Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

Nhân điện, Điển quang, Tâm ấn, Pháp luân công - Hỗn độn âm dương


Chào chủ nhà!
Mạt hậu, hậu tiến latuan những tưởng đã đến lúc “rửa tay, gác kiếm”, thoái xuất khỏi giang hồ. Nào ngờ được vài người bạn thương tưởng níu giữ nên chưa thể trở nên là người vô sự, vô vi. Lại có chút duyên lạc vào nhà của thiện tri thức nên tùy thời “cỡi ngựa xem hoa”. Vào rồi thì ra bất chợt lại thấy thương tấm lòng của chủ nhà vì đồng đạo mà mấy lượt “bôn ba, tìm dấu”. Chẳng lẽ đi không rồi lại về không dễ khiến cô phụ tấm lòng bi mẫn của chủ nhà với anh em đồng đạo thôi thì latuan tiện tay viết lấy vài chữ trên tường xem như là Thần tú trình kệ. Nếu được thì xin nhận lấy y bát làm Tổ nhược bằng hãy còn kém thì phiền chủ nhà dùng đế giày xóa dấu tích những lời thừa.
Vì nhận thấy tâm người động nên latuan nói lời vụng. Nếu chủ nhà cũng cho rằng “Chẳng do gió động, cờ động mà do tâm của latuan tôi động” thì hẳn tâm latuan động là thật vậy.
Latuan đường đột đến nhà mà không tự giới thiệu e có điều thất lễ nên xin có đôi lời tác bạch. Latuan xuất thân bần hèn, tự thấy đời là khổ nên tùy thuận học dăm câu kinh, vài lời Phật dạy. Dù vậy do kiến văn hạn hẹp, tri thức nông cạn nên việc góp nhặt của latuan lắm lúc được cái hồ đồ. Học hoài mà cũng không khá lên là mấy, việc đi thi lại có lúc đậu, lúc trượt nên lòng cũng chẳng mấy khi được an suốt. Nghe nói pháp thiền cũng hay hay nên cũng lượm lặt hành trì. Và cách nay hơn 3 năm có lẻ vào một đêm cuối đông chợt thức tỉnh nhận ra tự thân chưa từng sinh ra, đạt sự vô ưu bất tận. Sau một khoảng thời gian đủ lâu nếm trải niềm an lạc làm xác chết, cây khô giữa đồng chợt nghĩ tưởng đến từ bi tâm của Phật Thích Ca nên sinh lòng hổ thẹn “Nếu không chịu sống thì chết đi cho bớt chật đất”. Duy có điều duyên tận chưa đến nên latuan đành lập “am tranh, vách lá” mở cửa tùy duyên tiếp người. Đến nay cũng tạm xem đã không cô phụ Phật Thích Ca.
Thời gian thấm thoát trôi qua latuan cũng nghĩ đã đến lúc dừng lại, lui về sau ngơi nghỉ. Lại nghe Nhân điện - Điển quang - Tâm ấn - Pháp luân và việc náu loạn vô phép của cõi giới vô hình nơi nhân gian khiến latuan thêm một lượt vào đời khất thực.
Nếu bảo latuan vì danh, vì lợi, vì ngã, vì tham, vì sân, vì si, vì mạn,… mà “lòi mặt chuột” thì latuan cũng đành không tự ti, mặc cảm mà khẳng khái nói rằng “Thiên thượng, thiên hạ duy ngã độc tôn”. Dẫu rằng mượn lời của Phật Thích Ca từng thể hiện nhưng latuan tự biết lòng không hổ thẹn.
Nếu chủ nhà thấy chướng về đại ngã của latuan thì hãy giáng cho latuan một gậy cho chết tươi để latuan trở về vô ngã. Nếu được như vậy thì thật đáng quý cho latuan.
Thôi quay lại chính đề liên quan đến bài viết của chủ nhà.
Dựa vào kiến văn dàn trải của chủ nhà thì latuan tôi cạn nghĩ việc học của chủ nhà về tâm linh, tôn giáo cũng vào hạng uyên bác kim cổ, tôi tạm xem chủ nhà là học giả vậy. Vì rõ biết chủ nhà do mến tiếc người đời, sợ e người đời lầm đường, lạc bước sa vào tà đạo mà ảnh hưởng đến nghiệp nhân quả, việc tu hành, đời sống,… nên chủ nhà mới mở lời cảnh tỉnh, bảo ban. Tấm lòng của chủ nhà khiến latuan thật lòng cảm phục.
Nhưng latuan vụng về nói thẳng “Nếu chủ nhà cho rằng việc làm của nhóm người tạo ra nhân điện, điển quang là sai trái, là trục lợi, làm loạn chánh đạo,… những việc làm hoàn toàn sai” thì latuan cũng xin hỏi thẳng “Chủ nhà có dám chắc rằng những lý luận “bắt lỗi” người của chủ nhà là luôn đúng, và việc làm trên của chủ nhà là không hề có sai sót không?”.
Thiết nghĩ, nếu dựa vào việc giúp con người quay về hướng thiện, sống với tình thương bao dung thì không hẳn đã hoàn toàn sai. Dù có sai thì trong sai vốn đã có đúng. Hơn nữa cho dù thầy xấu không hẳn tất cả trò đều hư, hoặc dù trò có hư thì không thể bắt lỗi rằng do họ có người thầy rất xấu.
Con người chẳng phải tiến bộ là do biết hối cải, biết sữa chữa, khắc phục những lỗi lầm?
Dựa vào khả năng học giả trên phương diện tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo để luận việc của hành nhân, hành giả, về các cõi giới, các yếu tố tâm linh vô hình liệu có thể chạm đến điểm tột cùng của sự thật? Việc làm đó liệu có là việc làm chuẩn mực, luôn đúng mà một vị học giả có thể làm tốt không?
Dựa vào lập ngôn của chủ nhà thì latuan cả nghĩ chủ nhà không chỉ là học giả mà còn là một hành nhân, một hành nhân chưa thấu triệt hoàn toàn để làm một Giác giả. Vậy nên một hành nhân chưa hoàn toàn liệu có thể có được cái nhìn đúng thật, khách quan mà không còn trói vào cái tôi - cái bản ngã chủ quan để xét đoán tận cùng việc làm và chân tướng một hành giả bị rơi vào đại ngã không?
Dẫu biết rằng là vì người mà lao tâm, không vì tranh hơn, luận thắng mà biện giải. Tuy nhiên, nếu biện luận đúng mực, chuẩn và dồn người vào đường cùng để người sáng mắt thì thật tốt. Nhưng nếu trưng ra những bằng chứng không chuẩn, thiếu tính thuyết phục phải chăng sẽ tạo ra những tranh cãi không hồi kết và không đi về đâu? Kết quả là tất cả đều nặng nề.
Chủ nhà đã luận về vấn đề tâm linh, về những vấn đề siêu hình,… mà dùng cơ sở khoa học chủ quan ngày nay biện giải thì liệu có đúng mực? Vì sao?
Vì khoa học hiện nay vốn không đội trời chung với vấn đề tâm linh siêu hình.
Phản biện này của latuan xin hỏi chủ nhà có chỗ nào lầm lỗi? Nếu có mong chủ nhà đoái thương “mở mắt” giúp thì thật là có ơn trọng với latuan.
Còn về pháp tu tánh, luyện mạng qua cách luận giải của chủ nhà thật sự đã có lỗi lớn. Pháp tu này kỳ thực chẳng do Sơ Tổ Đạt Ma đem từ Ấn Độ qua Trung Quốc. Theo lời chủ nhà pháp tu được truyền thừa qua 6 đời Tổ, đến đời Lục Tổ Huệ Năng thì được rộng truyền trong chốn tòng lâm là điều không tột lý.
Người học Phật chân chính chỉ cầu giác ngộ, giải thoát hoàn toàn, rời xa luân hồi thường chẳng lấy việc sinh tử làm trọng, tùy thuận sống sót, độ đời thì đâu có lý tham sống nhằm kéo dài mạng huyễn. Việc can thiệp nhân quả của mỗi người càng không thể tùy tiện xen vào, chỉ tùy duyên khai mở trí người mê, giúp người phát khởi bồ đề tâm, dấn thân đường chánh đạo. Thế nên không có việc 6 đời Tổ đam mê luyện tánh, tu mạng hấp thu tinh hoa trời đất nhằm sống thêm lâu.
Thêm một chi tiết bổ sung về Sơ Tổ, Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma vốn không thể là người võ nghệ kinh nhân, điều đó chỉ là ngụy thư, là truyện kiếm hiệp theo kiểu 3 thực, 7 hư và do phim ảnh làm rối mắt nhau. Thực tế là ngay trong chốn tòng lâm thời đó đã có người kỳ thị chủng tộc gọi Sơ Tổ là Tên rợ mắt xanh, và miệt thị là gã què. Sở dĩ Sơ Tổ bị gọi là gã què có thể vì Sơ Tổ ít khi đi lại, ưa thích tọa thiền và hậu quả của 9 năm ngó vách của Sơ Tổ tạo ra một gã què tạm xem còn sáng mắt nơi chốn tòng lâm. Vậy nên càng chẳng nên coi Sơ Tổ là người khai sáng pháp môn tu tánh, luyện mạng.
Pháp tu tánh, luyện mạng thực chất là sự hòa trộn của đạo Phật (Ấn Độ) và đạo Lão - Trang (Trung Hoa). Khi mà người học Phật không còn sáng rõ chánh pháp Phật Thích Ca, lẽ ra là hành chánh pháp nhằm rời xa sinh tử luân hồi kẻ hậu học mắt mù lại đi ham mê sinh tử “dối đời, gạt mình” tạo ra pháp tu tu tánh, luyện mạng rồi bảo rằng là của báu Phật Thích Ca. Nhưng chính thật là lối tu ngoại đạo, tạo ra tiên cảnh - xuất thế, thoát tục ra khỏi luân hồi 3 cõi kỳ thực là chưa từng thoát ra lưới mộng. Vì sao? Vì còn ham thân, ham sống,… mà còn sống tự khắc là còn chết. Thế nên, bảo pháp tu tánh, luyện mạng là của Phật Thích Ca là có lỗi lớn. Đừng nên trong mộng nói lời mê.
Ngay cả Tinh - Khí - Thần cũng không là sản phẩm của Phật Thích Ca. Dù vậy cũng không thể nói Tinh - Khí - Thần không thuộc đạo Phật nên là sai thì lại vấp lỗi lớn, là đại vọng ngữ. Phàm việc gì làm lợi ích cho người thì không thể tùy tiện nói là làm sai, vì trong sai vốn có đúng, trong đúng vốn có sai vậy.
Vía, phách, Phật mẫu,… cũng là sản phẩm của ngoại đạo và có lẽ ngoại đạo chưa từng chỉ rõ lối thoát cho vía, phách rời xa 3 cõi nên dùng vía phách làm cơ sở biện luận càng thêm rối trí người.
Vậy nên dùng luận thuyết của chủ nhà “điểm chỉ” nhân điện, điển quang cơ hồ… tựa như bị vô hiệu.
Đối với điển quang, nhân điện,… latuan tôi vốn không mấy quan tâm nhưng vì đi đường bị vướng dây nên thôi cũng tiện tay dọn dẹp.
Muốn động đến nhân điện, điển quang thì vô hình chung latuan lại phải chạm đến những vị hành giả cao niên. Thiết nghĩ những năm gần đây, sợi dây vô hình nơi thế giới tâm linh bị người đời vô trí giành giật lung tung khiến cho lũ chúng sinh nơi cõi giới vô hình phóng túng làm càn,… gây rối loạn 3 cõi. Thật là đáng tiếc!
Nào là thiền vô vi, điển quang, nhân điện, pháp luân công, rồi tâm ấn cách không thủ,… nghe cứ như là phong thần truyền kỳ tái xuất giang hồ. Nếu bảo điển quang, nhân điện là có thì Tâm ấn cách không thủ, Pháp luân thường chiếu đâu dễ bảo rằng không. Lý giải điển quang, nhân điện như trên thì định nghĩa pháp luân, tâm ấn sẽ là gì cho hợp tai, phải lẽ? Phải chăng rối càng thêm rối? Rồi mai này lại có thêm một vài sản phẩm Phong thần tiếp tục ra đời chỉ e người trí cũng hóa khùng.
Thật ra các món trên vốn chỉ có một nguồn gốc từ vô hình mà khoa học nhúng mũi vào gọi là năng lượng vũ trụ cùng trường sinh học cá nhân. Bảo chúng là 1 cũng không đúng, bảo chúng là 2 cũng chẳng phải. Do vậy trong người luyện nhân điện vốn có điển quang, trong người luyện điển quang vốn có nhân điện. Thật sự không có sự tách rời hoàn toàn và riêng biệt, điển quang - nhân điện chỉ do cách dùng và tâm phân biệt mà có sự khác nhau.
Khi hợp nhất thì năng lượng vũ trụ và trường sinh học con người làm sao mà phân biệt? Đều là những thứ vô hình và phân biệt làm gì cho mệt óc?
Chỉ nên dựa vào mục đích sử dụng mà tạm phân tà chính cũng như việc theo và không theo. Một số người dùng điển quang, nhân điện chân chính dựa vào sự cộng hợp trường sinh học giúp người hết bệnh thì cũng như việc chủ nhà lập môn quy dùng khí công y đạo cứu người. Việc này dường như không có lỗi. Còn việc mà môn đồ hay tông chủ làm sai chánh pháp, rơi vào hám danh, trục lợi thì cũng là lẽ thường. Chủ nhà có dám khẳng định rằng sau này số môn đệ của chủ nhà không rơi vào đường tà, lối rẽ, “dối trên, lừa dưới”, gồm thâu lợi dưỡng, lợi danh. Nếu không thể khẳng định thì việc bắt lỗi người nên chăng hãy xét lại nơi tự kỷ.
Đưa người đành đưa qua sông
Tiễn Phật cũng nên tiễn  tới miền cực lạc.
Muốn hạ bệ nhân điện, điển quang với latuan là việc úp bàn tay, ngửa bàn tay. Tuy nhiên, việc làm phải khế hợp, tùy thuận.
Xét lại các vị Tông chủ của nhân điện, điển quang, Pháp luân công, Tâm ấn,… họ là ai, mục đích và việc làm của họ cần nghiêm túc mổ xẻ, đánh giá.
Tông chỉ và điểm đến của pháp hành ở các pháp tu cần phải rõ ràng. Cứu người hay lợi mình cần phải rạch ròi. Thật không thể lờ đờ nước đục.
Có lẽ khó thể nhận biết mục đích của các trường phái nhân điện, điển quang, pháp luân công, Tâm ấn,… là gì? Vì lẽ nếu bảo là tôn giáo thì không đúng, bảo con đường tu đạo tìm sự giải thoát thì tựa hồ chẳng phải, là một tổ chức xã hội, một tổ chức từ thiện, một tổ chức thiện nguyện cứu giúp người,… cũng lại chẳng thật giống…
Một hệ thống làm việc mà không rõ tông chỉ, mục đích,… thì kết quả sẽ là sự tan rã. Và thực tế là đã có sự va đập, đổ vỡ,…
Có vẻ như cả 4 trường phái trên cùng lấy mục tiêu tình yêu thương, tiến tu làm chiêu bài hành pháp. Và dường như cũng có rất đông những người theo học, việc dùng năng lượng vô hình cũng phát huy những hiệu quả thiết thực. Vậy nên hiển nhiên đây là điều có thật, nằm ngoài sự hiểu biết tạm thời của khoa học hiện tại. Vì lẽ đó nên Tông chủ của 4 pháp tu này vốn là một hành giả. Tuy nhiên, hành giả lại có nhiều cấp độ. Có không ít hành giả chỉ là hành nhân, có người trội hơn 1 ít nhưng để đạt đến hành giả chuẩn thì dường như tất cả đều không đạt.
Vì sao?
Vì việc làm của họ đều vướng nơi Đại ngã, tâm còn lắm mong cầu. Vậy nên họ không thể là 1 vị hành giả đúng mực hay nói đúng hơn họ chưa bao giờ là một vị Giác giả hoàn toàn.
Thoạt nhìn thì có vẻ như Pháp luân, Tâm ấn, Điển quang, Nhân điện,… là rất khác nhau. Cụ thể là nhân điện nói đến việc ban phát tình thương thánh thiện, điển quang nói đến pháp tu vô vi, Pháp luân công thì nói về Chân Thiện Mỹ, Tâm ấn với tốt đời, đẹp đạo… Cách hành pháp, mục đích ra đời bộc lộ ra bên ngoài ở các hệ thống tổ chức trên đều thể hiện tiêu chí vì người và dường như có rất nhiều sự sai khác giữa các tổ chức. Nhưng kỳ thực đều ẩn tàng mục đích tối hậu là tìm về sự giải thoát cho chính học viên và Tông chủ. Vai trò của Tông chủ được đặt lên cao tột, nhằm tạo ra hấp lực tín tâm. Thượng đế được đặt ở vị trí tối cao và vị Tông chủ là người có khả năng gắn kết cùng truyền dẫn tín hiệu. Dường như có một thực chiêu được che giấu trong dụng tâm của một vài vị Tông chủ đó là chiêu “Mượn hoa dâng Phật” nhưng Phật không có giá trị sử dụng đối với các vị Tông chủ nên đây chính thật là kỳ chiêu “Mượn hoa dâng Thượng đế”. Một vài vị Tông chủ lại có dụng tâm “mượn đạo, tạo đời” gồm thâu lợi dưỡng, lợi danh,… Sở dĩ họ làm như vậy là vì họ tin rằng họ đang đi đúng hướng, đang rất tiến hóa, không thể lui sụt và đã gần kề với sự giải thoát hoàn toàn. Với những vị Tông chủ có bụng dạ như thế bạn sẽ dễ dàng nhận ra chân tướng thông qua việc gom góp tài sản, của cải, bạc tiền và người tình,… Vì sao? Vì đã gần đến sự giải thoát rồi mà còn tích lũy tài vật, gia sản để mà làm gì về nơi giải thoát hoàn toàn làm sao mà xài được.
Điểm qua giáo lý của 4 vị và cả cách hành của Tông chủ cùng đội ngũ kế thừa thì bạn sẽ dễ dàng nhận ra chúng gần như có chung một nguồn cội. Một sự góp nhặt chấp vá, giáo lý kinh điển của các tôn giáo truyền thống thừa nhận có Phật, có Thượng đế và Thượng đế là Đấng Tối Cao. Đây là yếu điểm chết người của những vị hành giả. Điều này giúp latuan nhận diện được họ ở tiền kiếp hoặc việc họ đang kế thừa là công việc của lực lượng, thành phần tôn giáo lâu xa nào trong quá khứ. Do vậy họ có thể là những người đã tu tiên của pháp tu Tánh mạng song tu với nguyện lực phổ độ chúng sinh của dòng tu Lão - Trang (Trung Hoa), Cao Đài và Hòa Hảo (Việt Nam), họ đã trở lại và theo đuổi pháp tu ngày trước dù rằng họ không ý thức được điều đó. Hoặc là họ đã “bắt” tín hiệu với thành phần vô hình ở các nhóm Tu Tiên. Mộng trường sinh bất tử, mộng tiên cảnh nên họ cả tin Thượng đế là Đấng Tối Cao. Do có “ân oán” từ trước nên việc chạm đến vô hình được khai mở nhưng điều đó không đồng nghĩa với trí tuệ được khai mở, họ vẫn tiếp tục đi theo đường tà, lối cũ cùng nguyện lực phổ độ.
Tại sao tôi lập ngôn cho rằng họ chưa được khai mở tuệ giác?
Vì nếu thật sự khai mở tuệ giác họ đã không đặt Phật cùng Thượng đế chung 1 mâm và Thượng đế sẽ không thể là Đấng quyền năng tối thượng. Phật vốn là giả danh, vốn chẳng thật có vì đã giải thoát hoàn toàn thì sao có thể cùng Thượng đế phân ngôi cao thấp. Thật chẳng tột lý! Thế nên họ thật chưa chạm đến sự giác ngộ tận cùng, chỉ là hành nhân tỏ ngộ được chút ít.
Do được trợ giúp từ nguồn lực vô hình nên họ cả tin chính Thượng đế đã tương trợ và Thượng đế là cao nhất. Cảnh do tâm sinh nên cõi giới vô hình đã giả danh xác lập điều đó khiến họ càng thêm tin tưởng tín tâm. Việc làm cứu người là việc tốt nên họ đã gia tăng định lực và phổ truyền sự tín tâm đến chúng học viên và tạo ra hợp lực trường sinh học. Nhưng vì tâm ý học viên không đồng, dụng tâm lại có khác nên dẫn đến cảnh nồi da, xáo thịt. Đại ngã của Tông chủ cũng được chúng học viên kế thừa, phát huy. Cùng với việc nhúng mũi làm càn của lực lượng vô hình dính mắc tác động vào hệ tư tưởng, tinh thần của những học viên đã khiến cho các hệ thống tổ chức ô hợp, manh múng trên càng thêm hỗn loạn, rối ren.
Tin rằng chính những vị Tông chủ ở trên thật sự không liễu nghĩa từ Giác Ngộ và việc Giải thoát hoàn toàn. Họ thật sự vẫn còn quẩn quanh chưa rời xa Tam giới và họ đang cố níu giữ một thành quả đã được gửi gắm nơi các môn đồ. Nhưng sự níu kéo này sẽ là vô ích, đại ngã nơi môn đồ sẽ sớm thoát thai một môn đồ, thậm chí chỉ là một đồ tôn “diệt Sư, khinh Tổ” không chóng thì chầy. Vì vậy họ không thăng thì cũng có lúc phải siêu.
Thật đáng tiếc! Nếu mãi hoài nuối tiếc thì làm sao có thể siêu thăng, đúng không các vị Tông chủ?
Can thiệp trực tiếp vào nhân duyên nghiệp quả của chúng sinh khác là điều mà hành giả, học nhân,… chẳng nên làm. Nhất là đối với những nẻo giới vô hình. Đó không phải là từ bi tâm, là tình thương mà là việc làm chạm vào lý nhân quả khách quan, công bằng. Việc làm dễ thường rước khổ não, tham sân si, nghiệp lực,… Đối với quy luật nhân quả khách quan thì người hành giả chỉ nên xử sự tùy thuận, khách quan và gián tiếp. Cụ thể là chỉ bằng vào việc khuyên giải, hướng dẫn, chỉ bày lối đi còn việc đi con đường nào thì phải do mỗi người, mỗi chúng sinh tự chọn lựa lấy.
Với những người học viên Nhân điện, Điển quang, Pháp luân công, Tâm ấn,… latuan mong rằng các bạn sẽ được tham khảo bài viết bên trên của chủ nhà, cũng như ít lời latuan bộc bạch ở bên dưới nhằm sáng rõ con đường mình sẽ đi sau này. Sống vì tình thương, vì từ bi tâm nhưng cũng cần đến trí tuệ sáng suốt để không đi vào đường cùng, lối rẽ. Hãy nên xác định sáng rõ, minh bạch mục đích và điểm đến sau cùng.
Hãy làm việc ban trải tình thương một cách thánh thiện, không vụ lợi. Hãy nên sống tĩnh tâm, buông xả, đừng để pháp trói sẽ dễ rơi vào ma đạo. Cũng đừng quyết liệt thoát ly, phần vô hình đang dính mắc vốn chẳng dễ dàng buông sẽ nắm bắt được tâm ý thoát ly và ra sức gây rối, làm phiền do vậy nên cứ thong dong, thư thả. Thời gian sẽ làm định lực của nẻo vô hình phò trợ phai nhạt, phát chán những học viên lười. Thế là … tự dưng lấy lại được sự tự chủ, an lạc.
Hãy hành trì quay về sự rỗng lặng, an tịnh của thiền định nhưng cũng đừng nên khổ luyện dụng công mọi việc làm cứ thư thả, tự nhiên.
Sống và ban phát tình thương - Thật là một cách sống đẹp rất nên được gìn giữ và tùy thuận. Người học nhân muốn đạt được sự giải thoát hoàn toàn, thanh thản, an lạc rất nên lưu tâm pháp xả. Phàm việc gì cũng có thể cầm lên được và buông xuống được đó là việc mà học nhân nên hành trì, tập buông bỏ dần những dính mắc, cột trói.
Việc giải thoát hoàn toàn bảo dễ thì thật không dễ, bảo khó thì cũng không khó. Điều cốt yếu là có rõ con đường, lối đi hay không mà thôi. Nếu rơi vào đại ngã và chấp giữ thì việc giải thoát sẽ chướng ngại, khó vượt. Nếu biết sống tùy thuận, hành trì buông bỏ Tham sân si mạn nghi, vì người quên mình thì việc giải thoát hoàn toàn cũng dễ dàng như hoa rơi, lá rụng,… Nếu sáng rõ lối đi và giữ vững chánh định thì sẽ có lúc hoát nhiên đại ngộ, tự biết đã qua sông dù còn bôn ba nơi hiện kiếp.
Latuan này không từng luyện qua điển quang, nhân điện,… nhưng do có ý vạch rõ sự chân ngụy nơi nẻo giới vô hình đã bị các vị ở cõi vô hình “bắt” được tín hiệu và đến “hỏi thăm” làm khó. Tuy nhiên, latuan xử sự khách quan, tùy thuận chánh pháp mà ra chiêu cùng với việc mở lời biện giải nên có không ít vị chấp nhận quay đầu, số không phục bỏ đi vì rõ biết không thể, không dễ làm khó latuan. Đây là lời thật latuan chẳng ham dùng huyền bí dối gạt 3 cõi mà thêm nhọc lòng latuan về sau. Cũng mong rằng những người mới đừng vì thế mà cuồng tin, mê tín.
Chạm vào vô hình, can thiệp tâm linh vốn chẳng có gì hay, chẳng do tài giỏi, không phải là việc đáng làm. Latuan không ít lần “đối mặt” với cõi giới này nhưng ít khi chủ động, đa phần chỉ do họ tự tìm đến mà ra sự việc huyền vi.
Không phải là latuan không thể tìm đến họ, nhưng latuan thấy “Tìm đến họ không đáng, không để làm gì” nên không tìm. Thế nên Latuan tùy khách đến đi mà tiếp, việc tiếp khách cũng đã mấy phen thời may là chưa đến nỗi bị mất mặt. Trước đã thế, sau này vẫn vậy với cõi giới vô hình latuan không móng cầu tìm gặp thường làm chủ tiếp người, ít làm khách viếng thăm người. Mọi sự tùy duyên.
Latuan đã nhiều lời nông nổi. Mong rằng chủ nhà thức tỉnh và đoái thương dòm qua latuan 1 cái xem thử latuan là Đống Phân Bò hay là người bạn khó chơi tham lam.
Nếu rõ biết tự thân còn nơi lưới mộng thì mong chủ nhà nghĩ đến câu “Quay đầu là bờ”, coi chừng và kiểm soát cái đại ngã nơi Thân - Khẩu - Ý.
Nếu những điều latuan nói là lời bẩn thì cảm phiền chủ nhà tùy tiện xóa sạch. Nhược bằng là liều thuốc đắng đáng uống thì chủ nhà cũng nên đề bút sám hối, việc làm giúp cho latuan học hỏi và bạn đồng đạo một phen được cởi mở tấm lòng. Mong rằng chủ nhà không vì giận, buồn mà xóa bài viết chính.
Latuan tùy duyên lạc lối nên nhiều lời e rằng sau này cũng ít dịp ghé sang làm phiền não chủ nhà. Latuan xin từ tạ. Chúc chủ nhà năm mới an lạc, khỏe mạnh, hạnh phúc và tinh tấn bồ đề tâm.
Nếu latuan vì muốn tranh hơn với chủ nhà, làm việc vì tư tâm thì latuan nguyện đọa địa ngục vô gián. Cũng xin chủ nhà đừng vì lời này mà cho rằng latuan hành theo hạnh nguyện của Địa tạng vương Bồ tát. Bởi do một mai nếu còn gặp Địa tạng vương bồ tát latuan sẽ tiếp tục hóa độ ông ta như đã từng hóa độ rất nhiều vị Phật, bồ tát vào niết bàn tịch diệt.
Đi như vầy nhiều khi khiến chủ nhà hờn giận, phiền não mà không có chỗ xả nên latuan sẽ viết lại địa chỉ am tranh để khi cần chủ nhà còn biết chỗ đặng hỏi tội kẻ xấc xược, doavouu.blogspot.com là chồi lá của tiểu bối hậu học.
Nếu latuan có chỗ đắc tội thì chủ nhà cứ sang tệ xá mà đòi lẽ công bằng. Nếu latuan tội nghiệp sâu nặng thì chủ nhà cứ việc đốt trụi am tranh, mái lá. Có khi nhờ am tranh bị hủy mà latuan được giải thoát cũng nên. Thế đôi khi lại thành hay - Trong họa được phúc.
Cảm ơn bài viết của chủ nhà! Bởi do bài viết của chủ nhà cùng 1 số tài liệu liên quan đến điển quang, nhân điện, tâm ấn, pháp luân công,… góp nhặt khiến latuan phải phát cuồng khai khẩu cho ra đời một bài viết không đầu mà lại có đuôi - Nhân điện, Điển quang, Tâm ấn, Pháp luân công - Hỗn độn âm dương.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: