Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Thứ Ba, 21 tháng 1, 2014

Thế giới chúng ta là cực kỳ phi lý và hết sức điên rồ!

85 người nắm giữ tài sản bằng 3,5 tỷ dân thế giới
Theo một báo cáo phát hành hôm thứ Hai (20/1) của tổ chức nhân đạo Anh Oxfam International thì 85 người giàu nhất thế giới hiện nay đang có số tài sản tương đương 3,5 tỷ người khác trên trái đất.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra tại Davos, Thụy Sỹ.
Các nhà lãnh đạo kinh doanh và chính trị đã tập trung tại Davos, Thụy Sỹ hôm thứ Hai (20/1) tại Diễn đàn Kinh tế Thế Giới (WEF) để thảo luận về việc cải thiện nền kinh tế thế giới và đưa ra những số liệu về bao nhiêu người giàu có trở nên giàu có hơn, bao nhiêu người bị rơi xuống mức nghèo khó trong năm qua.

85 người giàu nhất thế giới hiện đang nắm giữ khối tài sản tương đương với tài sản của nửa dân số trên hành tinh (khoảng 3,5 tỷ người) là nhận định được tổ chức nhân đạo Oxfam International đưa ra trong diễn đàn này.



Kết luận này làm nổi bật lên khoảng cách ngày càng lớn giữa người giàu vào người nghèo. Kết luận cũng có thể sẽ thúc đẩy những nỗ lực của Mỹ trong việc tăng lương tối thiểu liên bang – chính sách mà Tổng thống Barack Obama đang thực hiện như là một ưu tiên hàng đầu của quốc gia.
“Thật đáng kinh ngạc rằng trong thế kỷ 21, một nửa dân số thế giới sở hữu không nhiều hơn được số tài sản mà một tầng lớp nhỏ trong xã hội có được”, Winnie Byanyima - Giám đốc điều hành Oxfam cho biết, "Sự bất bình đẳng tăng cao đang tạo ra một vòng luẩn quẩn mà ở đó, sự giàu có và quyền lực đang ngày càng tập trung trong tay của một số ít người, để lại phần còn lại của thế giới phải chiến đấu chống lại đói nghèo".
Tài sản tích lũy của 3,5 tỷ người nghèo trên trái đất
mới bằng tài sản của 85 người giàu nhất thế giới.
Một nửa dân số thế giới thuộc nhóm nghèo hiện chỉ chiếm giữ khối tài sản khoảng 1,7 nghìn tỷ USD, tương đương với khoảng 0,7% tài sản thế giới, theo báo cáo có tiêu tề “Làm việc vì đói nghèo” của Oxfam.
Đó cũng là số của cải mà 85 người giàu nhất thế giới nắm giữ. Những người giàu có nhất chỉ chiếm một phần nhỏ trong số 1% dân số giàu có của thế giới. Hiện nhóm 1% dân số giàu có đang tích lũy lên đến 46% tài sản của thế giới, tương đương với 110 nghìn tỷ USD, theo báo cáo của Oxfam. 1% dân số giàu có này cũng tích lũy khối tài sản gấp 65 lần so với của 50% dân số thế giới thuộc vào nhóm nghèo khó (nhóm dưới).
Dean Baker, đồng giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách ở Washington, cho biết ông không ngạc nhiên về báo cáo và sự bất bình đẳng gia tăng giữa người giàu và người nghèo theo báo cáo của Oxfam.
"Miễn là chúng ta duy trì được mức thất nghiệp ở tỷ lệ thấp, tôi không thấy bất kỳ viễn cảnh nào có thể đảo ngược tình trạng này", ông Baker nói. Ông tỏ ra ít quan tâm đến sự giàu có vì cho rằng nó đã bị thổi phồng bởi lợi nhuận thị trường chứng khoán và có thể bị đảo ngược trong một thị trường bị suy thoái. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng thu nhập cho người nghèo và tầng lớp trung lưu Mỹ đã tụt lại phía sau so với những người giàu có trong ba thập kỷ qua. Những phát hiện Oxfam và các tổ chức khác sẽ giúp xây dựng sự hỗ trợ cho việc gia tăng mức lương tối thiểu ở Mỹ, ông Baker nói.
Trong một báo cáo phát hành vào tuần trước, Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho biết sự bất bình đẳng thu nhập mở rộng là nguy cơ có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng trong thập kỷ tới. Gần đây, Tổng thống Obama gọi sự phân hóa giàu nghèo là mối đe dọa cho nền kinh tế Mỹ nhiều hơn cả thâm hụt ngân sách.
Kết quả một cuộc thăm dò do Gallup phát hành hôm thứ Hai cũng chỉ ra rằng 2/3 người Mỹ không hài lòng với cách phân phối thu nhập trong nước. Khoảng cách giàu nghèo là một trong những nguyên nhân dẫn đến nhiều cuộc biểu tình ở nước Mỹ.
Oxfam cho biết Mỹ là quốc gia tập trung sự giàu có nhiều nhất trên thế giới. Tỷ lệ thu nhập của nhóm 1% dân số giàu nhất đã tăng gần 150% từ năm 1980 đến năm 2012. Và khoảng 90% người nghèo của nước này đã trở nên nghèo hơn trong nhiều năm gần đây.
Những lợi ích không đồng đều của sự phục hồi kinh tế, trong đó có nhiều người đã phải mất công ăn việc làm hoặc bị trả lương thấp hơn, đã làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng thu nhập, Christine Owens, Giám đốc điều hành Dự án Luật Lao động Mỹ cho biết.
Cũng có những mối quan tâm khác về tác động rộng lớn hơn của khoảng cách giàu nghèo. "Bất bình đẳng thu nhập cũng khiến xã hội bất ổn", ông Owens nói, "Vì vậy, nó không chỉ là câu hỏi về sự công bằng, đó còn là một câu hỏi làm thế nào để chúng ta bảo tồn một nền dân chủ, và rất khó để làm điều đó nếu chúng ta không có sự thịnh vượng chung một cách rộng rãi".
Sự phân hóa giàu nghèo tồn tại trên toàn thế giới.
Oxfam đã kêu gọi sự tham gia của Diễn đàn Kinh tế thế giới, trong đó bao gồm một số các giám đốc điều hành của những công ty giàu có nhất và có ảnh hưởng nhất, để thực hiện các bước nhằm đảo ngược xu hướng phân hóa này.
Trong số các biện pháp, Oxfam kêu gọi thúc đẩy các loại thuế tiến bộ, cam kết không né tránh thuế, trả lương đủ mức sống cho người lao động, đề nghị chính phủ “cung cấp chăm sóc sức khỏe tổng quát, giáo dục và an sinh xã hội” cho công dân của họ.
Phan Sương
Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: