Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Tài năng là gì khiến văn học bé?

 ( Đối thoại với nhà thơ Trần Đăng Khoa )

Nguyễn Hoàng Đức
Có thể nói, nếu đạo đức khiến cho một xã hội được sống bình an và nhân phẩm, thì tài năng là thứ nâng cao chất lượng đời sống của xã hội lên. Chẳng hạn, với tài nấu nướng của đầu bếp chúng ta được thưởng thức những món ăn ngon miệng, với tài năng của nhạc sĩ chúng ta được nghe những âm thanh thánh thót, với tài năng của họa sĩ chúng ta được ngắm những bức tranh lộng lẫy sắc mầu, với tài năng của nhà văn, nhà thơ chúng ta được nghe và đọc những áng văn thơ bất hủ, với tài năng của các nhà khoa học chúng ta có biết bao phương tiện trợ giúp cho cuộc sống của mình đỡ vất vả… nhưng tài năng có phải tự nhiên có như cây bưởi ra quả bưởi, cây na ra quả na? Chắc là không bao giờ, vì cây bưởi thì ra bưởi nhưng nếu chúng ta không trồng cây, thì cây ra bằng cách nào? Trồng rồi không tưới tắm, không bón, không tỉa cành nhặt sâu thì cây sống cách nào? Hay chúng ta chỉ có cây mọc tự nhiên và ăn quả dại? Nước biển có sẵn nhiều lắm, Việt Nam có hơn 3200 cây số bờ  biển, nhưng muối không tự có bằng cách chui ra khỏi nước biển, mà nó phải được con người phơi nước gạn lọc để làm muối!

 Bàn về tài năng, mới đây nhà thơ thần đồng Trần Đăng Khoa có trả lời phóng viên Mặc Lâm trên sóng RFA ngày 04/01/2014, có nói:
Mặc Lâm: Vâng thưa ông đúng là nhà văn khi ngồi vào bàn họ không nghĩ đến chủ nghĩa này chủ nghĩa kia nhưng cái mà họ nghĩ tới là làm sao tránh những cán bộ văn hóa nghĩ như thế… làm tự do của họ bị giới hạn trong khi viết…
Trần Đăng Khoa: Nếu gọi cái sự mất tự do thế này thế kia thì tôi nghĩ cũng không phải đâu. Trước đây cái thời của cụ Nguyễn Du còn kinh hoàng vì thời phong kiến mà. Thậm chí một tác phẩm viết như thế nào đó có thề làm tác giả bị tru di đấy chứ. Thế nhưng thời đó vẫn có một Nguyễn Du, có rất nhiều tác giả lớn và theo tôi tôi cho vẫn là tài năng của nhà văn, cái đó quyết định hết tất cả.
Chúng ta không có những tài năng mới, chúng ta không có được ngòi bút lớn không có tài năng chinh phục độc giả thì làm sao ta có thể ra được với thế giới. Tôi nghĩ tất cả nguyên do từ đấy thôi.
Theo Trần Đăng Khoa thì “tài năng nhà văn quyết định tất cả”. Có đúng không? Sở dĩ tôi muốn bàn vào vấn đề này, bởi lẽ Trần Đăng Khoa đại diện cho rất nhiều thậm chí tất cả đội ngũ nhà thơ vẫn ăn và còn luyến tiếc ăn tem phiếu bao cấp khi được hỏi về môi trường sáng tạo Việt Nam thì đều đổ cho “tất cả là tài năng”. Đây là đặc trưng sai lầm của tư duy “duy vật ấu trĩ” chỉ có ở Việt Nam. Việt Nam trong nhiều thập kỷ chọn Chủ nghĩa duy vật, nhưng sau đó chúng ta phát hiện, người Việt đã rơi vào “duy ý chí” nặng nề, duy ý chí cũng chính là Duy tâm, trong khi chủ nghĩa Mác nói “Hiện thực Khách quan quyết định chủ quan” thì mấy anh cán bộ văn thơ còi trí tuệ lại bảo “tài năng quyết định hết tất cả”. Nói thế khác gì bảo “chủ quan quyết định tất cả”?!
Giờ chúng ta hãy thử bàn vào một câu chuyện đơn giản dễ hiểu bậc nhất của Đức Phật để không thể à uôm. Đức Phật hỏi một môn đồ:
-         Anh có thấy cái cây ở ngoài sân kia không?
-         Có!
-         Cái nhìn ở mắt anh hay ở cái cây?
-         Ở mắt tôi!
-         Giả sử bây giờ không có cái cây đó, thì mắt anh nhìn nhưng có thấy không?
-         Không!
-         Vậy cái nhìn của anh ở đâu?
-         Ở cái cây!
-         Vậy anh thử nhắm mắt vào xem có thấy cái cây không?
-         Không! Cái nhìn cả ở mắt tôi và cả ở cây.
-         Vậy giờ nếu mắt anh vẫn nhìn, cái cây vẫn ở đó, mà trời tối đen như mực thì mắt anh có thấy cây không?
-         Không!
-         Và nếu ngay lúc này, người ta đóng cánh cửa lại, thì anh có thấy cây không?
-         Không!
-         Vậy cái nhìn thấy cây ở đâu?
-         Tôi không hiểu!
Đức Phật liền giảng giải: anh muốn thấy cây, tức anh phải có chủ quan, có cái cây kia – tức là có khách quan, nhưng nếu không có nhân duyên là ánh sáng, hay cửa mở anh cũng không thấy cái cây. Vì thế mọi sự ở đời luôn cần có: chủ thể, khách thể và nhân duyên. Giống anh và tôi hôm nay nói chuyện ở đây, lúc này, vì có chủ, có khách, có cơ hội, có địa điểm, nghĩa là có cả nhân duyên cho chúng ta gặp gỡ…
Trần Đăng Khoa và nhiều người nói “tất cả là tài năng” là cách đổ tội cho các cá nhân. Giờ thử hỏi TĐK, tại sao nhiều người nói tài năng của Hội Nhà văn hiện nay mỗi ngày một lão hóa? Chẳng lẽ thế hệ trẻ vẫn chưa được đẻ ra, nghe nói dân số nước ta tăng không ngừng mà, chẳng lẽ điều này không đúng? Đã có bao giờ lãnh đạo Hội ra báo động không ngừng về cái gọi là nguy cơ đổi gác chưa? Và lời báo động này có nấp sau báo động chính trị, hoặc tìm cách đồng hóa vào chính trị để ẩn nấp không? Nếu ngành nghề nào muốn trẻ hóa cán bộ hay tìm người kế nhiệm mà cứ bị buộc tội là “đổi gác” thì ai dám làm, và có phải như vậy cơ quan chỉ còn toàn các ông bà già cứ phải giả đò móm mém cười duyên để diễn vở: vì không có ai nên chúng tôi phải diễn tích cải lão hoàn đồng?
Có một phương ngôn “Năng lực của người ta sẽ trở nên không giới hạn, nếu người ta được phát huy hết cỡ sở trường của mình”. Thử xem, mấy anh nhà thơ rặt rẹo cứ được trải chiếu vàng đăng đi đăng lại thơ nhạt của mình trên báo, rồi tăng chức, rồi ẵm giải, có phải báo Văn Nghệ đang báo động tình trạng sụt giảm vì lý do “các nhà văn, nhà thơ giỏi không chịu gửi bài” là có thực, hay là vì các ông cứ đem sắn khoai nghê nga cây nhà lá vườn hết đát “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” lên sân nhà bao cấp phơi, nó mới thành như vậy? Nếu không phải vì lý do này thì lý do nào?
Tất cả do tài năng ư? Cứ cho là vậy. Nhưng tài năng là gì chứ không thể à uôm theo cách nói của mấy ông bà nông dân. Hãy xem nông dân, từ muôn đời nay, khi trồng cấy người ta đều áp dụng phương châm: nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Giờ thử hỏi một anh cơ khí, anh ấy bảo: “tất cả vấn đề của xe là tốc độ” có nghe được không? Muốn có tốc độ, người ta phải: nâng cao công xuất của máy, theo đó lốp phải chịu lực hơn, phanh phải ăn hơn, đi đêm đèn phải chiếu xa hơn.
Giờ hỏi đến tác phẩm lớn, anh nhà thơ bảo “tất cả do tài năng”, vậy “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” anh tính sao? Văn học là nhân học, triết gia Platon xác định: đạo đức là vấn đề cao nhất của con người. Tài năng chẳng là gì cả nếu người ta không rèn luyện đạo đức. Có phương ngôn “Khoa học không có lương tâm chỉ là táng bại về linh hồn”.
Nhưng cứ bàn riêng về tài năng. Có phương ngôn “văn ôn võ luyện”, văn hay võ mà không ôn và luyện tập thì thành cái gì? Người phương Tây có phương ngôn “Bí quyết của thành công là luyện tập”. Nếu không luyện tập chắc chắn không ai thành công cả. Dù là thần đồng Mozart hay Beethoven cũng luyện tập suốt ngày, và chính Trần Đăng Khoa là bản mẫu hùng hồn nhất về cái gọi là chỉ sống bằng thiên bẩm tự có không rèn luyện người ta khó mà vượt qua kích cỡ của thứ “anh hùng trẻ thơ”.
Tài năng nhà thơ Việt ở cỡ nào? Nói về ngoại ngữ cho dễ hiểu, có bao nhiêu người biết tiếng Anh?… Khi hãng dầu khí Total muốn tuyển một người Việt dưới 25 tuổi biết cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp, khắp miền Bắc không ai lọt cửa… đủ thấy trình độ của người Việt rồi. Thế còn bao nhiêu môn học khác, nào âm nhạc, hội họa, triết học, thần học, hay mỹ học là cái gần gũi nhất với dân làm nghệ thuật, rồi tôn giáo, theo thống kê 90% dân Việt vô thần, còn các nhà văn có đến 95% vô thần. Vậy các vị đào luyện tài năng bằng cách nào hay chỉ có mấy câu chữ nghê nga bẻ vần thành mấy mẩu thơ cảm xúc. Theo triết học không cãi được, cảm xúc chỉ là con ở của lý trí mà thôi, vì thế các tác phẩm thơ ngắn tũn, thường ít hơn một trang giấy của người Việt chỉ là cảm xúc “hầu đồng” mua vui được chăng hay chớ. Chúng đã bao giờ biến thành vở kịch sục sôi sân khấu cuốn theo cả trăm diễn viễn và hàng triệu khán giả? Chúng chỉ để ngâm nga trong vòng vài tiếng suýt xoa bên tách trà hay ly rượu nhạt.
Tại sao chúng ta cần bàn rõ vào tài năng? Bởi nếu chúng ta cứ áng chừng thì mãi mãi chúng ta không thể nào minh định muốn tiến đến tác phẩm lớn phải luyện tập những gì? Dù sao cũng cám ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa đã tạo cảm hứng cho tôi để viết bài này.
NHĐ  20/01/2014

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: