Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 1 tháng 5, 2013

Lời hay ý đẹp:


Nước Việt Nam ta hình gì ?

 
Lâu nay chúng ta vẫn gọi nước ta hình chữ S. Cách gọi đó xuất phát từ tâm thế co thủ trên đất liền.

Xuân Diệu nói : “Tổ Quốc ta như một con tàu/Mũi thuyền ta đó mũi Cà Mau…”. Tuy văn hoa bay bổng, nhưng không thoát khỏi tâm thế trên.

Bởi sự thật thì cái diện tích hình chữ S chỉ bằng chưa tới 1/3 diện tích đất nước Việt Nam. Biên giới Tổ Quốc còn bao trùm tới 30% biển Đông nữa. Cha ông ta gọi nơi ta sống “Đất Nước”, là đã chỉ rõ nước mình gồm có đất và nước. Đất ta có 331.689 km2. Biển ta có hơn 1 triệu km2, trên đó có hơn 3000 hòn đảo lớn nhỏ, dĩ nhiên là có Hoàng Sa và Trường Sa. Phía trên đất và nước còn vùng trời. Phía dưới đất và nước còn có lòng đất. Và còn hơn thế nữa…

Ngày 12-5-1977, Chính phủ Việt Nam ra tuyên bố về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ngày 12-11-1982, ViệtNam ra tuyên bố về đường cơ sở dùng để tính chiều rộng của lãnh hải Việt Nam. Ngày 23-6-1994, Việt Nam phê chuẩn Công ước của Liên Hiệp quốc về Luật Biển năm 1982. Ngày 17-6-2003, nước ta ban hành Luật Biên giới quốc gia, trong đó xác định rõ biên giới quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trong lòng đất.

Theo luật pháp quốc tế và luật pháp Việt Nam, ngoài lãnh thổ trên đất liền và trên đảo, nước ta còn có :
Vùng Nội thủy : Là vùng nằm ở phía trong đường cơ sở. (Đường cơ sở là đường gãy khúc nối liền các điểm được lựa chọn tại ngấn nước thủy triều thấp nhất dọc bờ biển và các đảo gần bờ do Chính phủ xác định và công bố). Việt Nam thực hiệnchủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ vùng nội thủy như chủ quyền trên lãnh thổ đất liền.
Lãnh hải : Là vùng biển rộng 12 hải lý (1 hải lý =1,852 km) tính từ đường cơ sở. Ranh giới ngoài của lãnh hải là biên giới quốc gia trên biển. Việt Nam thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải của mình cũng như đối với vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải. Tuy nhiên, trong lãnh hải, tàu thuyền của các quốc gia khác được hưởng quyền qua lại không gây hại và thường đi theo tuyến phân luồng giao thông biển của các nước ven biển.
Vùng tiếp giáp : Là vùng biển nằm phía ngoài lãnh hải tiếp liền với lãnh hải của Việt Nam, rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải, hợp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải. Trong vùng tiếp giáp, Việt Nam có quyền quy định biện pháp ngăn ngừa và trừng trị các hành vi vi phạm đối với luật lệ về nhập cư, thuế khóa, y tế, thậm chí cả an ninh, xảy ra trong lãnh thổ hay lãnh hải của mình.
Vùng đặc quyền kinh tế : Là vùng biển rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở (hoặc 188 hải lý tính từ ranh giới ngoài lãnh hải, 176 hải lý tính từ ranh giới ngoài vùng tiếp giáp). Trong vùng biển này, Việt nam có chủ quyền đối với mọi loại tài nguyên thiên nhiên và các hoạt động kinh tế nhằm khai thác, sử dụng các tài nguyên thiên nhiên đó, có quyền tài phán đối với các hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo vệ môi trường biển, xây dựng và lắp đặt những công trình và thiết bị nhân tạo. Các nước khác có quyền tự do bay, tự do hàng hải và đặt dây cáp và ống dẫn ngầm.
Thềm lục địa : Là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam, mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa, cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn về mặt thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên ở thềm lục địa Việt Nam bao gồm tài nguyên khoáng sản, tài nguyên không sinh vật và tài nguyên sinh vật thuộc loại định cư ở thềm lục địa Việt Nam.
(Giữa Vùng đặc quyền kinh tế và Thềm lục địa có khác biệt : Thềm lục địa là vùng đáy biển mở rộng ra ngoài lãnh hải, còn Vùng đặc quyền kinh tế là một định chế riêng biệt áp dụng cho cột nước phía trên đáy biển).
Ngoài lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của đất liền,các đảo và quần đảo thuộc lãnh thổ Việt Nam cũng có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa tương tự. Như vậy là Hoàng Sa và Trường Sa của chúng ta đương nhiên cũng có lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.
Vùng trời : Có biến giới là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển kéo lên không trung.
Lòng đất : Có biên giới là mặt thẳng đứng từ biên giới quốc gia trên đất liền và biên giới quốc gia trên biển kéo xuống lòng đất.
Đất nước Việt Nam đầy đủ phải là như vậy, sao cứ gọi nó là hình chữ S ? Nên bỏ ngay việc gọi đất nước này mang hình chữ S đi. Điều này không phải là việc bắt lý bắt lẽ, mà là để thay đổi, để mở rộng một tâm thế. Người Việt Nam làm chủ đất nước là làm chủ một không gian sinh tồn rộng lớn đó. Người Việt Nam bảo vệ đất nước không chỉ là bảo vệ “từng tấc đất” mà còn bảo vệ từng tấc biển, từng tấc trời, từng mẩu tài nguyên trên thềm lục địa xa ngoài biển khơi.
Và theo đó, giành lại và bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa cũng không chỉ là giành lại những hòn đảo mắt thường nhìn thấy mà còn phải giành lại và bảo vệ lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa, lòng đất và vùng trời của Hoàng Sa, Trường Sa nữa.


Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: