đó nhà thơ Nguyễn Đình Thi được cử về làm Tổng thư ký Hội Nhà văn, nhà văn Tô Hoài làm phó, kiêm Bí thư Đảng ủy. Theo Nguyễn Đình Chính thì các nhà văn, nhà thơ thời ấy ngoài mặt thì rất “phục” nhau, nhưng bên trong thì khó… hiểu lắm. Thời kháng chiến chống Pháp, các nhà thơ đều làm thơ có vần cả. Cả Xuân Diệu, cả Lưu Trọng Lư,… những “chiến binh”Thơ Mới” bấy giờ cũng làm thơ có vần, tuân theo trào lưu tả thực, mắt thấy gì tay viết ấy. Trong khi đó Nguyễn Đình Thi lại làm thơ không vần và có chất ủy mị, tiểu tư sản. Thế là một cuộc họp phê bình thơ không vần của Nguyễn Đình Thi được tổ chức. Có nhiều ý kiến khá gay gắt. Thậm chí Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư còn có đề nghị “đuổi” thơ Nguyễn Đình Thi ra khỏi nền thơ kháng chiến. Sau cuộc phê bình đó Nguyễn Đình Thi phải đi thực tế nhiều hơn nữa để viết văn hiện thực. Thời đó ông đã viết tiểu thuyết “Xung Kích”, viết các bài thơ “Mẹ con đồng chí Chanh”, “Bài thơ Hắc Hải”. (Nguyễn Đình Chính vừa cười vừa ngân nga bài thơ “Mẹ con đồng chí Chanh”, sau bao nhiêu năm, ông vẫn thuộc bài thơ này của cha mình).
Nguyễn Đình Thi còn viết cả kịch. Năm 1959, ông viết vở “Con nai đen”. Vở kịch chỉ ra những hiểm họa tiềm ẩn trong xã hội. Khi công diễn, vở kịch được công chúng đón nhận.
Thời đầu kháng chiến Nguyễn Đình Thi và Văn Cao thân nhau lắm. Văn Cao lấy chữ Văn, Nguyễn Đình Thi lấy chữ Học để hai người cùng ganh đua sáng tác với nhau. Văn Cao viết “Tiến Quân ca”, Nguyễn Đình Thi viết “Diệt phát xít”. Nói chuyện sáng tác nhạc thì là một chuyện tài tử vô cùng của nhà thơ. Nguyễn Đình Thi thực ra không học nhạc bài bản, ông chỉ biết đọc từng nốt nhạc một, thế mà những bài hát của ông vẫn vang lên như sóng. Ông sáng tác bài Người Hà Nội trên một cái đàn hỏng. Khi về già, nhà thơ mới học chơi piano và cũng đánh được một số khúc nhạc đơn giản.
Cuối đời, Nguyễn Đình Thi thú nhận rằng mối tình lớn nhất của ông lại là mối tình với một nhà thơ cộng sản Pháp, Madeleine Riffaud. Hai người gặp nhau năm 1952 ở Ba Lan, trong Đại hội Sinh viên Thanh niên thế giới. Bà đã từng sang Việt Nam và đi vào chiến trường sống cùng bộ đội để viết cuốn Ba tháng trong căn cứ rừng rậm về đời sống của quân giải phóng. Bà được gọi với cái tên Việt Nam trìu mến là “Chị Tám” và là em kết nghĩa của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Nhà thơ đã viết nhiều thơ tặng bà, trong đó có những câu thơ rất lấp lánh: Ngôi sao nhớ ai mà sao lấp lánh/ Soi sáng đường chiến sĩ giữa đèo mây/ Ngọn lửa nhớ ai mà hồng đêm lạnh/ Sưởi ấm lòng chiến sĩ giữa ngàn cây. Hai người trao đổi cả trăm bức thư cho nhau. Trong di cảo của nhà thơ chỉ có bản thảo và những bức thư của mối tình ấy. Mặc dù yêu nhiều vậy như nhà thơ chỉ có ba người con với người vợ đầu tiên. Có lần nhà thơ đã thắp hương trước bàn thờ vợ và khấn rằng: “Bà ghê lắm, không cho tôi thêm một đứa con nào cả”. Một thời, trong làng văn chương hay đùa nhau rằng cứ ai lông mày rậm, mắt đen thì đích thị là con Nguyễn Đình Thi. Trước khi chết, nhà thơ mời luật sư đến, viết di chúc khẳng định rằng ông chỉ có ba người con với người vợ đầu tiên. Nhưng nghe đâu, sau khi ông mất, thỉnh thoảng vẫn có người tìm đến nhà Nguyễn Đình Chính để nhận anh em và đòi chia của cải!
Nguyễn Đình Thi không muốn con cái sa vào nghiệp văn chương. Ấy vậy mà khi Nguyễn Đình Chính quyết tâm viết văn, xuất bản cuốn tiểu thuyết “Đá trắng trong thung lũng xanh”, ông ưng lắm. Nhà thơ tự tay thắp nến rồi đeo cà vạt mời con đến nhà tiếp đón long trọng như một người bạn văn. Ông bảo con viết như thế thì hay lắm, tức là viết theo lối hiện thực chủ nghĩa. Nhưng đến khi Nguyễn Đình Chính xuất bản cuốn “Đêm thánh nhân” thì ông chê rằng viết miên man và cẩu thả. Tuy vậy, vài ba tháng sau lại thấy ông mang bốn năm cuốn “Đêm thánh nhân” đến nhờ con trai ký tặng cho bạn mình.
Cuối đời, Nguyễn Đình Thi tự nhận mình viết văn chỉ đủ “quang” thôi, không rậm rạp, chứ có thể ông đã đi lầm con tàu văn xuôi. Điều ông tâm đắc nhất đó là những bài thơ. Ông không viết hồi ký, và nếu viết thì sẽ không hay. Nguyễn Đình Chính khẳng định như vậy. Chỉ có hằng đêm vẫn có những ngôi sao không biết đang “thương nhớ ai” mà lấp lánh trên bầu trời.