Lara Owen
Năm Tỵ sẽ nhường chỗ cho năm Ngọ vào ngày 31/1 tới (và năm tuổi Rắn may mắn của tôi cũng sẽ kết thúc). Bánh bao, phong lì xì đỏ, và pháo sẽ nổ vang để đón chào năm mới của người Hoa trên toàn cầu.
Quần đảo nhỏ Guernsey vừa mới phát hành một bộ tem kỉ niệm năm Ngọ. Thậm chí Anh Quốc cũng vừa cho ra mắt bộ sưu tập đồng xu đầu tiên của nước này về Tết Âm lịch.Trong những năm gần đây, văn hóa Trung Quốc ngày càng được quan tâm tại Anh.
Tết ở Anh quốc
Ngày càng nhiều người Anh thấy quen thuộc với dịp Tết năm mới của người Hoa.
Các thành phố lớn, không chỉ London mà cả Birmingham, Manchester và Leeds, đang chuẩn bị trang hoàng để công chúng đón mừng dịp lễ này.
Đối với nhiều người Anh, đây có lẽ là lần đầu tiên họ được trải nghiệm văn hóa Trung Quốc ngay trên xứ sở sương mù.
Vài năm trước, hình ảnh con rồng Trung Hoa đã được chiếu lên cây cột trụ có tượng Nelson nổi tiếng.
Nhiều bạn bè của tôi vẫn còn nhớ đến sự kiện đó, “Nhiều người bạn không phải là người Hoa của tôi đã viết về sự kiện đó trên Facebook, nó rất tuyệt.” Ruairi Garvey nói.
Đối với một số người khác, kí ức đầu tiên về Tết Âm lịch là ở trường, khi họ bồi giấy làm đèn lồng hay cắt mặt nạ hình rồng. “Chúng tôi thực ra không hiểu là đang làm cái gì, nhưng được thoải mái sáng tạo thì rất vui,” Richard Bennett nói.
Tuy vậy, với những thanh niên không sống trong khu vực tập trung nhiều người Hoa, thì chỉ khi lớn lên họ mới có những trải nghiệm văn hóa kiểu vậy.
“Lần đầu tiên tôi biết về Tết Âm lịch là khi vào đại học và học tiếng Trung. Tôi không lớn lên ở một thành phố lớn và lại sống trong khu vực đa phần là người trung lưu da trắng, cho nên không có nhiều bạn bè từ các nền văn hóa khác nhau lắm.” Ellie Hinton nói.
'Vui nhưng khó hiểu'
"Dịp ăn mừng Tết Âm lịch tại các khu phố của người Hoa trên khắp nước Anh là một sự kiện rất thú vị, nhưng những phong tục, tập quán cổ truyền của nó có lẽ không truyền được nhiều thông điệp lắm đến với người dân ở đây."
Đã từng tham gia lễ hội ở Birmingham năm ngoái, tôi không nghi ngờ gì về việc rất nhiều người Anh thấy thích không khí Tết.
Tuy vậy, tôi đồ rằng chỉ một số ít hiểu được ý nghĩa đằng sau tiếng trống ồn ã, những bộ trang phục và những điệu múa truyền thống.
Vì vậy, dẫu tôi nghĩ dịp ăn mừng Tết Âm lịch tại các khu phố của người Hoa trên khắp nước Anh là một sự kiện rất thú vị, nhưng những phong tục, tập quán cổ truyền của nó có lẽ không truyền được nhiều thông điệp lắm đến với người dân ở đây.
Trước tiên là cách tính lịch can chi Trung Quốc. Nhiều người có thể biết mình sinh năm con gì, nhưng rất ít người hiểu được ý nghĩa của nó.
Ngay cả cung hoàng đạo của phương Tây cũng không thể so sánh được với tầm quan trọng của Can Chi đối với người Trung Quốc. Nó ảnh hưởng đến việc kết hôn và thậm chí cả chuyện sinh con.
“Tôi rất tin vào chuyện này và sẽ không hẹn hò với ai không hợp tuổi,” cô Angela của BBC Tiếng Trung nói với tôi.
Dẫu không cùng quan điểm chọn người yêu dựa vào năm tuổi, và cũng không tin mình là một con rắn giảo quyệt đầy mưu mô vì sinh vào năm Rắn, nhưng tôi nghĩ rằng đó là một phần của văn hóa Trung Hoa cần được bảo tồn.
Mọi người có thể đặt câu hỏi rằng, vậy trải nghiệm của tôi với Tết Âm lịch là thế nào?
Tết ở Trung Quốc
Thực sự thì tôi không biết gì cho đến khi sang Trung Quốc và học tiếng Trung ở trường đại học.
Khi đó tôi mới thực sự hiểu về Tết Âm lịch, đặc biệt là về các dấu hiệu của cung hoàng đạo và quẻ bói, vốn tạo thành một phần quan trọng của dịp lễ truyền thống này.
Trước kia, với tôi Tết Âm lịch chỉ đơn giản là bác hàng xóm người Hoa, sống cạnh nhà cho đến khi tôi 15 tuổi, mời cả gia đình ăn một bữa thịnh soạn.
Tôi cũng không biết là Tết Âm lịch lại có nhiều tên đến vậy.
Tôi mau chóng nhận ra là Tết năm mới của người Trung Quốc cũng được gọi là “Xuân Tiết” (hội xuân), ý nói bắt đầu xuân sang.
Nhưng người ta còn gọi đó là “Quá Niên,” gợi đến một con quái vật tên là Niên mà thường đe dọa các thôn làng ngày xưa.
Khi được nghe giải thích về chuyện này, tôi mới hiểu được vì sao người Hoa lại nổ pháo suốt đêm ngày khiến tôi mất ngủ ở Trung Quốc. Hóa ra đó là bởi người Hoa muốn xua đuổi quái vật đi.
Khi tôi giải thích cho cậu em trai Leo của tôi, cậu bé kết luận:”Họ ăn mừng để đuổi một con quái vật ăn thịt người, như vậy thì ghê quá!”
Tết Âm lịch đầu tiên của tôi là vào năm 2006, tôi ăn Tết với gia đình người Hoa tôi ở cùng khi sang Trung Quốc theo chương trình sinh viên trao đổi văn hóa.
Khi tôi xuống tàu, tôi thấy có hàng nghìn người đang chờ chực ở nhà ga mà không thể về nhà đón năm mới. Chủ nhà người Hoa của tôi nói rằng gia đình họ đã rất may mắn khi cả nhà được đoàn tụ, dẫu cách xa nhau đến hàng nghìn dặm.
Vào đêm Giao thừa, trong bầu không khí rất rộn rã, mọi người trong đại gia đình nhà chủ tặng cho nhau những phong bao đỏ đựng đầy tiền mừng tuổi.
Tôi chẳng chuẩn bị gì cả và thấy hơi xấu hổ. Nhưng rồi tôi thấy nhanh chóng được an ủi rằng theo truyền thống thì chỉ những người độc thân, ít tuổi hoặc chưa có việc làm mới được nhận tiền lì xì ở Trung Quốc.
Tôi vẫn nhớ tôi đã nói đùa với người bạn Trung Quốc của mình:” Có lẽ cậu nên độc thân càng lâu càng tốt!”
Làm bánh bao Tết là một trong những thứ tôi ưa thích, và tôi thấy rất thú vị là việc bỏ một đồng xu may mắn vào bánh bao của người Hoa cũng không khác mấy so với cách người Anh làm với bánh pudding Giáng sinh.
Phải lúng túng một lúc tôi mới làm ra được cái bánh giống hình thù bánh bao một chút. Mẹ của bạn tôi bảo cái bánh tôi làm giống kiểu “Liên Hợp Quốc.” Tôi không biết có nên coi đây là một lời khen hay không.
Khi Tết Âm lịch vào đoạn cao trào nhất, chúng tôi có tham gia thêm một số hoạt động như nhặt cam và chuẩn bị bữa sáng truyền thống kiểu Trung Quốc.
Trong ngày cuối cùng của tôi với gia đình người Hoa, chúng tôi lên chùa thắp hương tưởng nhớ tiền nhân của gia chủ. Tôi rất ngạc nhiên là có khá nhiều người đến đó.
Thật thú vị khi ở một thành phố ồn ào náo nhiệt như nơi tôi đến, Tết Âm lịch là thời gian để mọi người đoàn tụ và nhớ về tổ tiên, để suy ngẫm không chỉ về giá trị vật chất mà còn cả tinh thần.
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét