Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Bảy, 25 tháng 1, 2014

Bản dịch mới cuốn Quân Vương của Machiavelli


Dạo này nhiều bạn viết review sách quá, mình cũng tập tọng viết thử xem sao. Bài này viết xong, gửi cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần, may quá đã được đăng số tuần vừa rồi.
Cai trị là dựa vào số đông
Sau khi Tần Thủy Hoàng thống nhất Trung Quốc bằng quân sự, thừa tướng Lý Tư đã tận sức giúp vua tạo dựng đế chế bằng sự thống nhất về chính trị và tư tưởng. Học thuyết mà Lý Tư ứng dụng trong trị quốc phần lớn dựa vào tư tưởng và trước tác của một người bạn, sau trở thành kẻ đối nghịch là công tử nước Hàn: Hàn Phi.
Hàn Phi và Lý Tư cùng là học trò của Tuân Tử. Hàn Phi bị Lý Tư, người tự nhận là kém tài hơn, gièm pha đến mức bị vua Tần bỏ tù và sau đó chết trong ngục. Trước tác mang tên ông, sau này được nhà Tần áp dụng triệt để trong trị quốc và trở thành kinh điển của pháp gia.
Trong lịch sử Trung Quốc, người mở đường cho Pháp gia là Quản Trọng. Trước Hàn Phi, pháp gia cũng đã có nhiều phái khác biệt về chủ trương và đường lối trị quốc. Phái Thận Đáo đề cao Thế (势) gọi là phái trọng thế. Phái này cho rằng người lãnh đạo chỉ cần dựa vào uy thế (quyền lực) để áp đặt thể chế. Phái Thân Bất Hại đề cao Thuật (術) gọi là phái trọng thuật. Thuật ở đây là phương pháp. Với phương pháp tốt và áp dụng khéo léo, kẻ làm vua sẽ giỏi “thuật cai trị”. Phái cuối cùng là Thương Ưởng, đề cao Pháp (法), gọi là phái trọng pháp. Pháp là phép tắc, pháp luật. Trị nước bằng pháp luật, giống như “rule by law” của phương tây.
Hàn Phi, sống ở thế kỷ III trước Công nguyên. Một mặt ông vẫn đồng ý với quan điểm cai trị dùng đức: “nội thánh ngoại vương – bên ngoài là vua, ở trong là thánh nhân” của nho giáo, tương đồng với quan điểm quân vương – triết gia (philosopher-king) của Plato, Aristotle. Một mặt khác, ông tiến xa hơn khi cho rằng cai trị không thể dùng đức.  Ông cho rằng cai trị phải nhắm vào số đông, không nhắm vào số ít. Ông nói: “Trông cậy dân làm điều tốt thì trong nước không quá mười người, nhưng khiến dân đừng làm bậy thì cả một nước được ổn định. Bậc cai trị dùng số đông, không dùng số ít, cho nên không trọng đức mà trọng pháp”.[1]
Từ đây ông cũng cho rằng vua không cần phải tài cao đức trọng, không cần làm gương cho cả nước soi vào. Để cai trị thì vua cần có thế (uy quyền để áp đặt) và có pháp (để chỉ cho dân điều nên làm và không nên làm, để thưởng phạt công minh) Từ đây, ông tiến xa hơn một bước về thuật. Ông cho rằng vua cũng chẳng cần phải làm, thay vào đó ông vua cần nắm vững thuật trị nước để thông qua nó xây dựng và vận hành bộ máy chính quyền. Vô vi nhi vô bất vi (無為而無不為): vua không làm gì nhưng chẳng cái gì không được làm. “Vô vi” là cái cách để vua dùng (cai trị thiên hạ) còn hữu vi là để bầy tôi được vua dùng vào mục đích đó, giống như Trang Tử viết trong Thiên Đạo vậy.
Dùng và được dùng.
Triết gia Bertrand Russell cho rằng thời kỳ Phục hưng không sản sinh ra một triết gia lý thuyết quan trọng nào, nhưng lại sinh ra một nhân vật đặc sắc trong triết học chính trị. Đó là Niccolò Machiavelli.
Năm 1513, ở xứ Florence nước Ý, Machiavelli viết quyển “Quân vương (Il Principe)” với mục đích ban đầu là “để tự tiến cử mình cho đấng quân vương Lorenzo de Medici”. Trong Quân vương, Machiavelli đề ra hàng loạt sách lược chính trị để bình định nước Ý lúc bấy giờ đang ngập trong nội chiến. Đấng quân vương đã không đoái hoài đến Machiavelli, nhưng điều kì diệu đã đến với tác phẩm: Quân vương đã trở nên bất hủ và trở thành một tác phẩm kinh điển về triết học chính trị, về thuật trị nước.
Triết học chính trị của Machiavelli có cả tính khoa học lẫn chủ nghĩa kinh nghiệm, chủ yếu dựa trên kiến thức và phân tích thực tiễn của ông: với mỗi một mục tiêu cần tìm ra một phương thức thực hiện, bất chấp mục tiêu đó là thiện hay ác. Triết học chính trị của Machiavelli chính là “thuật trị quốc” mà Hàn Phi đề cập.
Tên tuổi của Machiavelli gắn liền câu châm ngôn thực dụng nổi tiếng “cứu cánh biện minh cho phương tiện” và còn gắn liền với thủ đoạn và sự xấu xa, đến mức tên ông trở thành tính từ trong nhiều ngôn ngữ phương tây, chỉ sự nham hiểm, quỷ quyệt. Từ tâm thế của một trí thức cố gắng xây dựng một học thuyết thực dụng để giúp các đấng quân vương trị quốc, Machiavelli đã đặt mình vào vị thế trung thực của một trí thức dấn thân khi nói về sự không trung thực trong chính trị[2]
Thuật chính trị ở trong Quân vương đã được các nhà quản trị của thế kỷ XX, đưa vào ứng dụng trong các công ty đa quốc gia. Từ đó đã sinh ra một dị bản của Quân vương, về nội dung không khác một chi tiết, ngoại trừ thay các lãnh địa bằng tên các công ty, thay tên vua chúa bằng tên các vị giám đốc. Đó là cuốn “Giám Đốc (The Executive)” của John Paul Harmon. Trong dị bản này, các vấn đề của quản trị công ty được đặt trong tương quan đối xứng gương với các vấn đề trị quốc trong bản gốc Quân vương.
Về bản dịch lần này.
Dịch giả Vũ Thái Hà đã dịch lại đồng thời cả hai cuốn sách Quân vương – Thuật chính trị và Giám Đốc – Thuật quản trị để thể hiện tính đồng nhất và đối xứng gương của nội dung hai tác phẩm. Alpha Books đã in theo cung cách đối xứng gương hai cuốn sách danh tiếng này vào một tập sách để cho phiên bản tiếng Việt của Machiavelli ra đời đúng vào năm thế giới xuất bản kỷ niệm 500 năm ngày ra đời của Quân vương sẽ là một bản sách quý xứng đáng với tầm vóc của nó. Bản dịch hai tác phẩm đối xứng này dày 392 trang, do Alpha Books và NXB Thế giới hợp tác xuất bản và đã phát hành trên toàn quốc từ tháng 12 năm 2013, giá bán 109.000 đồng.
Trân trọng giới thiệu.

Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: