Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Hai, 9 tháng 9, 2013

Tác giả ĐẠI GIA từng được nhạc sĩ Văn Cao khen là thằng bé có tuệ căn (bài trên CAND)

Lời dẫn: Thiên Sơn vốn bắt đầu công việc viết lách là bằng những bài thơ học trò. Anh cũng say mê với bình thơ. Chẳng hạn, gần đây, anh có viết về thơ của Văn Cao.

Văn Cao là họa sĩ vẽ bìa cho tác phẩm Búp sen xanh của Sơn Tùng - ở lần in đầu tiên. Ở khoảng những năm tháng đó, Văn Cao cũng đã khen Thiên Sơn là thằng bé có tuệ căn. Chi tiết này, tôi chưa từng nghe trực tiếp bao giờ, gần đây mới thấy trong một bài về Thiên Sơn trên CAND (từ đây trở xuống).


3:40, 26/08/2013

Thiên Sơn là nhà văn thuộc thế hệ 7X. Nhưng anh già hơn tuổi từ trong đời thường đến trang viết. Anh rất chán khi ai đó cầm bút lại quan niệm văn chương là cuộc chơi. Đối với anh, văn chương là máu, là khổ công lao động, là không ngừng đọc, không ngừng suy ngẫm. Người cầm bút nếu đã chọn con đường văn chương để đi, là phải xác định sống cùng những nghiệt ngã. Vì không sự dấn thân nào mà không phải trả giá.



Thiên Sơn có người bác họ là nhà văn Sơn Tùng. Suốt thời thơ bé và cả những năm tuổi trẻ, đối với anh, bác Tùng như một người thầy, một người bạn. Bác Tùng cũng là người gieo vào anh những trìu mến đầu tiên dành cho công việc sáng tác. “Bác Sơn Tùng đối với tôi là một người rất quan trọng. Bác lịch lãm, nhân hậu và sinh động. Bác thường nói văn là đạo. Người viết văn phải lo thành nhân trước khi thành tác giả. Và việc viết, nó giống như việc hành đạo vậy. Luôn luôn phải vì con người. Tôi đã nghe những lời bác Sơn Tùng nói và đã chứng kiến bác ứng xử với cuộc đời, tôi rất nể phục. Những người đến với bác, dù là người quyền cao chức trọng, hay một bạn đọc bình thường bác đều xem như bạn quý. Và luôn luôn được đối thoại bình đẳng với bác. Sau này khi bác ốm và mệt, tôi có cảm giác như cả nền văn chương không còn có người để mình đối thoại nữa. Ở nơi nào tôi cũng gặp những người cầm bút vướng vào quá nhiều thứ như tiền bạc và quyền lực. Họ không nhìn bạn viết, nhất là những người trẻ tuổi hơn họ, bằng cặp mắt bình đẳng”.

Từ khi bắt đầu cầm bút tới nay, Thiên Sơn đã xuất bản gần chục đầu sách, trong đó có thơ, truyện ngắn, và phần lớn là tiểu thuyết. Một gia tài văn chương không hề nhỏ, dù cho tên tuổi của anh không phải thuộc diện hot trên các diễn đàn của người cầm bút. Thiên Sơn sống có phần khép kín, đôi khi là già hơn tuổi, rất ít tuyên ngôn, chỉ cặm cụi với công việc của mình.

Anh cũng quan niệm rất rõ, người cầm bút phải có ý thức đi vào những vấn đề trung tâm của đời sống, và quan tâm đến số phận con người. Từng trang viết phải bắt đầu từ tấm lòng, từ thái độ sống tích cực của nhà văn. Những sáng tạo, tìm tòi sẽ chẳng đi đến đâu nếu không vì mục đích nâng đỡ đời sống con người, giải quyết những vấn đề mà con người đang gặp phải.




Con người đang mất nhau - đó là cảm nhận của tôi khi đọc phần lớn những trang viết của Thiên Sơn. Năm 2010, Thiên Sơn dành giải C cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam với cuốn sách Dòng sông chết. Tôi bị ám ảnh bởi số phận con người trong tác phẩm, những người đang quẫy đạp tìm kiếm đổi thay trong thế giới đã bị hoang tàn, biến đổi. Cuốn sách không viết cho số đông bạn đọc hiếu kỳ, mà viết cho những ai thực sự quan tâm đến những giá trị đẹp trong đời sống đang dần mất đi, muốn cứu chuộc lại những gì đã trở thành tàn tro, chỉ còn hắt bóng trong hiện tại.

Văn của Thiên Sơn có thiên hướng buồn. Lý giải điều này anh chia sẻ, đó chính là dấu ấn vương trong tâm hồn anh từ thủa ấu thơ. Sinh ra ở vùng quê xứ Nghệ, những năm đất nước còn chiến tranh. Ký ức tuổi thơ của Thiên Sơn là nước mắt, là khăn tang trong những ngày người ta làm lễ truy điệu cho người đã chết trong chiến trận.

Cả làng quê anh ở vùng Diễn Châu, đi đâu cũng gặp hình ảnh ấy. Mùa bão gió ở vùng quê ven biển, nghe sóng gào dữ dội ngoài khơi xa. Sau một đêm bão lớn, rất nhiều xác người chết từ đâu trôi dạt vào phía cửa biển của làng. Rồi cha mẹ anh phải xa nhau mỗi người một ngả. Anh theo cha vào Đồng Nai, đi xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước. Bóng mẹ khuất dần sau chất ngất đồ đạc trên chuyến tàu chật chội. Nhớ mẹ, chỉ biết khóc, nhìn về phía chân trời. An ủi cậu bé con Thiên Sơn khi đó chỉ là chiếc radio nhỏ xíu, với những câu chuyện được kể qua giọng của người phát thanh viên. Những cuốn sách văn học cũ nát, đã được cậu đọc đi đọc lại nhiều lần. Những câu thơ như ám vào đời Thiên Sơn một nỗi buồn: “Biển không khóc mà mênh mông đầy nước/ Mặt biển gầy thương đau”. Nhạc sĩ Văn Cao sinh thời đã từng đọc những câu thơ này của chú bé con hay theo chân bác Sơn Tùng đến chơi với nhạc sĩ. Văn Cao nhận xét: “Thằng bé này có tuệ căn, nó già hơn tuổi”.

“Thằng bé có tuệ căn” khởi đầu là người làm thơ. Nhưng những tập thơ trong trẻo đầu tiên của Thiên Sơn ra đời đúng vào thời điểm thơ ca đang bị bạn đọc xa rời. Anh học chuyên ngành lý luận phê bình văn học, rồi học luật, rồi chuyển sang viết văn xuôi. Vì anh nhận ra rằng, chỉ có văn xuôi mới bao chứa hết những gì mình nung nấu. Tập truyện Người bên lề của Thiên Sơn được tái bản nhiều lần, và được những người trong nghề đánh giá cao.

Ở đó, Thiên Sơn chỉ quan tâm đến số phận của những người “bên lề” cuộc sống. Anh kể chuyện từ những người chưa có tâm lý, như người đàn bà đẹp bị điên, những đứa trẻ mất mẹ lang thang cơ nhỡ trong cuộc đời, bị hắt hủi, xa lánh, chỉ còn biết chơi với bầy chó, đến những cô gái điếm, những tên trộm, và cả những nhà hiền triết bị xã hội bỏ rơi…

Mỗi số phận, mỗi cuộc đời đều gợi cho người đọc rất nhiều suy nghĩ về đời sống mình đang trải qua mỗi ngày. Ánh sáng của cái gọi là văn minh, tiến bộ, giống như chiếc đèn pha rọi vào con đường. Vệt sáng đó soi được vào trung tâm con đường, thì cũng có nghĩa là nó để lại hai bên lề đường rất nhiều bóng tối, cùng với rất nhiều phận người lẩn khuất trong bóng tối ấy. Và Thiên Sơn viết về những mảnh đời khuất lấp ấy, với nỗi niềm xót xa, chát đắng, với mong muốn tìm cho họ chút ánh sáng của tình người.

Nhưng truyện ngắn với Thiên Sơn vẫn là chưa đủ. Anh mê những thứ dài hơi như tiểu thuyết. Anh nghiên cứu cấu trúc tiểu thuyết, phương pháp viết, và đặc biệt là trang bị kiến thức cuộc sống để sẵn sàng cho những cuộc leo núi hiểm nguy. Mỗi cuốn tiểu thuyết lấy của Thiên Sơn rất nhiều tâm sức. Sau Dòng sông chết gây được tiếng vang, Thiên Sơn bỏ ra năm 5 trời cho một bộ sách về đề tài mà bấy lâu anh ấp ủ. Đó là những bi kịch đời sống bắt nguồn từ dục vọng, lòng tham, sự khát thèm địa vị. Những cuộc đổi chác giữa đại gia và chân dài, giữa tiền bạc và quyền lực đang diễn ra đầy rẫy trong xã hội.

Thiên Sơn chia sẻ: “Bối cảnh chính của cuốn sách là cuộc đại khủng hoảng kinh tế và lạm phát trong nước. Có những kẻ siêu giàu trong và ngoài nước móc nối với một số kẻ cầm quyền tha hóa để tư lợi trên những dự án béo bở. Tôi chủ trương xây dựng nhân vật điển hình về tầng lớp thương gia mới trong xã hội. Cảnh báo về sự vô luân, về sự lũng đoạn quyền lực, về con đường tăm tối của những kẻ chỉ vì lợi nhuận mà hủy hoại mạng sống và nhân cách con người. Một sự cảnh báo lớn từ góc độ kinh tế, để nói về nhân cách và những dấu hiệu hiểm nghèo của một thực tại đầy bừa bộn và những luồng chuyển động cuộn xoáy”.

Để hoàn thành bộ tiểu thuyết, Thiên Sơn đã đọc và nghiên cứu hàng ngàn trang tư liệu ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, xã hội đến kinh tế, đến pháp luật và tâm lý con người. Thiên Sơn tự tin rằng, bạn đọc có thể nói cuốn sách anh viết chưa hay, nhưng không thể bắt lỗi anh về mặt kiến thức, vốn là cái nền để kiến tạo nên một bộ tiểu thuyết với tuyến tính thời gian cũng như nhân vật rất phức tạp, đa chiều.

Lại nói về kiến thức, hay còn gọi là vốn sống, sự trải nghiệm. Người ta thường hay phàn nàn rằng những người viết trẻ hôm nay ít chịu đọc, nghiên cứu, tìm hiểu về đời sống. Họ có chút vốn liếng bản năng và cứ gặm mãi vào cái bản năng ấy. Nên họ không thể viết dài hơi, không đi xa được. Những điều họ viết cũng chỉ loanh quanh những câu chuyện cá nhân mình, những vấn đề nhỏ, vụn vặt. Nhưng Thiên Sơn thì không nằm trong số các nhà văn trẻ ấy. Anh xác định mình sẽ đi con đường của người cầm bút, suốt đời. Và có ý thức chuẩn bị hành trang cho cuộc đi dằng dặc ấy…

Có không ít người đến với văn chương chỉ là một cuộc đi dạo, nếm trải rồi có thể bỏ đấy đi làm việc khác. Thiên Sơn không chấp nhận cách nghĩ này. Anh chán cảnh mỹ miều áo sống, lấy văn chương làm son phấn, trang sức cho cuộc đời, để đạt được những mục tiêu khác, như quyền lợi, địa vị. Đối với anh, con đường của người viết là con đường quyết liệt nhất, không thể có sự nửa vời. Đó là con đường một khi ta đã chọn đi là phải bầm gan tím ruột, phải chấp nhận mọi khổ sở, hệ lụy. Nhà văn phải nhìn thấy những thứ chìm khuất trong ký ức cộng đồng, lưu giữ những vẻ đẹp thuộc về đời sống tinh thần của dân tộc, hiểu thấu cả những thô bạo, ngổn ngang của đời sống đang bày ra, cũng như những tầng ngầm sâu bên dưới cái hiện thực ấy. Phải nhận lấy sứ mệnh của người thắp lên một ngọn đuốc, cứu chuộc lại lòng tin đã mất, tìm lại những gì đẹp đẽ đã bị phôi phai.

Sách của Thiên Sơn thường không dễ đọc. Anh cũng chưa khi nào là tác giả ăn khách. Những vấn đề anh đặt ra trên trang viết chỉ hấp dẫn những ai thực sự quan tâm đến vấn đề cốt lõi của đời sống, như mất niềm tin, băng hoại đạo đức, sự thờ ơ vô cảm giữa con người với con người. Đó không phải là những câu chuyện mang đến sự hiếu kỳ hay phục vụ thị hiếu nhất thời cho một số đông độc giả nào đấy. Và nó không hướng vào mục tiêu giải trí.

Nên đọc anh dễ mệt, thậm chí dễ nản nếu không có một lượng kiến thức đủ giàu có để hiểu về vấn đề anh đề cập. Dự định sắp tới của Thiên Sơn, là sẽ viết một cuốn tiểu thuyết về nạn đói 1945. Anh cho rằng, đất nước càng giàu, càng văn minh, chúng ta càng không được phép quên những ngày tháng như vậy. Rất nhiều người đã chết vì không có miếng ăn. Đó là bài học lớn về sự tồn vong, sự yêu thương, đùm bọc, sự sẻ chia vốn là truyền thống quý báu của người Việt.

Như một lẽ hiển nhiên, tác phẩm lớn chỉ có thể được sinh ra bởi những nhà văn có tài năng lớn và tấm lòng với con người, với cuộc đời. Thiên Sơn đã chọn con đường khó để đi, và nghiêm cẩn với nghề, anh chắc chắn sẽ nhận được thành quả xứng đáng…/.


Hội Quân


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: