Lao động số tết.
Nhà văn Nguyễn Quang Lập gọi điện; “Anh Đính à, tụi em vừa từ Sài Gòn ra. Anh tới quán Festival bên sông Hương uống rượu với anh em nhé. Nhớ đi taxi, tụi em trả tiền, anh đừng đi xe đạp, mưa gió cực lắm”.
Lát sau, nhà thơ Trần Vàng Sao đến. Anh không đi taxi mà đi xe đạp.
Anh trùm chiếc áo mưa cũ kỹ, chiếc xe cũng cũ kỹ, gương mặt anh cũng cũ kỹ, chỉ có nụ cười là tươi xanh. Bàn rượu đông anh em làm văn, làm báo, nhưng ngay lập tức, anh trở thành nhân vật trung tâm của cuộc rượu. Anh không cố tạo cho mình sự chú ý. Anh nói mà chẳng cần ai nghe hay không nghe, nói tự nhiên như trẻ con thích nói, thích cười hay thích khóc.Anh nói chẳng có chuyện gì ra chuyện gì, nhưng thu hút kỳ lạ. Ngồi với Trần Vàng Sao suốt buổi rượu, lắng nghe anh từng lời, ai cũng thấy hay thật là hay. Nhưng sau cuộc rượu, hỏi hôm đó Trần Vàng Sao nói chuyện gì, thật khó để kể lại cho ra đầu ra đũa.
Nhớ cách đây hơn 20 năm, anh Hoàng Phủ Ngọc Tường dẫn tôi đến nhà Trần Vàng Sao ở Vĩ Dạ uống rượu. Anh trải chiếu ngồi giữa nền nhà, vài món đơn sơ, nhưng rượu đế cực ngon. Ngon nhất là nghe hai nhà thơ trứ danh nói chuyện. Vị nào nói cũng hay. Hoàng Phủ Ngọc Tường thì chậm rãi, có thứ có lớp, có dẫn dắt, chuyện gì cũng như rút từ trang sách ra. Còn Trần Vàng Sao chẳng đâu vào đâu, thích gì nói đó, nhảy từ chuyện này qua chuyện khác, vài lời nói là chêm một câu thơ ngẫu hứng, thú vị vô cùng. Cũng lần đó, tôi mới biết nhà thơ Trần Vàng Sao với những bài thơ mà mình yêu thích tên thật là Nguyễn Đính. Anh hoạt động cách mạng cùng thế hệ với các anh Nguyễn Khoa Điềm, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Đắc Xuân. Năm 1963, khi mới 22 tuổi, Trần Vàng Sao đã tham gia chuyên san “Nhận Thức” do Nguyễn Đắc Xuân làm chủ biên. Một thanh niên, sống trong đô thị của chế độ cũ, ký bút danh Trần Vàng Sao là một sự thách thức, là thể hiện sự dấn thân một cách quyết liệt.
Nhìn người đàn ông ngồi trước mặt mình, uống rượu bông lơn trên trời dưới đất, tôi không nghĩ từ cái bông lơn đó lại cho ra “Bài thơ của một người yêu nước mình” hay đến rơi nước mắt. Anh nói chuyện rất nhanh, câu này dành câu kia, nhưng thơ anh cứ chậm rãi, thủng thẳng, cẩn thận gieo từng chữ:
“…Mẹ thương con nên cách trở sông đò
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này không nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào biết tuổi mình bao nhiêu…”
Hàng gánh nặng phải qua cầu xuống dốc
Đêm nào mẹ cũng khóc
Đêm nào mẹ cũng khấn thầm
Mong con khôn lớn cất mặt với đời
Tôi yêu đất nước này không nguôi
Tôi yêu mẹ tôi áo rách
Chẳng khi nào biết tuổi mình bao nhiêu…”
Và nữa, bài thơ “Người đàn ông 43 tuổi nói về mình” tạo nên một cơn “địa chấn” không chỉ trong làng văn chương một thời:
“…tôi sống yên ổn với những việc làm hàng ngày của mình
không định được ngày mai
có một đồng để mua cho con nửa cái bánh tráng hay hai cái kẹo gừng
có hai đồng cất dưới chân đèn trên bàn thờ
lỡ khi hết dầu thắp tới bữa thiếu ruốc hết bột ngọt
mả cha cuộc đời quá vô hậu
cơm không có mà ăn
ngó lui ngó tới không biết thù ai
những thằng có thịt ăn thì chẳng bao giờ ỉa vất”
Người tạo ra cơn địa chấn đó đang ngồi bên sông Hương, với bạn bè, đang hoa hoa bàn tay nói lung tung như “lão ngoan đồng” tái xuất từ trang sách Kim Dung. Anh nói nói, cười cười: “Rượu ngon quá, rượu ngon quá hè. Ừ!uống, uống, không can chi mô”. Rượu vào thì trước sau thơ cũng tuôn ra. Trần Vàng Sao rất lạ, không bao giờ anh đọc hay nhắc đến những bài thơ nổi tiếng của anh. Anh chỉ đọc thơ ứng khẩu và ứng khẩu rất tài tình, hay đọc những câu thơ viết “lăng nhăng” quăng đâu đó chưa in. Loại thơ bông lơn này nghe rất vui nhưng ngẫm lại đắng cay vô cùng: “Mi theo cách mạng quá trời. Bây giờ nghĩ lại đã đời mi chưa?”.
Rồi anh nhắc mọi người uống rượu, anh nói “lâu rồi tau không được uống rượu Tây. Té ra rượu Tây ngon quá hè”. Rồi lại ngẫu hứng ngay lập tức: “Nhiều khi bia rượu tới nơi. Nhiều khi vắt cẳng ngồi phơi mỏ chồn. Nghe mà liệu cái thần hồn. Đừng giả đò đằng hắng mà dỏ dòm nhà người ta”.
Anh nói năng huyên thuyên như vậy nhưng ẩn sâu bên trong là sự tự tại của một thiền sư. Cùng thế hệ với anh, “ai công hầu, ai khanh tướng” thì mặc ai. Anh sống không danh phận, không chức tước, không tiền bạc, nhưng anh giàu có nhân cách khó ai bì kịp. Đang đọc thơ, tự nhiên Trần Vàng Sao kể: “Tau nhớ có lần Nguyễn Khoa Điềm cho tau ba trăm ngàn. Tau nói răng ông cho Hoàng Phủ Ngọc Tường năm trăm ngàn mà cho tui ba trăm ngàn thôi. Rứa là ông Điềm phải cho thêm hai trăm ngàn nữa”. Kể xong cười rất khoái chí. Khoái quá đọc ngay câu thơ: “Nhiều khi ngồi nói chuyện chơi. Bà con hàng xóm nhìn tôi cứ cười”.
Có mấy anh bạn quý trọng Trần Vàng Sao, mua vé máy bay đãi anh một chuyến Sài Gòn. Trần Vàng Sao đi chơi Sài Gòn một chuyến mà thất kinh cho tới nay. Anh kể: “Tụi hắn mua vé máy bay cho tau. Nói đi đi, không can chi mô. Ai dè, nền nhà sân bay láng quá nên tau bị trượt chân bổ (ngã). Rứa rồi cũng lên máy bay. Ui chao ui té ra máy bay đi mau thấu (tới) thiệt hè”. Nguyễn Quang Lập nói: “Tụi em mua vé máy bay đưa anh vào Sài Gòn chơi, có người đưa đi đàng hoàng, anh thu xếp để đi nghe. Không can chi mô”. Trần Vàng Sao cười như trẻ con: “Không. Tau không đi mô. Tau không thích vô Sài Gòn, đông đúc quá. Người mô mà đông rứa hè!”. Lại ngẫu hứng: “Khi say đừng có đi mô. Lỡ ra ăn nói hồ đồ họ khinh. Thôi thì cứ ngồi một mình. Ngó cây ngó cối mần thinh ngó trời”.
Đang nói chuyện đi Sài Gòn, tự dưng anh lại kể chuyện hồi từ rừng ra miền Bắc những năm 70 của thế kỷ trước. Anh viết, làm thơ nhiều từ thời đó và cũng vì viết mà gặp hoạn nạn. Anh em lắng nghe mong biết được những bí ẩn buồn đau của anh, ai ngờ nói tới nói lui cũng một câu: “Hồi nớ tau ngu dễ sợ, không biết uống rượu. Thiệt uổng”. Nhìn mặt anh thấy anh đang nuối tiếc thật. Không nuối tiếc sự nghiệp công danh, trở thành ông nọ bà kia, mà tiếc vì lúc đó tại răng không biết uống rượu. Rồi anh nhảy sang kể chuyện đi đào vàng. Đói quá, nghèo quá nên theo bạn bè lên rừng đào vàng, nhưng không được một phân, vậy mà anh cười vui như bắt được vàng: “Tau đào vàng cực quá trời luôn, nhưng mà không có đồng máu mô hết”.
Trần Vàng Sao làm thơ như lấy đồ trong túi ra. Nghe anh đọc thơ “bỏ túi”, anh em trong bàn rất thích thú. Mọi người nhìn Trần vàng Sao với cái nhìn yêu quý, đề nghị anh tập hợp các bài thơ đó, ghi lại ngay kẻo phí, nhờ nhà thơ Ngô Minh lo việc in ấn, anh em đóng góp tài trợ. Trần Vàng Sao nói: “Thôi, tau không in mô, tau sợ lắm”. Mọi người nói anh cứ in đi, không can chi mô. Vậy mà anh cứ lo lắng, hoặc có thể anh không muốn ồn ào chuyện ra sách, anh không muốn mệt mỏi vì hư danh. Nhà thơ Ngô Minh nói với anh em rằng, đã thuyết phục Trần Vàng Sao nhiều lần nhưng không được. Anh kể, năm 2005, nhà thơ Hữu Thỉnh đã vào Huế, đề nghị Ngô Minh tập hợp bản thảo thơ của Trần Vàng Sao để Hội Nhà văn in, nhưng dứt khoát không chịu - : “Mi tha cho tau”. Còn nữa, anh em bạn văn đến Huế mời Trần Vàng Sao vào Hội Nhà văn, Trần vàng Sao cũng nói “mi tha cho tau”. Nhà thơ Ngô Minh quyết tâm làm cho được, viết đơn xin vào Hội sẵn, đưa cho Trần Vàng Sao, nói “ký đi, không can chi mô”. Anh lắc đầu “mi tha cho tau”. Trần Vàng Sao lạ rứa đó.
Trần Vàng Sao là một gã ngây ngô như đứng bên ngoài cuộc đời, nhưng thơ lại sâu như sống tận cùng từng phút giây cảm xúc của một đời người. Xin ghi bài thơ “Tôi yêu em” của Trần Vàng Sao để kết thúc bài viết này:
tôi yêu em
tôi u mê
tôi yêu em
tôi chán chê sự đời
tôi yêu em
tôi nổi trôi
tôi yêu em
tôi rối bời ruột gan
tôi yêu em
tôi lang thang
tôi yêu em
tôi muộn màng tuổi tôi
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét