Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Tư, 23 tháng 8, 2017

NHỚ TỐ HỮU BÀN CHUYỆN THIÊN HẠ



Nhà thơ đầu tiên mà mình biết có lẽ là Tố Hữu, những câu thơ đầu tiên mà mình thuộc cũng của Tố Hữu.
Còn nhớ những năm 1960, bên cạnh nhà mình luôn có mấy bác xẩm ngồi lê la những bài thơ của Tố Hữu, mình đã thuộc rất nhiều những câu thơ hay từ đó. Những hình ảnh: Cá nằm dưới dao, chim treo trên lửa, gương vỡ lại lành … đã thực sự để lại cho mình và đám trẻ đương thời những ấn tượng mạnh.
Lớn lên, trong chương trình học Phổ thông, hình như năm nào, tháng nào cũng gặp Tố Hữu. Thật sự thơ Tố Hữu rất hay, và dễ thuộc. Những câu thơ cứ trôi, cứ chảy, vượt lên cái thông thường của niêm luật, ý tứ:
Em ơn Ba Lan mùa tuyết tan
Đường Bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm một tiếng đàn…
Đương thời, Tố Hữu được tôn vinh là “nhà thơ của cách mạng”, “nhà thơ của nhân dân”, “ngọn cờ chiến đấu của thơ ca cách mạng Việt Nam” … Mình chưa bao giờ nghi ngờ những danh xưng đó. Tuy vậy, lớn lên, dần dần mình cảm nhận Tố Hữu cũng có cái không ổn. Khi nói đến thơ, bàn đến thơ người ta quan tâm nhiều đến cái tôi, cái tình của thơ. Xuân Diệu, một kiện tướng trong phong trào Thơ mới, từng có những bài thơ về tình yêu làm xao xuyến trái tim nhiều chàng trai, cô gái, nổi danh ông “vua” của thơ tình lãng mạn. Khi nghĩ đến Xuân Diệu người ta có thể nhớ ngay đến những mảnh tình rất riêng của ông:
Em ngồi ríu rít ở sau xe
Em nói lòng anh lắng mãi nghe
Thỉnh thoảng tiếng cười em lại điểm
Đời vui khi có được em kề…
Cũng thế, khi nghĩ về Huy Cận người ta có thể nhớ ngay đến những câu thơ chỉ có người trong cuộc, tình trong cuộc mới có:
Nắng chia nửa bãi chiều rồi
Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá sầu
Sợi buồn con Nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây.
Tố Hữu không được thế. Ông cũng có nhiều câu thơ gọi tên “em” nhưng thoạt tiên người ta chỉ cảm nhận được một em chung chung nào đó, mà không phải là của Tố Hữu:
Và nói vậy, trái tim anh đó
Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ
Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều
Phần cho thơ và phần để em yêu…
Hạn chế của thơ Tố Hữu đã được các nhà thơ đương thời chỉ ra. Có người cho Tố Hữu là nhà thơ thời sự, có người cho rằng ông làm thơ phải đạo. Mặc dầu đã được những phản biện ủng hộ tâm huyết và thấu tình đạt lý nhưng dẫu sao vẫn không thể đổ hết lỗi cho thiên hạ. Khi Tố Hữu mất, trong bài tưởng nhớ nhà thơ Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi chỉ ghi: “Vĩnh biệt nhà thơ của cách mạng”.
Thơ Tố Hữu xuyên suốt vẫn là thơ tình, nhưng là tình chung, tình đồng chí, tình cách mạng, không có chuyện tình yêu đôi lứa, không có tình cô đơn, tình giang dở, những thuộc tính đẹp của tình yêu. Thơ Tố Hữu là vũ khí lợi hại của cách mạng, của chiến tranh giải phóng. Khi cách mạng thành công, chiến tranh kết thúc, thị hiếu thay đổi, người ta muốn tìm ở thơ ca, ở nghệ thuật những góc cạnh thực của cuộc sống, của nội tâm sâu thẳm… thì Tố Hữu không có. Chính vì thế thơ Tố Hữu dần dần bị phai nhạt. Người ta vẫn thuộc thơ Tố Hữu, thuộc rất nhiều nhưng người ta không thể đọc thơ Ông nơi này nơi kia như trước. Người ta vẫn kính trọng, vẫn khâm phục tài năng của Tố Hữu nhưng người ta không còn thấy ở ông sức hấp dẫn cần có của một nhà thơ lớn.
Những lúc suy ngẫm về thơ ca, về nghệ thuật của nước nhà mình thường vòng vèo nghĩ về cái chung, cái riêng. Cái chung thì tốt rồi, nó giúp làm được những việc cần đồng tâm hiệp sức: hộ đê, chống hạn, chống ngoại xâm… nhưng suy cho cùng, cái tôi, cái riêng, mới là cái muôn đời, cái đáng trân trọng. Hiện tai, không chỉ thơ ca mà cả nền văn nghệ của chúng ta đang có vấn đề. Các nhân vật của sân khấu, của điện ảnh sống chết cầm chừng, thường không phải vì diễn biến bên trong mà do tác động bên ngoài. Chúng ta vẫn chưa dám coi trọng cái riêng, coi trọng tự do sáng tạo. Lịch sử bi hùng của Dân tộc cho ta những góc nhìn đắt giá. Những “vĩ nhân”, chính khách một thời, sau khi kết thúc “việc lớn” lập tức trở thành những kẻ tầm thường, thậm chí là những tội đồ, do không đủ nhân bản để sống tốt đẹp một mình. Trí tuệ của con người có một giá trị đặc biệt. Không thể so sánh sự thông thái của một người so với một nhóm người, một tập thể. Chúng ta đã nhiều lần thất bại vì nghĩ rằng tập thể hơn cá nhân, quốc doanh hơn cá thể nhưng rõ ràng thực tế đang chứng minh những điều ngược lại.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: