Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Năm, 19 tháng 9, 2013

NGÔI NHÀ KHÔNG MÁY LẠNH ( Tiếp theo ..)

**
Phía bên kia đường là một dãy dài những ngôi nhà hoang hai ba tầng. Nhà nào cũng gắn máy lạnh đàng hoàng. Không người ở không phải nhà vô chủ. Chỉ đơn giản chủ nhân của nó vắng nhà. Người thì sau hợp đồng xuất khẩu ba năm lại tìm cách ly quê một lần nữa. Có người vi phạm hợp đồng không thể tái xuất làm thuê xứ người, không thể đi đâu thì tìm cách vào Đắc Nông, Đắc Lắc trồng khoai.
Người Nhật đang nhập khẩu và đầu tư cho giống khoai lang đặc biệt ngon của vùng này. Nhờ thế, trồng khoai lang tím đang là công việc hái ra tiền. Chẳng biết mai ngày công việc trồng khoai này kết cục như thế nào? Hay lại như ngàn thứ công việc “Đầu voi đuôi chuột” ở xứ chúng tôi?
Nhưng trước mắt nó giải quyết được nạn thất nghiệp mỗi năm thêm trầm trọng, lại nhất thời kiếm tiền “hơi bị dễ”, nói như kiểu các nhà “khoai lang học” nói với nhau!
Một, hai căn khác lai lịch không rõ và minh bạch lắm. Một trùm ma túy bị xử chết cách đây vài năm. Hai căn có chủ bị bệnh “ết” chết gần hết cả nhà. Những người sống sót không ai biết họ bỏ đi đâu?
Dù có gắn máy lạnh, tất cả số máy đó từ lâu hoàn toàn không dùng đến điện, dù nguồn điện vẫn còn dây dẫn đến tận nơi.
Đêm nào có việc bần cùng phải đi qua đây, tôi cứ thấy rờn rợn người. Rõ ràng là lúc ấy không có gió, vẫn nghe thấy lào xào, lao xao ở sau lưng. Tôi không dám ngoái nhìn vào những cánh cửa đóng im ỉm từ lâu.
Chỉ sợ bước ra từ những căn nhà đó không phải bóng dáng con người!
Chỉ có duy nhất cuối dãy nhà ấy là có ngôi cấp bốn là của bố tôi là có người ở. Nhà có một gian gắn điều hòa cỡ nhỏ dùng cá nhân ở phía bên trong cùng. Bên ngoài là một phòng khách và một gian thờ.
Trước nhà có con suối nhỏ nước chảy quanh năm. Hai bên cây cối xanh um. Bố tôi thuê người xây chắn hai  đầu của khúc suối chảy quanh nhà, đặt tấm lưới, tạo một khoảng ao tự nhiên có nước chảy ra, chảy vào.
Cá nuôi chỗ này cực kỳ chóng lớn, mùi cá chín rất thơm. Gần như chả phải chăm sóc gì nhiều.
Cá nuôi một năm, có con nặng bảy tám cân và chỉ toàn nuôi chép đỏ.
Nhờ có dòng nước này, “tiểu khí hậu” cho ngôi nhà của bố tôi mát mẻ quanh năm. Lại thêm mấy cây sấu, cây trám già che nắng. Kể như không có máy lạnh cũng chẳng sao, vẫn dễ chịu như thường. Đêm gần về sáng, mùa hè, có hôm vẫn phải đắp thêm cái chăn mỏng.
Bố tôi ở đây một mình.
Chỉ khi nào mẹ tôi có mặt ở nhà ông mới lên ngôi nhà không máy lạnh, bề thế của chúng tôi.
Ông nói ông muốn yên tĩnh, ở chung với chúng tôi ồn ào quá, ảnh hưởng đến vết thương còn mảnh đạn trong đầu.
Cạnh bờ ao lạ kiểu ấy có một phiến đá vuông vắn, nhẵn, phẳng. Bố tôi mất gần một tuần trời với nó. Ông dùng chiếc đục cũ, mòn gần hết lưỡi chạm một bàn cờ trên phiến đá này. Bên cạnh đó ông xây một cây hương nhỏ, đêm nào cũng thắp nhang. Dưới chân cây hương là bộ quân cờ bằng sừng trâu đủ hai màu đen, trắng tự nhiên không phải dùng đến sơn hay bất cứ chất nhuộm màu nào. Những quan cờ to gần bằng miệng chén. Quân, tướng bằng nhau, không phân biệt cấp bậc to nhỏ.
Những đêm không ngủ được ông thường ra đây, thoát khỏi gian có máy lạnh, ngồi một mình “đánh cờ với đồng đội” của ông. ( Là ông bảo thế chứ tuyệt nhiên không thấy ai ngoài bố tôi ).
Ông dùng đèn pin soi và sắp quân cờ ra hai bên. Thỉnh thoảng lẩm nhẩm như bàn thảo với với một người nào đó, rồi cầm quân của phía bên kia đi  một nước.
Cho đến lúc gần sáng, như thể cầm đang tay một người nào đó, ông cười không ra tiếng, nét mặt tươi, đi về gian phòng có máy lạnh của mình.
Thỉnh thoảng có đêm không đánh cờ, ông cầm theo cuốn sách. Trong đêm tối, núi rừng chỉ còn những vệt đen xẫm in lên nền trời mờ mịt, bố tôi làm thơ!
 Nghĩ được tứ thơ nào là ông khập khễnh đi vội vào nhà, chép như sợ bị vuột mất vần thơ chợt đến bất ngờ, quý báu.
Cả ngày hôm sau, gần như ông cài chặt cửa phòng, không dậy.
Nhà không thấy ông sang căn nhà không máy lạnh, tới xem ông thế nào? Nhưng không dám gọi. Đành để cơm, nước ngoài gian khách cho ông.
Có hôm đến chiều, thức ăn, đồ uống vẫn còn nguyên..
Lạ một nỗi, những ngày như thế, bố tôi có vẻ khỏe hơn thường ngày. Ông không hề có vẻ gì mệt mỏi hay đau nhức.
Tôi thật không hiểu thơ là cái gì, sao mang đến được cho ông nhiều sinh lực đến thế? Không ăn uống, thức cả đêm mà lại có vẻ khỏe khoắn hơn ngày thường?
**
Vùng tôi ở gần như cách biệt với bên ngoài. Nó là một địa danh ít người qua lại, ít người biết tới nếu không có đỉnh núi cao nhất tỉnh được đánh số. Núi cũng chỉ có số thôi chứ không có tên trên bản đồ khu vực.
Vì thế thông tin hiếm hoi như thú rừng thời bây giờ.
Tôi hầu như chỉ biết rất ít về thế giới mình đang có mặt. Nhất là cách đây mấy năm, khi chưa mở con đường ngang qua đây.
Ngay hiểu biết về cha mẹ mình, tôi cũng rất mù mờ.
Có những câu chuyện cha mẹ chỉ có thể nói với nhau, không thể nói với con cái! Thậm chí không thể nói với bất cứ ai khác ngoài bản thân mình, kể cả người má ấp môi kề..
Kiến thức sống này, khiến tôi rất băn khoăn.
Cha mẹ tôi là ai? Họ thực sự như thế nào, là điều tôi luôn day dứt trong lòng.

( Còn nữa..)



Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: