Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

NGÔI NHÀ KHÔNG CÓ MÁY LẠNH ( tIẾP THEO..)


***
Không phải bỗng dưng mà tôi có ý nghĩ u ám, thắc mắc về cha mẹ mình. Như thế quả là không hiểu đạo làm người, còn bất hiếu nữa.
Nhưng những gì tôi thấy, khiến tôi không yên lòng.
Bao nhiêu năm sống chung một mái nhà, thực tình tôi chẳng mấy hiểu biết về gia đình mình.
Một gia đình nhìn bề ngoài còn bao người ước muốn mà chưa có được.
Bố mẹ tôi có cả trai lẫn gái, chẳng “thất mùa” nếp hay tẻ để phải phân tâm sinh con một bề, hay cô đơn cô quả.
Hai ông bà đều có lương hưu đủ để sống quãng đời còn lại. Nhà cao cửa rộng, đất đai hàng mẫu ta, chỉ cây trái trong vườn thôi đủ để nuôi sống cả nhà. Làm ra thêm bao nhiêu là của để dành..
 Tôi và người chị gái đều có công ăn việc làm nhờ sự ưu đãi là “con thương binh”. Chúng tôi đều có gia thất đàng hoàng.
Vợ tôi là chủ một tiệm tạp hóa trong vùng, doanh thu khá. Nói chung so với mọi người xung quanh thua kém chỉ một vài người là cùng.
Thiên hạ có thứ gì nhà chúng tôi có thứ nấy. Chỉ không gắn máy lạnh như một vài nhà bên cạnh, mà lý do tôi đã nói ở phần trước rồi. Nếu không vì lý do ấy, vài ba cái máy điều hòa với gia đình tôi lúc này chỉ là chuyện rất thường.
Ai một lần đến đây, nhìn cơ ngơi của chúng tôi bên ngoài cũng có ý thán phục, thậm chí tỏ ý thèm thuồng. Thật ít có gia đình nào được “nhiều bề” đến thế!

Vậy sao cha mẹ tôi lại không như mọi người, thanh thản, sống vui cái “sống đời” cùng thiên hạ?

Tôi lấy làm lạ, mỗi bận bố tôi kêu khó ở trong người. Mẹ tôi thường điện cho cậu tôi cách cả chục cây số đến, mặc dù nhà cậu rất neo người, còn khó khăn.
Cậu sẽ thay mẹ tôi chăm sóc ông.
Cậu tôi ở cho đến khi bố tôi khỏi hẳn  bệnh mới về.
Tất tật mọi việc từ xoa bóp, giặt giũ, cơm cháo đều do một tay cậu tôi làm. Buổi tối cậu ngủ lại luôn, chung giường với bố tôi.
Hoàn toàn không phiền đến bất cứ ai trong nhà.
Mẹ tôi bảo: “ Anh em ông ấy hợp nhau. Có người nói chuyện, bố mày mau khỏi”. Còn nói: “Ông ấy thích phòng máy lạnh, mẹ chịu không quen”!
Tôi nghĩ không phải.
“Con chăm ông bà, không bằng vợ chồng già chăm nhau” là nghĩa đời.
Dù có cực khổ đến đâu vợ hay chồng cũng đều không nề hà, không đùn đẩy vất vả cho người khác chăm bạn đời của mình.
Những người, những việc như thế ở vùng sơn cước quê tôi bao đời nay là lẽ tự nhiên. Bảo mẹ tôi ngại khó ngại khổ là đều trái với tính cách và thói quen của bà.

Vả lại nếp sống, cách thể hiện trong gia đình tôi như bây giờ mới có ba năm nay, sau lần bố tôi đi giám định lại thương tật.
Hôm đó bố tôi đi đến tối, không thấy về nhà..
       Mấy mẹ con chúng tôi phải vất vả ngược xuôi tìm kiếm mãi mới thấy, nói mãi ông mới chịu về. Không nói lý do vì sao. Không ai hiểu căn cớ gì,  bỗng dưng lại thành ra thế?

Chứ ngày mới về, bố mẹ tôi đâu có sống với nhau như vậy?
 Vợ chồng thương nhau, chăm sóc cho nhau hơn cả vợ chồng son đang còn trẻ, yêu quý nhau không thể tả hết.. Hạnh phúc ít khi thấy ai hơn ở đất này!

Ngôi nhà chúng tôi ở không có máy lạnh bây giờ chính là kết quả của cuộc sống chung hạnh phúc, chung sức chung lòng  của hai người một thời gian dài giữa cha mẹ chúng tôi mà có. Tuy kiểu kiến trúc đã cũ, không được thanh thoát như nhiều nhà thời bây giờ, gần hai mươi năm trước nó là ngôi nhà to, đẹp nhất vùng!
Nhiều người còn nhớ chuyện bố tôi sau ngày ở chiến trường về, “học Tô Vũ” chăn đê.                 

Thời bao cấp ông nuôi được đàn dê mấy trăm con là hy hữu, duy nhất tỉnh này. Đàn dê ấy là nguồn tài lực duy nhất để có được ngôi nhà vợ chồng tôi đang ở bây giờ. Khi ấy cả vùng chưa ai có nhà xây, chưa chỗ nào có điện. Ra thành phố phải qua mười mấy con suối, vượt qua chặng đèo dài, heo hút và xa..

****


( Còn nữa..)
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: