Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2014

Thăm thẳm đường về.. (Tiếp theo )


4.
 
 
K
iếm củi nuôi thân không phải là cách sống lâu dài. Nó có nguy cơ  một là bần cùng hoá con người, hai là đẩy người ta vào những việc làm mờ ám. Cả hai thứ đó gã đều không muốn. Gã đang nỗ lực thoát ra khỏi môi trường lam lũ và hắc ám bất đắc dĩ mình đang vướng phải. Cần có một công việc ổn định chắc chắn và tử tế hơn. Nhưng là việc gì thì gã vẫn loay hoay chưa tìm ra được.
Cả cánh rừng bồ đề, rừng mỡ đã khai thác trụi. Sườn núi non giờ lô nhô gốc cây nom như bia mộ của một nghĩa trang khổng lồ. Người ta đang tranh thủ trồng cây ngắn ngày xen vào vụ trồng mới. Đất dưới thảm rừng nhiều năm là thứ đất đen kít. Chỉ cần dọn qua, trọc một cái lỗ thả hạt xuống, một vài tuần sau đã thành đám nương ngô đỗ xanh rờn. Không cần phải có óc tưởng tượng lắm gã cũng hình dung ra vụ thu sắp tới như thế nào.
Làm nương là thứ công việc không cần nhiều giống vốn, nhưng lại rất cần sức người. Phải có đông nhân lực làm mới có hiệu quả. Một mình chỉ làm được một đám nhỏ, bốn bề bụi rậm. Là nơi chuột bọ trú chân. Chúng sẽ sơi hết thành quả lao động vất vả của mình. Chỉ công dọn cỏ quanh bờ đã choán hết thời gian.
Nếu muốn làm thì phải tìm thêm người. Rủ người trong cái xóm núi này thì người ta không ham. Họ là dân định cự lâu đời ở đây rồi nên ruộng đất không thiếu. Người ta dùng trâu cày bừa vài buổi, gieo cấy ít ngày là làm xong vụ. Ai hơi sức đâu mà leo núi đánh gốc bốc trà. Chưa biết kết quả ra sao. Lâm trường, kiểm lâm vày quấy chả biết hát có đủ nghe, trò vè đủ xem không?
Vậy là gã tính đến chuyện xuôi quê. Đã nhiều năm rồi gã chưa trở lại đó. Nơi mà gã đã sinh ra, khôn lớn, vào đời. Nơi đó gã không còn nhà cửa ruộng vườn, nhưng vẫn còn bà con ruột thịt. Còn bạn bè một thời chăn trâu, cắt cỏ, cắp sách tới trường. Nơi có mối tình đầu của gã với cô bé con ông Phó chủ tịch huyện. Là nỗi đau đầu tiên gã gặp trong đời. Là một trong những dữ liệu của bi kịch đời gã sau này. Gã rất muốn biết bây giờ nơi ấy ra sao. Những con người thân quen và cả thù ghét với gã nữa bây giờ họ sống thế nào? Nhưng gã đã không về kể từ ngày ra trại.
Một phần do mặc cảm, một phần vì chưa có điều kiện. Xẩy nhà ra thất nghiệp. Không có tiền thì không nên đi đâu. Gã cũng không muốn để người làng trông thắy bề ngoài thảm hại của mình khi mới về.
Những mảng củi vô tri, vô tình là thứ bỏ đi của rừng đã cứu giúp gã. Chưa rủng rỉnh tiền bạc, nhưng gã đã sắm sửa được một số đồ thiết yếu. Mua một cái giường nằm bằng gỗ mít. Một cái tủ bằng gỗ lát và nhất là cái xe đạp để đi. Có cái xe đạp vào lúc này tương đương một tài sản khiêm tốn trong vùng, không phải nhà nào cũng có.
Ly loạn nhiều năm, xã hội trong vòng cực quyền, quan liêu, bảo thủ mất gần hết ranh giới giàu nghèo. Mọi hoàn cảnh và số phận na ná giống nhau như không thể nghèo hơn được nữa. Giống như cái lò xo kẹp dí không còn khả năng đàn hồi. Khung cảnh ấy khiến gã hoà nhập dễ dàng, nhưng gã không thấy thích thú. Thậm chí còn cảm thấy buồn. Bởi vì cùng với tất cả sắp tới đây lại là những ngày thử thách.
Người ta không ai còn hãnh diện với cái nghèo của mình như trước đây vài năm. Đã bắt đầu cảm thấy cám cảnh, xấu hổ bởi sự nghèo hèn. "Có thực mới vực được đạo" là cái chân lý ngàn đời.
Khi gã thành thục đi sông nước là lúc củi đóm trên rừng cạn kiệt. Làm được mảng củi phải vất vả hàng tháng. Gã tính chuyển sang làm việc khác nên chuyến xuôi mảng lần này gã mang theo cả chiếc xe đạp. Gã nghe Thịnh nói Nhân đã ra trại được ít ngày. Nhân thể chuyến này về gã rẽ vào nhà Thịnh chơi để sớm hôm sau xuôi về dưới quê. Gã sẽ đạp xe một mạch từ Xuân Quang đến Việt Trì. Ở đó gã có thằng bạn học đang làm ở nhà ga. Đó là thằng Tiến sau ngày ở thanh niên xung phong về chuyển sang làm công nhân đường sắt. Tiến học giỏi. Có lần cùng đi thi học sinh giỏi toàn tỉnh với gã. Y không được vào đại học vì hồ sơ lý lịch có vấn đề. Tiến là bí thư chi đoàn của lớp suốt những năm học cấp III. Nhưng mẹ Tiến là thành phần bị nghi vấn làm lô bê, gián điệp gì đó hồi chống Pháp. Cho đến bây giờ gã vẫn không hiểu một người đàn bà như mẹ Tiến làm cách nào cái công việc người ta nghi cho ấy?
Bà dáng người cao lớn, để răngđen luôn có miếng trầu bỏm bẻm trong miệng. Chưa thấy người đã thấy tiếng. Nghe bảo bây giờ bà bán hàng sén  ở quê.
Bán xong số củi cho lão Thành Cối, gã định dắt xe lên bờ thì có tiếng gọi phía sau:
- Vào chỗ bà già tao nghỉ chân uống nước đã.
Gã quay lại nhận ra Nhân và Thịnh đang đẩy một chiếc xe ba gác lên dốc. Trên xe là những cây nứa tươi, có lẽ Thịnh mang về làm cót. Độ này cô đã thôi không đi gánh cát, vất vả mà công xá không đáng là bao. Mẹ cô đã dọn một quán nước bán quà vặt ngoài bến sông. Cô phụ mẹ nước nôi, hàng họ. Khi rỗi thì mua củi nứa bán lại cho người mua lẻ. Người có tiền nhìn bề ngoài cũng biết. Nhân đội mũ cối còn mới, áo bay, quần Tô Châu Trung Quốc. Mốt đắt tiền nhất lúc bây giờ. Tất cả các thứ anh ta mang trên người còn có giá  hơn cả chiếc xe đạp mà gã mang theo. Một cái đồng hồ thuỷ quân to bằng đít bát gài nút áo trước ngực. Chắc là vừa tháo ra để xếp nứa lên xe. Thịnh cũng sơ mi trắng, quần phăng khác hẳn hôm gã gặp lần đầu. Nom cô tươi mởn trẻ trung hơn cái tuổi hai mươi năm của mình.
 Chỉ sau vài tháng trời mà đã bao đổi khác. Cuộc sống vốn thế, có lúc ỳ ra cả chục năm trời không hề nhúc nhắc. Có lúc một thời gian ngắn lại thay đổi không ngờ. Ngay như lối bờ sông lúc này đã thấy hàng quán chen nhau. Ngoài sông lô ánh đèn ánh đèn hàn chớp loé, người ta đang chuẩn bị đổ những mố cầu đầu tiên cho cây cầu bê tông vắt qua sông. Tự gã đặt tên cho sông như thế. Cà lồ thì cà lồ chứ sao nhất thiết gì cứ phải là y hay z cũng chỉ là kí hiệu, thôi quan trọng gì ! Tính gã không hay la cà, nên mẹ Thịnh dựng quán ở đây mà gã không biết. Vả lại chỗ bà bán hàng hơi khuất, lại ở cuối dãy, gã không thấy cũng phải.
Mọi lần xuôi củi về, bán được hàng xong là gã đi ngay vào chợ mua ít gạo và vài thứ lặt vặt, gã sang đò đạp xe về nhà. Từ ngày khai thác gỗ người ta mở thêm con đường qua vùng gã ở để vận chuyển gỗ. Vẫn là đường đất thôi nhưng rộng rãi và đỡ dốc hơn. Những nơi qua suối người ta làm cầu tạm thân cầu, trụ cầu bằng gỗ, trên mặt là những gióng tre. Mỗi lần đi qua vẫn rung như đưa võng. Dù sao thì  dân cư trong vùng đi lại đỡ khổ hơn. Không phải lội qua suối, có chỗ sâu ngang ngực có lúc rơi cả túi đẫy, giầy dép còn ô tô thì có một đoạn dốc thoải làm ngầm kè đá qua băng băng.
Con đường ấy chỉ khó đi lại vào ngày mưa, hoặc mùa lũ. Những ngày cuối năm khô ráo không đáng ngại. Khi nào cũng khoảng tám giờ tối gã về đến nhà. ngày hôm nay nếu không định xuôi về quê thì hành trình của gã vẫn thế. Giờ này gã không có mặt ở đây. Gã cùng hai anh em Nhân đẩy xe lên bờ xếp xong nứa rồi vào quán uống nước mẹ Nhân bảo gã dạo này nom khoẻ khoắn hơn đợt mới về. Bà có ý trách là suốt từ độ ấy đến giờ không thấy gã đến, chắc là bị vợ bó chân. Gã gãi tai:
- Cảnh nhà neo quá cháu không vào chỗ bác được. Bà hỏi thăm gia cảnh. Gã nói qua quýt , tuyệt nhiên không đả động đến vợ con của mình, Nhưng bà biết. Quán xá thường là những trạm thông tin của đủ thứ chuyện. Người xuôi kẻ ngược chính họ nói chuyện với nhau. Riêng chuyện của gã bà lại có nguồn thông tin khác. Thằng Mai ít hơn gã vài tuổi thường xuống chơi nhà bà, nó là con trai lão Sinh cửa hàng trưởng cửa hàng bách hoá mà có lần ngồi cùng mâm ở nhà lão Chỉ. Nó thường mang thuốc lá xuống cho bà bán hàng. Điều này thì bà không nói dẫu sao nó là bí mật làm ăn. Hàng hoá đôi khi lại lưu thông ngược dòng như thế. Đáng lý từ đây hàng hoá được phân phối cho vùng xa, vùng sâu. Vì là thứ hiếm nên nó được mang vòng trở lại. Giai đoạn cuối của thời bao cấp nó trầm trọng không khác giai đoạn cuối của bệnh sơ gan cổ chướng. Cơ  thể xã hội thiếu chất đủ thứ lại không chịu chấp nhận sự cung cấp từ bên ngoài. Đói mà chán ăn. Hàng phân phối về không dùng, mà lại quay đầu về nơi từ đó mang đi.
Bà chỉ nói một câu mà gã biết bà rõ cảnh ngộ của mình
- Anh Mai thỉnh thoảng cũng xuống đây. Cậu biết anh ấy chứ? Thấy gã có vẻ tự lự bà nói:
- Mấy anh em về nhà, nấu cơm, rồi đi đâu hãy đi. Gã cũng có chủ ý trước rồi nên không từ chối, vì chỉ có một cái xe đạp nên cả ba đều đi bộ. Vướng cái ba gác  nên Thịnh không mang xe theo. Cô bảo hai gã cứ đạp xe về trước, nhưng gã không nghe Quãng đường cũng không xa. Đi được một quãng thì thấy cây phượng đổ nghiêng về một bên từ trận bão hồi gã mới vế. Nhân nói với gã ngày mai anh ta cũng về Phủ Đoan đón người anh cùng mấy người bạn đã thăm dò và làm thử dải đất hai bờ sông. Từ đây lên chỗ gã có nhiều điểm có thể làm vàng được, gã hết sức ngạc nhiên, đây là công việc chưa thấy ai làm bao giờ, cũng không thể hình dung nó như thế nào. Nghe Nhân nói là sẽ đào một đường hầm sâu trong lòng đất, khi nào thấy " tẩy " thì chuyển đất lên. " Tẩy " là lớp đất đặc biệt áp chỗ có vàng. Còn vì sao lại phải làm dọc sông, vì cần phải có nước để đãi vàng. Tỉ trọng riêng của vàng nặng hơn các vật khác sẽ lắng lại dưới máng đãi vàng.
Nhân hỏi:
- Cậu có quen ai ở dưới vùng đó không. Đón được người lên bọn này chi mầu cho. Tội quái gì mà củi đóm cho nó nhem nhuốc.
- Tôi cũng đang đi tìm người lên làm đây nhưng không phải là đào vàng.
Nhân trố mắt:
- Vậy thì làm cái gì?
- Mình sẽ làm nương. Đất đai chỗ mình rộng mà lại rất tốt.
Nhân nheo nheo mắt, nghiêng đầu nhìn gã:
- Mày đúng là người ăn hang ở lỗ rồi. Làm ruộng, làm nương thì tới bao giờ mở mắt ra được. Nhưng cũng phải, mày chưa được thấy kết quả nên mày không ham. Khi nào bọn tao làm mày tới rồi sẽ biết. Không có gì nhanh chóng mà dễ kiếm hơn làm vàng. Sáng cấy là chiều gặt, chứ không phải chờ vài ba tháng. Tao rủ mày đi là vì biết mày có chút bản lĩnh. Những chỗ làm việc này, cần thằng có máu mặt. Nếu dở không được. Lúc chưa có vàng thì chẳng ai để ý đâu. Nhưng lúc lò rực rồi thì thiên hạ đổ xô đến. Không vững là thằng còng làm cho thằng ngay lưng ăn.
Nghe Nhân nói như vậy gã biết ngay anh ta đã nếm kiểu làm ăn này ở đâu đó rồi. Một nơi cảnh sống và cách làm ăn không bình thường. Nơi luật rừng ngự trị, không phải là luật pháp. Tập trung ở đấy cũng là những con người không bình thường. Con người với con người đối với nhau theo kiểu cá lớn nuốt cá bé. Với gã lúc này, không phải vì sợ hãi, mà vì không muốn cuộc đời mình dính dáng vào những nơi như vậy. Khốn nạn, tối tăm, ngang trái đã quá đủ để gã tránh xa môi trường phức tạp.
Nhưng gã không phản đối Nhân ra mặt. Mỗi người một cách tính toán, lo liệu. Với mình không hợp nhưng với anh ta lại cần thiết thì sao? Một người không nghề nghiệp sống giữa trung tâm tỉnh lại rất ít việc làm. Bộ đội phục viên, xuất ngũ còn không có việc làm. Nói gì tới người có tiền án tiền sự như Nhân? Không lẽ anh ta cứ nằm dài để cho mẹ và em gái lo cho mình. Ruộng nương không có, nghề phụ thì không, gã thấy Nhân tính việc này cũng phải. Gã nhận lời nếu gặp dịp sẽ tìm người cho Nhân. Các vùng dưới xuôi mấy vụ liền mất mùa, người cần có việc làm tìm chắc không khó.
Gã kể cho Nhân nghe những ngày gã mới về nơi ở mới. Nghe xong Nhân có vẻ thông cảm:
- Mày chịu được kể cũng hay thật. Nơi ấy lên chơi vài ngày còn được, chứ ở đấy cả đời buồn rầu nẫu ruột ra được. Đúng là trâu gõ mõ chó leo thang. Bảy tám giờ tối nhà nào nhà nấy tắt đèn đi ngủ. Làng xóm cứ như chết hết cả rồi. Không điện, đài, hàng cây số mới có vài nhà...
Gã lặng yên không nói. Nhân biết mình lỡ lời, tự dưng chạm vào chỗ đau trong lòng gã, nói vớt một câu:
- Số phận thì phải chịu, nhưng nếu mày quyết tâm biết đâu chẳng đổi đời, ít nhất cũng phải có cái nhà ngoài thị xã này.
Gã nghĩ thầm trong bụng, dù không nói xa. Cái thị xã này cũng có hơn nơi gã bao nhiêu. Phố xá đuồn đuỗn, nhà cửa rời rạc, vẫn nứa lá, tranh tre. Những con đường rải đá ổ gà từng vùng nước. Người ta vẫn phải đi nơi khác kiếm ăn, rất ít người có công ăn việc làm ở nơi này. Trừ một số ít làm công chức Nhà nước.
Gã cũng không còn ham nơi chốn thị thành. ở đấy là những trung tâm văn hoá, trung tâm kinh tế. Nhưng cũng là nơi nhiều cám dỗ vào chỗ sa đà. Lúc này gã cần nơi thanh thản, bình yên cho tâm hồn mỏi mệt sau những nghiệt ngã vừa qua.
Nhân là con người cởi mở, anh ta nói đến nhiều chuyện. Gã tỏ ra để ý nghe. Kỳ thực đầu óc gã đang để đâu đâu. Gã đang cố hình dung ra cảnh quê nhà ngày mai mình trở về. Câu chuyện về lò vàng, về nơi này nơi nọ lúc này gã thật dửng dưng. Thịnh đã chuẩn bị xong cơm nước. Thức ăn có thịt kho tàu, canh cá nấu dưa và cà pháo ướp. Một bữa ngon lành vào thời vẫn cơm độn ngô và đậu phụ phải mua bằng phiếu. Cậu út mang cơm ra bến cho mẹ rồi mới quay về ngồi vào mâm.
Nhân kiếm đâu được nửa chai rượu. Mới được một chén mà mặt gã đỏ như mâm son. Gã càng uống mặt càng tái. Từ ngày về nơi quê mới thỉnh thoảng buồn gã cũng mượn rượu giải sầu. Nhưng gã không uống thường xuyên vì sợ nghiện. Thấy những kẻ nát rượu gã rùng mình. Họ thật sự sống phần con nhiều hơn phần người. Rượu say rồi người ta có thể nói năng, làm bất cứ việc gì mà khi tỉnh táo không dám nói, dám làm. Có thể lăn ra nằm bất cứ đâu không kể sạch sẽ hay dơ dáy.
Không uống rượu thì không có bạn, không có việc làm ăn, không có những quan hệ. Cũng như miếng trầu là đầu câu chuyện. Rượu cũng là thứ văn hoá trong cuộc giao lưu giữa con người với con người. Theo gã, vấn đề là phải chừng mực. Kể cả cơm tẻ là thứ ai cũng cho là lành. Thế mà chính mắt gã thấy có kẻ say cơm tẻ. Say cơm còn không đáng sợ hơn say rượu vì sau đấy rất lâu mới tỉnh táo lại được. Hồi còn ở trại có đứa nhà lâu không đến thăm. Gặp gia đình nhồi bữa cơm thật lực. Khi vào trại bị say cơm lăn lóc kêu gào suốt đêm. Miệng nôn mật xanh mật vàng. áp huyết tụt phải đưa đi cấp cứu.
Đang bữa ăn gã chợt nhớ ra nhưng không dám kể. Mà Nhân nó cũng lạ gì. Những chuyện buồn đau, khổ ải, cay đắng kể đến khi nào mới hết. ở nơi dù có gọi khác đi thế nào chăng nữa nó cũng là chốn ngục tù giữa trần gian. Nơi trừng phạt kẻ phạm lỗi. Chỉ có điều đôi khi nó không đúng người, đúng tội như người ta nói và mong như vậy. Gã bất giác thở dài.
Thịnh trêu:
- Anh Khải mới đi một ngày mà đã nhớ chị ấy phải không?
Nhân trừng mắt mắng em gái:
- Con này, chị nào mà nhớ. Nó chả cắp đít theo thằng khác từ lâu rồi. Tao không lên nhưng đã nghe thằng Mai nó kể. Có đúng thế không?
Gã gật đầu, nhưng không nói gì về chuyện này mà lảng sang chuyện khác. Thịnh vẫn chưa thôi rúc rích cười. Hai má cô đỏ bừng, đôi mắt long lanh. Gã lấy làm lạ là làm sao một cô gái xinh xắn dịu dàng như thế mà đến nay vẫn chưa chồng con gì? Ngày trước anh trai đi vắng bảo còn ở nhà đỡ mẹ, đỡ em. Hay anh trai chưa có vợ nên cô chưa muốn?
Nhân như đọc được ý nghĩ ấy của gã nên bảo:
- Con Thịnh nhà này cũng khổ. Mẹ tao đi xem người ta bảo nó cao số khó lấy chồng. Nó yêu một thằng lái xe, gần đến ngày cưới thì xe đổ ngay dưới chân đèo Khế. Thằng người yêu nó đưa được về đến cổng viện thì tắt thở. Sau đấy cũng có vài đám nhưng nó không ưng. Giờ thế nhỡ tuổi. Người ngang tuổi và hơn người ta đã có gia đình. Những đứa chíp hôi nó lại không muốn. Cái thằng Mai trên mày cũng vào loại như thế. Nhà nó có, sắm cho con bé thứ gì nó cũng không nhận. Phải đứa khác không yêu thì không yêu, cho gì cứ lấy, mình có đòi hỏi đâu. Nhiều đứa nó còn lợi dụng. Đã không yêu thì chớ nó còn cốc cho lõm đầu ấy chứ.
Thịnh cau mặt, không bằng lòng với anh trai. Ngay cả khi tức giận nét mặt cô vẫn có vẻ dịu dàng dễ thương.
Nhân biết ý, cười gượng gạo:
- Mà thôi, tao cũng không dẫm chân vào đời tư của người khác nữa. Hôm nay mày ở đây, chốc nữa gặp mấy thằng chiến hữu của tao. Một bọn chơi được.
Gã từ chối với lý do đám người ấy gã không quen. Gã ngại những cuộc gặp gỡ như thế. Thường chẳng đi tới đâu, vui ít buồn nhiều. Đã qua cái thời tụm năm tụm ba, vui đâu chầu đấy. Quá khứ là cả một bài học nặng nề, thấm đẫm và tanh mùi máu.
Nhân cũng không nài ép. Ăn cơm xong y vội vàng tợp chén nước, châm một điếu thuốc, mặc áo đi ra sân. Xe đạp của gã để ngoài, Nhân mượn đi luôn, nói là chỉ một thoáng rồi về. Vậy mà mãi đến khuya hôm đó, khi mọi người say giấc y mới lò dò về. Thịnh hỏi xe đạp đâu? Y nói để chỗ thằng bạn. Nhưng cô biết anh trai mình có lẽ đánh bạc thua đã cắm chiếc xe rồi. Cô ân hận là lúc Nhân hỏi cô đã không can anh trai. Nhân vẫn chứng nào tật ấy. Về được ít ngày là lại lao vào cờ bạc. Mẹ cô đã hết nước mắt mà không ngăn được. Một số đông thanh niên ở thị xã này sa vào vòng luẩn quẩn cờ bạc, trộm cắp rồi vào tù. ở tù ra lại cờ bạc... Con người ta nhàn cư vi bất thiện. Giải trí bằng văn hoá, thể thao lại không có những trung tâm lôi cuốn hấp dẫn. Nhà nào khá có cái máy cát sét vài cuộn băng nghe đi nghe lại mãi cũng chán. Có một thư viện sách chủ yếu hướng dẫn trồng trọt chăn nuôi, hoặc sách kinh điển. Rất ít khi gặp tờ báo, cuốn sách hay ở một nhà nào đó. Môi trường văn hoá như vậy thì những việc tiêu cực là một tất yếu.
Thịnh nghĩ người ta mới chỉ làm cái ngọn, chưa lo cái gốc. Hễ có ai vi phạm lập tức lên án và trừng phạt, sao không tính ngăn ngừa từ gốc. Một cơ thể khoẻ khoắn ít mang bệnh. Xã hội cũng thế thôi cũng là một cơ thể. Nó luôn vận động với chu trình. Tiếp thu - đào thải để tồn tại và phát triển.
Cô định hỏi anh trai cắm xe ở đâu để cô đi chuộc về. Thấy Nhân không nói rõ ràng, anh ta cứ loanh quanh ấp úng. Trời cũng đã khuya cô đành bỏ ý định. Nhưng sớm mai bằng cách nào cô cũng phải tìm bằng được chiếc xe về. Người ta bảo: Đánh đĩ mười phương để một phương lấy chồng. Anh trai làm thế còn ra thể thống gì nữa. Cô biết rằng trước sau Nhân sẽ tìm mọi cách để chuộc chiếc xe về. Nhưng xoay sở thế nào cũng không mang về ngay được. Anh ta không dám để mất xe. Nhưng mới đầu người ta tin cậy gia đình mình, xử sự như thế còn ra làm sao? Một lần bất tín, vạn lần không tin. Ngày từ buổi gặp ban đầu tiên bên chợ Đuôi cờ gã đã để lại ấn tượng rất đậm trong lòng Thịnh. Từ ngày lớn lên cô chưa gặp một người nào như thế. Vào thời cuộc sống khó khăn ai lo phận nấy, ít người vì nghĩa mà ra tay. Cô ta đã gặp những anh chàng đỏm dáng, mà hời hợt kiểu anh trai mình. Trắng trẻo, đẹp trai mồm miệng nói đâu ra đấy mà sống ích kỷ, vừa giản đơn vừa luộm thuộm bừa bãi, kiểu người như thế sống lo cho mình còn chưa xong, người thân không thể mong mỏi gì. Bỏ thì thương, vương thì tội. Kéo dài cuộc sống nhảm nhí, vô tận không sao chịu nổi.
Cô âm thầm mang tình cảm ấy nhưng khi gặp gã lại không tìm được cách nào thể hiện. Cô thấy gã vừa gần gũi lại vừa xa lạ. Con người gã hình như có điều gì bí ẩn mà cô chưa biết. Có thể gã e ngại về cảnh ngộ của mình mà giữ ý tứ. Gã không có lời nói hay cử chỉ nào khơi gợi tình cảm nơi cô. Gã ngần ngại hay không muốn?
Khi anh trai vừa dắt xe đạp đi, cô phải lo dọn dẹp, lúc quay lên thấy gã trầm ngâm bên bàn, cậu em út sang nhà bạn học nhóm. Chỉ có hai người mà không nói với nhau được điều gì. Toàn những chuyện vu vơ không đầu không cuối. Thịnh đang định đánh bạo hỏi han về chuyện riêng tư của gã thì đúng lúc bà mẹ về. Bà sốt sắng hỏi chỗ đau lần trước có để lại di chứng gì không. Gã cười bảo chỉ sầy da, hơn muỗi đốt một tẹo. Bà lại phô hai thằng đó vừa mới bị công an bắt. Đi đêm lắm có ngày gặp ma. Xưa nay những việc làm ấy rốt cuộc không có kết qủa tốt đẹp gì. Rồi bà nói gần đây thanh niên ở đây đang tập toẹ nghiện hút. Ngày xưa cả vùng chỉ một hai người nghiện. Phần do mắc bệnh hiểm nghèo dùng thuốc rồi không bỏ được. Phần gia đình khá giả chơi ngông. Thời nay là do học đòi. Nhiều nhà cơm chẳng có ăn, học đòi hút sách thì thực là vô lý. Ai cũng biết nó cực kỳ nguy hại, mà sao lại lắm kẻ đâm đầu vào? Người Duy Tâm bảo là thời mạt pháp. Nhưng bà theo Phật tin là con người có số kiếp nhưng không tin vào chuyện người ta bảo là mạt này, mạt nọ. Giọng bà trầm buồn:
- Nhưng mà có cái gì đó không ổn, bọn thanh niên mới như thế.
 Gã không nói gì. Xã hội có những điều mà chính gã lúc này cũng còn chưa hiểu, nói gì với bà bây giờ?
Bên kia đường đối diện với ngôi nhà này là một gia đình đặc biệt. Có lẽ trong Nam ngoài Bắc rất hiếm trường hợp tương tự. Hồi còn ở trong tù gã có nghe phạm nhân kháo nhau. Lúc ấy gã không tin. Chuyện một chồng đôi ba vợ rất nhiều, không ai lạ. Nhưng một bà hai ông thì đây là lần đầu gã mục sở thị.
Gã chuyển câu chuyện sang đề tài này cho nó bớt căng thẳng.
Bà bảo:
- Chuyện thật đấy! Khi nào anh muốn sang thì sang. Các ông ấy sởi lởi mà quý khách lắm. Một ông ngày trước là chiến sĩ Điện Biên, một ông dân công hoả tuyến. Ông về trước. Ông năm sau mới về. Bây giờ một người làm thợ cắt tóc, một người bơm vá xe đạp. Hai ông quý nhau lắm, không thấy to tiếng bao giờ. Cái bộ ba ấy bây giờ có bốn đứa con. Trai gái đủ cả.
Gã chịu không thể hình dung được gia đình ấy chung sống hoà bình như thế nào? Con người với nhau có thể nhường cơm sẻ áo nhưng tình cảm khác giới người ta ích kỷ lắm. Có một chủ thuyết hài hoà kỳ quặc nào chăng?
Thịnh kể thêm chuyện một đôi vợ chồng kỳ lạ. Hai vợ chồng đều là nữ mà ghen kinh khủng. Một cô nào đó không biết mà cười cợt với một trong hai người là dễ bị ăn lưỡi lam ngay.
Gã là kẻ cứng bóng vía mà nghe chuyện của họ cũng thấy gờn gợn. Rồi chuyện mẹ mèo con chó, lợn có ba cái đuôi...
Rốt cuộc buổi tối hôm ấy gã không nói điều gì được với Thịnh, cho dù có chủ ý từ nhà. Cơ hội này mãi về sau gã lấy làm tiếc và áy náy mãi.
Sáng hôm sau, gã ra bến tàu về xuôi. Gã thất vọng khi nhìn thấy con tàu. Nó vốn là con tàu chiến để lại từ thời chống Pháp. Thiếu phương tiện người ta đã sửa lại làm tàu chở khách. Nó không có dáng vẻ mềm mại, điệu đàng của một du thuyền. Dáng khắc khổ, cứng nhắc kiểu nhà binh còn để lại nhiều dấu vết trên thân tàu. Máy móc của nó vào loại cổ lỗ nhất thế giới, được chế tạo từ thế chiến thứ nhất. ở nơi quê hương bản quán của nó chắc người ta đã nấu sắt vụn rồi. Nhưng ở một đất nước vừa ra khỏi mấy chục năm chiến tranh này nó vẫn là tài sản, phương tiện quý giá. Người ta vẫn điều khiển nó bằng sợi sích han gỉ, to tướng để quay bánh lái. Quá nửa số các đồng hồ báo các thông số trong ca bin đã liệt kim. Có cái vỡ mặt kính, để lại một lỗ thủng. Một kẻ táy máy nào đó đã tháo đi. Giả dụ nó có còn đấy cũng không tác dụng gì. Người ta điều khiển bằng mắt và bằng tai. Nghe tiếng máy là biết nó sắp cạn dầu hoặc tốc độ của nó đang chạy là bao nhiêu hải lý một giờ.
Con tàu để lại đằng sau một vệt khói dài bốc lên thành dải mây đen. Rất lâu sau nó mới tan dần dần. Tiếng máy vọng trên sông nên vang rất to. Có cảm giác như cả một đoàn thiết giáp đang vội chạy. Đi tàu mệt nhất là phải nghe tiếng máy. Nhức nhối lộng óc suốt cả hành trình. Tiếng ồn của nó phải tới hàng trăm đề si hen, quá mức ồn cho phép với sức khoẻ con người. Nhưng dù sao thì cũng thoải mái hơn đi xe buýt. Những chiếc xe xộc xệch khách như nêm cối. Thường xuyên bị cái hoạ chết máy giữa đường. Lại hay bị vào quãng trống trải không nhà cửa cây cối. Tìm miếng nước uống cũng khó, chưa nói đến các thứ khác. Lơ xe hống hách như ông vua con. Động một tý là ném hành lý, doạ đuổi khách xuống đường. Thời gọi là dân chủ nhân dân vô cùng hài hước. Một cô mậu dịch viên cũng có quyền quát nạt người khác. Một gã gác, cổng thậm chí một anh soát vé chợ cũng có thể hạch sách, hăm doạ cả người đáng tuổi cha chú mình.
Gã có người bạn học cùng lớp vẫn gọi là Tuy Vẩu. Người thì ngắn một mẩu, những răng thì vẩu dài ra ngoài miệng. Trông hắm hom hem chẳng giống ai. Mùa nóng cũng như mùa lạnh lúc nào cũng cũng sơ vin, bỏ áo trong quấn. Nét mặt luôn làm ra vẻ quan trọng. Ai hỏi thăm cũng xưng mình là cán bộ văn phòng chính phủ, làm mãi trên trung ương. Hỏi ra mới biết y làm nhân viên tạp vụ, túc là làm công việc quét dọn, bưng bê.
Thời của gã cái mác " Người Nhà nước " rất được coi trọng. Bất luận làm công việc gì. Mà thường những công việc xoàng xĩnh nhất lại mang những cái tên rất hay ho. Tỷ như Công ty vệ sinh môi trường, đội bảo vệ thực vật. Nguồn gốc sâu xa là ở chỗ ai cũng muốn thoát ly ra khỏi nông nghiệp, nông thôn. Nơi làm ăn vất vả mà giá trị lao động không đáng kể gì. Người ta sẵn sàng làm phu lục lộ suốt ngày phơi mặt trên đường bụi bặm để được cái hít gió trồng chè, cà phê, hoặc chăn bò để được gọi là công nhân Nông trường. Khu vực Nhà nước như miền đất hứa của bao lớp người đời này qua đời khác, chân lấm tay bùn. Những lớp người cơ khổ lam lũ cực nhọc suốt đời mà không đủ miếng cơm ăn.
Gã cũng một thời có mặt trong đội quân đông đúc có cái mác ấy. Hơn nữa gã còn ở bậc thang khá hơn nhiều người.
Ngồi trong khoang tàu gã miên man nghĩ ngợi. Gã không còn cảm thấy tiếc nhưng vẫn rất buồn vì những việc đã qua.
Ngoài kia là mênh mang sóng nước sông Hồng. Con sông ngay từ thủa ấu thơ gắn bó với bao kỉ niệm. Những mùa nước lên, trống giục liên hổi như trời long đất lở. Như thể ngày mai, ngày kia ngập tràn đổ vỡ hết không còn gì trên thế gian này. Nhưng bọn trẻ con như gã vẫn rất vô tư. Cứ ào xuống đám thầu dầu đang ngập chìm rất nhanh. Trên ngọn, trên cành lá đám thầu dầu tím lịm ấy là những con dế cụ to đùng. Có năm đê vỡ trong làng kêu khóc như vỡ chợ. Gã cùng đám bạn vẫn ra sức kéo những bè đóng bằng cây chuối ra tuốt luốt giữ đồng. Khi nước rút lại hăm hở đi cắm đăng, đặt giọ bắt những chú cá béo lẳn, vi bạc lấp lánh.
Cho đến bây giờ gã vẫn chưa quên những ngày hè sôi động. Gã có bà dì lấy chồng bên kia sông. Mỗi lần sang nhà dì chơi phải qua một bãi cát dài để lên thuyền. Cát nóng hầm hập, lấp loáng, nhấp nhánh như bị nung rực lên. Gã đội chiếc nón rách, chân trần, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Cát nóng đến nỗi đi một quãng gã lại phải bỏ cái nón đứng lên. Bàn chân có cảm giác bị chín nhừ trên cát. Đứng một lúc nắng ở trên đầu như chụp lửa hoa hết cả mắt, lại phải bỏ nón đội lên. Cái nón cứ đổi lên, thay xuống, đi, đứng, mãi cho đến khi ra tới thuyền. Nó trở thành cái mê không rõ hình hài.
Dượng chờ gã ở bờ bên kia, sẽ đưa cho gã một đoạn mía và lại kể câu chuyện "Tam sơn, Tứ hải, nhất phần điền". Gã chẳng hiểu nó có ý nghĩa như thế nào, nhưng ông dượng có vẻ tâm đắc, lần nào gặp thằng cháu cũng kể. Lúc đó chỉ có khúc mía là có ý nghĩa. Gã đang khát đắng trong miệng, mệt mờ cả mắt. Đấy là khúc mía ngọt nhất trần gian. Gã còn thấy nó thơm nữa, hương vị rất đặc biệt, ám ảnh mãi sau này. Nhất là vào những lúc cực khổ, đói khát, thèm tình cảm ruột rà máu mủ..
Tàu đã qua bến Phan Lương. Nơi có cây đa già, cao chót vót, cành khắc khuỷu như mụ phù thuỷ già đứng canh chừng.
Có một lần qua đây gã bị thu mất chiếc máy ảnh mà gã không hề làm gì ở đây. Gọi là bị cướp mất thì đúng hơn, vì người ta không ghi cho một mảnh biên nhận nào. Toàn bộ số tiền mang theo của gã cũng bị mất sạch. Người ta chỉ để lại cho vừa đủ tiền đi xe về. Ngày ấy cũng như bây giờ, ở đây không có một công trình quân sự, hay bí mật Quốc gia nào. Không hề có biển cấm quay phim chụp ảnh. Vậy mà người ta lập biên bản, còn doạ giữ người. Thứ mà họ vin vào để làm khó cho gã là hai miếng phù hiệu và cái áo bộ đội. Gã bị buộc cho tội giả danh bộ đội để đi lừa đảo. Mặc đù không mặc và đeo các thứ ấy lên người. Gã chỉ mang theo để chàng thanh niên nào thích thì chụp một kiểu ảnh. Thời mà không trước thì sau, họ cũng mặc áo lính. Người ta chụp trước để có đi b đi C gì đó còn có ảnh để lại cho gia đình và bè bạn. Không hiểu dùng chiếc máy ảnh vào thời ấy lại nhiêu khê như dùng một thứ quốc cấm. Đủ thứ giấy tờ. Nào đăng ký máy, giấy phép, giấy giới thiệu. Người ta làm như chỉ có gián điệp việt gian mới dùng thứ của nợ ấy. Thật là nực cười, bọn tình báo chúng thiếu gì phương tiện tinh xảo? Chẳng có thằng dở hơi nào dùng thứ máy ảnh to hơn nửa viên gạch đeo lủng lẳng trước ngực. Thứ máy của phe dân chủ ngắm, vặn, điều chỉnh chán mới chụp được một kiểu. Khác gì lạy ông tôi ở bụi này?
Thế mà cũng thành một cái tội. Đúng là cái tóc cái tội, thật khó mà trình bày vào những năm tháng ấy. Người ta còn đưa giấy về địa phương gã đang ở. Vì kiếm sống gã lại mua cái máy khác, gã đâu có biết làm nghề gì? Không lẽ để mẹ nuôi báo đến già. Mà ở cơ quan gã đã bị giảm biên chế từ lâu. Chẳng nơi nào chấp nhận tính tự do, vô tổ chức của gã. Cộng thêm cái miệng không biết nịnh hót, uốn éo. Cứ toạc móng heo, nhiều lúc khiến thủ trưởng không ưa.
Gã học được nghề chụp ảnh để có một nghề kiếm sống lương thiện. Một nghề có thể nay đây mai đó thuận cho việc học hỏi, tìm tòi cho dự định sau này. Cái nghề đầy tính văn hoá ấy hoá ra lại là nghề ẩn dấu nhiều hiểm hoạ. Vài ba lần như thế, tội gà cộng tội vịt thành nhiều tội to. Gã có hồ sơ ở công an huyện tự bao giờ. Rồi cái đêm án mạng xảy ra trên bãi chiếu phim người ta khoanh đối tượng khả nghi, gã được nhắc đến đầu tiên. Mười hai con người bị nghi vấn phóng dao giết chết một cán bộ huyện đội đang về làm công tác tuyển quân.
Thời chiến tranh luật lệ là một cái gì khó hiểu. Không cần tang chứng vật chứng, chỉ cần nghi ngờ, người ta có thể bắt giữ người và không thiếu kẻ độc ác, tư thù cá nhân, vì những động cơ hèn hạ đã đẩy những con người có số kiếp không may vào vòng lao lý. Họ không có tội, hoặc lỗi của họ chưa đáng phải xử lý như thế. Nhưng mà kêu trời thì xa... Những năm ở trại, di chứng còn lại hành hạ họ mãi về sau. Có khi hết cả đời người. Tổn thất vật chất đã đành, còn vết thương tinh thần về sau. Đó là chưa kể đến những thành kiến của xã hội ngày họ trở về hội nhập.
Gã nhiều lúc muốn quên đi những chuỗi ngày buồn, những kỷ niệm nhiều khi day dứt trong lòng. Người ta sống cần tình yêu chứ không phải là oán hận. Gã biết thế mà lắm lúc vẫn thấy chạnh lòng. Sông Hồng mùa này nước lặng, chảy không xiết nhưng vẫn gợn lên lớp lớp sóng cồn. Gió đổi mùa đang da diết thổi. Bầu trời hiếm khi xanh, mây tỏ như hôm nay. Thỉnh thoảng một đàn chim cánh lấp lánh ánh bạc ngang vút qua sông. Đã tới mùa chim đi trú bay về phương nam tránh rét. Không hiểu sao mỗi lần ngước lên bầu trời gặp đàn chim như thế gã thấy nao nao. Những cánh chim tự do dù thế nào vẫn phải tuân theo một quy luật tự bao đời không đổi của tự nhiên. Quy luật của tồn tại. Mãi mãi không bao giờ có thứ tự do không bến, không bờ.
Đang qua quãng sông rộng tấp nập tàu bè. Không còn thấy buồm nâu, buồm xám, những đoàn người kéo thuyền bằng những sợi chão to như cổ tay. Những hình ảnh ấy chỉ còn trong ký ức người già. Vận tải đường sông chưa phải là đã hiện đại hoá, dẫu sao cũng là thời của động cơ điêden, máy chạy dầu hàng trăm sức ngựa. Núi non, cỏ cây đôi bờ vẫn thế thôi, nhưng đã manh nha một sự đổi thay. Thấp thoáng những công trường xây dựng. Những lò gạch, lò vôi khói đen, khói trắng cuồn cuộn lên trời.
Một đoàn hoả xa uốn mình đang miết trên đường ray chạy về phương Bắc. Những chiếc ôtô vận tải xanh đỏ nhìn xa như một thứ đồ chơi ẩn hiện sau rặng cây.
Gã cố tìm dấu vết hình ảnh đôi bờ của dòng sông ở năm Tân Hợi. Năm mà gã và hai mẹ con cô gái người Sơn Tây cùng đi trên cái mảng nứa dập dềnh, mỏng manh, luôn có nguy cơ chìm nghỉm giữa dòng nước mênh mang. Cảnh vật thay đổi đã nhiều. Chỉ còn lại tháp chuông nhà thờ hiu hắt nổi lên từ một xóm làng vắng lặng không tên. Những con bò gầy dơ xương cặm cụi gặm cỏ bên sườn một khúc đê cong. Nếu có xe đạp có thể gã sẽ ghé vào thăm nhà hai mẹ con bà bạn đường năm nào. Gã còn nhớ rõ lối vào nhà, con đường sỏi ruồi tím lịm, hai bên tường xây bằng đá ong... Thoáng chốc đã bao nhiêu năm rồi. Đã bao nhiêu nước xuôi chảy trên dòng sông này. Lâu lâu tàu lại hú lên một hồi còi dài tấp vào một bến nào đó. Tiếng hú như hồi chiến tranh phá hoại mỗi khi có báo động. Người lên, kẻ xuống, lợn, gà, chó má đủ các hạng gánh gồng, khiêng vác. Có một cái gì rất chung cho cả mọi nơi. Một sự tất bật, lam lũ, ngơ ngác, lộn xộn chẳng khác nhau là mấy trừ mật độ người. Càng về hạ lưu người càng đông, càng tất tưởi, bận rộn. Nếu không ghé các bến dọc hai bờ sông thì tàu sẽ đến Việt Trì vào khoảng quá trưa một chút. Nhưng vì là tàu khách nên nó vẫn phải vào các bến dọc sông. Phải gần chiều tối tàu mới về đến nơi. Đúng là hành trình của họ nhà rùa. Có muốn nhanh cũng không được. Như vậy sẽ lỡ hành trình của gã. Có qua đò sang sông cũng không có xe về Sơn Tây vào giờ ấy. Mà vào nhà bạn ở ga cũng bất tiện. Đến chơi ban ngày ban mặt một chốc thì được. ở lại qua đêm nơi sinh hoạt tập thể gã không lạ. Chật chội vướng víu nhiều thứ. Tiến lại đang nuôi con nhỏ, khách ngủ lại là việc bần cùng. Không lẽ cứ lang thang ở bến tàu cho đến sớm hôm sau? Chỉ vì không có cái xe đạp nên mới nhỡ độ đường. Cái thằng cha Nhân này thực bừa bãi không chịu được. Mượn một chút mà đem cắm ngay của người ta. Bạn bè kiểu ấy ai còn muốn làm ăn quan hệ với y nữa? Lúc đó gã rất bực, nhưng nhìn nét mặt đăm chiêu bối rối của Thịnh gã không nỡ nói nặng. Mất xe thì không thể mất, mà có mất chắc chắn Nhân cũng phải mua trả cho cái khác. Khổ là nhỡ độ đường. ở trong tù lâu ngày, khi về lại ở nơi heo hút gã đã kém nhạy bén với môi trường xung quanh. Còn phải một thời gian nữa gã mới quen, mới hòa nhập dòng chảy cuộc sống hiện tại.
Khi tàu về tới bến, gã không suy tính lâu. Gã khoác ba lô đi thẳng theo con đường rải đá vào ga. Hai bên đường hàng cây xà cừ nhem nhuốc bụi than. Một cô gái mảnh dẻ, mắt đẹp, da xanh tái cứ đong đưa nhìn gã. Hẳn là một thứ " bò lạc " cũng đang vào ga chuẩn bị một buổi ăn sương. Cảm giác ghê ghê rợn rợn chợt đến. Có lẽ đó là mùi hoá chất của nhà máy súppê, hay nhà máy giấy theo gió toả trong không gian. Một thành phố đang xây dựng lại. Đây đó vương vãi những khối bê tông vỡ, gạch ngói nham nhở. Thành phố cần lao đang gượng dậy sau chiến tranh bộn bề lo toan, thiếu thốn.
Phải đợi tới quá nửa đêm mới có tàu từ Lào Cai về, xuôi Hà Nội. Hành khách đi chuyến này không đông, lác đác chỉ vài người. Hầu hết là người buôn chuyến với gánh hàng hoa quả, hai anh bộ đội và gã. Vậy là trong một ngày gã vừa đi đường thuỷ lại vừa đi đường bộ. Hoàn toàn không phải do gã muốn thế. Chỉ đơn giản phươg tiện đi lại thiếu thốn, chưa có tuyến liên vận giữa các tỉnh.
Có tiếng rao của ông lão tẩm quất loi lói. Ông lão mũ đi vòng mấy lượt mà không có khách. Cuối cùng ông ngồi bệt xuống một chiếc ghế dài, đầu gục xuống thành ghế. Xung quanh vắng lặng như thể không người.
Hà Nội đối với gã không phải là thành phố xa lạ. Gã có nhiều năm sống ở đây, học tập, làm việc và cả những năm lang thang trên đường phố kiếm sống. Có cảm giác thành phố không thay đổi bao nhiêu, hoặc đổi thay rất ít. Phố xá vẫn là phố xá với những ngôi nhà thấp tầng, thò ra thụt vào theo một kiểu kiến trúc manh mún thiếu quy hoạch. Nó bắt nguồn từ thời thuộc Pháp, những năm kháng chiến và thời bao cấp sau này. Điều dễ nhận ra ngay là trên đường người đã đông hơn, xe cộ đông hơn, không vắng vẻ như những năm cuối thời bao cấp. Phố phường có dáng dấp của một thị xã tỉnh lẻ, ủ ê như người ngái ngủ. Lâu lâu mới lại có vài ba cái xe đạp chạy qua. Sau ngày thống nhất đất nước, đường phố Hà Nội đã có xe máy chạy nhưng chưa phải là nhiều. Những chiếc xe máy nhật có giá hơn một tài sản của nhiều gia đình. Thêm phần thủ tục nhiêu khê, xăng vừa đắt vừa hiếm, không phải ai cũng dám dùng. Nhưng vẫn có nó trên đường giữa dòng xe đạp còn tòng teng chiếc biển kiểm soát to bằng bàn tay đeo ở cổ xe.
Khi xuống tàu ra khỏi nhà ga, gã rất ngạc nhiên thấy lối ra vào mặt tiền của ga không còn quay ra đường Nam Bộ như xưa. Mặt tiền của nó bây giờ trông thẳng ra chợ Ngô Sĩ Liêm, con phố ngắn rẽ qua đường Nguyễn Khuyến. Nhà đợi tàu từ thời Pháp đã bị bom đánh trong đợt mười hai ngày đêm cuối năm Nhâm Tý. Năm mà nhân gia lưu truyền câu sấm.
" Tới năm Nhâm Tý thời bình
Hãy còn một trận đao binh thương tàn "
Năm ấy gã cũng có mặt ở Hà Nội. Gã có việc phải ngang qua khu này nhưng người ta chắn ba ri e không cho ai vào. Chưa khắc phục hậu quả sau trận đánh, hãy còn bom chưa nổ. Rất nhiều khăn trắng trên đầu người qua đường. Xe cứu hoả, cứu thương chạy tíu tít...
Bây giờ chỗ ấy nhà ga đang xây dựng lại. Có lẽ còn phải một thời gian khá lâu nữa mới xong.
Gã dừng lại hồi lâu ở một con hẻm, chỗ này một thời giúp gã sống được. Thời mà buôn bán bị coi là hành vi xấu, đầu óc con buôn bị lên án thì ở đây vẫn có một kiểu chợ đêm. Một thứ chợ âm phủ người bán kẻ mua không nhìn rõ mặt nhau. Bán, mua vội vội vàng vàng hàng tốt, hàng xấu thật giả lẫn lộn. Chốc chốc lại có tiếng siđờca của cảnh sát khu vực vây bắt, hoặc tiếng còi của dân phòng. Cảnh mua bán như thế thường diễn ra vào lúc đêm khuya khi tàu Thống Nhất từ trong Nam ra, hoặc tàu Lạng Sơn về.
Gã trốn trại không một mảnh căn cước trong người chỉ có thể kiếm sống ở những nơi như thế. Ban ngày gã theo một thằng bạn đạp xích lô về bãi Phúc Xá ngủ dài người trong căn phòng chật chội. Con vợ nó bán nước chè năm xu và phe vé ở bến xe, gầm cầu Long Biên. Hai vợ chồng nhà này suốt ngày vắng nhà chỉ về sau lúc mười giờ tối. Bấy giờ là lúc gã dong xích lô ra ga. Nếu có khách thì chạy, không có thì tán gẫu với mấy cô phe tem phiếu. Khi tàu về bến một bọn lao ra chỗ lối  ra của nhà ga. Ai bán gì cũng mua. Quần áo bộ đội, dép giày, mũ cối có khi gã còn mua được cả đài bán dẫn, đồng hồ. Không phải những thứ đó đều là đồ ăn cắp bán rẻ, có khi vì nhỡ độ đường người ta cần tiền bán đổ bán tháo. Gần sáng về bán lại cho một " lò " ở phố Đường Thành. Có rất nhiều lò như thế kéo từ gầm cầu xuống tới chợ Đồng Xuân, Hàng Đậu, Bắc Qua... Khu chợ đen của Hà Nội tồn tại nhiều năm. Có nhiều kẻ gặp may đổi đời từ những khu chợ này. Nhưng gã luôn rủi ro, chỗ hà ra chỗ hổng, chỉ đủ kiếm sống qua ngày. Có lần mua phải hai cái đồng hồ rởm mất cả chỉ lẫn chài, phải nhịn đói vài ba ngày.
Giờ đi ngang qua gã vẫn thấy con hẻm chật chội như ngày xưa và có phần trơ trẽn. Gã lấy làm lạ là làm sao mình hồi đó lại sống được theo kiểu như thế. Có cảm giác tương tự giống người ta lăn xuống đáy vực thấy mình không chết, được sống lại.
ở đây gã cũng có những người bạn tử tế, sang trọng, thậm chí có địa vị cao. Nhưng bây giờ không phải là lúc đến những nơi ấy. Gã tự nhủ: Khi nào mình chưa thực là mình gã sẽ không đến những nơi ấy. Sẽ phải thanh minh, thanh nga, trình bày chẳng để làm gì. Không ai cứu mình bằng chính mình. Phải tự cứu trước khi trời cứu. Khó mà có được cái nhìn cảm thông, một tấm lòng thiện chí vào lúc này. Gã không bi quan chủ nghĩa, hoài nghi tất cả. Nhưng gã thừa biết người ta không đồng cảnh thì cũng khó đồng cảm, đồng tình. Mỗi chỗ đứng sẽ có một góc nhìn, gã không oán giận ai. Chỉ là không muốn chỗ đau lại tấy lên vì một sự vô tình, vô tâm nào đó. Mà những thứ đó lại rất sẵn, nhan nhản nơi thế gian này. Mọi người đã quên gã và gã cũng muốn quên tất cả. Có chăng trong lúc này chỉ là quan hệ bất bình đẳng. Người ta sẽ nhìn gã với con mắt kẻ nhìn xuống. Gã không muốn như thế.
Gã sẽ mau chóng đi khỏi đây. Về nơi làng xưa xóm cũ. Nơi ấy cũng rất nhiều kỷ niệm đau buồn, cay đắng nhưng không thể bỏ được. Dù sao vẫn phải về. Không còn nhà cửa gã vẫn còn quê hương. Còn mồ mả ông bà, còn những người ruột thịt. Gã uống chén nước, không để tâm đến câu chuyện của những người xung quanh. Người ta đang nói đến một ông người Nga, Ba chốp. Xe chạy trong nội thành để lên Kim Mã mua vé về quê. Chính gã không biết rằng đấy là buổi đầu tiên gã tiếp nhận không khí của một thời rất đặc biệt liên quan đến số phận nhiều người. Đến số phận của dân tộc, đất nước mà dù muốn dù không gã là người trong cuộc. Giống như ta ngồi trên một con tàu. Ta ngồi yên mà tàu vẫn chạy. Đến khi lên xe vẫn còn nghe người ta bàn tán. Gã biết. Dân Hà Nội và trong vòng bán kính ba mươi cây số trở lại rất thích nói chuyện chính trị. Luôn có một nguồn thông tin nào đó lan truyền các vỉa hè, các quán cà phê. Gã đã chán ngấy kiểu dỏng tai lên nghe tin tức kiểu ấy. Một thứ mốt tỏ ra người hiểu biết, thức thời mà chẳng để làm gì, chẳng biết làm gì. Một lão trí thức nửa mùa, bất mãn, luôn làm ra vẻ lập dị đã tác động xấu đến gã. Gã đã nghe lão mà ở lại Hà Nội sau ngày giảm biên chế. Nếu không cuộc đời gã đã khác, có thể gã sẽ xin được công việc ở một cơ quan nào đó, chứ không lang bạt mấy năm trời để thành đối tượng người ta để ý và bí mật theo dõi. Gã chuyển hộ khẩu từ cơ quan về một xóm ngoại ô. Khu này vẫn nửa tỉnh nửa quê. Dân chúng chủ yếu sống bằng nghề nông trồng rau màu cung cấp cho nội thành.
Một lão già ở bẩn và luộm thuộm đến kinh người. Nhưng hiểu biết của lão thật đáng nể, lão có học và nghiền ngẫm hẳn hoi chứ không phải thứ văn hoá nhặt nhạnh, đầu ngô mình sở. Lão có thể nói về Phơrớt, Nít sơ, An be ca muy, káp ka cả buổi không biết chán, là những đề tài người đương thời ít quam tâm và còn kiêng kỵ không mấy ai nói đến.
Xe chạy qua xưởng đinh cuối chân con dốc cầu Giấy, qua trường Sư phạm một quãng nữa thì rẽ vào lối ở của lão trí thức bất cập này. Đã nhìn thấy vòm mái của nhà máy đông lạnh, một khúc mương chạy qua vườn ươm cây của Công ty ươm cây. Xưa kia có một túp lều lợp rạ, tường trát đất. Đó là cư xá ẩn dật của lão, trơ chọi, hoang vắng giữa cánh đồng. Chỗ ấy bây giờ máy ủi đang san, mất dần dấu vết. Những mái nhà lợp giấy dầu mọc rải rác cũng đã chuyển đi nơi khác. Gã chỉ nghe nói lão già đã chuyển về Nam sau ngày thống nhất. Không biết bà vợ nhặt có đôi mắt sang vành có đi theo vào không, hay ở lại Hà Nội? Người đàn bà ấy một thời là hoa khôi của trường đại học. Chị ta quăng quải duyên tình thất sủng với một vị quan chức thế nào, một đêm mưa gió theo lão về cái xóm có cái tên rất chân phương là xóm Lao Động. Tên xóm thì thế nhưng không có ai là người lao động. Một nhà có hai vợ chồng về hưu, một nhà bán hàng khô ngoài chợ Đồng Xuân. Kể cả nhà lão, cả xóm có ba nhà.
Giờ này mà gã có tới đó cũng chẳng còn ai. Những người ở xóm đó đã theo dâu bể cuộc đời mà tứ tán nhiều phương. Chỉ có con sông đào dẫn thuỷ nhập điền là vẫn còn chảy ngang qua đó. Con sông có từ hàng trăm năm trước chạy mãi về Hà Đông rồi xuống Hà Nam, Nam Định. Nó vẫn thản nhiên qua nhiều biến cố. Kệ mặc những gì xẩy ra trên mặt đất của thế giới loài người. Gã chỉ thoảng qua ý nghĩ về người bạn vong niên khi xe chạy ngang qua chứ không có ý định ghé lại nơi đó. Cũng chẳng để làm gì, dẫu gã biết rằng gã có sổ hộ khẩu hộ tịch đăng ký ở đây mà vĩnh viễn không bao giờ chuyển tiếp đến một nơi nào khác. Không biết người ta xử lý việc này thế nào nhỉ? Hay là thời gian dài không có mặt gã người ta đã gạch tên? Thế mà một dạo gã mất nhiều công của để xin đăng ký. Người ta cấp cho gã mỗi tháng mười ba cân gạo, gã để cho nhà trí thức kia dùng. Nếu gã có mua mang về trên quê thì một tiền gà ba tiền thóc cũng không đáng.
Trên xe có rất nhiều người nói giọng người quê gã. Thứ âm giọng đùng đục, thô, phát âm chậm nghe nằng nặng không giống nơi nào khác. Thổ âm của người vùng bãi bồi, khắc khổ. Gã không nhận ra có ai là người quen. Có thể có người nhận ra gã nhưng gã không nhớ họ là ai. Mấy bà đứng tuổi ngồi cuối xe chỉ trỏ, thì thào. Gã biết nhưng giả làm như không biết. Xuống xe gã còn phải qua cánh đồng, một quãng đê dài mới về tới làng Đa Thanh quê gã. Còn là rất mệt!





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: