Dương Chí Dũng, chuyện đằng sau những danh hiệu giả tạo
"Phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta có nhiều khuyết điểm trong việc đề bạt, điều động, bổ nhiệm ông Dũng vào các vị trí công tác mà ông ta đã đảm nhận." Luật gia Nguyễn Trương Tín, Đại học Luật TP.HCM chia sẻ.
Dương Chí Dũng trước vành móng ngựa.
Vậy là phiên tòa hình sự sơ thẩm, xét xử bị cáo Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác về tội tham ô tài sản và cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, đã khép lại với mức hình phạt cao nhất là tử hình dành cho bị cáo Dương Chí Dũng.Có người hỏi tôi với mức án nghiêm khắc như vậy, tội phạm tham nhũng và xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có giảm đi không? Tôi trao đổi rằng số lượng loại tội phạm nào đó tăng hay giảm còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, việc xử lý nghiêm khắc những người phạm tội chỉ là một trong những yếu tố đó mà thôi. Trên cơ sở nghiên cứu tổng thể về tội phạm học mới có thể đưa ra câu trả lời thuyết phục nhất.
Tội phạm tham nhũng và tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế ngày càng gia tăng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội ngày càng tinh vi và phức tạp. Thông qua vụ án Dương Chí Dũng cùng các bị cáo khác, công tác cán bộ, quản lý vốn nhà nước, thi đua, khen thưởng cần được đánh giá, nhìn nhận nghiêm túc. Nếu không khắc phục được những khuyết điểm về các công tác này thì hệ lụy tiêu cực cho xã hội sẽ ngày càng trầm trọng hơn.
Sai càng nhiều càng lên chức
Như báo chí đã đưa tin, trước khi làm lãnh đạo ở Vinalines, ông Dũng đã từng quản lý Tổng công ty Xây dựng Đường thủy (Vinawaco) và công ty này đã thua lỗ nặng. Tháng 8/2005, ông Dũng được bổ nhiệm vào chức Tổng giám đốc Vinalines, đến tháng 7/2011 được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Bên cạnh đó, ông Dũng còn được bầu làm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy Vinalines. Đến đầu tháng 2/2012, sau khi thôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines, ông Dũng được điều động, bổ nhiệm vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Dương Chí Dũng nhận quyết định bổ nhiệm
chức vụ Cục trường Cục Hàng hải VN
Việc sai phạm của ông Dũng như thế nào đã được mổ xẻ trong phiên tòa sơ thẩm vừa qua và sẽ được tiếp tục làm sáng tỏ trong phiên tòa phúc thẩm sắp tới. Nếu sai phạm của ông Dũng đúng như nhận định của bản án sơ thẩm thì chúng ta cần xem lại cơ chế đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ đối với ông Dũng nói riêng và công tác cán bộ nói chung, để rút kinh nghiệm và khắc phục trong tương lai.
Phải thẳng thắn thừa nhận rằng chúng ta có nhiều khuyết điểm trong việc đề bạt, điều động, bổ nhiệm ông Dũng vào các vị trí công tác mà ông ta đã đảm nhận. Dùng phương pháp suy luận ngược và sử dụng mệnh đề “nếu… thì…” ta có: “Nếu làm tốt công tác cán bộ đối với ông Dũng thì hậu quả đáng tiếc sẽ không xảy ra như ngày hôm nay”. Mỗi một sai lầm chúng ta đều phải trả giá, cho dù sai lầm đó ở mức độ lớn hay nhỏ.
Trước khi được bổ nhiệm vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, theo như lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã trả lời báo chí thì ông Dũng đều hoàn thành tốt công việc, không có sai phạm gì. Câu hỏi đặt ra là thật sự ông Dũng đều hoàn thành tốt công việc, không có sai phạm gì trong các cương vị mà ông ta đảm trách tại thời điểm trước khi điều động, bổ nhiệm hay không?
Theo quy trình, trước khi đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ vào một vị trí nào đó, đặc biệt là sắp xếp họ vào vị trí công tác mới thì phải tìm hiểu kỹ một số nội dung như: ở cương vị cũ anh có hoàn thành tốt công việc chuyên môn hay không, năng lực quản lý của anh như thế nào, đạo đức, lối sống cũng như tinh thần đoàn kết nội bộ ra sao… Không ít trường hợp muốn đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ phải thực hiện thủ tục thăm dò, lấy phiếu tín nhiệm tại cơ quan cũ và cơ quan mới để đảm bảo tính dân chủ.
Trong trường hợp này, Vinalines có nhiều sai phạm trước đó, tại thời điểm bổ nhiệm, Vinalines đang bị thanh tra, ông Dũng có nhiều dấu hiệu sai phạm nhưng lại được quyết định điều động, bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải là sự vội vàng quá mức cần thiết. Và rất may là sau đó, sai phạm của ông Dũng đã được kịp thời phát hiện, xử lý. Nếu không thì trên cương vị mới, không biết là ông ta có thêm sai phạm gì đặc biệt nghiêm trọng nữa không.
Kiến nghị truy trách nhiệm: Chỉ là hình thức
Vốn nhà nước bị chiếm dụng, bị thất thoát, bị sử dụng không đúng mục đích với số lượng lớn ở Vinalines trong một thời gian dài thì các cơ quan liên quan có chịu trách nhiệm gì không?
Trong các năm bị thua lỗ thì Vinalines đã hạch toán báo cáo đều có lãi, cụ thể năm 2007 lãi 943 tỉ đồng, 2008 lãi 1.272 tỉ đồng, 2009 lãi 342 tỉ đồng, 2010 lãi 114 tỉ đồng. Sau này, thanh tra phát hiện sai phạm rồi chuyển cho cơ quan điều tra, kết luận việc hạch toán lãi trong các năm bị thua lỗ là do sự lừa dối, phù phép của ông Dũng cùng nhiều người khác, nhưng ở đây dấu ấn về trách nhiệm của các chủ thể liên quan đã khá rõ.
Việc để Vinalines phù phép lỗ thành lãi trong các năm làm ăn thật sự thua lỗ là có không ít trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Kiểm toán nhà nước.
Tòa án cấp sơ thẩm đã khẳng định: Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có chức năng quản lý ngành, phối hợp với cơ quan khác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines; còn Bộ Tài Chính là cơ quan quản lý ngành có chức năng cùng cơ quan khác có chức năng giám sát, việc quản lý sử dụng vốn, đánh giá kết quả kinh doanh của Vinalines.
Tòa án cấp sơ thẩm cũng đã kiến nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý sai phạm nếu có. Việc đánh giá và kiến nghị của tòa án cấp sơ thẩm là thuyết phục. Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tiễn cho thấy các kiến nghị đó đôi khi chỉ là hình thức và thường sẽ đi vào quên lãng bởi thiếu cơ chế kiểm tra, giám sát và thiếu sự quyết liệt cũng như không có cơ chế chịu trách nhiệm của cơ quan được kiến nghị.
Theo quy định của pháp luật, Kiểm toán Nhà nước có chức năng kiểm toán tài sản công, kiểm tra chi tiêu, đánh giá báo cáo tài chính các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, giúp tài chính nhà nước minh bạch, hạn chế tham nhũng.
Trong một thời gian dài, ông Dũng cùng các đồng phạm đã sai phạm ở Vinalines thì Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm gì không? Không kiểm toán hay có kiểm toán nhưng do năng lực chuyên môn yếu kém nên không phát hiện được sai phạm, hoặc thiếu trách nhiệm trong việc kiểm toán để dẫn đến sai phạm ngày càng trầm trọng hơn? Mặt khác, thanh tra nhà nước có trách nhiệm gì không trong việc để sai phạm xảy ra trong một thời gian dài ở Vinalines?
Dường như kết luận điều tra của cơ quan điều tra, cáo trạng của viện kiểm sát cũng như bản án sơ thẩm của tòa án không hề quan tâm đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan này là chưa toàn diện.
Đằng sau những danh hiệu giả tạo
Một trong những cơ sở để đề bạt, điều động, bổ nhiệm ông Dũng vào các vị trí công tác chính là năng lực chuyên môn, năng lực quản lý cũng như đạo đức, lối sống của ông Dũng. Lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải đã từng khẳng định rằng: “Trong ngành tất cả các đánh giá cán bộ cuối năm và hàng năm, ông Dũng đều được nhận xét rất tốt”.
Điều đó chứng tỏ rằng hàng năm ông Dũng đều được phân loại, bình xét là chiến sĩ thi đua, lao động xuất sắc về mặt chính quyền, là đảng viên xuất sắc hoàn thành tốt nhiệm vụ, là đoàn viên công đoàn xuất sắc, là lãnh đạo giỏi… Và cuối cùng, những danh hiệu ấy đều là những thứ giả tạo, do lừa dối hoặc do sự áp đặt quyền lực mà có.
Nếu vậy thì có phải ông Dũng quá tài giỏi khi lừa dối, qua mặt cả tập thể Vinalines; lừa dối, qua mặt cả cấp trên của mình; lừa dối, qua mặt cả các tổ chức chính trị, đoàn thể khác; lừa dối, qua mặt cả Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Nhà nước… để có được những danh hiệu hảo huyền ấy và từ những danh hiệu đó mà lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải lấy làm cơ sở cho việc đề bạt, điều động, bổ nhiệm ông Dũng vào chức Cục trưởng Cục Hàng hải?
Hoặc là vì cả nể nhau, sợ bị trù dập, hay chấp nhận cảnh “sống chung với lũ” mà những người biết sai phạm của ông Dũng nhưng không dám nói thẳng, không dám đấu tranh chống tiêu cực.
Hoặc những người biết sai phạm của ông Dũng nhưng không nói lên sự thật bởi lẽ chính họ cũng có lợi trong việc im lặng dẫn đến năm nào ông Dũng cũng được đánh giá là hoàn thành rất tốt nhiệm vụ.
Ở một khía cạnh khác, việc ông Dũng hoàn thành rất tốt công việc hằng năm không loại trừ có sự "độ lượng" từ... cấp trên.
Trong khi đó, Vinalines làm ăn thua lỗ triền miên, phải được Bộ Tài chính cho phép giảm khấu hao, chênh lệch tỷ giá được phân bổ giãn ra, là điền kiện để ông Dũng cùng các bị cáo khác báo cáo cơ quan cấp trên và cơ quan có thẩm quyền là có lãi nhưng thực chất thì các năm đều làm ăn bị thua lỗ.
Mặt khác, nội bộ Vinalines có mâu thuẫn, mất đoàn kết trầm trọng nhưng ông Dũng vẫn được đánh giá hàng năm là rất tốt nên được đề bạt, điều động, bổ nhiệm vào những chức vụ cao trong cơ quan Đảng cũng như Nhà nước.
Trên đây là những bình luận, phân tích bước đầu của chúng tôi hậu phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử bị cáo Dương Chí Dũng cùng đồng phạm. Xử lý nghiêm đối với tội phạm tham nhũng cũng như tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế là một hướng đi đúng theo quan điểm của Đảng và Nhà nước.
Tuy nhiên, chúng ta cần phải nghiên cứu cội nguồn, nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến sai phạm để có những giải pháp phù hợp trong công cuộc phòng, chống tham nhũng mà toàn thể dân tộc Việt Nam đang mong đợi.
Bản thân người viết cho rằng công tác cán bộ, công tác quản lý vốn nhà nước, công tác thi đua, khen thưởng là những vấn đề cốt lõi cần phải giải quyết trong công cuộc phòng, chống tham nhũng bên cạnh những hình phạt thích đáng cho những ai xem thường pháp luật, vì đồng tiền, vì tư lợi bất chính mà quên đi những trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đã giao phó.
Nếu chúng ta không tìm ra được những nguyên nhân cốt lõi, những khuyết tật đích thực để giải quyết thì cho dù mức án cao nhất là hình phạt tử hình cũng chỉ giải quyết được hiện tượng chứ bản chất của vấn đề vẫn không bị thay đổi.http://www.doisongphapluat.com/phap-luat/ho-so-vu-an/duong-chi-dung-chuyen-dang-sau-nhung-danh-hieu-gia-tao-a19316.html
Phần nhận xét hiển thị trên trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét