G
|
ã
đã gặp may. Người ta bảo rằng những kẻ vừa ở chốn lao tù ra đời thường gặp may
như thế. Kiểu như nắng mãi rồi phải có lúc gặp trời mưa. Nắng mãi, mưa mãi những
người như gã khó lòng tồn tại. Mà cũng chẳng riêng những người như gã. Phần
đông nhân gian cũng đều như vậy cả. Vận, hạn của kiếp người giống như bốn mùa
liên tục đổi thay. Phúc hoạ luôn như ngày đêm chuyển đổi. Không như thế lúc này
gã không biết xoay sở thế nào để sống.
Mọi khi ở nhà chỉ có hai bà cháu, tằn tiện chắt bóp qua
ngày, lượm lúa, quả ngô nhặt được trên đồng cũng đủ rau cháo ngày hai bữa. Nuôi
thêm con lợn con gà dành dụm chút quà mọn mỗi lần thăm gã. Còn thêm phần bát gạo,
nắm rau cho ông cậu đông miệng ăn. Sống nơi đồng rừng đất đai rộng rãi cho tới
giờ ông vẫn chưa thoát cảnh nghèo. Vẫn thường xuyên đứt bữa. Tiếng là nông dân
ông vẵn chưa thạo cày bừa, tính toán làm ăn như người trên trời rơi xuống. Cả đời
làm cán bộ, chỉ lo việc lớn. Toàn là chủ trương, đường lối, chính sách, tiền
nong. Ông không giỏi làm những công việc cụ thể như trồng trọt, chăn nuôi để kiếm
ra đồng tiền. Bà vợ chỉ được mỗi cái hiền lành, lành quá hoá độn, không biết
trao trác, buôn bán kiếm đồng mua gạo. Người ta lên rừng, dân khai hoang chỉ
đôi năm là dễ chịu. Ông bà lúc nào cũng như vừa mới lên. Lúc nào cũng sơ sài tạm
bợ. Xoay đằng trước ra đằng sau mỗi ngày mỗi bế tắc.
Người em trai những ngày anh chưa về ở riêng. Ngôi nhà xin
mẹ dỡ về dựng mãi cuối thôn. Thôn đồng rừng xa hàng cây số. Hai vợ chồng hăm hở
làm ăn. Chồng xuất ngũ về hưởng một tý chính sách nên cũng đỡ. Nhưng trời chưa
cho khá. Lũ con trứng gà trứng vịt chưa biết trông nhà. Bố mẹ đi lên nương,
chúng ở nhà nghịch lửa. Mới tháng trước
hoả hoạn thiêu trụi hết nhà cửa, giống má, quần áo chỉ còn một bộ mặc trên người.
Còn đang lo đến từng nhà trong thôn xin cây tre về làm lại chỗ ăn chỗ ở.
Nếu có khá cũng chưa chắc giúp đỡ được gì. Thằng chồng thì
im ỉm vẻ hiền lành. Con vợ tác quái, mồm nhọn như mũi dùi, luôn nỉ non với chồng
về chuyện con đẻ, con nuôi. Gây hiềm khích với nhà chồng. Lòng thương người của
bà mẹ nuôi trở thành mối oán giận.
Chỉ tiếp xúc vài lần gã nhận ra điều ấy ngay. Anh em sống với
nhau cả thời thơ bé quý hoá nhau không khác gì ruột thịt. Người ngoài không ai
biết ai là con đẻ ai là con nuôi. Nợ từ kiếp nào, kiếp này bà mẹ quý nó còn có
phần hơn con đẻ của mình. Bà thương nó xấu số thiệt phận từ lúc chào đời. Bố mẹ
đứt ruột đẻ ra không thương tiếc. Bà thiếu sót với nó lại sợ miệng tiếng bạc
đãi với đứa con không phải mình sinh ra. Sợ nó tủi thân.
Vào cái thời mà ruột thịt còn không thương được nhau thì
trách gì kẻ khác máu tanh lòng. Gã cay đắng nhận ra như vậy.
Thực ra thì trời không bỏ ai. Cho dù có lúc trời éo le trăm
nỗi. Như đã nói gã đã gặp may. Không phải là nhặt được tiền ai đó đánh rơi.
Cũng không phải có mạnh thường quân nào cưu mang giúp đỡ. Gã đã gặp một cơ hội.
Với người khác có thể chả là gì, chỉ là những khúc củi trên rừng. Nhưng với gã,
gã mừng hết đỗi, như vớ được vàng. Cả một vạt rừng mỡ, bồ đề miên man trước nhà
người ta khai thác để trồng lứa cây mới. Gỗ cây gã chẳng hy vọng gì, kể cả việc
đốn cây để kiếm đồng công. Nhưng cành ngọn là thứ người ta bỏ lại. Đó là món hời
cho những người dân trong vùng trong đó có gã.
Không biết khi xưa đức phật ngồi dước gốc cây bồ đề tâm trạng
của người buồn vui thế nào? gã ngồi bên gốc cây bồ đề với tâm trạng phấn khích
vô cùng. Những gốc cây bồ đề cao gần một thước do sự ngay lưng của công nhân
lâm nghiệp. Người ta đã cắt cao như thế để đỡ phải cúi lưng và dễ chạy kia cây
đổ. Chính những gốc cây này về sau là nguồn sống của những người làm nghề Thạch
Sanh, quanh năm sống bằng nghề kiếm củi.
Người ta chỉ cắt phần thân thẳng, tròn đều, dùng trâu kéo
ra bến gỗ. Phần ngọn và cành bỏ lại.
Gã thấy bố con ông Chỉ xúm xít dùng cưa, dùng dao cắt ngọn,
chặt cành. Cả những người trong xóm cùng kéo nhau lên đồi, cười nói vang động cả
khu rừng.
Mẹ gã bảo:
- Lâm trường khai thác. Người ta cho thu ngọn và cành. Con
mới về còn yếu, không thì cũng kiếm được chút tiền.
Gã nói:
- Sợ người ta không cho, chứ con ốm đau gì đâu.
Gã tìm khắp nhà, có độc con dao quắm. Con dao bỏ lâu lưỡi
mòn chỉ nhỏ bằng hai ngón tay. Gã mài một lúc, lưỡi nó sáng lên, nhưng con dao
nhẹ quá, chặt cây không phải lối. Hì hục mãi, gã mới chặt được đoạn ngọn. Con
dao nhẹ chủ yếu phải dùng sức, cũng chẳng ăn thua là mấy. Lưỡi dao cứ nhảy tâng
tâng. Bàn tay phồng rộp mới chặt được vài đoạn. Giá mà có con dao sắc cầm đằm một
tay chút thì đỡ vất vả. Chầy chật như thế từ sáng tời trưa, gã cũng chặt, bó lại
và chuyển được hơn chục bó củi. Được như thế là vì từ chỗ khai thác về tới nhà
chỉ vài trăm mét. Bữa cơm trưa hôm ấy gã ăn rất ngon miệng mặc dù chẳng có gì
ngoài canh rau bí hái trong vườn. Thấy con làm vất vả bà mẹ đập vào đấy thêm quả
trứng.
Tự dưng gã thấy lâng lâng bởi những ý nghĩ lan man. Ai đó
nói rằng: " Lao động làm cho con người tư do. Tư tưởng làm cho họ trở
thành cao quý ". Điều đó quá đúng với hoàn cảnh của gã hiện thời. Chẳng
sung sướng gì ngày hai buổi leo đồi, nhưng ít nhất mỗi ngày gã cũng kiếm được yến
gạo. Lo được cái ăn cho cả nhà. Con gái gã không phải có hôm nhịn đói đến trường.
Gã sẽ mua sắm được vài thứ. Trước mắt cái gì cũng thiếu, gian cửa gian nhà là
thứ to tát chưa làm được đã đành. ít nhất phải có cái giường nằm, cái chăn cái
màn tàm tạm. Hôm hai mẹ con Tâm đi, cô mang theo luôn cái giường lên nhà tập thể.
Mẹ gã bảo đó là cái giường cô ấy mua mang về. Cũng không đẹp đẽ gì, chỉ là thứ
đóng bằng gỗ xoan, để mộc. Nhà còn độc nhất cái giường thì hai bà cháu nằm. Nom
nó cũng xộc xệch. Cứ vài hôm bà cụ lại dùng hòn đá đâp mấy cái cho nó khít mộng.
Chắc cũng không được lâu.
Tạm thời gã trải chiếu nằm trên hai tấm ván canh của ông cụ
hàng xóm cho mượn. Ông cụ Mận cùng cảnh gã sống nuôi con. Bà cụ mất đã lâu. Anh
con trai đang học trường nội trú ngoài tỉnh. Ông cụ có mấy con bò thỉnh thoảng
chăn gần nhà gã. Cụ thường ghé vào khi cho cái rổ mới đan, khi nắm lạt hồi gã vắng
nhà.
Người đời không phải ai cũng vô tình cả. Suốt quãng đời
gian truân gã gặp không ít những người tốt mà cử chỉ của họ khiến gã rưng rưng.
Gã đang chuẩn bị đi làm buổi chiều thì ông cụ lại đến. Ông
nhìn con dao gã đeo bên người có vẻ ái ngại. Ông bảo:
- Hẵng còn sớm. Cậu đợi tôi một chút. Bên nhà có cái cưa
tôi không dùng đến. Để tôi về lấy cho. Dao dựa thế này thì làm ăn gì.
Trời vẫn còn sớm thật. Mùa này thôi nắng sớm, nhưng vẫn
chưa thấy ai lên đồi. Gã bảo:
- Ông cho mượn để con theo sang, ai lại để ông đi đi lại lại
vất vả.
Ông lão cười đỏ lợi:
- Sang tôi chơi chút cũng được. Tiện thể cầm mấy quả mướp về
cho bà lão nấu canh.
Gã thầm khâm phục ông cụ là người làm ăn cơ chỉ. Chỉ có một
mình mà nhà cửa ngăn nắp. Rào rậu kín đáo. Trong vườn cây cối tươi tốt, ngay
hàng thẳng lối. Thì ra dù cảnh ngộ có éo le đến đâu nếu người ta chịu khó vẫn sắp
xếp được cuộc sống căn cơ. Một ông lão gần bảy mươi tuổi mà vẫn sống ung dung
còn có tiền nuôi con ăn học. ông cụ cũng là người muộn đường vợ con. Chỉ duy nhất
người con chưa đến hai mươi tuổi. Có phải vì thế mà ông có sự đồng cảm với mình
không? Có thêm cây của buổi chiều hôm đó gã làm việc kết quả hơn. Gã bỏ qua đám
cành nhỏ, chọn những khúc ngọn cắt từng chữa một. Những khúc bồ đề cắt nhanh và
khi chuyển nhẹ hơn nhưng không bằng ngọn mỡ. Cụ Mận bảo chịu khó vác nặng một
chút nhưng mang về thị xã bán được tiền hơn. Người ta tận dụng làm đồ lặt vặt.
Bồ đề thì chỉ để làm củi. Ông cụ là người ở đây lâu năm kinh nghiệm ông cụ biết.
ông cũng nói thật lòng. Không phải như bố con lão Chỉ Đen. Bề ngoài thì thế nhưng
lão khoảnh lắm. Lão gợi ý cho anh chỉ nên lấy bồ đề khi đóng mảng không bị chìm
như anh mỡ tươi. Không, chìm gã không ngại. Gã đã nhìn thấp thoáng những bụi nứa
dọc khe suối. Khai thác đại trà thế này, nứa không ai giữ. Đằng nào cũng phải
phát quang hết rồi mới trồng mới được. Gã sẽ đóng thành mảng, nứa cụm thành hai
bó. Sẽ có một cái mảng nổi không sợ chìm. Cuối chiều, áo quần gã ướt đẫm như vừa
gặp mưa, mồ hôi rịn cả chân tóc. Thấm mệt, gã ngồi nghỉ nhìn lơ đãng ra ngoài mặt
sông. Giữa dòng một mũi bè dài hàng trăm mét đang xuôi dòng. Những đạy gỗ hình
chữ nhật nối tiếp nhau bằng những sợi song uốn theo dòng nước. Đầu và cuối bè
có những người đàn ông cởi trần, đánh độc quần đùi đang ra sức chống chèo. Chỉ
cần bè đi lệch luồng một chút có thể mắc cạn, hoặc đứt đoạn vài đạy. Lại phải dừng
lại đóng gói mất hàng tuần. Vì thế họ luôn mồm inh ỏi gọi nhau mồng, lái sau
cho phối hợp. Không có chuyện ông chằng bà chuộc trong nghề sông nước. Gã thầm
nghĩ: Trời lặng, sóng yên mà người ta còn hò hét như thế. Khi lên thác xuống gềnh
thì sẽ ra sao nhỉ? Lại nhỡ không may giông gió, mưa bão? Chả thế mà có câu ca:
" Thứ nhất là mồ côi cha
Thứ nhì gánh vã thứ ba Sơn Tràng
"
Cái nghề Sơn Tràng luôn gắn liền với sông nước. Trong ba nỗi
cơ cực nhất ở đời thì cái thứ nhất gã đã từng trải qua. Cái thứ nhì cũng từng nếm
trải những năm trong tù. Còn cái thứ ba là cái vài ngày nữa thôi gã sẽ được biết
phong vị của nó. Thoáng một chút thương mình. Gã vội vàng đứng dậy. Mẹ gã có lần
nhắc một trong mười bốn điều dăn của phật: " Đáng sợ lớn nhất của đời người
là tuyệt vọng " gã biết bà nhớ không chính xác lắm. Đúng ra là phá sản lớn
nhất chứ không phải là đáng sợ lớn nhất. Nhưng mà ý nghĩa của nó có khác gì
nhau? Gã biết vào lúc này chỉ cần một chút chán nản là không có cơ gượng lại.
Con bè kia có thể sơ sểnh một chút mắc cạn, nhưng người ta còn có thì giờ để
đóng lại, để tiếp tục xuôi dòng. Còn với gã ở tuổi này còn vấp váp lần nữa sẽ
khó lòng đứng dậy. Dù khổ tới đâu cũng không được mềm lòng. Khôi hài một chút
là " Cứ cứng ". Công việc gã đang làm, xét cho cùng chỉ là công việc
đơn giản. Chủ yếu là dùng cơ bắp, chịu khó và nhẫn nại cộng với chút kinh nghiệm
vặt vãnh.
Gã là lính mới trong nghề sông nước tới đây. Mấy chục cây số
đường sông với bao hòn, vật không đơn giản. Nếu thông thuộc thì chỉ từ sáng tới
chiều là về tới bến ngoài thị xã. Đóng cón cho chắc, đi theo đúng luồng, xuôi
dòng nước chảy có thể coi là đi chơi đối với người thuộc từng bờ bãi hai bên
sông. Rẽ đường thuỷ không phải tới nơi rồi mới tránh. Phải biết bỏ sát bờ bên
này để tránh bên kia cả cây số mới qua trót lọt. Qua thác nước phải đánh mũi bè
cho thật chuẩn. Nếu không sẽ bị chui vào hàm ếch hoặc mắc ngõng cối xay, ra
không ra được, vào không vào được. Cái bè sẽ xoay tít như chong chóng rồi bị xé
tung ra từng mảng. Lớ sớ còn nguy tới tính mạng. Mùa này lũ không hung dữ,
nhưng cũng không phải vì thế mà coi thường. Lâu lâu lại có vụ đắm thuyền, lật mảng
cướp đi mạng sống của người đi sông.
Nhà gã ở gần sông gã biết, chẳng có đêm nào không nghe tiếng
người đi bè la hét, chửi bới nhau ngoài bến. đúng là cái nghề thuận dòng xuôi
gió thì chén chú chén anh. Khi lên thác xuống gềnh thì của anh, của chú... Đấy
mới chỉ là qua một bãi nổi giữa dòng. Mắc cạn vào còn xeo mồng, chống đẩy ra được.
Không phải vật mõm xấu hay hòn nanh sói. Không lành nghề, lại nhát gan thì chớ
nghĩ đến chuyện mượn đường sông nước kiếm ăn. Đành là đắp chăn chờ thời hoạ có
vận may nào chăng, hay chấp nhận bới đất lật cỏ, lam lũ rau cháo qua ngày.
Không. Gã không chấp nhận cuộc sống như thế. Dù khó mấy cũng
phải vượt qua. Có qua được đận này mới mong sáng sủa hơn ở những ngày sau. Giống
như con tốt trong bàn cờ bắt buộc phải sang hà nếu không muốn đứng yên chờ chết.
Ông cụ Mận là Người chu đáo, ân cần. Kinh nghiệm đi sông nước có bao nhiêu cụ
chỉ bảo cho gã cặn kẽ. Những năm còn khoẻ cụ từng đi bè xuôi về mãi Hà Nam, Phủ
Lý. Nhưng mà nó chỉ là kinh nghiệm trên lời nói. Thực tế nó khác hơn nhiều. Cụ
bảo vậy, ông cụ lấy làm tiếc là giờ sức yếu không đi được. Vừa thêm chút tiền
chuẩn bị cưới vợ cho anh con trai, vừa là ông con đi với nhau vài chuyến cho
vui. Khi xưa đi bè lậu, cứ nhằm những đêm tối trời mà đi. Chờ lúc canh khuya mới
dám qua trạm. Không những Nhà nước thu mất bè mà có khi còn bắt cả người nếu họ
vớ được. Đi đêm trên sông nhận ra luồng đường bằng đôi tai và nhớ độ đường.
Nghe tiếng nước réo ào ào là biết có hòn ở phía trước. Quãng nào tĩnh lặng là
chỗ nước sâu, bè đi chậm phải cố mà đánh xeo cho kịp thời gian qua trạm.
Ông bảo đi bây giờ như đi chơi. Ban ngày ban mặt không lo
gì vật, bãi. Vài đám củi cành không sợ kiểm lâm vày vò. Bất quá qua trạm biếu
con gà chai rượu, vài bao thuốc lá là xong. Đất có thổ công, sông có hà bá chuyện
ấy cũng là thường chẳng thời nào không thế. Ông khuyên gã nên theo lão Chỉ một
chuyến cho biết đường. Lão ấy khoảnh, chẳng giúp ai bao giờ những có tính ưa nịnh,
thích được người ta tâng bốc. Vừa ý, có khi lão còn moi cả ruột cả gan, chẳng
tiếc thứ gì. Chẳng thế mà có gã thợ xẻ đến cứ nhận bố bố con con. Lão sắm cho cả
xe đạp. Cái thằng mất dạy ấy chơi cho con gái lão phềnh bụng rồi mất tăm. Cái
nhà lá con con dựng ở góc vườn là làm cho đứa con gái ấy ở riêng. Mấy tay kiểm
lâm ở trạm thay nhau vào ra nơi ấy. Chính vì thế lão là đầu nậu lâm sản trong
vùng. Không có cánh đi bè nào tới đây mà không qua lão. Họ đặt tiền cho lão mua
hàng, nhờ lão lo thủ tục giấy tờ. Lão già thô kệch, chữ nghĩa sơ sài trở thành
một đầu mối quan trọng. Nhưng gã cảm thấy ngại. Tâng bốc và nịnh bợ là thứ gã
không quen làm. Không phải vì sĩ diện, đơn giản là gã không ưa, gã cảm thấy như
vậy có cái gì nhục nhã, tanh tưởi thế nào ấy. Tối nay gã sẽ sang nhà lão. Gã sẽ
không nịnh hót, không thổi phồng lão lên như có người từng làm. Gã chỉ thực thà
xin đi theo lão một chuyến. Tất nhiên của ai người ấy lo. Gã chỉ xin đi theo
lão cách một quãng phía sau, gã sẽ để ý lão làm thế nào sẽ làm theo như thế.
Như thể theo người lội sông để biết chỗ nào nông chỗ nào sâu.
ó
ó
ó
Nhà lão Chỉ có thằng con trai út chột một bên mắt rất giỏi
mò tôm cá. Nó chột bên mắt ấy cũng do từ tôm cá mà ra. Cái năm nó mười ba mười bốn
tuổi chơi với trẻ trong xóm. Mấy đứa rủ nhau đi tìm nan hoa xe đạp gẫy về mài
nhọn làm tên. Thêm mẩu gỗ hình khẩu súng lục và đoạn dây chun chúng làm súng bắn
tôm. Trưa nắng tôm ra phơi mình bên khe đá dưới bờ sông chúng bắn được kha khá.
Thường được những con tôm càng to tướng. Chúng chậm chạp lại dễ trúng tên.
Rửng mỡ thế nào có đứa lấy súng trêu nhau. Chuyện trẻ con
đùa hoá thật. Sợi giây cao su ướt nước cướp cò. Cái nan hoa xe đạp nhọn hoắt
vút vào bên mắt con lão. Thằng bé giãy dụa ôm mặt. Lão phải thuê thuyền đưa con
về bệnh viện tỉnh mới lấy mũi tên ra được. Nó ra cũng tròng một bên mắt. Khi ấy
còn chưa có luật bảo vệ trẻ em và nhi đồng. Nhà có con gây nên tai nạn đền cho
lão con trâu mộng và đôi lời xin lỗi. Cũng đành phải chịu chứ làm sao được. Thịt
người là thứ không ăn được, có đánh có giết con người ta cũng không lấy lại con
mắt cho con mình. Bỏ tù con người ta nó chưa tới tuổi thành niên. Cũng là trò
trẻ con vô tình không phải cố ý. Lão hận cả nhà nó cho tới tận bây giờ.
Từ ngày thằng Tồ hỏng một bên mắt, hình như nó sát cá hơn.
Nó thường câu được những con cá chiên tay xách đuôi quyệt chấm đất. Giọ tôm cái
nào nhấc khỏi mặt nước ít nhất cũng ba lạng tôm. Toàn những con nần nẫn như
ngón tay tươi rói.
Mấy năm trước lão còn cho đem bán. Từ năm ngoái trở lại đây
lão để nhà dùng. Ai thiếu tiền, bòn nhặt từng đồng chứ lão không thiếu. Con kiếm
được bao nhiêu lão cho thả vào vại nước. Vừa để ăn, vừa tiếp khách đỡ tốn tiền.
Mâm rượu bưng lên thấy cá tươi có người hỏi lão cá ao nhà hay sao mà không phải
đi chợ vẫn có ngay? Lão phởn nửa đùa, nửa thật:
- ừ ao nhà. Ao nhà này rộng mãi tới Sơn Tây, Hà Nội...
Cuộc rượu hôm nay thì vẫn là những người bạn cũ. Vẫn là
Khánh kiểm lâm, Sinh béo cửa hàng bách hoá và Hoằng mặt bánh dầy.
Họ thành một nhóm giống như sau này gọi là Công ty Cổ phần.
Góp vốn chung nhau làm ăn, đợt lâm trường khai thác gỗ là một cơ hội. Họ không
xuôi mỡ, bồ đề là những thứ rẻ tiền, ít nhất phải là gỗ từ loại ba trở lên.
Đánh loại gỗ người ta đánh loại xuôi chứ không đánh ngược như xếp loại thương
binh. So sánh thế này kể ra hơi khập khiễng, nhưng nói thế để biết giá trị gỗ.
Chuyến hàng này giấy tờ Khánh chịu trách nhiệm lo. Hàng ông Chỉ đi đặt. Sau đó
Hoằng và ông Chỉ sắp xếp xuôi bè. Hình thức bề ngoài là mảng củi tận thu lâm sản
phụ. Thực chất là găm đinh thối, vảy ốc dưới gầm bè. Vì thế củi cành bố con ông
Chỉ đi lấy chỉ để làm " Cốt " cho dễ thông đồng bén giọt. Khi gã sang
tới nơi cuộc rượu chưa tàn. Khác với mọi hôm thức nhắm hôm nay còn có thịt trâu
nướng. Nhà lão Chỉ hơn người trong vùng ở điểm này. Món thịt trâu nướng lão học
được ở người Thái Đen ở Sơn La, khi lão còn là lính com măng đô nhảy dù xuống
Điện Biên Phủ. Vùng này người ta thịt trâu thịt chó không mấy người biết ăn. Phải
sang thế kỷ sau nó mới là món đặc sản. Phần thì gia giảm không đủ, thiếu gia vị,
phần con trâu gần gũi với mình nên người tra không nỡ ăn. Thịt trâu lúc này ở
nhiều nơi trong vùng rẻ hơn thịt lợn. Kể cả thịt lợn giá cả không giống mọi
nơi. Người ta ưa mỡ hơn nạc. Giá thịt lợn bao giờ cũng khác hơn. Cũng dễ hiểu
vì sao như vậy. Một cân thịt nạc ăn được một bữa. Trong khi một cân thịt mỡ có
thế nấu rau được nhiều ngày. Giá cả đôi khi nó phụ thuộc vào mức độ cần thiết đến
mức nào, chứ không phụ thuộc vào chất lượng của hàng hoá.
Lão Chỉ ướp tẩm gia vị công phu,
dùng than xoan quạt thật hồng. Thịt trâu vừa thơm vừa bùi lại có vị đậm rất đặc
biệt. Một đĩa thịt trâu đắp có ngọn dùng với rau thơm đã gần hết. Gỏi tôm quấn
hành vẫn còn quá nửa đĩa to. Món nhắm không cứ thức ăn ngon. Nhiều khi hấp dẫn
bởi lạ miệng, hoặc ngồi với ai. Không còn là thời có thứ ngon phải ăn giấu ăn vụng
như nhiều năm trước. Sợ người ta để ý theo dõi rồi kết luận phần tử này nọ.
Nhưng vẫn phải ý tứ đừng chọc vào mắt thiên hạ. Thói đời xưa nay nghèo thì người
ta kinh miệt. Kha khá một chút người ta ghen tức. Người ta soi mói việc làm ăn.
Lão Chỉ biết cả những điều ấy. Nhưng lão không ngại, cánh vế của lão đủ mạnh
" Không ngại bố con thằng nào " kinh tế lão tự lực, tự cường không lệ
thuộc ai. Lão là hòn đất to trong làng, ngoài xã không có địch thủ. Nhưng từ
khi có gã hàng xóm về lão phải xét lại. Tốt xấu thế nào chưa biết. Nhưng đã có
những thằng ra tù không vừa. Lúc đầu đi tù về tội đánh bạc án phạt chỉ một năm.
Vốn trước ở nhà là kẻ nhút nhát, mắc mỗi tội cờ bạc, còn biết đường ăn ở. Còn có
vẻ chất phác, con người ruộng đồng. ở tù chưa được một năm vì được giảm mấy
tháng. Khi ra trở thành con người khác, xăm trổ đầy người, ăn nói rất giọng côn
đồ. Trong người lúc nào cũng thủ con dao nhọn.
Thằng ấy người cùng xã này nhà ở bến
Nhãn. Từ khi hắn về lôi kéo bọn tứ chiếng ở đâu thỉnh thoảng tụ họp cả tuần. Có
cả hai đứa con gái tóc cắt ngắn như đàn ông, hút thuốc lá ám đen mấy đầu ngón
tay. Chúng làm những gì chính quyền biết cả mà không trị được. Đám này thành
tinh, ranh ma như cáo. Chúng làm cho nhiều nhà mất ăn mất ngủ. Xưa trâu thả
trên nương chỉ lâu lâu người nhà có trâu mới đi xem, không bao giờ mất. Nhưng
giờ chúng làm cách nào đưa về xuôi bán mà không ai biết. Có những bè gỗ ngoài
sông, qua đêm mất hẳn vài đậy. Biết là những việc ấy chúng làm nhưng không điều
tra được. Đụng chạm đến chúng, sẽ bị triệt kinh tế bằng mọi cách. Nương ngô
đang trổ cờ, phun râu bị phạt ngang cây, ao cá thả bị ruốc lá, cá chết phơi trắng
bụng...
Chúng trở thành mối lo của nhiều người.
Gã hàng xóm mới về liệu có trở thành người như thế? Gã chẳng
từ cái lò của những kẻ vô lại đó mà ra đó sao? Lão nhìn bề ngoài xem chừng gã
không có vẻ là loại như thế. Nhưng biết đâu được trong bụng nó thế nào? Nó lại
là đứa có học. Người ta bảo rằng bọn lưu manh có học còn nguy hiểm hơn bọn vô học
nhiều. Kẻ dốt nát hành động hồ đồ, dễ đối phó. Đứa có đầu óc, không thể xem thường.
Tốt nhất là lôi kéo nó làm tay chân của mình. Dù sao hàng xóm láng giềng cũng
là phên dậu. Tỏ ra thân thiện với nó cái lợi nhiều hơn là hại. Vợ nó vừa bỏ đi,
nếu nó ưng đứa con gái nhỡ nhàng nhà mình thì vun cho nó. Nó sẽ thành cánh tay
phải của mình để trị những đứa cứng đầu trong lúc xã hội còn nhiều lộn xộn. Chiến
tranh còn dập rình ở ngoài biên giới, an ninh nhiều vùng bị xáo trộn. Lúc này
ai có thân thì phải lo thân, Nhà nước còn bận nhiều việc lớn hơn ở bên ngoài.
Chỉ bằng bản năng và kinh nghiệm sống lão cảm nhận được
không khí của thời lão đương tồn tại, dự cảm phần nào những gì đang tới. Lão
chưa kịp bày tỏ với gã như thế nào thì hôm nay gã vác xác tới. Đỡ cho lão cái
thể diện. Nghiêng xuống gã một chút, lão hơi lăn tăn trong lòng.
Gã không ngờ được lão lôi kéo ngồi vào mâm một cách quá nhiệt
tình. Đã lâu lắm rồi không ai ân cần với gã như thế. Bởi vì gã chẳng có gì đáng
để người khác quan tâm. Trước cử chỉ ấy gã có phần cảm động. Nhưng mà ăn có mời,
làm có khiến. Không thể tự nhiện đột ngột ghé vào. Gã từ chối không được. Cuối
cùng gã buộc lòng ngồi vào mâm. Ba vị khách chỉ nhìn gã không nói gì. Nhưng gã
cảm nhận được cái nhìn của họ, cái nhìn từ trên cao nhìn xuống. Điều này có phần
làm gã tự ái, tuy không biểu hiện ra mặt. Gã tới đây không phải vì bữa cơm.
Cũng không vì các vị này. Thật khó chịu với cái mặt của thằng cha Hoằng. Kiểu mặt
không có nét rõ rệt. Cái gì cũng bầu bầu, bèn bẹt, lờ mờ. ẩn trong cái vẻ bề
ngoài đó đôi lúc loé lên nét tự phụ, khôn khéo đến khó tin cậy. Phải như cách
đây mấy năm thế nào gã cũng kiếm cớ tẩn cho hắn một trận. Hắn nợ gã một món
danh dự, làm cho gã tổn thương mà chưa bị trừng bị phạt. Đây là hạng người có đồng
tiền trong tay coi người khác luôn dưới tầm mắt. Có lẽ trong đời hắn chưa có lần
nào được một bài học nên chưa biết sợ là thế nào. Người ta không giận cái người
ta khinh. Gã nghĩ vậy và chỉ thấy hận hắn đã xúc phạm tới mình. Ngay sau buổi
Tâm mang con lên tập thể ở, hắn đã đi lại tự nhiên không hề giấu diếm. Khi nãy
thấy gã xuất hiện hắn hơi chút chột da. Không thấy gã có biểu hiện gì hắn làm bộ
vô tâm không để ý. Lão Chỉ lại xếp hai người ngồi gần nhau, gã phải cố nén
không để lộ tình cảm của mình. Hoằng là kẻ lõi đời, y sợ cuối cuộc rượu không
hay nên một lúc sau xin phép có việc bận phải đi ngay. Khác hẳn mọi ngày y đến,
có khi còn ngủ lại. Mấy người kia hiểu ý cũng không giữ chân y lại. Tự dung
không khí bữa cơm trầm xuống. Gã cũng nâng lên hạ xuống vài lượt chỉ nhấm chút
ít chứ không cạn chén, nói Thác là vừa cơm xong, sang bàn ngồi uống nước. Bây
giờ gã mới để ý đến số đèn nhà lão Chỉ thắp hơi nhiều. Chưa có điện mà trong
nhà ngoài sân chỗ nào cũng sáng. Thắp toàn đèn toạ đăng. Có khi một đêm nhà lão
dùng dầu bằng nhà khác dùng cả tháng.
Gã nghĩ ý định của mình chắc thế nào cũng được lão Chỉ chấp
nhận, thôi, cũng là may.
ó
ó
ó
Nhổ cày thả cho bè xuôi vào lúc nửa đêm, chỉ sau buổi tiếng
thơ trên đài vài tiếng đồng hồ. Không phải là đi giấu đi vụng, mà chủ yếu là vì
độ đường. Làm sao để đến tầm quá trưa một chút là bè về đến bến tỉnh. Mảng củi
của gã kịp bán cho người mua buôn ngoài thị xã. Lão Chỉ và mấy người nữa cũng dừng
lại lên chợ mua thêm đồ ăn, thức uống. Họ còn đi nhiều canh nước nữa, về mãi dưới
xuôi. Sơn Tây Việt Trị gì đó, qua rất nhiều trạm. Trạm nào tránh được thì cứ
tránh. Nếu bị gọi vào cũng đủ giấy tờ, thủ tục. Hơn nữa toàn chỗ quen cả không
đáng ngại. Làm luật với trạm chút tiền làm êm ngay.
Nhà nước lập các trạm kiểm soát trên sông là nhằm để bảo vệ
rừng, không cho vận chuyển lâm sản trái phép. Nhưng rừng thì cứ như miếng da lừa
bé lại dần dần. Cây rừng không giữ được. Tốn không biết bao nhiêu phương tiện,
còn cả tiền lương một số đông cán bộ, nhân viên. Xem ra giữ được rừng lại là
chuyện lực bất tòng tâm. Bảo tại người dân thiếu đói phá rừng cũng không hẳn
đúng. Nếu không có những người như lão Chỉ hay tên Hoằng hoặc sự quản lý lỏng lẻo
ở các trạm ngay từ đầu, thì về sau rừng không cạn kiệt.
Có đi cùng một chuyến với lão, gã mới thấy trong việc làm
ăn họ bạo gan như thế nào. Gọi là lâm tặc cũng không có gì là sai. Thế mà trong
con mắt người đời họ vẫn là những người đàng hoàng, đính chính. Người tốt, người
lương thiện. Vậy mà gã đã làm gì để trong mắt họ mình là thứ công dân hạng hai,
nhân cách không được tôn trọng? ý nghĩ ấy chỉ thoáng qua. Gã tặc lưỡi. Có thế
nó mới là cuộc đời. Sự trái khoáy ấy cũng chẳng là cái quái gì cả, nhiều điều
mơ hồ, khuất tất hàng vạn lần hơn vẫn ngang nhiên tồn tại thì có làm sao? Lề luật
giống như nhà văn nào nói: Nó không khác gì mạng nhện. Ruồi muỗi dính vào mất
xác, còn bọ hung và cánh cam không sợ. Nó vù một cái đứt bung mà bay đi.
Gã có quan tâm đến cũng không đổi thay được gì. Để lộ ý
nghĩ ấy ra chắc chắn lão Chỉ sẽ không ưa. Lão sẽ từ chối ngay việc cho gã đi
cùng. Trong hoàn cảnh hiện tại gã quan tâm tới những điều ngoài thân phậm mình
thì thật khôi hài. Tốt nhất là không nên nghĩ đến làm gì. Hãy sống đã.
Đêm cuối tháng trăng muộn. Đôi bờ im lìm trong tấm màn
sương bàng bạc. Nghe rõ tiếng mái chèo khoát nước. Thanh vắng đến rợn người. Giờ
này mọi người mọi vật xung quanh đang chìm trong giấc ngủ, chỉ còn bốn con người
trên bè này là đang tỉnh táo, chốc chốc lại vốc nước lên mặt cho đỡ buồn ngủ.
Xuôi một quãng nữa là tới vật, thử thách đầu tiên của chuyến đi.
Bốn người trên bè có một thanh niên to khoẻ đen trũi tên gọi
là Ba Đẻn. Em cùng bố khác mẹ với Hoằng. Lão Chỉ vẫn cho con gái đi theo để nấu
cơm đun nước trên bè. Về đến bến tỉnh gã đỗ lại bán xong củi rồi quay lên. Khi ấy
lão sẽ đón thêm hai người thạo sông nước để đi đường dài. Dọc đường họ còn phải
lo tránh cầu, phà, ca nô trên sông. Không có sức, không nhanh mắt, nhanh tay
thì đừng nói chuyện thả bè. Giỏi nghề thì nhàn như đi chơi. Lóng ngóng mệt như
đánh vật. Cố tránh mà cứ chui vào gầm sà lan như bỡn. Lão cũng có ý rủ gã xuôi
về dưới bán cho được tiền. Lão hỏi:
- Đằng nào cũng một công khuân vác, bó buộc. Mang về cho bõ
cái đấm cái đạp. Bán ở trên này nó trả như bèo không bõ.
Gã thành thực:
- Cháu cũng muốn, nhưng vừa về giấy tờ chưa kịp làm, đi xa
không yên tâm.
Hành trình trên sông nước là thứ hành trình lặng lẽ, hạn chế
việc phô trương. Nói ít, làm nhiều, đôi mắt và đôi tai phải thính nhạy, chăm
chú. Một động tác bơi chèo thiếu chính xác có thể gây tai hoạ. Cái mảng của gã
buộc nhùng nhằng ở phía sau nom có vẻ sơ sài nhưng lại rất có ý nghĩa cho việc
seo bè. Người ta lái xe trên bộ thì hai bánh trước gắn bó với tay lái, rẽ trái
rẽ phải tuỳ thuộc hai bánh này chuyển động như thế nào. Nhưng mũi bè chuyển về
phía nào lại do mồng phía sau quyết định. Bởi nó còn có sự tương hợp với dòng
nước chảy của sông. Phải dựa vào sức nước mà di chuyển chứ không phải động lực
của bè. Đường bộ đối với xe cộ và đường sông đối với bè mảng là hai cách vận động
khác hẳn nhau.
Gã và Ba Đẻn cùng ở trên cái mảng của gã. Ba Đẻn cởi trần mặc
quần đùi, da đen bóng, bắp thịt nổi cuồn cuộn. Trăng cuối tháng lại về khuya
nom y như bức tượng đúc bằng xi măng. Y hút thuốc lá liên tục, miết dầm cái nào
ra cái ấy. Nước chỗ cây dầm của y cứ như từ dưới sông đùn lên. Gã lần đầu cầm
chiếc dầm có phần lúng túng. Mấy lần bị nước cản gạt dầm khiến gã suýt lộn xuống
sông. Gã để ý xem Ba Đẻn làm thế nào rồi làm theo. Thứ nhất phải chọn thế đứng
chân cho chắc. Chân trái hơi chùng về phía trước. Chân phải lui rộng về phía
sau. Thứ hai tay phải phải nắm chặt, tay trái hơi lỏng. Có thế đầu dầm mới miệt
khoẻ, không tốn sức mà vẫn chèo được lâu. Nghề nào cũng có những bí quyết của
nó, không thể cứ dùng sức mà được. Gã đã lấy lại tự tin, vỡ vạc được đôi chút
trong nghề sông nước. Không khua ùm ùm mà chẳng xi chuyển tý ty như lúc ban đầu.
Những bến sông lạ có những bụi tre đen thẳm giống như những cánh buồm to lớn
trôi lại phía sau. Phía dưới Hạ Lưu một quầng trăng sáng lấp lánh như đám vảy
vàng của con rồng hư ảo. Đám bè xuôi tới đâu quầng sáng xuôi tới đó. Một cuộc
đuổi bắt không bao giờ gặp.
Đã nghe tiếng nước cộn ào ào phía trước. Tiếng lão Chỉ
không vang nhưng chắc nịch:
- Bỏ vào bờ bên phải!
Bè uốn cong theo hình chữ S rồi trườn qua mép vật. Không đầy
bước chân bên này là vật xoáy hum húm. Có những bụi cây to bị nhấn chìm một lúc
lại chồi lên. Rồi lại nhấn chìm. Như có ai đó trong trò chơi ma quái với sức lực
kỳ dị lôi lên, dìm xuống mọi vật không ngừng trong lòng miệng vực.
Đã qua lại nhiều lần, lão Chỉ thản nhiên như không. Bên cái
lều che bằng mấy tàu lá cọ đã thấy ánh lửa loe loé, rồi tiếng rít điếu cày rõ mồn
một.
Không ít bè đã sa vào vật Bà này. Một khi bị như vậy có khi
bị giam chân ở đây hàng mấy ngày trời. Cho đến khi phải nhờ thuyền cột palăng
trên bờ kéo ra. Đấy là bè to, đóng gói chắc chắn. còn mảng nhỏ sẽ bị dòng nước
xé vụn ra, giập gẫy không còn hình thù. Người ngồi trên mảng sẽ bị dòng nước nhấn
chìm không thấy tăm hơi ít ngày sau người ta sẽ tìm thấy những xác người, quần
áo rách tươm, chương phềnh nổi lên ở một khúc sông phía hạ lưu không thể nhận
ra hình hài. Một trăm bảy mươi ba thác gềnh từ thượng nguồn về đây còn là một
trăm bảy mươi ba hung dữ, rùng rợn. Vật Bà chưa là gì. Nó mới chỉ là thử thách
xoàng trên quãng sông này.
Gã nhớ lại một thời người ta nói: " Cải tạo thiên
nhiên, bắt sông nhường bước, bắt núi cúi đầu ". Sức mạnh của con người
trong nỗ lực cộng đồng là ghê gớm thật. Nhưng nói như trên thật hết sức chủ
quan. Con người chỉ có thể tựa theo, hoặc chủ động đối phó chứ làm sao đánh bại
được tự nhiên? Là chưa nói đến động đất, núi lửa, sóng thần... Con người liệu
làm được gì để ngăn cản nó? Duy ý chí trong những trường hợp nào đó có thể khôi
hài.
Đây cũng không phải lần đầu gã nhận ra điều đó. Đã có lần
gã chứng kiến sức mạnh huỷ hoại của tự nhiên đối với đời sống con người. Gã còn
nhớ trận lũ vào năm Tân Hợi ( 1971 ). Trận lũ mà trong ký ức nhiều người trải
qua nó sẽ không bao giờ quên. Ngay cả mức tàn phá của B 52 vào năm sau đó (
1972 ) cũng chưa là gì. Hậu quả để lại là những năm đói kém kéo dài, đời sống
khủng hoảng, bất ổn mãi tới sau này. Biết đâu trong sự đổ vỡ của cuộc đời gã
không nhiều thì ít khởi nguồn từ những bi kịch to lớn chung? Những năm chủ
nghĩa thực dụng chỉ cao ngang cái ăn cái mặc. Tình yêu, nhân nghĩa, lý tưởng là
những cái xa xôi được nhìn một cách méo mó với tâm trạng hoài nghi ngờ vực? Bài
thơ của gã có câu: " Khi người ta còn ăn miếng cơm ngô. Người ta chẳng thiết
gì âu yếm ". Bài thơ ấy gã chỉ viết chơi, không gửi đi in. Vậy mà bằng
cách nào đó tới tay lớp trưởng lớp gã học. Mọi tai ương cũng từ đó nảy mầm.
Đến giờ gã còn nhớ như in cảnh đi mảng trên sông Thao xuôi
về hà Nội. Năm đó, một chuyến bất đắc dĩ mà đi. Nước ngập mênh mông, không còn
phân biết được đâu là dòng sông, đâu là ruộng đồng. Làn nước chảy xiết uốn cong
ngọn những khóm tre gai dập dờn theo làn nước chảy. Những cây cổ thụ tróc gốc
trôi băng băng như điên, như dại.
Gã ngồi trên mảng nứa nhỏ cùng hai mẹ con một người bạn của
bác họ gã thả xuôi từ ga ấm Thượng về. Không có bơi chèo dầm lái gì cả. Chỉ có
hai mảnh khoát to bằng hai bàn tay chụm lại. Mới bơi đựoc một hồi sợi lạt đầu
khoát bung ra, những nan nứa gép tuột mỗi nơi một chiếc cuối cùng chỉ còn trơ lại
dóng tre dài hơn một gang tay. Mảng vướng vào chỗ nào lại lấy tay đẩy ra. Cứ
liên tục một ngày như thế mới băng qua cánh đồng. Khi mảng trôi ra giữa dòng
sông thì trời chập tối. Đèn đóm không có, bốn bề tối đen như mực. Thỉnh thoảng
sáng loè lên nhìn rõ cảnh vật hãi hùng. Dòng nước bạc sáng loà như dựng ngược
lên trời. Cái mảng như chiếc lá nhỏ nhoi trôi giữa dòng sông.
Hai mẹ con bà khách đi cùng chẳng biết bơi chèo gì cả. Họ
phải về gấp vì dưới nhà có đám không thể chờ đến khi nước rút. Mà khi nước rút
còn phải chờ người ta sửa đường tàu ít cũng cả tuần. Bà mẹ là cán bộ phụ nữ huyện
Hạ Hoà. Cô con gái theo mẹ lên học cấp III. Quê họ ở mãi phía dưới thị xã Sơn
Tây một chút.
Gã cũng sắp hết hạn nghỉ hè, phải về trường. Lên thăm người
nhà được mấy hôm thì lũ ập tới. Không ai ngờ năm ấy nước lại lên to đến thế,
lúc đầu gã chủ quan mặc dầu ông bác đã khuyên can hết lời.
Gã bảo:
- Cháu sống từ nhỏ bên sông, bơi lội không kém gì dái cá
bác đừng ngại. Mẹ con bà khách nhìn thân thể chắc nịch, nhanh nhẹn của gã với
con mắt tin cậy. Tình thế buộc cả ba người không thể nấn ná được. Nước chẳng những
không chịu rút mà ngập mỗi ngày một dâng cao. Nước đã ngập hết khu vườn và một
khoảng sân trên sườn đồi nhà ông bác. Lợn gà nhao nhác, bối rối trăm bề, ông
bác đành lòng để cho ba người đi với một gói cơm nếp to tổ bố và bi đông nước
chè thật đặc.
Ngồi trên mảng rồi gã mới cảm thấy hối hận. Lúc đó dù muốn
thay đổi ý định cũng không kịp. Thôi thì đã liều ba bảy cũng liều. Tình cảnh của
mấy người lúc này chẳng khác những chú kiến bám vào cộng sậy đang băng băng
theo dòng nước. Có cảm giác trên thế gian này có bao nhiêu nước thì dồn cả bấy
nhiêu về đây. Sức mạnh của muôn nghìn thác thúc cho mặt nước sôi trào ngầu đục.
Sông Hồng ngày thường đã mênh mang nước, lúc này càng chẳng biết đâu là bến là
bờ. Những con trâu mộng còn sống mà bất lực không bơi thoát dòng nước xiết.
Chúng bị cuốn đi như những đụn dạ nát rồi chìm ngỉm. Có một cái mảng nhỏ đóng
ghép bằng mấy cây chuối áp sát vào mảng của gã. Bên trên là những gióng tre
quây một con lợn còn sống. Chắc là phía thượng lưu người ta làm để chống lũ. Để
nước ngập tới đâu mảng dâng tới đo. Lợn không chết chìm. Con lợn đói thóp bụng
vì bị bỏ đói nằm dán mình xuống mảng. Gã vớt một đoạn dây buộc mảng chuối vào
đuôi mảng của mình.
Rồi như có một phép lạ, cả mấy người với con lợn cũng về tới
Sơn Tây, một chiếc thuyền cứu nạn đã kịp đưa họ vào bờ, gã trả công cho người
chủ thuyền con lợn nhưng ông ta dứt khoát không nhận. Ôi là cái thời thiếu đói
mà sao vẫn còn những con người thừa thãi tình người. Cho đến bây giờ gã chưa
quên nét mặt của con người ấy. Dáng khắc khổ, sống mũi cao, con mắt như kẻ chán
đời. Thế mới lạ chứ! ở lại chơi nhà mẹ con bà bạn đường một ngày. Bà ta đổi con
lợn lấy một chiếc xe đạp cho gã về Hà Nội. Cô con gái còn ghi lại cho gã địa chỉ
hẹn khi nào gã lên chơi.
Nhưng rồi những rối ren, khốn nạn của đời gã sau đó đã khiến
gã không có điều kiện quay lại đó lần nào nữa. Chỉ là thoáng qua. Một bà mẹ tử
tế với cô con gái dễ thương như câu chuyện cổ. Nếu một lần quay lại, biết đâu
cuộc đời gã đã khác, không chìm đắm bao nhiều năm trời. Nhiều lúc gã nghĩ như vậy
và lấy làm tiếc. Gã thử hình dung ra nếu qua những năm chiến tranh sau đó mà mẹ
con cô còn sống thì giờ họ sống như thế nào? Nghe nói vùng đó vào năm sau là trọng
điểm đánh phá của máy bay Mỹ, người chết rất nhiều. Họ ở giữa vùng hai bên sông
là khu công nghiệp, có sân bay quân sự và kho xăng dự trữ chiến lược...
Gã cứ thả dòng suy tư của mình như thế cho đến khi bè về gần
tới trạm. Lão Chỉ ra hiệu cho gã và Ba Đẻn ngừng bơi. Giữ được im ắng là tốt nhất
vào lúc này. Mãi chẳng sao, gã lại thấy ngứa ngáy ran trong cổ. Phải cố nén
không thể ho hắng vào lúc này. Nếu qua được trạm mà không bị phát hiện sẽ đỡ được
khoản tiền. Lão Chỉ nói như thế, mặc dù bè có đủ giấy tờ. Nhưng dù thủ tục đầy
đủ tới đâu mà không làm luật cũng khó mà qua được. Gã thì không vấn đề gì. Một
mảng củi lồng cồng người ta không bõ thu. Mà có làm luật cũng chỉ vài chục bạc.
Nhưng nếu người ta giữ lão Chỉ ở đây thì gã cũng phải chờ. Không thể bỏ lão mà
đi được. Có làm thế chăng nữa nào gã biết bờ bến ở đâu. Nơi đỗ chặng dừng, có
khi tuốt mãi về xuôi. Hết địa giới tỉnh Xuân Quang về dưới kia khác tỉnh thì củi
người ta cũng lấy. Vùng dưới đâu có sẵn củi và rẻ rúng như trên này. Gã thầm
mong cho bè trôi nhanh qua khỏi quãng sông có trạm. Gần sáng sương lạnh thế này
chắc người trong trạm ngủ say như chết. ác nỗi những nơi có trạm thường là nơi nước
đứng. Dòng chảy cứ thúc thẳng vào chỗ nhà bè bên trên lập trạm. Chỉ khẽ động là
đèn pha sáng loá cả khúc sông. Có cảm giác như bè đứng im không di chuyển. người
ta đã tính toán chán mới lập trạm như thế. Trừ mùa lũ to nước chảy xiết hoạ hoằn
mới có mũi bè qua được mà trạm không biết. Mùa này ít khi qua mà trạm không gọi
vào.
Chỉ còn cách trạm vài trăm mét trong trạm vẫn im lìm. Đám
sương dày như cái chăn bông trắng khổng lồ che phủ chỉ nhìn thấy một quầng vàng
đục của cây đèn báo treo trước cửa trạm. Chắc mẩm là chuyến qua trạm êm thấm. Bỗng
có tiếng va chạm lách cách của kim khí. Tiếng lên đạn súng hoặc tiếng xích sắt
neo thuyền. Đèn pha to không bật nhưng loang loáng ánh đèn bin. Mũi bè đã bị
phát hiện. Có tiếng hô dõng dạc:
- Đánh vào kiểm tra! A lô trên bè nghe rõ không? Lão Chỉ lẩm
bẩm một câu rất tục rồi lên tiếng.
- Chúng tôi vào ngay đây!
Lố nhố những người trên thuyền, tay cầm đèn pin. Nhưng họ
không bơi ra ngay mà chờ mũi bè áp dần vào trạm. Họ chỉ bơi thuyền đuổi theo nếu
bè cố tình bỏ chạy. Còn trong trường hợp này họ không vội vàng gì. Điều ấy đã
khá quen đối với họ. Những người ban ngày thay nhau ngủ. Còn ban đêm tỉnh táo
nhanh như bọ nước.
Hai bố con ông Chỉ ôm một gói lên trạm. Bè tạm thời neo lại
bằng sợi xích sắt to tướng của nhà trạm. Cuộc thương lượng diễn ra khá lâu. Khi
quay ra chỉ có mình lão Chỉ. Đứa con gái ở đó làm gì nhỉ? gã không dám hỏi. Lão
đang bực vì vừa phải tốn kém lại vừa phải để con lại. Lão dặn con:
- Ngày mai có tàu qua đây thì về luôn trên nhà.
Không thấy đứa con gái nói gi. Mãi sau này gã mới hiểu tại
sao chuyến bè nào lão cũng cho đứa con gái xinh xắn nhất nhà đi. Còn lúc này
đây gã chỉ nghĩ trong lòng: Xuôi bè là nghề dễ kiếm ra đồng tiền. Cũng là nghề
không thiếu gian truân, những người trong cuộc phải mất mát rất nhiều. Sức lực,
tiền của, có khi cả danh dự phẩm giá của mình.
Bè tháo xích tiếp tục xuôi trên sông vắng. Một vài vì sao
thưa thớt nhạt nhẽo run lên lẩy bẩy ở phía chân trời.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét