Kho giống má trên cánh đồng chữ nghĩa!

Chủ Nhật, 26 tháng 1, 2014

Thăm Thẳm đường về ( Tiếp theo..)



5.
 
M
                           ột buổi chiều như chiều hôm nay vào năm Giáp Dần. Mặt trời đã gác non đoài, những đám mây tím lịm lơ phơ trên đỉnh núi Ba Vì. Bên Tam Đảo mờ sương giăng giăng như một bức tường thành. Trời cuối thu soi tỏ cánh đồng đang nhuốm màu vàng nhạt. Những con bò nhởn nhơ gặm cỏ trên triền đê. Thanh bình như không có chuyện gì xảy ra. Như cánh cò thong thả in dấu trên nền trời xanh biếc.
Gã đạp xe về làng, trong lòng rộn niềm vui, sớm mai gã sẽ đạp xe lên chân núi Ba Vì. ở đó có một trường đặc công vừa mãn khoá học, gã đem trả ảnh cho những người lính trẻ. Họ đang chuẩn bị vào bổ sung cho chiến trường phía Nam. Trước đó gã không ngờ công việc lại thuận lợi đến thế. Tiểu đoàn trưởng là người cởi mở. Chính ông ta tạo điều kiện thuận lợi cho gã trong công việc. Mà nếu là người khác chắc chắn không thực hiện được. Chú em họ người cùng làng là lính của đơn vị này. Gã đưa cậu ta lên đơn vị sau ngày về tranh thủ thăm nhà. Gã đã đánh bạo chụp những tấm hình cho họ. Những tấm hình không dính dáng gì đến bí mật quốc phòng, quốc gia. Nhưng vẫn bị cấm vào thời điểm đó. Những người lính ra đi biết đâu những tấm hình gã chụp hôm nay sẽ là bức hình cuối cùng của họ. Trong số họ có thể có người sẽ không trở về. Trong chiến tranh đó là lẽ thường tình. Vì thế gã cố gắng chụp những bức ảnh thật tươi. Chuẩn bị cơ số máy chắc chắn, khi ngắm chụp thật nhanh. Có thế bức hình mới tự nhiên, chân dung nó mới trẻ trung, dí dỏm. Nếu ngắm quá lâu, ảnh người chụp sẽ trông mặt đần ra, mất hết thần thái.
Máy hiệu phết cát, phim óoc vô 55 đin, vậy mà các khuôn hình thật đẹp. ảnh phóng 9x12 đen trắng nhưng rất nét, đôi mắt người trong ảnh như có giọt nước long lanh. Gã còn có bức chụp chung cả đơn vị. Tấm ảnh phóng to hết cỡ, là quà biếu không tính tiền. Có thể đây là chuyến đi chụp ảnh dạo cuối cùng của gã. Tuần sau gã sẽ nhận một công việc mới làm ở Hà Nội. Một nhân vật có hạng giúp gã một chân làm việc ở Công ty phụ tùng ôtô. Gã đã tới gặp và nhận quyết định. Đó là kho vật tư gần gò Đống Đa trên đường Hà Nội - Hà Đông. Xung quanh nơi đó vẫn còn những ruộng lúa,  khung cảnh gần với thôn quê hơn là nơi phố xá. Vậy là tấm bằng kỹ sư cơ khí có cơ hội được dùng. Nhưng quan trọng hơn gã có một nghề đảm bảo cuộc sống không phải vật vờ lúc đói, lúc no, khi chết giá, khi quá lửa như thời gian vừa rồi. Ngày nghỉ, buổi tối gã sẽ có thời gian vào thư viện, nơi mà gã như bị bùa mê thuốc lú. Nơi khó dứt ra được khiến gã đã bị mất việc. Không còn là thời của cụ Tản Đà có thể vào Nam ra Bắc mặc lòng. Thi nhân có thể sống nhơn nhở, tuỳ hứng. Thời gã đang sống khắc hẳn mọi thời, bất kể là làm nghề gì, nguyện vọng thế nào cũng cần phải xếp mình vào một tổ chức xã hội. Có một việc làm mới mong tồn tại được. Sống tự do, hành nghề tự do, phải có bản lĩnh phi thường mà gã e rằng mình chưa có được.
Mọi người trong gia đình gã đều mong mỏi như thế. Một dạo gã coi thường, nhưng giờ đây gã thấm thía sau những ngày cuộc sống lênh đênh chao đảo. Lúc nào cũng có nguy cơ chìm nghỉm xuống bùn, gục ngã trước vô vàn thử thách đời sống thường ngày. Gã sẽ trở lại đi làm cơ quan, làm việc gì cũng được. Còn cái máy ảnh Liên - Xô cũ kỹ này gã sẽ giữ làm kỷ niệm. Dù sao nó cũng đã giúp gã có cơm ăn, áo mặc, vui buồn cùng gã một thời. Cũng cái nghề mà gã phải khổ công tự học mày mò chẳng giống ai trên đời. Cái nghề nhiều người còn xem là bí ẩn, quyết giữ bí quyết, khó lòng truyền thụ cho người khác, nếu không là cật ruột mà gã xuất thân từ chốn đồng quê, chân lấm tay bùn, cái nghề ảnh là một nghề quá xa lạ.
Gã định về tới nhà nghỉ ngơi một chút rồi sẽ cắt giấy dán thành phong bao đựng ảnh. Phim cũng cắt rời, phim nào ảnh nấy. Bên ngoài bao ảnh sẽ ghi rõ tên từng người để khi trả khỏi lẫn lộn. Khi chụp gã có ghi tên từng người, giờ chỉ việc soát lại, cũng không mất nhiều thời gian. Chỉ có vài kiểu bị hỏng do bị phản quang hoặc người chụp chớp mắt. Gã sẽ lựa lời thông cảm với mấy người lính trẻ. Nếu họ không chịu, gã sẽ chụp lại gửi theo đường bưu điện. Làm dâu trăm họ đôi khi phải khéo léo mới được lòng mọi người. Nhiều người yêu cầu cũng thật oái oăm, chụp ảnh tự nhiên, không có phòng chụp, ánh sáng khác nhau họ không hiểu, cứ đòi chụp ngược sáng để lấy cảnh theo ý mình. Có anh lại thích chụp trước gương tủ để có hai hình giống nhau. Nếu bảo họ không hiểu kỹ thuật, họ sẽ tự ái. Mà Chiều theo cũng không được.
Cả đêm hôm trước gã thức gần sáng mới xong lô ảnh này. Cả Hà Nội mới có ba, bốn nơi in phóng ảnh. Người ta vẫn phải làm thủ công là chính. Chất lượng ảnh phụ thuộc rất nhiều đến kinh nghiệm và tài năng của người thợ. Hiệu nào phương tiện máy móc cũng còn sơ sài, sửa phim in ảnh còn rất công phu, tỷ mỉ. Vẫn còn là ảnh đen trắng, in xong phải ngâm nước rất lâu rồi lắp vào miếng tôn láng bóng sấy bếp than. Phòng tối bốn bề che vải bạt để chống sáng xặc, mùi nồng, hắc của bốn năm loại hoá chất. ở trong phòng tối chui ra lúc nào cũng áo đẫm mồ hôi. Ra tới ngoài thật khoan khoái dễ chịu có cảm giác như vừa ở dưới hầm sâu thiếu dưỡng khí chui lên. Khi sấy xong lô ảnh cuối cùng, gã mừng quên hết cả mệt nhọc. Nếu thằng Toàn không rủ gã sang Châu Quỳ để thăm mẹ nó ốm, gã đã về ngay sớm hôm nay rồi. Bữa cơm trưa ở nhà Toàn vừa xong là gã trở sang Hà Nội. Gặp vài người quen gã đều từ chối, không la cà bia bọt như mọi khi. Phải thu xếp công việc mau chóng trở về Hà Nội ngay. Xin được việc làm vào thời điểm tinh giản giảm biên chế thật không đơn giản. Ba gian nhà gỗ vừa làm xong chưa kịp dựng gã đã phải bán cho người khác để lấy tiền lo công việc. Của mười bán lấy năm, sáu tiếc đứt ruột, nhưng không còn cách nào khác. Sau này có điều kiện sẽ lại lo sau, chấp nhận ở ngôi nhà cũ. Ngôi nhà tuy không đến nỗi sụp ngay được, nhưng nó làm theo lối cổ. Mái nhà thấp lè tè, cửa khuôn tranh rộng hoác suốt ngày treo mành, không có cánh để đi đóng về khoá. Ban ngày mà trong nhà luôn thiếu ánh sáng. Những đòn tay, quá giang bằng gỗ xoan chồi thỉnh thoảng lại rơi cứt mọt xuống giường ghế, bàn tủ. Ngày cũng như đêm tiếng mọt kêu nhẫn nại, dai dẳng tạo cảm giác tan rữa, thối nát. Đáng lẽ bộ cột nhà mới đã được dựng rồi. Mẹ gã lại nhờ người xem ngày, đến cuối năm mới dựng được, nên để lại. Bà là đảng viên kỳ cựu, nhưng việc này lại quá cẩn thận. Gã cũng tự hỏi hình như giữa duy vật và duy tâm cái nào thắng thế còn chưa ngã ngũ? Nếu không một người không tin ở mê tín dị đoan như mẹ mình lại mất ngày mất buổi đi tìm thầy xa hàng chục cây số? Phải nhờ thầy ở xa như vậy là bà giữ ý. Cán bộ đảng viên nhờ thầy xem ngày, chọn hướng làm nhà thì lập trường quan điểm để đâu? Không như sau này vài chục năm, ông to bà lớn còn đi cầu đền, kêu phủ xin lộc một cách công khai chẳng còn dấu diếm. Các vị vẫn tin chủ nghĩa xã hội khoa học, nhưng không dám coi thường niềm tin tâm linh!
Điều này thì gã cất kín trong đầu, không hở ra với ai, kể cả với mẹ gã. Kể từ ngày hạnh phúc gia đình đổ vỡ gã trở thành con người khác hẳn. Gã lầm lì ít nói và hay gắt gỏng. Gã ít lui tới chỗ đông người. Có tối ngồi trầm ngâm đến khuya uống trà một mình không nói không rằng.
Nhận được tin báo mấy ngày nay gã mới tươi tỉnh trở lại, con đê, cánh đồng, dòng sông, luỹ tre làng vẫn thế, không có gì đổi khác. Nhưng hôm nay gã thấy tất cả như tươi mới hơn, thấy gần gũi với mình và chan chứa cảm tình.
Gã ân hận đã có lúc mình còn có ý nghi ngại người đã tận tâm giúp đỡ mình. Tìm được việc làm ở nội thành không phải ai muốn cũng có được. Nếu ông Cao Phương người ở phố Hàng Gà không tận tình, chắc gì mình đã được nhận vào làm Công ty ngon lành ấy. Ay vậy mà có lúc mình thấy ông ấy có vẻ gì bí hiểm, thiếu độ tin cậy. Kể ra thì cũng phải. Quen biết ông ta chừng ấy năm gã cũng chưa tường, thực ra ông ta làm ở cơ quan nào? Trụ sở cơ quan ở đâu. Ngày hai buổi ông ta xách cặp đi làm. Làm gì và ở đâu thì ngay cả bạn bè thân thiết của ông không mấy người biết. Người ta chỉ mơ hồ ông ấy làm một công việc gì đó bí mật và quan trọng lắm. Cũng không ai dám tò mò tìm hiểu xem nó là việc gì. Có nhiều việc không biết lại hoá hay, thóc mách có khi vạ vào thân. Đợt máy bay Mỹ ném bom Hà Nội ác liệt vợ chồng ông đem con sơ tán về quê gã. Nhà gã là nơi địa phương sắp xếp cho vợ chồng con cái ông ở nhờ. Vợ chồng ông chỉ ở ít ngày cho các con quen nếp sinh hoạt ở nơi ở mới, rồi quay về Hà Nội. Họ vẫn phải có mặt ở Hà Nội bất kỳ tình huống nào. Bà vợ làm phiên dịch cho ngoại giao đoàn. Khi báo động đã có căm hầm bê tông kiên cố trong lòng đất. Người ta bảo chỉ trừ Mỹ đánh bom hạt nhân. Còn vũ khí thông thường chẳng hề hấn gì đến sự an toàn của nó. Chắc là chỗ ông ấy cũng có một kiểu hầm như thế, có khi còn được thiết kế an toàn và hiện đại hơn. Dân chúng kháo nhau các căn hầm ấy không kém gì kiểu hầm của Hít - Le hồi đại chiến thứ II. Nó giồng một thành phố ngầm nằm rất sâu trong lòng đất, có đủ điện nước và tiện nghi sinh hoạt. Nghe nói có cả phòng họp, sâu tít mít rộng rãi không kém trên mặt đất.
Chiến tranh luôn là cái cớ và là cơ hội để sản sinh ra những chuyện hoang đường. Những chuyện bí ẩn, những huyền thoại. Quen biết gia đình nhân vật bí hiểm này hàng năm trời mà gã gần như không biết tên thật của ông. Tên Cao Phương như một biệt danh, kiểu bút danh của nhà văn chứ không phải tên thật. Gã biết được điều này vì có lần người em vợ ông lên thăm con ông đã hỏi thăm ông với một tên khác. Cái tên ấy chỉ được gọi duy nhất một lần, về sau nhiều chuyện mới cũ chồng chất lên nhau gã không còn nhớ. Gã cũng không hỏi lại. Phải có một lý do gì đó người ta mới phải giữ bí mật ngay đến cả cái tên của mình. Thời của nhiều bí mật đang hiện diện, không ai dại gì tò mò đến chúng.
Riêng có một điều ông không tỏ ra bí mật ấy là thương con. Ba đứa con ông lớn cả rồi mà cả hai vợ chồng cứ như nó còn bé dại lắm. Mua sắm không thiếu thứ gì cho con, cả hai còn dặn đi dặn lại hướng dẫn từng ly từng tý những việc chúng đã biết làm thành thạo.
Hàng tuần ông đều đánh xe lên thăm con. Khi nào quá bận ông lại nhờ gã mang hộ đồ ăn, thức uống cho chúng từ Hà Nội về nơi sơ tán. Sau hiệp định Ba Lê vào năm 1972 vợ chồng ông mới đón các con về hẳn Hà Nội. Có một vài lần ông lên chơi rồi thưa dần. Trong câu chuyện vui với vài người bạn có gã tham dự cách đây ít ngày. Một ông người Nam tập kết có nhắc đến hoàn cảnh của gã. Gã đã thực thà kể hết hoàn chảnh của mình. Nghe xong ông có vẻ cân nhắc. Đôi lông mày rậm của ông hơi nhíu lại, có một tia sáng loé qua đôi mắt, ông vân vê bộ râu rậm rì bảo:
- Tôi cứ nghĩ cậu không muốn sự gò bó, nhàm chán ở cơ quan, cậu thích cuộc sống tự do, tung tẩy hợp với việc viết lách, học tập hơn. Nếu biết cậu cần một việc làm ổn định thì không thờ ơ như vậy. Nói chung là xin việc lúc này không dễ, chỗ nào theo biên chế mới cũng thừa người. Lúc chiến tranh thậm trí có cơ quan phân ra làm mấy cơ sở, nên mới tuyển đông như vậy. Nhưng với cậu tôi sẽ thử hỏi cho một chỗ...
Ông không hứa chắc chắn điều gì, nhưng miệng kẻ sang khi nào chẳng có gang có thép? Đôi khi một câu nói bâng quơ, trống không cũng thành một mệnh lệnh. Việc đó sẽ trở thành hiện thực vào ngày mai khi đích thân ông dẫn gã tới cơ quan mới. Thế là gã chấm dứt những ngày thất nghiệp triền miên. Lúc nào cũng phải tiêu đến đồng xu cuối cùng. Những đồng tiền phải khó nhọc lắm gã mới kiếm được bằng nhiều cách. Nếu điều này xảy ra sớm hơn Nàng đã không bỏ gã mà đi. Từ ngày lớn lên Nàng đã không được chuẩn bị nghị lực, bản lĩnh để chung chịu hoàn cảnh sống bấp bênh không có địa vị, danh vọng, tiền tài. Và nhất là nó không hứa hẹn điều gì ngoài sự bất an, bất ổn, luôn luôn thiếu thốn đủ mọi thứ. Gã cố gạt bỏ mọi suy nghĩ về Nàng. Nhưng ngôi nhà, hàng cây, lối ngõ cứ chập chờm hình ảnh mà gã không muốn nhắc đến vào lúc này.
Gã dựng xe vào gốc câu cau già, có những dây trầu xoắn xuýt mãi lên cao. Tháo cái cặp da cũ kỹ và vài gói đồ lặt vặt gã cuốn mành vào nhà. Không ở đâu có kiểu nhà như ở quê gã. Suốt lối mặt tiền dọc theo hiên nhà mở những khung cửa trống trải. Mỗi cửa rộng gần bằng chiều dài của một gian không có cánh cửa. Mỗi bức cửa treo một bức mành dệt bằng tre chủ yếu để ngăn ruồi muỗi. Hoàn toàn không phải để ngăn sự thâm nhập từ bên ngoài vào. Nếu chủ nhân vắng nhà, khách vẫn có thể vén mành vào nhà ngồi uống nước, hút thuốc. Thậm chí có thể ngả lưng lên bất kỳ chiếc giường nào kê trong nhà mà không sợ bị phản đối.
Có thể kiểu nhà này có từ thế kỷ mười sáu, mười bảy. Thời mà ngôi nhà tính chất như chủ yếu của nó để che nắng che mưa. Hoàn toàn không do giữ gìn đồ đạc trong nhà. Cũng có một gian chái giả gian để làm buồng, thường buộc cửa sơ sài.
Có lẽ là chủ nhân của nó cũng không có của nả gì đáng giá. Vài mảnh chiếu cũ, cái chăn chiên thủng, đôi dép đứt quai khâu lại bằng chỉ... Tóm lại toàn thứ của nả không gợi lòng tham, chẳng ai lấy làm gì. Thế nên cửa giả mới trống hoác như thế. Nó tiện lợi trong sinh hoạt, nhưng chẳng có giá trị kinh tế nào, mát mẻ, ra vào thoải mát nhưng làm bằng thứ vật liệu rẻ tiền nên thực sự là vô giá theo nghĩa hẹp. Nghĩa là không có giá trị tiền bạc nào cả.
Mãi sau này nhà cửa người ta xây dựng to lớn, giá tính trăm, nghìn cây vàng nhưng vĩnh viễn không bao giờ có kiểu cửa nhà thoáng đãng như thế nữa. Sẽ mãi mãi là những ô cửa hẹp. Nếu có làm rộng rãi thì cũng là kiểu cửa chống trộm bằng gỗ dày hoặc bằng kim loại suốt ngày đóng im ỉm. Người ta ra, vào, mở, rồi đóng lại ngay bằng những con chốt thép chắc chắn. Mỗi ngôi nhà là một không gian cách biệt với môi trường bên ngoài, với toàn xã hội.
Gã định quét dọn xong nhà cửa rồi sẽ sang nhà trẻ đón con. Mẹ gã chắc lại đang bận họp nghị quyết ở trên xã hoặc thông qua phương án ăn chia vụ tới ngoài nhà kho hợp tác. Không biết tự lúc nào cán bộ địa phương gần như chuyên nghiệp hoá việc họp hành, họp ngày, họp đêm không mấy ngày không họp. Lúc nào cũng một không khí khẩn trương, căng thẳng. Làm như không họp liên miên như thế mọi phong trào sẽ bị giảm sút, thậm chí ảnh hưởng đến sự an nguy của xóm làng.
Thành ra ngôi nhà của gã là nơi bỏ vắng cả ngày. Thường thì tối đến bà cháu mới có mặt ở nhà. Hết giờ, ở nhà trẻ cô Hoài sẽ đưa con gái gã về nhà cô. Khi nào bà về qua sẽ đón. Con bé về ăn cơm với bà, nếu bà bận họp tối nó lại sang cô Hoài. Có hôm bà họp khuya nó ngủ luôn ở nhà cô. Cô Hoài người nhỏ nhắn nhưng rỗ hoa, lại có ve ở mi mắt. Đến giờ chưa lấy chồng. Thời chiến con trai trong làng đi trận mạc. Người không đủ sức khoẻ tòng quân cũng đi dân công hoả tuyến. Con trai ở nhà không mù cũng què. Trường hợp như gã là rất hiếm.
Chuyện riêng buồn phiền, nhiều lần gã đăng ký xin đi bộ đội. Không hiểu vì sao người ta không gọi? Vì có ông bố liệt sỹ và người em đang ở chiến trường hay vì lý do gì khác. Gã cảm thấy trong công việc của mẹ mình có điều gì đó không ổn. Phong trào ba đảm đang chỗ nào cũng sôi sục. Nhưng có những người tỏ ra không hài lòng dưới sự lãnh đạo chủ chốt của cán bộ nữ như mẹ mình. Tình trạng phe nhóm kính chống nhau trong nội bộ ít nơi không mắc phải. Mãi sau này gã mới hiểu sự éo le, trắc trở thậm chí trái oan của đời gã hoàn toàn không chỉ do số phận. Còn có những âm mưu, thủ đoạn bỉ ổi của những kẻ lúc nào cũng leo lẻo lập trường, quan điểm, đạo đức, lương tâm hàng ngày sát cánh cùng mẹ gã lo việc nước, việc làng. Những kể bề ngoài giản dị, đạo mạo, thơn thớt nói cười nhưng sẵn sàng xô đổ đồng chí mình xuống vực chỉ vì một chỗ ngồi, một cương vị công tác.
Chiếc chổi làm bằng tàu lá cau để lâu, mềm oặt, rất khó quét nhưng cuối cùng gã cũng dọn dẹp xong ngôi nhà của mình. Gã định ra nhà trẻ đón con thì bà dì đến. Gã không ngờ buổi chiều hôm nay là buổi chiều mà sau nhiều năm nữa gã mới trở về gặp những người thân. Còn ngôi nhà này gã có trở về, gã cũng trở thành khách. " Bao nhiêu mùa lá rụng trong vườn ", bao nhiêu buồn vui của kiếp người đã trôi qua.

ó
ó   ó

Dì út lấy chồng ở cuối làng. Cái xóm nhỏ thò ra như cái đuôi còn rùa, ba bề là nước ngập. Chồng dì có cái bề ngoài ngô nghê nhưng quý và chiều dì hết mức. Dượng sát cá vào loại nhất nhì trong xã. Hôm nào không đi thì thôi. Hôm Dượng vác nhủi, vác nơm ra đồng là y như rằng dì có rổ cá đi chợ bán. Tối nào Dượng cũng cắm vài chục cần câu ngầm. Thứ cần chỉ một đoạn chừng ba mươi phân, cắm ngập hẳn dưới nước. Chỉ người đặt cần mới nhớ được chỗ, trên bờ đứng nhìn không hề có dấu vết gì. Mồi mắc vào lưỡi câu chủ yếu là những con nhái bén. Giống nhái vừa tầm không to quá cỡ. Cũng có khi mồi cầu bằng cái phần miệng của con ốc nhồi. Cá trê, cả quả thường mắc loại câu này. Đôi khi một con ba ba to bằng cái vung nồi, ba cũng bị mắc câu. Lưng nó đen nhánh như nhọ nồi thoa mỡ, dưới bụng đỏ tía như cua luộc. Giống này ăn câu mà không biết để kéo lên ngày nó sẽ tìm cách dứt đứt sợi dây gai để tháo thân. Thường khi được ba ba Dượng út lại đem biếu ông bà ngoại. Thịt nó ngon, còn là một vị thuốc cho người già.
Dượng không buông chài, thả lưới nhưng nghề đánh cá cũng đã phong phú lắm rồi. Đánh cá đồng đã vậy, Dượng còn cắm cụp, thả lờ chắn đũng ngoài sông. Các kiểu bắt cá này thường được những con cá lớn.
Chỉ khi nào thật rét Dượng mới mặc đủ quần áo trên người. Còn không đánh độc cái quần lá toạ, thắt lưng buộc dây, cạp quần lật ra bên ngoài như áo cổ bẻ. Có điều lạ suốt ngày phơi nắng, gió lại mò mẫm dưới nước mà Dượng vẫn trắng nhễ trắng nhại như người ngồi làm việc văn phòng, không đen cháy như những người cùng làm loại công việc.
Tóc Dượng xoăn tít, mắt hơi xếch lên như mắt chim phượng, môi hơi dầy, nhân trung sâu, chẳng có dáng gì của nông phu, ngư phủ cả. Chỉ hiềm một nỗi cục yết hầu hơi lồi. Có lẽ đó là điềm báo trước sau này Dượng ra đi không trở về. Để lại cho dì út hai người con gái và tấm bằng Tổ quốc ghi công.
Dượng cũng có họ hàng xa với nhà lão Chỉ, hàng xóm của gã sau này.
Đang có tin đồn Dượng út hy sinh ở Pơ Lây Me. Một địa danh xa xắc xa lơ mà dì ít không hình dung nổi. Dì gầy xọp, đen sạm đi. Đôi mắt dì quầng sâu. Dạo này không mấy ngày dì không đến nhà gã. Mẹ gã vừa là chỗ dựa tinh thần, vừa là nơi dì hy vọng tìm hiểu được tin tức của chồng. Có nhiều trường hợp vì lẽ nào đó, địa phương biết nhưng chưa tiện công bố cho thân nhân liệt sĩ. Lần nào gặp bà chị cả dì cũng năn nỉ, có lúc giằn dỗi những mong biết được tin chồng. Nhiều hôm dì ngủ lại, sáng hôm sau mới vội vội vàng vàng chạy về xem hai cô con gái có dậy kịp đến trường hay không. Nhưng hôm nay dì đến đây vì việc khác.
Buổi sáng dì lên văn phòng uỷ ban lĩnh tiền trợ cấp tiêu chuẩn đi B của chồng. Dì không gặp bà chị cả. Dì thấy bên gian phòng công an xã lố nhố mấy người mặc áo vàng màu gạch non. Cũng là vô tình dì nghe được câu chuyện. Người ta sẽ bắt một số thanh niên bị tình nghi vụ giết người vào đêm nay. Vụ giết một cán bộ huyện đội về tuyển quân ở xã. Nghe nói nguyên nhân từ sự ghen tuông trai gái thế nào đó. Trong số tên được nhắc đến có cả con trai bà chị cả. Dì nghĩ việc này bà chị gái không biết, dù bà có là cán bộ chủ chốt của địa phương. Dì út học ít, nhưng việc này nắm được. Dì cũng có một thời gian làm công an viên của thôn, dì biết chứ. Đó là nguyên tắc của nganh dọc.Không phải việc nào người ta cũng thông qua địa phương để đảm bảo bí mật. Dì không tin là đứa cháu dính dáng vào vụ đó. Vì dù sao vợ chồng nó cũng đã ra toà ly dị rồi. Con vợ nó giờ đi với ai, nó cũng không bận tâm. Nhưng vụ án lâm vào ngõ cụt. Người ta vẫn mở rộng phạm vi điều tra. Thôi thì tránh voi chẳng xấu mặt nào, nó cứ đi đâu kiếm việc gì mà làm, chờ người ta làm sáng tỏ mọi việc rồi hẵng về. Bà chỉ nghĩ đơn giản như vậy và có ý chờ thằng cháu về. Để người ta bắt không phải đầu cũng phải tai. Có kêu được vạ thì má cũng xưng. Làm người sống ở đời cái tóc cái tội,  không lường trước được. Có tránh được tội gà lại ra tội vịt. Bà đã từng biết nhiều việc tương tự như vậy. Không khi nào những người thi hành công vụ lại chịu nhận mình làm sai. Không đụng đến thì thôi. Đã bắt thế nào cũng thành ra tội.
Bà đi loanh quanh trong xóm để chờ gã về. Ngồi ăn miếng trầu bên bà cụ Chước mà lòng dạ Dì út cứ nong như lửa đốt. Thoáng thấy gã về dì chột dạ. Nó vẫn thản nhiên như không!
Hay là nó chưa biết gì? Đến khi dì nói nó vẫn điềm nhiên bảo:
- Buổi tối chiếu phim ở trên bãi cháu có nhà đâu mà sợ người ta nghi vấn?
Dì út nhăn mặt:
- Anh  nói với dì thì dì tin. Nhưng liệu người ta có tin không? ở bãi hôm đó đông hàng trăm con người. Phim đang chiếu thì hỏng máy nổ, điện tắt tối như bưng lấy mắt. Sự việc xảy ra hoàn toàn trong bóng tối. Một đứa nào đó đâm người vào đấu rồi bỏ chạy. Khi điện sáng trở lại cái nhà anh kia đã tắt thở, không biết thủ phạm là thằng nào. Người ta có quyền nghi vấn cháu ạ.
Gã vẫn cố lý sự:
- Nghi vấn thì người ta cứ nghi vấn. Cháu không làm, cháu không sợ.
Dì út bực mình:
- Nói như anh thì còn nói làm gì nữa? Nếu như mẹ cháu với lão Đởm không để ý nhau thì không nói làm gì. Cánh vế của lão đâu có ưa mẹ cháu. Phải ở dưới trướng mẹ anh, lão uất lắm đấy. Bằng mặt mà không bằng lòng. Hồi mày ở nhà, lão đã cố tình gây khó dễ khi làm hồ sơ lý lịch. Chuyện trẻ con con cá lá rau mà lão xé ra to, nhất định không chịu ký. Về sau phải mang ra chi bộ lấy ý kiến lão mới chịu.
- Nhưng việc này lão chẳng có cớ gì mà hại cháu được.
Dì út tức lặng người, một lúc mới nói:
- Anh từng này tuổi đầu, làm bố trẻ con mà còn nông lòng nhẹ dạ. Cái họ nhà anh với họ nhà gã có mối thù truyền đời, từ thuở các cụ kia. Đến thời mẹ anh và lão lại sâu đậm thêm. Lão không bỏ qua cơ hội nào để diệt mẹ anh đâu. Bây giờ người ta nghi vấn, khoanh đối tượng, ai là người lập danh sách, có phải lão ta không?
Gã bắt đầu hiểu ra phần nào, cảm thấy dì út có lý. Nhưng phải làm sao bây giờ thì gã chưa tính được.
Dù út bảo:
- Không còn thời gian để rông dài nữa đâu. Dì tính bây giờ anh phải đi ngay đi, tạm kiếm công việc làm trợ thời ở đâu đó, khi nào yên yên thì lại về.
Gã nói cho dì hay công việc ông Cao Phương vừa giúp. Nếu không vướng bận gì ngày mai gã sẽ đi Hà Nội nhận việc Dì liền xua tay.
- Không bao giờ lão Đởm để yên cho anh để anh về Hà Nội làm việc ngon lành thế đâu. Thôi đành bỏ con ạ. Chỉ cần con ở nhà tối nay thôi là lão sẽ cho người tới lôi đi rồi. Ban nãy tao thấy thằng cháu lão lảng vảng quanh đây. Mày về chắc nó biết, nó chờ đến tối mới bắt cả bọn. Sợ vào giờ này đánh động có đứa chưa về nhà, xổng mất.
Gã bần thần giở cái cặp lấy ra tập ảnh. Dì út nhanh ý hiểu ngay.
- Mấy thứ đó mày không phải lo. Mày viết lại mấy chữ, ngày mai tao bảo con Hiếu lai xe đạp đưa đi. Tao sẽ lấy được tiền đưa cho mẹ mày.
Gã lúng túng:
- Cháu không còn tiền, có bao nhiêu trả công cho người ta, đã trả ảnh đâu mà lấy được tiền. Có đi đâu cũng phải có ít nhiều chứ.
Dì út giở cái bọc ra nói:
- Tao vừa lĩnh trợ cấp của chú mày đây. Lĩnh ba tháng cũng chẳng nhiều nhặn gì. Thôi anh cứ cầm mà đi. Trả dì sau cũng được. Nhớ là phải tằn tiện vì việc không biết lâu mau thế nào. Gã cảm động muốn khóc, quả thực đây là đồng tiền xương máu của dì, nhưng trong hoàn cảnh này gã cũng không biết làm gì khác. Gã cảm thấy những đồng tiền giấy bỏng rát trong tay, chỉ có dì út người em của mẹ mới xử sự như vậy.
Gã viết lại cái thư để lại cho mẹ, vài dòng nhờ dì út trả tập ảnh cho những người lính trên Ba Vì. Gã định sang gặp con một lát trước khi đi, dì út ngăn lại:
- Không nên để con bé thấy, nó lại mủi lòng, nấn ná rồi lại không đi được. Anh sắp xếp rồi đi ngay đi, kẻo không kịp...
Gã gói thêm bộ quần áo, cái khăn mặt chào dì út rồi dắt xe ra ngõ, theo lời khuyên của dì gã không lên đê theo con đường chính mà ngang qua cánh đồng như mọi khi sang chơi nhà bạn, dì út đứng ở đầu ngõ, tần ngần.

ó
ó   ó

Con người ta khi nan nguy nhất mới hiểu rõ lòng người. Gã đã nhầm khi tới nhà Cao Phương. Con người bí ẩn, nhiều thế lực này gã hy vọng ông ta sẽ nhón tay cứu giúp. Mà thực ra gã đâu có tội tình gì? Nếu ông ta giúp chỉ là làm sáng tỏ, gỡ cho gã khỏi vòng ngang trái mà thôi.
Lúc gã đến ông ta đang vật ngửa chiếc xe đạp nằm trên sân thượng. Mang chiếc xe từ dưới đường lên mãi sân thượng của tầng ba, chứng tỏ sức dẻo dai của con người đã ở tuổi sáu mươi này. Cái dáng xương xương gầy gầy như tạc bằng gỗ không chịu sự tàn phá của thời gian, Cao Phương đi lại nhanh nhẹn như thanh niên, đôi tay vượn chuẩn xác trong từng cử động. Nét mặt khi vui thì nở tưng bừng. Nhưng khi không vừa lòng nó như được làm bằng sắt nguội. Ông ta chăm chú luồn miếng giẻ lau tỉ mỉ từng chiếc nan hoa. Rồi lại lấy lông gà nhúng dầu nhớt bôi từng mắt xích. Cả đôi lốp không ai lau chùi bao giờ ông cũng lấy cái bàn chải gỗ cắm lông đuôi ngựa cọ rất kỹ. Ông ta chăm sóc cái xe với vẻ thích thú của người chơi cây cảnh đang tưới bón, sén tỉa.
Gã kiên nhẫn chờ đợi ông lau chùi cái xe đến bóng loáng như mới của mình. Gã biết con người này lúc đang hứng khởi mà ai vô ý làm lão cụt hứng thì hãy liệu chừng. Xong đâu đấy, lão ra bàn trà kê dưới dàn nho sát mép lan can ngồi tiếp chuyện gã. Từ đây trông xuống thấy một phần khu Hồ Hoàn Kiếm với những rạng cây xanh. Thấy sân ga tàu điện lố nhố khách đứng đợi. Xa nữa mậu dịch bách hoá Tràng Tiền, Đồng Hồ trước cửa bưu điện. Hà Nội vẫn thanh bình như chưa hề xảy ra một thời bom lửa. Chỉ có một nét dễ nhận ra là nhiều người mặc mầu áo lính đi trên đường. Màu kaky thấy ở mọi nơi, mọi chỗ.
Những hố cá nhân nằm rải rác trong vườn hoa có nắp đậy bằng bê tông tròn như nắp ống... Chưa ai nghĩ đến chuyện san, lấp, dọn chúng đi. Một nửa nước chiến tranh đang hồi khốc liệt, tiếng còi báo động phòng không của thành phố có thế bất chợt rú lên bất cứ lúc nào. Vẻ thanh bình có phần giả tạo, bất an. Cái hoàn cảnh riêng của gã lúc này có lẽ chẳng là gì trong bối cảnh chung của toàn xã hội Nhưng dù sao cũng vẫn phải lo, gã cần có sự chia sẻ trong lúc này. Đợi cho ông ta nhấp xong chén trà, gã rụt rè kể cho ông ta nghe câu chuyện của mình. Ông ta lặng yên một lúc lâu mới gật gù:
- Chuyện phức tạp đấy. Nhưng tôi chưa hiểu bằng cách nào mà cậu lại liên quan để người ta nghi vấn được? Phải có lửa mới có khói, không tự nhiên người ta gắp lửa bỏ bàn tay?
Gã không ngờ câu chuyện lại xoay sang thế bất lợi như thế. Chẳng lẽ lại nói việc mâu thuẫn, tư thù cá nhân, xem ra ít thuyết phục. Ông ta đã nhìn nhận sự việc với góc nhìn ấy thì khó mà tranh thủ được sự ủng hộ. Người ta không ai muốn sự rắc rối, phiền hà đến với mình. Có lẽ ông ta sợ việc này sẽ ảnh hưởng đến uy tín của mình chăng?
Gã chẳng biết nói thế nào hơn ngoài lời khẳng định:
- Em đảm bảo là em không dính gì vào vụ này.
Ông ta cười:
- Nếu vậy cậu lo gì? Cây ngay không chết đứng được. Tôi cũng không nắm được vụ việc cụ thể, chỉ nghe qua lời cậu nói. dù có tình cảm với gia đình và cậu đến đâu tôi cũng không thể giúp cậu chối tội nếu cậu mắc phải. Còn không thì cậu cứ yên tâm. Sao lại phải sợ hãi tội mình không làm? Cậu cũng biết tôi không có thời gian để lo những việc như vậy. Xin được việc cho cậu là tôi đã cố lắm rồi... Cậu cũng phải nể tôi một chút chứ.
Nói xong ông đi vào nhà lấy cái áo khoác mặc vào. Ông nói như đã giải quyết xong câu chuyện vừa rồi không còn gì để bàn cãi nữa.
- Bâygiờ tôi có việc phải đi, cậu thông cảm nhé!
Nói xong ông ta dắt xe xuống đường. Gã định đỡ hộ cái xe, ông không chịu. Gã cũng đành theo xuống luôn. Trong đầu gã chợt nghĩ: Chiều nay thứ  bảy, các cơ quan nghỉ. Ông Phương có việc gì vào lúc này? Hay đây là một cách lảng tránh để đỡ lôi thôi đến mình? Cũng không thể trách ông ta được. Nói cho cùng, với mình ông cũng chỉ là người dưng. Người ta có nghĩ đến chút tình quen biết cũng chỉ có mức độ. Gã cảm thấy ân hận là đã mang câu chuyện không vui này nói với ông ta. Có phải trong lúc hoang mang mình đã thiếu sự cân nhắc? Thần hồn nát thần tính mình đã không đủ tự tin ở mình thì người khác làm sao tin được? Mà đã nói ra rồi liệu việc nhờ ông ta xin việc có còn kết quả không?
Biết vậy mình cứ bình tĩnh ở nhà, có khi mọi sự lại yên ổn tốt đẹp. Tự dưng bỏ đi như thế này có khi người ta cho rằng mình có tật giật mình, không làm mà chuốc vạ vào thân cũng nên. Mọi việc tự dưng rối tung rối mù, khiến gã không còn đủ bình tĩnh để xét đoán mọi việc. Gã định ở lại Hà Nội vài ngày nghe ngóng tình hình ra sao. Người làng ngày nào cũng có người đẩy xe thồ hoa quả ra Hà Nội bán. Một hôm người cùng xóm gặp gã ở chợ Bắc qua nói với gã rằng gã cũng có giấy gọi hỏi ra xã. Đối tượng tình nghi người ta đã bắt hơn chục người, hiện đã đưa đi tạm giam. Vậy là ý định trở về của gã đành gác lại.
Gia đình ông Võ lại đang khó khăn. Bà vợ vừa sinh con gái. Cái lều lợp lá gần vườn ươm của công ty công viên trở nên chật chội. Ông Võ hiện mâu thuẫn gay gắt với cha ruột nên ngôi nhà ở phố Bà Triệu không thể đến được. Không những thế ông cụ cắt hết phần chu cấp từ trước tới nay. Cụ đã lên chức đại tá, vừa về hưu đã đón một cô gái trẻ về sống như vợ chồng. Chính quan hệ này làm cha con ông Võ không nhìn mặt nhau. 
Gần hai mươi năm tập kết sống trên đất Bắc đây là lần cha con xung đột nặng nề nhất. Con sông Bến Hải không chỉ đơn thuần chia đôi đất nước. Nó còn là nguyên nhân chia cắt và tan nát bao nhiêu gia đình. Không ít người coi cuộc sống trên đất bắc chỉ là tạm bợ. Phương nam mới là quê hương dài lâu, gắn bó. ở tuổi ngoài bốn mươi ông Võ mới có vợ. Lại là vợ ngoài hôn nhân. Một người đàn bà lỡ dở đến với ông trong lúc ông xếp hàng mua gạo ở cửa hàng lương thực. Chính bà ta môi giới làm thủ tục chuyển hộ khẩu, lương thực của gã về nhập khẩu với cái gia đình kỳ lạ này. Mọi khi gã chỉ đi đi về về không ở lâu. Chỉ coi là tạm bợ chờ xin việc làm trong lúc thất nghiệp. Gã nghĩ mình không còn mặt mũi nào trở về làng. Những người ra đi cũng nên tấm nên miếng. Có về quê cũng chỉ là về chơi. Dù người ta làm ăn ở ngoài đời thế nào, về đến làng vẫn là người đi thoát ly danh giá.
Cái sĩ diện hẹp hòi, rởm đời ấy đã làm hại gã. Gã là con người trên không chằng, dưới không rễ, xã hội đang quản lý con người mọi mặt một cách chặt chẽ, tự dưng gã chọn hoàn cảnh mà người ta có quyền đặt dấu hỏi, và kết luận là hành tung không rõ ràng, căn cước bất minh! Chỉ vậy thôi cũng đủ để gã bị bắt. Dù nó không đâu vào đâu!
Đang kỳ củi quế, gạo châu. Thiếu từ cái kim sợi chỉ, ông Võ xin nghỉ hưu non, tháng có mấy chục đồng bạc. Làm nhà văn tự do quả thật là một cuộc sống phiêu lưu, mạo hiểm. Thỉnh thoảng ông có bài đăng báo hoặc phát trên đài. Tiền nhận bút chỉ có ý nghĩa tượng trưng, chứ không thể nuôi sống gia đình. Phần nhiều mỗi lần đi lĩnh cũng chỉ đủ khao bạn bè chầu cà phê hoặc vài vại bia hơi ở một quãng tầm tầm dành cho người lao động. Tấm bằng bác sĩ cũng không giúp gì cho ông. Y tế là thứ công việc chưa cho phép tư nhân đụng tới. Đã có lần ông theo gã về quê chữa bệnh cho vài người. Chưa kịp nhận tiền thù lao thì đã bị lập biên bản tịch thu tất cả số thuốc mang theo. Nếu không có cái thẻ thương binh có khi người ta còn tạm giữ cả người.
" Gia đình bé mọn "ấy tồn tại được là nhờ bà vợ một thời từng là ca sĩ có tiếng. Ông chồng cũ là một nhạc sĩ có cỡ. Hai người chia tay nhau. Bà mang đứa con trai ba tuổi về sống cùng ông Võ. Bất chấp sự phản đối của đôi bên gia đình. Không phải là bà có vốn liếng tích cóp từ đời chồng trước, hoặc nhờ vào sự trợ giúp nào đó. Về đến Cầu Diễn bà chỉ còn mỗi chiếc xe đạp cọc cạch để mang theo đứa con và cái va ly bẹp. Bên trong vài bộ quần áo cũ.
Khi ông già còn chưa cắt đứt quan hệ thỉnh thoảng cụ Đại Tá cũng cho con trai ít tiền. Vợ ông bác sĩ mua giỏ xách cái ấm ủ, mấy cái chén đêm đêm ra ga Hàng Cỏ. Bà bày bộ ấm chén, châm cái đèn dầu, thêm vài cái ghế là có một hàng nước lưu động. Khách chờ tàu, bọn phát vãng đêm thường quây vòng trong vòng ngoài. Ông nhà văn ngoài biên chế khoe với gã là lương của bà không kém gì lương giám đốc bệnh viên... Nhưng đấy là những việc đã qua. Bản tính con người Nam Bộ là rộng rãi, không ky cóp lo xa, nhà văn vẫn ở túp lều cũ, khi vợ đẻ không giữ được đồng nào. Bà vợ tính cách nghệ sĩ cũng không kém gì chồng. Kiếm được tiền tiêu pha, đãi bạn rất vô tư. Mấy ngày nay nhà hết gạo. Bác sĩ cho sản phụ ăn cháo ốc sên. Chỉ nhìn thoáng qua gã đã thấy tình hình nguy ngập lắm rồi. Xung quanh nhà tã lót phơi la liệt, đi ra đi vào phải khom lưng. Đồ giặt thiếu xà phòng, vò nước mương tưới bốc lên mùi tanh không chịu nổi. Ông bác sĩ già luộm thuộm, lập dị này còn chịu nổi, chứ gã thì không thể. Gã cũng không nói với ông chuyện gì xảy ra mà chỉ qua loa vài ba lời rồi xin phép đi ngay. Ông cũng chẳng bụng dạ nào để tâm đến việc của gã. Giả như ông có quan tâm cũng không giúp được điều gì.
Nhưng số gã vẫn còn có quý nhân phù trợ, sáng hôm sau trong lúc vất vưởng không biết đi đâu, về đâu gã gặp một người quen cũ. Anh này người lai xá nhưng gia đình định cư lên Lạng Sơn từ những năm sáu mươi. Anh ta làm nghề ảnh, thời trường gã đi sơ tán gã có quen biết. Con người này sính thơ ca và rất quý gã. Nghe nói gã đang thất nghiệp anh ta rủ gã lên Lạng Sơn. Thợ ảnh trên ấy còn hiếm và nghề ảnh vẫn còn kiếm được. Đúng là chết đuối vớ được cọc. Gã nhận lời gói ghém đồ đạc đi ngay. Hai người sang hàng Bông thợ nhuộm mua thêm ít phim thước và giấy in ảnh. Họ đi chuyến tàu tối hôm đó lên Lạng Sơn.


ó
ó   ó

Gã nhanh chóng nhận lời Kiều Hoa lên Lạng Sơn ngoài lẽ đang có chuyện không hay ở quê nhà, còn vì một lý do nữa: Nơi ấy gã đã sống mấy năm và có không ít bạn bè, có thể coi như về nhà.
Con tàu xuyên qua màn đêm, những cánh đồng vắng lặng đôi chỗ loe hoe ánh đèn dầu. Những quãng đường sắt vừa sửa lại còn nghe tiếng rú rít của bánh thép trên đường ray. ánh đèn vàng vọt của một ga xép bên đường... Tiếng rao bán quà đêm lẻ loi xa vắng. Có cảm giác giống như là khung cảnh xảy ra đã lâu... Hoa ngồi bên cạnh cũng lặng lẽ. Tính anh ta ít nói, vẫn hiền hiền như hồi nào mới gặp. Hiện thời chỗ anh ta làm đang thiếu người làm buồng tối. Công việc tráng phim in ảnh Hoa đã thử để cho vợ làm. Nhưng mùi thuốc ảnh chị lại dị ứng, không chịu nổi. Gã lên đợt này sẽ nhận làm việc đó. Hoa cũng không hỏi vì sao gã thôi tất cả mọi công việc ở dưới xuôi để lên Lạng Sơn. Anh nghĩ chắc có uẩn khúc gì đó, gã không tiện nói, mình cũng không nên hỏi. Theo anh, con người ta ai cũng có một bí mật riêng tư nào đấy. Không nên chạm vào chỗ đau của người khác. Giả như mình có biết cũng chẳng để làm gì. Anh tin gã thanh niên này không đến nỗi tồi. Một dạo quen biết khá lâu, anh ta cũng không có biểu hiện gì đáng chê trách. Có thể gã thất tình, có thể thất nghiệp ... Những điều đó xảy ra bây giờ không ít. Nếu gã lên, anh sẽ rảnh tay hơn. Mình có thể đi nhận hợp đồng chụp ảnh ở các nơi xa trong tỉnh mà không sợ nhỡ hẹn. Công việc làm buồng tối không yêu cầu phải có kỹ thuật cao siêu gì, nhưng cũng không dễ. Người không có kinh nghiệm dễ vất đi cả cuộn phim do thiếu cẩn thận. Vật tư làm ảnh lại tạp nham, không đồng bộ. Phim lúc dùng của Đức, lúc của Nga. Có lúc chụp phim Hung, Phim Ba Lan. Độ nhạy của phim rất khác nhau. Trong, đục cũng không đều, khó xử lý. Thuốc tráng phim, in ảnh thợ phải tự pha chế lấy. Tuỳ theo loại phim, loại giấy mà pha tỷ lệ của hợp chất năm loại hoá chất khác nhau. Chỉ cần sai sót một chút là vất đi cả đống. Lại còn phải tuỳ theo thời tiết nóng lạnh hàng ngày để xử lý thời gian cho hợp lý. Nhanh chậm vài giây chất lượng ảnh đã khác.
Phải rất lâu, vài chục năm sau này mới có những máy móc hiện đại. Công việc của người thợ mới nhẹ đi. Máy móc tự động, thời gian ra ảnh mau hơn. Chất lượng ảnh khá hơn mà lại là ảnh màu không cần bàn tay tô sửa người thợ, và cũng là lúc nghề chụp ảnh đã xã hội hoá đến mức cao. Ai cũng có thể làm, chỉ cần hướng dẫn sơ qua. Còn bây giờ nó phụ thuộc vào năng lực của người cầm máy và làm buồng tối. Không thận trọng, khéo léo, tài hoa một chút không thể làm nghề.
Gã không ngờ công việc này lại có lúc là cứu cánh của cuộc đời mình. Và gã cũng lấy làm lạ trong lúc cuộc sống thiếu thốn, cơm ăn áo mặc là mối lo của toàn xã hội thì nghề ảnh lại phát đạt. Có phải ý nghĩa tinh thần của nó bù đắp cho thiếu hụt về vật chất hay không? Không phải hoàn toàn như vậy. Đơn giản là thời chiến không mấy gia đình xum họp. Người đi bộ đội, người đi thanh niên xung phong, đi làm muôn vàn công việc xa nhà. Người ta muốn mang theo bức ảnh kỷ niệm. Biết đâu đấy là những bức hình sau này có muốn cũng không thể chụp được nữa. Tạm yên tâm về cuộc sống trước mắt, gã vẫn canh cánh bên lòng. Không biết vụ việc ở quê nhà giờ đây người ta giải quyết ra sao? Có can hệ gì đến gã không? Chẳng có cách nào để liên lạc và tìm hiểu được.
Gã không biết rằng khi ấy ở nhà người ta đã tìm ra manh mối, tuy còn rất mơ hồ. Con dao dọc giấy chuôi bằng vỏ sừng có khắc tên gã được tìm thấy ở hiện trường nơi xảy ra vụ án. Nó là hung khí còn dính máu nạn nhân. Anh ta chết bởi mũi dao đâm vào tim, rách hơn một phân. Máu ra quá nhiều, nạn nhân không kịp cấp cứu. Một sĩ quan đặc công, là thương binh chuyển về huyện làm công tác quân sự lại bị giết một cách vô lý... Một kẻ nào đó lợi dụng bóng tối khi mất điện đã bất ngờ đâm mũi dao này.
Không phải ngẫu nghiên người ta có giấy gọi gã. Người ta chưa phát lệnh truy nã là còn có ý muốn xem xét điều tra thêm. Người ta chưa kết luận gã là kẻ giết người, hay gã vô tội, vì vân tay trên chuôi dao lại không trùng với vân tay của gã. Nhưng vì sao con dao lại có mặt ở hiện trường? Mọi việc càng tìm càng rối.
Trong khi đó gã có vẻ đỡ lo lắng. Gã nghĩ mình không làm mình không sợ. Rồi thế nào người ta cũng tìm ra. Khi ấy gã sẽ trở về tìm một công việc ổn định lâu dài. Công việc trước mắt chỉ là tạm thời. Gã định viết lá thư về nhà để an ủi mẹ, nhưng nghĩ thế nào lại thôi. Tốt nhất mình cũng nên giữ kín chỗ ở trong lúc này. Gã cặm cụi làm việc, cố gắng để vợ chồng Kiều Hoa hài lòng. Vợ chồng Kiều Hoa ân cần với gã như người trong nhà. Biết chuyện hôn nhân của gã vợ Kiều Hoa còn định mai mối cho đứa em dì vừa đi thanh niên xung phong về. Cô này xinh xắn, tính nết nhanh nhẹn có cái tên như con trai: Tường Vinh.

ó
ó   ó

Nhà cô gái ở sâu phía trong ga Bắc Thuỷ gần chục cây số. Nhưng có con đường ôtô chạy rải đá men theo bờ suối. Phía cuối con đường, núi đá vây quanh ba phía giống như chiếc ngai khổng lồ. ở đó có một xưởng quân giới nằm sâu trong một hang đá rộng hàng trăm mét vuông, có đường ăn thông ra phía sau núi giáp với rừng già. Hồi nhỏ Vinh đã từng cùng các bạn vào đấy cắm trại vào những dịp hè. Dù ngoài trời có oi bức đến đâu, vào hang cũng thấy mát lạnh. Những cây dâu da dại buông những chùm quả lúc lỉu trước cửa hang. Con đường vào hang đi qua rừng hồi cao hút, ngay cả khi không phải mùa quả hồi, khu rừng cũng thơm ngạt ngào. Có lẽ dầu hồi từ vụ trước còn nhiễm vào lòng đất, vào cỏ cây xung quanh. Không đỗ đại học, cô tình nguyện đi thanh niên xung phong. Khi về thấy khu hang động đã là khu vực cấm. Lối ra vào có một trạm gác, người không có nhiệm vụ không được vào. Thỉnh thoảng có những đoàn xe tải loại đại xa mười bánh nặng nề leo dốc vào hang. Thùng xe phủ bạt kín mít. Người ta kháo nhau trong đó lắp ráp tên lửa vì thỉnh thoảng bắt gặp xe com măng ca chở chuyên gia Liên Xô ra vào. Dân trong vùng vì thế ít qua lại vùng này. Ngày chưa có hiệp định Pa Ri nhiều lần tàu bay Mỹ qua đây. Khu quanh ga Bắc Thuỷ bị đánh bom ác liệt. Rất may cây cầu Bắc Thuỷ vẫn còn. Nó tồn tại được nhờ thế núi che chở. Máy bay khó thả bom, bắn tên lửa. Nhưng lực lượng phòng không ở đây dày đặc, Khiến chúng không đủ bình tĩnh để tiếp cận mục tiêu. Ngoài việc đánh sập được nhà ga và một trường tiểu học, bom Mỹ hầu hết đổ xuống khe núi, xuống suối sâu. Những hố bọm trên sân ga đã được san lấp. Nhà ga được dựng lại tạm bằng tre nứa. Vì là ga lẻ, hành khách không đông. Thỉnh thoảng mới có vài người khách lên xuống ga này. Chủ yếu là bộ đội, công nhân đi và trả phép. Sân ga duy nhất một hàng nước sơ sài. Hàng bày trên chiếc bàn ghép bằng trúc chỉ là hoa quả. Mùa này nhiều mắc coọc và quýt sớm, mấy gói thuốc lá cuộn, ít kẹo lạc, kẹo vừng.
Nhận lời Vinh mấy lần, hôm nay gã mới xuống nhà cô được. Dọc đường gặp người quen, cô đều giới thiệu gã là " Người yêu " hoặc " Chồng chưa cưới "của cô. Cô khoác tay, đeo cứng lấy gã. Thái độ bạo dạn này làm cho gã có vẻ ngần ngại. Khác với chị gái rụt rè, e lệ bao nhiêu thì cô tự nhiên, dạn dĩ bấy nhiêu. Tính cách một cô gái như vậy không hấp dẫn gã lắm. Theo gã nó thiếu phần nữ tính, bí ẩn của vẻ đẹp người con gái. Thứ mà người đàn ông nào cũng tò mò, tìm hiểu. Bản tính chinh phục thuộc về phía nam hơn là khi người nữ chủ động. Có lẽ Tường Vinh sống trong môi trường tập thể lâu năm, lại là nơi cuộc sống đối đầu với bom đạn, không biết sống chết thế nào tạo cho cô tính cách ấy chăng?
Có lần gã hỏi Kiều Hoa về nhận xét này, anh ta chỉ cười nhỏ nhẹ:
- Tính dì nó bạo dạn như thế từ bé, cứ như bọn con trai. Nhưng về tình cảm thì nghiêm lắm đấy. Anh nào đòi hỏi bậy bạ là nó đá đít ngay. Đá thật chứ không đá chơi, nghề đầy mình đấy.
Thì ra thế, gã cũng hơi hoảng. Tuy đã trải qua một cuộc hôn nhân, yêu đương không phải lần đầu, nhưng tính cách mạnh mẽ này thì lần đầu tiên gã gặp.
Lại nghe nói ông bố ngày xưa mở lò luyện võ ở ngoài Quảng Ninh. Ngang dọc một thời rồi mới về lập nghiệp ở đất này. Cả hai ông bà đều là người Tiền Châu. Từ ngày Trung Quốc nóng lên vì cách mạng văn hoá, ông bà không về thăm bà con. Trước đây mỗi năm một lần ông đều sang Phúc Kiến rồi xuống Quảng Đông có lần Vinh cũng được đi theo. Nguồn sống của gia đình là vườn hồi và lò sấy thuốc lá.
Hoàn cảnh gia đình Vinh có cái gì là lạ, kích thích trí tò mò gã. Vợ chồng Kiều Hoa cũng rất mong mai mối cho đứa em dì. Anh bảo vợ:
- Thanh niên thời nay hiếm như mỳ chính cánh, có anh nào tử tế ra dáng đàn ông đều ra trận cả. ở nhà còn sót anh nào không què cũng điếc. Kiếm được tấm chồng như tay này không dễ. Anh ta lại là người có học, biết nghề. Hoàn cảnh nào cũng sống được.
Tường Lan nói:
- Nhưng mình đã biết quê quán, hoàn cảnh thực sự của anh ta ra sao? đi lại với nhà mình, quen biết lâu rồi, nhưng những việc như thế này không vội được!
- Nếu cô cậu ăn ý thì việc đó có gì khó.Từ lai xá quê mình lên chỗ hắn chưa đến hai chục cây số. Muốn hiểu đến ngọn ngành lúc nào không được? Cũng chỉ như chuyến về thăm nhà. Lần trước ông bố vợ lên ở chơi hai ngày. Kiều Hoa nhân lúc mọi người vắng nhà đã gợi ý nói sơ qua với ông. Ông không tỏ thái độ đồng tình, hay phản đối, chỉ nói "Để xem". Ông người to lớn để râu con kiến, nét mặt phong trần, cặp mắt nhìn như xoáy sâu vào ý nghĩ người đối diện. Nếu là người có điều gì gian dối tiếp xúc với ông một lúc sẽ tỏ ra lúng túng. Kiều Hoa thấy gã gặp ông nét mặt vẫn bình thường, thậm chí có phần cởi mở hơn người khác. Ông già không để lộ một câu nào, nhưng trên nét mặt ông thoáng một nét như cười. Chỉ khi nào ủng ý điều gì ông mới có biểu hiện ấy.
Tối hôm qua, sau bữa cơm Kiều Hoa bảo gã:
- Có mấy ông già bạn của ông ngoại mình trong tổ hưu nhờ chụp ảnh chân dung cho các cụ. Bận quá mình chưa làm được, sợ để lâu các cụ trách. Người già rất khó tính. Nhân có dì Vinh lên, mai đưa cậu về chụp cho các cụ luôn. ở dưới không xa, nhưng nó hơi trái đường nên chẳng mấy khi xuống được. Nhân thể thăm ông bà ngoại mình luôn.
Gã không tỏ ra biểu hiện gì, nhưng cũng không từ chối. Từ hôm lên đây đã gần ba tháng trời, gã chưa đi đâu xa, chỉ loanh quanh trong thị xã. Những lúc rỗi việc gã thả bộ lững thững ra cầu Kỳ Lừa, dạo qua chợ mà không mua bán gì. Kể cả cửa hàng ăn trung tâm gã cũng không bước vào. ở đó cũng chỉ bánh bao, sữa đậu nành không hấp dẫn. Những quầy hàng tư nhân quanh chợ bán hàng Trung Quốc còn phong phú hơn. Đủ các loại kẹo bánh, đèn pin, bật lửa. Chỉ mỗi tội giá cả hơi đắt. Cuộc sống đang lúc tạm bợ những thứ ấy gã cũng chưa muốn mua. Về chiều trời đã chớm lạnh. Mùa đông ở đây có lẽ sớm hơn ở dưới đồng bằng. Hôm ra đi gã đã không nhớ mang theo áo rét vì bấy giờ trời cũng không lạnh. Nên bây giờ sáng sớm và lúc cuối chiều gã rất ngại ra đường. Kiều Hoa đưa cho gã cái áo khoác nhưng gã mặc không vừa. Anh ta khổ người nhỏ nhắn như con gái nên áo của anh gã không cài hết được khuy áo. Tay áo thì ngắn cũn cỡ nom rất buồn cười. Gã đành treo trả lên mắc áo. Không biết bằng cách nào Tường Vinh đã chọn được cho gã chiếc áo Budon rất vừa người. áo hai lớp, lớp ngoài bằng ka ki pha nilon, lớp trong bằng vải lụa dày. Có túi hai bên và một túi ngực may theo kiểu Trung Quốc ngắn cổ bằng len dệt. Gã hỏi cô mua hết bao nhiêu tiền, cô phụng phịu:
- Anh định thanh toán sòng phẳng phải không? Sòng phẳng quá là không còn tình cảm đâu đấy. Em kỷ niệm anh thì đã sao nào? Muốn trả em thì thiếu gì cách...
- Nhưng tôi thấy nó cứ ra làm sao, ai lại.....
- Không trăng sao gì hết, anh không nhận em cũng nghỉ chơi với anh luôn. Có khi em không có diễm phúc....
Gã không nói gì thêm sợ cô gái phật ý. Tường Vinh bắt gã mặc thử, vừa người cài phéc mơ tuy hẳn hoi. Đây là lần đầu tiên trong đời gã được một người con gái chăm sóc. Gã đã từng yêu, từng có vợ. Nhưng những người con gái ấy chỉ biết nhận chứ chưa biết cho gã thứ gì. Gã mủi lòng suýt nữa thì ứa nước mắt.

ó
ó   ó

            Không ai chạy trốn được số phận mình . Cho dù có bay lên trời hay chui xuống đất thì rủi ro bất hạnh vẫn tìm đến. Nó có cách hành xử riêng của nó mà không một trường an ninh, hay cảnh sát nào truyền dạy. Đôi khi nó khoác bộ mặt bề ngoài giống như một ngẫu nhiên. Buổi tối ở nhà Tường Vinh không ngờ là buổi tối tự do cuối cùng của gã ở xứ lạng đang dày đặc sương mù này.
Lúc ăn cơm, Pá của Vinh bảo:
            - Không biết có việc gì mà công an trên tỉnh về đông lắm.
Vinh nói:
            - Anh Triệu công an xã vừa báo với con tập hợp dân quân để phối hợp công tác. Khu vực ta có hiện tượng và dấu vết khả nghi. Người ta thu được Tấm dù người giấu trong rừng hồi. Có khả năng biệt kích xâm nhập.
Ông già nói nhỏ đủ cho con gái nghe:       
            - Đang lúc tranh tối tranh sáng thế này nên để anh ấy lên thị xã với anh chị mày. Nhà có người ta trong lúc này phức tạp lắm.
Vinh cười nổi rõ hai má lúm đồng tiền. Cô hất hai bím tóc tết đuôi ra đằng sau:
            - Pá không phải lo. Nhà mình là cơ sở cách mạng. Con là dân quân ai người ta nghi ngờ mà pá phải lo. Sáng mai anh ấy cũng về trên ấy rồi. Tối tăm thế này ra ga mới không nên. Mình là người đàng hoàng, việc gì phải đi đêm đi hôm?
Ông già chưa yên tâm:
            - Tao cứ thấy thấp thỏm thế nào. Tự dưng thấy nóng tai, nóng gáy lắm, ấy dà....
            Gã cũng thấy máy mắt liên tục, nhưng không nói với ai điều này, không lẽ ở dưới quê người ta phát lệnh truy nã lên tới đây? Hay họ vẫn làm công việc thường xuyên truy bắt tội phạm? Kiểm tra hộ tịch, hộ khẩu là chuyện cơm bữa, nơi nào chả vậy. Vẫn đang là thời chiến, những biện pháp khẩn cấp không có gì làm lạ.
            Mà giả dụ mình có tạm bị giữ cũng không sao. Mình đâu có làm việc gì phi pháp mà phải lẩn tránh mãi? Họ giữ  điều tra, không có gì họ sẽ trả lại tự do cho mình thôi! Nếu nghĩ việc lẩn trốn bây giờ cũng không khó. Gã sẽ men theo bờ suối lên rừng hồi, sẽ tìm một nơi khác không ở Lạng Sơn nữa. Nhưng sẽ phải lẩn tránh đến bao giờ? Gã quyết định ở lại, ra sao thì ra. Tự tin vào sự vô can, vô tội của mình. Tường Vinh không biết tâm tư đang diễn ra trong lòng gã. Cô định rủ gã đi chơi thăm một người bạn nhà ở cùng khu. Gã lấy cớ người tự nhiên thấy khó chịu. Có lẽ ăn phải một thức ăn gì không ưa. Cô lấy lọ dầu Bạc Hà Trung Quốc cho gã xoa, bắt gã phải nằm nghỉ, đắp một cái chăn mỏng lên bụng. Hai ông bà già còn ngồi dưới bếp. Trời chưa đến độ rét lắm nhưng hai ông bà theo thói quen. Hai người ngồi rất lâu mới đi ngủ.
Bà bảo:
            - Đi ngủ sớm trằn trọc không ngủ được ngay. Ngồi cho thật mỏi nó dễ ngủ mà.
            Tường Vinh mang cây đèn búp măng đốt bằng dầu đặt lên bàn cạnh chỗ gã nằm. Cô kéo ghế ngồi bên giở cuộn len ra đan. Cái áo chưa thành hình nên chưa thể biết là áo nam hay áo nữ, gã định hỏi cô một câu để phá tan không khí trầm lặng, nghĩ thế nào lại thôi. Xa xa nghe tiếng tắc ke rúc trên vách núi.
            Nửa đêm gã tỉnh giấc không nhớ là mình đã chợp mắt lúc nào. Đèn đóm trong nhà sáng choang. Bóng người lố nhố toàn công an, dân quân. Gã bị thức dậy giữa lúc đang mơ cùng Tường Vinh bắt cá suối, gã bắt được những con cá to đưa cho cô. Nhưng cô lại để tuột khỏi tay. Bực quá cô liền cởi áo buộc túm lại. Cô bạo dạn quá khiến gã phải quay mặt đi.
            Một người đứng tuổi, mặt to, tóc quăn mũi khoằn, hai hốc mắt sâu hỏi gã:
            - Anh có giấy tờ gì không, chúng tôi kiểm tra vì đây là khu vực đặc biệt người lạ không được vào!
            Gã lúng túng:
            - Dạ thưa tôi chỉ có cái thẻ sinh viên.
Người đó mặc cái áo dài, không rõ công an hay bộ đội. Ông ta cầm cái thẻ soi đèn pin, lật đi lật lại rồi đưa cho người đang ngồi bên bàn trước mặt có để tập giấy:
            - Cái thẻ này không thay căn cước được. Nó cũng quá hạn lâu rồi. Không lẽ anh về cơ quan mới người ta chưa làm cho anh hay sao?
Gã đáp:
            - Vâng!
            Gã định trình bày rõ ràng hoàn cảnh của mình. Nhưng chợt nhớ ra có lần Cao Phương nhân một câu chuyện gì đó nói trong trường hợp tương tự, nói càng ít càng tốt. Gã lại thôi.
            Người này gọi một hai người khác ra một góc, chắc họ trao đổi riêng gì đấy. Một lúc sau ông ta quay lại bảo:
- Vì căn cước của anh bất minh, chúng tôi yêu cầu anh về đồn. Nếu không sai phạm gì chúng tôi sẽ để anh về. Về phía gia đình mong ông bà và cô thông cảm. Chúng tôi chỉ làm phận sự của mình!
Gã không ngờ Tường Vinh lại bình tĩnh đến thế, cô nói với người mặc áo da:
- Cháu nghĩ có điều gì nhẫm lẫn ở đây. Anh ấy làm ở chỗ anh chị cháu, là người cùng quê với anh rể. Đề nghị bác xem lại.
            Ông ta bảo:
- Nếu anh ta là người tốt, không vấn đề gì, thì mai anh ta sẽ về. Công việc đêm nay không chỉ ở đây. Chúng tôi kiểm tra cả khu, thời gian có hạn. Mong gia đình hợp tác với chúng tôi.
            Gã thoáng hiểu sự việc một chút và cũng không muốn để bố mẹ Vinh nghĩ xấu về mình. Mới ngày đầu ra mắt bố mẹ Vinh đã gặp chuyện không hay. Gã nói:
- Hai bác và Vinh cứ yên tâm. Thế nào cháu cũng quay lại, không có gì phải lo lắng đâu. Nếu anh chưa về kịp Vinh nói lại với anh chị Hoa hộ anh.
            Trong lúc người ta lập biên bản, cô gói gém đồ đạc cho gã. Vinh định để lại chiếc máy ảnh mang trả cho Hoa nhưng anh công an gần đấy không nghe. Cô gói cho gã một ít thuốc lá sợi, mấy quả cam và vài thứ lặt vặt. Cô bảo ngày mai sẽ lên thăm gã.
            Bốn năm người đưa gã ra cái xe đỗ ngoài đầu dốc. Những người địa phương ở lại. Trên xe còn có hai người lạ nữa, nhìn cách ăn mặc gã biết họ là người Hoa. Tuy suốt chặng đường họ không hề nói một câu nào. Nét mặt họ lầm lỳ căng thẳng. Sau này gã biết họ từ bên kia biên giới sang. Cách mạng văn hoá của đất nước vĩ đại ấy đã đưa đẩy những trí thức trẻ tha hương. Rồi họ sẽ được di lý trở về quê hương bản quán. Không biết những điều gì đang chờ đón họ?
            Gã ngạc nhiên trước thái độ của chính mình. Một vẻ thản nhiên như của người khác. Liệu có phải tình thế không nghĩ được gì người ta cũng không nghĩ nữa?
Chiếc xe đã ra tới đường nhựa. Nó không rẽ vào huyện công an mà thẳng lên thị xã. Nó dừng lại ngôi nhà trên đỉnh đồi có tường xây bao quanh. Phía dưới thung lũng hình lòng bát là khu trại giam của tỉnh. Sau vài thủ tục nhập trại gã được đưa xuống con dốc dài chia thành từng bậc. Gã không nhớ bước xuống bao nhiêu bậc, nhưng cảm thấy con đường sâu hun hút, cách biệt với thế giới bên ngoài, như đi vào lòng đất. Gã được vào một phòng giam nền đổ bê tông. ánh đèn điện yếu ớt không nhìn tỏ mặt người. Gã thấy từng đám đen khẽ nhao nhác khi thấy gã vào. Cánh cửa dày đóng sập lại, gã tựa vào tường, đầu óc trống rỗng, hoang mang, sương mù bên ngoài lúc một dày. Giá lạnh thấu qua khe cửa.
Rồi đây mọi việc sẽ ra sao?
Mấy ngày sau đó gã mới được đi hỏi cung. Bản cung của gã cũng không có gì nhiều ngoài các mục: Họ tên, quê quán, nghề nghiệp...
Lý do tạm giam cũng chỉ do gã không đủ giấy tờ, những trường hợp này trại tạm giam nào cũng đông. Người ta sẽ gửi công văn đi xác minh, cũng có trường hợp cử cán bộ trực tiếp điều tra. Nếu bị can không phạm tội lỗi gì sẽ được tha. Nhưng có nhanh cũng phải hàng tháng.
Gã mong sao ở dưới quê người ta không phản ánh điều gì phức tạp. Nhưng nếu người ta ghi vào hồ sơ là có nghi vấn chuyện nọ, chuyện kia thì đáng sợ vô cùng. Lão Đởm sẽ nhân cơ hội này dậu đổ bìm leo, đóng sống cho gã những tội lỗi mà gã không hề làm. Khả năng này là có thật. Dù có lo lắng cũng không làm được gì khác. Gã đành nén lòng chờ đợi.
Bốn tháng sau, vào lúc năm giờ sáng người ta vào phòng giam gọi gã dậy. Trong phòng Phạm xì xào:
- Chắc thằng này bị di lý về xuôi rồi.
Gã theo người công an trẻ tuổi lên nhà trực ban làm thủ tục. Giấy tờ hồ sơ anh ta cho vào sắc cốt, còng tay gã bằng khoá số tám. Sương mù đặc quánh, mờ mịt chỉ nhìn thấy một khoảng trước mặt. Nếu gã có ý định bỏ trốn lúc này thật quá đơn giản. Nhưng gã vẫn tin vào sự vô tội của mình. Khi lên tàu người công an còn mở khoá cho gã đi vệ sinh. Gã chỉ cần nhảy xuống chưa chắc anh ta đã đuổi bắt. Anh ta còn quá trẻ, trông có vẻ ngờ nghệch, chắc mới vào nghề. Gã đã không trốn, về công an tỉnh, gã hy vọng mình được minh oan và trở lại tự do.





Phần nhận xét hiển thị trên trang

Không có nhận xét nào: